29 tháng 11, 2020

Đà lạt chuyện chưa kể

Thực ra thì cả nhóm dân lớp 16D K2 của tôi ở SG trước đó đã thống nhất cao là sẽ đi Đà Lạt họp lớp bằng xe ô tô giường nằm cao cấp loại Limousine siêu VIP. Đi xe này tha hồ ngắm cảnh đường đèo chứ mà đi máy bay thì chỉ 30 phút đã đến Đà Lạt. Cái gì mà vèo 1 cái là tới, chẳng thú vị gì.

HTS thì nói đi ban đêm, ngủ một giấc là đến. Nhưng anh Nguyễn Quang Phú thì nói đi ban ngày, không chỉ để được ngắm cảnh đẹp 2 bên đường mà còn để lỡ xe có mất phanh mất lái (Chẳng hiểu sao trong các bộ phận của ô tô, 2 thứ này hay bị mất nhất) rơi xuống đèo thì người ta còn dễ dàng cứu hộ, dễ tìm ra xác chứ ban đêm nằm dưới vực biết đâu mà mò(!).

Thế là cả hội 7 tên nhất trí đi xe giường nằm siêu VIP ban ngày giá từ 350k đến 400K. Đi xe này mỗi người có riêng 1 phòng giường nằm sang trọng như khách sạn, có cả WIFI, có luôn màn hình TV, có rèm che kín đáo, có luôn cả WC...

OK. Gần sát ngày đi sẽ gọi nhà xe vé.

Lớp 16D K2 ĐHSP Vinh họp mặt kỉ niệm 45 năm ngày nhập học. 
Đà Lạt, 21 - 24-/11/2020

Nhưng. Tối 8/11 tôi lên mạng đọc đc tin và hình ảnh về chiếc xe UAZ chở 7 khách du lịch rơi xuống đèo sâu cả trăm mét ở tại thôn Bản Mồ, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) làm 3 người chết ngay tại chỗ, 4 người bị thương nặng.

Đọc xong run quá.

Thế là. Liền lấy đt ra đặt mua ngay tấm vé khứ hồi SG – ĐL.

Mua xong chụp hình vé post lên Fanpage của lớp 16D nhằm cảnh báo cho anh Phú và cả nhóm biết.

Nhóm xem xong lặng hết cả người không ai nói gì, ai cũng lẳng lặng bấm đt book ngay vé máy bay trong đêm.

Thế là kế hoạch đi xe siêu vip lên Đà Lạt ngắm cảnh cho sướng toang vào phút chót.

Thế mới biết ở đời đừng khẳng định trước bất cứ 1 cái gì. Đến giờ chót vẫn còn chưa chắc.

Và rồi thì, chuyến đi ĐL họp lớp 4 ngày đã rất an toàn. Thậm chí đi về nhiều người còn khỏe mạnh hơn. Anh Phú thậm chí còn tăng 2 kí.

Trái sang: Uông Ngọc Dậu, Lê Trọng Minh, Lê Em, Hà Tùng Sơn


Ở Đà Lạt nhiều người đi du lịch về và nhất là cánh báo chí, mạng XH nhiều lúc vẫn vống lên chê bai nơi đây là 1 cái máy chém. Từ ăn đến ở đến đi lại, mua sắm giá cả cứ như cắt cổ thiên hạ.

Nhưng tôi đi ĐL nhiều lần có thấy ai chặt chém gì đâu. Thậm chí mềm là khác.

Về chuyện ở: Năm trước tôi lên ĐL đặt phòng ở KS Hoa tulip giá phòng (ngày thấp điểm, not cuối tuần nhé) chỉ 350k/ phòng bao luôn ăn sáng.

Năm nay lên, ở KS Hoàng Hà nhà bạn Thắng Cúc 203 Nguyễn Công Trứ (Được mời ở miễn phí), một KS mới ra lò, mọi thứ còn mới toanh, thang máy bóng lộn và êm như ru; tò mò hỏi Thắng bn 1 phòng. 250k chứ mấy.

Họp lớp 16D K2 lần 3 năm 2020 tại khách sạn Hoàng Hà, 203 Nguyễn Công Trứ, phường 2, Đà Lạt

Có 1 buổi sáng cuối cùng trước giờ ra sân bay, tranh thủ ghé thăm và uống cafe ở khách sạn của cô bạn đồng hành SG – ĐL tên Hạ Dzuyên. Đó là biệt thự - khách sạn The K’Rin Villa nằm gọn trong lô B48-50 Khu Biệt Thự của ĐL cách trung tâm thành phố chỉ 900m. Trong đó một biệt thự em chia làm nhiều phòng cho thuê, mỗi phòng có giá thuê 500k/ngày; còn 1 biệt thự cho thuê nguyên căn giá 5,5 triệu/ngày đủ chỗ ở cho cả gia đình với tầm chục người. Cũng như KS Hoàng Hà của Thắng, Khách sạn của Dzuyên luôn full khách nhất là dịp cuối tuần nên khách muốn ở phải đặt phòng trước. Sang trọng thế, đẹp thế mà giá thế, ai nói chém chặt nhỉ.

Mua sắm: Lên Đà Lạt trời mát lạnh, đi qua các shop fashion khăn mấn, thấy các chị em mua 5 cái khăn quàng cổ mỏng manh điệu đà mà chỉ hết có 100k. Tính ra chỉ 20k/cái khăn quàng vô cổ bao trẻ bao đẹp bao luôn kiêu sa. 100k có khi chỉ ăn được 1 tô phở ngon ở quận 1, quận 3 SG. Ai chặt chém và chém ai đây. Vậy mà tôi chưa thấy báo đài, mạng XH hay dân chơi nào tố cáo dân SG chặt chém bao giờ.

Rất bất công.

Lên Đà Lạt lần này tôi ủ mưu mua 5 kí hồng mang về SG lột vỏ ngồi ăn cho đã. Đây là loại trái cây đã hút hồn tôi từ thuở còn học lớp 7 lớp 8 ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ăn bao nhiêu cũng không chán vì chuyên đi ăn trộm hồng ở vườn cây của hội phụ lão. Hái nguyên 1 bọc hồng túm vô áo rồi cả bọn trốn vô bụi tre ngồi ăn. Chín xanh chát ngọt gì cũng ăn. Nên mỗi lần lên ĐL, khi nào tôi cũng mua hồng mang về. Huống chi ĐL tháng này đang mùa hồng.

Ngay cửa KS Hoàng Hà có chị bán dâu tây và hồng sáng nào trái cây của chị cũng chất cao như 1 ngọn đồi nhỏ. Chị bán rất đắt hàng. Chưa đến chiều đã hết hàng.

Trước khi ra sân bay, tôi mua của chị 1 bọc to 5 kí hồng trứng mà chỉ mất có 110k. Thế là quá rẻ rồi, mỗi kí chỉ hơn 20k. ở SG 35k/kí mà trông bèo nhèo làm gì tươi ngon như hồng trứng ĐL.

Thế mà bọn Huệ Thu và mấy cô khác trong lớp lợi dụng lúc tôi qua chơi bên The K’Rin Villa đã kéo nhau ra chợ trung tâm mua mỗi người nguyên 1 túi hồng to 8 kí chỉ với 145k. Tính ra chỉ 18k/kí.

Tôi ngạc nhiên: Chúng mày mua thế là ép giá, là giết chết tươi người trồng hồng Đà Lạt à. Chúng nó nhe răng cười: Có mà ông dại gái nên mua đắt thì có. Ai chả biết chị bán hồng trước KS Hoàng Hà xinh gái. Mà nhìn lại thấy chỉ cũng xinh thiệt.

Dinh Bảo Đại Đà Lạt


Tô phở thời sinh viên (Bài đăng trên báo Nghệ An, 28-11-2020)

Đó là cái thời những năm sau chiến tranh chống Mĩ, tôi đang là sinh viên theo học ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Khỏi phải nói về vô vàn những sự khó khăn, thiếu thốn và đói khổ khi đó. Áo quần không cần đẹp chỉ cần lành lặn, ăn không cầu ngon chỉ cần no.

Thế nhưng giữa cơn tăm tối triền miên của cái thời bao cấp ấy, những ngày tháng sinh viên của tôi vẫn thỉnh thoảng lóe lên một đốm sáng.

Từ trường tôi đi về phía phà Bến Thủy (bây giờ là cầu Bến Thủy) khỏang một cây số có một quán phở ngon nổi tiếng: Phở bà Bốn. Một quán phở ngon nhưng quy mô nhỏ thôi và không nhiều khách ăn dù mỗi bát chỉ có giá ba hào bạc (hào: cái đơn vị tiền tệ mà ngày nay lứa tuổi từ 9X trở về sau hầu như không biết, mười xu thành một hào, mười hào thành một đồng). Đơn giản thôi vì ngày đó không phải ai cũng dám hoang phí bỏ ra ba hào bạc để ăn một tô phở. Bạn cứ hình dung ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Bến Thủy bên kia đường đối diện phở bà Bốn, một bát cháo bò hoặc một cái bành mì to có giá chỉ một hào là đủ biết ba hào nó giá trị như thế nào.

Như ở lớp tôi thường chỉ những sinh viên là cán bộ, giáo viên cấp hai đi học hoặc bộ đội xuất ngũ được hưởng lương và phụ cấp kha khá thì mới có thể âm thầm mỗi tuần thưởng thức phở bà Bốn một lần. Tôi là một trong số đó, là bộ đội xuất ngũ nên một tháng có 36 đồng phụ cấp, sống vung vinh hơn chút xíu so với các bạn sinh viên trơn chỉ có 18 đồng học bổng một tháng.

Sáng chủ nhật, tôi và vài bạn bè rủ nhau tung tăng đến phở bà Bốn. ở quán này, chủ và khách thường không phải nói gì với nhau vì bà Bốn chỉ bán một loại duy nhất là phở chín. Khách vào quán tự tìm chỗ ngồi, nhân viên quán bưng bê cho khách chính là ông chồng của bà chủ quán.

Tô phở bà Bốn ngày ấy không to, không nhiều thịt nhưng biết chúng tôi là sinh viên đang tuổi ăn, bà thương tình nên thường cho thêm bánh phở nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ăn no của tuổi trẻ. Tô phở bà Bốn có nước phở trong, rắc ít hành lá thái vụn, hoàn toàn theo phong cách phở Bắc, nghĩa là không có rau giá hay tương các loại như bây giờ.

Ấy vậy mà những năm tháng đó được ăn một tô phở như thế là cả một sự xa xỉ.

Chúng tôi vừa hít hà hương thơm rất dậy mùi của tô phở vừa nắn nót vắt thêm múi chanh, cho thêm vài lát ớt chín đỏ, trộn cho đều lên rồi thận trọng húp những muỗng nước phở đầu tiên. Đó thực sự không phải là một phong cách lịch lãm trong thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc mà chẳng qua chỉ là một kiểu ăn dè của con nhà nghèo. Ăn nhanh quá hết uổng. Sức trai tuổi hai mươi như tôi ngày đó ăn xong tô phở bà Bốn chưa thể cảm thấy sự no nê mà thú thiệt, cả cái miệng và cái bụng vẫn còn rất thèm thuồng. Nếu có tiền, tôi có thể ăn bay một lúc ba tô phở như thế.

Nhưng đó chỉ là mơ ước.


Thầy Hiệu trưởng của trường tôi ngày đó, GS Phạm Qúy Tư, cũng là một khách ăn quen thuộc của phở bà Bốn (sau này thầy chuyển ra Hà Nội làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội).

Mỗi tuần GS Tư cũng đến đó ăn phở một lần vào sáng chủ nhật. Chỉ khác là thầy đi bằng cái xe đạp Liên Xô thầy mang ở Nga về còn chúng tôi đi bộ. Là giáo sư vật lý và rất hài hước, có lần thầy nói với chúng tôi ăn phở bà Bốn không chỉ thuần túy là ăn mà đó là một quá trình nạp thêm năng lượng, và mỗi tô phở bà Bốn có sức mạnh như một hạt nơtron trong bom nguyên tử.

Riêng tôi thì thấy mỗi lần ăn phở bà Bốn về, đầu óc tỉnh táo minh mẫn hẳn ra và học rất vào. Học đến đâu nhớ đến đấy. Có lẽ nhờ thỉnh thoảng ăn phở bà Bốn mà tôi học hành và tốt nghiệp đại học một cách rất trôi chảy.

Sau này ra trường đi làm, sống ở nhiều thành phố lớn, cuộc sống khá hơn, tôi đã được ăn phở ở những quán nổi tiếng, thơm ngon và hoành tráng hơn nhiều so với tô phở giản dị của bà Bốn nhưng chưa có tô phở ở đâu khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ và có nhiều cảm xúc như khi ăn phở bà Bốn phường Bến Thủy TP Vinh của những năm tháng sinh viên.

 Tô phở ngon ngày nay dù rất thơm ngon vẫn không quên được tô phở bà Bốn thời sinh viên nghèo đói

 Đó là cái thời những năm sau chiến tranh chống Mĩ, tôi đang là sinh viên theo học ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Khỏi phải nói về vô vàn những sự khó khăn, thiếu thốn và đói khổ khi đó. Áo quần không cần đẹp chỉ cần lành lặn, ăn không cầu ngon chỉ cần no.

Thế nhưng giữa cơn tăm tối triền miên của cái thời bao cấp ấy, những ngày tháng sinh viên của tôi vẫn thỉnh thoảng lóe lên một đốm sáng.

Từ trường tôi đi về phía phà Bến Thủy (bây giờ là cầu Bến Thủy) khỏang một cây số có một quán phở ngon nổi tiếng: Phở bà Bốn. Một quán phở ngon nhưng quy mô nhỏ thôi và không nhiều khách ăn dù mỗi bát chỉ có giá ba hào bạc (hào: cái đơn vị tiền tệ mà ngày nay lứa tuổi từ 9X trở về sau hầu như không biết, mười xu thành một hào, mười hào thành một đồng). Đơn giản thôi vì ngày đó không phải ai cũng dám hoang phí bỏ ra ba hào bạc để ăn một tô phở. Bạn cứ hình dung ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Bến Thủy bên kia đường đối diện phở bà Bốn, một bát cháo bò hoặc một cái bành mì to có giá chỉ một hào là đủ biết ba hào nó giá trị như thế nào.

Như ở lớp tôi thường chỉ những sinh viên là cán bộ, giáo viên cấp hai đi học hoặc bộ đội xuất ngũ được hưởng lương và phụ cấp kha khá thì mới có thể âm thầm mỗi tuần thưởng thức phở bà Bốn một lần. Tôi là một trong số đó, là bộ đội xuất ngũ nên một tháng có 36 đồng phụ cấp, sống vung vinh hơn chút xíu so với các bạn sinh viên trơn chỉ có 18 đồng học bổng một tháng.

Sáng chủ nhật, tôi và vài bạn bè rủ nhau tung tăng đến phở bà Bốn. ở quán này, chủ và khách thường không phải nói gì với nhau vì bà Bốn chỉ bán một loại duy nhất là phở chín (còn gọi là phở nạm). Khách vào quán tự tìm chỗ ngồi, nhân viên quán bưng bê cho khách chính là ông chồng của bà chủ quán.

Tô phở bà Bốn ngày ấy không to, không nhiều thịt nhưng biết chúng tôi là sinh viên đang tuổi ăn, bà thương tình nên thường cho thêm bánh phở nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ăn no của tuổi trẻ. Tô phở bà Bốn có nước phở trong, rắc ít hành lá thái vụn, hoàn toàn theo phong cách phở Bắc, nghĩa là không có rau giá hay tương các loại như bây giờ.

Ấy vậy mà những năm tháng đó được ăn một tô phở như thế là cả một sự xa xỉ.

Chúng tôi vừa hít hà hương thơm rất dậy mùi của tô phở vừa nắn nót vắt thêm múi chanh, cho thêm vài lát ớt chín đỏ, trộn cho đều lên rồi thận trọng húp những muỗng nước phở đầu tiên. Đó thực sự không phải là một phong cách lịch lãm trong thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc mà chẳng qua chỉ là một kiểu ăn dè của con nhà nghèo. Ăn nhanh quá hết uổng. Sức trai tuổi hai mươi như tôi ngày đó ăn xong tô phở bà Bốn chưa thể cảm thấy sự no nê mà thú thiệt, cả cái miệng và cái bụng vẫn còn rất thèm thuồng. Nếu có tiền, tôi có thể ăn bay một lúc ba tô phở như thế.

Nhưng đó chỉ là mơ ước.

Thầy Hiệu trưởng của trường tôi ngày đó, GS Phạm Qúy Tư, cũng là một khách ăn quen thuộc của phở bà Bốn (sau này thầy chuyển ra Hà Nội làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội).

Mỗi tuần GS Tư cũng đến đó ăn phở một lần vào sáng chủ nhật. Chỉ khác là thầy đi bằng cái xe đạp Liên Xô thầy mang ở Nga về còn chúng tôi đi bộ. Là giáo sư vật lý và rất hài hước, có lần thầy nói với chúng tôi ăn phở bà Bốn không chỉ thuần túy là ăn mà đó là một quá trình nạp thêm năng lượng, và mỗi tô phở bà Bốn có sức mạnh như một hạt nơtron trong bom nguyên tử.

Riêng tôi thì thấy mỗi lần ăn phở bà Bốn về, đầu óc tỉnh táo minh mẫn hẳn ra và học rất vào. Học đến đâu nhớ đến đấy. Có lẽ nhờ thỉnh thoảng ăn phở bà Bốn mà tôi học hành và tốt nghiệp đại học một cách rất trôi chảy.

Sau này ra trường đi làm, sống ở nhiều thành phố lớn, cuộc sống khá hơn, tôi đã được ăn phở ở những quán nổi tiếng, thơm ngon và hoành tráng hơn nhiều so với tô phở giản dị của bà Bốn nhưng chưa có tô phở ở đâu khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ và có nhiều cảm xúc như khi ăn phở bà Bốn phường Bến Thủy TP Vinh của những năm tháng sinh viên.

 

26 tháng 11, 2020

May không bằng hên

Trên chuyến bay của VNA từ HCM lên Đà Lạt ngày 21/11 mới rồi, tôi ngồi cạnh một cô gái nhỏ nhắn xinh và trẻ như một SV mới tốt nghiệp ĐH. Tôi ngồi bên cửa sổ, cô gái ngồi ghế cạnh lối đi, ghế giữa bỏ trống.

Lúc mới lên mb thì tôi ngắm cảnh qua ô cửa nhỏ còn cô gái chăm chú vô đt. Máy bay vừa đạt đến độ cao thăng bằng thì chúng tôi bắt chuyện với nhau. 

Đó là một cô gái gốc ĐL, sống ở ĐL; cô gái hỏi tôi: Anh sống ở Sài Gòn hay Đà Lạt. Tôi ở SG, lên ĐL lần này là để tụ tập bạn bè cùng lớp hồi học đại học với nhau đi chơi thôi. Còn cô ở đâu. Dạ. Nhà em ở ĐL. Vợ chồng em vừa về TP HCM 2 ngày có công việc kinh doanh, nay quay lại ĐL.

Rồi như đọc thấy sự hồ nghi của tôi về “1 SV mới tốt nghiệp ĐH” và “làm công việc kinh doanh”, cô gái nói luôn: Em tốt nghiệp ĐH đã 12 năm rồi, em đã có 2 bé; ông xã em làm kinh doanh mấy dự án về điện mặt trời còn em thì làm chủ khách sạn và nuôi cá tầm. Tôi nghe mà chóng cả mặt. Một cô gái trẻ xinh như thế mà đã có cả một cơ nghiệp rất đáng kính nể.

Cô gái cho biết thêm: Chuyến về SG lần này là để mua một căn hộ chung cư mới ở khu Landmark 81 Bình Thạnh và rao bán 1 căn hộ chung cư ở đường Hậu Giang quận 6. Bọn em mua để thỉnh thoảng có việc về SG vài hôm thì có chỗ nghỉ lại khỏi phải ở khách sạn; xong lại đóng cửa để đấy thôi.

Tôi đang ngồi cạnh một nhà doanh nghiệp trẻ.

Em tên là Hạ Dzuyên, em có 2 biệt thự dùng kinh doanh khách sạn. Đó là khách sạn The K’Rin Villa nằm gọn trong lô B48-50 Khu Biệt Thự của ĐL cách trung tâm thành phố chỉ 800m. Trong đó một biệt thự em chia làm nhiều phòng cho thuê, mỗi phòng có giá thuê 500k/ngày; còn 1 biệt thự cho thuê nguyên căn giá 5,5 triệu/ngày đủ chỗ ở cho cả gia đình với tầm chục người. Khách sạn em luôn full khách nhất là dịp cuối tuần nên khách muốn ở phải đặt phòng trước.

Nghe chất giọng nhỏ nhẹ nhưng rất nét của cô chủ nhỏ tôi chỉ biết đi từ cái sự nể này sang sự nể khác.

Cô gái hỏi tôi làm nghề gì. Tôi làm nghề dạy học, làm báo, giờ thì nghỉ hưu và viết lách linh tinh, thỉnh thoảng ai kêu thì đi dạy thêm thôi.

Các anh lên đã có hợp đồng với Cty du lịch hướng dẫn vui chơi và tham quan không. Có chứ em. Đó là Cty Highland Sport Travel. Oh, em biết, Cty đó thì OK rồi, đàng hoàng và chu đáo lắm.

Anh xuống sân bay có ai đón không. Không, chắc tôi đi xe bus về TP rồi đi tiếp ta xi về khách sạn. Anh nghỉ ở KS nào. Khách sạn Hoàng Hà 203 Nguyễn Công Trứ, đó là khách sạn của gia đình một người bạn học mà trong lần họp lớp này vợ chồng bạn ấy mời cả lớp ở miễn phí.

Vậy xuống máy bay em đưa anh về khách sạn nhé. Em có ô tô để sẵn ở sân bay. Xe đâu ra mà sẵn thế. Dạ, hôm đi SG em lái xe ra rồi gửi luôn ở SB, xuống MB là có xe về ngay. Thế thì tốt quá. Nhưng tôi đi với cả team gồm 6 người, chúng tôi là bạn cùng lớp ĐH đều từ SG đi ĐL họp lớp. Họ ngồi ở mấy ghế phía trước. Em chở hết cả team anh luôn. Xe em có 7 chỗ. Thế thì may cho tôi quá. Cô gái nhoẻn cười: May cũng không bằng hên anh ạ. Em thấy sống ở đời gặp hên là thích nhất. Quá đúng. May đã thích rồi nhưng hên còn thích hơn.

Máy bay dừng lại, đi trong ống lồng cô gái nói, em ra xe trước nhé. Anh và các bạn lấy hành lí xong ra chỗ cột cờ sân bay thấy có cái xe ford 7 chỗ màu đen mang biển số 51 của SG là xe em đấy. Em đợi anh ở đấy.

Chờ lấy hành lí, tôi nói với các bạn: Có xe về Đà Lạt rồi nhé, khỏi đi xe bus nữa. Mọi người cùng ồ lên ngạc nhiên: Anh kêu grab à. Uh, rab riếc gì, miễn có xe đưa các vị về tận KS nhà Cúc Thắng là ok.

Đó là một chiếc Ford Explorer 7 chỗ đen bóng và rất to. Cả sân bay chỉ có 1 chiếc xe mang nhãn hiệu đó. Cô gái tên Dzuyên nhỏ nhắn ngồi lọt thỏm chỗ ghế lái khiến tôi phải căng mắt nhìn mới thấy.

Dzuyên lái xe đưa chúng tôi từ SB về Đà Lạt

Chất hành lí và ngồi hết lên xe xong, Dzuyên nói: Em đi nha. Rồi chiếc xe đi nhẹ như trôi về trung tâm TP. Đúng là tay lái lụa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nguyễn Hữu Thu bạn tôi trong team là người có ô tô và lái xe đã nhiều năm phải thán phục: Đúng là cái xe tốt thật, đi êm như ru không hề có một tiếng ồn. Mà người lái cũng ngọt nữa. Hắn hết lời và lộ liễu khen cô tài xế xinh đẹp thế mà như không biết sợ Huệ vợ hắn ngồi bên nhéo cho nhỉ.

Ford explorer 7 chỗ là một phiên bản cao cấp của dòng xe Ford. Thu hỏi xe này bao nhiêu em. Dạ, em mua 2,5 tỉ ạ. Lái nó khó không em. Dạ không khó anh. Đi xe này cũng dễ thôi.

KS The K’Rin Villa Đà Lạt

Cô gái lái xe vòng qua khu biệt thự có KS The K’Rin Villa giới thiệu cho tôi biết rồi mới đưa về KS Hoàng Hà của Thắng cách đó khoảng 1km.

Chia tay Dzuyên nói: Chỗ em có cả quán cafe cho khách. Rảnh em mời anh ghé chơi uống cafe nhé. OK, Cảm ơn em. Thế nào anh cũng tới.

Xe lửa cổ ở Đà Lạt

Sáng 24/11, trước giờ ra sân bay về lại SG, tôi và Trần Quyết Thắng chủ KS Hoàng Hà ghé The K’Rin Villa uống cafe. Làm kinh doanh KS, Thắng cũng phải thừa nhận đây là một khu biệt thự - khách sạn cao cấp. Cực kì yên tĩnh và thoáng đãng. 2 căn biệt thự dùng để kinh doanh, vợ chồng con cái Dzuyên ở riêng 1 căn Villa sát bên cạnh có cùng một lối kiến trúc. The K’Rin Villa được thiết kế và xây dựng rất sang trọng và độc đáo, cả ĐL chỉ có một biệt thự xây dựng như thế. Dzuyên nói: Khách đến chỗ em ở nhiều người đã trở thành thân thiết như người nhà. Có nhiều người lên đây ở chỉ ăn rồi ngủ, xong về; không tham quan du lịch gì hết. Họ chỉ cần hưởng cái không khí trong lành mát lạnh của Đà Lạt.

Tôi rất đồng ý với thực tế ấy. Bởi phong cảnh Đà Lạt dù hấp dẫn đến mấy cũng chỉ tham quan vài vòng là hết, là chán. Chỉ riêng không khí Đà Lạt là không bao giờ chán.

Tạm biệt cô chủ nhỏ của một cơ ngơi lớn tên Hạ Dzuyên, tôi mang theo câu nói: May không bằng hên.





Tôi đi họp lớp ĐH 16D K2 lần thứ 3 năm 2020 ở Đà Lạt; 21-24/11/2020


 

18 tháng 11, 2020

“Bước gió truyền kỳ” một đỉnh cao thơ ca của Phan Hoàng (Bài đăng trên báo Đất Việt)

 Sau mỗi chuyến tốc hành

ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ

là hai câu thơ đầu tiên đập vào mắt tôi khi lật đọc bản trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng. Sau nửa đời người phiêu bạt, trở về quê hương, trở về với quá khứ tuổi thơ nơi vùng đất Phú Yên đầy nắng và gió với một lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng đã được tác giả lấy làm chủ đề chính của trường ca Bước gió truyền kỳ. Bởi ở Phú Yên cũng như trên suốt dải đất duyên hải miền Trung và suốt dọc chiều dài đất nước ta, mỗi bước chân đi hôm nay đều có thể dẫm lên những vết tích lịch sử oai hùng của một thời người Việt đi mở cõi.


Với hơn 40 trang in khổ lớn, Bước gió truyền kỳ được Phan Hoàng chia làm 3  phần. Phần I: Gió tiếp sức ước mơ, Phần II: Bước gió truyền kỳ, Phần III: Gió dựng thành lũy biên cương và kết thúc bằng phần Vĩ thanh: Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại. Như vậy có thể thấy gió trong trường ca này của Phan Hoàng đã trở thành một hình tượng văn học xuyên suốt và làm nên linh hồn của tác phẩm.

Nhà thơ Phan Hoàng từng chia sẻ: Nguồn cảm hứng của anh khi sáng tác trường ca Bước gió truyền kỳ trong 15 năm bằng một thi pháp khác biệt, khi anh lấy ngọn gió làm trung tâm để viết về hành trình mở cõi giữ nước của cha ông. Vốn sinh ra ở vùng đất Phú Yên một thời là vùng trấn biên của đất nước đã làm nên chất liệu khởi đầu cho trường ca của Phan Hoàng.

Ngay ở phần Mở đầu của trường ca, Phan Hoàng đã có lời đề từ bằng hai câu thơ rất hào sảng:

Người từ ngàn năm người quên tên tuổi

Bỗng gió theo về bỗng gió bay đi

Trong cái không gian nghệ thuật phóng khóang ấy, với Phan Hoàng nếu chỉ dừng lại ở một bài thơ là không đủ. Vì thế anh phải tìm đến với trường ca. Và Bước gió truyền kỳ đã ra đời như thế. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã rất có lí khi viết: "Khi thơ trữ tình muốn trình bày những suy cảm về những vận động lớn lao, thậm chí, kỳ vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kỳ vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng". Với Phan Hoàng, Bước gió truyền kỳ ra đời là để kể về một lịch sử hào hùng của các bậc tiền nhân thuở đi mở cõi từ những nghìn năm trước. Và phải là một người rất tự hào, rất yêu quê hương xứ sở của mình mới viết được những câu thơ như Phan Hoàng:

Tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi

Hồn nhiên như ngọn gió hồn nhiên

Tung tăng cuốc kêu dế gáy chim ca

Cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa

Gọi cả nỗi buồn giấc mơ lấm lem bùn đất

Giao hưởng đồng quê hòa quyện lời ru ôm lấy xóm làng

Đó là chất trữ tình đậm đặc trong thơ Phan Hoàng thể hiện rõ nhất ở trường ca này. Chất trữ tình mạnh mẽ đến mức lấn át ngay cả những khi tác giả muốn dùng chất liệu tự sự để thể hiện được nhiều hơn nội dung muốn chuyển tải của tác phẩm.

Trong sáng tạo nghệ thuật thi ca, các nhà thơ vẫn gặp trường hợp khi tự sự bất lực thì trữ tình lên tiếng, nhưng trong Bước gió truyền kỳ chất trữ tình đã giúp cho yếu tố tự sự vốn có của trường ca thêm bay bổng. Trong chương III của Phần I tác giả đã dùng thể tự sự để kể về cuộc trò chuyện giữa giónúi:

Gió hỏi:

-      Núi đứng một mình núi có buồn không?

Núi tỏ ra sành địa lý:

-      Dưới chân núi là Vũng Rô của Biển Đông như cô gái đương thì kiêu sa và xa xa phía tây là đồng bằng Tuy Hòa châu thổ sông Ba lúc màu mỡ phù sa lúc ầm ào thác lũ.

Đó chính là điều mà trong lí luận văn học đã nói: Nhà nghệ sĩ đã lấy tự sự để trữ tình, nhưng cuối cùng trữ tình vẫn thắng thế.

Còn những câu thơ văn xuôi đã được tác giả rất gọt giũa sau đây thì hiện lên như một bức tranh về núi đồi và biển cả hùng vĩ:

Con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo đèo Cả âm vang bước chân, vó ngựa, chiến xa vệ quốc oai hùng. Núi vui thú cây cỏ chim muông, núi mê mải ngắm các cô thiếu nữ.

Cái cách tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ ấy chỉ có thể có ở đất và người của Phú Yên đầy nắng và gió.

Một trong những điểm nhấn của Bước gió truyền kỳ mà tác giả đã dày công vun đắp là nêu bật tấm gương của các bậc anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước để từ đó khuyếch trương vị thế đất nước. Đó là những cái tên đã thành huyền thoại của dân tộc như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lê Thánh Tôn, Huyền Trân, Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh, Nguyễn Hữu Cảnh... mỗi cái tên ấy là một bước gió vĩ đại trong sự nghiệp hàng ngàn năm ông cha ta đã không ngừng mở mang bờ cõi. Hãy đọc to lên những câu thơ mang đậm hào khí Đông A trong Phần II của tác phẩm để thấy được phẩm chất vừa anh hùng vừa nghệ sĩ của những bậc vĩ nhân của lịch sử nước Việt:

Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân

Tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc

...

Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn

Lưng kiếm túi thơ

...

Bước gió Nguyễn Hoàng

Bước gió Lương Văn Chánh

Bước gió Nguyễn Hữu cảnh

...

Chính những tên tuổi lừng danh đó đã làm nên những bước gió mở đường để tạo nên hình hài đất nước ngày nay. Đó là những bước gió thần kỳ và liên tục được tiếp nối hết thời đại này sang thời đại khác của lịch sử nước Việt. Và đó cũng chính là ý nghĩa làm nên tên gọi của trường ca Bước gió truyền kỳ. Có lẽ cũng vì thế mà đã có một thời gian dài thể loại trường ca được đồng nghĩa với sử thi, anh hùng ca mà Bước gió truyền kỳ có thể xem là một minh chứng.

                                               Nhà thơ Phan Hoàng

Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của văn học hiện đại, nghĩa của khái niệm trường ca đang ngày càng được mở rộng và tạo nên nhiều thể loại trường ca. Xét về nội dung và đề tài thì ngoài trường ca anh hùng (anh hùng ca) còn có trường ca giáo huấn, trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch - trữ tình. Với quan niệm ấy, xét trong chỉnh thể tác phẩm, Bước gió truyền kỳ là bản trường ca mang âm hưởng chủ đạo của sử thi và anh hùng ca. 

Thông thường các nhà thơ khi đã vững vàng ngọn bút, tự thấy mình đã nạp đủ năng lượng và để khẳng định một đỉnh cao trong sự nghiệp thường tìm đến với thể loại trường ca. Nước non ngàn dặm của Tố Hữu, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Bài ca chim chrao của Thu Bồn, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển  Khối vuông rubich của Thanh Thảo, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc) của Nguyễn Trọng Tạo, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu... là những cột mốc như thế. Vì thế mà có thể xem mỗi bản trường ca ra đời như là một tượng đài mà các nhà thơ đã dựng nên để tạo một đỉnh cao cho sự nghiệp sáng tác của mình. Đến lượt mình, Phan Hoàng cũng kịp cho ra đời cột mốc cho sự nghiệp của anh qua trường ca Bước gió truyền kỳ. Viết tác phẩm này, Phan Hoàng đã khẳng định độ chín của anh với tư cách là một nhà thơ. Độ chín ấy bao gồm kinh nghiệm sáng tác, vốn sống, cảm hứng sáng tạo và một bút lực dồi dào. Cái mà mọi người vẫn gọi là trường vốn và trường sức trong nghề nghiệp. Bởi thế mà đọc Bước gió truyền kỳ, lật bất cứ trang nào bạn đọc cũng dễ dàng tìm thấy những câu thơ hào sảng, mênh mang đủ sức lột tả và chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói:

Gió ngược phương ta năm eo duyên hải

Gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng

Đường gió minh mang tình tang đồng bằng

Rực đỏ vùng phù sa

Nóng chảy dòng xích đạo

Nói thật, tôi đã lấy làm ngạc nhiên khi thấy Phan Hoàng đưa được những từ như “năm eo” (cách nói nôm na chỉ vùng đất các tỉnh miền trung Trung Bộ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa), “tình tang” vào câu thơ của mình một cách mượt mà, nhuần nhuyễn và tự nhiên như vậy.

Sự nhuần nhuyễn và tự nhiên mà rất dụng công ấy đã mang lại cho Bước gió truyền kỳ một phong cách nghệ thuật đạt đến đỉnh cao trong bút pháp của tác giả. Đọc thơ Phan Hoàng thấy lịch sử dân tộc Việt Nam trải dài suốt mấy nghìn năm là một lịch sử đầy tự hào và tương lai vẫn sẽ như thế.

Khi lịch sử gồng mình trước trước những cơn bão lớn

Mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương

Với Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng đã đi từ hình tượng nghệ thuật gió để tạo dựng nên hình tượng nghệ thuật đất nước. Đó là một thành công lớn của anh trong bản trường ca này.

Link XB: https://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/buoc-gio-truyen-ky-mot-dinh-cao-tho-ca-cua-phan-hoang-3422702/?fbclid=IwAR24GTGcVjBjimBwryKV8SXzTmTkxib16OytjYy8p1txgfz368bJf_3H9DM

11 tháng 11, 2020

Tôi từng đa đảng

Lại nói chuyện hôm qua bí thư đảng ủy phường đến nhà tặng quà. Đó là một anh chàng trẻ tuổi to cao đẹp trai, dung mạo sáng sủa đàng hoàng, nói năng chững chạc. Gọi tôi bằng chú xưng con. Cô nào làm vợ đồng chí bí thư này chắc suốt ngày lo giữ chồng.



Trong câu chuyện giữa hai chú cháu bí thư nói: Vậy là chú đã có một thời đa đảng đấy nhỉ. Tôi nghe tái cả mặt. Ở ta chỉ cần nói ai đó đa nguyên đa đảng, tự diễn biến tự chuyển hóa là có thể bị an ninh văn hóa mời lên đồn uống nước; thậm chí có 1 đến 2 chú bắc ghế canh đầu hẻm 24/24; hơn nữa thì bắt nhốt... Tôi đáp ngay: làm gì có, chú hồi nào tới giờ chỉ 1 đảng cs ni thôi cháu. Chú nói sao chứ, ít nhất chú cũng từng ở trong đảng lao động VN, sau đó mới chuyển sang đảng CS. Vậy là đa đảng chớ gì nữa.

Tôi nhẹ cả người.

Nếu vậy chú không chỉ ở trong 2 đảng mà còn ở trong 3 đảng đấy cháu. Chú từng là đảng viên của 3 đảng. Bí thư ngạc nhiên: Có chuyện đó nữa chú. Đảng thứ 3 là đảng gì.

Để chú kể cho mà nghe:

Tháng 12 năm 1975, tôi được quân đội trả lại trường cũ. Về trường, sau khi làm các thủ tục nhập học xong, tôi lên VP đảng ủy trường làm thủ tục nhập sinh hoạt đảng.

Thường trực VP đảng ủy ĐHSP Vinh khi đó là một cán bộ lớn tuổi, nghiêm nghị, nghiêm túc. Cầm xem hồ sơ đảng viên và giấy chuyển sinh hoạt đảng của Phòng Tham mưu Sư đoàn 341 Quân đoàn 4 từ Sài Gòn chuyển ra, ông nhẹ nhàng: Anh hiện đang là đảng viên đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam. Đảng này hiện vẫn tồn tại và đang hoạt động ở miền Nam. Vì thế trước khi nhập vào sinh hoạt tại đảng bộ đảng LĐ Vn ở trường này anh cần phải chuyển từ đảng NDCM sang đảng LĐ đã.

Tôi nghe mà toát mồ hôi hột. Tôi cứ tưởng 2 đảng là 1 chứ. 1 thế nào. Anh phải ra Hà Nội chuyển thôi. Sau đó quay lại đây tôi giải quyết. Ra Hà Nội là đến chỗ nào đồng chí. Anh phải đến Cục Tổ chức của Tổng cục chính trị, nghe nói đóng ở trong thành Hoàng Diệu ấy. Tôi cũng đã đến đó bao giờ đâu mà biết.

Chết tôi rồi. Xưa nay đi lính, tôi chỉ lên đến sư đoàn bộ là cao nhất, quân đoàn cũng chưa đặt chân đến nói gì Tổng cục Chính trị. Bây giờ biết mò nó ở đâu đây. Tiền bạc trong bóp lại rất mỏng manh. Người ta ra quân còn được nhận trợ cấp 3 tháng lương thực và 3 tháng tiền lương phụ cấp, còn tôi do cướp quyết định mà về nên ra khỏi quân đội với 2 bàn tay trắng. Trong túi không có 1 xu. May có mạ tôi cho mấy chục đồng nhét túi. Giờ làm chuyến Hà Nội không biết có đủ tiêu không. Tôi nghĩ mà nhói cả lòng.

Nhét hết hồ sơ giấy tờ vô cái ba lô bộ đội còn lấm bụi đường, lấm cả đất rừng miền Đông Nam Bộ, tôi cùng 2 người bạn thân cùng quê cũng là 2 đồng đội cùng ở với nhau 1 đại đội C20 từ khi nhập ngũ đến khi xuất ngũ, cùng kết nạp đảng một ngày là

Hoàng Tấn Quả SV khoa sinh và Trần Quang Ánh cùng khoa văn với tôi nhảy tàu ra Hà Nội ngay trong đêm hôm đó. Tháng 12 miền Bắc trời rét căm căm. Ngồi trên con tàu chợ thu lu trong hai cái áo khoác mà chúng tôi vẫn nghe lạnh cóng cả trong ruột.

Sáng ra thì con tàu hú còi vào ga Hàng Cỏ. Đặt bước chân đầu tiên trên con phố Cửa Nam, 3 thằng cựu binh chúng tôi hăm hở đi bộ về thành Hoàng Diệu. Không biết đường, cứ thấy công an áo vàng là chúng tôi hỏi đường về Tổng cục Chính trị ở đâu đồng chí. Mấy anh công an nhìn bộ áo quần lính lấm lem bụi đường của 3 thằng tôi tôi rồi nhiệt tình chỉ đường. Cũng có lần tôi bị nghi ngờ nên phải trình ra cái giấy chuyển sinh hoạt đảng của đảng NDCM miền Nam ra mới được chỉ.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được một cái trạm mang tên 66 thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội ND VN ở trog thành Hoàng Diệu (bây giờ là Hoàng thành Thăng Long). Đây là nơi đón tiếp cán bộ quân đội chủ yếu từ các tỉnh đội, các đơn vị và từ các mặt trận ra Hà Nội công tác.

Ông trạm trưởng 66 mang quân hàm thiếu tá xem hết các loại giấy tờ của chúng tôi trong đó có cái giấy chứng nhận tham gia chiến dịch HCM rồi nói rất thân thiện: Các đồng chí từ Sài Gòn ra chuyển sinh hoạt đảng à, cứ ở đây, khi nào xong việc thì về, chúng tôi sẽ để các đồng chí được ăn nghỉ miễn phí, mấy ngày cũng được. Chỉ suýt nữa là tôi ôm chầm lấy ông trạm trưởng 66. Người đâu mà tốt thế. Rồi ông dẫn chúng tôi vô một căn phòng khách rộng đến 30m2, trong đó kê 10 cái giường cá nhân, cái nào cũng có đầy đủ chăn chiếu mùng mền rất sạch sẽ. Tất cả 10 cái giường đều trống chỗ. Đây, các đồng chí muốn nằm ở giường nào cũng được. Ông còn tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến Cục tổ chức cán bộ của Tổng cục.

Đặt cái ba lô xuống giường, quăng đấy mà không sợ mất vì không có gì để mất, chúng tôi cầm mớ giấy tờ tìm đến Cục tổ chức làm việc. Cứ tưởng chuyển từ đảng này sang đảng khác sẽ hết sức lằng nhằng và phức tạp, ai ngờ lại rất đơn giản. Viên sĩ quan của Cục mang quân hàm thiếu úy nhận giấy tờ xong, lại xem rất kĩ rồi nói: Đầu giờ chiều các đồng chí quay lại đây nhé. Xong ngay ấy mà. Trời, có đâu nhanh thế. Lúc đó đã gần 10 giờ sáng. Ai nói bộ máy giấy tờ của ta là quan liêu trì trệ.

Quay lại nhà khách, chúng tôi lên nhà ăn được ăn một bữa cơm trắng với thịt kho no căng rồi về ngủ một giấc ngon lành. Ở Hà Nội sướng thế, tôi nghĩ thầm trong đầu rồi lăn ra giường ngủ một giấc thật sâu. Mở mắt ra nhìn đồng hồ đã 2 giờ chiều. Lên văn phòng đã thấy anh thiếu úy ngồi ở bàn làm việc. Chúng tôi kí 1 chữ vô tờ A4 rồi nhận lại đầy đủ giấy tờ. Anh thiếu úy bắt tay chúc mừng cả 3 thằng chúng tôi được trở lại miền Bắc, tôi không quên nói lời cảm ơn anh ta.


Thấy trời vẫn còn sớm, chúng tôi dạo bước ra đường Hùng Vương rồi đi qua quảng trường Ba Đình, vừa đi vừa ngó nghiêng thăm thú, tuyệt đối không ăn uống gì vì trong túi có rất ít tiền. Ông trưởng trạm 66 thấy chúng tôi về thì hỏi: Xong chưa các đồng chí. Dạ xong rồi thủ trưởng (hồi đó các chiến sĩ và hạ sĩ quan thường gọi các vị sĩ quan là thủ trưởng). Ông bắt tay chúc mừng chúng tôi rồi ân cần nhắc lại: các đồng chí muốn ở thêm mấy ngày cũng được, vẫn được ăn nghỉ miễn phí. Khi nào chán thì về. Chắc lâu lắm rồi các đồng chí không đặt chân ra Thủ đô, tranh thủ đi chơi cho biết, khi nào về nhớ báo nhà bếp cắt cơm.

Tôi nghe muốn chảy nước mắt.

Được lời như cởi tấm lòng, cả 3 chúng tôi ở lại đi chơi Hà Nội 3 ngày. Mua mỗi tên một cái chăn bông loại 3 kí mang về Vinh dùng cho 4 năm đại học sắp tới.

Trở lại trường, lên VP đảng ủy, chỉ 5 phút sau chúng tôi đã có tên trong danh sách đảng viên đảng LĐ VN của trường.

Tôi đã từng đa đảng (ở trong 3 đảng) như thế đấy.

Tháng 12 năm 1975. Khi đó tôi vừa tròn 21 tuổi.