28 tháng 8, 2020

Sơn Nam - Đi và ghi nhớ

 VHSG - Nhắc đến nhà văn Sơn Nam ai cũng biết đó là một nhà văn nổi tiếng của vùng đất Nam Bộ. Ông là nhà Nam Bộ học, là nhà văn chuyên viết về các vùng đất thuộc Nam Bộ, ông cũng được người đời gọi là nhà văn đi bộ vì ông là người chuyên đi bộ.

Nhà văn Sơn Nam

Là nhà văn, Sơn Nam còn là một người rất chăm viết báo. Ngay trên tạp chí Xưa và nay, nhà văn Sơn Nam đã có đến hơn 80 bài báo. Sau khi ông qua đời, tạp chí Xưa và nay đã chọn hơn 40 bài trong số đó tập hợp đem in thành cuốn Sơn Nam, đi và ghi nhớ. Sau những chặng đường đã đi qua về vùng Gia Định - Sài Gòn xưa, Sơn Nam viết lại những cảm nhận rất riêng biệt qua cái nhìn tinh tế và hồn hậu của ông: “Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là “địa đàng”… Xưa kia, người Khơ mer bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, không xông xáo “phá sơn lâm, đâm Hà bá” như dân Việt. Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng… Vùng đất Nam Bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay, công ơn của tổ tiên thật là to lớn.” 

Từ những câu văn thấm đẫm mồ hôi của Sơn Nam, toát lên sự hoài cổ và lòng yêu nước thâm trầm của ông. 

Đọc Đi và ghi nhớ của Sơn Nam, bạn sẽ có thêm những kiến thức rất mới và rất lạ mà ngỡ như chỉ có ở Sơn Nam - ông già Nam Bộ. Chẳng hạn trong bài viết này, Sơn Nam đã đem đến cho bạn đọc một hình ảnh cây me rất quen thuộc ở miền Trung nhưng lại có khá nhiều trên đất Sài Gòn: Ở Sài Gòn, “Phải chăng cây me khó thích hợp với nơi khí hậu bốn mùa nên trở thành quí giá? Nét thơ mộng của cành lá me không thể chối cãi. Đường phố Sài Gòn, nơi nào có me là chỉ thị của con đường xưa, từ đầu thế kỷ 20 về trước. Giới đô đốc Pháp chuộng cây me; về sau, Hội đồng đô thành Sài Gòn phản đối, cho rằng lá  me giữ nước mưa, tạo không khí ẩm ướt, mưa tạnh rồi mà còn nước rơi (ta gọi là mưa lá me), lại quyến rũ loài muỗi gây sốt rét… trong giới nho sĩ và bình dân Nam Bộ, cây me tượng trưng cho kẻ tiểu nhân. Thời xưa, chẳng ai trồng me làm cây cảnh, nếu có thì chưng bày ở góc sân sau hè”. 

Quả là một sự hiểu biết quí giá mà nhà văn đã hào phóng cho bạn đọc biết về một loài cây quen thuộc. 

Với lối viết giản dị, chân phương mà vẫn sâu sắc và dí dỏm, Đi và ghi nhớ của Sơn Nam như là người hướng dẫn một tua du lịch đưa bạn đọc trở về với cội nguồn của những giá trị lịch sử và địa lí của một vùng đất nổi tiếng, Nam Bộ và Sài Gòn. Từ những vùng đất và con người, từ những trang viết của nhà văn miệt vườn Sơn Nam, “Người Sài Gòn hiện rõ là những con người năng động, hiếu khách, trọng nghĩa tình bè bạn.” Và nhà văn Sơn Nam giải thích, sở dĩ có được những phẩm chất ấy là do người Sài Gòn sống gần gũi và chịu ảnh hưởng trực tiếp của người Pháp. Một cách cắt nghĩa rất khoa học của Sơn Nam bởi chúng ta vẫn nói rằng “Hoàn cảnh xã hội quyết định ‎‎‎ý thức xã hội”. 

Đi và ghi nhớ của Sơn Nam không chỉ nói về đất và người nói chung mà với cái nhìn biện chứng, khoa học của một nhà lịch sử, ông còn tìm dịp để phục hồi danh dự, vinh danh cho nhà nho yêu nước Phan Thanh Giản, người mà một thời đã bị gán cho tội phản quốc. Ông thẳng thắn đề nghị: Sách giáo khoa nên có bài về Phan Thanh Giản. Trong một chuyến đi về Vĩnh Long, Sơn Nam đã phát hiện ra rằng, từ thòi xa xưa, người dân Vĩnh Long đã dựng miếu Văn Thánh để thờ cụ Phan Thanh  Giản với tư cách là một nhà trí thức tiết tháo và yêu nước. Và họ đã trọng vọng cụ Phan còn hơn cả Khổng Tử, Tăng Sâm, Tử Lộ… Người Vĩnh Long từ xưa đã biết giở nón, cúi đầu mỗi khi đi qua miếu Văn Thánh để kính cẩn chào cụ Phan Thanh Giản. Nhà văn đề nghị: “Trong chương trình sử học cho học sinh, nên có một bài nói về Phan Thanh Giản, đủ tình, đủ lí”. 

Từ chuyện lớn về lịch sử sang chuyện nhỏ như ăn nhậu, ngòi bút của Sơn Nam nhiều lúc khiến người đọc phát thèm bởi những món ăn đặc trưng Nam bộ được ông miêu tả một cách sinh động. Chẳng hạn như món chuột đồng ‎mà ông đã viết: “Ngày nay món nhậu có thể là con chuột mập béo đầu mùa, sống ngoài đồng lúa chín, chuột khá sạch sẽ, trời sa mưa, chuột ăn toàn cỏ non, không bẩn như chuột cống ở thành phố. Chuột rô ti ăn với xoài chua đầu mùa băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi chuột”. 

Những bài viết của Sơn Nam về đất và người Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định là vốn quí về lịch sử và địa lí một vùng đất máu thịt của Tổ quốc. Nó đã trở thành nguồn tư liệu giàu có cho nhiều nghiên cứu sinh cao học và tiến sĩ tìm đến trong các bản luận văn lịch sử, văn học và địa lí. Và cũng từ đó, Đi và ghi nhớ của Sơn Nam là một tập hợp gồm nhiều chủ đề, thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu là khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán của Sài Gòn - Nam Bộ xưa và nay. 

Đi và ghi nhớ cũng là một thành tựu khác của nhà văn Sơn Nam bên cạnh thành tựu văn học phong phú rất Nam Bộ của ông.

20 tháng 8, 2020

Cafe trứng

Hồi con bé út còn ở nhà, thỉnh thoảng cty cử nó đi công tác Hà Nội. Mỗi chuyến đi chỉ vài ngày, cty book luôn vé khứ hồi và phòng khách sạn. Nhớ chuyến nó đi HN lần đầu tiên về tôi hỏi: Hà Nội có gì hay hơn SG không con. Cafe trứng ba, nó phát biểu ngay. Chính xác, ba đã uống mấy lần, nhưng không phải ở HN mà ngay SG. Nó ngạc nhiên: Ủa, SG cũng có ha ba. Uh, trên phố Tây Bùi Viện quận 1 đó con.

Hồi tôi với anh NVKhánh còn làm việc ở ĐHHS, buổi trưa 2 anh em thường không ngủ, ăn trưa qua quýt xong chúng tôi ghé qua con hẻm gần chung cư anh thuê ở 155 Bùi Viện, đi vô con hẻm 165 nhỏ đến mức 2 người đi bộ phải nghiêng mình lại mới khỏi chạm nhau. Cuối con hẻm mini đó là quán cafe Góc Hà Nội nổi tiếng với món cafe trứng và ca cao trứng.

Bộ bàn ghế gỗ đơn sơ cũ kĩ

Quán này chống chỉ định với những ai uống đồ lạnh kiểu cfe đá, trà đá bởi tất cả đều là đồ nóng. Bánh ngọt cũng nóng.

Cafe trứng nghĩa là bước vô 1 cái quán nhỏ tí hin mặt bằng đâu chỉ 20m2 có gác gỗ với 1 cái cầu thang cũng rất hẹp và dốc. Vì là phố Tây Bùi Viện nên dân Tây ngồi nhiều hơn dân Việt. Chúng nó vượt hàng ngàn cây số đến đây chỉ để ngồi thì thầm gì đó với nhau hoặc lặng lẽ đọc sách. Còn chúng tôi nói về chuyện công việc ở trường, chuyện linh tinh.

Cái cầu thang không dành cho người yếu tim

Quán có những bộ bàn ghế bằng gỗ không bộ nào giống bộ nào. Những cuốn sách của ngày xưa mép sờn và quăn hết lên do quá nhiều người đọc. Thấy chúng tôi vô chị chủ quán, một phụ nữ chừng 35 tuổi, vẻ mặt không đẹp một cách rực rỡ nhưng xinh và rất ưa nhìn, mặc cái áo trắng tân thời rất dịu dàng nền nã của phụ nữ HN xưa cúi chào với nụ cười khó quên: Em chào 2 anh.

Cafe trứng

Thường tôi với anh Khánh chọn chỗ ngồi trên gác. Gọi món xong khoảng 10 phút, chị chủ mang lên một cái khay gỗ cũ kĩ bên trên là 2 cái li sứ mà nửa dưới là cafe nóng nửa trên là kem trứng xốp như bông thơm lừng. Thơm và hấp dẫn quá nên tôi phải lấy cái muỗng con nhấm nháp ngay.

Chị chủ quán. Không hề rực rỡ
Câu trên tường: Hà Nội không vội được đâu.

Cafe trứng ngon đến mức uống nó mà chỉ sợ hết. Vì thế phải nhấm nháp hết sức thong thả. Đôi lúc thấy chúng tôi uống hết cafe mà vẫn còn ngồi nói chuyện, chị chủ lại bưng lên cho tách trà nóng. Mỗi tách cafe trứng như thế chỉ 25 nghìn.

Cứ thế, chúng tôi ngồi nhâm nhi.


Làm báo 1 lần tôi bị phạt trừ lương

Mấy ngày nay vụ VTV nói NHỊU nhằm miệt thị người bán hàng rong làm dậy sóng dư luận. Nói thật làm nghề ăn nói trên sóng TV không vấp váp mới là chuyện lạ. Vấn đề là sau cú vấp đó phải biết xử lí chân thành để tránh 1 cuộc khủng hoảng truyền thông từ dư luận.

Tôi nhớ chuyện nghề của tôi vào dịp tháng 11 năm 1991 khi tôi phụ trách phòng BTCT.

Lần đó để phục vụ tuyên truyền cho cái kỉ niệm 74 năm ngày CM tháng 10 Nga, tôi nói chị Đến họa sĩ thiết kế cho 1 cái bảng chữ khẩu hiệu (hồi đó chưa có vi tính) để chiếu lên màn hình. Nội dung là: Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm 74 năm ngày CM tháng 10 Nga vĩ đại. Theo quy định họa sĩ design xong cái gì phải đưa lên cho tôi kí rồi mới thực hiện. Thế nào hôm đó chị Đến lại viết lộn ngược con số 74 năm thành 47 năm. Chị đưa lên cho tôi: Sơn xem kí để chị thực hiện. Tôi 1 mắt sửa bài, 1 mắt liếc bảng chữ không phát hiện ra sự lộn ngược đó, kí nháy ngay vô góc bảng chữ. Chị Đến mang xuống studio thực hiện.

Tối hôm đó 19h phát sóng, cái bảng chữ nền xanh chữ trắng to rõ đẹp hiện lên mồn một với sự sai trái quá trầm trọng mà ai cũng thấy. Tôi ngồi nhà mở TV xem tái hết cả mặt. Chuyến này tôi chết chắc.

Sáng hôm sau lên đài, GĐ Ngô Xuân Phước (vốn là thầy giáo của một trường học sinh miền Nam bạn học cùng lớp ĐHSP với Nguyễn Khoa Điềm) đứng chờ tôi ở cửa phòng: Ông chơi kiểu chi lạ vậy ông S. Ông giết tui rồi. Dạ, em xin nhận lỗi.

Về phòng thấy chị Đến ngồi chờ sẵn: Chết chị rồi Sơn ơi. Tôi trấn an: Chị yên tâm, em đã nhận lỗi trước GĐ rồi.

Vậy là chỉ 1 cái chữ số viết lộn ngược của chị Đến mà có 3 người nhận chết: GĐ Phước, tôi và họa sĩ Đến.

Chị Nguyễn Thị Đến lớn hơn tôi cả chục tuổi, học CĐ mỹ thuật ra, là mẹ đơn thân của 3 đứa con lít nhít, thuộc loại hoàn cảnh của đài hồi đó (nay thì chị khá nhiều rồi). Ở đài tôi quy định ai phạm lỗi trong công tác không chỉ bị phê bình, kỉ luật mà còn bị trừ tiền thưởng trong tháng. Người bị nhẹ trừ 1 bậc, bị nặng trừ 2, 3 bậc. Phải đánh vào kinh tế thế mới đau đời mà làm việc.

Lần đó họp giao ban tuần, tôi tự nhận hết lỗi về mình vì tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng của khâu lên sóng. Tháng đó tôi bị trừ 1 bậc lương đâu mấy chục đồng cũng to lắm. Nhận lương ở tài vụ xong chị Đến lên gặp tôi: Sơn cho chị đền cho em nha. Tôi xua tay. Chị khỏi lo, mọi việc đã qua hết rồi. Từ nay trở đi chị em mình sẽ cẩn thận hơn.

Cái sai nghiêm trọng của tôi và chị Đến không ngờ là 1 cái điềm to của Liên Xô. Chỉ 1 tháng sau đó, vào tháng 12 năm 1991, Liên Xô, thành trì của phe XHCN sụp đổ. Vào ngày 25 tháng 12, quốc kì búa liềm của Liên Xô được hạ xuống từ nóc điện Kremlin để thay thế bởi quốc kì Nga từ thời Sa Hoàng có từ trước CM tháng 10 Nga năm 1917.

Ngày Liên Xô sụp đổ, anh Phước GĐ đài lại đứng chờ tôi ở cửa phòng mắt hấp háy: Vì ông với bà Đến mà Liên Xô sụp đổ đấy. Còn chị Đến cũng chạy lên phòng tôi: Chuyện gì lạ vậy Sơn.

Ôi cái kỉ niệm nghề báo của tôi. Đúng là báo đời, báo hại.

Mà cái vụ gánh hàng rong của VTV cũng lạ. Cũng gánh hàng rong, cũng từ cái miệng của VTV mà ở Hà Nội thì thành “Nét đẹp văn hóa của Hà Nội”, còn ở Sài Gòn thì thành “kí sinh trùng”. Hay là bọn VTV kì thị dân Sài Gòn.

Vụ xin lỗi thì rõ là không thành khẩn và kịp thời. Dẫn đến khủng hoảng truyền thông và mất uy tín trầm trọng

17 tháng 8, 2020

Sách Luyện đọc lớp 1 – Hấp dẫn từng câu chữ

Nga Lê Phương (Gs. Lê Phương Nga gửi cho tôi cuốn Luyện đọc lớp 1 với lời nhắn: Cho tớ ý kiến nhé. Ý kiến là thế nào. Tớ sẽ có hẳn 1 bài đăng báo về sách của cậu. Sách khó viết mà viết hay thế nhỉ. Đọc xong cứ mướn đi dạy lớp 1.

Phải nói là ngay từ khi cầm trên tay và đọcnhững bài đầu tiên trong cuốn Luyện đọc lớp 1(*) (Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) của các tác giả Lê Phương Nga và Trần Thị Quỳnh Nga, NXB Giáo dục Việt Nam, tôi đã rất lấy làm ngạc nhiên.

Cuốn sách mỏng manh chỉ với 70 trang mà chứa đựng bao điều thú vị. Chợt thấy ghen tị với các em bé lớp 1 bây giờ vì 60 năm trước, mình học lớp 1 với những bài học thật bâng quơ. Và ước gì mình có thể bé lại bằng cái kẹo để được đi học lại lớp 1 với những bài học mới như trong cuốn sách này.


Theo lời các tác giả thì Luyện đọc lớp 1 ra đời là nhằm để “giúp các em hình thành năng lực đọc – một năng lực vô cùng quan trọng trong những ngày đầu đến trường”. Vì thế mà mở sách ra các em sẽ thấy ngay những câu chuyện, những bài thơ lí thú, kèm với đó là những bức tranh ngộ nghĩnh, vui tươi. Và điều đó thể hiện rất rõ ở tất cả các bài luyện đọc trong sách.

Mỗi bài luyện đọc mà thực ra là một câu chuyện và chuyện nào cũng hấp dẫn cuốn hút người đọc, ngay cả với người đọc lớn tuổi. Hãy lấy ngay câu chuyện đầu tiên Cừu con lông trắng làm ví dụ: Cừu con lông trắng được mẹ gọi bằng một cái tên là Hòn bông tròn lúc la lúc lắc. Cừu con thích cái tên đó lắm, đi đâu chú cũng khoe và khi được ai gọi bằng cái tên đó là cừu con lại nhảy cẫng lên. Đêm đến nằm bên mẹ cừu con thì thầm: Mẹ ơi, Hòn bông tròn lúc la lúc lắc yêu mẹ lắm. Chuyện chỉ có thế mà thật ấn tượng vì nó mang lại cảm giác vui tươi, nhẹ nhõm cho người đọc. Các học sinh lớp 1 khi đọc sẽ ước gì mình được mẹ yêu và đặt cho một cái tên như Cừu con lông trắng, có khi đọc xong có em đêm mơ ngủ bỗng thấy mình thành Cừu con lông trắng. Còn người lớn khi đọc chắc chắn trên môi sẽ nở một nụ cười thú vị.

Viết được một câu chuyện làm bài luyện đọc như thế, tôi nghĩ thật là khó. Các tác giả phải tự đặt mình vào vị trí là lứa tuổi của các các em bé lên 6 tuổi đang học lớp 1. Một bài luyện vừa sức các em theo kiểu học mà chơi chơi mà học. Và tôi nghĩ những câu chuyện như thế sẽ in dấu lâu dài trong trí não và cả trong tâm hồn các em ngay cả khi các em đã trưởng thành. Cứ như thế 17 câu chuyện của sách Luyện đọc lớp 1 được đọc hết khi nào không biết.

Kèm theo mỗi bài luyện đọc là phần được xem như bài tập nhưng các tác giả đã rất khôn khéo và tâm lí khi không gọi nó là bài tập gồm 6 câu hỏi hết sức nhẹ nhàng. Các em sẽ được tham gia làm bài tập cùng cô giáo nhưng chỉ là như một cuộc trò chuyện tâm tình. Chẳng hạn ở bài Cừu con trên, phần câu hỏi bài tập sẽ là: Mẹ gọi cừu con lông trắng là gì? Sách đưa ra 3 lựa chọn để các em xác định một đáp án: Cừu con lông trắng; Hòn bông tròn lúc la lúc lắc; Đám mây bông. Các em sẽ dễ dàng tìm ra đáp án đúng. Thật là dễ và nhẹ nhàng. Ai cũng có thể đọc được, ai cũng có thể trả lời đúng câu hỏi, ai cũng có thể được cô giáo khen giỏi. Cứ thế mà lòng ham học, ham đọc sẽ đến với các em lúc nào không biết.

Bài học trong sách Luyện đọc lớp 1

Viết sách chắc chắn là một việc rất khó. Nếu dễ thì hẳn ai cũng đã có một cuốn sách đề tên mình trong thư viện. Nhưng viết sách cho học sinh lớp 1 học còn khó hơn nhiều. Điều đó được minh chứng qua sách Luyện đọc lớp 1 này.

Viết để các em tiếp thu được một cách nhẹ nhàng, học mà như không, học mà đầy hứng thú, học mà đầy niềm vui khi đến trường. Đó là cả một niềm hạnh phúc với các em học sinh lớp 1. Và đó cũng là niềm mơ ước mong mỏi của các nhà hoạt động giáo dục.

Điều cuối cùng tôi muốn nói thêm là rất thích khi thấy các tác giả sách, là những nhà giáo kì cựu đã gọi học sinh lớp 1 là em chứ không phải gọi là con như nhiều trường hiện nay đang áp dụng. Cô giáo như mẹ hiền chứ không phải cô giáo là mẹ hiền. Vậy cô giáo không nên gọi học sinh là con. Gọi học sinh là em sẽ xác định được vai trò của cô giáo và học trò, phân biệt được nhà trường và gia đình.

Người viết bài này cũng đã có hàng chục năm làm nghề dạy học, chỉ có điều là dạy ở bậc đại học. Đọc xong Luyện đọc lớp 1 của các tác giả Lê Phương Nga (Chủ biên) và Trần Thị Quỳnh Nga bỗng ước gì có một lần mình được lên lớp để dạy cho các em học sinh lớp 1 và đọc cho các em nghe những câu chuyện trong Luyện đọc lớp 1.

HTS

(*) Luyện đọc lớp 1, GS.TS Lê Phương Nga (Chủ biên), TS. Trần Thị Quỳnh Nga, NXB Giáo dục Việt nam, 8 - 2020.

 Link xuất bản trên TC VHSG: https://vanhocsaigon.com/sach-luyen-doc-lop-1-hap-dan-tung-cau-chu/?fbclid=IwAR2lcGsuAG0TK5HrAubz9u3_jHZdrsnVmhnTzSE6qqGLSa6GD9UljQk9whQ

 

 

 


Anh Trương Tham và chuyện nuôi con gì không ăn con nấy

HTS - Báo chí và MXH đang rộ chuyện sugar daddy và sugar baby, nói chuyện mấy tay lắm tiền nhiều của kiếm con để nuôi gọi là con nuôi rồi thịt luôn cả con nuôi. Tuy nhiên tôi biết vẫn có những người nuôi con gì đó và quý nó hơn cả con nuôi nhưng không hề ăn thịt nó.

v Hồi còn ở Quy Nhơn, tôi chơi với anh Trương Tham (NGƯT, đã qua đời), giáo viên văn trường cấp 3 Trưng Vương. Anh là một Gv văn giỏi thực sự, rất yêu nghề và thương học trò. Đặc biệt anh lên lớp rất cuốn hút. Hồi năm 1980 mới ra trường về dạy ở ĐHSP Quy Nhơn tôi đã xin anh được dự mấy tiết giảng văn để học hỏi. Anh em quý nhau từ đó. Anh sống độc thân và đặc biệt yêu loài chó nên chẳng những không ăn thịt chó mà trong nhà anh khi nào cũng có cả một đàn chó 5-7 con đủ các lứa tuổi. Anh chiều lũ chó như chiều vong. Có lần tôi ra chơi nghe anh tâm sự một cách cực đoan nhưng vẫn rất có lí: Ở với chó vui hơn ở với người. Có bữa ngồi bộ xa lông của anh, tôi để cái kính trên bàn, có một chú chó vá mới mở mắt mình trắng đốm đen rất đẹp, mập mạp và lùn chủn. Thấy tôi để ý đến nó anh bế đặt lên bàn. Chú chó lẫm chẫm bước lại phía tôi rồi ngậm cái kính của tôi mà gặm. Tôi thấy dễ thương nên để yên cho nó gặm. Anh Trương Tham thì nạt yêu nó: Cún, hư này, đừng có gặm kính của chú Sơn chứ. Anh nói với chó mà hơn cả nói với người. Đó là con chó bé nhất và dễ thương nhất của anh lúc đó. Rồi thấy tôi thích nó thật sự, khi ra về anh nói: HTS thích con cún không. Thích lắm anh. Vậy đem về mà nuôi. Được thế thì tốt quá. Em xin anh.

Chú mực của ba mạ tôi ở quê. Cả nhà tôi không ai nghĩ đến chuyện ăn thịt chú trừ quân trộm chó.

Rồi anh kiếm cái hộp giấy bỏ chú cún con vào cho tôi đưa về nhà nuôi. Cả nhà tôi đều thích cún. Do còn bé nó chỉ uống sữa không ăn gì khác. Được 3 ngày, tôi đi làm về thì thấy anh Trương Tham đạp xe ra nhà tôi (cách nhà anh cũng 4 - 5km, anh chỉ đi cái xe đạp cà tàng không đi xe máy). Tôi lấy làm ngạc nhiên vì anh là người ít đến nhà riêng của bạn bè nay không hiểu có chuyện gì mà anh đường đột đến nhà tôi như vậy. Tôi mở cửa mời anh vào. Anh bước qua phòng khách hỏi con cún đâu. Dạ nó ở sân sau. Chẳng nói chẳng rằng anh đi thẳng ra cái sân sau thoáng mát của nhà tôi, thấy cún con đang ngủ ngon lành bên đĩa sữa trắng ăn còn chưa hết. Ở góc nhà là cả một thùng sữa tươi không đường dành cho tôi và cún. Chỉ thấy thế xong anh chào tôi ra về mà không nói thêm gì. Cả nhà tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thì ra là dù đã cho hẳn tôi rồi nhưng anh vẫn quan tâm đến chú cún con, không biết tôi chăm sóc nó có tốt không nên lên tận nhà để kiểm tra xem nuôi nấng thế nào. Thấy yên tâm rồi thì về ngay. Thêm một minh chứng nữa về lối sống khác người và lòng yêu thương loài chó vô bờ bến của nhà giáo Trương Tham.

v Một ông anh khác mà tôi chơi cũng thân tình là nhà văn Võ Duy Linh. Anh là một con người cũng đầy cá tính và góc cạnh, từng đóng đến chức vụ trưởng làm GĐ Trung tâm học liệu Giáo dục ở TP. HCM. Đời anh lên thác xuống ghềnh, bị chốn quan trường dập cho tơi tả. Về hưu anh bán nhà ở Sài Gòn chuyển vợ con về Bình Dương sinh sống. Anh làm ở Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Bình Dương, vợ thì làm ở thư viện trường. Năm trước tôi lên dạy cho trường này mấy chục tiết VHTQ. Có buổi sáng đang lên lớp thì thấy anh đứng ở cửa lớp ngoắc ra: Dạy xong qua nhà mình ăn cơm. Nói xong đi luôn không kịp để cho tôi trả lời là đồng ý hay không. Buổi trưa ở lại trường tôi thường ra quán cơm Sv trước cổng ăn dĩa cơm sườn rồi vô nhà khách chợp mắt chút chiều dạy tiếp. Bữa ấy dạy xong kêu xe ra nhà anh ăn trưa. Anh Võ Duy Linh sống trong một căn hộ ở đầu khu tập thể, nhà nhỏ nhưng đất đai khá rộng. Trước sân anh che rạp xây một cái bể lớn nuôi nhiều cá các loại. Bên hồi nhà là một bãi cỏ rộng như cái sân bóng chuyền lau lách mọc rậm rạp. Anh kể cứ mấy tháng lũ cá lớn lên có con nặng cả kí nhưng anh nuôi chúng, cho ăn chăm sóc hàng ngày nên thương yêu chúng đến mức không nỡ nào ăn chúng. Lâu lâu anh bắt những con lớn nhất đi cho hàng xóm, còn nhà anh ra chợ mua cá khác về ăn. Anh không phải là không ăn cá mà con cá cưng do mình nuôi thì không thể ăn được chúng.

Ở bãi cỏ rộng bên hồi nhà anh Võ Duy linh tôi thấy có một bầy heo mọi con nào con nấy đen trùi trũi chắc cũng khoảng 2 kí/con đang bu theo một con heo mẹ cũng loài heo mọi to khoảng 30 kí. Võ Duy Linh kể có lần ra chợ thấy người ta bán con heo mọi dễ thương quá anh mua về thả rong ở bãi cỏ, hàng ngày cho ăn cơm 3 bữa theo kiểu bán hoang dã. Cơm để trong một cái thau nhôm, mỗi lần cho ăn anh lấy que gõ vào cái thau, chú heo con nghe tiếng chạy về ăn, xong lại vô tư rong chơi. Heo mọi con lớn lên thành con heo cái to đẹp, cái bụng nhìn có vẻ nặng nề như có chửa. Nhiều quán xá hỏi mua nhưng anh dứt khoát không bán. Rồi đột nhiên nó biến đâu mất cả tháng. Anh đi tìm khắp lau lách vẫn không thấy cứ nghĩ chắc bị ai bắt trộm. Coi như xong đời con heo mọi đáng yêu. Chưa hết buồn thì một sáng ngủ dậy, anh nhìn ra bãi có thấy heo mọi trở về với một bầy 5 heo mọi con lít nhít khác. Anh mừng rú lên như bắt được vàng liền chạy vô nhà lấy cơm và các loại đồ ăn ra cho mẹ con heo mọi ăn. Tôi nhìn mẹ con heo mọi rất lấy làm thích thú. Thấy vâỵ anh Võ Duy Linh nói tôi cho ông một con đấy, thích con nào bắt con đó đem về Sài Gòn mà nuôi. Nghe anh nói trong đầu tôi đã nghĩ đến món heo mọi thơm ngon mà tôi vẫn ăn ở mấy quán dọc đường Tân Sơn Nhì. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh Duy Linh dặn: Ông nuôi cho vui thôi chứ không được làm thịt đánh chén nó đâu đấy. Ôi trời, vậy xin thôi. Nhà tôi hình ống ở trong hẻm, không lẽ nuôi chú heo mọi trên sân thượng. Nếu cho đem về đưa ra quán làm thịt ăn thì ok chứ để nuôi mà lại không được ăn thịt nó thì bó tay. Tôi đã không nhận chú heo mọi dù anh rất nhiệt tình cho.

v Đã lâu rồi, hồi còn ở Quy Nhơn tôi nuôi một chuồng bồ câu giống Pháp. Loài này rất mắn đẻ và rất dễ nuôi. Ngày nào cũng có mấy ổ bồ câu nở trong chuồng. Bồ câu non nở ra chỉ 1 tuần là lớn như thổi, cầm lên tay nghe nặng trịch cả một cục thịt. Nếu không làm thịt nấu cháo ăn thì nó sẽ nở ra chật cả mấy ngăn chuồng. Vì thế ngày nào nhà tôi cũng có món bồ câu nấu cháo, vì là bồ câu non thịt rất mềm nên không cần hầm. Nhưng tôi là người chăm nuôi lũ bồ câu, hàng ngày luôn nhìn thấy chúng nó từ trong quả trứng tí hon mỏng mảnh chui nở ra rồi lớn lên, những con chim bố chim mẹ thì gù nhau nên tôi thấy thương lũ bồ câu và không nỡ ăn thịt nó. Cháo nấu ra thơm ngon chỉ để 2 cô con gái ăn. Trong lúc đó bồ câu hầm bán ở quán thì tôi vẫn ăn bình thường.

Chú mèo nhà hàng xóm với nhà tôi. Chuyên gia săn chuột và gián. Canh nhà rất giỏi.

v Nghe mấy ông bạn nhậu của tôi thường nói Nuôi con gì ăn con nấy. Nhưng từ chuyện nuôi bồ câu của tôi, chuyện anh Võ Duy Linh nuôi cá nuôi heo, chuyện anh Trương Tham nuôi chó tôi có thể kết luận ngược lại: Người ta nuôi con gì có thể không ăn con đó.