30 tháng 1, 2016

Tổng duyệt vườn nhà

Chiều nay thứ 7 được nghỉ. Ngủ một giấc dài đến 3 giờ tôi ra đầu hẻm mua hộp sơn Bạch Tuyết với cái cọ về sơn lại hai cánh cổng cho mới mẻ ra vẻ ngày Tết với thiên hạ. Đang cặm cụi sơn thì có có thằng thanh niên lạ hoắc chạy xe máy qua dừng lại tưởng nó hỏi nhà hay hỏi đường ai dè nó phán một câu: Ông già chơi vầy rồi cướp cơm mấy thằng thợ hồ  thợ sơn à?  Cuối năm để chúng nó kiếm vài đồng chớ. À, thằng này vui tính dzữ ha, chú làm giải mỏi mày ơi. Nó cười: Chọc chú chơi thôi. Chú ăn Tết vui nha. Nói rồi rồ xe chạy ra Tân Kỳ Tân Quý. Không khí Tết khiến con người ta thấy thơ thới và vui vẻ cởi mở hẳn ra như thế đấy.
Sơn cả tiếng thì xong. Mấy cánh cổng sắt như mới hẳn ra. Tôi thích sơn đen mờ màu nòng súng.
Rồi tôi lên sân thượng chăm sóc vườn cây. Ưng mắt nhất là giàn dưa leo (dưa chuột) xanh um tùm và đã ra hoa kết trái. Qua Tết thế nào cũng có dưa sạch ăn sống rồi. 

                                                    Mai vàng đã bắt đầu nở



 Giống mai Bình Định này nụ to khỏe, tôi có hai cây năm nào cũng trổ bông đúng Tết


                                           Mấy chậu dưa leo đã lên thấu giàn


                                   Trái đã to bằng chiếc đũa. Mắt nào cũng có trái


                             Hai cây vối đã cao hơn tôi, thu hoạch hằng ngày
     Cây lá cách lại ra lứa đọt mới. Chỉ thêm tội mấy con ếch ngoài chợ Sơn Kỳ  


                                   Lá lốt nấu canh tập tàng


                                Chua me đất nấu canh chua cá lóc


                                           Mai chiếu thủy


                                             Cây cóc ra trái quanh năm


          Lá chanh thịt gà. Nói chung tôi là người có tâm hồn ăn uống


29 tháng 1, 2016

Tập huấn nghề

Nhằm tăng cường hơn nữa việc phổ biến thông tin và hỗ trợ các trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT theo chuẩn ASEAN, ngày 29 tháng 1 năm 2016, tại Hội trường Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã diễn ra Chương trình Tập huấn định hướng nghề nghiệp theo chuẩn ASEAN cho lãnh đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX thuộc TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

                                              Đoàn chủ tọa

Chương trình Tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (đơn vị đăng cai) tổ chức.
Thành phần tham dự bao gồm Đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên phụ trách hướng nghiệp các trường THPT, Trung tâm GDTX, Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Tổng hợp trên địa bàn TP.HCM.
Đến dự Chương trình Tập huấn có TS. Nguyễn Viết Dũng, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lí học Việt Nam, Trưởng khoa Tâm lí học Trường ĐHSP. Tp. Hồ Chí Minh; ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nhu cầu thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh; TS. Mộc Quế, Chủ tịch Phân viện nghiên cứu BIO – MQA – NANO tại Tp. Hồ Chí Minh; nhà báo Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập báo Giáo dục Tp. Hồ Chí Minh; hoa hậu Hoàn vũ Việt nam 2015 Phạm Hương.

Hoa hậu Phạm Hương trình bày báo cáo về học ngoại ngữ trong nhà trường và sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống. Diễn đạt tạm ổn.

Hơn 130 nhà giáo đại diện các ban giám hiệu, ban giám đốc các trường THPT và trung tâm GDTX, Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp Tổng hợp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận đã đến tham dự Chương trình Tập huấn.
Về phía Trường Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn có TS. Vũ Khắc Chương, Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Nhà trường, các vị trong Ban Cố vấn, Ban Giám hiệu, các trưởng phó khoa, phòng, ban trung tâm cùng toàn thể giảng viên, cán bộ nhân viên và hơn 300 học sinh, sinh viên của trường đã tham dự Chương trình.    
Nôi dung Tập huấn hướng về các chủ đề chính như: Thảo luận các lĩnh vực nghề nghiệp mà Asean đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên; Một số ngành nghề Việt Nam đã triển khai đào tạo theo chuẩn ASEAN; Những thuận lợi, thách thức và điều kiện xây dựng mô hình cơ sở đào tạo đạt chuẩn ASEAN;Những yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn hướng học, ngành học, chọn nghề của học sinh theo chuẩn ASEAN; thông tin dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động; nắm bắt, ổn định tâm lý của học sinh trong quá trình học và các kỳ thi.
Tại chương trình Tập huấn các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo của các diễn giả: TS.Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh về Đào tạo nguồn nhân lực chuẩn ASEAN; Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nhu cầu thị trường lao động TP.HCM về Các ngành nghề và nhu cầu nhân lực chuẩn ASEAN ở Tp. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn- Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam: Một số yêu cầu tâm lý trong đào tạo chuẩn quốc tế; TS.Mộc Quế, Chủ tịch Phân Viện Nghiên Cứu BIO – MQA – NANO: Đổi mới phương pháp Dạy và Học theo định hướng Kỹ năng mềm để trường học rèn luyện đầu ra cho SVHS phù hợp chất lượng hội nhập nguồnnhân lực WTO - cộng đồng ASEAN; Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015- Phạm Hương về Tầm quan trọng và phương pháp học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập quốc tế; ThS.Đặng Thanh Nhường – Phó Trưởng Khoa Du lịch Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: Xây dựng mô hình đào tạo du lịch theo chuẩn ASEAN và EU.
Sau khi nghe các báo cáo, Chương trình đã dành thời gian thích đáng để các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận về những vấn đề đặt từ các báo cáo. Trước những vấn đề đặt ra từ cử tọa, các diễn giả và các vị trong đoàn chủ tọa đã giải đáp tận tình và thích đáng, làm rõ thêm những vấn đề quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp theo chuẩn ASEAN cho học sinh THPT.

Hoa hậu họ Phạm này là đồng nghiệp cùng trường với tôi. Nàng dạy ở Khoa Nghệ thuật nhưng từ khi đăng quang hoa hậu Hòa vũ VN chẳng mấy khi thấy nàng đến trường.  Hôm nay là một dịp hiếm hoi. Nàng giản dị và vui vẻ chụp hình kỉ niêm với mọi người. Hoa hậu đẹp thì có đep nhưng tôi không thích vì không hợp gu tôi lắm. Tôi thích con gái có da có thịt một chút (như bà xã tôi ấy) chứ đằng này trông nàng dài lêu đêu và cao như con cò hương 


Chỉ một nàng hoa hậu mà khiến cho hàng chục GS, TS liêu xiêu nghiêng ngả ráo trọi

Sau gần 5 tiếng đồng hồ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, vừa mang tính học thuật vừa mang tính thực tiễn cao, Chương trình Tập huấn định hướng nghề nghiệp theo chuẩn ASEAN đã mang lại nhiều thông tin và kiến thức bổ ích cho các đại biểu và cử tọa tham dự, mang lại nhiều kiến thức cần thiết cho những nhà quản lí trường học cấp THPT, các trung tâm GDTD, trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề. Từ đó sẽ giúp các em học sinh THPT có một định hướng đúng đắn trọng việc lựa chọn ngành nghề, lựa chọn được những trường đại học, cao đẳng thích hợp để đăng kí thi tuyển và nhập học trong mùa tuyển sinh 2016.
Đăng cai tổ chức Chương trình Tập huấn định hướng nghề nghiệp theo chuẩn ASEAN cho đại diện ban giám hiệu, ban giám đốc các trường THPT, các trung tâm GDTD, trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lần này là một cố gắng lớn của lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (Saigonact). Đây cũng là một sự kiện lớn vào những ngày cuối năm của Nhà trường khẳng định năng lực về nhiều mặt của tập thể Ban Giám hiệu và giảng viên, cán bộ, nhân viên Nhà trường. Sự kiện có ý nghĩa như là một thánh tích đón chào năm mới.
Hi vọng bước sang năm mới Bính Thân 2016, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn sẽ còn có những bước tiến và thành tích nhiều hơn nữa đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Với người anh, người bạn tri âm Nguyễn Văn Khánh (ở trường này số người mà tôi có thể chuyện trò mọi thứ với nhau được chỉ đếm chưa hết 3 đầu ngón tay, trong đó có TSKH, PHT Khánh). Ông lớn hơn tôi 5 tuổi nhưng tánh tành thì trẻ hơn tôi 10 tuổi.  Ông  là TSKH thứ thiệt, luận án nghệ thuật học của ông được bảo vệ ở Bun ga ri. 


Trái sang: GS.TSKH Lê Xuân Hải, TSKH Nguyễn Văn Khánh, Hoa hậu Phạm Hương, PGS Đặng Ngọc Lệ


20 tháng 1, 2016

Tôi đi làm tuyển sinh

Theo kế hoạch đã hẹn qua điện thoại với BGH các trường THPT, nhóm chúng tôi dành hẳn một ngày để đi làm công tác tuyển sinh với 6 điểm trường tại hai quận 6 và 8. Năm nay, trước tầm quan trọng và yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyển sinh, cán bộ giảng viên của trường từ phó hiệu trưởng trở xuống đều tham gia các nhóm tuyển sinh với hi vọng năm 2016 này sẽ có nhiều tân sinh viên đến tựu trường.
Để tranh thủ thời gian, đúng 6 giờ 30 sáng thứ 3 ngày 19-1-2016, chúng tôi lên đường. 
Với chúng tôi, quận 6 và quận 8 là hai địa bàn khá xa lạ bởi ở Sài Gòn này sống ở đâu thì biết ở đấy. Nơi nào không có liên quan gì thì rất ít biết. Vì thế mà trước ngày lên đường, tôi đã bỏ công tra cứu trên maps google vị trí đường đến của mỗi trường, đi đường nào để có một lộ trình hợp lí nhằm tiết kiệm thời gian và công sức nhất. Nhờ đó mà đường đi tuyển sinh của chúng tôi cũng nhẹ bớt phần nào.
Điểm đến đầu tiên là Trường THPT Bình Phú ở 102 Trần Văn Kiểu phường 10 quận 6. Đến cổng trường đồng hồ mới chỉ 7 giờ kém, chúng tôi chỉnh trang lại hình thức cho ra vẻ cán bộ tuyển sinh rồi ung dung xách ba lô quà tặng với 120 cuốn sổ tay tuyển sinh vào gặp BGH. Trường THPT Bình Phú là một trường công lập khá lớn của quận 6 với 14 lớp 12 và 14 lớp 11. Hiệu trưởng đi vắng, tiếp và làm việc với chúng tôi là Phó hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lộc. Nghe chúng tôi trình bày xong mọi chuyện, thầy Lộc vui vẻ nhận quà tặng, cho văn phòng gọi lớp trưởng các lớp 12 lên nhận sổ tay tuyển sinh về phát cho các bạn trong lớp rồi nhiệt tình dẫn chúng tôi ra bảng tin của trường chỉ chỗ dán hai poster về tuyển sinh của SaigonACT và về cuộc thi “Ảnh đẹp học sinh trách nhiệm với môi trường” và “Ảnh đẹp học sinh, sinh viên, vượt khó”. Chia tay thầy hiệu phó trường Bình Phú ở cổng trường với cái bắt tay lưu luyến, chúng tôi coi như đã có một khởi đầu thuận lợi trong hành trình tuyển sinh của mình.
Điểm đến tiếp theo là các trường THPT Đào Duy Anh, THPT Quốc Trí và Trung tâm GDTX quận 6. Nói thực là không phải điểm đến nào cũng thuận lợi. Có nơi thì nói BGH hôm nay bận việc không tiếp khách, có nơi lại nói giám đốc trung tâm đi vắng hẹn hôm khác đến. Nhưng nhờ chịu khó thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được những nơi cần đến, làm được những việc phải làm. Tuy nhiên cũng có những câu chuyện vui vui khiến chúng tôi nhớ mãi. Ở Trường THPT Đào Duy Anh, sau khi tặng quà và gửi sổ tay tuyển sinh cho học sinh các lớp xong, thầy hiệu phó chỉ cho chúng tôi đi thang máy lên cantin trên lầu 4 để dán poster vì đó là nơi học sinh tập trung nhiều, dễ phổ biến nội dung thông tin nhất. Khi cánh cửa thang máy vừa khép lại, tôi với thầy Dục tái cả mặt vì thang máy trường này đã cháy sạch hết bóng đèn, tối thui như địa ngục. Trên bảng điện tử may mà còn có con số 4 nhấp nháy. Bù lại được cái thang máy tuy cũ nhưng chạy rất êm. “Êm hơn tháng máy trường mình”, thầy Dục tự an ủi như vậy. Dán poster xong, chúng tôi quay lại phòng làm việc của thầy hiệu phó thì có một cô giáo trẻ rất xinh lại gần nhoẻn một nụ cười rất quyến rũ và nói: Thầy ơi, trường em còn một phân hiệu nữa, thầy cho em xin thêm hai cái ba lô quà tặng nữa cho đều nhé. Trời. Tiêu chuẩn mỗi điểm đến chỉ hai ba lô, tôi mà tặng thêm cô hai cái nữa chắc chớt quá – tôi từ chối khéo mà thấy đau lòng vì không đáp ứng được lời đề nghị dễ thương của cô giáo trẻ đẹp. Giá mà có sẵn tiền, chạy đi mua thêm hai cái ba lô để tặng riêng cô giáo này thì tôi cũng sẵn sàng. Đúng là mỹ nhân kế lợi hại thiệt.
Hành trình buổi sáng rồi cũng khép lại với bốn điểm đến ở quận 6 đã hoàn tất. Buổi chiều chúng tôi tiếp tục hành trình với hai điểm đến ở xa hơn bên quận 8 là Trường THPT Lương Văn Can ở 173 Phạm Hùng và Trường THPT Tạ Quang Bửu ở 909 Tạ Quang Bửu. Đây là hai trường công lập rất lớn không chỉ của quận 8 mà còn của cả Thành phố. Trước khi chúng tôi đến, hai trường này đã từng tổ chức những ngày hội tuyển sinh với sự tham gia tuyển sinh và tài trợ của nhiều trường đại học lớn như đại học Nguyễn Tất Thành, đại học Công nghệ - HUTECH… Ở Trường Tạ Quang Bửu, chúng tôi được mời vào gặp thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hồng. Sau khi nghe trình bày mục đích nội dung của chuyến đi, thầy Hồng vui vẻ nhận quà tặng của nhà trường và cho gọi ngay các lớp trưởng khối 12 xuống nhận sổ tay tuyển sinh của SaigonACT rồi nhiệt tình chỉ chỗ cho chúng tôi dán poster.
Hoàn thành một ngày đi làm công tác tuyển sinh, mệt thì có mệt nhưng chúng tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Chọn một quán café khá đẹp ở góc đường Tạ Quang Bửu quận 8, chúng tôi tấp vào tự thưởng cho mình mỗi người một li café đá thơm lừng rồi ra về, kết thúc một hành trình tuyển sinh trong Thành phố.

                          Làm việc tại Trung tâm GDTX quận 6
  

    

12 tháng 1, 2016

Mùa vàng

Là nói vàng của củ nghệ chứ không phải mùa lúa vàng.
Sau một năm trồng trong chậu cảnh, từ một mẩu củ nghệ tí hon to bằng ngón tay út, chiều nay tôi thu hoạch được một củ nghệ to khổng lồ, nặng đến 1,5 kí đựng đầy cả một giỏ.
Tôi trồng cây nghệ này như trồng hoa. Bón phân bằng bã đậu nành xin của cô bán sữa đậu nành đầu hẻm, tưới nước hằng ngày. Đây là nghệ sạch đúng nghĩa. Các nhà sinh vật học có thể tham khảo thêm phương pháp trồng nghệ chất lượng cao mà sạch này.
Phải nhổ nó lên để trồng mấy cây dưa leo và mướp mới mọc mầm.

Con gái bảo ba có tay trồng nghệ. Bà xã thì dự định thái lát phơi khô rồi đem ra tiệm xay thành bột dùng quanh năm.
Nó đây:

                Chỉ một củ nghệ thôi đấy. Có khi ghi vô kỉ lục guiness được  

10 tháng 1, 2016

Tất niên sớm

Hôm nay có cuộc hội ngộ cuối năm của nhóm bạn học lớp 12A K2 (tức lớp A khoa văn khóa 12).
Chiều qua đang giờ làm thì Lê Văn Ngọ gọi: Tui mới ở Vinh vô, có gặp nhau được không. Được chứ sao không. Để chủ nhật rảnh tui sang quận 7 chơi với ông. Một lát sau thì ông Nguyễn Mậu Đàn từ Long Hải: làm gì mà mấy lâu im ắng thế chú mày. Khoảng 28 Tết xuống tao lấy bánh chưng về ăn nhé. Tôi đáp: Bánh trái là chuyện nhỏ. Chủ yếu là tui về Long Hải ăn tất niên với ông thôi. Mà có thằng Ngọ mới xuất hiện ở Sài Gòn đây. Chục ngày nữa hắn ra Vinh lại rồi. Vây mai phe ta làm cuộc họp mặt đi - lão Đàn hào hứng, mày gọi ngay cho bọn con Đào Thủy, con Lê Thị Hiệu với thằng Ngọ. Chiều mai nhé. Mà không, trưa mai nhé. 10 giờ tao lên sớm. Nhậu ở nhà con Đào Thủy. Nói Thủy mời thầy Đào Trọng Mão chủ nhiệm lớp 12A ta nữa luôn nhé.
YES. Mai chủ nhật mấy vị muốn chơi kiểu gì tui cũng tham tham gia được. Tôi phôn ngay cho cả bọn. Tất cả đều OK.
Sáng nay mới 5 giờ đang say giấc nồng thì điện thoại lão Mậu Đàn đã dựng tôi dậy: Giờ tao xuất phát rồi đây. 2 tiếng nữa chúng mày tập hợp ở nhà cái Thủy nhé. Đi chơi mà lão cựu chiến binh này  cứ làm như đi đánh giặc.  
 Đúng 9 giờ cả bọn 12A K2 chúng tôi đã tề tựu ở nhà Đào Thủy. Lê Thị Hiệu mang theo cả ông xã đến. Trên bếp một chảo cá trứng Hà Lan đang chiên xù nghe xèo xèo. Trên bàn ăn một nồi lẩu điện cũng đang sùng sục sôi. Gì chứ vụ ăn uống đãi đằng bạn bè này thì Thủy là nhiệt tình số một. Thủy sống một mình với tòa ngang dãy dọc như địa chủ. Con cháu ở hết bên Mĩ. Có bạn bè đến Thủy nói tau vui như Tết.
Thầy Đào Trọng Mão  ở cách nhà Thủy một con hẻm trên đường Phan Huy Ích cũng kịp có mặt. Từ tháng 9 năm 72 chia tay thầy và bạn bè để đi lính đến nay tôi mới gặp lại thầy chủ nhiệm lớp năm thứ nhất của mình. 44 năm đã trôi qua. Thầy là anh trai đầu của Đào Thủy, dạy văn học dân gian và làm chủ nhiệm lớp 12A bọn tôi. Thầy trò gặp nhau vừa kịp bắt tay khắp lượt anh Mâụ Đàn đã giuc mọi người ngồi vô mâm và nâng li. Lão ni vội là do chiều phải về lại Vũng Tàu để dự một đám cưới không thể vắng mặt. Một thẩu rượu ngâm 10 kí táo mèo của Thủy đươc bưng ra. Uống rượu bằng li cối như uống bia. Cuộc nhậu của sáu thầy trò kéo dài từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Bao nhiêu chuyện tào lao của lớp đại học khóa 12 của tôi đã được kể; nhiều bài thơ đã được đọc, cười đau cả miệng.
Thầy Mão nói hôm nay có khi vui hơn tất niên đấy. Lão Đàn bảo: Thì hôm nay là tất niên luôn chứ còn gì nữa thầy. Tất niên làm sao mà họp mặt được với đám thằng Sơn thằng Ngọ này ạ.

Với tôi thì vui hơn cả tất niên.

                                 Trái sang: Sơn, Đàn, thầy Mão, Ngọ, Hiệu, Thủy


Cây khế ngọt sum suê trong sân nhà Thủy, cả bọn hái ăn đã đời, còn mang về.




7 tháng 1, 2016

Những khoảng lặng cuộc đời

Tôi nhận được tin mời dự kỉ niệm 50 năm thành lập Trường cấp 3 Đồng Hới (nay là Trường THPT Đồng Hới) qua facebook. Về dự thì quá dễ, chỉ cần có thời gian, xin sếp nghỉ mấy ngày phép rồi  xin vợ ít tiền mua tấm vé khứ hồi là xong. Ai chứ tôi, một học trò cũ từ khóa 1968-1971 (nghĩa là đã tung cánh bay khỏi trường – nói cho bóng bẩy một chút -  từ cách đây tròn 45 năm) thì dịp này không thể không về. Bởi nơi đó, dưới mái Trường cấp 3 Đồng Hới tôi và hàng trăm thằng bạn cùng lứa khác đã mài mòn đũng quần những năm tháng tuổi thơ nhất quỷ nhì ma ngu ngu dại dại, nay sống bôn ba đã quá nửa đời người, tóc đã bạc trắng mái đầu thì đây là một dịp tốt để quẳng lại phía sau những bộn bề cuộc sống mà quay về với tuổi thơ đầy kỉ niệm. Với lại tôi đang cố sống theo châm ngôn: Đâu có hội là ta cứ đi. Phải về thôi. 
Nhưng rồi tôi lại nhận được một tin nhắn cũng qua facebook  của cô bạn học sau một lớp cấp 3 và sau cả một khóa khoa văn thời đại học: Trần Phương Thảo, nguyên GV Đại học Quảng Bình. Cô học trò cấp 3 Đồng Hới xinh đẹp một thời này dù đã về hưu nhưng không chịu gác bút, lần nào hội trường cũng được thầy Hiệu trưởng đương thời tin cẩn giao cho chức tâp hợp bài vở và chịu trách nhiệm biên tập cho số đặc san kỉ niệm của nhà trường. Đó là chưa nói chuyện bà tiến sĩ này mỗi dịp hội trường lại mắc căn bệnh hội chứng hội trường. Nghe nói hồi kỉ niệm 40 năm cấp 3 Đồng Hới phải sau 3 tháng diễn ra lễ kỉ niệm hội chứng hội trường của TS. Thảo mới nguôi ngoai.   
 Lời nhắn của TS Thảo viết: Anh viết bài ngay cho đặc san kỉ niệm 50 năm THPT Đồng Hới rồi mail ngay về cho Thảo nhé (toàn là viết ngay rồi mail ngay, cứ như tôi là Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không có đủ 72 phép thần thông biến hóa tài ba lỗi lạc, ưng chi là mần được ngay vậy). Rồi lại còn chỉ đạo tôi là thông báo ngay (lại ngay) cho bạn bè trong đó – tức Tp. HCM -  cùng viết bài gửi về cho thêm phần phong phú.
Vụ ni mới là khó đây. Gì chứ đã viết lách thì trước hết phải có cảm xúc, sau nữa là phải có đề tài. Trong lúc đề tài thì chưa nghĩ ra, cảm xúc thì ngửng mặt lên trời gọi mãi đến mức mặt nghệt ra như mặt bò mà vẫn chưa thấy hiện về. Than ôi !
Thời buổi bây giờ người khôn của khó, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống, huống chi tôi lại đang sống nơi có hàng chục triệu con người đang ngày ngày sục sôi làm việc, lắm lúc thấy mệt mỏi vô cùng và có lúc lại nghĩ là không biết mình sống để làm gì. Không lẽ sống chỉ để chờ ngày được chết. Chính vì thế mà tôi xem những dịp hiếm hoi được về thăm quê, thăm lại trường cũ như là những khoảng lặng trong cuộc đời mình.
Tôi chợt nhớ lời một bài hát rất hay Trường cũ tình xưa với những lời ca da diết: Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ… Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi. Đó là nói chung với mọi người chứ với riêng tôi, với lứa học trò cắp sách đến trường cấp 3 Đồng Hới từ những năm tháng mịt mùng khói lửa chiến tranh thì phải nói lại rằng: Trường mới bạn đây thầy cũ đâu rồi mới đúng. Nhìn ngôi trường THPT Đồng Hới ngày nay khang trang rạng rỡ với những lứa đàn em xinh tươi rộn ràng trong tà áo dài trắng thướt tha khiến tôi nhớ lại ngôi trường cấp 3 Đồng Hới của mình ngày xưa xập xòe mái tranh ẩn náu dưới những căn hầm bán âm bán dương để tránh tàu bay Mĩ; nhớ lũ bạn học lam lũ ham chơi mà hồn nhiên trong sáng đến vô cùng. Nhớ những người thầy đầu tiên mà lứa chúng tôi coi là những thần tượng của mình như thầy Trình dạy toán, thầy Cán dạy văn; nhớ thầy Khả cô Nga dạy hóa; nhớ thầy Khoảnh dạy địa nhớ thầy Trọng dạy văn, thầy Chiểu dạy lý ; nhớ thầy Đóa hiệu trưởng, cô Xuyến hiệu phó… Thưa các thầy cô, đến giờ này chúng em, những học trò tinh ranh của thầy cô ngày ấy, đã già hơn thầy cô những năm tháng thầy cô dạy dỗ chúng em nhiều lắm rồi. Nhưng với thầy cô, chúng em vẫn chỉ là những học trò nhỏ vẫn mong được gặp lại để nghe thêm lời chỉ bảo của các thầy cô.
Những năm tháng tuổi thơ mỗi khi tôi nhớ lại. Đó chính là khoảng lặng cuộc đời tôi.  

Về thôi. 50 năm sắp đến rồi. Bạn bè của tôi ơi!

Với bạn bè lớp 10B khóa 68-71 dịp 40 năm hội trường cấp 3 Đồng Hới 2006


5 tháng 1, 2016

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời

Hôm bữa có việc đi qua chung cư Nguyễn Thị Nhỏ ở khu trường đua Phú Thọ vào đúng giờ ngọ, nhớ đến lão đồng đội Võ Vĩnh Khuyến đang ở cheo leo trên lầu 6 của chung cư này, bèn ghé thăm lão kiếm chén rượu Đức Thọ. Tính lão này thế, cả đời không biết đến bia rượu là gì nhưng lúc nào trên bàn cũng bày sẵn be rượu trắng mang từ Hà Tĩnh quê choa vô cho mọi người đến uống. Ai uống bao nhiêu cũng được. Hết be này lão moi trong gậm giường ra be khác. Tôi thì chỉ một chén con con kiếm cớ tào lao với lão là chính. Vô duyên nhất trên đời là uống rượu một mình lại có thằng chầu hẫu ngồi nhìn.
Đợi tôi nhấp xong cái li hạt mít, lão đứng dậy rút trong ngăn kéo ra cái phong bì có giấy mời về dự 50 năm hội trường cấp 3 Đức Thọ, nơi lão và hàng vạn thằng như lão đã mài mòn đũng quần những năm tháng nhất quỷ nhì ma. Hỏi: Ông mua vé về chưa.
Lão lắc đầu: Tui nỏ về mô ông. Sao vậy. Thì mình suốt đời lính lác, đi lính thì cao nhất hạ sĩ, đi dạy thì cao nhất giáo viên, không học hàm học vị giáo sư tiến sĩ gì, đến một chút tổ trưởng tam tam, tổ trưởng chuyên môn cũng chưa bao giờ với tới. Người ta thành đạt, ông nọ bà kia về thì được kẻ đón người đưa, giới thiệu này nọ long trọng. Mình về có ma nó ngó, về chi cho tủi ông.
Tôi nghe lão nói mà lấy làm lạ. Tay này cái chi cũng được mà sao vụ này hắn lại nhận thức vớ vẩn rứa nhỉ.  Ai không biết chứ với tôi luôn nằm lòng câu đâu có hội là ta cứ đi. Nhất là hội trường, hội lớp thì chớ có bỏ.
Nhớ dịp 30 tháng Tư năm rồi, nhân kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, sư đoàn 341 của tôi, sư đoàn duy nhất được chọn làm đơn vị quân quản toàn Tp. Sài Gòn sau giải phóng, tổ chức họp mặt mít tinh kỉ niệm long trọng cán bộ chiến sĩ toàn sư đoàn tại Dinh Độc Lập. Dịp đó tôi có việc ở quê nên không ở lại tham dự được, tiếc hùi hụi. 40 năm mới có một lần. Biết 10 năm 20 năm sau người ta có làm nữa không. Bao nhiêu đồng đội bạn bè vào sinh ra tử với nhau, sau ngày giải phóng tứ tán kiếm sống khắp nơi giờ là cơ hội gặp lại nhau. Vậy mà mình đã bỏ lại sau lưng để về quê lo việc nhà, không tiếc sao được.  
Lần đó, xong việc ở quê, tôi ra Thanh Hóa thăm lại nơi đi K8 sơ tán hồi học lớp 7 lớp 8. Ở Thanh Hóa tôi có hàng chục thằng bạn thân vừa là bạn học đại học vừa là bạn lính cùng tiểu đội của sư đoàn 341. Đến đó, tôi gặp lại đủ mặt chúng nó. Mừng vui và cảm động vô cùng. Nhưng tôi lạ một điều là sao chúng nó không có đứa nào hành quân vô Sài Gòn dự lễ kỉ niệm 40 năm họp mặt sư đoàn. Hỏi thì thằng nào cũng nói: Cũng muốn đi lắm, cũng muốn vô thăm lại Sài Gòn lắm nhưng nghĩ người ta đại tá, thiếu tướng, sư đoàn trưởng, trung đoàn phó, chính ủy, phó chính ủy này nọ mới đi, bọn mình thằng nào cao nhất cũng chỉ đeo lon trung sĩ, chức vụ thì không quá tiểu đội trưởng, có là cái đinh gỉ gì đâu mà đi. Vô đó ai biết mình là ai. Thôi thì cũng dịp 30-4 ở nhà ới nhau nhậu cho khỏe. Có thằng còn nói mụ vợ tao không cho đi. Mụ cảnh báo: Loại lính lác như ông vô đó giữa cả vạn người, ai biết ông là ai mà bươn chải cho mệt.
Điều đó làm tôi thất vọng.   
Bây giờ đến lượt lão Khuyến Khúng này. Tôi buồn hẳn. Tôi và đám bạn bè đều đã qua tuổi 60 cả rồi. Ở tuổi này mà đã nhận thức cái gì là đóng đinh chết luôn cái đó. Đừng hi vọng cải sửa.
Với tôi thì khác. Có lính mới có tướng, có học trò thì mới có thầy bà giáo sư giáo sãi này nọ. Sao lại tự ti khiêm tốn không phải lối như thế. Dù là chỉ một chiếc lá nhỏ trên cành nhưng thử tưởng tượng nếu một cây cổ thụ mà trụi hết lá thì có tỏa được chút bóng mát nào cho đời không. Vì thế mà ít khi tôi bỏ một cuộc họp mặt lớn nhỏ nào. Từ họp khoa, họp lớp, họp trường ; họp từ lớp cấp 3 đến họp lớp đại học… tôi luôn cố gắng để tham dự. Bởi tôi luôn nhớ câu thơ rất hay của nhà thơ Nga Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko trong bài thơ Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời:
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
Chân lí đấy chứ đâu. Sao bạn bè tôi lẩm cẩm thế nhỉ.


                           Võ Vĩnh Khuyến và HTS

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
-Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko-
(Bằng Việt dịch)

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ
Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình
Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy
Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh!
Mỗi người chứa một nội tâm tiềm ẩn
Phút cao hứng thiêng liêng, phút hạnh phúc tuyệt vời,
Cả phút đau thương, kinh hoàng không xoá nổi,
Một thế giới lặng thầm, đâu phát lộ cho ai?
Cho đến khi con người ấy chết đi
Thì cũng chết theo luôn sắc tuyết đầu lóng lánh
Những khám phá trong đời... cái hôn, trận đánh...
Cùng xoá hết theo anh, không sót lại gì!
Dù quyển sách đã in, dù chiếc cầu đã dựng
Những máy móc đã làm, những bức vẽ đã treo,
Đồ vật có thể còn, vẫn còn gì hơn thế
Mỗi người vẫn có gì sẽ vĩnh viễn mang theo.
Quy luật thiên nhiên thẳng thừng, khắc nghiệt
Mỗi con người ra đi - một thế giới mất đi.
Ta hay nhớ bề ngoài từng đặc điểm trần gian, xương thịt,
Nhưng thực chất sâu xa, ta nắm bắt được gì?
Cho đến anh em ruột thịt, bạn bè
Đến cả cha mẹ mình, cả người yêu duy nhất
Chúng ta tưởng biết kỹ càng, sâu sắc
Nhưng thử hỏi thực tình, ta đã biết gì đâu?
Những con người ra đi... Không thể gì tái tạo
Những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ…
Tôi cứ muốn kêu lên, kêu to lên điều ấy
Trước đời người đều đặn tựa thoi đưa



3 tháng 1, 2016

Không tin được

Lần đầu tiên tôi phát hiện mình bị bệnh tiểu đường typ 2 là vào tháng 7 năm 2010, khi tôi được VHU cho đi khám bệnh tập thể tại TT chẩn đoán Y khoa Mededic Hòa Hảo ở quận 10. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi đi khám bệnh tổng quát. Trước đó cơ quan hoặc Ban BVSK có tổ chức khám tổng quát hàng năm thì tôi vẫn gạt phăng, không thèm đi.
Chỉ số đường huyết của tôi khi đó qua xét nghiệm máu là 9.30. Trong lúc chỉ số bình thường cho phép của Glucose trong máu phải là 3.90-6.10. Quá cao rồi. Tôi lo lắng lắm nhưng không tin nên hôm sau xin nghỉ làm một buổi vô BV Thống Nhất là nơi tôi đăng kí khám và điều trị BHYT xin xét nghiệm lại cả máu và nước tiểu. Vẫn là 9.30. Lần này thì tôi tin. Từ đó tôi uống thuốc tây điều trị đường huyết cao đều đều. Cứ mỗi 30 ngày lại vô Thống Nhất lấy một bịch thuốc to về uống. 30 ngày sau hết lại vô lấy (tôi có tiêu chuẩn nên được miễn phí 100%, nếu mất bộn tiền như thiên hạ có khi tôi không đi đều đặn như thế). Bà BS có cái tên rất cải lương là Mây Hồng quen tên tôi mấy năm nay, cứ thấy cuốn sổ y bạ của tôi trước mặt là bả foto cái toa thuốc cũ cho tôi, không cần thăm khám gì thêm. Thỉnh thoảng 3 tháng một lần BS Mây Hồng cho tôi lấy máu xét nghiệm thì đường huyết không giảm tí nào, cũng không tăng thêm tẹo nào. Vẫn là 9.3. BS Mây Hồng nói như thế là đường huyết của tôi rất ổn định. Người bị bệnh này là buộc cả đời phải sống chung với nó cho đến chết như đồng bào miền Tây sống chung với nước nổi vậy. Dù có điều trị cách chi cũng không thể hết, chỉ cần nó không tăng thêm là tốt rồi.
Cho đến năm 2015 mới rồi tôi chán nản quá nên tự nhiên bỏ hẳn việc thăm khám và uống thuốc tây hàng ngày. Tôi chuyển sang uống nước nấu từ các loại lá như mướp đắng rừng (nguồn: hái từ rừng cao su trên Bình Phước của thằng bạn Nguyễn Quang Ngọc mỗi dịp lên chơi đem về phơi khô để dành); rồi thêm lá cây mật gấu đắng như mật gấu nhưng uống xong lại có vị ngọt; lá xoài non; và phổ biến nhất là uống nước chè nụ vối cùng lá vối tươi. Uống thì uống vậy thôi chứ tôi cũng không tin tưởng gì. Chẳng qua là mấy thứ đó cũng sẵn và cũng dễ uống nên thích uống. Thế thôi. Ngoài ra tôi tuyệt nhiên không đụng đến đường mật dù rất thèm. Cơm ăn cũng giảm lại, mỗi bữa chỉ hai lưng chén vì trong tinh bột khi ăn vô sẽ sinh ra một lượng đường rất lớn. Theo các nghiên cứu của y học cho biết thì dân VN ta bị đường huyết nhiều là do ăn cơm gạo nhiều quá. Tôi cũng vậy. Hồi ở lính cũng như thời học đại học, cả thời học cao học nữa, tôi có thể ăn một bữa sáu bát cơm B52 mà vẫn có thể ăn thêm được. Khi còn là SV ở kí túc xá VU, tôi thích nhất mỗi chiều thứ bảy có đứa nào đó (như thằng Thỏa thằng Tiến Quỳnh Lưu…) xách giỏ về quê với lời nhắn để lại: Cơm nhà bếp chiều nay và cả ngày chủ nhật tui để lại không cắt đâu, ông cứ lấy mà ăn cho no. Những bữa đó tôi sung sướng vô cùng vì được một bữa no do ăn một lúc hai, ba suất cơm của bạn bè để lại như một món quà tặng của lòng nhân ái.
Bịnh tiểu đường của tôi chắc chắn có mầm mống và xuất hiện từ thời đói khổ của những năm tháng sinh viên ấy.
Trở lại với chuyện cả năm 2015 mới rồi tôi không thăm khám, không uống thuốc tây nữa mà chuyển hẳn sang uống nước các loại lá có tác dụng ổn định đường huyết. Những ngày cuối năm nhiều việc, mệt mỏi nên tôi rất lười đi khám, chỉ muốn nằm dài ra ngủ nướng thì vợ nhắc: ông đến mấy phòng khám chuyên khoa xét nhiệm lại máu xem thế nào rồi. Bệnh này nguy hiểm chết người  không coi thường được đâu.
Nghe lời bà xã sáng chủ nhật 20-12 tôi nhịn ăn sáng đến phòng khám Medlatec Tân Bình xét nghiệm máu tiện thể yêu cầu luôn vụ xác định nhóm máu. Mất 75.000đ. Kết quả là đường huyết ở chỉ số 7.42. Cao hơn mức cho phép 1 chấm. Tôi vui mừng. Không lẽ tốt thế. Về nhà khoe với mụ vợ. Vợ nói không tin được đâu. Rồi chỉ đạo: ông kiếm thêm chỗ khác xét nghiệm lại lần nữa xem sao.
Sáng chủ nhật tiếp theo, 27-12, tôi lại nhịn ăn sáng đến phòng khám Cộng Hòa. Lần này cẩn thận hơn tôi còn yêu cầu xét nghiệm thêm cả nước tiểu cho chắc ăn. Kết quả là sạch trơn tru. Trong các chỉ số máu và nước tiểu đều không có chút đường nào. Không lẽ nào như thế được. Lần này đem kết quả về báo cáo thì cả tôi và mu vợ càng không tin và nghĩ ngay đến một phòng khám chuyên khoa khác mà hàng năm trường VHU đều tổ chức cho cán bộ GV đến khám tổng quát sức khỏe, một trung tâm y khoa rất nổi tiếng trong chẩn đoán bệnh ở Sài Gòn: TT chẩn đoán Y khoa Mededic Hòa Hảo, nơi đầu tiên phát hiện ra tôi bị đường huyết cao đến mức 9.30 hồi tháng 7 năm 2010.
Vậy là sáng nay, sáng chủ nhật 3-1-2016, tôi lại nhịn ăn sáng đến Hòa Hảo làm xét nhiệm máu và nước tiểu nối tiếp chủ nhật thứ ba liên tiếp. Kết quả là trong nước tiểu thì sạch sẽ bình thường. Còn trong máu thì dư lượng đường cao ở chỉ số 8.04 (cao hơn mức cho phép một chấm nhưng lại thấp hơn so với năm trước gần một chấm).
Lần này có vẻ đáng tin hơn. Nhưng thực sự là trong 3 chủ nhật liên tiếp đi xét nghiệm ở 3 phòng khám khác nhau đã cho ra 3 kết quả với 3 chỉ số đường huyết quá chênh lệch nhau.
Thiệt là không tin được.
Chắc là tôi lại phải tìm tới với BS Mây Hồng ở Thống Nhất để có thêm một lần xét nghiệm nữa xem sao thôi. Nói thêm chút: Sở dĩ tôi lười vô Thống Nhất vì nó chỉ làm việc ngày thường, muốn vô đó khám bịnh phải xin trường nghỉ làm một ngày lôi thôi phức tạp lắm; đó là chưa nói tuy Thống Nhất là BV trung cao cấp nhưng ở TP này loại cán bộ trung cao đông như kiến có mà sắp hàng chém cả ngày cũng không hết; chỉ có đi lấy kết quả xét nghiệm máu cũng mất cả buổi sáng. Còn mấy phòng khám tư thì làm cả ngày chủ nhật, mất tiền chút đỉnh nhưng lại nhanh có kết quả.
Mệt mỏi qúa.

 Sáng chủ nhật 20-12-2015. Phòng khám  Medlatec Tân Bình. Glucose máu: 7.43


               Sáng chủ nhật 27-12-2015.  Phòng khám Cộng Hòa: Bình thường


 Sáng nay. Chủ nhật 3-1-2016. TT chẩn đoán Y khoa Mededic Hòa Hảo: 8.04


2 tháng 1, 2016

Về quê cúng giỗ

Mới đó mà ba tôi đi xa đã tròn một năm. Chiều 30-12 tôi về QB cùng cả nhà cúng giỗ đầu cho ba tôi. Mạ tôi đặt nhà hàng 10 mâm cơm mời bà con bạn bè hàng xóm láng giềng đồng nghiệp… đến dự lễ tưởng niệm tròn một năm ngày ba tôi đi xa. Mười mâm là một trăm người, không vắng một ai trong bữa cơm cúng giỗ lúc 11h trưa ngày cuối năm 2015, ngày 31-12.
Xong giỗ, tôi ở lại chơi thêm một ngày. Trưa ngày đầu năm 1-1-2016, hai ông bạn học cùng lớp ĐH 16D K2 là Nguyễn Xuân Sùng và Nguyễn Hữu Nhia từ Ba Đồn vô chơi. Chúng tôi trải chiếu ngoài sân ngồi uống rượu với nhau trong cái lạnh cuối năm từ 12h đến 3h chiều mà thấy ấm cúng lạ lùng. Sống cách xa nhau nghìn trùng nhưng lại gặp được nhau ở chốn làng quê Thọ Lộc ngay tại căn nhà của ba mạ tôi, thật cảm động. Chuyện cứ nở như bắp rang.

 Sáng nay trở lại Sài Gòn. Trở lại với nắng ấm mặt trời phương Nam mà nhớ cái rét căm căm miền Bắc. Nhớ cái cảm giác chiều ngày 30-12, vừa bước ra khỏi cửa máy bay ở sân bay Đồng Hới, khí lạnh mùa đông ập tới bất ngờ với tấm áo sơ mi mỏng manh trên người khiến tôi lấy làm thích thú vô cùng mà kêu lên thành lời dù xung quanh không có ai quen biết: Mát quá. Sáng nay khi đến Tân Sơn Nhất, với cái áo khoác dày dặn tôi bước ra cửa máy bay lại gặp ngay ánh nắng mặt trời chói chang ấm áp của Sài Gòn. Lại vô cùng thích thú mà kêu lên thành lời: Ấm qúa.
Ngồi viết những dòng này mà cứ ngỡ như đang ở quê hương. 

Ảnh chụp lúc 15h ngày 1-1-2016 trước căn nhà ba mạ tôi ở làng Thọ Lộc. Trái sang: Nguyễn Hữu Nhia, HTS và Nguyễn Xuân Sùng 


 Những lùm hoa trạng nguyên ba tôi trồng dọc bờ rào mùa này vẫn vô tư nở ngút ngàn. Chúng chắc không biết người trồng ra mình để mình được bừng nở quanh năm đã đi xa tròn một năm


Con đường làng chạy dọc xuyên làng Thọ Lộc đi qua ngõ nhà ba mạ tôi được đổ bê tông bằng tiền viện trợ của chính phủ Mỹ (thưởng cho việc đã tích cực tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh) nên được dân làng tôi gọi là đường Mỹ. Đã hàng chục năm nay dân làng tôi lấy làm sung sướng vì hàng ngày được đi lại trên con đường Mĩ. 



Trước đó tại VHU, lúc 9h30 ngày 30-12-2015 tranh thủ khoảng thời gian trống trong ngày tôi đã tham dự một sự kiện. Bí thư đảng ủy mời tôi phát biểu mấy lời   


Sau 40 năm, tôi đã phát biểu cảm tưởng ngắn gọn không đầy một phút. Xong là bắt tay chào mọi người về nhà ngay để 10h ra TSN cho kịp giờ. Đời tôi thế. Thỉnh thoảng lại được ôm hoa chụp hình.