21 tháng 5, 2014

Khí phách anh hùng



                                                                                 Chử Anh Đào

Cùng với nhiều bậc tiên liệt khác, người được ca ngợi trong bài này là Giang Văn Minh (1573- 1638). Ông người làng Kẻ Mía, xá Mông Phụ, tổng Cam Giá, Phúc Thọ, Hà Tây cũ (Nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Giang Văn Minh đỗ Thám hoa năm 1628 đời vua Lê Thần Tông.
 Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), Ông dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh. Lúc này nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt với nhà Hậu Lê và nhà Mạc hòng mục đích nham hiểm tọa sơn quan hổ đấu, ung dung nhìn nhà khác nồi da nấu thịt, làm Đại Việt suy yếu.
Vua Minh là Minh Tư Tông (hoàng đế Sùng Chính) muốn gây khó dễ, ngạo mạn ra cho sứ bộ Đại Việt vế câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Trụ đồng đến nay rêu đã còn xanh) “Trụ đồng” mà vua Minh nhắc đến ở đây là cột đồng Mã Viện. Viên tướng Đông Hán này sau khi chinh phục xong khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 43, vơ vét đồng trong dân gian đúc thành trụ có khắc 6 chữ Hán như một lời nguyền láo xược: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Nếu cột đồng mà gãy đổ thì Giao chỉ sẽ bị diệt vong). Nghe nói cột đồng này chôn ở động Cổ Lâu, Khâm châu, Quảng Tây Trung Quốc bây giờ. Năm 1789 Vũ Huy Tấn được vua Quang Trung phái đi sứ nhà Thanh, qua cột đồng Mã Viện đã viết bài thơ “Trông chỗ cột đồng cảm xúc” có câu ca ngợi Hai Bà: “Bậc phấn son thật cùng anh hùng”. Năm 1812, Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh cũng viết bài thơ về cột đồng với ý mỉa mai, phủ nhận: “Cột đồng này chỉ lừa được đàn bà, con gái nước Việt…Xưa nay gió lạnh thổi xương trắng/ Công lao của viên tướng nhà Hán có gì đáng khen”. Một tác giả vô danh trên “Nam Phong” số 8, tháng 2 năm 1918 cũng phun thêm một bãi nước miếng: “Công cán ra chi mấy cột đồng”.

                     Giang Văn Minh - Vị sứ thần bất nhục quân mệnh

Không mất nhiều thời gian, Giang Văn Minh lập tức đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ nghìn xưa máu vẫn còn đỏ). Bạch Đằng là con sông đã đi vào lịch sử vẻ vang, hiển hách chiến công của dân tộc trong các cuộc chống giặc xâm lược phương Bắc. (Ngô Quyền thắng quân Nam Hán Lưu Hoằng Thao, Lê Hoàn diệt quân Tống Hầu Nhân Bảo, Trần Hưng Đạo bắt sống tướng Nguyên Ô Mã Nhi… Trong kiệt tác “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu đời Trần cũng đã khẳng định: “Chí kim giang lưu/ chung bất tuyết sỉ” (Đến nay nước sông tuy chảy hoài/ mà nhục quân thù không rửa nổi). Vế đối của Giang Văn Minh như một cái tát trời giáng vào mặt Thiên triều, ngời ngời niềm tự hào và sừng sững thế đứng của khí phách cha ông kết tụ. Quên hết thể diện bản thân và phương diện quốc gia, vua Minh nhục nhã và hèn hạ đã sai người mổ bụng moi gan Giang Văn Minh. Nhưng sau chuyện đã rồi, Minh Tư Tông vẫn một mực kính trọng, cho phép ướp xác sứ thần Đại Việt kiên trung và đưa thi hài Ông về nước. Vua Lê Thần Tông truy tặng Ông chức Công bộ tả thị lang, tước Vinh quận công và câu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ)
Hiện nay, ở quận Ba Đình, trung tâm Thủ đô Hà Nội, nối giữa phố Giảng Võ và phố Kim Mã là con đường mang tên Ông: Giang Văn Minh.
Giang Văn Minh quả xứng đáng là một trong những tinh hoa văn hóa của dân tộc ta, từ nghìn xưa, bây giờ và mãi mãi.
                                                          PK 21.5.14
                                                              C.A.Đ

 Mộ Thám hoa Giang Văn Minh tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm

P/S: Hình ảnh trong bài từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới