31 tháng 5, 2014

Nhà Bè nước chảy chia hai...



Từ cửa biển Cần Giờ đi vào theo sông Nhà Bè ta sẽ gặp hình ảnh dòng sông rộng chẻ làm hai nhánh tạo nên một ngã ba sông mênh mông gọi là ngã ba Nhà Bè. Chính lúc ấy, không ai không nhớ đến câu ca dao quen thuộc có từ thời xa xưa của người Nam Bộ:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Câu ca nhắc ta nhớ về cuộc di dân vĩ đại đưa đồng bào Việt ta từ miền Bắc vào Nam Bộ khẩn hoang lập ấp mở mang bờ cõi theo đường biển. Khi vào đến cái ngã ba sông ấy, ai muốn về Đồng Nai thì rẽ sang bên phải, ai muốn về Gia Định thì rẽ bên trái. Bên phải là sông Đồng Nai, bên trái là sông Sài Gòn.
Còn vì sao lại có địa danh Nhà Bè thì chuyện đơn giản hơn nhiều.
Vào cái thời mở cõi ấy vùng này có ông đại cự phú giàu muôn vạn tên là Thủ Huồng. Khi người vợ chẳng may mất sớm, Thủ Huồng muốn được ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức bèn làm một cái bè to đặt ngay ngã ba sông. Trên bè ông cho dựng một cái nhà bên trong chất đầy gạo, củi, mắm muối, nước ngọt… để cho tàu thuyền của bất cứ ai khi qua lại vùng cửa biển hoang sơ rậm rạp này cần thứ gì thì cứ lấy mà dùng, thứ nào hết ông cho người tiếp tế thêm.
Nơi có cái nhà trên bè ấy, đã trở thành địa danh Nhà Bè, huyện Nhà Bè (của Tp. HCM) giản dị cho đến ngày nay.
Sáng nay, tôi đã chạy xe máy hơn tiếng đồng hồ về Nhà Bè dù chưa đến tận chỗ có cái ngã ba sông lịch sử và nên thơ ấy mà chỉ mới đến xã Phước Kiển. Cất công chạy đến đó chỉ để gặp ông anh Huỳnh Hiến mới từ Bình Định vào thăm thằng con trai tên thường gọi là cu Thông vừa mua một căn hộ đẹp lộng lẫy ở khu chung cư Hoàng Anh Gia Lai Nhà Bè.
Từ Sài Gòn băng qua cầu Khánh Hội, đi hết quận 4 sẽ gặp quận 7 rồi chạy dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh. Qua khỏi khu Phú Mỹ Hưng, gặp ngã tư với đường Lê Văn Lương, quẹo trái thêm vài cây số là tới Phước Kiển với khoảng chục tòa chung cư Hoàng Anh Gia Lai cao cỡ 3 chục tầng nổi bật giữa trời xanh.
Thiệt là đáng nể cho tay đại gia Đoàn Nguyên Đức ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai. Nơi đâu trên Việt Nam này (tính từ Đà Nẵng trở vào) cũng có những tòa nhà chọc trời với dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai ngạo nghễ.
Sự giàu có của tay bầu Đức này nếu ông đại cự phú giàu muôn vạn Thủ Huồng xưa có sống lại cũng phải ngả nón mà gọi bằng cụ. Nhưng nếu xét về lòng nhân đức thì ngược lại, bầu Đức phải gọi Thủ Huồng bằng cụ.
Giữa một vùng đầm lầy dừa nước rậm rạp với kênh rạch chằng chịt, đã nổi lên những khu chung cư cao chọc trời hiện đại, sang trọng đang là niềm mơ ước của nhiều người, nhất là dân tỉnh nhập cư vào Sài Gòn.
Đã lâu không gặp anh Huỳnh Hiến kể từ hồi tôi về Bình Định dự hội trường 35 năm Đại học Quy Nhơn, nay thấy anh vẫn khỏe khoắn đẹp lão ngời ngời.  Hai anh em tôi ngồi nguyên buổi càfe để nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới biển, trong đó có cả những chuyện chỉ có thể đưa ra tại các cuộc họp của bộ chính trị. 
Đây không phải là lần đầu tiên tôi về Phước Kiển Nhà Bè. Căn biệt thự của ông thầy cũ của tôi thời đại học, GS Lê Hoài Nam (người từng làm hiệu trưởng hai trường là Đại học Vinh khi tôi còn là SV và Đại học Quy Nhơn khi tôi là giảng viên) cũng ở xã này. Năm nào dịp áp Tết nguyên đán, thầy cũng gọi tôi xuống nhà ăn đám giỗ. Có lần khi tôi hỏi về nghĩa của địa danh Phước Kiển, thầy giải thích đúng ra nó có thể phải là Kiểng (có G ở cuối). Bởi đây là vùng chuyên trồng cây kiểng để đem về Sài Gòn bán. Nhưng do cách phát âm địa phương Nam Bộ nên Kiểng đã thành ra là Kiển. 

 Nghe tên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thì có vẻ hoang vu xa ngái nhưng lại có những đường phố rộng rãi khang trang như thế này đây.



                        Với những tòa chung cư ngạo nghễ của Hoàng Anh Gia Lai


            Ông anh Huỳnh Hiến nay đã "79 tuổi xuân trong sáng" xuống dưới đường đón tôi


 Sau khi thăm căn hộ mới tinh rộng 125m2 với 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, 2WC trên lầu 5 của cu Thông, anh Huỳnh Hiến và tôi xuống cafe tầng trệt ngồi tào lao thiên đế.


28 tháng 5, 2014

Quê hương nếu ai không nhớ...



Đã sinh ra làm người trên thế gian này, con người ta sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng chắc chắn không ai có thể chọn được nơi mình sinh ra để làm quê hương. Dĩ nhiên ai chẳng muốn được sinh ra ở một xứ sở giàu đẹp văn minh để có thể tự hào khoe với mọi người khi có dịp nhắc đến hai tiếng quê hương. Nhưng không vì thế mà những con người chân chính lại có thể lấy làm xấu hổ khi phải sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, lam lũ. Ngược lại, số đông con người ta thường tự hào và đặc biệt yêu thương về vùng quê của mình, nơi mình đã sinh ra. Và ta gọi đó là quê hương. 
Từ lâu tôi vẫn có một quan niệm không biết có cực đoan không là nếu có ai đó sinh ra mà chối bỏ quê hương của mình thì kẻ đó không đáng làm người. Nói như trong câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Quê hương nếu ai không nhớ; Sẽ không lớn nổi thành người.

Phải dài dòng một cách không cần thiết như trên bởi tôi đã biết, đã gặp một vài người mà trong câu chuyện, dù đã thành ca sĩ nổi danh ở Sài Gòn,  cảm thấy xấu hổ khi phải nhắc về nơi họ đã sinh ra; thậm chí họ đã không ngượng mồm khi chọn một thành phố cha vơ chú váo nào đó và gọi đó là quê hương của họ. Tương tự, tôi cũng đã gặp một vài kẻ, dù đã lên đến chức vụ trưởng, cảm thấy xấu hổ khi phải nhắc về ngôi trường đại học ở một tỉnh lẻ, nơi đã nuôi dạy họ lớn khôn trong suốt 4 năm trời. Để tránh mặc cảm, họ đã nhận vơ là mình tốt nghiệp đại học từ một ngôi trường lớn ở thủ đô. Những kẻ chối bỏ quê hương, chối bỏ cả ngôi trường mình đã học ấy, thật đáng thương thay. 

Tôi xem những người đó là khuyết tật bẩm sinh.

Những cảm nghĩ trên chợt đến khi tôi tình cờ đọc thấy trên một trang mạng từ châu Âu xa xôi một bài viết của Nguyễn Duy Xuân, người bạn học cùng lớp đại học với tôi ở khoa văn ĐHSP Vinh. Đọc xong và tôi nghĩ có lẽ trong những người yêu và tự hào về quê hương mình nhất trên thế gian này, có tên Nguyễn Duy Xuân.

Đó là bài viết của Nguyễn Duy Xuân dự thi "Xứ Nghệ quê mình" được đăng trên trang Nhịp cầu quê hương của website nguoixunghekiev.vn:

                    Trời nước sông Lam nhìn từ núi Quyết
  
Vài năm trước, trong một lần lang thang trên mạng kiếm tìm thông tin về quê hương xứ sở làm nguồn tư liệu cho trang web cá nhân, tôi gặp trang mạng Văn hóa Nghệ An. Nhấp chuột mở trang báo ra đọc qua một lượt, tôi thầm reo lên: 
  Quê hương đây sao ta không biết

  Cứ mải trong kí ức, kiếm tìm ?
Thế là từ đó, Văn hóa Nghệ An trở thành người bạn thân thiết hàng ngày của tôi.

*

Tôi là một người con xa xứ đã hơn ba mươi năm nay. Ngày tôi rời quê hương ra đi lập nghiệp khi vừa bước sang tuổi 22. Dù đã đến tuổi trưởng thành nhưng quê hương với tôi chỉ là những gì thật gần gụi theo đúng nghĩa của từ này. Nào tôi có biết gì hơn khi những năm tháng học phổ thông chỉ quanh quẩn ở trường làng; lên cấp 3 thì cũng không thoát ra khỏi chu vi của cái tam giác: Nam Lâm quê tôi – Rú Dồi nơi trường tôi học và Kim Liên quê Bác. Đến khi vào Đại học Vinh, suốt bốn năm học vẫn là anh sinh viên quê mùa, tầm nhìn chưa dài hơn đoạn đường 20 cây số từ trường đại học về nhà mỗi chiều thứ bảy.

Bởi thế, quê hương in đậm trong tôi là hình ảnh về một vùng quê bên dòng sông Lam nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi, bên phải là dãy Đại Huệ, bên trái là dãy Thiên Nhẫn. Tuổi thơ của tôi đi qua những năm tháng chiến tranh nên những hình ảnh đó cũng gắn liền với tiếng bom rền, đạn rú. Quên sao được ngọn núi Tréc bên bờ sông Lam nơi có con đường chiến lược đi qua, sườn núi phía ấy chịu biết bao nhiêu là bom đạn quân thù; thằng Mỹ nào đi ném bom ở đâu về dư vài quả cũng ghé qua đó mà trút xuống, cho đến bây giờ hơn 40 năm sau vẫn chưa lành vết thương. Quên sao được những buổi bình minh hay chiều tà đứng cạnh gốc cây mưng bên bờ ao sau nhà nhìn lên phía thị trấn huyện, máy bay giặc Mỹ bổ nhào trút bom trong lưới lửa đạn pháo phòng không của bộ đội ta giăng đỏ một góc trời…

*

Bây giờ đã đi qua một nửa cuộc đời, bỏ lại đằng sau hết thảy những lo toan, tính toán, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Nhưng nhẹ được gánh đời thì lại nặng gánh tình, là cái tình đối với quê hương xứ sở. Nó thiêng liêng, nó da diết làm sao. Cái tình ấy tưởng đã gửi lại miền kí ức bởi những năm tháng bộn bề lo toan, bỗng ùa về trong mỗi chiều hoàng hôn theo con gió se lạnh. Đó là qui luật tâm lí của đời người chăng ? Vâng, có lẽ thế. Nhiều lúc tôi cứ ngẩn ngơ nhớ về những năm tháng đã xa lắc xa lơ mà ngỡ như mới hôm qua. Tôi lục trong kí ức, tìm qua sách vở, và cả ngoài cuộc đời. Đôi khi thèm lắm một chút giọng quê hương, một món ăn xứ sở. Nhưng mong ước không phải lúc nào cũng được toại nguyện.

Mỗi lần về thăm quê ngắn ngủi, và có lẽ theo tuổi tác rồi nó sẽ thưa dần. Lại ra đi, lại biền biệt. Chỉ còn mỗi cách, về với quê hương trong thế giới ảo của internet, ảo mà lại rất thực. Và Văn hóa Nghệ An đã giúp tôi thỏa mãn được khát khao ấy của mình.

Tôi không nhớ rõ thời gian mình gặp tờ báo trên mạng cụ thể là lúc nào, ý chừng cách nay cũng vài năm rồi, lí do như tôi đã nói ở trên. Tờ báo có hình thức trình bày đẹp, màu sắc hài hòa bắt mắt. Nhưng điều quan trọng hơn, nó đã chuyển tải đến bạn đọc những thông tin bổ ích, những hiểu biết về văn hóa xứ sở. Các thông tin đó lại được các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học có uy tín viết ra nên sức hấp dẫn của tờ báo có thể nói là rất lớn. Tôi tâm đắc với nhận xét của anh Hà Tùng Sơn, bạn tôi và cũng là một độc giả, trên blog của mình: “Văn hóa Nghệ An với nội dung vô cùng phong phú và bài vở rất có chất lượng lại mang tính học thuật cao…Tôi đã tìm thấy trong đó những bài viết về những bậc thầy của thầy tôi, không ít tác giả các bài viết cũng là bậc thầy của tôi. Cái phông văn hóa của nó thật cao.

Tôi yêu tờ báo, nói thế có vẻ như khách sáo nhưng đó là thực lòng. Gần đây, tờ báo thay đổi măng sét và định dạng, tự nhiên tôi thấy hẫng mất một thời gian, có lẽ bởi đã quá quen với hình ảnh của nó lâu nay. Thế mới biết, cái gì đã ăn sâu vào tâm thức thì đâu dễ đổi thay.

Vì lòng yêu tờ báo mà tôi mạnh dạn viết bài gửi Ban Biên tập. Tự xác định mình chỉ là một nhà giáo nơi vùng sâu vùng xa nhưng vì nặng lòng với cuộc sống nên chỉ có thể viết những gì mắt thấy tai nghe ở đời. Còn những vấn đề mang tính học thuật thì, xin được làm học trò của các bậc thầy mà tên tuổi đã rạng rỡ và in đậm trên trang báo. Tôi vui biết bao khi bài viết đầu tiên của mình có tựa đề Chị Nông Dân, Tôi và Chúng Ta, xuất hiện trên Văn hóa Nghệ An ngày 3-8-2012 (Thật trùng hợp, tôi viết những dòng này lại đúng một năm bài báo được đăng). Thế là đứa con xa đã góp thêm được tiếng nói nhỏ trên trang báo quê nhà.

Văn hóa Nghệ An từ đó trở thành bạn tâm giao, thành nhịp cầu nối để những người con xa xứ như tôi có điều kiện gắn kết với quê hương. Tôi hi vọng, một ngày nào đó, tờ báo sẽ dành cho người xứ Nghệ xa quê một góc nho nhỏ để tâm tình, để chia sẻ những thành công mà họ đã có được trong cuộc sống nơi đất khách quê người. Để ân tình xứ Nghệ mãi mãi không phai trong tim mình và lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Buôn Ma Thuột ngày 3-8-2013
Nguyễn Duy Xuân