15 tháng 5, 2013

Những nhầm lẫn dễ thương


                                              Chử Anh Đào

          Nhầm lẫn thường gây ra đáng tiếc, thậm chí hậu quả khôn lường. Nhưng cũng có những nhầm lẫn thật dễ thương, khả dĩ thể tất. Hãy xét một số trường hợp trong thơ văn xưa nay.
          Những câu thơ “ Sông Cầu nước chảy lơ thơ/ Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi”; “ Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ” một thời và cho tới tận bây giờ nhiều người vẫn đinh ninh là ca dao thực ra là của một nhà thơ có tên tuổi là Bảo Định Giang.
          Lại có những trường hợp, vì những lí do tế nhị, nhà thơ phải lấy những cái tên khác. Tác giả “ Núi Mường Hung, dòng sông Mã” Cẩm Giang đã lấy họ tên người Thái là Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi khi viết các bài “ Em tắm”, “ Nhớ vợ”. Cha đẻ là Ngọc Anh viết “Bóng cây Kơ nia” nhưng lại “ khai sinh” tên bố của tác phẩm là cả dân tộc Hơ rê!
          Tương tự như thế, rất nhiều người hiện nay coi bản dịch khuyết danh sau đây là ca dao:
                             Cày đồng đang buổi ban trưa
                   Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
                             Ai ơi bưng bát cơm đầy
                   Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
          Thực ra, đây là bản dịch bài thơ “ Mẫn nông” ( Nhớ cảnh làm ruộng) hoặc tên khác là “ Sừ huề” ( Bừa ruộng) của nhà thơ Lí Thân (772- 846) người Vô Tích, Nhuận Châu đời Đường. Phiên âm:
                             Sừ huề nhật đương ngọ
                             Hãn trích điền hạ thổ
                             Thùy tri bàn trung xan
                             Lạp lạp giai tân khổ
          Dịch nghĩa:
                             Bừa ruộng ngày chính lúc đang trưa
                             Mồ hôi tuôn đầm đìa xuống ruộng đất
                             Ai biết trong bữa ăn
                             Mỗi hạt ( cơm) đều có cay và đắng?
          Cụ Khương Hữu Dụng dịch:
                             Xới lúa trời đứng bóng
                             Mồ hôi đổ xuống ruộng
                             Ai biết cơm trong mâm
                             Hạt hạt đều cay đắng.
          Đến nay đã có ít nhất 5 bản dịch, nhưng rõ ràng chưa có bản nào lại sát hợp, nhuần nhuyễn và nghệ thuật như bản khuyết danh đã dẫn ở trên. Nó khiến người ta rưng rưng niềm biết ơn vô hạn với những người nông dân quanh năm hai sương một nắng, nhọc nhằn làm ra hạt gạo nuôi sống mọi người.
                                                                   PK 15.5.2013
                                                                             C.A.Đ

4 nhận xét:

  1. TEM vàng nhé!
    Thực ra thì người đời cứ nghe vần vần, mộc mạc là gán cho ca giao tục ngữ, mà thực chất thì ca dao tục ngữ cũng phải có người sáng tác, lưu truyền mới có phải không giáo sư?.
    TT kể lại chuyện này: Dạo lớp 8, c3 ĐH, thầy Đinh Trọng ra bài tập cho cả lớp là tìm hiểu ca dao tục ngữ nói về lao động sản xuất. Những câu như 'làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng...' thì đưa nào chả chép? TT không thích lặp lại, trong khi đó tài liệu không có (ở trong rừng làm gì có cái gì?) thế là TT bịa:
    "Chon lợn lông mọc chùm ba
    Chân thấp, mỗm ngắn liệu mà mua mau"
    Thế là thấy giáo khen có ý thức tìm tòi, chịu khó sưu tầm. Thầy cho điểm 9. Sương thế?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ong cung giống tui, hồi đi học làm bài tập làm văn tui cũng hay bịa đặt lắm. Giờ đi làm nghề dạy văn Sv nó cũng chơi lại tui bài đó đấy. Ông thấy dzui ko.

      Xóa
  2. Ui, chừ mới biết bài ca dao Cày đồng là bản dịch thơ đời Đường. E thôi đừng khui ra nữa. Một khi tác phẩm hay của cá nhân đã hòa vào máu thịt của dân gian được dân gian truyền tụng thì vai trò cá nhân biến mất. Âu đó cũng là vinh dự của nhà thơ. Trường hợp này người ko biết cũng không nên coi là nhầm lẫn nữa. Tính truyền miệng và tập thể của Văn học dân gian được xem là thuộc tính rồi. Phải không anh Hà Tùng Sơn và Chử Anh Đào nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Nói đúng ra thì đó là những tác phẩm thuộc dòng văn học bác học đã đươc dân gian hóa. Bác học hay dân gian mà được công chúng tiếp nhận và có sức sống bền bỉ trong lòng nhân dân thì đều đáng quí như nhau.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới