19 tháng 5, 2013

Những người đàn bà tắm



Vào năm 2000, văn đàn đương đại Trung Quốc xuất hiện một cuốn tiểu thuyết với cái tên gợi dục Những người đàn bà tắm (Nguyên văn: Đại dục nữ) của nữ văn sĩ Thiết Ngưng, người mà chỉ sau đó 6 năm đã trở thành Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.
Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức trở thành nổi tiếng ở Trung quốc và thế giới. Chỉ sau đó chưa đầy năm, Những người đàn bà tắm đã được dịch và xuất bản ở hàng chục nước khác nhau trên thế giới, cứ như là lại có một AQ chính truyện của Lỗ Tấn vừa tái sinh vậy(*).  

( … Phi chỉ tay lên miệng mình và nói, có thể Khiêu không tin, tớ qua tay rất nhiều thằng đàn ông, nhưng không một ai được đụng đến miệng tớ, tớ không cho chúng đụng đến… Khiêu, đến đây, đằng ấy đến đây, nghe tớ nói : miệng tớ sạch sẽ, đó là phần duy nhất còn lại. Cho tớ hôn đằng ấy đi, cho tớ hôn nào !

Đường Phi cố gắng chống người lên ôm lấy Khiêu, hôn lên má bên trái Khiêu bằng cặp môi tái nhợt và giá lạnh…)


Cái hấp dẫn của Những người đàn bà tắm ở chỗ tác giả đã dựng lại một cách sống động và chân thực bối cảnh của xã hội Trung Quốc từ thời Cách mạng văn hóa cho đến năm cuối cùng của thế kỉ 20 thông qua cuộc đời và số phận của những người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bất hạnh vô biên.  
Nhân vật chính xuyên suốt của Những người đàn bà tắm là Doãn Tiểu Khiêu. Bắt đầu tác phẩm Khiêu mới chỉ là một học trò bé con 12 tuổi mà khôn ranh như người lớn nhưng khi gấp lại trang sách cuối cùng thì cô đã là một phụ nữ độc thân xinh đẹp, có học, có địa vị và chín chắn ở tuổi 34 dù đã lăn lóc qua vài ba mối tình từ thoảng qua đến sâu đậm, từ có lí đến vô lí. Tiểu Khiêu cùng cô em gái Tiểu Phàm và những người bạn gái thân thiết như Đường Phi, Do Do đã làm nên một tuyến nhân vật đầy cá tính, gai góc nhưng rất nữ tính. Cũng chính họ với những chặng đường đời phức tạp đã làm nên sự hấp dẫn từ đầu đến cuối truyện, đem đến cho độc giả một sự ham muốn khám phá tác phẩm.
Đọc Những người đàn bà tắm, độc giả sẽ có cơ hội để trải qua những trang sách miêu tả một cách kinh hoàng về một thời kì đen tối hãi hùng được những người cộng sản Trung Quốc bấy giờ do Mao Trạch Đông đứng đầu và khởi xướng gọi là cách mạng văn hóa. Một kiểu cộng sản mà như một thứ quái thai của nhân loại khiến loài người không chỉ căm thù mà còn thấy vô cùng khủng khiếp. Bạn sẽ có cảm giác khó mà chịu nổi như trái tim mình bị một bàn tay sắt vô hình bóp nghẹt khi đọc những trang sách miêu tả cảnh đấu tố cô giáo Đường Tân Tân của những kẻ hồng vệ binh nhân danh cách mạng, bắt một phụ nữ trí thức trẻ đẹp phải ăn phân vì đã trót không chồng mà có con và còn vì đã yêu quí con mèo cô nuôi như yêu quí một con người và vì thế mà bị kết tội đi theo tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản; đến mức cô phải tự tử để thoát kiếp người nhục nhã.
Có lẽ cũng vì thế mà người con gái Đường Phi của cô sau này lớn lên trong hình hài xinh đẹp căng tròn sức sống và dục vọng của một thiếu nữ nhưng đã sống như một nhân vật nổi loạn. Cô sẵn sàng lên giường với bất kì một kẻ đàn ông háo sắc nào như một sự trả thù đời, như là một sự hạ nhục cuộc đời và xã hội. Nhưng đằng sau cuộc đời có vẻ như nhơ nhớp dơ dáy đó, Đường Phi trước sau vẫn là một tâm hồn cao thượng, thanh sạch không chỉ đáng thương mà còn đáng kính trọng. Đó là một nhân vật không đặc biệt và cũng không lạ lùng của Những người đàn bà tắm.
Điều đáng nói là trong xã hội hiện đại của Trung Quốc và thế giới ngày nay, những cô gái như Đường Phi không phải là của hiếm. Chúng ta có thể bắt gặp họ trên mỗi góc phố từ Bắc Kinh qua New York cho đến Hà Nội, Sài Gòn.
Nhân vật đặc biệt của Những người đàn bà tắm thuộc về cô gái mang tên Tiểu Khiêu. Người phụ nữ trí thức này là cả một khối phức tạp của hàng triệu người phụ nữ khác dồn nén lại. Sự nghiệp của Khiêu có được từ một lần người bạn thân xinh đẹp là Đường Phi lên giường đổi tình lấy việc làm cho bạn với ông phó thị trưởng thành phố. Nhờ đó mà Khiêu đi từ một chân biên tập viên lên trưởng phòng rồi lên phó giám đốc của Nhà xuất bản Nhi đồng.
Là một người có tài, Khiêu xứng đáng được như thế. Vấn đề nhức nhối là ở chỗ trong một xã hội gọi là XHCN như Trung Quốc, những người như Khiêu nếu không có sự trả giá thì khó mà có được một chỗ đứng xứng đáng với năng lực và phẩm giá của mình. Một sự phê phán không phải là ngầm ý mà là đầy tính phản kháng mạnh mẽ của tác giả Thiết Ngưng. Cuộc cách mạng văn hóa kéo dài suốt 10 năm (1966-1976) đã đi qua nhưng những gì đáng khinh bỉ của thể chế xã hội thì vẫn ở lại.
Điều đọng lại qua những trang sách của Những người đàn bà tắm là ở những câu chuyện tình yêu thấm đẫm nhục dục của các nhân vật nữ đã kể tên ở trên. Đó là những câu chuyện tình vừa ngang trái cũng vừa như là một sự tất yếu. Tất cả họ đến với tình yêu và tình dục như một sự giải thoát không chỉ cho thể xác mà lớn lao hơn, cho cả tâm hồn.
Mở đầu là câu chuyện ngoại tình say đắm của mẹ Tiểu Khiêu là Chương Vũ với người cậu của Đường Phi là bác sĩ Đường. Rồi cô em gái của Tiểu Khiêu là Tiểu Phàm dù đã sang Mĩ định cư, lấy chồng Mĩ, nhập quốc tịch Mĩ và dù rất yêu thương người chị ruột của mình nhưng cô vẫn dễ dàng bộc lộ sự ghen ghét, đố kị với Khiêu, thậm chí là không dưới một lần tìm cách giật người yêu của chị gái vì nhận ra một sự thực cay đắng rằng dù mình đã thực hiện được giấc mơ Mĩ nhưng hạnh phúc vẫn là một thứ mơ về nơi xa lắm.
Dù vậy, ngòi bút của tác giả cũng như con mắt nhìn của bạn đọc vẫn không thấy Tiểu Phàm là đáng ghét, đáng phải lên án. Bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là thói nữ nhi thường tình. Nếu không phải là một cây bút nữ như Thiết Ngưng thì khó mà xây dựng được một nhân vật rất khó hiểu với đàn ông như vậy.
Nhưng điều khiến ban đọc đau đầu lại là ở những câu chuyện tình của Tiểu Khiêu.  Đầu tiên cô đem lòng ngưỡng mộ rồi yêu anh chàng đạo diễn tài hoa đã có vợ là Phương Kăng. Cô tự mình đến với Phương Kăng, xin được hôn nụ hôn đầu với Phương Kăng nhưng nhất quyết không lên giường với Phương Kăng. Cuộc tình ngang trái phi logic ấy rồi cũng chấm dứt.  Khiêu đến với chàng kiến trúc sư tài ba là Trần Tại. Trần Tại rất yêu và ngưỡng mộ sắc đẹp của Khiêu, chỉ mong nghe một lời yêu từ Khiêu, nhưng Khiêu đã không nói ra cái từ yêu cần phải có đó, buộc lòng anh phải đi lấy vợ là Vạn Mỹ Thìn, một cô gái có tâm hồn cao thượng và một trái tim yêu say đắm. Phải đến lúc đó Khiêu mới bộc lộ lòng yêu của mình với Trần Tại. Cô tìm cách gần gũi anh, lên giường liên tục và mãnh liệt với anh để cướp lại anh từ tay Vạn Mỹ Thìn.  Rốt cuộc thì cuộc li hôn giữa Trần Tại với Mỹ Thìn sau mười năm chung sống cũng xảy ra để Trần Tại hoàn toàn thuộc về Khiêu. Câu chuyện tưởng như đã có một cái kết có hậu cho mối tình Khiêu với Trần Tại thì bất ngờ ngay lúc đó, sau một pha làm tình say đắm, Khiêu đã khuyên Trần Tại trở lai với Vạn Mỹ Thìn. Trần Tại ngỡ ngàng. Độc giả cũng ngỡ ngàng. Chỉ có ngòi bút của tác giả là không ngỡ ngàng, bởi đằng sau nhân vật Khiêu là hình bóng của tác giả Thiết Ngưng.
Chuyện tình của Tiểu Khiêu không chỉ có thế. Cô đã từng có lần bay nửa vòng trái đất qua tận nước Mĩ xa xôi và lạ lẫm để đến với anh chàng người Mĩ tên là Mark cũng vô cùng ngưỡng mộ và yêu cô. Họ đã trao nhau những nụ hôn dài bất tận nhưng khi Mark muốn đi đến tận cùng sự yêu với cô thì Khiêu đã thẳng thừng từ chối. Thật là không hiểu nổi. Cứ tưởng logic của câu chuyện đã phải tất yếu như 1+1=2 vậy mà rốt cục, 1+1 cũng chỉ bằng 1.
Trong Lời tựa cho bản tiếng Việt tái bản 2006, Thiết Ngưng viết:

 "…tôi không hi vọng với Những người đàn bà tắm tôi đã trả xong món nợ thế kỉ, nhưng lại thiển nghĩ, hoặc giả xen giữa những dòng chữ cũng có những từ ngữ như "kiểm điểm", "truy hỏi", "chất vấn", "cứu chuộc". Tôi thử với tinh thần dũng cảm để kiên nhẫn nhìn lại và thận trọng xem xét những âu lo và khổ đau của một nhóm linh hồn giữa những năm tháng đặc biệt ấy ở Trung Quốc, đồng thời mong rằng trong sự nhìn nhận và xem xét, tâm linh tan vỡ lại được lắng trong và hoàn chỉnh hơn trái tim tan vỡ? Những suy nghĩ trên có thể là một trong những thái độ chân thật của một nhà văn ở cuối thế kỉ, cùng với văn học đối diện trước thế kỉ mới." 
     Bởi vậy mà đọc xong Những người đàn bà tắm, người viết bài này cho rằng với nhân vật Doãn Tiểu Khiêu, tác giả Thiết Ngưng đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng nên một nhân vật lí tưởng của riêng mình nhưng không phải là một hình tượng văn học điển hình của tác phẩm, cho dù nhân vật này là linh hồn của Những người đàn bà tắm.



Nhà văn Thiết Ngưng
Sinh năm 1957 là  Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc tnăm 2006, và ủy viên dự khuyết Trung ương ĐCS  TQ; Bà là Chủ tịch Hội thứ ba trong lịch sử Hội Nhà văn Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 1949, sau Mao Thuẫn và Ba Kim.

Tác phẩm chính:

Cửa hoa hồng (tiểu thuyết)

Thành phố không mưa (Tiểu thuyết)
Những người đàn bà tắm (Tiểu thuyết)
Tuyển tập Thiết Ngưng (5 tập)
Tuyển tập tác phẩm tự chọn (4 tập)
Tuyển tập truyện (2 tập)
Tuyển tập 50 nhà văn hàng đầu Trung Quốc – (tập Thiết Ngưng)
Tuyển tập tác giả đương đại Trung Quốc – (tập Thiết Nhưng)
Ngoài ra, các nhà xuất bản ở Trung Quốc lần lượt cho in của Thiết Ngưng 29 tập truyện ngắn, truỵện vừa và 16 tập tuỳ bút, tản văn, nhật kí (Theo thống kê đến tháng 4.2003).


(*)  Dịch giả Sơn Lê, xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3-2003 với tên Khát vọng thời con gái, tái bản lần thứ hai với tên Những người đàn bà tắm năm 2006.  

     

4 nhận xét:

  1. TEM vàng nhé!
    Cứ nhớ đến Cuộc CM văn hóa của TQ rồi ngẫm đến thời sau cải cách của VN mà rùng mình và tiếc! Ở Đồng Hới có không biết bao nhiêu là miếu mạo, đình chùa đã bị phá sạch!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiệt tình cộng với ngu dốt thì thành ra thế đấy bạn TT.

      Xóa
  2. Ta trước đây và cả bây giờ cũng không khác là bao. Tất cả cùng chung tư tưởng XNCH, ai khác đi nghĩa là mầm móng TB nên phải ngắm trăng tập thể, cả nước chung một con đường, cùng một giấc mơ vv.... đại loại là như thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì thế mà cả thế giới 200 nước chỉ còn lèo tèo vài ba nước "dân chủ gấp triệu lần" nhìn hổng giống ai.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới