8 tháng 5, 2013

"Để vị sữa của mẹ ngọt suốt các cuộc đời trên thế gian này"


                                                                        Chử Anh Đào

          - Chào tác giả “ Cổ tích về vú sữa”. Xin hỏi ông viết tác phẩm này trong bao lâu?
          - Tôi viết nó trong một giờ đồng hồ tại khu tập thể văn phòng Sở GD- ĐT Gia Lai- Kon Tum.
          - Một giờ. Công việc viết văn có vẻ dễ ăn nhỉ. Cảm hứng đột xuất chăng?
          - Anh nói làm tôi nhớ tới câu chuyện một người thắc mắc họa sĩ sau 5 phút kí họa chân dung yêu cầu khách trả 100 US. “ Chả lẽ lao động mấy phút mà lấy chừng ấy tiền”- khách hàng thắc mắc. Họa sĩ trả lời: “ Vâng! Để có được 5 phút ấy tôi đã học 20 năm.” Nếu nói theo cách của họa sĩ thì để có một tiếng ấy, tôi đã mất 16 năm. Chuyện là thế này:
          Năm 1970, tôi vào học trường cấp III Long- Châu- Sa tại huyện nhà. Trường được xây dựng và khánh thành năm 1960 cùng với nhà máy supe phốt phát Lâm Thao. Hồi đó các tỉnh ở hai miền Nam- Bắc có phong trào kết nghĩa. Phú Thọ kết nghĩa với ba tỉnh Nam bộ là Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc nên người ta lấy chữ đầu của ba tỉnh đặt tên cho trường cấp III. Và không biết lấy được từ đâu, họ trồng trong sân, phía bên phải cổng trường một cây vú sữa.( Nói theo cách bây giờ thì nó là “ hàng độc”, khó có thể kiếm ở miền Bắc cây thứ ba, vì nghe nói cũng có một cây trong Phủ Chủ tịch) “ Vú sữa”- một cái tên nghe rất nhân văn! Hồi ấy, nó đã 10 năm tuổi mà bóng mát rất khiêm tốn. Nó cứ rũ ra, lạc loài trước đồng loại là những hàng xà cừ vùn vụt vổng lớn. Có lẽ nó buồn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn mãi tít phía mờ mịt trời xa kia chăng? Chúng tôi tò mò ngắm nghía. Cây không có gì đặc biệt. Thân gỗ, hai mặt lá có hai màu rõ rệt. Vào tháng 3, tháng 4 cũng thấy hoa rơi mà không thấy đậu một trái nào…Chỉ biết cây vú sữa thân yêu của ngôi trường kết nghĩa với miền Nam đã neo vào kí ức và đi cùng tôi nhiều năm tháng cho tới bây giờ.
          Tốt nghiệp, xung phong vào Tây Nguyên. Một buổi chiều ẩm ướt cuối mùa mưa tháng 9 năm 1977, chiếc Jeep lùn chở 7 anh em chúng tôi đỗ xịch trước Sở GD. Đập vào mắt tôi đầu tiên lại là rưng rưng 2 hàng cây vú sữa.
          Có lẽ sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như những tháng ngày sau đó tôi đổ đam mê và phải lòng đồng bào dân tộc và văn hóa truyền thống của họ. Tôi cứ lợi dụng các đợt công tác xuống huyện xuống xã để đi về các làng mà quan sát, suy ngẫm, học tập, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian.( Năm 1986, nhân có chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, tôi đã xin đi lâu dài nhưng cô Quế- Võ Thị Quế, giám đốc sở GD-ĐT, không cho)Lại có những cơ hội bằng vàng, được lang thang bay nhảy một cách “ chính danh”. Ấy là khi ít thấy tôi có mặt ở văn phòng Sở, ông Bình, phó GĐ bảo: “ Ông vào làm việc đi chứ. Cứ mang cái túi mìn Cleymo như sắp sửa đi đâu”. Hôm sau ông gọi tôi lên phòng làm việc: “ Ông thích đi thì tôi cho ông đi 5 tháng, khắp các nơi trong tỉnh. Sản phẩm phải giao nộp cho tôi là tài liệu “ Truyền thống giáo dục Gia Lai- Kon Tum.” Đúng là hùm thêm vây, thêm cánh!
          Và cứ như thế, tóc quăn, da đen, áo xống dân tộc, “ đầu đội khăn xếp, vai mang túi da” như tù trưởng Đăm San, tôi như đã trở thành thành viên của cộng đồng dân tộc tự khi nào từ dáng vẻ bên ngoài tới cách cảm cách nghĩ bên trong. Nhiều nhân vật đời thường như Nay Der, Sô Lây Tăng, A Dừa, U Rê, Kpa K Long…và hư cấu: A Phai, Pui Tói, A Him…đã bước vào các trang viết của tôi. Khi nào núi Ngoc Linh lở thành rốn vực tôi mới quên “ Những người mẹ Jrai bán khỏa thân, chân trần, hàng dọc đi vào phố/ Đường nhựa thênh thang cũng chỉ lối mòn/ Trong bình minh ban mai bóng các mẹ đổ thành bao nhiêu dấu hỏi…”( C.A.Đ) Và vị khoai sùng mà chị Pem mù lòa( chị ruột Kpa K Long) luộc trong buổi chiều mưa bão làng Ia Pia- Chư PRong còn ngăn ngắt đắng mãi trong tôi.
          Nhân vật trong các truyện thiếu nhi của tôi thường là các bé gái, những người chị, người mẹ. Họ có những đặc điểm chung về hoàn cảnh và phẩm chất là nghèo khổ, cơ cực nhưng vằng vặc một tấm lòng nhân hậu, vị tha, sẵn sàng gánh thua thiệt về mình mà nhịn nhường phần tốt đẹp cho người khác ( Một em bé gái dành dụm tiền mua quần áo để mặc hôm khai giảng thì lại bị chật; bé gái khác nhường con búp bê bằng vải vụn cho bạn khác còn nghèo hơn; một bé ngồi trong căn nhà dột nát chiều mưa chờ mẹ đi chợ về, nó mong trời tạnh mưa để mẹ khỏi bị ươt và lạnh; một người mẹ bán bánh mì đầu phố thường cho thêm thịt với những đứa trẻ lam lũ; một người phụ nữ bất chợt gọi đứa trẻ xa lạ là “ con”, vỗ về âu yếm nó và trả khoản tiền đồ chơi mà nó trót dại lấy ở siêu thị, cứu nó khỏi mất danh dự và sâu xa hơn, nâng đỡ đời người về sau của nó; một bé bán vé số lén lấy hoa trong thùng rác sau ngày 8 tháng 3 về tặng mẹ mình…) Tôi để ý, những bé gái bốn năm tuổi trở lên đã có những phẩm chất MẸ mà “ Cổ tích về vú sữa” có lẽ là cố gắng nghệ thuật cao nhất cho đến giờ tôi thể hiện về người Mẹ nói chung và Mẹ Tây nguyên nói riêng qua bối cảnh, tình huống, hệ thống hình ảnh, lối liên tưởng, so sánh ví von đậm đặc màu sắc văn hóa bản địa.
          Như vậy, gọi là “ cảm hứng đột xuất, xuất thần” cũng là có thật. Nhưng đằng sau nó phải là một quá trình, một điều gì đó như lửa nguyên thủy âm ỉ trong mỗi bếp Jrai, Bar Nah. Hôm trước mới đi làng Bar Nah về. Hôm sau chủ nhật, bụng lép kẹp, rỗng tuyêch, buổi sáng ngồi tha thẩn bên bờ giếng trong khu tập thể nhìn hoa vú sữa lặng lẽ rơi thành một thảm dày mà không ai để ý.Buồn quá! Và như có sự thôi thúc, đồng cảm, tôi lững thững về phòng , lấy giấy bút ra…
          - Một câu hỏi cuối, ngoài lề. Công việc nhiều như thế. Bạn bè, khách khứa lại liên miên. Vậy mà đến nay ông đã xuất bản 7 đầu sách, dự định in 2 cuốn nữa. Thời gian lấy đâu ra?
          - Thế thì lại là một câu chuyện nữa rồi. Có lần nhà bác học Nga Mendeleev phải tiếp một ông khách rất lắm lời. Huyên thuyên độc thoại cả tiếng đồng hồ, chợt vị khách dừng lại hỏi: “ Tôi nói vậy đã nhiều lắm chưa?” Nhà bác học vui vẻ trả lời: “ Không, anh cứ tự nhiên. Tôi đang có việc của tôi rồi.”
 Bí quyết là ở chỗ ấy! Đang họp, đang nhậu, đang ba hoa trên trời dưới đất nhưng tôi nghĩ gì trong đầu thì ai biết được, cấm được. Tôi dứt khoát không vi phạm những điều không được làm. Nhưng nhiều lúc cũng phải “ phối kết hợp”(!) một công đôi ba việc…Mà thôi, xin tạm dừng ở đây. Ai đời “ tiểu dẫn”, “ phi lộ” lại dài hơn tác phẩm bao giờ. Thiên hạ người ta cười cho.
                                                                             PK 7.5.2013
                                                                                   C.A.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới