19 tháng 2, 2013

Người bán hàng Tết


Chử Anh Đào
                                       
          Tôi để ý, ngoài những nhu yếu phẩm hàng ngày, tết đến, có thêm nhiều mặt hàng mới, đặc thù. Người bán cũng vậy. Có thể chia thành hai loại chính: chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. ở loại thứ hai là những người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm rồi đem con bỏ chợ; loại quanh năm làm nghề khác nhưng dịp này cũng hăng hái ra nhập “ vê kep tê ô” nhằm kiếm thêm thu nhập… Nhân vật của bài viết này không thuộc những loại trên.
          Dăm ba năm trở lại đây, bắt đầu từ hôm đưa ông Táo về giời, tại góc ngã tư THĐ- ND, trước trụ sở Hội VHNT Tỉnh, người ta thấy một lão bán hàng với vị trí đắc địa như đã nói ở trên. Tên khai sinh của lão là gì không rõ. Chỉ biết những người quen thân gọi là “ Lão Bạch”- như tên nhân vật chính trong truyện ngắn một thằng đàn em cô hồn viết về lão mười mấy năm trước.
          Lão Bạch là hội viên Hội VHNT Tỉnh. Thẻ HV không ghi rõ là chuyên ngành nào. Chỉ biết ngoài thời gian thăng hoa sáng tạo nghệ thuật là mần thơ, vẽ tranh trên kính và đắp tượng tô tem bụ to ra, lão phần lớn là ở trên xó vườn phía tây nghĩa địa cũ bứng cây sống trồng cây chết. Thành ra nếu đứng trong số đông bà con làm nông nghiệp, người ta sẽ chỉ đích danh nghề nghiệp lão đầu tiên.
          Đã vào cái tuổi cổ lai hi, con đàn cháu đống, dù kiến giả nhất phận, con cháu có thể thay nhau nuôi lão ăn khỏe, chơi ngoan, dù bạn bè ái ngại can ngăn, thậm chí có người sẵn sàng biếu lão mỗi ngày ba trăm nghìn để lão nghỉ ở nhà  nhưng lão khăng khăng một mực chối từ. Lão đi bán hàng.
          Hàng của lão cũng rất “ văn học nghệ thuật”. Đó là cuốn thư có dán hình lãnh tụ ở giữa, khẩu hiệu “ chúc mừng năm mới”, câu đối, chữ thư pháp cả ta lẫn Tàu, bình hoa, hoa nhựa các loại…lấy mối từ một ông em đường HV…Sợ tôi bôi bác, lão nhắc lại lời nói “vàng ngọc” của tôi khi gần hai chục năm về trước hai anh em được công an thành phố thuê, ngồi bệt xuống đất, dạng chân trên hè phố trước Ban chỉ huy quân sự  viết lại các biển số xe máy đã mờ: “Làm gì thì làm, miễn lương thiện thì không ngại gì cả.”
          Với tuyệt đại đa số người bán thì khách hàng là thượng đế. Lão, đằng này kiên quyết một cách trịch thượng: người bán là thượng đế. Rất nhiều người mua đã nhầm và bị lão mắng. Ví dụ: có anh đi xe máy dính đầy bụi đỏ dừng lại hỏi mua bình hoa lão đắp bằng xi măng. “ Một trăm năm mươi nghìn.” “ Năm mươi nghìn.” “Đ.mạ, mắt có tròng không. Toa là nghệ sĩ chứ đâu phải thằng thợ hồ.” Lại một ông khác hỏi mua chữ “ Nhẫn”. “ Một trăm nghìn”. “ Năm mươi nghìn.” “ Ông nhẫn tâm vừa vừa chứ. Ông có biết người ta học bao nhiêu năm mới viết được chữ này không? Ra Văn miếu Quốc tử giám Thủ đô mà mua từ bốn tới sáu trăm nghìn.” Cô mua hoa chê hoa bụi và cũ. Lão đọc ngay câu thơ: “ Ra đường gặp cánh hoa anh, dang tay mua lấy cũ người mới ta”. Rồi bồi thêm: “ Mua ngay đi cho anh. Chiều về chồng em nó sẽ khen: vợ tôi nên người giỏi.” Cô gái nhăn mặt: “ Mắc quá. Mà chú còn thả dê ra…” Đại khái là thế. Lại thêm cái tội nhiệt tình và hào phóng. Những người quen đi qua, dừng lại vì tò mò hay hỏi thăm, chia sẻ, lão đều hoành tráng và cao giọng gọi ngay mấy lon bia của cô bán giải khát bên cạnh (Một ngày không dưới một chục lượt người quen như thế).  Có hôm chừng mười giờ sáng, một ông ghé hỏi mua câu đối về công cha nghĩa mẹ, giao dịch thế nào đấy, cuối cùng mấy cái vỏ bia Ken dưới chân lão lăn lông lốc vào tận cửa văn phòng Hội. Khốn nạn, chết rồi mà vẫn chưa toàn thây! Ông kia bỏ đi và dịch hành động của lão: “Đừng tưởng là đây không có tiền đâu nhé.” Mua bán như thế, không biết lời lãi để đâu. Chỉ biết mặt lão lúc nào cũng tươi hơn hớn. Duy có lần trúng mánh là lúc nhụ nhọa mặt người năm ngoái, một ông chủ tịch huyện đi chúc tết cấp trên về, dừng xe cho tôi và lão hai lọ tiêu tiếp thị, quảng bá thương hiệu còn thừa.
          Chiều ba mươi tết, lão triệu tập tôi và vài người nữa tổng kết dịch vụ ở quán bê thui dốc Hội Phú. Đang hơn hớn vẻ mặt, lão bỗng nghiêm trang, nhìn tôi thương hại: “Anh đi làm là làm cho vui, chứ đây thiếu đếch gì tiền. Với lại, làm cái anh nghệ sĩ thì cái gì cũng cần phải biết. Mấy ngày nay anh no cả mắt và thấm thía thế nào là lin đa, thế nào là chân dài tới nách, thế nào là nhanh như điện, tiện như váy, kiểu ngồi xe máy thế nào là không biết chán…Ra giêng ngày rộng tháng dài anh sẽ biến tất cả chúng nó thành tác phẩm nghệ thuật. Lúc đó chú mày sẽ trắng mắt ra, có còn coi thường anh nữa không?”
                                                                             PK 10 th Giêng QT
                                                                                      C.A.Đ

4 nhận xét:

  1. Đầu năm ghé lại thăm GS, đọc chuyện anh Đào vui vui. Họ đều là nghệ sĩ cũng phải. Chúc GS một năm mới dẻo dai cuốc cày, gặt hái bội thu hi hi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ts về quê ăn Tết zui zẻ không. Đã sang lại bển chưa

      Xóa
  2. Trả lời

    1. Văn nghệ sĩ mà thiếu thực tế thì sẽ thành nhà khoa học ngay TT

      Xóa

Bạn có nhận xét mới