1 tháng 2, 2013

Bầu ơi



                                        Chử Anh Đào

          Cùng với cuốc, rìu, rựa ( công cụ lao động), ná ( vũ khí) thì những trái bầu khô là vật dụng thân thiết từ hàng ngàn đời nay của đồng bào các dân tộc Trường Sơn- Tây nguyên. Những trái bầu trồng trên rẫy, để đến già, hái về, qua quá trình “ chế biến”: ngâm nước, để lên gác bếp, lấy lá đánh lên…mà thành.Tuy màu sắc có khác nhau ( bầu của người Jrai thường đen bóng trong khi bầu của người Bah Nar, Xơ Đăng thường có màu nâu) nhưng chúng đều có các chức năng: đựng nước ( quan trọng và thường xuyên nhất) và đựng rượu. Cũng có thể nói mà không sợ quá rằng mỗi  nút trái bầu làm bằng lá chuối khô, lá rừng cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ngoài chức năng ăn khít với miệng bầu giữ cho nước không chảy ra ngoài, chúng là những hình chóp nón mịn màng, sinh động như được tạo ra bởi đồ họa vi tính. Xưa kia ( cũng chỉ trên dưới vài chục năm trở lại đây) không thể hình dung bên trái mỗi góc nhà sàn của người Jrai, Bah Nar không có những trái bầu đựng nước. Tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà số lượng bầu nhiều hay ít ( Mỗi người khoảng 3, 4 trái trở lên) Lại không phải ai  trong gia đình dùng quả bầu nào cũng được. Chúng hao hao giống nhau nhưng “ có chủ” riêng cả đấy. Còn nhớ có lần ở xã Ia Pêt ( Chư Pả) khi đã trở nên thân thiết, tôi ngỏ ý xin một cặp trái bầu nhỏ bằng nắm tay. Chị chủ nhà cười cười, bảo: “ Phải chờ đến chiều, thằng Jơng đi học về hỏi xem nó có đồng ý không, vì đó là bầu của nó.”
          Công việc cõng nước từ các giọt nước đầu làng về thường do phụ nữ đảm nhiệm vào các buổi sáng và chiều mỗi ngày. Trong mờ ảo màn sương sớm hoặc trong vài ánh hoàng hôn cuối ngày sắp rụng, nhìn những thiếu nữ chắc khỏe, đẹp như tranh đang nghiêng mình hứng nước thì tôi tin một trái tim sắt đá nhất cũng phải xao động. Hình dáng phần dưới những trái bầu cũng lại giống bầu sữa của người mẹ- nơi cội nguồn sự sống. Mà thật lạ. Chưa thấy ai bị đau bụng khi uống nước trong bầu. Nước trong bầu rất mát và ngọt. Ngọt tới mức đã thành một thành ngữ so sánh. Để khen một người tốt nào đó, người ta nói: “ Người ngọt như nước trong bầu.”
          Nhưng bây giờ thì đã khác. Cùng với sự hội nhập và phát triển, những giếng khoan, bể nước công cộng của chương trình nước sạch nông thôn đã dần thay thế các giọt nước truyền thống. Và những can nhựa, chai nhựa đã dần dần lên ngôi, trở nên phổ biến. Tuần trước người viết bài này có dịp vào xã Ya Ma ( Kông Chơ Ro)-một cái nôi đậm đặc của Folclore Bah Nar.Vào quán mua cà đắng thì do người Kinh bán.( Đem về nhà xào với tép và lá mì thì ngọt ngay.) Ra nhà mồ thì vẫn có tượng mồ đấy, nhưng là những tượng đội mũ sắt, mũ cối, tượng đeo xăc cốt, tượng cầm sổ đi họp sơn lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Bước qua cầu thang, góc nhà sàn là ngổn ngang chai, lọ, can nhựa đựng nước. Những trái bầu thân thuộc đến máu thịt đâu rồi? Một nỗi niềm như là hụt hẫng, là mất mát, là cay đắng bỗng dâng lên…
          Về lại phố phường, chiều qua đi ngang ngã tư Quang Trung- Trần Hưng Đạo, mắt tôi bỗng vấp phải một đống trái bầu khô có đến hàng trăm, đủ kích cỡ, dáng hình. Tôi lập tức dừng xe, tạt vô lề. Bà bán hoa lan kiêm chủ nhân của đống bầu kia đon đả chào mời. Tôi lặng đi trước chúng.Nếu có linh hồn thì ắt chúng phải xót xa khi bị gả bán về nơi xa lạ, khi bị dồn thành đống với thuần túy giá trị hàng hóa. Tôi mua luôn một cặp không mà cả. Vợ tôi cằn nhằn: “ Ông chỉ được cái hay tha những thứ linh tinh về nhà.” Mặc kệ! Phòng khách nhà tôi đấy. Những là chiêng, là gùi, là bầu,là ná… Chúng vừa trang trí theo gu thẩm mĩ, sâu xa hơn, vừa là kỉ niệm, vừa là lời nhắc nhở về những gì tốt đẹp sắp biến mất khỏi cuộc sống này./.
                                                                             C.A.Đ

2 nhận xét:

  1. Xã hội càng phát triển những thứ gọi là truyền thống dễ mất đi nhanh chóng...bạn có thể so sánh những trái bầu với cái mo cau làng xã Việt nam ngày xưa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mới có câu cứ được một cái thì mất một cái. Tình trạng này không chỉ ứng với mỗi cá nhân mà là cả xã hội cũng thế.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới