26 tháng 2, 2013

Xuống núi


  Chử Anh Đào

          Lâm Quí(1947- 2007) quê Lập Thạch- Vĩnh Phúc là nhà thơ duy nhất của dân tộc Cao Lan 18 vạn người. Có nhà thơ đã nhận xét: “ Tinh hoa văn hóa dân tộc Cao Lan đã dồn đến nhà thơ Lâm Quí.”
          Một lần đi trại sáng tác Nha Trang, khi mọi người xuống tắm biển thì Lâm Quí đứng trên bờ và ứng khẩu bài thơ XUỐNG NÚI:
                   Ở trên núi nhìn toàn thấy cây
                   Xuống đồng bằng nhìn toàn thấy người
                   Người và cây đều là hai thứ
                   Nuôi nấng tôi khôn lớn thành người

                   Ở trên núi nhìn toàn thấy suối
                   Xuống đồng bằng toàn là dòng sông
                   Sông và suối hòa hồn tôi trong nước
                   Đưa tôi về biển cả mênh mông

                   Ở trên núi nhìn toàn thấy váy
                   Xuống biển bờ nhìn toàn thấy đùi
                   Đùi và váy đều là hai thứ
                   Làm cho tôi mê mẩn suốt đời
          Đây là bài thơ cuối cùng của Lâm Quí in trên báo( Vì sau đó Ông bị bạo bệnh)
          Bài thơ gồm ba khổ, mười hai dòng, phản ánh cái nhìn và cảm xúc của tác giả với tư cách người miền núi lần đầu tiên xuống đồng bằng, xuống bể ( Trong thực tế Lâm Quí là người kinh lịch, từng trải.Ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn- Đại học Tổng hợp năm 1972. Năm 1973 làm phóng viên chiến trường khu 5, mãi tận 1978 mới trở ra Bắc) Chẳng cứ gì người miền núi, một ông nông dân quê Nghệ lần đầu tiên ra Hà Nội đã có ấn tượng sâu sắc nhất: “ Rặt là ngài”( toàn là người) Điều quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật là giữ được cái nhìn luôn tươi mới về thế giới như phát hiện lần đầu( Trong “ Ta đi tới” Tố Hữu cũng đã thể hiện cái nhìn lần đầu tiên với Tổ quốc mình để rồi thốt lên: Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!)Bài thơ có rất nhiều điệp ngữ, điệp từ mang lại hiệu quả khắc sâu ấn tượng cho người đọc: 4 lần “ nhìn toàn thấy”, 3 lần “Ở trên núi”, 2 lần “ xuống đồng bằng”, 2 lần “ đều là hai thứ”…Ở khổ thơ thứ nhất tác giả nhìn thấy toàn là cây ở quê hương mình và toàn là người ở đồng bằng. Tác giả gọi “ cây” và “người” bình đẳng và “ đều là hai thứ”. Đầu tiên tôi hơi bất ngờ vì chữ “ thứ” ở đây. Xong nhìn lại thì thấy người Việt cũng dùng chữ “ thứ” đứng trước danh từ “ người” ( cùng với “quân”, “giống”, “hạng”…Có điều về sau này chúng mang sắc thái tu từ tiêu cực.)Lâm Quí từ quê núi ra đi, tới miền khác của đất nước để thêm yêu nơi chôn rau cắt rốn và yêu thêm, biết ơn thêm Đất Nước rộng dài đã nuôi nấng tác giả “ khôn lớn thành người”. Câu thơ cuối của khổ thứ nhất nếu cầm trên tay được thì rất nặng ân tình!
          Khổ thơ thứ hai là hình ảnh suối, sông và biển cả.Theo một qui luật tự nhiên: trăm suối đổ về sông, trăm sông dồn về biển cả.Thông điệp mới là từ thượng nguồn tới sông đã hòa tâm hồn nhà thơ. Thế giới tâm hồn của nhà thơ đã tài tình hòa vào vật chất hữu hình của quê hương xứ sở.
          Khổ thơ cuối là một bất ngờ thú vị. Trước kia nếu các nhà thơ người dân tộc ít người Cầm Vĩnh Ui đã xin phép cấp trên “ về ôm vợ một đêm”, nhà thơ Bạc Văn Ùi rình trộm thiếu nữ Thái tắm, Dương Thuấn ao ước được “ nằm bên chị Thìn một đêm” thì giờ đây cái món mà Lâm Quí khoái là “váy” và “đùi”. Váy ở núi và đùi ở biển, tuy cách xa nhau mà không thể tách rời, đều là những cái Đẹp. Thử hỏi những người đàn ông nhìn váy và đùi ai không thích. Nhưng đã có mấy ai “ mê mẩn suốt đời” và nói toạc móng heo thành thơ như Lâm Quí?
                                                                             C A Đ
                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới