30 tháng 12, 2012

Cuối năm đi Vũng Tàu



Cuối tuần và cũng là vào những ngày cuối cùng của năm 2012 lại có cơ hội để đi Vũng Tàu mãi chiều nay mới về.
Ra Vũng Tàu lần này lại cũng là một dịp để gặp gỡ thêm nhiều bạn bè.


Sáng nay tại KS REX Vũng Tàu với những chuyên gia hàng đầu của dầu khí. Từ phải sang: Nguyễn Quang Vinh TGĐ Cty dầu khí Việt-Nga-Nhật; tiếp theo là Thọ, người từng có 20 năm làm trưởng một dàn khoan trên biển VT; Nguyễn Thúc Kháng Phó TGĐ liên doanh dầu khí Việt Xô





 KS REX Vũng Tàu có một hồ tắm rất đẹp


Hai thằng bạn học cùng lớp 9C Nguyễn Văn Êm và Nguyễn Quang Vinh


Với Nguyễn Quang Vinh


TGĐ Vinh dầu khí trông rất ngầu


Trên đường về ghé Thủ Đức thăm thằng cháu nội của Êm




4 tháng tuổi, cu Airbus rất  hay cười

24 tháng 12, 2012

Một chút Giáng sinh

Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp để chen chúc đi bộ giữa phố phường. Đơn giản chỉ là vì ngại. Có lẽ đó cũng là một biểu hiện của tuổi già. Thích trầm ngâm, ngẫm nghĩ và quan sát hơn là xông vào giữa bụi bặm phố phường, nhất là ngại vụ kẹt xe tắc đường.
Bởi thế mà chiều nay trên đường từ Phú Nhuận lên quận 10 làm việc với nhà đầu tư, nghĩ đến cuối buổi xong việc trở về phải đi giữa một chiều Noel trên con đường nổi tiếng kẹt xe là Cách mạng tháng 8 thì tôi thấy mà ớn. Thông báo làm việc từ 2 giờ, xong việc cũng phải sau 4 giờ, đường không tắc mới lạ.
Nhớ Noel năm ngoái, tan sở về đến ngã ba Trường Chinh-Tân Sơn Nhì chỉ cách nhà một chặng ngắn mà kẹt cứng giữa khói bụi gần nửa tiếng đồng hồ.
Ơn Chúa và may thay. Hình như không khí Giáng sinh làm mọi người cũng có phần hân hoan nên buổi làm việc kết thúc sớm lúc 3 rưỡi chiều.
Ra khỏi trụ sở công ty, ngước nhìn trời xanh mát dịu và phố phường náo nức với hàng qùa Noel bày bán đầy phía trước công viên Lê Thị Riêng với những bộ đồ ông già Noel đỏ rực thấy vui mắt vô cùng.
Và tôi lấy làm lạ.
Cũng cái màu đỏ ấy nhưng nếu là của băng cờ khẩu hiệu của mấy ông văn hóa leo trèo cắt dán nhan nhản dọc phố phường có khi lại làm người ta nhức mắt. Vậy mà màu đỏ của ông già Noel lại thấy ấm áp. Cho nên suy cho cùng vấn đề quan trọng lại là ở chỗ  tình cảm của con người. Một khi người ta đã không ưa, không chịu nổi và cuối cùng là không chấp nhận nữa thì dù có cố tuyên truyền mấy cũng sẽ văng ra.
Mùa Giáng sinh Sài Gòn năm nay thật đẹp trời. Ngày mát dịu đêm se lạnh. Ít nhất thì cũng được cái không khí ấy.

22 tháng 12, 2012

Bạn bè ở Qui Nhơn 3

Về lại Qui Nhơn lần này, tôi và những “kiều bào” hay còn gọi là những “đồng bào lưu vong” của khoa Văn ĐHQN, dù là từ Hà Nội vô hay từ Sài Gòn ra đều rất lấy làm mãn nguyện và cảm động.  Những người ở “tại chỗ” – từ dùng của Trần Xuân Toàn đã làm hết sức mình để có được điều đó.  
Nhớ hôm trước khi ra Qui Nhơn, tôi với Nguyễn Thanh Minh ngồi uống bia ăn bê thui ở đường Hồng Hà (Q. Tân Bình), bấm máy gọi cho trưởng khoa Nguyễn Văn Đấu hỏi thăm tình hình chuẩn bị lễ hội 35 năm đến đâu rồi. Đấu vẫn hồn hậu chất phác như ngày nào: “Còn ngổn ngang lắm, bọn em làm cả vài tháng nay mà vẫn thấy chưa đâu vào đâu. Nhưng không sao, chỉ cần các anh về họp mặt đông đủ là vui rồi”.
Cái tình của bạn bè, của người khoa văn là vậy.
Chẳng thế mà những ngày hội trường hội khoa, gần như bạn bè Qui Nhơn đã dành hết niềm vui, dành hết sân chơi và cả niềm vinh dự cho người ở xa về. Từ một chỗ ngồi danh dự trong hội trường, một lời giới thiệu trân trọng, một bữa đại tiệc, một bó hoa tươi tặng nhau trên sân khấu… bạn bè Qui Nhơn đều dành hết sự ưu ái cho chúng tôi, những kiều bào khoa văn. Tôi đọc thấy ngoài tình đồng nghiệp, tình bạn bè còn là cả tình thương mến nhau nữa. Không cảm động và rưng rưng sao được.
Riêng tôi, suốt 5 ngày ở Qui Nhơn đều được Nguyễn Quang Cương cùng chiếc Civic của Cương đưa đi đón về chu đáo. Cương bảo tài xế của Hà Tùng Sơn có trình độ cao nhất nước đấy nhỉ.
Năm ngày ở Qui nhơn tôi tá túc trong nhà anh Huỳnh Hiến ở 115 Hai Bà Trưng, được bà và anh chị xem như em út đi xa về. Có lúc tắm xong quần áo chưa kịp giặt lại đi chơi tiếp, về thì áo quần đã phơi lên dây rồi. Chị Mai đấy, ấm áp và thân tình như ruột thịt.
Những ân tình đó khiến lòng tôi ấm mãi.
Chia tay Qui Nhơn, tôi vẫn còn mang nhiều món nợ ân tình như thế. Nợ Trang sắc Tráng lời mời một chầu bồ câu hầm thuốc bắc Quảng Tế Đường; nợ các phóng viên, biên tập viên, MC … là những cộng sự đắc lực một thời của tôi ở Đài BTV một buổi hàn huyên để các bạn dốc cho hết bầu tâm sự kể từ ngày tôi rời đài ra đi 3 năm trước; nợ Trần Hà Nam, nợ Châu Minh Hùng, Nguyễn Thịnh vì không có cơ hội để ngồi riêng với nhau dù chỉ để uống một li bia bên đường Xuân Diệu; nợ các bạn SV khóa 2 là khóa tôi dạy đầy đủ và có làm chủ nhiệm lớp một lần không đến được trong buổi họp mặt gần cầu Nhơn Hội…
Bởi vậy mà về lại Sài Gòn cả chục ngày rồi, dù công việc hàng ngày lại xoay tròn như chưa hề đứt đoạn, ấn tượng về chuyến đi Qui Nhơn vẫn chưa thôi ấm nóng trong tôi. Nói như Hai Minh điện thoại khi tôi đang về thăm quê ở Quảng Bình:  “Vô lại Sài Gòn rồi mà tau vẫn còn râm ran lắm mi ơi”.
Thế mới biết con người ta đâu chỉ có quay cuồng để sống với công danh và tiền bạc.
Điểm qua mấy dấu ấn mà mỗi lần nhớ lại vẫn khiến tôi cười một mình:
- Trong buổi họp mặt với SV khóa 3 trưa 2-12 tại KS Hải Âu, Trần Thanh Bình phát biểu: “Về lại với Qui Nhơn là để tôi được về lại với những kỉ niệm của một số mối tình đầu”. Thiệt đúng là tự thú trước hoàng hôn.  
- Cũng trong buổi họp mặt với SV khóa 3, ông anh cao niên Nguyễn Xuân Nhân đã nói: Tôi rất vui mừng với sự trưởng thành của các anh chị sinh viên cũng như của các thế hệ thầy giáo khoa ta. Nhưng riêng với hai anh Hà Tùng Sơn và Đào Quốc Toàn là hai cánh chim tự do thì tôi không theo dõi kịp các anh được, vì các anh ấy nay đây mai đó nhiều quá làm tôi chóng cả mặt. Anh Nhân đã nói đúng. Nghe anh nói mà tôi sướng rêm mình.  
- Còn Ngô Quang Hiển thì phát biểu trong tối họp mặt với SV khóa 9: Nhớ lại hồi mới ra trường, được phân công dạy môn văn học Ấn Độ cho các bạn, tôi đã nói rất nhiều điều tào lao. Nhân đây tôi muốn được xin lỗi các bạn khóa 9 về những điều tào lao đó.
- Chiều 4-12, Mai Trang MC của truyền hình BĐ, người thì mảnh mai  liễu yếu đào tơ nhưng đã đem một cái xe 7 chỗ đến Hai Bà Trưng chở tôi lên ga Diêu Trì. Tôi hỏi Trang học lái xe từ hồi nào. – Cháu mới học xong học trong khi nghỉ sinh em bé thứ hai đó chú. – Vậy từ hồi lái xe đến giờ có sự cố nào chưa. – Bị hoài chú. Mấy lần lùi xe đâm vô cả cầu thang trong nhà, rồi đâm cả xe máy khách hàng để ngoài sân nữa. Mỗi lần như vậy má chồng cháu lại bảo: Mắt mũi mày để đâu vậy Trang. 
Tôi bắt đầu nổi da gà, chỉ mong cô cháu MC truyền hình đừng nhầm chân phanh với chân ga. 
Xe chạy đến đoạn gần ngã ba Phú Tài thì có vụ tai nạn, người dân bu xem tắc cả đường, ô tô nối hàng dài. Trang tái mặt: - Chú ơi cháu sợ quá. Tôi phải trấn an:- Không sao đâu, cháu đừng nhìn hai bên, nhìn vô cái đuôi của chiếc ô tô đằng trước mà đi.
Lên đến ga tôi nhẹ cả người cố nén một tiếng thở phào. Vậy mà Trang còn dặn: - Lần sau chú về nhớ gọi cháu ra đón nhé. –Vụ này Trang để chú suy nghĩ thêm đã rồi trả lời sau nhé.

 
Cafe' Cuội Qui Nhơn với nhóm BTV đài THBĐ chiều 4/12.  Mai Trang thứ 2 từ phải sang


- Còn đây là chuyện ở nhà ba mạ tôi, tính không kể vì sợ lạc đề nhưng thôi, kể ra luôn: Nhà hai cụ có thuê một cháu bé giúp việc đâu 13-14 tuổi gì rồi nhưng con nhà nghèo nên nó bé quắt queo như trẻ lên 10 tuổi. Đến bữa ăn ô sin bé con cũng bắc ghế ngồi ngang hàng ăn bình đẳng như chủ nhà. Có con gà luộc mạ tôi xé sắp ra đĩa, riêng phần thịt  có dính cái phao câu thì mạ tôi bỏ luôn vô chén ô sin. Tôi hỏi sao mạ lại bỏ riêng cho nó. – Tại nó nói là thích ăn chỗ đó nhất con à.
Hết biết.
Chưa hết, ăn xong cả nhà ngồi uống nước, con bé rửa chén, mạ tôi dọn dẹp trong bếp xong ra bảo nó: -Đưa mệ rửa cho, đi chơi đi.
Buổi tối tôi và ba tôi ngồi xem TV, mạ bưng vô một rổ trứng vịt lộn nói ăn đi, tiêu chuẩn mỗi người được hai quả. Có tất cả 8 quả chia đều cho 4 người, kể cả con bé ô sin.
Ôi trời.



21 tháng 12, 2012

Hồn cỏ cây


                                               Chử Anh Đào

Rưng rưng khói bếp sau mưa 
   Vườn ai lá thẫm lửa vừa nhóm lên
Phải mùi cá nướng không em
    Tay nâng chén rượu bình yên thủa nào
Giữa anh em giữa trời sao
     Không phân cao thấp nhìn nhau cả  cười
( Thanh Thảo)
Tôi còn nhớ  như in cái buổi chiều cuối mùa mưa ba mươi tư năm về trước. Cùng hai đồng nghiệp ( một trong số đó là bà xã tôi bây giờ) về nhà chơi. Theo bản đồ và trong tâm tưởng của nhiều người dân Plei Ku bấy giờ thì đây là một địa chỉ khá nổi tiếng: vườn ông Hai. Trong hình dung sách vở của tôi, ông Hai hẳn phải là một người đàn ông đạo mạo, quắc thước, phong độ ngút trời như công tử Bạc Liêu, mũ phớt trắng, comple trắng, giày Gia Định đế crep đen và với bất li thân trong tay là cây batoong đầu bịt ngà voi trắng. Gặp chúng tôi đầu tiên là người đàn ông trung niên có khuôn mặt chữ điền, trán cao, mắt sáng với cái nhìn nheo nheo, độ lượng. Ông bận bà ba đen, đi ủng, đang rê máy phát cỏ ngay mảnh sân trước nhà. Tôi đoán có lẽ là người làm ( vì được biết trước bảy lăm nhà có hàng chục người làm và hiện nay cũng còn vài ba người nữa) Nhưng tôi đã nhầm. Nàng giới thiệu: “ Ba em đấy!” Từ giây phút ấy mọi thứ trong đầu tôi cứ lộn tùng phèo cả lên nhưng niềm thương mến, cảm phục ông cũng đã như rựa chém vào đá cho mãi tới tận bây giờ.
Ông quê gốc ở Thủ Thừa, Long An. Lớn lên học trường Canh nông của Pháp ở Mỏ Cày, Bến Tre. ( Hồi ấy Pháp mở hai trường Canh nông ở Việt Nam. Phía Bắc ở Tuyên Quang) Thật lạ! Nhạc phụ là một điền chủ có hàng ngàn công ruộng thẳng cánh cò bay nhưng ông đã từ chối vị trí ông chủ mà khăn gói ra khai khẩn vùng Plei Ku còn rất hoang sơ thời bấy giờ( Đâu như là những năm năm chín, sáu mươi của thế kỉ trước). Với sức trẻ trai đầy kiêu hãnh, với kiến thức học được ở nhà trường cùng với sự cần mẫn, miệt mài lao động pha chút ngang tàng, phóng khoáng của những người đi mở đất, ông đã biến khu đất hoang hóa năm héc ta thành một “ điền trang” như của công tước Bôncônxki trong “ Chiến tranh và hòa bình”. Khu vườn rộng này có lũy tre vừa làm hàng rào, vừa bảo vệ dày từ hai tới ba mét bao quanh. Trong là các loại chuối trồng xen kẽ các lô cây ăn trái: bưởi, mận, xoài, cam, quýt, mãng cầu…Nhưng đặc biệt nhất là sầu riêng. Tên tuổi ông gắn với loại cây đặc sản còn rất quí hiếm thời bấy giờ. Người ta hay gọi : vườn ông Hai, ông Hai sầu riêng. Mùa sầu riêng đến, thấm đẫm không gian là mùi thơm độc đáo, quyến rũ, không trộn lẫn của trái sầu riêng. Hương thơm quyện trong áo quần, đầu tóc, thịt da người và cả những đồ vật trong nhà.( Chợt nhớ câu thơ của tác giả Dáng đứng Việt Nam: Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?) Hồi ấy, sáng nào tôi cũng cùng đứa cháu đẩy một xe ba gác trái cây lên chợ Mới giao hàng. Nhưng sầu riêng thì hầu như là không vì khách ăn sẽ tìm tới tận vườn, ngồi bên hiên nhà hoặc mang ra dưới những tán cây mận, cây bơ, cây xoài, trên bãi cỏ xanh mướt có mấy cháu nhỏ ngắt hoa đuổi bướm như trong cổ tích mà tận hưởng cái mùi thơm trong lớp cùi vàng óng của sầu riêng để gặp một lần rồi sẽ mãi không quên. Nhà văn Kim Lân là một ví dụ. Ở trại sáng tác văn học nghệ thuật Gia Lai- Kon Tum 1986, Ông đã phải văng tục ra mà ghi nhớ cái vị thơm này của thằng C.A.Đ kính biếu. Lại chợt nhớ câu thơ của nhà văn Nguyên Hồng: Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương/ Mồ hôi vã bãi lầy thành đồng lúa. Ai mà đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ xuống để có được vườn cây trái sum suê ngày ấy?
Chất Nam bộ đậm đặc ở con người ông. Quanh năm suốt tháng đầu trần chân đất với bộ bà ba đen mốc cời. Có việc ra phố ông bất đắc dĩ mới xỏ chân vào đôi dép tông Lào, không phân biệt, lẫn trong dòng người lam lũ hồi ấy. Ông thích nhâm nhi vài ba li rượu đế với khô cá tra, cá sặt. Đồ mồi yêu thích khác của ông là cá trạch, cá rô, chuột bờ tre nướng trui. Khi uống rượu, ông rất ít dùng mồi. Thức ăn đầy ra đấy mà ông chỉ chấm mút qua loa. Rượu đế, quần áo bà ba đen, thuốc rê tự cuốn lấy, đánh bệt đầu hè nhâm nhi thì ắt hẳn là nông dân Nam bộ rồi. Nhưng cung cách cầm li rượu đưa lên miệng của ông thì lại rất sang trọng quí phái, như một chính khách của Phủ Toàn quyền.( Cho đến bây giờ tôi vẫn lấy làm thẹn vì không học được ông, bởi cách đổ rượu vào mồm rất dung tục của mình.) Tháng đôi lần, những lúc rảnh rỗi, ông cùng nhóm bạn cả trẻ lẫn già dăm sáu người tụ tập uống rượu. Họ thường kêu ông là “ anh Hai”, “ bác Hai” thân mật. Sắp tàn cuộc nhậu bao giờ cũng là màn vọng cổ sáu câu, nghe hồn quê xa lăng lắc mà như hiện hữu ngay đây, da diết lắm!
Chưa thấy ông to tiếng với vợ con bao giờ. Thậm chí  như còn…nể họ nữa.Bán được bao nhiêu tiền trái cây ở nhà, nếu bà đi vắng, khi về ông đưa lại không thiếu một xu để rồi những lúc cần tiền mua xị rượu lại bươn chải đi tìm “ thủ quĩ” mà “ đề xuất ý kiến”. Có lần đi huyện về, tôi có cái đuì chó. Cả nhà không ăn. Tôi và ông lụi hụi chế biến, nấu nướng rồi bưng ra ngoài sân nước như hai người nhậu trộm…Nhà có hai ông anh cùng chèo gốc Quảng làm bác sĩ, thỉnh thoảng có chai rượu ngoại ai tặng về biếu lại bố vợ. Tôi thì giáo viên, đào đâu ra. Hình như sợ tôi tủi thân, ông nói: Con người ta sống với nhau cốt ở tấm lòng. Nhiều khi chỉ một xị rượu đế mà cũng quí hơn chai rượu ngoại. Câu nói đã nâng đỡ tâm hồn tôi trong những tháng ngày khốn khó.
Ông là người nhân hậu và trung thực. Trước bảy lăm, ông cho con những người làm một buổi đi chăn bò, một buổi tới trường học. Giải phóng, ông cho họ gạo tiền, quần áo về quê. Trong số đó có người làm tới chủ tịch xã. Sau này, những dịp tết hay gia đình có việc lớn, họ đều có mặt. Hồi đó, sầu riêng còn khan hiếm, ông ươm giống bán cho khách. Năm nghìn một cây. Nhìn ông tưới bẵm, nhổ cỏ những cây sầu riêng non trong bì ni lông ở mảnh sân trước nhà, dưới tán cây mai cổ thụ hẳn người ta liên tưởng tới bàn tay một người mẹ ve vuốt, nâng đỡ con thơ. Tôi biết ông coi chúng như con người và yêu chúng biết chừng nào. Thấy ông ngoại ươm cây, bán có tiền, lũ cháu trứng gà trứng vịt cũng a dua tập làm theo. Chúng lấy những hạt lép, sứt mẻ đem ươm, rồi trà trộn vào luống cây của ông ngoại, sập xí sập ngầu đem bán. Biết chuyện,ông nghiêm giọng: “ Vụ này không thể dung thứ được.” Không biết ông còn nói với chúng những gì mà từ đấy trở đi tiệt nòi cái thói “ ruồi bu” ấy.( Những gì bất bình, coi thường, ông hay nói từ này)
Hầu như tất cả mọi chuyện trong cuộc sống của tôi  đều được ông sẵn sàng chia sẻ bằng hành động, ánh mắt và li rượu. Duy một lần ông nói thành câu hoàn chỉnh. Ấy là lần vợ tôi đi chợ  Hoa lư bị lấy cắp xe đạp- cái xe đam khung Pơ  rô Pháp mà ông rất quí, như là của hồi môn.( Xe đạp hồi đó là cả một gia tài) Nhìn vẻ mặt hớt hải, tái mét của con gái khi thông báo mất xe, quay sang tôi, ông nói nhỏ: “ May mà con Tám làm mất chứ mày thì họ lại nghĩ là do xỉn rượu.”
Giờ  ông đã đi xa hơn chục năm nhưng mỗi khi mùa khô về, trong xạc xào lá rụng trên cao kia cũng như tí tách những mầm non trong vườn đang cựa mình nhú lên đầu mỗi mùa mưa, tôi lại thấy ông phục sinh giữa thiên nhiên và những người mà ông yêu quí. Hồn ông đã hòa lẫn cùng hồn cây cỏ Cao nguyên./.
              Dâng Ba nhân ngày giỗ Rằm tháng Một.
                                                          Canh Thìn
        Plei Ku 18-12-12
                                                                          C.A.Đ

20 tháng 12, 2012

Bạn bè ở Qui Nhơn 2


Rời Khánh Mỹ café, Ts. Nguyễn Quang Cương có một nhã ý mà tôi rất ưng cái bụng là lái chiếc H.Civic chở tôi lướt một vòng Tp rồi chạy suốt con đường Nguyễn Tất Thành. Đại lộ này càng như trải rộng  thêm bởi đường thì rộng mà người xe đi lại rất thưa thớt. Nhớ đến những con đường kín mít người đi ở Sài Gòn tôi có cảm giác như người ta ở Qui Nhơn đang đi đâu hết rồi ấy nhỉ. Chưa đến Tết nhưng con đường có vị trị như một cái đinh của Tp Qui Nhơn được trang trí lưới đèn màu chớp nháy dày đặc. Buổi tối mà đi qua đây chắc lộng lẫy không khác gì quảng trường trước dinh Độc lập.  
Sau đó thì Cương chở thẳng tôi vào Trường QNU, nơi tôi đã có gần 10 năm sống tuổi thanh niên với rất nhiều cái đầu tiên của cuộc đời từ 1979 đến 1988:
1/ Lần đầu tiên trong đời được có người gọi mình bằng thầy.
2/ Lần đầu tiên lên lớp giảng bài với tư cách một cán bộ giảng dạy. Đó là vào năm 1980 khi tôi cắp cặp theo sư phụ là GS. Lương Duy Thứ từ ĐHSP 1 Hà Nội vào đang thỉnh giảng VHTQ cho khóa 1. Khi đó thầy đang giảng chương Sử kí của Tư Mã Thiên, đến bài phân tích tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện thầy đã giao cho tôi lên lớp. Đứng trước những sv khóa 1 mà tôi chỉ hơn họ có vài ba  tuổi thậm chí có những người là cán bộ, giáo viên cấp 2 đi học hơn tuổi khá nhiều, tôi run và hồi hộp lắm. May thay đó là một tác phẩm mà tôi rất thích thú và đã nghiên cứu kĩ nên 60 phút thuyết trình trôi qua trót lọt. Kết thúc thầy Lương Duy Thứ đã nhận xét trước 2 lớp Sv khóa 1 bằng một câu mà đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy sướng âm ỉ trong người: "Nếu tôi là chủ tịch Mao Trạch Đông thì thầy HTS là phó chủ tịch Lâm Bưu, tức là người sẽ kế nhiệm Mao Trạch Đông làm chủ tịch TQ".
Nay thì cả Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đều đã thành người thiên cổ, còn Gs. Lương Duy Thứ và đứa đệ tử ngày ấy thì vẫn ung dung sống ở Sg.  Chuyện đời đúng là chẳng biết đâu mà lần.
3/ Và… những mối tình thoáng qua với một vài cô gái vừa là bạn vừa hơn bạn một chút bởi hồi đó mới ra trường tôi vẫn chưa có người yêu.
4/ Là nơi diễn ra đám cưới thời bao cấp đơn giản với sự ra đời của cô con gái đầu lòng nay cũng đang theo nghiệp cha làm GV đại học.
5/ V.v..và v.v.
Trường QNU nay quả là bề thế so với hồi tôi còn giảng dạy. Chính giữa là một tòa cao ốc 15 tầng sơn trắng toát như một điểm nhấn; một tấm băng đỏ chào mừng 35 năm thành lập vừa được treo lên trong buổi sáng tôi đặt chân đến. Ts. Cương mở ipad ra chụp ngay cho tôi một kiểu hình với phông là tòa nhà cao tầng hiếm hoi đầy hãnh diện ấy.  Rồi tôi cũng kịp thời đưa nó lên blog để khoe với mọi người là tôi đã về đây với Qui Nhơn, với ĐHQN.
Vì tấm hình nhanh nhảu này mà Trần Xuân Toàn phó trưởng khoa Ngữ văn, một học trò, một người bạn cũng rất thân thiết với tôi đã comment ngay phía dưới: "Ngay cả người ở tại chỗ cũng chưa kịp chụp tấm hình với tòa nhà và tấm băng khẩu hiệu này, vậy mà thầy mới về đã có hình đưa lên mạng".  Sướng thế.
Tôi lên thăm văn phòng khoa văn của tôi. Có đủ mặt trưởng khoa Nguyễn Văn Đấu, phó khoa Nguyễn Quốc Khánh và nhiều đồng nghiệp khác. Mọi người đang tất bật cho lễ kỉ niệm nhưng vẫn kịp tay bắt mặt mừng, vẫn kịp khoe với nhau những tạp chí, những đặc san vừa in xong làm quà tặng cho lễ kỉ niệm.
Rồi tôi đi thang máy lên lầu 13 của tòa nhà 15 tầng. Vào đây gặp thêm một học trò cũ là Mai Xuân Miên (Sv khóa 2) giờ là Ts. Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp đang chỉ huy một số nhân viên nữ với đống quà tặng xếp kín cả một căn phòng lớn. Miên vốn đã gầy nay càng gầy rộc hẳn đi vì lễ hội 35 năm này. 
(còn tiếp) 

Với SV khóa 9. Hàng đầu thứ tư từ phải sang là GS. Lê Hoài Nam 

18 tháng 12, 2012

Bạn bè ở Qui Nhơn

Tôi đi chuyến 6g45 sáng 30-11 để về Qui Nhơn trên tàu bay của hãng Mekong, sau 60 phút thì đến Phù Cát rồi thêm ngần ấy thời gian nữa thì thực sự đến Qui Nhơn. Từ Phù Cát  về Qui Nhơn chừng 30km, đường quốc lộ đoạn này chật hẹp lại chẳng tốt lành gì nên đi một đỗi thì có cảm giác là mình từ Sài Gòn về Qui Nhơn bằng xe đò chứ không phải là bằng máy bay.
Đang trên đường đi thì đã nhận được tin nhắn của Mai Thìn: Anh xuống Qui Nhơn tấp vô đâu đó gọi em ra café luôn; rồi điện thoại của Nguyễn Quang Cương: Ông đến đâu rồi; ông anh đạo diễn già Huỳnh Hiến cũng ới: Hà Tùng Sơn về đến Qui Nhơn thì gọi ngay nhé…
Vì vậy mà vừa bước chân xuống khỏi chiếc ô tô hàng không, tôi tấp luôn vô café Khánh Mĩ, một quán cafe rất đẹp đối diện với phòng vé hàng không góc đường Phạm Hùng mà hồi còn sống ở Qui Nhơn tôi vẫn thường ngồi với cánh viết văn làm báo.  Ném ba lô xuống một cái ghế, ngồi chưa yên chỗ thì Mai Thìn tới, rồi Nguyễn Quang Cương, Trần Hà Nam, Huỳnh Hiến lần lượt tới. Đủ một bộ tứ những anh tài kiệt xuất của đất Qui Nhơn. Toàn là dân giáo, dân báo mà thực ra là dân văn chương với nhau. Không thể không tri âm và đồng cảm hơn. Làm dân Qui Nhơn thấy mà sướng. Chỉ cần ới nhau một tiếng là 5 - 10 phút sau đã tề tựu đầy đủ. Chẳng bù cho dân Sài Gòn miệng nói đến ngay đến ngay nhưng cả tiếng sau chưa chắc đã thấy người đâu.
Chuyện trò rôm rả và thân tình cứ như là suốt ba năm qua tôi chưa hề xa đất Bình Định, mảnh đất mà tôi đã sống suốt 30 năm có lẻ.
Tan đám cafe' thì đã gần trưa... (còn tiếp)

13 tháng 12, 2012

Về quê

CHƯƠNG III: Quảng Bình
Rời Quảng Trị tôi về quê Quảng Bình trên một chuyến xe đò rách nát như thời thổ tả chạy tuyến Huế - Đồng Hới. Xuống Đồng Hới lại nhảy lên chiếc xe buýt còn rách nát hơn với đủ thứ mùi hôi hám không thể tả để ra Hoàn Lão. Từ đó chú em rể đem ô tô chở lên làng Thọ Lộc cách Hoàn Lão 8km, nơi ba mạ tôi đang sống trong một khu vườn mà tôi rất ưa thích.
Nhà ở đầu làng. Con đường làng chạy trước cổng nhà tôi được thảm bê tông xi măng chắc chắn nhờ tiền hỗ trợ của quĩ tìm kiếm hài cốt phi công Mĩ trong chiến tranh. Tức là tiền của chính phủ Mĩ. Một ông anh con bác họ nói chuyện với tôi vì thế mà dân làng gọi đường làng này là đường Mĩ. Oai thế. Chả là hồi chiến tranh phá hoại, rất nhiều máy bay Mĩ đã bị bắn rơi trên vùng trời quê tôi, nhiều xác phi công Mĩ đã bị chôn vùi nơi đây. Những người du kích ngày trước từng bắn hạ máy bay nay lại hăng hái đi tìm hài cốt phi công Mĩ để trao trả cho chính phủ Mĩ. Chi phí do phía Mĩ chu cấp. Con đường làng là phần thưởng như một giá trị gia tăng cho công việc tìm kiếm ấy. Người Mĩ thật chu đáo.
Khu vườn của nhà ba mạ tôi kín mít cây cối. Chè, tiêu, mít, khế, xoan, xoài, me, cóc ổi…đều có đủ. Thích gì trồng nấy như một sự ngẫu hứng, ba tôi tuyệt nhiên không có một qui hoạch nào theo kiểu anh tổng Mạnh chỉ đạo là phải nghiên cứu xem nên trồng cây gì, nuôi con gì cho có lợi ích kinh tế.
Trong nhà nuôi một con chó mực mập mạp láng mướt và lười biếng vì quá no đủ nên đến bữa chỉ ăn ít cơm chan với nước thịt; mấy đàn gà Lào do chú em trai làm ăn bên Lào mang về chạy khắp vườn nhưng tối lại chúng không ngủ trong chuồng mà bay lên ngủ khắp các cành cây cao trong vườn như gà rừng. Mạ tôi bảo trông thế chứ không dễ gì mà bắt làm thịt được chúng. Muốn bắt con nào phải sập bằng bẫy may ra thì được. Gà này chắc chắn là gà sạch.
Bốn phía mái lợp xi măng ngoài sân treo nhiều giò phong lan mà lần nào về tôi cũng đều thấy ít nhất có một vài giò đang nở. Phía bờ rào bằng các loại cây mạn hảo được trồng chen nhiều cây hoa trạng nguyên. Loài hoa giản dị dễ trồng như củ sắn mà có cái tên sang trọng thế. Mà quả là đẹp thật. Đi suốt dọc con đường làng chỉ có nhà tôi trồng loài hoa đó. Trong lúc nhiều nhà chẳng biết giàu có cỡ nào nhưng tường cổng bê tông kín mít như nhà Bá Kiến.
Ba tôi năm nay đã 93, mạ tôi 83. Lần về này của tôi còn là để kết hợp cả mấy anh em con cháu họp mặt ăn mừng cái huy hiệu 65 năm tuổi đảng ba tôi vừa nhận. Mạ tôi hẹn 2 năm nữa cũng sẽ nhận một cái 65 năm như thế. Hai cụ tự hào và lấy làm vui mừng lắm. Cả huyện chỉ còn mỗi ba tôi là lão thành CM nên hàng chục năm nay cụ trở thành long trọng viên của huyện của tỉnh và của xã trong các kì đại hội, lễ tết. Tôi đề nghị là khi nào ba mạ tôi nhận huy hiệu 70 năm sẽ ăn mừng to gấp đôi. Ăn mừng cái sự đại thọ là chính.  
Sáng dậy cụ ông xỏ đôi ba ta đi bộ dọc đường làng, cụ bà xách làn đi chợ về nấu nướng. Cuộc sống thật không thể trong lành hơn, bỏ lại bên ngoài bờ rào những hỉ nộ ái ố của một thời cuộc nhiễu nhương và chán ngán hơn bao giờ hết.


Hai lão đồng chí  Hà Thuyên và Nguyễn Thị Thắm

Ở nhà được hai ngày tôi tranh thủ vô Đồng Hới gặp gỡ với các bạn học thời cấp 3. Đến đường Thanh Niên viếng và thắp hương tưởng nhớ bạn Hóa vừa qua đời. Trưa đó được vợ chồng Trương Bình mời ăn một chầu đặc sản Đồng Hới cùng nhiều bạn khác như Trần Hùng, Bùi Hùng, Nghiêm… Trần Hùng đang ốm phải nghỉ làm việc nằm nhà nhưng cũng ráng đến góp vui với một chai mao đài trung cộng chính hãng trên tay.
Ngày chủ nhật thì theo ô tô chú em rể vô Lệ Thủy thăm chơi nhà Võ Vĩnh Hào, bạn đồng nghiệp thời cùng dạy ở khoa văn Đại học Qui Nhơn nay là TP giáo dục Lệ Thủy. Bữa trưa đó trong căn nhà vườn giản dị của Hào là một cuộc họp mặt rôm rả của 3 tên bạn học thời đại học Loan, Chi, Lí… Vui không thể vui hơn.
Năm ngày ở nhà trôi qua nhanh chóng. Tôi trở lại Sài Gòn trên chuyến bay 12g45 ngày 10-12 từ Đồng Hới. Kết thúc chuyến đi kéo dài 11 ngày. Để lại sau lưng những cuộc gặp gỡ ấm lòng và cảm động.
Lại mong đến chuyến về quê khác.

Con đường nhìn từ phía đầu làng


Nhìn từ phía cuối làng với hoa trạng nguyên và hoa vàng danh chen nhau khoe sắc


Cái cổng ngõ đơn sơ đến mức như không có 


Mái nhà với sân lợp tấm ngói xi măng che mưa nắng


Cây mai vàng này chính tay tôi trồng trong kì nghỉ hè cao học 1982 khi nó lớn chỉ bằng chiếc đũa. Nay đã thành một cây mai cổ thụ Tết nào cũng ra hoa.  


Khi nào cũng có một vài giò phong lan đang nở


Cha con chú em rể út. Chú Hùng này là sĩ quan hải quân
đóng ở đảo Cồn Cỏ nghỉ phép về thăm con.


Cu Tuấn Dũng vừa được 18 tháng tuổi

Nó rất thân thiện với ông cậu từ SG về


và chú mực 4 mắt lười biếng


12 tháng 12, 2012

Thành cổ Quảng Trị

CHƯƠNG II: Thành cổ Quảng Trị ngày 5-12-2012

Chiều 4-12 lên tàu từ ga Diêu Trì, từ biệt bạn bè Qui Nhơn để ra Quảng Trị. Ngủ một đêm trên tàu sáng ra thì đến Đông Hà rồi lộn ngược 10km nữa để vào thành cổ Quảng Trị. Mục đích chặng dừng chân này là để viếng mộ cha mẹ vợ đã qua đời và an táng tại đây mấy năm trước, sau đó là thăm một thằng bạn từng đi lính với nhau giờ sống ở Quảng Trị.    

Khu mộ cha mẹ vợ nằm trên đồi cao Quảng Trị. Người đang nhổ cỏ là ông anh vợ.


Một di tích nổi tiếng của thời chiến tranh nằm trên đường Trần Hưng Đạo thị xã Quảng Trị,  cách quốc lộ 1 chưa đầy 100m 


Ngôi nhà đầy vết đạn bom không biết là do phe nào bắn. Đúng là trong mọi cuộc chiến tranh, dù là phe nào thắng thì nhân dân cũng luôn là bên thất bại.


Nhìn thật ấn tượng. Đi qua không thể không dừng lại bấm
 vài kiểu hình 


Trung tâm phát triển du lịch hoài niệm Việt Nam tại Quảng Trị, có lẽ chỉ có ở thành cổ Quảng Trị


Cuối ngày ra Gio Linh thăm thằng bạn tên Nga, một thời là sinh viên khóa 12 văn khoa, tôi học lớp A, Nga học lớp B, cùng nhập ngũ một ngày, cùng ở một sư đoàn Sông lam 341. Đánh Mĩ xong tôi trở lại trường đại học còn bạn Nga ở lại quân đội rồi tiếp tục sang đánh nhau với Pôn Pốt ở Cam pu chia. Phục viên với quân hàm đại úy. Hai cuộc chiến tranh tàn khốc đã làm cho người bạn người đồng đội của tôi khổ sở biết bao nhiêu.  

Chuyến đi 3 trong 1


Vậy là chuyến đi mới rồi của tôi kéo dài tới 11 ngày, từ sáng tinh mơ 30-11 rời TSN đến chiều 10-12-2012 mới về lại Sài Gòn.
Nói 3 trong 1 là vì đã đặt chân đến 3 vùng đất. Quy Nhơn – Quảng Trị – Quảng Bình. Vì thế sẽ có 3 chương bằng hình ảnh.

CHƯƠNG I: Qui Nhơn từ 30-11 đến chiều 4-12.

Tổ bộ môn Văn học nước ngoài từ quá khứ đến hiện tại. Trái sang: Lê Từ Hiển, Nguyễn Đăng Vũ, Hà Tùng Sơn, Ngô Quang Hiển, Bùi Kim Hạnh, Đoàn Thị  Trang



Và Tổ Văn học nước ngoài của 25 năm về trước. Vẫn là từ trái sang: Nguyễn Văn Giai (đã mất), Hà Tùng Sơn,  Lê Thị Mĩ Trang, Ngô Quang Hiển, Nguyễn Khắc Hóa


Tổ Văn học nước ngoài mở rộng tại café Làng Việt  sáng 3-12-2012.
Hàng đầu trái sang: Lê Minh Kha, Hà Tùng Sơn, Bùi Kim Hạnh, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn  Mạnh Hùng, Lê Từ Hiển, Nguyễn Quang Cương.
Hàng sau trái sang:
Trần Thanh Bình, Ngô Quang Hiển,  Đoàn Thị Trang. 



Tại quán cafe' Tre Việt sáng 2-12. Từ trái sang: Hồng Hạnh, Ngọc Thân, Thị Mai, Ngọc Thiên Hoa, Diệu Nữ, Tùng Sơn 



Ăn sáng



Với cựu SV khóa 9 trưa 2-12 tại KS Hoàng Yến. 


Trái sang: Ngô Quang Hiển, Đào Quốc Toàn, Võ Xuân Hào, Nguyễn Chí Cương và phu nhân, Hà Tùng Sơn, Nguyễn Ngọc Quận

Phút ngẫu hứng

Cuộc hội ngộ của hai chiến sĩ lưu vong 1 từ Hà Nội vô, 1 từ Sài Gòn ra: Nguyễn Chí Cương & Hà Tùng Sơn


Trần Thanh Bình & Hà Tùng Sơn


Vẫn là Trần Thanh Bình & Hà Tùng Sơn nhưng từ 25 năm trước


Bộ ba từ trái sang: Hồng Hạnh, Ngọc Quận, Từ Hiển


Đồ gàn Ts.Nguyễn Ngọc Quận đang tạo dáng rất truyền thống

Sáng nay Quận mail đến như sau: 
"Quý gởi ba thầy Sơn: Hà Sơn, Chu Sơn, Thanh Sơn, vài hình ảnh 
thân thương về các chiến hữu sau bao tháng năm xa cách. Đây là 
hình ảnh về cái tình của người khoa Văn, cái còn lại sau khi mọi 
cái khác đều phôi pha sau năm tháng lạnh lùng!
Quận đồ gàn mạo muội tiết lộ: Đám cựu SV Văn 5B
ở xa về chỉ thích trở lại OA và OB nơi ghi dấu nhiều
kỷ niệm đẹp của họ. Quận tôi cũng không thể không
tức cảnh sinh tình, tiếc là chưa nhả ra câu thơ nào thui
hà, hì hì... Cảnh cũ còn đó mà người xưa đâu rồi?
Nắng chiều hiu hắt giãi bên thềm vắng, ghế đá bên cội
 sứ già nằm trơ vơ như đợi người xưa trở lại. Còn đâu
cảnh sinh hoạt rộn rịp một thời trong 2 O này! may mà
người ta chưa đập phá nó!"



CHƯƠNG II: Thành cổ Quảng Trị ngày 5-12-2012

còn tiếp



Ảnh trong bài: Nguyễn Quang Cương và nhiều người khác


11 tháng 12, 2012

Niềm ân hận

                                                                                              Chử Anh Đào                                                           
Cuối thu vừa qua, tôi về quê bốc mộ (sang cát) cho bố. Người bạn thân vong niên của tôi , trước những ngày tôi sắp lên đường cứ thắc thỏm hỏi bao giờ về? Mấy ngày nữa về? Lão này tên Bần. Chỉ kém bố tôi một giáp, nhưng vì chơi với con thì phải gọi, xưng hô theo con. Và quan trọng, tôi đọc thấy trong thâm tâm lão lòng thành kính thực sự, không đãi bôi, không giả vờ, không vụ lợi như trong nhiều trường hợp “kết nghĩa” cha -con, anh-em mà dân miền Bắc thường làm.
 Gửi cái cuốc ở phòng bảo vệ, hạ hai ống quần xăn tới đầu gối xuống, lão Bần lệch vai xách một bao xác rắn năm kí lên tầng ba- phòng tôi làm việc. Lão nói trong hổn hển hơi thở:
 - Đây là mấy kí nghệ đen nhà trồng được. Người già dùng tốt lắm đấy.
          Tôi khẽ mỉn cười. Biết tỏng những thang thuốc chữa bá bệnh nhà nghèo xưa nay của lão: diếp cá, đinh lăng và nghệ đen.
          Rồi lão ngập ngừng lôi trong túi ngực ra cái phong bì dính đầy đất đỏ, rụt rè:
 - Có mấy đồng gửi mẹ ăn trầu.
         Ngoài phong bì đề: “Con: Hắc Ngụy Bần. Kính gửi Mẹ”
        Tôi nghĩ: Lão này đào đâu ra tiền? Mỗi lần tết đến, mừng tuổi con người ta mà còn khất nợ nữa là…Tôi đón lấy bằng cả hai tay, lòng cảm kích và suýt ứa nước mắt (Tôi hay chảy nước mắt trước lòng tốt của người khác).
          Khỏi phải nói mẹ tôi mừng rỡ như thế nào. Mắt Người đã mờ (tám mươi lăm tuổi còn gì). Mẹ rờ rẫm khắp mặt tôi như hồi còn bé và chợt chun mũi khi vấp phải cái mùi hăng hắc của tăc xi máy lạnh. Bà hỏi thăm bên ngoại, con cháu và những bạn thân của tôi mà bà còn nhớ trong đợt vào Gia Lai mấy năm về trước. Lão Bần là người đầu tiên:
 - Bác Bần dạo này vẫn khỏe chứ?
   Rồi bà thẽ thọt:
 - Người đâu mà tốt từ cái ăn, nết ở tới dáng đi, lời nói…Còn nhớ cái đận mẹ vào, mưa to gió lớn là thế, mới tinh mơ bảnh mắt là thế mà nhà bác ấy mang tới nào là trầu cau, là vôi, là thuốc; lại còn bánh cuốn Bắc nghe nói bán mãi tại Biển Hồ mười cây số…
          Tôi giật bắn người! Những món quà lão Bần gửi mẹ, tôi đã không mang ra theo. Mấy kí nghệ đen, đi máy bay cồng kềnh đã đành. Cái phong bì tôi nhét trong cái áo thể thao, hôm chia tay, say bí tỉ quên trời đất giờ đã không biết trôi dạt tới đầu đường xó chợ nào. Tôi đáp vội:
 - Dạ! Khỏe mẹ ạ. Bác ấy giờ thành “di sản văn hóa” rồi. Tự nói sẽ sống đến trăm tuổi. Mà ông Giời làm sao ấy, cứ gọi toàn người trẻ đi trước, còn lão Bần vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” đấy ạ.
 - Cha bố anh! Chỉ phải cái bạc mồm bạc miệng.
 - Con nói thật mà. À, bác Bần gửi mẹ mấy đồng ăn trầu - Tôi nói và lấy từ trong ví của mình ra tờ hai trăm. Trong bụng thầm một ý nghĩ rất con buôn và nhỏ nhen: Thế là lão Bần thơm lây bởi phong bì của lão có một trăm là cùng chứ mấy!
   Xong việc, tôi vào lại Gia Lai. Lão Bần đang nằm trên giường bệnh. Số là lão có mảnh vườn chó ỉa ở tận phía tây nghĩa trang cũ của thành phố . Cũng một nắng hai sương, cũng bán mặt cho đất bán lưng cho giời, cũng cuốc bẫm cày sâu nhưng quanh năm quần quật chưa hề thu hoạch được sản phẩm gì vì cái tội “đánh cây sống trồng cây chết”. Cứ nghe người ta nói trồng ca ri 100 nghìn đồng một kí. Lão trồng. hơn hai năm sau thu hoạch, giá ca ri còn 6 nghìn đồng. Lại nghe nói nghệ đen 120 nghìn đồng. Lúc lão thu hoạch “cuốc thuổng gậy gộc, xay giã dần sàng” toát mồ hôi xong gạ bán mười nghìn đồng một kí còn bị người ta mắng (!) Đại khái công việc làm vườn của lão là thế. Nhưng được cái là nó như một hình thức thể dục; lại đỡ tụ bạ rượu chè hay viết đơn kiện cáo…Hôm đó leo không cao để làm giàn trồng dưa Mê hi cô gì đấy thì bị ngã đau, không gượng dậy được. Đang chữa bằng thuốc gia truyền: lá Đại tướng quân. Lão rên hừ hừ:
 - Vào hồi nào? Mẹ…khỏe…khô…ng?
 - Khỏe. Cụ nói quyết tâm sống tới một trăm hai mươi tuổi- Và thật trơ trẽn- tôi tiếp: quà của anh, em đưa rồi. Cụ rất mừng, cảm ơn rối rit.
   Rồi lấy chỗ thân thiết, tôi tò mò hỏi:
 - Hôm nọ, anh gửi cụ bao nhiêu?
 - Một trăm đô.
 - Một trăm đô! Anh lấy đâu ra?
 - Một người bạn bên Mĩ gửi về.         
 Một trăm đô! Đấy đúng là cả gia tài của lão Bần nghèo khó. Nhưng nếu trong cái phong bì ấy chỉ có một đô thôi thì lỗi của tôi cũng đã là nặng lắm rồi. Nghiệt nỗi, lỗi này không có cơ hội để sửa chữa (như lời tự hứa của tôi với người bõ già nghèo khổ mà nhân hậu ở nhà thờ Tân Sơn hơn ba chục năm về trước) nên nó biến thành niềm ân hận mà tôi hẳn phải nhọc nhằn mang theo nó suốt đời./.                                                                            
                                                                                     C.A.Đ