21 tháng 12, 2012

Hồn cỏ cây


                                               Chử Anh Đào

Rưng rưng khói bếp sau mưa 
   Vườn ai lá thẫm lửa vừa nhóm lên
Phải mùi cá nướng không em
    Tay nâng chén rượu bình yên thủa nào
Giữa anh em giữa trời sao
     Không phân cao thấp nhìn nhau cả  cười
( Thanh Thảo)
Tôi còn nhớ  như in cái buổi chiều cuối mùa mưa ba mươi tư năm về trước. Cùng hai đồng nghiệp ( một trong số đó là bà xã tôi bây giờ) về nhà chơi. Theo bản đồ và trong tâm tưởng của nhiều người dân Plei Ku bấy giờ thì đây là một địa chỉ khá nổi tiếng: vườn ông Hai. Trong hình dung sách vở của tôi, ông Hai hẳn phải là một người đàn ông đạo mạo, quắc thước, phong độ ngút trời như công tử Bạc Liêu, mũ phớt trắng, comple trắng, giày Gia Định đế crep đen và với bất li thân trong tay là cây batoong đầu bịt ngà voi trắng. Gặp chúng tôi đầu tiên là người đàn ông trung niên có khuôn mặt chữ điền, trán cao, mắt sáng với cái nhìn nheo nheo, độ lượng. Ông bận bà ba đen, đi ủng, đang rê máy phát cỏ ngay mảnh sân trước nhà. Tôi đoán có lẽ là người làm ( vì được biết trước bảy lăm nhà có hàng chục người làm và hiện nay cũng còn vài ba người nữa) Nhưng tôi đã nhầm. Nàng giới thiệu: “ Ba em đấy!” Từ giây phút ấy mọi thứ trong đầu tôi cứ lộn tùng phèo cả lên nhưng niềm thương mến, cảm phục ông cũng đã như rựa chém vào đá cho mãi tới tận bây giờ.
Ông quê gốc ở Thủ Thừa, Long An. Lớn lên học trường Canh nông của Pháp ở Mỏ Cày, Bến Tre. ( Hồi ấy Pháp mở hai trường Canh nông ở Việt Nam. Phía Bắc ở Tuyên Quang) Thật lạ! Nhạc phụ là một điền chủ có hàng ngàn công ruộng thẳng cánh cò bay nhưng ông đã từ chối vị trí ông chủ mà khăn gói ra khai khẩn vùng Plei Ku còn rất hoang sơ thời bấy giờ( Đâu như là những năm năm chín, sáu mươi của thế kỉ trước). Với sức trẻ trai đầy kiêu hãnh, với kiến thức học được ở nhà trường cùng với sự cần mẫn, miệt mài lao động pha chút ngang tàng, phóng khoáng của những người đi mở đất, ông đã biến khu đất hoang hóa năm héc ta thành một “ điền trang” như của công tước Bôncônxki trong “ Chiến tranh và hòa bình”. Khu vườn rộng này có lũy tre vừa làm hàng rào, vừa bảo vệ dày từ hai tới ba mét bao quanh. Trong là các loại chuối trồng xen kẽ các lô cây ăn trái: bưởi, mận, xoài, cam, quýt, mãng cầu…Nhưng đặc biệt nhất là sầu riêng. Tên tuổi ông gắn với loại cây đặc sản còn rất quí hiếm thời bấy giờ. Người ta hay gọi : vườn ông Hai, ông Hai sầu riêng. Mùa sầu riêng đến, thấm đẫm không gian là mùi thơm độc đáo, quyến rũ, không trộn lẫn của trái sầu riêng. Hương thơm quyện trong áo quần, đầu tóc, thịt da người và cả những đồ vật trong nhà.( Chợt nhớ câu thơ của tác giả Dáng đứng Việt Nam: Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?) Hồi ấy, sáng nào tôi cũng cùng đứa cháu đẩy một xe ba gác trái cây lên chợ Mới giao hàng. Nhưng sầu riêng thì hầu như là không vì khách ăn sẽ tìm tới tận vườn, ngồi bên hiên nhà hoặc mang ra dưới những tán cây mận, cây bơ, cây xoài, trên bãi cỏ xanh mướt có mấy cháu nhỏ ngắt hoa đuổi bướm như trong cổ tích mà tận hưởng cái mùi thơm trong lớp cùi vàng óng của sầu riêng để gặp một lần rồi sẽ mãi không quên. Nhà văn Kim Lân là một ví dụ. Ở trại sáng tác văn học nghệ thuật Gia Lai- Kon Tum 1986, Ông đã phải văng tục ra mà ghi nhớ cái vị thơm này của thằng C.A.Đ kính biếu. Lại chợt nhớ câu thơ của nhà văn Nguyên Hồng: Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương/ Mồ hôi vã bãi lầy thành đồng lúa. Ai mà đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ xuống để có được vườn cây trái sum suê ngày ấy?
Chất Nam bộ đậm đặc ở con người ông. Quanh năm suốt tháng đầu trần chân đất với bộ bà ba đen mốc cời. Có việc ra phố ông bất đắc dĩ mới xỏ chân vào đôi dép tông Lào, không phân biệt, lẫn trong dòng người lam lũ hồi ấy. Ông thích nhâm nhi vài ba li rượu đế với khô cá tra, cá sặt. Đồ mồi yêu thích khác của ông là cá trạch, cá rô, chuột bờ tre nướng trui. Khi uống rượu, ông rất ít dùng mồi. Thức ăn đầy ra đấy mà ông chỉ chấm mút qua loa. Rượu đế, quần áo bà ba đen, thuốc rê tự cuốn lấy, đánh bệt đầu hè nhâm nhi thì ắt hẳn là nông dân Nam bộ rồi. Nhưng cung cách cầm li rượu đưa lên miệng của ông thì lại rất sang trọng quí phái, như một chính khách của Phủ Toàn quyền.( Cho đến bây giờ tôi vẫn lấy làm thẹn vì không học được ông, bởi cách đổ rượu vào mồm rất dung tục của mình.) Tháng đôi lần, những lúc rảnh rỗi, ông cùng nhóm bạn cả trẻ lẫn già dăm sáu người tụ tập uống rượu. Họ thường kêu ông là “ anh Hai”, “ bác Hai” thân mật. Sắp tàn cuộc nhậu bao giờ cũng là màn vọng cổ sáu câu, nghe hồn quê xa lăng lắc mà như hiện hữu ngay đây, da diết lắm!
Chưa thấy ông to tiếng với vợ con bao giờ. Thậm chí  như còn…nể họ nữa.Bán được bao nhiêu tiền trái cây ở nhà, nếu bà đi vắng, khi về ông đưa lại không thiếu một xu để rồi những lúc cần tiền mua xị rượu lại bươn chải đi tìm “ thủ quĩ” mà “ đề xuất ý kiến”. Có lần đi huyện về, tôi có cái đuì chó. Cả nhà không ăn. Tôi và ông lụi hụi chế biến, nấu nướng rồi bưng ra ngoài sân nước như hai người nhậu trộm…Nhà có hai ông anh cùng chèo gốc Quảng làm bác sĩ, thỉnh thoảng có chai rượu ngoại ai tặng về biếu lại bố vợ. Tôi thì giáo viên, đào đâu ra. Hình như sợ tôi tủi thân, ông nói: Con người ta sống với nhau cốt ở tấm lòng. Nhiều khi chỉ một xị rượu đế mà cũng quí hơn chai rượu ngoại. Câu nói đã nâng đỡ tâm hồn tôi trong những tháng ngày khốn khó.
Ông là người nhân hậu và trung thực. Trước bảy lăm, ông cho con những người làm một buổi đi chăn bò, một buổi tới trường học. Giải phóng, ông cho họ gạo tiền, quần áo về quê. Trong số đó có người làm tới chủ tịch xã. Sau này, những dịp tết hay gia đình có việc lớn, họ đều có mặt. Hồi đó, sầu riêng còn khan hiếm, ông ươm giống bán cho khách. Năm nghìn một cây. Nhìn ông tưới bẵm, nhổ cỏ những cây sầu riêng non trong bì ni lông ở mảnh sân trước nhà, dưới tán cây mai cổ thụ hẳn người ta liên tưởng tới bàn tay một người mẹ ve vuốt, nâng đỡ con thơ. Tôi biết ông coi chúng như con người và yêu chúng biết chừng nào. Thấy ông ngoại ươm cây, bán có tiền, lũ cháu trứng gà trứng vịt cũng a dua tập làm theo. Chúng lấy những hạt lép, sứt mẻ đem ươm, rồi trà trộn vào luống cây của ông ngoại, sập xí sập ngầu đem bán. Biết chuyện,ông nghiêm giọng: “ Vụ này không thể dung thứ được.” Không biết ông còn nói với chúng những gì mà từ đấy trở đi tiệt nòi cái thói “ ruồi bu” ấy.( Những gì bất bình, coi thường, ông hay nói từ này)
Hầu như tất cả mọi chuyện trong cuộc sống của tôi  đều được ông sẵn sàng chia sẻ bằng hành động, ánh mắt và li rượu. Duy một lần ông nói thành câu hoàn chỉnh. Ấy là lần vợ tôi đi chợ  Hoa lư bị lấy cắp xe đạp- cái xe đam khung Pơ  rô Pháp mà ông rất quí, như là của hồi môn.( Xe đạp hồi đó là cả một gia tài) Nhìn vẻ mặt hớt hải, tái mét của con gái khi thông báo mất xe, quay sang tôi, ông nói nhỏ: “ May mà con Tám làm mất chứ mày thì họ lại nghĩ là do xỉn rượu.”
Giờ  ông đã đi xa hơn chục năm nhưng mỗi khi mùa khô về, trong xạc xào lá rụng trên cao kia cũng như tí tách những mầm non trong vườn đang cựa mình nhú lên đầu mỗi mùa mưa, tôi lại thấy ông phục sinh giữa thiên nhiên và những người mà ông yêu quí. Hồn ông đã hòa lẫn cùng hồn cây cỏ Cao nguyên./.
              Dâng Ba nhân ngày giỗ Rằm tháng Một.
                                                          Canh Thìn
        Plei Ku 18-12-12
                                                                          C.A.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới