Vào ngày 30 tháng 6 này tôi sẽ nói lời từ biệt TP. Quy Nhơn, Bình Định nơi tôi đã có 31 năm sinh sống với bao nhiêu vui buồn, biến đổi:
26 tháng 6, 2010
Từ biệt Quy Nhơn
Nhãn:
Chuyện đời
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
23 tháng 6, 2010
Ấn tượng HUFLIT(*)
Nghe
tên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp HCM – HUFLIT đã lâu nhưng
phải đến dịp được tham dự Hội thảo khoa học toàn quốc về “Phát triển và
giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kì đất nước hội nhập
quốc tế” do HUFLIT và Đại học Sài Gòn – SGU phối hợp tổ chức ngày 18 – 6
- 2010 vừa qua, tôi mới thực sự biết đến đại học này.
Đó
là một trường đại học ngoài công lập mà xưa nay tôi chưa nghe có tai
tiếng gì như nhiều trường đại học khác, điều mà kể cả những đại học công
lập có thương hiệu cũng khó tránh khỏi bị phanh phui qua những cuộc
thanh tra của Bộ giáo dục – Đào tạo cũng như qua báo chí và dư luận khi
mà nền giáo dục đại học nước nhà với nhiều điều tiếng không hay đã và
đang bị đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong kì họp vừa kết thúc mới
đây.
Theo như giấy mời, đúng
7 giờ 30 sáng 18 – 6, tôi đặt chân đến sảnh của HUFLIT. Ở hai cửa vào
thang máy, một cửa rải thảm đỏ dành riêng cho giảng viên và quan khách
đến dự Hội thảo, với hai hàng nữ sinh viên mặc áo dài hân hoan chào đón.
Tuy nhiên điểm khiến cho đông đảo khách của trường hôm đó phải trầm
trồ thán phục lại là ở cửa thang máy dành cho sinh viên. Đó là hình ảnh các sinh viên xếp hàng dài trật tự vào thang máy. Tuyệt
nhiên không có cảnh chen lấn giành nhau lên trước. Rất văn minh và có
văn hoá. Nhìn cảnh đó, một giảng viên của trường đại học bạn nói với
tôi: Chẳng bù cho sinh viên trường mình, chen lấn nhau vào thang máy đến
mức chẳng những không nhường nhịn mà còn đánh bật cả thầy cô ra ngoài.
Có lẽ chỉ chừng đó thôi cũng đã làm cho quan khách hôm đó đủ có cảm tình
với HUFLIT rồi.
Ở giảng đường lớn nơi diễn ra Hội thảo, không khí vừa trang nghiêm vừa thân mật với màn văn nghệ chào mừng của sinh viên.
Đã
tham dự khá nhiều hội thảo khoa học, nhưng tôi khá bất ngờ với những
vấn đề thuộc về số lượng và chất lượng trong nội dung các tham luận được
gửi tới từ 25 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài tham luận của các nhà
khoa học danh tiếng từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ
quan truyền thông và báo chí, điều ngạc nhiên là có cả tham luận của
những cô giáo ở các cơ sở giáo dục mầm non cũng tham gia với đầy đủ sự
tự tin và chất lượng. Điều đó nói lên tính đúng đắn và sự cần thiết mà
đề tài cuộc Hội thảo khoa học đã đặt ra với đời sống xã hội. Tất cả có
91 tham luận được ban tổ chức in ấn kịp thời và đầy đủ trong một Kỉ yếu
trang trọng. Điều đó cũng làm hài lòng đại biểu tham dự. Bởi đó là một
cố gắng lớn của những người tổ chức Hội thảo khi mà điều kiện thời gian
và kinh phí không rộng rãi như mong muốn.
Đang báo cáo tại Hội thảo khoa học về ngôn ngữ, Đại học HUFLIT, 6-2010. Tôi bay từ BĐ vô với bản báo cáo dài 8 trang A4 chỉ được trình bày trong 10 phút.
Đang báo cáo tại Hội thảo khoa học về ngôn ngữ, Đại học HUFLIT, 6-2010. Tôi bay từ BĐ vô với bản báo cáo dài 8 trang A4 chỉ được trình bày trong 10 phút.
Trong quá trình diễn ra Hội thảo ở cả hai nơi là HUFLIT và SGU, ngoài 8 tham luận được chọn báo cáo chính thức, những người điều hành Hội thảo đã dành thời gian thích hợp cho việc thảo luận và trao đổi qua lại về những vấn đề quan tâm thuộc chủ đề của Hội thảo. Ở đây, tính khoa học và tranh biện được thể hiện rất rõ nét. Cái hay của Hội thảo khoa học này là không nghiêng về các vấn đề lý luận cao siêu, kinh viện, xa rời cuộc sống mà nghiêng về những vấn đề mang tính thực tiễn, rất bổ ích và cần thiết cho việc làm trong sáng hơn ngôn ngữ Việt trong đời sống của thời kì đất nước ngày càng hội nhập sâu với quốc tế. Kết thúc, Hội thảo đã nhất trí thông qua một bản kiến nghị 5 điểm gửi lên các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ nhằm góp phần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt của đất nước trong thời kì hiện tại. Đó chính là tính thực tiễn rất nên có của một hội thảo khoa học. Đó cũng chính là thành công của Hội thảo này.
Và tất cả đã làm nên một ấn tượng tốt đẹp về HUFLIT.
(*) Bài đã đăng ở đây:
http://www.huflit.edu.vn/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=871
(*) Bài đã đăng ở đây:
http://www.huflit.edu.vn/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=871
Nhãn:
Tản mạn
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
22 tháng 6, 2010
Chuyện bên bàn biên tập
Ngày giỗ chạp ti toe một chút:
Làm nghề biên tập cũng lắm điều phức tạp. Còn nhớ năm mới vào nghề, một ông bạn có thâm niên lâu năm đã khủng bố: Ông liều liệu mà làm việc. Chỗ của ông ngồi là dễ đụng chạm lắm.
Đụng đâu thì chưa biết nhưng dần dà tôi chạm ngay với anh em bạn bè đồng nghiệp, kể cả những người vẫn thường nâng li lên đặt chénxuống với mình. Trước hết là trong sắp xếp chương trình phát sóng.
Một sớm thứ 7, anh phóng viên trẻ trước khi xách caméra đi làm tin đã đăng kí phát trong bản tin TS tối về lễ đón nhận huân chương lao động hạng nhất của một đơn vị. Giữa một sáng cuối tuần rất trong lành, trên trời xanh mây trắng nhởn nhơ bay, trước cổng đài dòng người xe như nước chảy trên phố Lê Hồng Phong, tâm hồn lại đang treo ngược trên cành cây, tôi gật cái rụp. Nhưng đến giờ tổng duyệt, tối đó lại có những 3 tin về 3 đơn vị đón nhận huân chương (sao mà nước ta có lắm huân chương thế ko biết, nếu có đem huân chương mà rải kín ra đường chắc cũng đủ), trong lúc chương trình cho tối chủ nhật hôm sau lại trống vắng. Tôi đề nghị cho cắt tin của anh bạn trẻ lại sang tối hôm sau. Và chuyện hờn mát đã xảy ra. Chỉ đơn giản là anh đã hứa với lãnh đạo đơn vị kia là hoạt động của họ thế nào cũng được phát vào tối thứ 7.
Những chuyện như thế thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là đối nội. Chỉ cần ta chân thành mỉm cười thì mọi sự cố rồi cũng sẽ qua. Đàn ông vốn dễ dãi mà. Cái mà tôi lo lắng nhất là ở phạm trù đối ngoại. Ở chỗ tôi từng nhiều năm phụ trách cả mảng công tác cộng tác viên. Cộng tác viên thì có đủ cả người già lẫn người trẻ; người kĩ tính và người amatơ; người dễ mến mình và người ko dễ gì mình mến được. Tiếp xúc với họ tôi học hỏi được rất nhiều thứ bổ ích cho nghề nghiệp và cho cả cuộc sống, nhất là khi do công việc, tôi suốt ngày chỉ biết đút chân gầm bàn mà quá xa cách với cơ sở.
Tâm lí chung của CTV là khi gửi tin bài, bao giờ họ cũng muốn được phát sớm với thời lượng dài lên một chút. Tất nhiên cánh biên tập ko phải lúc nào cũng chiều được í muốn dễ thương ấy. Một tin TV thường chỉ 45 giây. Các CTV xem thấy ko đã. Họ bảo sao các ông keo vậy. Hình của tôi, lời của tôi còn nhiều chỗ đắt thế mà các ông cắt ko thương tiếc. Vốn là dân văn, tôi quá thuộc câu văn mình vợ người. Và tôi thông cảm vô cùng với các bạn ấy nhưng nghiệp vụ biên tập bắt phải như thế.
Những điều trên chỉ mới là một mảng của những người làm biên tập. Ở những mảng nội dung khác lắm lúc cũng khiến tôi vấp phải những cú sốc lạnh cả người. Tết 1989, trong chương trình sân khấu truyền hình tối mùng 3, tôi lên vở kịch nói 15 ngày kháng án của tác giả Vũ Quang Vinh. Một vở kịch hay về đề tài chống tiêu cực những năm đầu đổi mới. Cùng với Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đang nổi như cồn, vở 15 ngày kháng án do nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng cũng rất nổi. Đó là những vở kịch cùng đề tài cùng tông. Vì thế khi viết lời dẫn cho phát thanh viên giới thiệu vở kịch trong đầu tôi cứ lởn vởn cái tên Lưu Quang Vũ. Và tôi đã ghi tác giả kịch bản là của LQV thay cho VQV. Xong xuôi công việc, tôi về nhà ăn cơm tối. Bỗng tôi chột dạ. Thôi chết rồi… hình như vở kịch là của VQV chứ ko phải là LQV. Trên màn hình TV lúc này đang là bảng chuẩn, kim đồng hồ chỉ 18 giờ 45. Chỉ còn 15 phút nữa là PTV hiện hình chào chương trình. Tôi vứt chén đũa nhảy lên xe phóng như bay đến đài, đôi chỗ còn liều mình vượt cả đèn đỏ. Đến đài tôi yêu cầu kĩ thuật viên chạy máy cho xem lại gienerich của băng hình vở kịch. Đúng là VQV. Tôi vội vàng sửa lại hết những chỗ sai trong văn bản, trao đổi lại với phát thanh viên dẫn chương trình. Hồi đó ở Đài THQN phát sóng trực tiếp chứ ko phải thu băng trước rồi phát như bây giờ. Mọi việc vừa kịp xong thì kim đồng hồ trên màn hình chỉ 19 giờ, bên tai tôi vang lên tiếng hô của đạo diễn: Đài hiệu – chạy! Thật hú hồn.
Chưa hết. Năm 1991, vào dịp kỉ niệm 74 năm cách mạng tháng 10 Nga. Tôi đặt hàng cho chị họa sĩ thể hiện làm câu khẩu hiệu: Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm lần thứ 74 cm tháng 10 Nga vĩ đại để phát sóng đầu giờ. Hồi đó chưa có máy tính. Chẳng biết đãng trí thế nào mà chị họa sĩ đã viết 74 thành 47. Giờ tổng duyệt đạo diễn gọi tôi xuống kiểm tra lần cuối nội dung và cách thể hiện của câu khẩu hiệu. Tại trung tâm kĩ thuật lúc đó có hàng chục người, ai cũng xem ai cũng đọc vậy mà kì lạ thay, đã ko ai phát hiện ra sai lầm chết người ấy. Tháng 11 năm 91, tiền thưởng của tôi và của đồng chí họa sĩ bị trừ mất 50%. Cũng đáng thôi. Chỉ có điều thật ngẫu nhiên là sau vụ đó ko lâu, Liên xô sụp đổ. Chị họa sĩ khi xem tin ấy trên TV đã tròn xoe mắt mà nhìn tôi, còn tôi thì như ko còn tin vào mắt mình nữa. Thật khủng khiếp.
Những chuyện buồn ấy giờ đã thành kỉ niệm vui. Người ta thường bảo cuộc đời mỗi người dù thành đạt đến đâu thì cũng buồn nhiều mà vui thì ít.
Một lần, tôi cùng một phóng viên quay phim lên đèo An Khê, ranh giới giữa BĐ và GL để quay một số cảnh trên đỉnh đèo và dọc theo thượng nguồn sông Kôn. Trưa chạy thẳng xe lên thị trấn An Khê ăn cơm. Thấy chúng tôi đến, anh em ở Đài Truyền thanh An Khê ra tiếp và nói to với chủ quán: Đây là khách từ Đài TH QN lên. Chỉ nghe có thế nhiều khách ăn trong quán đã đến nâng li chào chúng tôi. Mọi người đều nói dân An Khê tuy thuộc tỉnh Gia Lai nhưng ai cũng biết tên quen mặt ông bí thư, ông chủ tịch BĐ vì hàng đêm đều xem chương trình TV QN. Chương trình của đài GL thì ko xem được vì núi non cách trở. Nhiều người còn hỏi tôi sắp tới TV Qui Nhơn có phát lại phim Tề thiên đại thánh ko. Tôi hiểu là họ đang nói đến phim Tây du kí. Bữa đó phải uống một chầu đáng kể với khán giả của vùng đất Tây Sơn thượng đạo. Trên đường về đi dọc phố thị trấn An Khê, thấy những dàn anten cao vút đều quay về hướng Qui Nhơn. Cũng vui.
Nhãn:
Chuyện nghề
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
19 tháng 6, 2010
Hội và Thảo
21:35 18 thg 6 2010Công khai2 Lượt xem
Hôm nay là một ngày có nhiều niềm vui. Trong đó có cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc về "Giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kì đất nước hội nhập quốc tế" . Buổi sáng khai mạc và các báo cáo được trình bày tại ĐH HUFLIT Sư Vạn Hạnh Q10, trưa ăn tiệc và tiếp tục tại ĐH Sài Gòn - SGU An Dương Vương Q5. 17 giờ kết thúc. Trong Kỉ yếu của HT có tất cả 91 đề tài đăng kí. Chỉ có 8 tham luận được chon báo cáo tại diễn đàn sáng 4 chiều 4. Trong đó đề tài của mình đã được chọn báo cáo chính thức tại Hội trường.
Tại HT này, thật vui mừng và cảm động vì gặp lại nhiều thầy cũ, bạn cũ, học trò cũ.
Nói chung là bổ ích lí thú. Một cuộc hội thảo mà HỘI ít THẢO nhiều. Trừ màn tắc đường kẹt cứng và kéo dài cả cây số từ ngã tư Bảy Hiền dọc suốt Trường Chinh trên đường về nhà.
Hội thảo đã thông qua bản kiến nghị gồm năm vấn đề chính:
1/ Cần có quy chuẩn quốc gia cho việc sử dụng tiếng Việt: tên gọi thống nhất các chữ cái; cách viết chính tả; cách viết tên riêng; nguyên tắc mượn từ ngữ ở các ngoại ngữ; chủ trương đối với chữ Hán, chữ Nôm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
2/ Cần có một dự án cấp quốc gia để hệ thống hóa thành luật từ những quy định đã có.
3/ Về mặt tổ chức, cần lập một cơ quan vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có chức năng trọng tài, tư vấn để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của đất nước.
4/ Tăng cường giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, chú trọng vào thực hành để con em chúng ta nói đúng, viết đúng tiếng Việt.
5/ Bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt cần đi đôi với việc phát triển tiếng Việt. Không chỉ bảo toàn sự giàu đẹp mà còn cần đưa vào tiếng Việt những nhân tố mới, làm cho tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao tiếp trong thời hội nhập.
Những kiến nghị trên sẽ gửi tới Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục - đào tạo, Viện Khoa học xã hội, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông.
Có mấy tấm hình kỉ niệm:
Màn văn nghệ chào mừng của SV HUFLIT
Đoàn chủ tịch HT buổi sáng tại ĐH HUFLIT. Người thứ 2 đang đứng phát biểu là GS. Bùi Khánh Thế hiệu phó trường HUFLIT.
Nhãn:
Chuyện nghề
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
8 tháng 6, 2010
Chuyện cũ ...
16:19 7 thg 6 2010Công khai0 Lượt xem
Lại sắp tới ngày báo chí rồi, thì ta nói chuyện tác nghiệp
... ở phòng quảng cáo
Hàng chục năm làm việc ở đài TV, ngoài phụ trách công việc Biên tập chương trình, tôi có mười năm tròn được giao phụ trách luôn cả công việc dịch vụ quảng cáo của đài. Không nói ra thì ai cũng đều biết đó là nhiệm vụ tạo ra nguồn thu tài chính đáng kể nhằm phục vụ cho các hoạt động của một đài Phát thanh Truyền hình. Tuy nhiên, điều tôi muốn kể ở đây lại không phải là chuyện tiền nong, thu chi với doanh số tăng giảm này nọ mà là ở những câu chuyện thuộc loại nhân tình thế thái do chính tôi chứng kiến và xử lý từ mảng công tác dịch vụ này.
Từ thông báo bán nhà hàng xóm… Một buổi sáng đầu năm 1996, vừa kịp mở cửa phòng làm việc thì 1 người đàn ông khoảng trên 40 tuổi đã xuất hiện trước mặt và đưa ra tờ giấy với nội dung thông báo bán nhà. Theo những gì ghi trên tờ giấy thì đó là 1 ngôi nhà 2 tầng mặt phố Phan Bội Châu gần khu buôn bán Chợ Lớn, có diện tích nền 80m2 với đầy đủ tiện nghi, giá cả so với thời giá lúc bấy giờ khá mềm. Anh ta đăng ký phát 3 buổi trên ti vi, nộp lệ phí và lấy hóa đơn đàng hoàng.
Mọi chuyện sẽ diễn ra rất bình thường nếu không có chuyện ngay đầu giờ làm việc sáng hôm sau, tôi chưa kịp bước qua cổng cơ quan thì thường trực báo là có người cần gặp. họ đã có mặt ở cổng Đài và chờ cả tiếng trước giờ làm việc với vẻ rất sốt ruột. Đó cũng là 1 người đàn ông trạc 40 tuổi. Chưa kịp ngồi xuống ghế anh đã to tiếng cật vấn tôi tại sao nhà anh ta đang ở yên lành mà Đài lại rao bán với đầy đủ tiện nghi. Chỉ mới nghe có vậy tôi đã lấy làm chột dạ và đề nghị anh bình tĩnh kể lại đầu đuôi câu chuyện xem thế nào. Hóa ra là tối qua anh cùng vợ con xem ti vi đến mục quảng cáo thì thấy có thông báo bán nhà với đầy đủ tiện nghi mà số nhà ấy, đường phố ấy, đặc điểm ấy thì hoàn toàn trùng khớp với ngôi nhà của gia đình anh đang ở, đang là sở hữu chủ và không hề có ý định buôn bán gì cả. sau khi nghe thông báo trên ti vi, anh và cả nhà mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau không hiểu sự thể ra sao. Rồi thì hoang mang, rồi thì giận giữ, rồi thì bức xúc, nghi kỵ lẫn nhau. Cả đêm những người lớn trong nhà không ai ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để chạy tới hỏi Đài truyền hình xem sự thể thế nào. Tất cả đều chỉ có thể giải thích với một lý do là có ai đó thù vặt gia đình anh nên đã nghĩ ra màn trả thù độc địa như trên. Sau khi tôi đưa ra suy đoán như vậy, anh đồng ý và có vẻ đã thông cảm. Tôi cũng thay mặt cơ quan xin lỗi anh và hứa sẽ tìm cách khắc phục. Ngay lập tức tôi cho dừng phát thông báo bán nhà trên.
Tuy nhiên là do chỗ đặc điểm ngôi nhà và giá cả bán hết sức hấp dẫn nên dù chỉ mới thông báo có một lần nhưng suốt ngày hôm đó cho đến cả tuần sau điện thoại nhà anh liên tục đổ chuông, cửa nhà anh liên tục có khách đến hỏi mua. Làm cho cả nhà anh náo động hẳn lên, ăn không ngon, ngủ không yên. Đúng là tai họa không khác gì một màn khủng bố.
Sau lần ấy tôi rút kinh nghiệm và đề ra một qui định là đối với bất động sản cũng như các mặt hàng có giá trị lớn, người có nhu cầu thông báo bán phải xuất trình đầy đủ giấy tờ sở hữu chủ rồi mới chấp nhận cho thông báo. Kể từ đó độc chiêu thông báo “bán nhà hàng xóm với đầy đủ tiện nghi” không còn đất để tái diễn. ấy vậy mà còn có 1 chiêu khác độc địa hơn nhiều.
... Đến đăng lời cảm tạ mà người chết lại đang sống và là mẹ ruột của người khác: Chuyện là thế này. Tôi vừa đi dự họp giao ban về. Cô thư kí biên tập đưa ký một xấp các văn bản để kịp thu hình phát sóng. Vốn quen nếp kỹ tính về mặt văn bản và chỉnh sửa morat, tôi đọc kỹ các nội dung, sửa từng chữ một và cả mỗi dấu chấm, dấu phẩy. Trong buổi phát hình ấy có 3 lời cảm tạ. thấy tất cả đều bình thường, tôi ký chấp nhận phát sóng như tất cả những buổi sản xuất chương trình khác mà không thấy gợn lên 1 cái gì đáng để băn khoăn.
Vậy mà điều bất hạnh đã xảy ra với 1 người bạn của chính tôi. Vào cuối giờ chiều làm việc của ngày hôm sau, anh T, Trưởng đài truyền thanh của một huyện miền núi phía bắc, sau khi đã phóng xe máy cả trăm cây số vào Qui Nhơn, anh ào vào phòng làm việc của tôi như một luồng gió mạnh, tự tay khép kín cửa và nói bằng vẻ mặt rất nghiêm trọng và thảng thốt: mẹ anh còn sống với anh khỏe mạnh ở quê, vậy mà trong chương trình truyền hình tối qua, có ai đó đã đăng ký phát lời cảm tạ mà người chết với những thông số quê quán, tuổi tác là mẹ anh và người đứng tên cảm tạ lại chính là tên của anh.
Thế này thì chết tôi rồi! chả là chơi với nhau đã lâu và rất quí tính thật thà, chất phác của anh, tôi coi mẹ anh cũng như mẹ tôi, nên chỉ mới nghe có thế, tôi đã lạnh hết cả xương sống và hiểu ra căn nguyên vấn đề. Nhất định là có kẻ vì thù ghét anh mà đã nghĩ ra cái màn trả thù độc đáo này. Sao lại có kẻ thất nhân thất đức thế hả trời! Cầu chúa cho nó khi chết mắt không nhắm được cho đáng kiếp. Tôi liền lục từ cặp lưu trữ văn bản phát sóng, lấy ngay ra văn bản có lời cảm tạ vừa phát tối qua thì quả đúng như anh nói. Mới chỉ nhìn qua nét chữ viết tay, anh đã biết thủ phạm là ai. Chỉ có điều anh không thể nghĩ là người đó lại chơi xấu anh một cách hèn hạ như vậy. Anh cho tôi biết là may mà tối qua, khi Đài phát sóng đến lời cảm tạ thì mẹ anh đã đi ngủ nên cụ không hay biết gì, chỉ có vợ và con anh lấy làm hoang mang nên trời vừa sáng đã giục anh đi nhanh vào QN để tìm hiểu xem sự thể thế nào.
Tôi chỉ còn biết cách an ủi và xin anh thông cảm cho sự việc đáng tiếc rất hi hữu ấy. Tiễn anh về lại quê nhà mà lòng tôi cứ áy náy không yên, thầm hứa là từ nay sẽ phải cẩn thận hơn nữa trong công việc. May mà anh ấy là bạn tôi chứ nếu trúng ai đó mà họ làm đơn khởi kiện Đài ra tòa thì lúc ấy biết xử trí thế nào nhỉ. Quả là mộttai nạn nghề nghiệp.
Chuyện trên xảy ra cách nay cũng đã sáu năm rồi vậy mà tôi vẫn còn gai cả người mỗi khi nhớ đến. Tuy nhiên ở phòng quảng cáo vẫn còn có những câu chuyện vui rất ấm tình người.
“Để thằng bé đấy tôi đem về nhà nuôi”: Đólà lời nói khẳng khái và xúc động của nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Trưng, lúc anh là Trưởng phòng thời sự của Đài vào buổi tối Giao thừa Tết nguyên đán năm 1997. Như thường lệ vào các buổi phát đêm giao thừa, vì là người phụ trách công tác biên tập chương trình nên tôi thường chịu trách nhiệm trực ban phát sóng. Đó là một buổi phát hình đặc biệt nhất trong năm của những người làm Truyền hình. Nó kéo dài từ 18 giờ tối 30 Tết cho đến ít nhất 02 giờ sáng mùng một tết. Khi mà các cán bộ nhân viên của Đài về đến nhà thì năm mới đã đến tự bao giờ và họ cũng là người đầu tiên xông đất chính ngôi nhà của họ. Chả biết có phải kiêng kị gì không nhưng may mà đã vài chục năm trôi qua như thế rồi và mọi sự vẫn diễn ra yên lành nên cũng quen đi, không thấy ai băn khoăn gì.
Trở lại với buổi phát tối 30 Tết năm 1997, lúc đó đã khoảng 22 giờ, Giao thừa đã đến rất gần với mọi nhà, mọi người. Ở con phố Lê Hồng Phong trước cổng Đài, người đi chơi phố đêm 30, đi lễ chùa, đi hái lộc đông như nước chảy, khiến những người đang làm nhiệm vụ như chúng tôi cũng thấy lòng vô cùng náo nức. Vào cái lúc mà tôi đang tranh thủ thả hồn mình ngược về những đêm 30 Tết trong quá khứ thì người bảo vệ đài đi cùng một người phụ nữ trẻ dẫn theo một cháu trai khoảng 3, 4 tuổi vào trung tâm. Đó là 1 chú bé bụ bẫm và khôi ngô trông rất dễ thương chỉ có điều là nước mắt đang chảy thành dòng trên má.
Theo lời người phụ nữ thì cháu bé này bị lạc ở trên phố Tăng Bạt Hổ. Chị ở trong nhà nhìn ra thấy cháu vừa đi vừa khóc ở trên vỉa hè đang rất đông đúc người qua lại. Biết ngay là cháu bị lạc chị đã cẩn thận hỏi han cháu nhiều điều để có thể xác minh xem nhà cháu ở đâu để đưa cháu về nhưng vì quá hoảng sợ, chú bé cứ khóc ròng. Cuối cùng thì người phụ nữ tốt bụng đành đem cháu đến Đài truyền hình nhờ thông báo vào mục trẻ lạc. Liếc nhìn đồng hồ chỉ thấy còn hơnmột tiếng nữa là đến Giao thừa, tranh thủ khoảng nối giữa chương trình sân khấu và ca nhạc đón Giao thừa chúng tôi đã soạn ngay những lời thông báo cần thiết, đặt chú bé đứng hẳn lên bàn đọc văn bản của phát thanh viên, bật đèn chiếu sáng, chỉnh nét ống kính camera và phát hình trực tiếp hai lần liên tiếp thông tin trẻ lạc về chú bé.
Điều ngạc nhiên là cứ tưởng trong không khí khác thường ấy của trường quay truyền hình mà chắc chắn là lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy, một không khí mà nhiều người lớn khi tham gia chương trình cũng phải hồi hộp, lúng túng toát cả mồ hôi, thì chú bé đi lạc đêm Giao thừa lại tỏ ra rất bình tĩnh. Chú hết khóc hẳn từ khi chú quay phim bế đặt đứng lên bàn. Những dòng nước mắt đã ráo, mắt mở tròn xoe nhìn ngắm các nhân viên Truyền hình tác nghiệp có vẻ thích thú lạ lẫm lắm. Và thật kỳ lạ làm sao, vào cái lúc đáng lẽ phải bật khóc vì sợ hãi thì chú bé đi lạc lại mỉm cười rõ tươi làm tất cả mọi người đang có mặt tại trường quay và trung tâm kỹ thuật lúc ấy cùng nhìn nhau cười thú vị.
Thông báo phát đi xong, các cô phát thanh viên, kỹ thuật viên lấy bánh kẹo cho chú bé ăn và hy vọng bố mẹ người thân của chú sẽ kịp nhận được thông báo và đến đón về trước khi Giao thừa đến. Trong lúc mọi người sốt ruột trông chờ có ai đó đến nhận chú bé về kẻo năm mới mùng Một Tết không biết sẽ phải xử trí như thế nào đây thì chú lại hồn nhiên vui vẻ ăn bánh kẹo một cách ngon lành. Cuối cùng thì Giao thừa đã đến, mùng Một Tết của năm mới cũng đã đến, chỉ có mỗi người nhà của chú bé đi lạc là không đến. Mọi người nhìn tôi bảo: “ Hay là ông không có con trai (chả là nhà tôi chí có hai cô con gái) cứ đưa cậu bé về nuôi tạm đã rồi qua Tết tính sau, cùng lắm thì đưa cháu đến đồn công an để các đồng chí ấy lo giùm”.
Tôi thấy cũng có lí. Nhưng đúng lúc đó thì anh Nguyễn Trưng cúi xuống, âu yếm ôm chú bé vào lòng và nói với mọi người cái câu mà tôi đã nhắc ở đầu câu chuyện. Như một quả bong bóng quá căng được xì hơi, mọi người ai nấy thở phào nhẹ nhõm vội vàng bắt tay chúc nhau mộtnăm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc rồi mau chóng trở về nhà để kịp đón năm mới với người thân. Riêng tôi nhìn anh Nguyễn Trưng cẩn thận đặt chú bé lên ngồi phía trước yên xe máy đưa chú bé về ăn Tết với nhà anh mà lòng thấy ấm áp và xúc động vô cùng. Chuyện này dừng lại khi vào ngày hôm sau đúng mùng MộtTết, bố mẹ của chú bé đã đến Đài hỏi thăm tin tức và tìm đến nhà anh Nguyễn Trưng để đón con về.
Chuyện ở phòng quảng cáo đại loại như thế và còn nhiều nữa, hẹn dịp khác sẽ kể thêm.
Nhãn:
Chuyện nghề
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
2 tháng 6, 2010
Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn
11:11 1 thg 6 2010Công khai8 Lượt xem
Phải nói thực lòng là tôi đã rất lấy làm kính nể khi cầm trên tay cuốn Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn của TS Mai Thị Kiều Phượng. Kính nể bởi từ trước đến nay, ở bộ môn giáo học pháp văn học, hầu như chưa có ai tự mình đứng ra biên soạn một bộ giáo trình chuyên biệt dày dặn và có hệ thống như thế. Nếu có chăng chỉ là những tài liệu dịch của nước ngoài hoặc chỉ là viết về một mảng nào đó trong tổng thể của phân môn này.
Với 500 trang sách, cuốn Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn đã đề cập một cách có hệ thống và đủ mọi ngóc ngách của phương pháp dạy và học làm văn. Dạy cho thầy và họclà để cho trò. Có nghĩa đây là một cuốn giáo trình cho cả người dạy lẫn người học. Nó là cả một quá trình tích luỹ từ nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang của tác giả.
Cuốn sách gồm hai phần.
Phần 1: Những vấn đề chung về phương pháp dạy và học làm văn. Phần này là những kiến thức mang tính đại cương của bộ môn, nhằm khái quát về những khái niệm cơ bản của việc dạy và học môn làm văn ở trường trung học cơ sở. Trong đó tác giả đã chú trọng đến sự cần thiết và nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy và học môn văn; sau đó là đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở môn ngữ văn nói chung và phân môn làm văn nói riêng.
Phần 2: Phân loại các phương pháp dạy và học làm văn. Phần này đã đi sâu vào các phương pháp từ truyền thống đến hiện đại, từ lí thuyết đến các kinh nghiệm, mẹo luật của người dạy và học môn làm văn. Trên tất cả những điều đó, tác giả đã đề xuất một phương pháp dạy và học làm văn theo định hướng của sự đổi mới. Theo tôi, đây quả là một hướng nghiên cứu và tiếp cận vấn đề rất khoa học của tác giả. Bởi cái gì cũng vậy, và lúc nào cũng vậy, một công trình khoa học phải được bắt đầu từ cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn. Trên cơ sở đó tác giả công trình mới đề ra những luận thuyết của mình. Riêng ở chỗ này, cuốn sách của TS Mai Thị Kiều Phượng đã thuyết phục được người đọc bởi những luận điểm, luận cứ và luận chứng được đưa ra một cách có hệ thống cả từ hai hướng tiếp cận là thực tiễn và lí luận.
Là một cuốn giáo trình bộ môn đồng thời là một công trình nghiên cứu khoa học, Giáo trìnhphương pháp dạy và học làm văn đã đem đến cho người dạy và học môn làm văn ở cấp THCS những kiến thứ mới mà bản thân tác giả đã rút ra được từ qúa trình nghiên cứu và giảng dạy văn học của mình.
Đọc Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn , tôi tâm đắc nhất với tác giả ở nội dung của Chương II trong Phần 2. Chương nói về các phương pháp đặc thù trong dạy và học làm văn. Ở chương này, ngoài phương pháp dạy và học bằng cách nêu vấn đề, vấn đáp mà theo tôi là đã được nhiều người nói đến; thì tác giả đã nêu thêm các phương pháp dạy và học mới như phương pháp hợp tác, phương pháp thông báo – giải thích, phương pháp sử dụng lời nói nghệ thuật. Ngoài ra còn có các phương pháp khác nữa như phương pháp giao tiếp, phương pháp ra đề. Rồi còn có cả phương pháp chấm và trả bài; phương pháp trò chơi, trực quan. Tất cả đã làm nên một tổng thể mới về phương pháp dạy và học làm văn.
Và đó chính là đóng góp lớn nhất trên cả hai ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Mai Thị Kiều Phượng từ cuốn giáo trình này. Vì thế mà có thể nói, với cuốn giáo trình này trên tay, những giáo viên văn học và học sinh sẽ có được một cuốn sách công cụ mang tính hướng dẫn rất thiết thực khi dạy và học môn làm văn ở trường THCS.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐH Quy Nhơn từ năm 1988, được phân công về giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, 7 năm sau Mai Thị Kiều Phượng đã có bằng thạc sĩ để rồi 7 năm sau đó nữa, năm 2008, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Lí luận ngôn ngữ. Đó là những thành công đáng kể trên con đường học vấn của một giảng viên văn học. Nhưng hơn thế, Lê Thị Kiều Phượng còn gây ngạc nhiên và khâm phục cho nhiều đồng nghỉệp là chỉ trong khoảng thời gian hai năm 2008 – 2009, cùng với cuốn giáo trình mà chúng ta đang nói đến, chị đã liên tiếp cho ra mắt 7 công trình dày dặn và bề thế khác. Đó là các cuốn: Tiếng Việt – Đại cương và Ngữ âm; Tín hiệu thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn học; Cấu trúc lựa chọn với ý nghĩa hàm ẩn trong giao tiếp mua bán; Phương pháp dạy và học làm văn; Phương pháp dạy và học kĩ năng làm văn: Lựa chọn, nghe, nói, đọc, viết; Làm văn bằng phương pháp kết cấu và kết cấu diễn đạt; Ngôn ngữ học đại cương. Tất cả đều được xuất bản bởi NXB Khoa học Xã hội và NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
Nhận xét về cuốn sách của Mai Thị Kiều Phượng, GS.TSKH. Nguyễn Lai đã viết:
Tác giả của cuốn sách đề xuất một vấn đề tương đối mới và khác hơn so với cách nói của các nhà phương pháp đi trước. Từ trước đến nay, người ta chỉ thường đề cập đến 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Trong nội dung cuốn sách này, tác giả lại theo quan niệm là trong dạy và học làm văn cần rèn luyện cả 5 kĩ năng: lựa chọn, nghe, nói, đọc, viết. Trong quá trình trình bày các phương pháp, tác giả đã luôn luôn xâu chuỗi, phối hợp chúng để giúp cho bạn đọc thấy tác động qua lại giữa 5 kĩ năng này.
Nhãn:
NCKH
Giảng dạy văn học, Biên tập sách báo, Viết content
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)