23 tháng 6, 2010

Ấn tượng HUFLIT(*)

Nghe tên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp HCM – HUFLIT đã lâu nhưng phải đến dịp được tham dự Hội thảo khoa học toàn quốc về “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kì đất nước hội nhập quốc tế” do HUFLIT và Đại học Sài Gòn – SGU phối hợp tổ chức ngày 18 – 6 -  2010 vừa qua, tôi mới thực sự biết đến đại học này.
Đó là một trường đại học ngoài công lập mà xưa nay tôi chưa nghe có tai tiếng gì như nhiều trường đại học khác, điều mà kể cả những đại học công lập có thương hiệu cũng khó tránh khỏi bị phanh phui qua những cuộc thanh tra của Bộ giáo dục – Đào tạo cũng như qua báo chí và dư luận khi mà nền giáo dục đại học nước nhà với nhiều điều tiếng không hay  đã và đang bị đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong kì họp vừa kết thúc mới đây.
Theo như giấy mời, đúng 7 giờ 30 sáng 18 – 6, tôi đặt chân đến sảnh của HUFLIT. Ở hai cửa vào thang máy, một cửa rải thảm đỏ dành riêng cho giảng viên và quan khách đến dự Hội thảo, với hai hàng nữ sinh viên mặc áo dài hân hoan chào đón. Tuy nhiên điểm khiến cho  đông đảo khách của trường hôm đó phải trầm trồ thán phục lại là ở cửa thang máy dành cho  sinh viên. Đó là  hình ảnh các sinh viên xếp hàng dài trật tự vào thang máy. Tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn giành nhau lên trước. Rất văn minh và có văn hoá. Nhìn cảnh đó, một giảng viên của trường đại học bạn nói với tôi: Chẳng bù cho sinh viên trường mình, chen lấn nhau vào thang máy đến mức chẳng những không nhường nhịn mà còn đánh bật cả thầy cô ra ngoài. Có lẽ chỉ chừng đó thôi cũng đã làm cho quan khách hôm đó đủ có cảm tình với HUFLIT rồi.
Ở giảng đường lớn nơi diễn ra Hội thảo, không khí vừa trang nghiêm vừa thân mật với màn văn nghệ chào mừng của sinh viên.
Đã tham dự khá nhiều hội thảo khoa học, nhưng tôi khá bất ngờ với những vấn đề thuộc về số lượng và chất lượng trong nội dung các tham luận được gửi tới từ 25 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài tham luận của các nhà khoa học danh tiếng từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan truyền thông và báo chí, điều ngạc nhiên là có cả tham luận của những cô giáo ở các cơ sở giáo dục mầm non cũng tham gia với đầy đủ sự tự tin và chất lượng. Điều đó nói lên tính đúng đắn và sự cần thiết mà đề tài cuộc Hội thảo khoa học đã đặt ra với đời sống xã hội. Tất cả có 91 tham luận được ban tổ chức in ấn kịp thời và đầy đủ trong một Kỉ yếu trang trọng. Điều đó cũng làm hài lòng đại biểu tham dự. Bởi đó là một cố gắng lớn của những người tổ chức Hội thảo khi mà điều kiện thời gian và kinh phí không rộng rãi như mong muốn.

Đang báo cáo tại Hội thảo khoa học về ngôn ngữ, Đại học HUFLIT,  6-2010. Tôi bay từ BĐ vô với bản báo cáo dài 8 trang A4 chỉ được trình bày trong 10 phút. 

Trong quá trình diễn ra Hội thảo ở cả hai nơi là HUFLIT và SGU, ngoài  8 tham luận được chọn báo cáo chính thức, những người điều hành Hội thảo đã dành thời gian thích hợp cho việc thảo luận và trao đổi qua lại về những vấn đề quan tâm thuộc chủ đề của Hội thảo.  Ở đây, tính khoa học và tranh biện được thể hiện rất rõ nét. Cái hay của Hội thảo khoa học này là không nghiêng về các vấn đề lý luận cao siêu, kinh viện, xa rời cuộc sống mà nghiêng về những vấn đề mang tính thực tiễn, rất bổ ích và cần thiết cho việc làm trong sáng hơn ngôn ngữ Việt trong đời sống của thời kì đất nước ngày càng hội nhập sâu với quốc tế. Kết thúc, Hội thảo đã nhất trí thông qua một bản kiến nghị 5 điểm gửi lên các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ nhằm góp phần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt của đất nước trong thời kì hiện tại.   Đó chính là tính thực tiễn rất nên có của một hội thảo khoa học. Đó cũng chính là thành công của Hội thảo này.   
Và tất cả đã làm nên một ấn tượng tốt đẹp về HUFLIT. 


(*) Bài đã đăng ở đây: 
http://www.huflit.edu.vn/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=871

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới