8 tháng 3, 2022

Những bài dã sử Việt

 (Đọc Những bài dã sử Việt, sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường, NXB Tri thức & Nhã Nam, 2009, 447 trang)

HTS - Trong giới nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cũng như với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà đều biết đến những công trình chuyên khảo về lịch sử và văn hóa của học giả Tạ Chí Đại Trường.

Ông là một nhà viết sử quê gốc ở Bình Định, sinh ở Nha Trang, hiện sống ở Westminster, Califonia, Hoa Kì. Trước cuốn Những bài dã sử Việt, do NXB Tri thức ấn hành năm 2009, Tạ Chí Đại trường đã cho xuất bản ở trong nước các cuốn: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt; Những bài dã sử Việt…

 


Cuốn sách này là một tập hợp những bài viết, chủ yếu đã được Tạ Chí Đại Trường cho công bố ở hải ngoại, trong đó đề cập đến nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau vốn rất phong phú của sử học, nhất là về lịch sử nước nhà. Từ những ngôi đình làng được coi là trú sở của thần linh đến thần tích của Phù Đổng Thiên vương; từ những di tích, những công trình thủy lợi ở Quảng Trị đến hình thái lịch sử nước nhà vào thế kỉ thứ 10; từ tầng lớp điền chủ và ruộng đất qua các triều đại phong kiến  đến chế độ nội hôn dưới thời nhà Trần; từ những đồng tiền được đúc thủ công đến những đồng tiền kẽm ở xứ Đàng Trong, từ khuôn đúc tiền bằng đá đến khảo cứu về tiền giấy…

Tất cả đều được tác giả Tạ Chí Đại Trường đề cập một cách thấu đáo trong sách này.

Chẳng hạn ở chương Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên vương, tác giả đã bắt đầu sự nghiên cứu của mình từ một trong những địa điểm thờ cúng trên đồng bằng sông Hồng, đền Thánh Gióng ở Phù Đổng, Hà Nội và hội lễ diễn ra hàng năm, nơi đã thu hút công sức của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.

Từ những kết quả thu được qua nghiên cứu về Phù Đổng Thiên vương, tác giả đã rút ra kết luận: Sự lặp lại lễ hội, truyên thống giáo dục bằng truyện kể đã lưu giữ và bồi bổ thần tích qua thời gian, đưa nó xâm nhập vào học đường, cũng như các hình thức sinh hoạt xã hội mới. Từ đó đã phổ biến ra cả nước.

Đó là hình ảnh của một người anh hùng trẻ con ở vào thời đại Hùng vương.

Đọc Những bài dã sử Việt của Tạ Chí Đại Trường, bạn đọc sẽ thấy được một văn phong về lịch sử dù được viết nghiêm túc với bút pháp khoa học, nhưng đọc nó bạn vẫn cảm nhận được cảm hứng sáng tạo của tác giả. Đó là ông đã lấy việc khảo cứu công phu về lịch sử như là một thú vui tiêu khiển thời gian hơn là sự hành nghề của một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp.

Cũng có lẽ vì thế mà Tạ Chí Đại Trường chọn thể loại cho cuốn sách này là với cái tên Dã sử Việt. Dã sử hiểu một cách nôm na là sử của tư gia. Và cũng vì thế mà bạn sẽ thấy hấp dẫn và bổ ích hơn khi đọc cuốn sách lịch sử này.

Khi đề cập đến xã hội Việt Nam ở thế kỉ thứ 10, Tạ chí Đại Trường đã lưu ý vấn đề đối với người bây giờ là tài liệu để tìm hiểu thời đại. Bởi theo ông, thế kỉ 10 là thế kỉ xác định nền độc lập sau hàng ngàn năm bị phong kiến Trung hoa đô hộ. Tuy nhiên, khi đã có trong tay những tư liệu cần thiết, ông đã tập hợp chúng lại và đưa vào trong một danh xưng chung gọi là dã sử. Những câu chuyện lịch sử được đề cập trong sách dường như đã thoát hẳn khỏi mấy tiền đề khuôn sáo do lề thói sử phiệt qui định.

Bằng cách thể hiện hàm súc cùng những kết luận được đưa ra khá độc đáo mà vẫn bảo đảm tính chân thật của lịch sử, luôn đặt sự việc vào đúng tầm mức lịch sử của nó, Tạ Chí Đại Trường đã đưa bạn đọc đến hầu khắp các lĩnh vực kì thú và ít được khám phá nhất của lịch sử nước nhà. Đó là những lẩn khuất một thời của các thần tích, những khuất lấp nơi chế độ nội hôn của nhà Trần hay các khảo luận có phần chuyên biệt về cuộc khủng hoảng tiền kẽm ở Đàng Trong. Kể cả cuộc khủng hoảng suý‎t làm sụp đổ cả cơ đồ nhà Nguyễn đã gây dựng từ hơn hai trăm năm trước.

Đọc xong sách này, bạn sẽ thấy rằng, sử học là một khoa học đòi hỏi tính khách quan cao. Bạn có thể đồng ‎ý hay bác bỏ những luận đề mà tác giả đã nêu ra trong sách. Nhưng bạn sẽ khó mà phủ nhận rằng những điều cuốn sách chứa đựng đã vượt quá cái nhan đề có phần giản dị: Những bài dã sử Việt.

 Link XB trên sachhay.org: https://sachhay.org/sach/ChiTiet/5390/nhung-bai-da-su-viet

1 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới