26 tháng 3, 2022

Cô phụ ca

 

Tác giả: Lê Quang Phương

 

Có một người cô phụ

Trên gió sóng Kiến Giang

Chèo thuyền và nàng hát

Một mối tình dở dang

Người thiếu phụ đêm trăng

Tủi buồn đưa cánh võng

Tiếng ca nàng trầm bổng

Khúc tâm tình bên sông

Buổi hoàng hôn thả sóng

Một người lính ngóng trông

Cô liêu hình cô phụ

Xuôi thuyền giữa dòng trong

Tiếng ca nàng để lại

Sông còn giữ nghẹn dòng

Chiến chinh người đi mãi

Lỗi ước mối tình chung.


Hôm đó mặt nước sông xanh đen, gió thổi từ biển vào đưa đẩy từng làn sóng nhấp nhô ì ọp vỗ vào mạn thuyền sang ngang bến đò Chợ Tréo. Sông dềnh lên đầy quyến rũ và bí ẩn. Đại đội được lệnh vượt sông trước trời tối. Có hai con đò nhỏ, không kip thời gian. Các vị chỉ huy hội ý. Tiểu đội trưởng Chức hô A10 tập hợp, nghiêm. Ai không bơi tốt, ai không đủ sức vượt sông bước sang trái. Chúng tôi đánh mắt nhìn mặt sông, mênh mang sóng nước, gió ớn lạnh. Các tiểu đội khác cũng chia làm hai toán quân, 1 bơi sông, 1 đi thuyền.

Khi chúng tôi vừa mặc lại quần áo để ngăn bớt cái rét buốt lạnh lùng của dòng sông, thì không biết từ đâu, theo sóng nước đưa lên, theo gió bay vào tiếng ca trong chiều muộn:

“ Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu… Anh còn nhớ ngày ấy đôi ta cùng nhau thề bên sông vắng…”

Không gian và thời gian như ngừng trôi, cả đại đội yên lặng cùng lắng nghe trong gió trong sóng, giọng ca của một người con gái đang chèo chiếc thuyền ba lá lướt nhẹ nhàng như thực như ảo trong sóng hoàng hôn bắt đầu buông thả trên mặt nước.

“… Dòng sông kia nay đã phủ phàng… tình đôi ta nay đã lỡ làng…rồi còn đâu những chiều hôm ấy…”

Thiếu nữ và con thuyền lẻ bóng đơn côi trôi giữa dòng nước rồi nhòa đi dần, nhưng tiếng hát theo chúng tôi về làng Hà Tran, miền ngược dòng sông. Giai điệu và ca từ bài hát ấy đã in dấu ấn trong tôi. Những ngày tháng sau, do sinh hoạt đời lính không có thời gian để tâm tình riêng tư hay mơ mộng đời thường, tôi không còn tơ tưởng tới giọng hát, con thuyền, mặt nước và cô thôn nữ ấy nữa.

Mùa hè năm 1973 đại đội trinh sát sư đoàn 341 đi gặt lúa giúp dân tại xã Xuân Thủy. Tôi được ở trong một gia đình có ngôi nhà bốn mái rộng thênh thang, mát rượi trưa hè vì nó hướng ra sông đón gió nồm nam và gió biển thổi về. Những người phụ nữ nông thôn nơi đây thật nồng hậu và mượt mà trong trẻo như dòng sông Kiên Giang khi mùa xuân dến. Nhà tôi ở có một thôn nữ, cô Ngừng, đang độ đôi mươi. Tôi ra đồng gặt lúa cùng nàng. Tôi dùng liềm hái đều thạo, nhưng bó lượm và dùng đoàn sóc để gánh lúa về thì không ổn chút nào. Nàng dạy tôi lượm bó ra sao, sóc đòn vào đâu, tôi cũng nhanh chóng làm được. Chắc nàng cũng có đôi chút cảm tình với tôi (có khi tôi tưởng tượng). Nàng đăm chiêu tương tư và hay thẩn thờ xa xăm. Mấy chị cùng gặt với tôi bảo o nớ nhớ nguời đi bộ đội vô Nam cả mấy năm ni không thư từ chi cả. Tôi âm thầm cảm nhận được nỗi buồn thăm thẳm của nàng và rất tôn trọng người con gái xa chồng luôn mang trong tâm tưởng mình “hình ảnh kẻ chinh phu, trong lòng người cô phu”

Tôi được gia đình mời cơm chứ không ăn cơm bộ đội, cơm thơm có tôm sông cá đồng kho mặn, đỏ ớt, mà không mặn không cay, ngon không tả nổi, thật hãnh diện và hạnh phúc biết bao khi được người dân đùm bọc (hơn mấy đồng đội không được đi gặt giúp dân).

Những ngày gặt lúa đó đêm nào trăng cũng sáng. Đêm ấy trăng vừa lên thì tôi mắc võng để nằm ở gian phụ chái nhà. Gian kề bên, Ngừng cũng mắc võng quay đầu lại phía tôi. Trăng bắt đầu nhìn vào thềm rồi dần dần sáng vào trong nhà. Tôi lấy cây sáo trúc và du dương : “ Nơi phía xa giữa núi mờ, ai bế con mãi nghóng chờ, như nước non xưa tới giờ… - Hoàn Vọng Phu- Lê Thương”

Gian bên, nàng nhè nhẹ đạp chân xuống đất, cánh võng đưa nhịp nhàng thong thả rồi tôi chết lặng, ngừng bặt tiếng sáo, khi nghe tiếng ca u buồn như gần như xa; gần đó, cách nhau có một cánh võng thôi mà lại rất xa. Tâm hồn tôi được bài hát dẫn dụ đi rồi. Bến đò chợ Tréo hôm nào, dòng sông mặt nước, bóng dáng ca nữ trên con thuyền đơn côi, gió đưa sóng vỗ cô liu hôm nọ cùng bao kí ức xa gần với muôn nỗi tâm tình về cảnh chia lìa thời chiến chinh.

Tác giả LQP nhìn dòng sông Kiến Giang sau 50 năm trở lại bên bờ sông Kiến Giang mà nhớ con thuyền "năm ngoái năm xưa mô rồi". 22/12/2018

…” Chiều hôm ấy bên bờ sông Kiến Giang em ngóng anh hoài…Eng còn nhớ ngày ấy hai ta hẹn nhau thề bên sông vắng …Rồi đêm ấy bên bờ sông Kiến Giang trăng sáng đôi bờ… Trăng vờn nước mà lòng em xác xơ ôi ngày nao…Eng còn nhớ… Tình đôi ta nay đã lỡ làng… dòng sông kia sao nỡ phũ phàng..”

Trăng trong sáng cả trong nhà ngoài sân. Làn tóc dài chớm đất của nàng đu đưa theo nhịp cánh võng làm phách cho lời ca. Như kẻ mộng du, tôi cầm cây sáo trúc ra bờ sông, không thấy gió thấy sóng đâu, mà chỉ thấy một vùng mênh mông trăng và nước, giai điệu Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang theo tiếng sáo tôi dệt vào không gian mộng ảo: . Chiều hôm ấy bên bờ sông Kiến Giang trăng sáng đôi bờ…( Đồ son la… son fa son đố la son la son đồ …” Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu”

Đại đội trinh sát C20 Sư đoàn 341 trở lại bên bến nước Hà Tran trên bờ sông Kiến Giang sau 47 năm. 22/12/2018

Tôi thả hết hồn mình vào Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang. Âm giai và sắc màu của bài ca đưa tiếng sáo tôi đến bài Hoàn Vọng Phu: Mì sonla mì son mì son lá, la đố la sonfa mi rề (rồi chỉ vào sơn hà nghuy biến, trao nó đi xây lại cơ đồ). Nỗi đau buồn của chiến tranh gọi những ngón tay tôi lướt trên sáo những nốt nhạc: son son đồ rề son, Son đô rế mí rê son , bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về).

Không biết có ai nghe được tiếng sáo của tôi đêm đó không, tiếng sáo của một chiến binh trong đêm trăng nước bên một dòng sông thơ mộng trữ tình nhưng lại ai oán nỗi buồn chia cách trong thời binh đao khói lửa?

Mấy ngày sau tôi vẫn đi gặt bên Ngừng, nàng lượm lúa bó lại để tôi gánh về. Tôi cảm được nỗi đau buồn thánh thiện của nàng là thiêng liêng nên tôi hầu như không nói chuyện với nàng một lần nào nữa, một câu đôi lời thôi, nếu như tôi hỏi gì đó hoặc an ủi động viên thì cũng là thừa.

Tạm biệt cánh đồng, tạm biệt người dân Xuân Thủy, chúng tôi trở về doanh trại, về với làng Hà Tran. Cây sáo lại được giấu kín vào ba lô. Hình ảnh người cô phụ nặng lòng nhớ nhung kẻ chinh phu nằm im trong kí ức tôi bởi vì đời lính không có thời gian cho tương tư đau buồn.

Vào một chiều hoàng hôn vừa chớm. Tôi ra bờ sông, phía trên bến neo đậu mười mấy con thuyền của làng Hà Tran. Sông xanh xanh, gió nhè nhẹ không xua được nỗi buồn trong tôi vì tôi biết ngày mai tôi giã biệt dòng sông này, xa A10 của tôi, xa làng Hà Tran và xa đại đội của tôi để về đơn vị mới chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975. Nhìn về ngọn núi phía xa, cây sáo đưa lên tôi chưa kịp thổi “ Nơi phía xa giữa núi mờ…” thì bỗng có tiếng ca từ trên mặt nước cất lên. Mấy con thuyền chở đầy lâm sản từ miền ngược về xuôi. Cầm lái một con thuyền là bóng hình người phụ nữ mà tôi không nhìn rõ mặt.Tiếng ca là của cô phụ ấy, tôi linh cảm. Thời gian như ngừng trôi, chỉ còn tiếng sóng nước và gió đưa ca từ theo con thuyền thong thả xuôi dòng:

“ Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu… Đây dòng nước còn trong xanh như lòng ta…Con thuyền bé giờ đây trôi đi về phương nào tìm đâu thấy. Tình duyên ta nay đã không thành, vầng trăng kia nay vỡ tan tành, rồi còn đâu những chiều hôm ấy …”

Hoàng hôn tím đậm trời chiều, bóng con thuyền trôi xuôi rồi lẫn vào sông nước, tiếng ca gửi lại người lính chuẩn bị ra nơi chiến địa. Tôi đứng dõi theo mà lòng trĩu nặng buồn khôn xiết nỗi. Có lẽ cảnh người xưa chia li với bạn ở lầu Hoàng Hạc bên bờ sông Trường Giang thời nhà Đường, lúc Lý Bạch nhìn cánh buồm cô độc đưa Mạnh Hạo Nhiên phía xa xa lẫn với sông nước vô tận một màu xanh thăm thẳm, giống tình cảnh bên bờ sông Kiến Giang lúc này làm tôi nhớ đến hai câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

Tôi phỏng dịch, vơ vào hoàn cảnh lúc ấy

Bóng thuyền đơn khuất xa xanh,

Kiến Giang trời nước xuôi nhanh theo dòng.

Họp mặt C20 F341, làng Hà Tran, Lệ Thủy, Quảng Bình, 22/12/2018

PS. Đã 50 năm đã trôi qua, bao nhiêu nước trôi theo dòng Kiến Giang ra biển cả, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình và những bản tình ca bị vùi dập nay đã sống lại nhưng bài hát Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang vẫn chưa có được vị trí xứng tầm, mặc dù bài ca vẫn còn trong lòng nhiều người lính ra trận cùng thời với tôi đã đi qua dòng sông Kiến Giang. Tôi đã nghe những người lính sư đoàn 341 hát bài này khi tập kết ven đường mòn Hồ Chí minh để vào miền Đông Nam Bộ, nhưng tôi chưa được nghe một danh ca nào hay người con gái nào khác, ngoài người con gái Xuân Thủy mà tôi gọi là Cô Phụ hát trong đêm trăng, hát lúc chèo thuyền. Có ai nữa hát được không bây giờ, và tại sao một bài hát hay và trong sáng như vậy mà ngày nay lại không được phổ biến.

Không rõ cô Ngừng chờ đợi trong nhớ nhung người ra trận năm xưa giờ sao ?

Từ ngày biết bài hát ấy đến nay, những khi gặp thất bại hay đau khổ trên đường đời tôi lại cầm sáo lên tìm sức sống và thanh lọc tâm hồn trong Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang của thầy giáo Xuân Lê. Âm thanh và ca từ bài hát TTBDSKG của nhạc sĩ thầy giáo Xuân Lê đã làm lòng người dịu ngọt. Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng, hồn cốt của một bài hát, cái mà người ta gọi là giai điệu, nó là ngôn ngữ của trái tim và trí tuệ con người, nó có sức mạnh phi thường và trường tồn cùng thời gian.

Tư liệu do bạn Luyến Nữ cung cấp

Cảm ơn bạn Nữ Luyến, người con gái Lệ thủy nay đang sống trong Sài Gòn đã gửi tôi những tư liệu quý về bài ca này. Cảm ơn tác giả Quang Dương với Video đàn hát mà bạn Luyến Nữ gửi cho tôi và cho phép tôi sử dụng vào Video. Bằng cảm âm của cá nhân, tôi chép lại nốt nhạc bài này và đưa ra nhận định riêng của mình. Nhận định của tôi là bài hát Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang, nhạc và lời của thầy giáo Xuân Lê, bài hát được sáng tác từ cảm hứng giai điệu của tác phẩm Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương; đúng như anh Quang Dương, người cùng làng với tác giả Xuân Lê nhận định. Có ý kiến cho rằng thầy Xuân Lê chỉ viết lời, nhạc là dân ca Nga?

Mùa xuân năm 2022.Nhớ laị năm mươi năm trước mà xao xuyến lòng:

Tiếng xuân lay động hồn tôi . . Bao đời cô phụ hát lời nước non. Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn. Lời xưa tình ấy vẫn còn thiết tha.

LQP

 Link Video Chuyện tình bên dòng sông Kiến Giang: https://youtu.be/dmEUu9ud6po


3 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới