30 tháng 3, 2022

Những giấc mơ từ cha tôi

 


Tác giả

Barack Obama

Ngôn ngữ

Tiếng Việt

Lĩnh vực

Văn học nước ngoài

Dịch giả

Nguyễn Quang

Năm xuất bản

2008

Đơn vị xuất bản

NXB Văn học

Giá sách

90.000 VND

Số trang

480

 

Với vị tổng thống Obama, có rất nhiều cái lần đầu tiên được liệt kê để nói về ông trên cương vị tổng thống Mỹ. Trong những điều đó, Obama là tổng thống đầu tiên đã tự mình viết ra những cuốn sách nổi tiếng từ cách đây hàng chục năm. Và ngày nay, sau khi ông đắc cử tổng thống, những cuốn sách của ông càng được độc giả Mỹ và cả thế giới tìm đọc. Trong đó có cuốn hồi kí Những giấc mơ từ cha tôi.

 


Cuốn hồi kí dày gần 500 trang này được Obama viết vào năm 1996, khi  ông bắt đầu giảng dạy tại trường Đại học Chicago và cũng đồng thời đặt chân vào lĩnh vực hoạt động chính trị tại một cơ quan lập pháp của tiểu bang. Về hoàn cảnh ra đời của hồi k‎‎í Những giấc mơ từ cha tôi, Obama đã kể lại rằng: Cơ hội để viết đến từ khi ông còn học ở đại học luật và trúng cử vào chức chủ tịch người Mĩ gốc Phi của tờ Harvard Law Review. Nhà xuất bản đã đề nghị với Obama viết cuốn sách kể về gia đình ông để từ đó nói lên những rạn nứt chủng tộc tiêu biểu của nước Mĩ cũng như sự xung đột về văn hóa, một sự đánh dấu về cuộc sống của xã hội hiện đại.

 Với một phong cách sôi nổi, trẻ trung và đầy nhiệt huyết, Obama đã thổi vào cuốn hồi kí dày dặn của mình một giọng điệu trữ tình, cuốn hút và không hề ủy mị. Người con trai của một người cha châu Phi và một người mẹ Mĩ da trắng đã từ những câu chuyện về gia đình mình mà đi tìm những giá trị thực tế cho cuộc đời với tư cách là một người Mĩ da đen. Câu chuyện của vị tổng thống Hoa Kì tương lai bắt đầu ở New York, nơi Obama nghe tin cha mình, một con người mà ông xem như là một huyền thoại, bị chết trong một tai nạn giao thông. Cái chết đột ngột với sự đau đớn tột cùng đã khơi dậy nơi Obama một cuộc phiêu lưu cảm xúc của tâm hồn và trí tuệ.

 Bắt đầu từ  một thị trấn nhỏ ở Kansas, ngòi bút của Obama đưa người đọc về với cuộc di cư của gia đình bên nội ở châu Phi. Trở lại với quá khứ, cũng có nghĩa là Obama phải đối mặt vói sự thật cay đắng về cuộc đời người cha của mình. Để từ đó, tìm ra những giá trị lớn lao của người cha châu Phi đáng kính. Dù đã chết nhưng với Obama, người cha của ông vẫn còn sống mãi trong tâm khảm với những lời khuyên dạy chí tình và rất hữu ích. Nhưng với Obama, điều có í‎ nghĩa hơn cả từ cuộc đời người cha của mình, ông đã tìm thấy lí tưởng cho cuộc sống với những giấc mơ cao đẹp. Đó là phải không ngừng tăng cường học vấn cho bản thân và luôn tìm kiếm mọi cơ hội để vươn lên trong một xã hội đầy dẫy những biến cố như xã hội Mĩ.

 Từ cuốn hồi kí với giọng điệu rất chân thành và hồn nhiên Những giấc mơ từ cha tôi, bạn đọc biết được rất nhiều điều trong tiểu sử của Barack Obama. Cả cuốn sách như là một cuộc hành trình ngược về quá khứ để bạn đọc tìm kiếm những sự thật về gia đình ông cũng như về chủng tộc của ông vói không ít ngọt bùi và rất nhiều cay đắng. Với một cách nhìn đời biện chứng và khoáng đạt, ngòi bút của Obama trong sách này thật sắc bén nhưng lại vô cùng khoan dung và hồn hậu. Dù là nạn nhân cay đắng của nạn phân biệt chủng tộc, nhưng Obama đã không vì vậy mà trút vào cuốn sách những lời lẽ cay đắng và thù hận. Đó chính là bài học lớn mà bạn đọc sẽ tiếp nhận được từ hồi kí Những giấc mơ từ cha tôi của Obama.

 Tuy là viết hồi kí, một thể loại yêu cầu tính chân thực cao nhất, nhưng Obama với tất cả tuổi trẻ và sự tài hoa của mình, đã cho bạn đọc thấy cuộc tìm kiếm đầy khát vọng của tuổi thanh niên luôn muốn được cống hiến và khẳng định mình trong cuộc sống. Đó là một cuộc tìm kiếm đầy cảm thông đối với cội nguồn gia đình. Đó còn là sự khám phá của anh về một cuộc sống đầy thi vị của nhân loại, dù để có nó, người ta đã phải trá giá không ít. Với một tâm hồn mẫn cảm, với một trí tuệ uyên thâm, Những giấc mơ về cha tôi chắc chắn sẽ nói với bạn một điều gì đó về chính mình, dù bạn là ai, đang làm gì ở đâu và mang màu da gì.

 Cũng có lẽ vì thế mà hồi kí Những giấc mơ từ cha tôi của Obama có sức cuốn hút kì lạ với những ai đã mở nó ra và đọc. Sẽ có những lúc bạn vừa đọc vừa mỉm cười về những chi tiết mà Obama đã kể lại một cách hóm hỉnh theo cách của những con người thông minh và có học. Nhưng trên hết, cuốn sách vẫn là một hành trình khám phá nội tâm và từ đó, gợi mở cho bạn đọc những suy nghĩ về các vấn đề về chủng tộc, màu da và giai cấp, cũng như các vấn đề về văn hóa và văn minh nhân loại.

 Dù đã đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử đầy kịch tính, vẫn không ít người nghi ngại về nguồn gốc và xuất thân của Obama, một chàng trai da đen không xuất thân từ một gia đình quyền quí. Nhưng với hồi kí Những giấc mơ từ cha tôi, bạn đọc sẽ thấy rằng Obama vẫn là một con nhà nòi, bởi ông đã có một người cha và một gia đình tài ba và đáng kính như đã viết trong hồi kí. Chính từ những điều rút ra từ cuộc đời của cha mình mà Obama đã trưởng thành và trở thành một con người lỗi lạc như ngày nay - tổng thứ 44 của nước Mĩ./.

Link XB trên sachhay.org: https://sachhay.org/sach/ChiTiet/5839/nhung-giac-mo-tu-cha-toi

 

26 tháng 3, 2022

Cô phụ ca

 

Tác giả: Lê Quang Phương

 

Có một người cô phụ

Trên gió sóng Kiến Giang

Chèo thuyền và nàng hát

Một mối tình dở dang

Người thiếu phụ đêm trăng

Tủi buồn đưa cánh võng

Tiếng ca nàng trầm bổng

Khúc tâm tình bên sông

Buổi hoàng hôn thả sóng

Một người lính ngóng trông

Cô liêu hình cô phụ

Xuôi thuyền giữa dòng trong

Tiếng ca nàng để lại

Sông còn giữ nghẹn dòng

Chiến chinh người đi mãi

Lỗi ước mối tình chung.


Hôm đó mặt nước sông xanh đen, gió thổi từ biển vào đưa đẩy từng làn sóng nhấp nhô ì ọp vỗ vào mạn thuyền sang ngang bến đò Chợ Tréo. Sông dềnh lên đầy quyến rũ và bí ẩn. Đại đội được lệnh vượt sông trước trời tối. Có hai con đò nhỏ, không kip thời gian. Các vị chỉ huy hội ý. Tiểu đội trưởng Chức hô A10 tập hợp, nghiêm. Ai không bơi tốt, ai không đủ sức vượt sông bước sang trái. Chúng tôi đánh mắt nhìn mặt sông, mênh mang sóng nước, gió ớn lạnh. Các tiểu đội khác cũng chia làm hai toán quân, 1 bơi sông, 1 đi thuyền.

Khi chúng tôi vừa mặc lại quần áo để ngăn bớt cái rét buốt lạnh lùng của dòng sông, thì không biết từ đâu, theo sóng nước đưa lên, theo gió bay vào tiếng ca trong chiều muộn:

“ Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu… Anh còn nhớ ngày ấy đôi ta cùng nhau thề bên sông vắng…”

Không gian và thời gian như ngừng trôi, cả đại đội yên lặng cùng lắng nghe trong gió trong sóng, giọng ca của một người con gái đang chèo chiếc thuyền ba lá lướt nhẹ nhàng như thực như ảo trong sóng hoàng hôn bắt đầu buông thả trên mặt nước.

“… Dòng sông kia nay đã phủ phàng… tình đôi ta nay đã lỡ làng…rồi còn đâu những chiều hôm ấy…”

Thiếu nữ và con thuyền lẻ bóng đơn côi trôi giữa dòng nước rồi nhòa đi dần, nhưng tiếng hát theo chúng tôi về làng Hà Tran, miền ngược dòng sông. Giai điệu và ca từ bài hát ấy đã in dấu ấn trong tôi. Những ngày tháng sau, do sinh hoạt đời lính không có thời gian để tâm tình riêng tư hay mơ mộng đời thường, tôi không còn tơ tưởng tới giọng hát, con thuyền, mặt nước và cô thôn nữ ấy nữa.

Mùa hè năm 1973 đại đội trinh sát sư đoàn 341 đi gặt lúa giúp dân tại xã Xuân Thủy. Tôi được ở trong một gia đình có ngôi nhà bốn mái rộng thênh thang, mát rượi trưa hè vì nó hướng ra sông đón gió nồm nam và gió biển thổi về. Những người phụ nữ nông thôn nơi đây thật nồng hậu và mượt mà trong trẻo như dòng sông Kiên Giang khi mùa xuân dến. Nhà tôi ở có một thôn nữ, cô Ngừng, đang độ đôi mươi. Tôi ra đồng gặt lúa cùng nàng. Tôi dùng liềm hái đều thạo, nhưng bó lượm và dùng đoàn sóc để gánh lúa về thì không ổn chút nào. Nàng dạy tôi lượm bó ra sao, sóc đòn vào đâu, tôi cũng nhanh chóng làm được. Chắc nàng cũng có đôi chút cảm tình với tôi (có khi tôi tưởng tượng). Nàng đăm chiêu tương tư và hay thẩn thờ xa xăm. Mấy chị cùng gặt với tôi bảo o nớ nhớ nguời đi bộ đội vô Nam cả mấy năm ni không thư từ chi cả. Tôi âm thầm cảm nhận được nỗi buồn thăm thẳm của nàng và rất tôn trọng người con gái xa chồng luôn mang trong tâm tưởng mình “hình ảnh kẻ chinh phu, trong lòng người cô phu”

Tôi được gia đình mời cơm chứ không ăn cơm bộ đội, cơm thơm có tôm sông cá đồng kho mặn, đỏ ớt, mà không mặn không cay, ngon không tả nổi, thật hãnh diện và hạnh phúc biết bao khi được người dân đùm bọc (hơn mấy đồng đội không được đi gặt giúp dân).

Những ngày gặt lúa đó đêm nào trăng cũng sáng. Đêm ấy trăng vừa lên thì tôi mắc võng để nằm ở gian phụ chái nhà. Gian kề bên, Ngừng cũng mắc võng quay đầu lại phía tôi. Trăng bắt đầu nhìn vào thềm rồi dần dần sáng vào trong nhà. Tôi lấy cây sáo trúc và du dương : “ Nơi phía xa giữa núi mờ, ai bế con mãi nghóng chờ, như nước non xưa tới giờ… - Hoàn Vọng Phu- Lê Thương”

Gian bên, nàng nhè nhẹ đạp chân xuống đất, cánh võng đưa nhịp nhàng thong thả rồi tôi chết lặng, ngừng bặt tiếng sáo, khi nghe tiếng ca u buồn như gần như xa; gần đó, cách nhau có một cánh võng thôi mà lại rất xa. Tâm hồn tôi được bài hát dẫn dụ đi rồi. Bến đò chợ Tréo hôm nào, dòng sông mặt nước, bóng dáng ca nữ trên con thuyền đơn côi, gió đưa sóng vỗ cô liu hôm nọ cùng bao kí ức xa gần với muôn nỗi tâm tình về cảnh chia lìa thời chiến chinh.

Tác giả LQP nhìn dòng sông Kiến Giang sau 50 năm trở lại bên bờ sông Kiến Giang mà nhớ con thuyền "năm ngoái năm xưa mô rồi". 22/12/2018

…” Chiều hôm ấy bên bờ sông Kiến Giang em ngóng anh hoài…Eng còn nhớ ngày ấy hai ta hẹn nhau thề bên sông vắng …Rồi đêm ấy bên bờ sông Kiến Giang trăng sáng đôi bờ… Trăng vờn nước mà lòng em xác xơ ôi ngày nao…Eng còn nhớ… Tình đôi ta nay đã lỡ làng… dòng sông kia sao nỡ phũ phàng..”

Trăng trong sáng cả trong nhà ngoài sân. Làn tóc dài chớm đất của nàng đu đưa theo nhịp cánh võng làm phách cho lời ca. Như kẻ mộng du, tôi cầm cây sáo trúc ra bờ sông, không thấy gió thấy sóng đâu, mà chỉ thấy một vùng mênh mông trăng và nước, giai điệu Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang theo tiếng sáo tôi dệt vào không gian mộng ảo: . Chiều hôm ấy bên bờ sông Kiến Giang trăng sáng đôi bờ…( Đồ son la… son fa son đố la son la son đồ …” Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu”

Đại đội trinh sát C20 Sư đoàn 341 trở lại bên bến nước Hà Tran trên bờ sông Kiến Giang sau 47 năm. 22/12/2018

Tôi thả hết hồn mình vào Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang. Âm giai và sắc màu của bài ca đưa tiếng sáo tôi đến bài Hoàn Vọng Phu: Mì sonla mì son mì son lá, la đố la sonfa mi rề (rồi chỉ vào sơn hà nghuy biến, trao nó đi xây lại cơ đồ). Nỗi đau buồn của chiến tranh gọi những ngón tay tôi lướt trên sáo những nốt nhạc: son son đồ rề son, Son đô rế mí rê son , bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về).

Không biết có ai nghe được tiếng sáo của tôi đêm đó không, tiếng sáo của một chiến binh trong đêm trăng nước bên một dòng sông thơ mộng trữ tình nhưng lại ai oán nỗi buồn chia cách trong thời binh đao khói lửa?

Mấy ngày sau tôi vẫn đi gặt bên Ngừng, nàng lượm lúa bó lại để tôi gánh về. Tôi cảm được nỗi đau buồn thánh thiện của nàng là thiêng liêng nên tôi hầu như không nói chuyện với nàng một lần nào nữa, một câu đôi lời thôi, nếu như tôi hỏi gì đó hoặc an ủi động viên thì cũng là thừa.

Tạm biệt cánh đồng, tạm biệt người dân Xuân Thủy, chúng tôi trở về doanh trại, về với làng Hà Tran. Cây sáo lại được giấu kín vào ba lô. Hình ảnh người cô phụ nặng lòng nhớ nhung kẻ chinh phu nằm im trong kí ức tôi bởi vì đời lính không có thời gian cho tương tư đau buồn.

Vào một chiều hoàng hôn vừa chớm. Tôi ra bờ sông, phía trên bến neo đậu mười mấy con thuyền của làng Hà Tran. Sông xanh xanh, gió nhè nhẹ không xua được nỗi buồn trong tôi vì tôi biết ngày mai tôi giã biệt dòng sông này, xa A10 của tôi, xa làng Hà Tran và xa đại đội của tôi để về đơn vị mới chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975. Nhìn về ngọn núi phía xa, cây sáo đưa lên tôi chưa kịp thổi “ Nơi phía xa giữa núi mờ…” thì bỗng có tiếng ca từ trên mặt nước cất lên. Mấy con thuyền chở đầy lâm sản từ miền ngược về xuôi. Cầm lái một con thuyền là bóng hình người phụ nữ mà tôi không nhìn rõ mặt.Tiếng ca là của cô phụ ấy, tôi linh cảm. Thời gian như ngừng trôi, chỉ còn tiếng sóng nước và gió đưa ca từ theo con thuyền thong thả xuôi dòng:

“ Ta hằng ước tình đôi ta mãi mãi bền lâu… Đây dòng nước còn trong xanh như lòng ta…Con thuyền bé giờ đây trôi đi về phương nào tìm đâu thấy. Tình duyên ta nay đã không thành, vầng trăng kia nay vỡ tan tành, rồi còn đâu những chiều hôm ấy …”

Hoàng hôn tím đậm trời chiều, bóng con thuyền trôi xuôi rồi lẫn vào sông nước, tiếng ca gửi lại người lính chuẩn bị ra nơi chiến địa. Tôi đứng dõi theo mà lòng trĩu nặng buồn khôn xiết nỗi. Có lẽ cảnh người xưa chia li với bạn ở lầu Hoàng Hạc bên bờ sông Trường Giang thời nhà Đường, lúc Lý Bạch nhìn cánh buồm cô độc đưa Mạnh Hạo Nhiên phía xa xa lẫn với sông nước vô tận một màu xanh thăm thẳm, giống tình cảnh bên bờ sông Kiến Giang lúc này làm tôi nhớ đến hai câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng:

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”

Tôi phỏng dịch, vơ vào hoàn cảnh lúc ấy

Bóng thuyền đơn khuất xa xanh,

Kiến Giang trời nước xuôi nhanh theo dòng.

Họp mặt C20 F341, làng Hà Tran, Lệ Thủy, Quảng Bình, 22/12/2018

PS. Đã 50 năm đã trôi qua, bao nhiêu nước trôi theo dòng Kiến Giang ra biển cả, chiến tranh đã lùi xa, hòa bình và những bản tình ca bị vùi dập nay đã sống lại nhưng bài hát Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang vẫn chưa có được vị trí xứng tầm, mặc dù bài ca vẫn còn trong lòng nhiều người lính ra trận cùng thời với tôi đã đi qua dòng sông Kiến Giang. Tôi đã nghe những người lính sư đoàn 341 hát bài này khi tập kết ven đường mòn Hồ Chí minh để vào miền Đông Nam Bộ, nhưng tôi chưa được nghe một danh ca nào hay người con gái nào khác, ngoài người con gái Xuân Thủy mà tôi gọi là Cô Phụ hát trong đêm trăng, hát lúc chèo thuyền. Có ai nữa hát được không bây giờ, và tại sao một bài hát hay và trong sáng như vậy mà ngày nay lại không được phổ biến.

Không rõ cô Ngừng chờ đợi trong nhớ nhung người ra trận năm xưa giờ sao ?

Từ ngày biết bài hát ấy đến nay, những khi gặp thất bại hay đau khổ trên đường đời tôi lại cầm sáo lên tìm sức sống và thanh lọc tâm hồn trong Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang của thầy giáo Xuân Lê. Âm thanh và ca từ bài hát TTBDSKG của nhạc sĩ thầy giáo Xuân Lê đã làm lòng người dịu ngọt. Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng, hồn cốt của một bài hát, cái mà người ta gọi là giai điệu, nó là ngôn ngữ của trái tim và trí tuệ con người, nó có sức mạnh phi thường và trường tồn cùng thời gian.

Tư liệu do bạn Luyến Nữ cung cấp

Cảm ơn bạn Nữ Luyến, người con gái Lệ thủy nay đang sống trong Sài Gòn đã gửi tôi những tư liệu quý về bài ca này. Cảm ơn tác giả Quang Dương với Video đàn hát mà bạn Luyến Nữ gửi cho tôi và cho phép tôi sử dụng vào Video. Bằng cảm âm của cá nhân, tôi chép lại nốt nhạc bài này và đưa ra nhận định riêng của mình. Nhận định của tôi là bài hát Tâm tình bên dòng sông Kiến Giang, nhạc và lời của thầy giáo Xuân Lê, bài hát được sáng tác từ cảm hứng giai điệu của tác phẩm Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương; đúng như anh Quang Dương, người cùng làng với tác giả Xuân Lê nhận định. Có ý kiến cho rằng thầy Xuân Lê chỉ viết lời, nhạc là dân ca Nga?

Mùa xuân năm 2022.Nhớ laị năm mươi năm trước mà xao xuyến lòng:

Tiếng xuân lay động hồn tôi . . Bao đời cô phụ hát lời nước non. Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn. Lời xưa tình ấy vẫn còn thiết tha.

LQP

 Link Video Chuyện tình bên dòng sông Kiến Giang: https://youtu.be/dmEUu9ud6po


22 tháng 3, 2022

Giá mà ngày nào cũng được thức dậy giữa một khu rừng nguyên sinh như thế

 

Ngày đầu tiên của chuyến "phượt" bằng chiếc SUV 7 chỗ chạy êm và khỏe như trâu của nhà báo Nguyễn Quang Ngọc (Thứ 2 ngày 14/3), sau khi đã tham quan và ăn trưa trên ghềnh đá tại khu du lịch Suối Mơ (Trà Cổ, Tân Phú, Đồng Nai) chúng tôi gồm 5 ông bà già để xe lại bên tả ngạn sông La Ngà rồi đi thuyền qua rừng Nam Cát Tiên.

Xuống thuyền rẽ trái đi bộ chừng trăm mét, chúng tôi vô Trung tâm phục vụ du khách lấy phòng ngủ ở 1 cái KS tồi tàn nhất trong bìa rừng nhưng đắt tiền nhất thế giới. Mỗi phòng 2 giường xộc xà xộc xệch không có cả bàn chải đánh răng, côn trùng bay vô đầy nhà tắm nhưng có giá đến 500k/đêm. Có lẽ họ thu tiền rừng là chính. Trong lúc lên TP Đà Lạt chúng tôi ngủ trong nhà khách Bộ QP, gọi là đoàn an dưỡng 198 tại 2B Lữ Gia giá phòng 2 người chỉ 200k/ngày đêm mà chăn ra gối nệm khăn... đồ dùng trắng tinh tươm, tiện nghi thừa mứa cả ra.

Nhưng may sao bù lại nhà ăn của Khu rừng QG lại rất ngon với nấm hương tự trồng và lá lốt hoang dại tốt hơn cả rau vườn, khách tha hồ tự do hái ăn. Nhà ăn không có sẵn món ăn mà nấu các món theo yêu cầu của khách.

Sáng đầu tiên thức dậy, ngoái nhìn ra mặt sông La Ngà sương phủ trắng như cháy nhà. Chợt nhớ câu Yên ba giang thượng sử nhân... vui.

 Cả team diễn màn xe đạp ơi trong rừng QG Cát Tiên

5h30 sáng. Tôi với NQN đi bộ cả km vô rừng vừa đi vừa hít thở mùi rừng ẩm mốc đầy bí ẩn và hấp dẫn. Sau đó quay về ăn sáng rồi thuê xe đạp mỗi giờ 30k đi cả chục km vào rừng, 1 bên là con sông La Ngà đục ngầu, 1 bên là rừng Nam Cát Tiên đầy hoang dã.

 Dưới rặng tầm vông ở khu du lịch Suối Mơ (Trà Cổ, Tân Phú, Đồng Nai)

Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Với tổng diện tích là 71.920 ha. Hiện nay, VQG Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Đạp mỏi chân chúng tôi bỏ xe đạp đi bộ vào rừng tìm đến cái cây ngàn năm tuổi có tên là cây Tung (tên khoa học Tetrameles nudiflora) to chục người ôm không xuể; tìm đến những cây săng lẻ cổ thụ ngồi bệt xuống và dựa lưng vào gốc cây mát rượi để nhớ thời đi lính ở trong rừng CPC đã từng mắc võng nằm dưới rừng săng lẻ trắng bóc cao vút lên trời...

Dưới chân thác Ponguo ở Đức Trọng Lâm Đồng. Thác này hùng vĩ ngay cả khi mùa nước cạn. Cách QL 20 khoảng 8km, cách TP Đà Lạt 80km. Thác rất hoang sơ và vì thế mà đẹp tự nhiên do ít du khách biết để tìm đến.

Cứ thế chúng tôi phượt hết nguyên tuần để đi qua và ngủ lại ở Cát Tiên, Bảo Lộc, Đà Lạt (2 đêm vì thấy giá rẻ quá để bù lại cho Cát Tiên và Bảo Lộc), Tà Đùng (để sống ảo giữa 1 thiên nhiên rất thực), Gia Nghĩa, Đồng Xoài... Chúng tôi rời Gia Nghĩa vào sáng thứ 7 với khoai lang, đọt măng rừng, lá bép, cà đắng (mang về TP HCM cho hết vô tủ lạnh và đến hôm nay vẫn chưa biết nấu cách sao để ăn như đã được ăn rất ngon ở Đak Nông).

Thế là kết thúc chuyến đi trả thù cho cả 1 năm trời bị TP phong tỏa cứng vì covid. Kiểu như ăn giả bữa của người sau 1 trận sốt kéo dài. Chúng tôi đi cả tuần tiếp xúc ăn uống, cafe, chuyện trò với hàng trăm người là bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp, học trò... mà gần như không ai khẩu trang, 5K chỉ là thứ tào lao lừa bịp. Covid chỉ là cơn ác mộng của quân cướp ngày kiểu như bọn tướng ở Học viện quân y, các GĐ CDC và bọn Việt Á... dựng lên để móc túi tiền dân và nhà nước.

Đi về đã 3 ngày nay tôi mới ngồi viết STT này vì còn nghe ngóng xem có ho hen, hắt hơi, sốt nóng gì không. Hoàn toàn không nhé. Cả đoàn không ai bị gì, còn thấy trong người khỏe ra là khác.

Nói thế để những ai còn quan tâm mấy thứ tào lao như vùng cam, vùng vàng, mỗi ngày nơi mình ở có bao nhiêu F0, và ai đó đang hí hửng khoe đang bị F0 với kit test và 5K vớ vẩn thì hãy quên đi, đừng ngu muội mãi. He he.

Kết luận sơ bộ: Cái gì đã muốn thì nên làm; Đã đi là đến. Hãy đi khi còn có thế, đừng để mất khả năng rồi mới muốn. Khi đó có muốn lê thân từ phòng ngủ ra bồn cầu cũng không được. 


21 tháng 3, 2022

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

 

Tác giả: Lê Quang Phương


Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 chiến tranh Nga - Ucraine bùng nổ. Thôi thì có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về thế sự. Những người yêu chuộng hòa bình, những người đã qua chinh chiến trận mạc thì xem Putin là Sa Hoàng, là độc tài là bạo chúa.

Kẻ ác gây ra chiến tranh là phản động vì nó đẩy người giết người, nó chống lại sự tiến bộ của nhân loại.

Xin nhìn ở giác quan khoa học tự nhiên - Sinh thái học quần thể và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ

Các luận cứ tự nhiên- mệnh đề sinh học

- Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể cùng loài ở trong một khu vực sống nhất định; các cá thể có mối quan hệ qua lại không thể thiếu và chúng cùng nhau sinh sản để tạo ra các thế hệ mới.

- Mỗi quần thể có một khu vực sống (lãnh thổ - quốc gia) là bất khả xâm phạm; cá thể của quần thể này không tự do vượt biên sang lãnh thổ của quần thể khác cùng loài.

- Quần thể khoanh vùng và bảo vệ lãnh thổ bằng tiếng hót, tiếng gầm rú, tiếng kêu la và bằng dịch tiết của cơ thể.

- Khi bị xâm phạm thì những tín hiệu trên được phát ra hoặc ôn hòa hoặc gay gắt để nhắc nhớ kẻ ngoại bang. Thông thường thì kẻ xâm lăng sẽ lặng lẽ rút lui về bản quán. Cách ứng xử như vậy ghóp phần tạo ra sự cân bằng sinh thái.

- Có vùng nào đó trong lãnh thổ giao trùng nhau của 2 quần thể thì chúng cũng giải quyết ôn hòa bằng cách phân chia tự giác thời gian đến kiếm sống khác nhau, tránh đụng độ.

- Chiến tranh xâm lược chỉ sảy ra khi thức ăn khan hiếm, dân số gia tăng hoặc do con vật đầu đàn hung hăng muốn mở rộng lãnh thổ.

* Như vậy trong thế giới tự nhiên mối quan hệ giữa các quần thể cùng loài chủ yếu là hòa bình .

* Trong xã hội loài người, mỗi quốc gia là một khu vực sống bất khả xâm phạm của cộng đồng dân cư thuộc quốc gia đó.

Luật trời đã định như vậy. Câu : "Nam quốc sơn hà Nam đế cư- Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" của Đại Việt nhà ta thời nào, lúc nào và ở nơi nào cũng đúng.

Vậy có mấy vần sau

LỜI CHA DẶN

Ai đưa ta đến chiến tranh

Ai đem chết chóc nồng tanh máu đời.

Cớ sao người lại giết người

Đang yêu thương bỗng thôi rồi phút giây

Con ơi cha dặn câu này

Chiến tranh do bọn độc tài gây ra

Độc tài theo kiểu Hít-Le

Độc tài kiểu mới khéo che giấu mình

Giả danh Chính Nghĩa Nhân Sinh

Tà ma học thuyết lừa tình con dân

Cường hào phát động chiến chinh.

Đạn bom súng nổ văn minh đẩy lùi.

Lu mờ trí tuệ loài người

Cha dặn thêm, nhớ truyền đời cháu con

Còn trời còn nước còn non

(Còn quân phản động thì còn binh đao)

Chúng suy tôn chúng bợ nhau

Lũ này dạ thú tim bầu máu đen.

 LQP

13 tháng 3, 2022

Bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam

 

Tác giả

Lê Mai Dung

Ngôn ngữ

Tiếng Việt

Lĩnh vực

Khoa học - Giáo dục

Năm xuất bản

2007

Đơn vị xuất bản

Văn hóa thông tin

Giá sách

22.000 VND

Số trang

175

Làm sao mua:

Đến các nhà sách

 

Thế giới quanh ta còn có rất nhiều điều huyền bí mà giới khoa học chưa thể nào lí giải hết được. Cái đơn giản nhất là giác quan thứ 6; và phức tạp hơn, đấy là thần giao cách cảm, là ngoại cảm.

 


Hình như càng sống, càng trưởng thành, và đi liền với đó là khoa học càng phát triển thì con người càng nhận thấy có nhiều điều bí ẩn hơn. Điều này cứ ngỡ như là một nghịch lí nhưng thực ra đó lại là một quá trình phát triển của nhận thức của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội.

Tôi không biết là khi cuốn sách mỏng này đến với các bạn thì những điều bí ẩn từ hoạt động của các nhà ngoại cảm Việt Nam sẽ được giải mã hay là sự bí ẩn của nó sẽ càng bí ẩn hơn. Tôi chắc là khả năng sau sẽ lớn hơn. Bởi sau khi đã gấp lại trang cuối cùng của cuốn Bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam thì tôi lại thấy hình như khó càng hiểu thêm về những gì mình đã đọc.

 Vấn đề đặt ra từ sách này là: Có hay không thế giới tâm linh của con người? Những câu chuyện về các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ, những trải nghiệm và thực nghiệm bằng thực tế gần như đã là những câu trả lời "có" cho câu hỏi trên. Nhưng nếu đi sâu, phát triển thêm nữa tính khoa học của vấn đề thì chính các  nhà nghiên cứu về nó cũng gần như rơi vào bế tắc.

 Chính cái ngõ cụt ấy càng làm tăng thêm sự huyền bí của các nhà ngoại cảm.  Và như thế lại càng làm cho người ta nói chung và bạn đọc cuốn sách này nói riêng thêm tò mò, tìm mọi cách để có được cuốn sách này trong tay.

 

Bạn hãy hình dung rằng, nếu chúng ta đang sống mà mà quên hết quá khứ, quên hết những điều đã trải qua; Hãy hình dung rằng chúng ta quên hết những người quen thân đã chết. Và bạn cũng hãy thử hình dung đến một ngày nào đó chúng ta trở nên không bình thường như chúng ta đã sống. 

 Khi đó, có thể là bạn đã trở thành một nhà ngoại cảm rồi đấy.

 Những nhà ngoại cảm được kể trong sách này đã và đang rất nổi tiếng. Họ là Phan Thị Bích Hằng, Phan Khắc Bảy, Dương Mạnh Hùng, Thẩm Thúy Hoàn, Nguyễn Văn Liên... là những con người bằng xương bằng thịt, nhìn rất giống chúng ta nhưng lại rất khác chúng ta.

 Bạn đọc xong và nếu muốn có thể nhấc điện thoại gọi ngay và nói chuyện với bất cứ người nào trong số họ. Ví ở cuối sách, tác giả biên soạn đã ghi lại đầy đủ, chi tiết địa chỉ với số nhà đường phố, số điện thoại liên lạc của họ. Kể cả hai website về các nhà ngoại cảm Việt Nam.

 Bạn hãy đọc đi cuốn Bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam để thấy rằng, cuộc sống quanh ta còn quá nhiều điều kì diệu , trong đó có những điều kì diệu về thế giới tâm linh mà khoa học càng lí giải thì lại càng rơi vào bế tắc. Đó là môn khoa học về tâm linh, môn chỉ dành riêng cho rất ít những người có khả năng đặc biệt, môn mà không phải cứ học và nghiên cứu thì sẽ biết như các môn học khác.

 Họ, những nhà ngoại cảm trong sách này, khởi đầu bằng sự ngẫu nhiên tình cờ hay bằng sự luyện tập công phu để có được một khả năng đặc biệt không phổ biến: khả năng kết nối với người ở cõi âm.

 Đọc xong sách này, tôi chắc chắn bạn sẽ úp cuốn sách lên mặt và tự hỏi: Vậy thì liệu có thực sự tồn tại một thế giới khác đang đồng hành với thế giới những người đang sống.

 Tất cả chỉ mới là những bước đi đầu tiên của một môn khoa học thần bí.

 Ngay cả tôi, khi giới thiệu sách này với các bạn, cũng không muốn nói nhiều, mặc dù trong tôi đang chất chứa rất nhiều cảm xúc có nhu cầu được bộc bạch. Nhưng nếu tối càng dài dòng thì e rằng lại càng làm cho các bạn bối rối  và hoang mang hơn.

 Vì thế mà tôi xin chấm hết ở đây. 

LƯU Ý KHI ĐỌC

Nhưng năm gần đây, việc đi tìm mộ, nhất là mộ liệt sĩ, của các nhà ngoại cảm đã trở thành một niềm tin vững chắc cho thân nhân có mộ người thân bị thất lạc hay chưa xác định được chỗ chôn cất. Đã từng có một nhóm các nhà ngoại cảm tìm được đến gần 7.000 bộ hài cốt.

 Điều này có ý nghĩa với cả người đã chết và với những người đang sống. Nó là cả một sự thúc bách giới nghiên cứu và rất nhiều người quan tâm tìm hiểu về ngoại cảm và các nhà ngọai cảm.

TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC

Theo thiếu tướng Chu Phác, chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lí Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì: Việc thấy của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong nhiều lợi ích của thiền định.

 Link XB trên sachhay.org: https://sachhay.org/sach/ChiTiet/528/bi-an-cua-cac-nha-ngoai-cam-viet-nam