27 tháng 7, 2019

Số phận của Bim


Truyện ngắn của Bùi Vĩnh

Bim là tên chú chó nhỏ tuổi nhất của nhà tôi. Vào đúng chiều ba mươi tết cách đây đã mấy năm, hôm ấy trời mưa và rất lạnh, một chú chó nhỏ bỗng dưng xuất hiện tại góc sân nhà tôi, màu lông loang lổ thật khó gọi là màu gì, bé xíu như một cái lõi ngô, ướt mèm, yếu ớt, run rẩy vì rét và sợ hãi. Nhìn thấy tôi nó co rúm người lại, ve vẩy cái đuôi gầy đét, ánh mắt e dè và đầy vẻ van lơn như thể ngoài nhà tôi ra nó không còn nơi nào để đi nữa. Bọn trẻ nhà tôi đang tụ tập quanh cái máy tính thấy thế thì xúm xít vào, tíu ta tíu tít :
- Ôi nó rét quá này, để em đi lấy cái áo cũ cho nó.
-  Nó đói quá, cái bụng lép kẹp thế này chắc đã mấy ngày không được ăn gì.
Rồi anh em chúng phân công nhau, thằng lớn đi mua sữa, thằng thứ hai đốt lửa sưởi còn thằng út chịu trách nhiệm đi làm một cái ổ. Sau chốc lát làm quen dường như chú chó nhỏ cảm nhận được sự thân thiện của lũ trẻ thì không còn sợ sệt nữa, cậu chàng đánh bay một bát sữa nóng rồi ngoan ngoãn nằm yên trong cái ổ dã chiến vừa được làm từ hộp mì tôm và quần áo cũ.
Bọn trẻ đạt được nhất trí cao trong việc đặt cho chú chó cái tên là Bim, Bim vốn là tên của chú chó tài năng, trung thành và bất hạnh trong bộ phim "Chú Bim trắng tai đen" nổi tiếng mà lũ trẻ từng được xem.
Mãi qua tết vẫn không thấy chủ cũ của Bim đến tìm và thế là Bim chính thức trở thành thành viên của gia đình tôi từ đấy. Ngoài Bim ra nhà tôi còn có hai tay cẩu khủng nữa là Vàng và Capi, Capi đã già, kênh kiệu và khó tính, tên nó được bọn trẻ đặt theo tên một chú chó trong cuốn tiểu thuyết "Không gia đình", cuốn sách mà bọn chúng mê mẩn giống hệt tôi ngày còn nhỏ. Cái tên Capi hơi khó gọi nên cả nhà hay gọi nó là Pi hoặc Pi khó tính. Còn Vàng vốn là của lão hàng xóm nhà tôi, một ngày nọ lão có ý định bán nó đi để lấy tiền đóng học cho con, bọn trẻ nghe tin ấy thì xúm vào năn nỉ mẹ chúng mua về cốt để cứu mạng con Vàng. Tôi đùa rằng, mà chẳng đùa đâu, nói thật đấy: Thôi thì cứu được đến đâu thì cố mà cứu chứ con Vàng với lão Hạc thì thời nào mà chẳng có!
Bim sống ở nhà tôi được một thời gian thì trở nên mỡ màng và lớn nhanh như thổi, tính nó sôi nổi và hay bắng nhắng, mỗi khi chúng tôi đi đâu về là nó lại mừng rỡ, nhảy rối lên cuốn lấy chân đến là phiền, phiền nhưng mà cũng vui. Ban đầu cũng do cái tính bắng nhắng ấy mà nó rất hay đuổi lũ gà, thậm chí còn cắn chết mất mấy con gà bé, bực mình vợ tôi đã tính mang Bim ra chợ bán quách đi, nhưng bọn trẻ cam kết sẽ giáo dục được nó. Chúng để con gà con trước mặt Bim, dí mõm nó vào rồi lấy roi vụt chan chát xuống bên cạnh, con Bim sợ rúm vào. Vài lần như vậy mà chúng giáo dục được Bim thật.
Phải nói là bọn trẻ nhà tôi rất quý mấy con chó. Nhà tôi sống ở nông thôn, yên bình, bất chấp bị mẹ chúng rầy la, bọn trẻ rất hay chơi với mấy con chó. Có những trưa hè chúng xúm nhau vào, thằng anh thì vẽ kính, vẽ râu cho chó, thằng em thì cười lăn cười lóc, cười đến bò cả ra đất. Mà dường như mấy con chó cũng hưởng ứng những trò nghịch ngợm của lũ trẻ nên cứ xoắn xít vào rồi lại còn nhảy cẫng lên sủa inh ỏi, mất cả ngủ vì chúng, đến bực.
Bim ở nhà tôi được đúng 11 tháng thì gặp phải một trận ốm thập tử nhất sinh, nó bỏ ăn mấy ngày liền, đang mơn mởn là vậy mà bỗng trở nên rúm ró yếu ớt đến mức không thể nào đứng dậy nổi, nó thở khò khè, mắt lèm nhèm, miệng thì sùi bọt ra. Thằng lớn nhà tôi chạy đôn chạy đáo dò hỏi hết người này đến người nọ rồi mua đủ thứ thuốc về tiêm cho Bim. Chúng thức đến tận khuya để tiêm thuốc và bơm từng giọt sữa vào miệng cho Bim, con chó nôn ra, bọn trẻ kiên nhẫn chờ đợi rồi lại bơm tiếp. Phải nói là bọn trẻ nhà tôi chăm chó thì thôi rồi, giá mấy tay bác sĩ lang băm bán cả thuốc ung thư giả cũng được như vậy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.
Chữa trị cho Bim đến hơn một tuần rồi mà bệnh tình của nó không hề thuyên giảm, bọn trẻ lo lắng ra mặt, thằng lớn thất vọng nói với tôi:
- Bố ạ, chúng con đã làm tất cả những gì có thể rồi, bây giờ Bim có thể vượt qua được hay không là nhờ vào nghị lực của nó.
Ái chà, nghị lực à, chó má có nghị lực à? Tôi bỗng giật mình với câu nói của thằng ranh con mới tý tuổi đầu mà phán như ông cụ. Ấy vậy mà Bim có nghị lực thật, khi tưởng như không còn hy vọng gì nữa thì nó bỗng tỉnh dần rồi từ từ bình phục. Sau trận ốm Bim có vẻ quấn quýt hơn với lũ trẻ. Cả Vàng cũng vậy, buổi chiều khi lũ trẻ đá bóng trên mảnh vườn bỏ không của ông hàng xóm thì Bim với Vàng cũng lăng xăng chạy vào đuổi bóng hoặc tung tăng hí hởn cuốn lấy chân mấy cậu chủ mà sủa inh ỏi, riêng Pi khó tính thì cứ lầm lì nằm một chỗ, thỉnh thoảng lại tự liếm vào chân với cái vẻ khinh khỉnh rất thiếu thân thiện.
Cuộc sống của gia đình tôi cứ thế trôi đi êm đềm, thấm thoắt đã gần hai mùa đông trôi qua kể từ khi Bim đến. Thế rồi một biến cố lớn đã xảy ra. Buổi chiều hôm ấy đang yên tĩnh bỗng đâu lũ chó sủa váng lên inh ỏi phía sau nhà rồi một con chiết ranh hay cầy cáo gì đó lao vụt ra, lũ chó dồn theo sang tận bìa rừng bạch đàn rậm rạp phía xa. Bọn trẻ đi vắng còn tôi thì không thể nào cản chúng lại được. Lũ chó điên cuồng đuổi theo còn mồi đi xa tới mức tôi không còn nghe được tiếng chúng sủa, cho tới tận chiều muộn thì chúng trở về, chỉ có Pi và Vàng. Bim đâu? Nghe tôi quát con Vàng cứ lấm là lấm lét còn Pi già thì cuống quýt sụp xuống cào cào vào chân tôi. Tôi hiểu ngay là có chuyện rồi. Vừa mới tuần trước ông hàng xóm nhà tôi bị bọn cẩu tặc vợt mất con chó quý ngay trước mặt mà không làm gì được.
Bọn trẻ đã về, mấy bố con tôi tất tưởi mang dao, gậy và chuẩn bị sẵn cả đèn pin đi tìm, biết tìm đâu cho thấy. Bim ơi!
Đêm xuống, bố con tôi uể oải trở về, thằng út vừa đi vừa lẩm bẩm :
- Nhất định rồi mày sẽ trở về Bim nhé.
Quả nhiên ngày hôm sau thì con Bim trở về thật. Lúc đó trời đã nhá nhem tối,Bim trở về tiều tụy, xác xơ, lấm láp và mệt mỏi. Con Pi và con Vàng cùng lao ra, nhảy cỡn lên sủa inh ỏi. Bim nhìn tôi như muốn khóc rồi khẽ vẫy đuôi và nằm bẹp xuống góc sân, một vệt máu còn chưa khô hẳn làm bết lại đám lông trên cổ nó. Bim bị bắn, một vết thủng nhỏ đã bít kín miệng chỉ hơi ri rỉ máu ngày dưới cổ con chó tội nghiệp.
Trong tình huống bất ngờ ấy, bọn trẻ nhà tôi tỏ ra rất chuyên nghiệp, thằng lớn thì phóng đi tìm ông cán bộ thú y của xã, thằng thứ hai đi chuẩn bị bông, gạc, băng, cồn và ôxy già, thằng bé thì đi pha sữa, không khí hết sức khẩn trương.
Hồi lâu sau thằng lớn trở về, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng pha lẫn tức giận.
- Sao vậy? Tôi hỏi.
- Lão ấy bảo có cần giềng thì lão cho mấy củ.
Con Bim yếu quá, dường như nó đã phải vật lộn rất nhiều để thoát ra nên chỉ còn đủ sức lết về đến nhà rồi nằm vật ra đấy thôi.
Hai thằng anh bàn nhau phải mổ và gắp đầu đạn ra cho Bim và thế là chúng đã áp dụng mọi sự hiểu biết cóp nhặt được từ  việc nghe lỏm hoặc từ trên phim ảnh cùng với sự hỗ trợ của tôi để làm cái việc bất đắc dĩ là phẫu thuật cho con Bim. Trong lúc đó thì thằng em đứng úp mặt vào tường liên tục cổ vũ với cái giọng nghẹn đầy nước mắt : "Bim ơi cố lên, cố lên nhé". Con Bim dường như cũng hiểu được tình cảnh của nó nên chỉ rên ắng ắng mà không giãy giụa nhiều như tôi tưởng.
Vết đạn vào sâu quá, bố con tôi không dám rạch sâu vào cổ Bim nữa, đành bất lực đợi chờ cho đến sáng hôm sau. Đêm đó trời mưa và rất lạnh, nể lời tôi bọn trẻ lên giường nằm nhưng cả mấy bố con tôi cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Chừng ba giờ sáng mưa nặng hạt thêm, gió rít từng hồi não ruột, con Pi già bỗng kêu ứ ứ và cào khồn khột vào cửa sổ, nó thường làm thế mỗi khi đòi tôi tháo xích. Tôi dậy ngó qua Bim nằm đó rồi tháo xích cho Pi. Tôi đi ra ngoài vài phút, khi quay lại một cảnh tượng khiến tôi sững sờ. Con Pi khó tính không đòi ra ngoài như mọi khi, nó cắp cái áo rách từ ổ của mình đậy lên người con Bim rồi đứng đó nửa như canh chừng, nửa như an ủi con Bim. Tôi đứng ngây ra đó, cổ họng nghẹn lại và không hiểu sao trong giây phút ấy tôi bỗng nghĩ đến những điều quá lớn lao, tôi nghĩ tới những người sống quanh tôi, những người tử tế và cả những người không tử tế...
Vừa mới sáng sớm lão cán bộ thú y xã chừng như đã hóng suốt cả đêm qua, hắn phóng vèo cái xe đạp có buộc mấy bông hoa nhựa xanh đỏ trước ghi đông đến sân nhà tôi, phanh kít lại, một chân vẫn còn gác trên xe, chẳng chào ai, hắn sấn sổ, mắt chăm chăm nhìn vào con chó, miệng liến thoắng:
- Chưa thịt à, mổ đi, tao lấy cho một cộc.
Chẳng biết ba đứa trẻ nhà tôi đã nhìn hắn như thế nào mà hắn bỗng khựng lại, mồm lắp bắp :
- Thôi thôi, thôi tao về.
Hắn quay vội cái xe, chuồn thẳng.
Bọn trẻ vẫn không chịu đầu hàng, thằng thứ hai nhớ được là đã nghe lỏm được ở đâu đó rằng đắp quả dứa dại lên vết thương thì có thể hút được viên đạn ra. Thế là chúng phân công thằng em ở nhà canh chừng còn hai thằng anh tức tốc phóng lên tận chợ thị xã để tìm mua. Thời buổi bây giờ lạ vậy, có nhiều thứ của nhà quê nhưng cứ phải lên thị xã mới mua được. Chúng mang dứa về, giã nhỏ rồi đắp cho con chó. Nhưng lần này mọi nỗ lực của lũ trẻ đã không cứu nổi Bim. Bim yếu dần, đến quá trưa thì nó nhúc nhích như muốn ngóc cái đầu dậy, một giọt nước mắt lăn ra, nó khẽ vẫy cái đuôi một cách yếu ớt rồi tắt thở.
Lũ trẻ bàn nhau xin mấy tấm gỗ tôi định để đóng tủ ra đóng hòm cho con chó, chúng đem chôn con Bim ở phía sau nhà, thằng bé còn mang chôn theo Bim cả món đồ chơi mà nó nâng niu nhất, đó là cái xe cần cẩu chạy pin mà tôi mua cho từ khi nó còn rất nhỏ.
Bữa cơm tối hôm ấy không khí nhà tôi thật nặng nề, cả nhà lặng lẽ ngồi ăn chẳng ai nói câu nào. Một chốc, thằng lớn dường như không nén nổi nữa, đang ngồi nhai trệu trạo nó bỗng đặt đánh cạch bát cơm xuống :
- Nếu bắt được bất kể thằng trộm chó nào thì dù có phải đi tù con cũng đánh.
Thằng thứ hai tiếp luôn :
- Em cũng thế.
Thằng bé nghe anh nói thế thì buông bát đũa chạy ra nằm lăn trên chiếc giường kê ở chái nhà khóc thút thít. Vợ tôi vốn không thích con mình mềm yếu, thấy thế thì vào đứng cạnh quát inh om:
- Làm sao mà phải yếu đuối thế, nó chỉ là một con chó thôi!
Thằng bé thấy mẹ phũ phàng thì càng thêm nức nở. Tôi khẽ kéo vợ ra rồi nhẹ nhàng nằm xuống kéo chăn đắp cho cả hai bố con. Vợ tôi nói đúng, Bim chỉ là một con chó, nhưng nó là con chó tử tế và tội nghiệp, ở đời cũng có rất nhiều người tử tế mà tội nghiệp, chẳng giống như người ta hay nói "ở hiền gặp lành" một chút nào. Tôi cứ mặc cho thằng bé nức nở bởi tôi tin rằng những kẻ giàu lòng trắc ẩn, biết xót thương đến cả cái cây, ngọn cỏ thì sẽ chẳng nỡ làm điều gì độc ác với ai. Tôi nằm ôm con, suy nghĩ miên man rồi thiếp đi tự lúc nào. Quá nửa đêm thì tôi tỉnh giấc, tôi thường hay tỉnh giấc vào giờ đó. Thằng bé bỗng thì thào bên tai tôi:
- Bố ơi!
- Gì hả con? Có lẽ thằng bé đã không ngủ suốt từ tối.
- Liệu có thế giới bên kia không bố?
- Có, có chứ, có thật đấy con ạ.
Tôi là người chỉ tin vào khoa học và những gì đã được khoa học kiểm chứng, nhưng vào lúc đó tôi không chỉ nói để trấn an thằng bé mà bản thân tôi cũng chắc chắn rằng nhất định phải có một thế giới bên kia, một thế giới với những điều tốt đẹp và ở đó Bim không còn phải chịu bất hạnh bởi những kẻ độc ác như ở thế giới này.
Chiều nay cũng là một buổi chiều mưa, tôi đã ngồi viết lại câu chuyện này, tôi biết chẳng ai có hơi đâu mà ngồi đọc truyện của tôi nhưng tôi vẫn muốn viết nó ra, tôi muốn tặng nó cho Bim, cho các con thân yêu và gia đình bé nhỏ của tôi, tôi cũng muốn tặng nó cho cả những gã trộm chó gian manh, lỳ lợm và độc ác đang lượn lờ đâu đó ngoài kia nữa.
CV

Chú mực nhà mẹ tôi ở quê đã bị bọn cẩu tặc bắt trôm 1 năm nay. Xem chuyện về chú Mực ở đây: 




17 tháng 7, 2019

Bức tượng khiêm nhường của nhà vua Campuchia


Ai đến thủ đô Campuchia cũng ghé tham quan vườn hoa trung tâm thủ đô Phnom Penh. Tại đó có cả một quần thể tượng đài như tượng đài Độc Lập, tượng đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh ở CPC và tượng đài quốc vương Sihanouk. 
Tượng cựu hoàng Norodom Sihanouk được khánh thành nhân dịp kỷ niệm một năm ngày mất của ông (15/10/2012-15/10/2013).
Riêng tôi đã có 2 lần tham quan công viên thủ đô CPC và đều đến viếng cáctượng đài này. 
Đứng trước tượng đài cựu hoàng Norodom Sihanouk, tôi không thể không so sánh với tượng đài các lãnh tụ CS như tượng đài lãnh tụ VN, tượng đài lãnh tụ Mao ở TQ và cả tượng Lê văn Nin ở Hà Nội. Cái nào cũng to cao sừng sững, cũng đứng trên cao vẫy gọi mình, cũng vạch áo chỉ tay với thiên hạ và giơ cao tay vẫy chào muôn dân.
Trong lúc tượng đài Sihanouk ngay tại thủ đô Phnompenh hoàn toàn ngược lại. Đó là bức tượng nhà vua đứng chắp tay với dáng vẻ rất khiêm nhường lặng nhìn mọi người qua lại. Vì thế mà lần nào đến viếng chúng tôi cũng đứng chụp hình trước tượng đài của Ông (không như tượng các vị đứng trên cao vẫy gọi mình thì chưa bao giờ tôi có ý định chụp làm kỉ niệm, ngay cả ghé xem cũng không luôn).
Đã thế dân CPC còn thể hiện sự khôn ngoan và thương cựu hoàng của mình khi đặt tượng nhà vua trong một tòa tháp mát mẻ, không phải chịu cảnh phơi sương gió nắng mưa quanh năm như các pho tượng lãnh tụ ai kia.


CPC tháng 3/2015



Thăm quan hay tham quan


Gác chuyện LON với LU sang một bên, ta nói chuyện dùng từ.
Rất nhiều người, kể cả các nhà báo, nhà giáo, nhà văn, những người có học vị cao cho rằng rằng THĂM QUAN mới là từ đúng vì thế mà khi nói và viết nhiều người đã dùng từ này để chỉ việc đi xem tận nơi, tận mắt một địa danh nào đó để mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết hoặc để học hỏi kinh nghiệm. Chẳng hạn: thăm quan viện bảo tàng; đi thăm quan Dinh Độc Lập, thăm quan HTX trồng rau sạch…
Nhưng rất tiếc, THAM QUAN mới là từ dùng đúng cho nghĩa trên nhé các bạn. Các chữ thăm trên đều phạm lỗi dùng từ, phải sửa lại là tham.
“THĂM” là một từ thuần Việt, có nghĩa là gặp gỡ, hỏi han, vấn an… một người, một tập thể nào đó, hoặc đến một địa danh nào đó. Ví dụ: Chủ tịch nước thăm Bình Định, Chủ tịch QH thăm Trung Quốc, HTS đi thăm bạn...
Còn THAM (động từ) trong tham quan (
觀光) là từ Hán Việt có nghĩa là can thiệp, gia nhập, tham gia,… (Khác với “tham quan” là một danh từ dùng để chỉ bọn quan lại tham nhũng thường dùng trong cụm từ “Tham quan lại nhũng”).
Cả “THAM” và “QUAN” đều là từ Hán Việt, còn “THĂM” lại là từ thuần Việt, Thông thường thì không thể ghép một từ thuần Việt với một từ Hán Việt để tạo ra một từ ghép.
Vậy, THĂM QUAN là từ sai, THAM QUAN mới là từ dùng đúng.

Ảnh: Nhân thể khoe tấm hình tôi đi THAM QUAN địa đạo Củ Chi.


 

Nhớ khoa Văn nói chuyện ăn


Chương 1: Liên hoan khoa

Bây giờ thì cái tên khoa Văn ĐHSP Quy Nhơn đã không còn nữa, sau hơn 40 năm thành lập (ra đời năm 1978) thì đến ngày 28/6/2019 mới rồi nó đã bị xóa sổ để ghép với các khoa khác thành một khoa to hơn, tổng hợp hơn. Nhiều người luyến tiếc, dân khoa văn vốn hay hoài cổ nên lại càng luyến tiếc. Tôi thì có cảm giác như người ta đang đập đi một ngôi nhà cấp 4 để xây lên một tòa chung cư, với số đông có thể cần cái tòa chung cư hơn nhưng với một người đơn giản như tôi có khi lại thích cái nhà cấp 4 hơn.
Thường con người ta chỉ thấy qúy một cái gì đó khi nó đã mất đi. Tôi thấy mất cái tên khoa văn như mất đi một mái nhà xưa thân ái. 
Và tôi nhớ chuyện xưa. 
Nhớ về những năm đầu thành lập, tuổi trẻ hồn nhiên vô tư và đói khổ, theo đúng nghĩa đen. Người Trung quốc có câu Cơ giả ca kì thực (Người đói nói chuyện ăn). Những năm đó mỗi khi có dịp họp hành đại hội công đoàn là khoa lại tổ chức liên hoan. Liên hoan nghĩa là không đi nhà hàng như bây giờ mà là mỗi người góp vào một vài món gì đó, như thầy Trứ Hán Nôm góp mớ đu đủ leo, cô Bạch Kim Dung Giáo học pháp góp kí thịt, thầy Nguyễn Xuân Nhân VH dân gian góp mấy kí cà chua, thầy Nguyễn Khánh Nồng ngôn ngữ mang vô chục trứng gà công nghiệp, thầy trưởng khoa Nguyễn Văn Giai VH Nga góp ít bánh trái mang từ quê Quảng Ngãi vô, bạn Nhung ngôn ngữ thì góp rổ rau xanh tự trồng. Nói chung là chỉ những ai có gia đình mới có đồ đóng góp, còn mấy thằng độc thân trên răng dưới cát tút như tôi, Đàm Đình Tâm, Nguyễn Ngọc Quận Hán Nôm, Trịnh Sâm, Nguyễn Qúy Thành, Trần Thanh Bình ngôn ngữ, Nguyễn Khắc Hóa Lý luận VH, Ngô Quang Hiển VH Ấn Độ... thì chỉ được mỗi cái ngồi hút thuốc vặt chờ xem có ai sai gì thì dắt xe chạy. 
Đại hội công đoàn khoa năm 1983, năm tôi với Nguyễn Khắc Hóa mới đi cao học về, lại liên hoan to với món bún giò heo. Chả biết tiền đâu ra mà thấy mấy cô Thân, Dung, Nhung, Vân, Mai... đun cả một nồi thịt thơm lừng mùi sả. 
Tôi với Nguyễn Ngọc Quận được phân công đi mua 10 kí bún. Ngày đó tôi có cái xe đạp Nghĩa Bình màu tím Huế chở Quận ra chợ khu 6. Lượn một vòng quanh mấy hàng bún khảo giá chán chê nhưng Quận vẫn chê mắc không chịu mua. Hắn bảo tôi đi vô đường Biên Cương bên hông chợ. Ở đó hắn biết có một cái lò bún vừa nóng sốt lại vừa rẻ. Một lò bún thủ công đang bốc khói ngào ngạt. Thỏa thuận giá cả với bà chủ xong hắn rút nắm tiền bèo nhèo trong túi ra đếm nói với tôi: Chừng này đủ mua 15 kí. Mua hết nha đại huynh. Tôi phán: Chơi hết luôn. Bụng đang réo ùng ục, tôi tưởng tượng khi về liên hoan mình tôi phải ăn hết 2 kí bún như thế. 15 kí có khi còn thiếu.
Mấy bà cô thấy 2 thằng tôi rước về 15 kí bún thì trợn mắt la lối om sòm. Đúng là hai thằng mắt to hơn bụng. Lần đó cả khoa dù đã ăn cố vẫn không hết nửa lượng bún chúng tôi khuân về. Chuyện đó kể đi kể lại cả năm sau mới hết.
(Còn tiếp).
Tập thể CBGD khoa Văn ĐHSP Quy Nhơn những năm đầu thành lập. Tôi hàng sau cùng thứ 3 từ phải sang

Tổ bộ môn Văn học Nước ngoài. Tôi hàng đầu thứ 2 trái sang.


Tôi (hàng đầu thứ 3 phải sang) cùng các thầy khoa Văn (ngồi hàng đầu) với SV lớp Văn 6A, có 4 thầy đã qua đời (chỉ còn lại hai thầy ngồi thứ 3 và thứ 5 từ trái sang vẫn tồn tại). Tôi dạy lớp này năm 2 và chủ nhiệm lớp 2 năm đầu.



1 tháng 7, 2019

Chương 2: Hành trình để được công nhận là nạn nhân CĐHH

Theo qui định của CP, những người tham gia hoạt động trong cuộc KC chống Mĩ từ 1961 đến ngày 30/4/1975 ở những vùng đối phương có thả chất độc hóa học như miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... mà bị một trong 17 loại bệnh (cao nhất là ung thư, thấp nhất là tiểu đường) sẽ được hưởng một khoản tiền ưu đãi hàng tháng, gọi là người hoạt động KC bị nhiễm chất độc hóa học. 
Nói thật, đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao bệnh tiểu đường lại nằm trong chế độ chất độc hóa học này vì người VN ta tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường thuộc loại cao nhất thế giới. Theo bộ Y tế hiện VN có 3tr người đang mắc bệnh này. Còn bệnh ung thư có căn nguyên từ chất độc hóa học thì hiển nhiên rồi.
Như đã nói ở chương 1, hành trình làm chế độ này của tôi bắt đầu từ photo các loại giấy tờ. Ngoài huân huy chương còn có lí lịch đv. Lí lịch đv của tôi hiện nằm ở BTC quận ủy Tân Phú, tôi phải lên đó xin sao y làm 4 bản. Tôi hỏi cô nhân viên chính sách người có công nếu không phải là đảng viên thì lấy cái gì thay vào lí lịch đảng. Thì chú phải có giấy chứng nhận XYZ, rồi phải tìm về sư đoàn cũ xin xác nhận... May mà trong lí lịch đv của tôi có ghi mấy dòng: Từ tháng 2/1975 đến 30/4/1975 chiến đấu ở miền Đông NB, Đồng Xoài, Bình Phước, Xuân Lộc, Đồng Nai thuộc C20 F341.
Tiếp theo là xin xác nhận của GĐ BV Thống Nhất là nơi tôi điều trị bịnh tiểu đường cả chục năm nay. Việc này thì may tôi có tay trong là bạn học cấp 3 BS nha khoa Thanh Thủy. BS Thủy rất nhiệt tình với bạn bè, thường cạo vôi, bảo dưỡng răng và chữa răng miễn phí cho tôi. Giờ xin cái giấy xác nhận lên đặt vấn đề là có ngay 4 bản, lại còn được mời ăn các loại trái cây như vải, nhãn lấy từ trong tủ lạnh của phòng khám răng ra (chắc là quà của bệnh nhân cho).
Sau đó đến lượt ra hội đồng giám định y khoa TP để tự họ xét nghiệm xem mình có thực bị tiểu đường không chứ họ không tin vào việc khám và điều trị của các BV khác, kể cả cái BV tuyến cuối của TW là BV Thống Nhất. Trong 3 tuần liền, cứ vào đầu giờ sáng thứ 5 mỗi tuần tôi phải nhịn ăn sáng lên HĐ này. Trong đó 2 ngày lên xét nghiệm máu. Lấy máu tại HĐ này ở Trần Bình Trọng Q5 rồi hôm sau mang giấy tờ qua BV Nguyễn Trãi lấy kết quả về nộp cho HĐ (cũng là để cho khách quan). Sau đó lên gặp trực tiếp HĐ (lấy máu 1 nơi xét nghiệm 1 nơi cho khách quan tránh tiêu cực).
Ngày hẹn cuối cùng, tôi bước vào một căn phòng rộng như phòng họp cửa đóng kín kê một cái bàn dài. Ông chủ tịch HĐ ngồi ghế đầu bàn, trước mặt ông là cặp hồ sơ dày mở sẵn chắc chắn là của tôi; hai bên dãy bàn mỗi bên có 4 vị là 8 vị ngồi. Không khí lặng im như tờ. Im lặng đến mức nghe rõ cả tiếng cái máy lạnh treo trên tường đang chạy rất êm. Thấy tôi bước vào ông CT lên tiếng: Chào anh, mời anh ngồi. Tôi ngồi vào chiếc ghế trống đầu bàn đối diện với ông CT: Vâng, chào các anh.
Từ đây trở đi chỉ có tôi và ông CT HĐ GĐ YK Tp lên tiếng.
Ông CT: Anh tên là gì.
Tôi tên là HTS.
Trước 30/4/1975 anh ở đơn vị nào.
Tôi ở C20 Sư đoàn bộ binh 341 Quân đoàn 4.
Đơn vị anh có thạm gia chiến dịch HCM và chiến đấu ở Xuân Lộc.
Vâng, đúng thế.
Anh có bị thương lần nào không.
Không.
Anh có nằm quân y viện lần nào không.
Không.
Vậy là anh không có thẻ thương binh, không có chế độ bệnh binh.
Tôi không có chế độ gì hết kể từ sau 30/4/75 đến nay.
Qua xét nghiệm máu cho thấy dư lượng đường trong máu của anh hiện là 11.0 (ngưỡng an toàn tối đa cho phép là 6.4).
Vâng.
Cảm ơn. Anh về được rồi. Sở LĐTBXH Tp sẽ thông báo kết luận giám định cho anh. Chào anh.
Vâng. Chào các anh.
Rồi tôi bước ra khỏi cái Hội đồng GĐYK ấy.
Tôi còn nhớ đó là ngày 27/7 năm 2017. Đúng ngày TBLS. Vì thế mà dễ nhớ.
Rồi tôi quên bẵng đi cho đến 3 tháng sau, vào ngày 27/10/2017 tôi nhận được cú đt từ phòng LĐTBXH quận Tân Phú: TB là anh đã đủ điều kiện để hưởng chế độ nạn nhân chất độc hóa học. Mời anh lên nhận sổ và tiền. Tôi lên thì họ đưa cho một cái sổ lĩnh tiền bìa đỏ chót to bằng cái bàn tay và 1 khoản tiền bằng 3 tháng được hưởng tính từ tháng 7 đến tháng 10 /2017. HĐ GĐYK kết luận tôi bị bệnh tiểu đường, mất sức lao động 35% nằm trong nhóm được hưởng mức trợ cấp thấp nhất, 1.150k/tháng. Mức cao nhất của tiểu đường nghe nói 2,6tr/tháng, nếu bị ung thư 3,5tr/tháng. Gì chứ nhiều tiền vì mấy vụ ấy tôi chả ham.
Vậy là từ khi khởi động đến khi kết thúc hành trình là tròn 5 tháng. Từ đó đến nay hàng tháng tôi được hưởng một khoản tiền nho nhỏ từ trên trời rơi xuống. Mỗi năm 2 lần vào dịp tết và quốc khánh 2/9 còn được nhận quà của CT nước dành cho người có công là nạn nhân CĐHH. Tôi rất cảm ơn đồng đội Thưởng.
Chuyện chưa hết.
Tết mới rồi tôi với Nguyễn Quang Ngọc ra lại Biên Hòa thăm Thưởng. Vừa bước vào nhà tôi khoe ngay với Thưởng về kết quả của hành trình để được công nhận là nạn nhân CĐHH. Hắn nghe xong chẳng nói chẳng rằng mở tủ lấy ra một cái thẻ màu hồng hồng chìa ra: Vậy nó đã cấp cho ông cái thẻ này chưa. Cái này có giá trị ưu tiên ngang với thẻ thương binh, đi xe buýt được miễn phí, đi tàu hỏa được giảm 30% giá vé, đi khám chữa bệnh được ưu tiên, con thi vô đại học được cộng điểm...
Tôi lại ngạc nhiên: Làm gì có.
Thưởng: Ngày mai ông lên phường gặp bộ phận người có công nó sẽ hướng dẫn và làm cho ông.
Đúng là quyền lợi của mình mà cơ quan nhà nước chả ai nói cho mình biết.
Hôm sau tôi lên phường lại gặp cô nhân viên người có công: Muốn có cái thẻ Người hoạt động KC bị nhiễm CĐHH thì làm gì cháu. Con bé đang chúi mũi vô máy tính chả thèm nhìn tôi: Chú nộp cho cháu cái hình 2x3 cháu lên Sở LĐTBXH làm cho. Tôi thề con bé này mà học VHTQ rơi vào tay tôi tôi cho 1 điểm hết học phần. Trong bóp có sẵn cái hình, tôi nộp luôn.
Rồi tôi lại quên bẵng đi. 3 tháng sau, lại 3 tháng sau, thì con bé người có công nt: Đã có thẻ chú rảnh qua cháu lấy. Tôi ra phường gặp nó lễ phép trao cho cái thẻ. Của chú đây. Cảm ơn cháu. Lúc này thấy con bé người có công cũng nhiều thiện cảm, nếu chấm lại bài thi có thể cho nó 5 điểm.
Nhờ có cái thẻ đó mà thời gian đi khám chữa bệnh ở BV TN của tôi rút ngắn được rất nhiều, khỏi phải chờ đợi. Đi xe buýt khắp TP không mất xu nào.

P/S: 
Tôi gõ cái tút khá dài kể chuyển đi làm thủ tục để được công nhận là nạn nhân CĐHH với mục đích: 
Để mọi người thấy trong cuộc sống không ít người bị mất quyền lợi vì không có thông tin trong lúc đáng lẽ ra họ hiển nhiên được hưởng. Thông tin ở đâu và lúc nào cũng rất cần thiết. Trường hợp của tôi do ngu ngơ nên ngay cả khi đang làm việc ở cơ quan báo chí mà vẫn không biết thông tin liên quan. Nếu không gặp đồng đội Thưởng ở Biên Hòa thì đến nay tôi cũng không có chút quyền lợi bé mọn ấy.
Hành trình đi làm cái thủ tục hiển nhiên được hưởng ấy rất mất thì giờ, đầy gian truân và may rủi.
Cuối cùng để những bạn nào rơi vào hoàn cảnh của tôi biết mà đi làm, muộn còn hơn không.
Không hề có ở đây chuyện khoe khoang, tự hào kiêu hãnh công thần ra vẻ ta đây.


Tôi đã trở thành nạn nhân CĐHH như thế nào

Chương 1: Phủ Thủ tướng cũng tào lao
Sau mấy năm đi lính thời chống Mĩ trở về tôi được chính phủ tặng thưởng 2 tấm huy chương. Một Huy chương Kháng chiến chống Mĩ và một Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Nói vẻ vang nhưng tôi thấy cũng chẳng vẻ vang gì cho lắm bởi đó là thứ huy chương theo niên hạn, miễn hoàn thành nhiệm vụ sau 3 năm đi lính thời chiến tranh mà không bị kỉ luật gì thì ai cũng được tặng. Mỗi Huy chương có một tấm bằng do Thủ tướng Chính phủ kí và một giấy chứng nhận kèm theo. Hai cái bằng thì từ khi chuyển vô SG nhà cửa cũng rộng rãi nên tôi treo ở chỗ vẫn ngồi làm việc cho có vẻ ấm cúng như là một kỉ niệm thời trai trẻ; 2 cái Giấy chứng nhận thì cất trong một cái cặp cũ kĩ đựng những giấy tờ cần thiết như bằng cấp các loại… chứ hầu như chưa bao giờ tôi đọc xem trong đó viết những gì bởi ngoài cái danh dự tinh thần rất mờ nhạt ra thì nó cũng chưa mang lại lợi lộc vật chất gì cho tôi.
Nói cho đúng ra thì cái bằng HC Kháng chiến tôi có dùng đến một lần khi foto nó để lên Bảo hiểm Xã hội quận nhằm hưởng chế độ bảo hiểm y tế 100% mà không phải cùng chi trả 5% khi khám và điều trị bệnh ở bệnh viện.
Nói vậy mà rồi cũng có lần thứ tôi 2 dùng đến nó.
Nhân dịp ngày 30/4/2017 tôi và lão Quang Ngọc Nguyễn ghé Biên Hòa thăm đồng đội là Thưởng CCB C20 E266 cùng sư đoàn 341 thì Thưởng hỏi 2 thằng tôi là các ông đã làm chế độ tham gia hoạt động chiến đấu trong vùng mặt trận B2 (miền Đông Nam Bộ) là vùng mà quân đối phương đã sử dụng chất độc hóa học chưa thì tôi hết sức ngạc nhiên: Thế à, có cái chế độ đó à. Thưởng nhìn tôi như nhìn một người từ trên giời rơi xuống: Người ta làm và hưởng chế độ cả chục năm nay rồi ông ơi (từ năm 2003). Nếu tính mức trợ cấp thấp nhất 1.150.000đ/tháng đem nhân với 12 tháng rồi nhân tiếp cho 13 năm thì tôi đã mất một khoán kha khá rồi.
Trời, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng ông nào bị dính chất độc da cam, vợ không sinh được con hoặc đẻ con ra bị quái thai què quặt thì mới được hưởng chế độ đó chứ. Ai dè chỉ cần bị một trong 7 nhóm bệnh trong đó có căn bệnh tiểu đường là đã được hưởng đều đều hàng tháng một khỏan trợ cấp nho nhỏ rồi. Gì chứ tiểu đường thì tôi bị thường xuyên cả chục năm nay rồi, mà lại bị nặng nữa là khác. 10.0 cơ đấy. Mà không chỉ riêng tôi, hai thằng bạn thân C20 F341 của tôi cùng ở SG là Quang Ngọc và Lê Đình Nguyên cũng không biết thông tin gì về mấy vụ quyền lợi này. Rồi Thưởng hướng dẫn cho bọn tôi đường đi nước bước của của con đường làm cái chế độ dành cho lính B2 này.
Vậy là 2 tuần sau, vào ngày 15/5/2017, theo hướng dẫn của Thưởng tôi lên UB phường hỏi để làm về chế độ hiển nhiên này. Cô nhân viên ở bộ phận người có công tròn mắt hỏi tôi: Sao mấy lâu nay chú không làm, người ta làm hết từ lâu rồi. Thì tôi có biết gì đâu, cô giúp tôi nhé. Cô nhân viên không thèm nói gì thêm lấy ra một bộ mẫu hồ sơ hướng dẫn tôi về làm thành 4 bộ như nhau, khi nào xong thì mang lên nộp cho cô. Từ Phường sẽ lên quận, từ quận sẽ lên Thành phố. Khâu cuối cùng là ra Hội đồng Giám định y Khoa TP. Sau đó là… tiền. Gì chứ có tiền là sướng rồi.
Thấy cũng không rắc rối lắm nên tôi về bắt tay vô làm hồ sơ ngay. Việc đầu tiên là foto công chứng mấy cái giấy chứng nhận Huy chương tưởng như sẽ không bao giờ cần đến. Gì chứ công chứng thì quá đơn giản. Tôi foto xong mang lên phường công chứng. Cậu nhân viên công chứng phường sau khi liếc mắt qua phán ngay: Hai tờ giấy chứng nhận này không công chứng được chú. Sao vậy cháu. Nó xòe tờ giấy chứng nhận HC kháng chiến ra nói: Đây chỉ là bản y sao, mà đã là bản sao thì theo quy định là không công chứng được, luật qui định chỉ công chứng từ bản gốc. Xòe tiếp tờ Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ Vẻ vang ra nó phán luôn: Còn cái này thì tuy là bản gốc nhưng chỉ có con dấu mà không có chữ kí của nơi cấp là Phủ Thủ tướng, cũng không thể công chứng được. Chú thông cảm.
Thông cảm cái con khỉ.
Tôi lấy hai tờ giấy chứng nhận ra xem kĩ thì đúng thế thật. Tờ chứng nhận HC Kháng chiến to bằng khổ A4 giấy đen thui thui như cứt chó in roneo đúng là bản y sao từ một Quyết định của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí cấp HC Kháng chiến cho cùng một danh sách gồm 389 ông là cán bộ thuộc Bộ Giáo dục trong đó có tên tôi. Rồi Trường ĐHSP Quy Nhơn là nơi tôi giảng dạy khi đó sao y ra một bản trao cho tôi. Thì nó đúng là cái Giấy chứng nhận sao y. Còn Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ vẻ vang chỉ nhỉnh bằng 3 ngón tay khép lại ở trên góc đề là Phủ Thủ tướng, bên dưới có dấu của Phủ Thủ tướng còn nguyên màu mực đỏ nhưng không hề có chữ kí của ai cả. Sao cái tay chánh văn phòng Phủ thủ tướng hồi đó nó không kí vô đây cho tôi nhỉ.
Rõ là oái oăm. Được lúc tôi hăng hái nhiệt tình đi làm chính sách chế độ thì chính chế độ nó lại dội cho mình gáo nước lạnh. Ai dè Phủ thủ tướng mà cũng tào lao thế. Cấp Giấy chứng nhận Huy chương KC cho người ta mà cũng không thèm kí tá gì. Nản thế.
Vậy là tôi ôm mớ giấy tờ về nghĩ cách khác. Cách đó là tháo hai cái bằng xuống đem foto ra cũng công chứng được. Cái bằng dù sao cũng còn oai hơn cái giấy chứng nhận.
Chẳng biết vụ này rồi có đi đến đâu không. Chỉ biết rằng sau đó 2 tuần, cô nhân viên Bộ phận người có công đã thu nhận xong mớ hồ sơ của tôi với lời dặn: Có gì cháu sẽ gọi lại chú sau.
(Còn tiếp)