27 tháng 7, 2019

Số phận của Bim


Truyện ngắn của Bùi Vĩnh

Bim là tên chú chó nhỏ tuổi nhất của nhà tôi. Vào đúng chiều ba mươi tết cách đây đã mấy năm, hôm ấy trời mưa và rất lạnh, một chú chó nhỏ bỗng dưng xuất hiện tại góc sân nhà tôi, màu lông loang lổ thật khó gọi là màu gì, bé xíu như một cái lõi ngô, ướt mèm, yếu ớt, run rẩy vì rét và sợ hãi. Nhìn thấy tôi nó co rúm người lại, ve vẩy cái đuôi gầy đét, ánh mắt e dè và đầy vẻ van lơn như thể ngoài nhà tôi ra nó không còn nơi nào để đi nữa. Bọn trẻ nhà tôi đang tụ tập quanh cái máy tính thấy thế thì xúm xít vào, tíu ta tíu tít :
- Ôi nó rét quá này, để em đi lấy cái áo cũ cho nó.
-  Nó đói quá, cái bụng lép kẹp thế này chắc đã mấy ngày không được ăn gì.
Rồi anh em chúng phân công nhau, thằng lớn đi mua sữa, thằng thứ hai đốt lửa sưởi còn thằng út chịu trách nhiệm đi làm một cái ổ. Sau chốc lát làm quen dường như chú chó nhỏ cảm nhận được sự thân thiện của lũ trẻ thì không còn sợ sệt nữa, cậu chàng đánh bay một bát sữa nóng rồi ngoan ngoãn nằm yên trong cái ổ dã chiến vừa được làm từ hộp mì tôm và quần áo cũ.
Bọn trẻ đạt được nhất trí cao trong việc đặt cho chú chó cái tên là Bim, Bim vốn là tên của chú chó tài năng, trung thành và bất hạnh trong bộ phim "Chú Bim trắng tai đen" nổi tiếng mà lũ trẻ từng được xem.
Mãi qua tết vẫn không thấy chủ cũ của Bim đến tìm và thế là Bim chính thức trở thành thành viên của gia đình tôi từ đấy. Ngoài Bim ra nhà tôi còn có hai tay cẩu khủng nữa là Vàng và Capi, Capi đã già, kênh kiệu và khó tính, tên nó được bọn trẻ đặt theo tên một chú chó trong cuốn tiểu thuyết "Không gia đình", cuốn sách mà bọn chúng mê mẩn giống hệt tôi ngày còn nhỏ. Cái tên Capi hơi khó gọi nên cả nhà hay gọi nó là Pi hoặc Pi khó tính. Còn Vàng vốn là của lão hàng xóm nhà tôi, một ngày nọ lão có ý định bán nó đi để lấy tiền đóng học cho con, bọn trẻ nghe tin ấy thì xúm vào năn nỉ mẹ chúng mua về cốt để cứu mạng con Vàng. Tôi đùa rằng, mà chẳng đùa đâu, nói thật đấy: Thôi thì cứu được đến đâu thì cố mà cứu chứ con Vàng với lão Hạc thì thời nào mà chẳng có!
Bim sống ở nhà tôi được một thời gian thì trở nên mỡ màng và lớn nhanh như thổi, tính nó sôi nổi và hay bắng nhắng, mỗi khi chúng tôi đi đâu về là nó lại mừng rỡ, nhảy rối lên cuốn lấy chân đến là phiền, phiền nhưng mà cũng vui. Ban đầu cũng do cái tính bắng nhắng ấy mà nó rất hay đuổi lũ gà, thậm chí còn cắn chết mất mấy con gà bé, bực mình vợ tôi đã tính mang Bim ra chợ bán quách đi, nhưng bọn trẻ cam kết sẽ giáo dục được nó. Chúng để con gà con trước mặt Bim, dí mõm nó vào rồi lấy roi vụt chan chát xuống bên cạnh, con Bim sợ rúm vào. Vài lần như vậy mà chúng giáo dục được Bim thật.
Phải nói là bọn trẻ nhà tôi rất quý mấy con chó. Nhà tôi sống ở nông thôn, yên bình, bất chấp bị mẹ chúng rầy la, bọn trẻ rất hay chơi với mấy con chó. Có những trưa hè chúng xúm nhau vào, thằng anh thì vẽ kính, vẽ râu cho chó, thằng em thì cười lăn cười lóc, cười đến bò cả ra đất. Mà dường như mấy con chó cũng hưởng ứng những trò nghịch ngợm của lũ trẻ nên cứ xoắn xít vào rồi lại còn nhảy cẫng lên sủa inh ỏi, mất cả ngủ vì chúng, đến bực.
Bim ở nhà tôi được đúng 11 tháng thì gặp phải một trận ốm thập tử nhất sinh, nó bỏ ăn mấy ngày liền, đang mơn mởn là vậy mà bỗng trở nên rúm ró yếu ớt đến mức không thể nào đứng dậy nổi, nó thở khò khè, mắt lèm nhèm, miệng thì sùi bọt ra. Thằng lớn nhà tôi chạy đôn chạy đáo dò hỏi hết người này đến người nọ rồi mua đủ thứ thuốc về tiêm cho Bim. Chúng thức đến tận khuya để tiêm thuốc và bơm từng giọt sữa vào miệng cho Bim, con chó nôn ra, bọn trẻ kiên nhẫn chờ đợi rồi lại bơm tiếp. Phải nói là bọn trẻ nhà tôi chăm chó thì thôi rồi, giá mấy tay bác sĩ lang băm bán cả thuốc ung thư giả cũng được như vậy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.
Chữa trị cho Bim đến hơn một tuần rồi mà bệnh tình của nó không hề thuyên giảm, bọn trẻ lo lắng ra mặt, thằng lớn thất vọng nói với tôi:
- Bố ạ, chúng con đã làm tất cả những gì có thể rồi, bây giờ Bim có thể vượt qua được hay không là nhờ vào nghị lực của nó.
Ái chà, nghị lực à, chó má có nghị lực à? Tôi bỗng giật mình với câu nói của thằng ranh con mới tý tuổi đầu mà phán như ông cụ. Ấy vậy mà Bim có nghị lực thật, khi tưởng như không còn hy vọng gì nữa thì nó bỗng tỉnh dần rồi từ từ bình phục. Sau trận ốm Bim có vẻ quấn quýt hơn với lũ trẻ. Cả Vàng cũng vậy, buổi chiều khi lũ trẻ đá bóng trên mảnh vườn bỏ không của ông hàng xóm thì Bim với Vàng cũng lăng xăng chạy vào đuổi bóng hoặc tung tăng hí hởn cuốn lấy chân mấy cậu chủ mà sủa inh ỏi, riêng Pi khó tính thì cứ lầm lì nằm một chỗ, thỉnh thoảng lại tự liếm vào chân với cái vẻ khinh khỉnh rất thiếu thân thiện.
Cuộc sống của gia đình tôi cứ thế trôi đi êm đềm, thấm thoắt đã gần hai mùa đông trôi qua kể từ khi Bim đến. Thế rồi một biến cố lớn đã xảy ra. Buổi chiều hôm ấy đang yên tĩnh bỗng đâu lũ chó sủa váng lên inh ỏi phía sau nhà rồi một con chiết ranh hay cầy cáo gì đó lao vụt ra, lũ chó dồn theo sang tận bìa rừng bạch đàn rậm rạp phía xa. Bọn trẻ đi vắng còn tôi thì không thể nào cản chúng lại được. Lũ chó điên cuồng đuổi theo còn mồi đi xa tới mức tôi không còn nghe được tiếng chúng sủa, cho tới tận chiều muộn thì chúng trở về, chỉ có Pi và Vàng. Bim đâu? Nghe tôi quát con Vàng cứ lấm là lấm lét còn Pi già thì cuống quýt sụp xuống cào cào vào chân tôi. Tôi hiểu ngay là có chuyện rồi. Vừa mới tuần trước ông hàng xóm nhà tôi bị bọn cẩu tặc vợt mất con chó quý ngay trước mặt mà không làm gì được.
Bọn trẻ đã về, mấy bố con tôi tất tưởi mang dao, gậy và chuẩn bị sẵn cả đèn pin đi tìm, biết tìm đâu cho thấy. Bim ơi!
Đêm xuống, bố con tôi uể oải trở về, thằng út vừa đi vừa lẩm bẩm :
- Nhất định rồi mày sẽ trở về Bim nhé.
Quả nhiên ngày hôm sau thì con Bim trở về thật. Lúc đó trời đã nhá nhem tối,Bim trở về tiều tụy, xác xơ, lấm láp và mệt mỏi. Con Pi và con Vàng cùng lao ra, nhảy cỡn lên sủa inh ỏi. Bim nhìn tôi như muốn khóc rồi khẽ vẫy đuôi và nằm bẹp xuống góc sân, một vệt máu còn chưa khô hẳn làm bết lại đám lông trên cổ nó. Bim bị bắn, một vết thủng nhỏ đã bít kín miệng chỉ hơi ri rỉ máu ngày dưới cổ con chó tội nghiệp.
Trong tình huống bất ngờ ấy, bọn trẻ nhà tôi tỏ ra rất chuyên nghiệp, thằng lớn thì phóng đi tìm ông cán bộ thú y của xã, thằng thứ hai đi chuẩn bị bông, gạc, băng, cồn và ôxy già, thằng bé thì đi pha sữa, không khí hết sức khẩn trương.
Hồi lâu sau thằng lớn trở về, gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng pha lẫn tức giận.
- Sao vậy? Tôi hỏi.
- Lão ấy bảo có cần giềng thì lão cho mấy củ.
Con Bim yếu quá, dường như nó đã phải vật lộn rất nhiều để thoát ra nên chỉ còn đủ sức lết về đến nhà rồi nằm vật ra đấy thôi.
Hai thằng anh bàn nhau phải mổ và gắp đầu đạn ra cho Bim và thế là chúng đã áp dụng mọi sự hiểu biết cóp nhặt được từ  việc nghe lỏm hoặc từ trên phim ảnh cùng với sự hỗ trợ của tôi để làm cái việc bất đắc dĩ là phẫu thuật cho con Bim. Trong lúc đó thì thằng em đứng úp mặt vào tường liên tục cổ vũ với cái giọng nghẹn đầy nước mắt : "Bim ơi cố lên, cố lên nhé". Con Bim dường như cũng hiểu được tình cảnh của nó nên chỉ rên ắng ắng mà không giãy giụa nhiều như tôi tưởng.
Vết đạn vào sâu quá, bố con tôi không dám rạch sâu vào cổ Bim nữa, đành bất lực đợi chờ cho đến sáng hôm sau. Đêm đó trời mưa và rất lạnh, nể lời tôi bọn trẻ lên giường nằm nhưng cả mấy bố con tôi cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Chừng ba giờ sáng mưa nặng hạt thêm, gió rít từng hồi não ruột, con Pi già bỗng kêu ứ ứ và cào khồn khột vào cửa sổ, nó thường làm thế mỗi khi đòi tôi tháo xích. Tôi dậy ngó qua Bim nằm đó rồi tháo xích cho Pi. Tôi đi ra ngoài vài phút, khi quay lại một cảnh tượng khiến tôi sững sờ. Con Pi khó tính không đòi ra ngoài như mọi khi, nó cắp cái áo rách từ ổ của mình đậy lên người con Bim rồi đứng đó nửa như canh chừng, nửa như an ủi con Bim. Tôi đứng ngây ra đó, cổ họng nghẹn lại và không hiểu sao trong giây phút ấy tôi bỗng nghĩ đến những điều quá lớn lao, tôi nghĩ tới những người sống quanh tôi, những người tử tế và cả những người không tử tế...
Vừa mới sáng sớm lão cán bộ thú y xã chừng như đã hóng suốt cả đêm qua, hắn phóng vèo cái xe đạp có buộc mấy bông hoa nhựa xanh đỏ trước ghi đông đến sân nhà tôi, phanh kít lại, một chân vẫn còn gác trên xe, chẳng chào ai, hắn sấn sổ, mắt chăm chăm nhìn vào con chó, miệng liến thoắng:
- Chưa thịt à, mổ đi, tao lấy cho một cộc.
Chẳng biết ba đứa trẻ nhà tôi đã nhìn hắn như thế nào mà hắn bỗng khựng lại, mồm lắp bắp :
- Thôi thôi, thôi tao về.
Hắn quay vội cái xe, chuồn thẳng.
Bọn trẻ vẫn không chịu đầu hàng, thằng thứ hai nhớ được là đã nghe lỏm được ở đâu đó rằng đắp quả dứa dại lên vết thương thì có thể hút được viên đạn ra. Thế là chúng phân công thằng em ở nhà canh chừng còn hai thằng anh tức tốc phóng lên tận chợ thị xã để tìm mua. Thời buổi bây giờ lạ vậy, có nhiều thứ của nhà quê nhưng cứ phải lên thị xã mới mua được. Chúng mang dứa về, giã nhỏ rồi đắp cho con chó. Nhưng lần này mọi nỗ lực của lũ trẻ đã không cứu nổi Bim. Bim yếu dần, đến quá trưa thì nó nhúc nhích như muốn ngóc cái đầu dậy, một giọt nước mắt lăn ra, nó khẽ vẫy cái đuôi một cách yếu ớt rồi tắt thở.
Lũ trẻ bàn nhau xin mấy tấm gỗ tôi định để đóng tủ ra đóng hòm cho con chó, chúng đem chôn con Bim ở phía sau nhà, thằng bé còn mang chôn theo Bim cả món đồ chơi mà nó nâng niu nhất, đó là cái xe cần cẩu chạy pin mà tôi mua cho từ khi nó còn rất nhỏ.
Bữa cơm tối hôm ấy không khí nhà tôi thật nặng nề, cả nhà lặng lẽ ngồi ăn chẳng ai nói câu nào. Một chốc, thằng lớn dường như không nén nổi nữa, đang ngồi nhai trệu trạo nó bỗng đặt đánh cạch bát cơm xuống :
- Nếu bắt được bất kể thằng trộm chó nào thì dù có phải đi tù con cũng đánh.
Thằng thứ hai tiếp luôn :
- Em cũng thế.
Thằng bé nghe anh nói thế thì buông bát đũa chạy ra nằm lăn trên chiếc giường kê ở chái nhà khóc thút thít. Vợ tôi vốn không thích con mình mềm yếu, thấy thế thì vào đứng cạnh quát inh om:
- Làm sao mà phải yếu đuối thế, nó chỉ là một con chó thôi!
Thằng bé thấy mẹ phũ phàng thì càng thêm nức nở. Tôi khẽ kéo vợ ra rồi nhẹ nhàng nằm xuống kéo chăn đắp cho cả hai bố con. Vợ tôi nói đúng, Bim chỉ là một con chó, nhưng nó là con chó tử tế và tội nghiệp, ở đời cũng có rất nhiều người tử tế mà tội nghiệp, chẳng giống như người ta hay nói "ở hiền gặp lành" một chút nào. Tôi cứ mặc cho thằng bé nức nở bởi tôi tin rằng những kẻ giàu lòng trắc ẩn, biết xót thương đến cả cái cây, ngọn cỏ thì sẽ chẳng nỡ làm điều gì độc ác với ai. Tôi nằm ôm con, suy nghĩ miên man rồi thiếp đi tự lúc nào. Quá nửa đêm thì tôi tỉnh giấc, tôi thường hay tỉnh giấc vào giờ đó. Thằng bé bỗng thì thào bên tai tôi:
- Bố ơi!
- Gì hả con? Có lẽ thằng bé đã không ngủ suốt từ tối.
- Liệu có thế giới bên kia không bố?
- Có, có chứ, có thật đấy con ạ.
Tôi là người chỉ tin vào khoa học và những gì đã được khoa học kiểm chứng, nhưng vào lúc đó tôi không chỉ nói để trấn an thằng bé mà bản thân tôi cũng chắc chắn rằng nhất định phải có một thế giới bên kia, một thế giới với những điều tốt đẹp và ở đó Bim không còn phải chịu bất hạnh bởi những kẻ độc ác như ở thế giới này.
Chiều nay cũng là một buổi chiều mưa, tôi đã ngồi viết lại câu chuyện này, tôi biết chẳng ai có hơi đâu mà ngồi đọc truyện của tôi nhưng tôi vẫn muốn viết nó ra, tôi muốn tặng nó cho Bim, cho các con thân yêu và gia đình bé nhỏ của tôi, tôi cũng muốn tặng nó cho cả những gã trộm chó gian manh, lỳ lợm và độc ác đang lượn lờ đâu đó ngoài kia nữa.
CV

Chú mực nhà mẹ tôi ở quê đã bị bọn cẩu tặc bắt trôm 1 năm nay. Xem chuyện về chú Mực ở đây: 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới