HTS: Lâu rồi không gặp Trần Kỳ Trung cũng thấy nhớ lão. Đã là bạn bè dù
10 năm không gặp vẫn là bạn bè, không phải bạn bè dù ngày nào cũng gặp vẫn
không là bạn bè. Tôi với Trần Kỳ Trung thuộc lứa CBGD đời đầu của Trường ĐHSP
Quy Nhơn, nay là ĐH Quy Nhơn. Trung tốt nghiệp Khoa Sử ĐHSP 1 Hà Nội, về dạy ở
khoa Sử - Chính trị ĐHQN trước tôi mấy tháng, tôi dạy bên Khoa Ngữ văn. Thỉnh
thoảng gặp nhau Trung vẫn nhắc chuyện lần đầu tiên Trung nhìn thấy tôi: Một buổi
sáng Trung đứng trên cửa sổ tầng 2 khu nhà 3 tầng dành cho cán bộ độc thân nhìn
xuống sân, chợt thấy từ cổng đi vào một tay mặc áo bộ đội, lưng mang ba lô
lính, đầu đội cái nón lá kè xứ Nghệ đang hăm hở đi bộ từ cổng vào. Trung ngoảnh
lại nói với Võ, bạn cùng phòng: “Lại có thêm một tên nữa vào nhập bọn với quân
ta này”. Cái tay mặc áo lính vừa xuống chuyến tàu chợ Vinh – Quy Nhơn để nhập
bọn với Trung ở Trường ĐHSP Quy Nhơn ấy chính là tôi. Cùng tuổi, cùng là những
cựu chiến binh trở lại trường ĐH sau chiến tranh rồi vào Quy Nhơn lập nghiệp, chúng tôi chơi thân với nhau từ đó.
Được mấy năm, gần như cùng lúc tôi chuyển sang làm truyền hình thì Trần
Kỳ Trung trở về quê Đà Nẵng làm biên tập cho NXB Đà Nẵng. Rồi Trung trở thành
nhà văn có chân trong Hội Nhà văn VN, có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có
tác phẩm rất hài hước được dựng thành phim nhiều tập phát trên VTV như “Đọp nhà
thơ”... Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi
ngồi với nhau cả ngày vẫn chưa hết chuyện.
Lãng đãng ... Sài Gòn là bài viết của Trần Kỳ Trung đăng trên trang trankytrung.com viết sau
một chuyến Trung vô Sài Gòn. Chúng tôi đang mong đến dịp kỉ niệm 40 năm ngày
thành lập Trường ĐH Quy Nhơn để về chốn cũ gặp nhau (tuần trước Trung gọi vô nhắc tôi: ông cố mà về nhé). Đăng bài nay của Trần Kỳ
Trung như để nói lên nỗi mong chờ đó.
Lãng đãng ... Sài Gòn
Nhận được thiếp
mời của Vũ Tiến Thu, mời vào Sài Gòn dự đám cưới của con. Thu với mình một thời
cùng công tác và giảng dạy ở khoa Sử - Chính trị, trường Đại học sư phạm Quy
Nhơn. Nghĩ đây là ngày vui của bạn, biết đâu cũng là cơ hội để gặp lại bạn cũ,
mình đi liền.
Đang ở Hội An, có lẽ
cũng quen một không gian trầm, nhẹ, thưa của bước chân, thân và ngọt của sự
giao tiếp, đến Sài Gòn vào buổi sáng gần cuối xuân, chớm hè, mình thấy hơi bị
ngợp. Ngợp tiếng còi xe, ngợp với những sóng mũ bảo hiểm nhấp nhô trên đường và
ngợp của những bóng người trên những chiếc xe máy vun vút lướt ngang qua cửa
quán cà phê khi mình ngồi bên trong nhìn ra… nhưng thế thôi, như thằng cháu
nói: “Chú ở đây, nửa ngày là quen!”. Mà quen thật! Bình tĩnh điện cho nhà văn
Nguyễn Quang Lập, Lập vồn vã “Ông đang ở đâu?...được rồi… không nói nữa, chiều
thứ ba gặp nhau tại quán Ziều Đỏ của nhà thơ Đỗ Trung Quân”. Tiếp đến nhà báo
Lê Thiếu Nhơn hồ hởi: “Anh vào khi nào? Trưa mai đến em đi, rồi đi ăn cơm”. Rồi
Hà Tùng Sơn, ông bạn vàng, giống mình ưa dịch chuyển. Đang là cán bộ giảng dạy
ngon lành ở khoa văn, ĐHSP Quy Nhơn, không hiểu sao lại chuyển sang một ngành
chẳng dính dáng chút nào về giáo dục là truyền hình, bây giờ lại quay về nghề
cũ, gõ đầu trẻ. Có điều không ở Quy Nhơn mà Sơn vào Sài Gòn. Nghe thấy giọng
của mình qua điện thoại, Sơn nói rất vui: “Thôi nhé ! Đừng hẹn với ai nữa, tôi
với ông phải ngồi với nhau trong trưa mai …”. Đấy là chưa kể mấy bạn văn nữa
lại hẹn, lại mong…thời gian có hạn, đành thể tất. Chỉ thế thôi, tự nhiên thấy
Sài Gòn không còn bị “ngợp” mà như thân quen rất lâu rồi.
Tôi đi công tác Hà Nội về ghé Hội An thăm Trần Kỳ Trung, tháng 1/2010. Trái sang: Trần Kỳ Trung, Hà Tùng Sơn, Lê Văn Lợi, Võ Bá Nghị (Ảnh: Mai Thìn)
Dự
đám cưới con của bạn, nhiều lúc bần thần, bây giờ là chuyện của nó, chẳng mấy
chốc lại chuyện của mình, cũng phải lo chuyện đám cưới cho con. Thấy Thu cứ tất
bật chạy ra rồi chạy vào, dặn dò MC đừng chọc cười rẻ tiền, đến chỗ này xem lại
chỗ ngồi khách mời, đến chỗ kia giới thiệu hai họ…mà thương cho nó. Cũng bươn trải, cũng phải lăn lộn giữa cuộc sống đầy gió và bụi này, trông Thu già trước
tuổi. Thấy mình vào dự đám cưới của con, Thu mừng: “Anh sẽ gặp được
nhiều bạn bè và học sinh cũ của anh em mình, mọi người thấy anh chắc rất ngạc
nhiên!”.
Cũng buồn
cười, xem thiệp mời của Thu đề rõ ràng là đám cưới tổ chức lúc 17h30, cứ nghĩ
như ở Hội An, mình đến đúng giờ, ai ngờ…! phải đến gần hai tiếng sau mới vào
tiệc. Mình thắc mắc, Thu giải thích :“Ở Sài Gòn giờ toàn thế cả, anh đến đúng
giờ, có khi ngồi một mình, một bàn mà chờ. Thôi, anh ra đón khách cùng em”.
Khách đến, mình vui gặp lại nhiều đồng nghiệp cũ, mọi người thấy mình tay bắt,
mặt mừng. Nhìn những đồng nghiệp cũ, mới đó đã hơn ba mươi năm, thời gian trôi
nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Giờ nhìn ai trên đầu tóc cũng điểm bạc, dáng
cũng đã biểu hiện sự chậm chạp, người lên chức “ông”, chức “bà”,
bây giờ giống mình, đều đến tuổi về hưu. Duy nhất một điều mình thấy
không thay đổi, đó là tình cảm. Ngồi lại quên cả chuyện đang dự đám cưới. Vội
chúc mừng cô dâu, chú rể, vội chụp ảnh với gia đình hai họ, giơ ly, nở nhanh nụ
cười, trao phong bì mừng, rồi quay ra ngay ôn với nhau chuyện xưa, cứ y như nó
mới xảy ra ngày hôm qua. Cái ngày hành trang vào đời chỉ có mấy bộ quần áo, mấy
tập giáo trình, ăn uống cực thậm khổ như lại giàu có, vô cùng giàu có về sự
nhiệt tình. Cái nhiệt tình đôi lúc mang hơi hướng nghĩa khí của một tính cách
lãng tử, bất chấp. Lúc đó đúng là thế thật, những giảng viên trẻ như mình mới
về trường ĐHSP Quy Nhơn không hề tính toán so đo thiệt hơn về quyền lợi cá
nhân, cũng không hề ao ước có một căn nhà riêng có đủ tiện nghi vật chất mà chỉ
có một nguyện vọng là cống hiến, là trở thành những giảng viên đại học giỏi,
giỏi cả “tâm” lẫn “tài”. Than ôi! Ước mơ đó là đẹp, không ai phủ nhận nhưng
sau này đem lại kết quả như thế nào… bây giờ ngồi lại, nhắc những kỷ niệm đó,
mọi người đều cười, cười nghiêng ngả!!! Một người nói : “Hồi đó chúng mình
giống như những thằng, những con bị ma ám nên hay hoang tưởng”. Thôi, không
nhắc lại nữa, trong ngày vui con của bạn, chúng ta hãy cạn chén mừng cho bạn
sắp lên “ông”. Thu nói đúng, Hôm nay mình gặp rất nhiều em sinh viên khóa I,
lớp Sử - Chính trị , trường ĐHSP Quy Nhơn mà mình đã từng chủ nhiệm. Các em
thấy mình vào, tự động đến chào, bắt tay, ánh mắt nhìn thầy giáo chủ nhiệm cũ
cảm động. Thật mừng, nếu điểm lại, nhiều trò đã hơn thầy trên tất cả phương
diện. Có em nay là một đạo diễn, quay phim tài liệu nổi tiếng. Có em đã là Vụ
trưởng ở một vụ trong một Bộ quan trọng, có em là Tổng biên tập một tờ báo có
uy tín, số lượng bạn đọc đông … Tiếng “ Em chào thầy” của các em vẫn như ngày
nào, ấm áp, thân thiết, trân trọng. Mình nghĩ, dẫu giá trị đạo đức của thời này
đang đi dần vào sự hỗn mang, phi lý, lộn sòng giữa tốt và xấu, mình
vẫn phải cố gắng giữ, có thể “tài” chưa giỏi, nhưng “tâm” phải sạch để nghe
thấy tiếng: “em chào thầy” không có điều gì phải xấu hổ, ân hận.
Nói như vậy
nhưng để thực hiện được, không dễ !
Đến thăm Lê
Thiếu Nhơn, gặp thằng em làm báo, làm thơ đầy bản lĩnh, có tài, có nhân cách
mình vui, còn vui hơn ở đây mình gặp nhà thơ Thanh Tùng với bài thơ
“ Thời hoa đỏ” nổi tiếng, sau thành lời trong bài hát cùng tên của nhạc sỹ Đình
Bảng mà gần như thế hệ của mình, ai cũng thuộc. Với Lê Thiếu Nhơn quen biết từ
lâu, nói chuyện nhiều, nên chỉ cần nghe tiếng cười đã biết nhau suy nghĩ của
nhau nhưng riêng với nhà thơ Thanh Tùng, mình nhìn anh, mới gặp thôi, sao mà
thương đến lạ. Cảm giác này có khi bị ảnh hưởng do những lời thơ cháy ruột của
anh viết, viết cho anh, viết cho cả bọn mình. “… Dưới màu hoa đỏ cháy
khát khao/ bước lặng im trên đường vắng năm nao /Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào/Mà chẳng
cho lòng mình yên chút nào…”Nhà thơ dáng nghèo, nói từ tốn, nhìn
thấy lành và thiện. Những người như thế này thường khổ. Buổi chiều, mình cùng
Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Thanh Tùng vào một quán hình như mang tên Phố
Hội trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì phải để ăn cơm và có cớ hàn huyên. Anh
Thanh Tùng ăn ít, anh muốn dành thời gian nói chuyện với mấy đứa em. Mình thấm
thía lời anh nói: “ …Viết gì thì viết, nhưng phải viết thật, như tình yêu ấy!
Yêu thật, không giả dối. Có xa chỉ nhớ và thương thôi, để dẫu có chia tay cũng
không bao giờ mình trách mình hay trách người yêu. Viết văn, làm thơ phải như
vậy. Cứ chân thành ai cũng thương…”. Cuộc đời của nhà thơ Thanh Tùng mang nhiều
hương vị mặn của biển, nghiên ngả của gió bão, lúc mờ mịt của bụi đường mà một thời
Hải Phòng, nơi nhà thơ đã sống, thấm vào. Bây giờ nhà thơ ngồi đây, bình lặng
như một gốc cây già gan góc, xù sì chấp nhận mọi gió bão, khô hạn, lũ lụt… cố
tích nhựa, phi đời.
Cũng ở chỗ
làm việc của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nỗi mừng nhân đôi khi mình gặp nhà văn
Nguyễn Khoa Đăng. Mình đã đọc một số truyện ngắn của nhà văn, biết nhà văn viết
cuốn tiểu thuyết “ Nước Mắt Một Thời” đang gây xôn xao trong dư luận bạn đọc.
Nay trực tiếp gặp nhà văn, mừng hơn, nhà văn tặng cho mình cuốn tiểu thuyết “ Nước
Mắt Một Thời”. Cầm cuốn tiểu thuyết trên tay mình đã háo hức, tìm mọi cách đọc
ngay. Trước đây, mình viết cuốn tiểu thuyết “ Một Phần Đời Trong Chiến Tranh”,
có đề cập đến giai đoạn cải cách ruộng đất, nhưng tất cả những chi tiết đó,
mình chỉ nghe lại, nên tả chưa đến tận cùng của đáy nước mắt. Đọc cuốn tiểu
thuyết: “ Nước Mắt Một Thời” của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, có lẽ do nhà văn
trực tiếp chứng kiến, một bi kịch gia đình, một bi kịch tình yêu phơi ra như
những dòng máu chảy thành vệt hiện rõ trên tường. Một thời khủng khiếp, con
người đày đọa con người, còn hơn con người đày đọa súc vật. Thương cho nhân vật
“tôi” trong tiểu thuyết, thương cho cả nhân vật Én, yêu đến như thế, đẹp như
thế mà không thể đến được với nhau. Yêu càng tha thiết, càng khao khát lại càng
xa nhau. Một kiếp bị người ta đọa đầy cũng là một kiếp chung thủy đợi nhau. Gần
ba trăm trang tiểu thuyết “ Nước Mắt Một Thời”, có thể nói, đây là ý nghĩ của
riêng mình, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã chỉ rõ bản chất của công cuộc “cải
cách ruông đất” là gì ? Hãy đọc kỹ những trang tác giả tả hoạt động của Đội cải
cách ruộng đất, hay chân dung của Đội Khoảnh, Kền…Những màn tra tấn bắt nhận
tội, những tội hoàn toàn bịa đặt để chính những người tố “điêu" ấy cũng thấy
xấu hổ, ân hận mà không làm sao thanh minh được, để đến tối, lần mò đến nhà
người bị nạn giập đầu xuống xin lỗi.
Bản
chất của một cuộc Cách mạng nông dân hiện rõ khi có thành quả. Nó sẽ phản động,
tàn ác và đem lại hậu quả xấu khôn lường, không những cho từng gia đình mà cả dân
tộc. Với sự nhân văn, cao thượng, trong đoạn kết của cuốn tiểu thuyết, nhà văn
Nguyễn Khoa Đăng muốn kết thúc câu chuyện này có hậu. Nhưng mình vẫn nghĩ, di
hại của cái gọi là “cải cách ruộng đất”, đến nay vẫn còn, chỉ có điều nó diễn
ra dưới hình thức tinh vi hơn, tàn độc hơn, phi nhân bản hơn, hèn hạ hơn vì tư
tưởng nông dân, nếp nghĩ nông dân vẫn đang ngự trị cơ mà!
Vào
Sài Gòn, nhịp điệu cuộc sống lúc nào cũng vội, cũng gấp gáp, mình biết thế! Nên
tranh thủ đợi Hà Tùng Sơn đến đón, mình đứng trước cổng của cơ quan Lê Thiếu
Nhơn đọc gấp cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vừa tặng. Sơn đến
đón, thấy vậy cười: “Nhà văn các ông, tôi nghe nói ít đọc sách của
nhau. Nhìn ông thế này, tôi lại nghĩ khác…”. Lời nhận xét của Sơn không sai,
nhưng tùy người. Riêng với mình, sách của các nhà văn tặng, cố đọc. Đọc để học
thêm được điều gì hay điều nấy. Mình đang nghĩ, đọc xong cuốn tiểu thuyết này
sẽ viết một bài nhận xét. Thực tế đây là cuốn tiểu thuyết đáng đọc.
Buổi
trưa ở Sài Gòn trong một quán vắng, mình với Hà Tùng Sơn nói chuyện nhiều. Nói
gì thì nói, gốc của mình vẫn là anh thầy giáo, dẫu có bỏ nghề hơn hai mươi năm
nay rồi. Mỗi khi đến ngày “Hiến chương các nhà giáo” 20 tháng 11, nghĩ lại,
lòng vẫn thấy rưng rưng. Không có những năm tháng làm “thầy”, không có những
năm tháng “thầy” ra “thầy”, “trò” ra “trò” mình không thể có ngày hôm nay
và không thể có nguyên vẹn tình thầy trò như ngày hôm nay. Hà Tùng Sơn hơn
mình, đã có lúc chuyển ngành, nên một quan chức, nhưng cương quyết không bỏ
nghề, vào Sài Gòn vẫn quyết tâm trở lại với giáo án, giảng đường, vẫn đau đáu
một ước nguyện làm thế nào “thầy” ra “thầy”, “trò” ra “trò” của một trường
đại học lớn. Nhưng, bối cảnh bây giờ, xã hội đang sống, một thực tế “oi khói
đen kịt” ai cũng chứng kiến. Nói đến giáo dục chỉ có tiếng thở dài đến não
lòng, liệu quyết tâm của ông bạn vàng có trở thành hiện thực không ? Hay chỉ là
một cốc nước trong đổ xuống một ao bùn!!! Nói chuyện giáo dục giữa trưa trong
một quán vắng, thưa người, món ăn ngon thành ra nặng nề, không hợp, mình và Sơn
quay sang nói chuyện gia đình, con cái. Thế là thấy nhẹ người!
Trưa thứ ba, đang nghĩ
cách làm sao tránh được cuộc nhậu với một ông doanh nghiệp có làm ăn với vợ
chồng mình, thì được điện thoại của Nguyễn Quang Lập: "Định hẹn với ông chiều
đến nhưng tám giờ tối nay ông “bay” ra Đà Nẵng, thời gian gấp rút quá. Trưa
nay đến quán Ziều Đỏ đi, có thời gian nói chuyện nhiều. Anh Trung Trung Đỉnh,
anh Nguyễn Trung Dân và Nguyễn Nhật Ánh cũng đến…”. Thế là có cớ để khước từ
cuộc nhậu với ông doanh nghiệp nhiệt tình, hẹn khi khác. Trưa đấy mình đến quán
Ziều Đỏ. Vừa đến cũng là lúc gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập từ trên taxi bước
xuống, chưa kịp chào hỏi nhau thì một chiếc xe du lịch màu đỏ bốn chỗ ngồi xịch
tới. Nhà báo Nguyễn Trung Dân trực tiếp cầm lái, đưa nhà văn Trung Trung Đỉnh
đến gặp mấy thằng viết văn đàn em.
Mình cùng
mọi người lên gác hai, ngồi chưa ấm chỗ thì Nguyễn Nhật Ánh, trên nét mặt mồ
hôi đổ giọt không kịp lau cũng vừa đến. Đi cùng với Ánh là một em sinh viên
khoa báo chí, dáng nhanh nhẹn, nét mặt vui. Hai thầy trò ngồi chung bàn, câu
chuyện vì thế thêm ồn ã. Qua câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh,
mình mới biết thêm một chi tiết, vì Nguyễn Quang Lập không nói. Trong hội sách
vừa tổ chức, lẽ ra nhà văn Nguyễn Quang Lập, cũng giống như nhà văn Nguyễn Nhật
Ánh đến tại hội chợ sách ký tặng vào tác phẩm của mình viết, nếu như độc giả
mua có yêu cầu. Nhưng có lệnh miệng, không biết từ đâu “ ban” xuống. Yêu cầu
nhà văn Nguyễn Quang Lập không được đến hội chợ sách!!! Một cái lệnh “ cấm” hết
sức lạ lùng. Nhưng thôi, nếu nói đến chuyện “ lạ lùng” ở nước ta, thì kể cả
ngày không hết. Với lại, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Lập, đâu có
cần bán ở hội chợ, bán chỗ nào chẳng có người mua. Có kẻ “ghét” nhà
văn viết trên blog, nói cạnh, nói khóe, cũng thừa nhận đã phải mua tác phẩm của
nhà văn để đọc, mà đọc“ thích thú”. Rồi như chứng minh, nếu là tác phẩm hay,
đáng đọc, chỗ nào cũng người đón nhận, một em tiếp viên nhà hàng Ziều Đỏ (
nơi trưng bày sách của nhà văn ) đưa hai quyển sách “ Ký ức
vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập mà hai độc giả vừa mua
đến để cho nhà văn ký tặng. Nhà văn Nguyễn Quang Lập ký rất trang trọng và cho
rằng chuyện “cấm ”không cho nhà văn đến hội chợ sách ký tặng tác phẩm của mình
cũng là một chuyện hết sức… trang trọng, không phải nhà văn nào cũng được như
thế!
Mấy nhà văn
được ngồi với nhau, rượu vào, lại rượu ngon, tất yếu lời ra, ra vô tội vạ. Nhà
báo Nguyễn Trung Dân mang ra một chai rượu ngoại “ khủng”, mình
không uống rượu nhiều, nên không biết tên, chỉ có một thoáng vơi gần nửa. Giữa
trưa, quán Ziều Đỏ phải phục vụ cơm văn phòng nên đồ nhậu mang lên chậm, chỉ có
rượu “ chay” nên phải uống. Uống rồi, phải say. Say thì phải nói. Nói chuyện
trên giời, dưới biển. Nguyễn Nhật Ánh nhận xét, trong những tản văn
hay mà nhà văn Nguyễn Quang Lập viết, có bài “ Niệu liệu pháp” là hay nhất. Nhà
văn Nguyễn Quang Lập cũng gật đầu công nhận vì có một thời ai nói gì cũng nghe,
những điều vô lý mà cứ tin, tin một cách thành thực. Huống hồ là “ cái nước”
của chính mình thải ra, chẳng lẽ mình lại hại mình à! Bây giờ mới phát hiện ra
rằng, không ai hại mình cả, mà có hại may lắm chỉ vài lần. Còn chính mình đi
lừa mình, hại mình thì lúc nào cũng có. Đề phòng đấy mà vẫn cứ bị lừa. Nguyễn
Nhật Ánh hỏi tất cả mọi người trong bàn “ Uống chưa?” . người gật đầu: “ Uống
rồi!”, kẻ thì bảo “ Tôi không uống, nhưng bố tôi uống!”, ngừơi khác thừa nhận:
“ Do uống nhiều bia quá, đến lúc uống nước… của mình, khai toàn mùi bia, nên
tôi sợ!”. Cười đau cả ruột!
Cô
bé đi cùng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hóa ra là đồng hương với nhà văn Nguyễn
Quang Lập, nhưng có thêm một chi tiết cảm động, cô bé chính là cháu nội của
nhạc sỹ Nguyên Nhung, tác giả những bài hát vang mãi một thời: “ Chiếc đàn
môi”, “Bài ca bên cánh võng”… Những bài hát của nhạc sỹ Nguyên Nhung, như nhà
văn Nguyễn Quang Lập đánh giá là “ sang trọng”. Bài hát “ Bài ca bên
cánh võng” từng theo mình suốt dãy Trường Sơn năm 1972, khi dừng chân bên con
suối, mắc võng đung đưa: “ Dừng chân bên suối võng đưa. Rừng ru ta thân
yêu như quê nhà. Như con thuyền trên bến. Đợi rẽ sóng trùng khơi…”. Bọn
mình hát lại cho cô bé nghe bài hát đó, ánh mắt cô bé rung rưng, cảm động, chắc
đang nhớ về ông nội của mình.
Chuyện không
ra đầu, ra đũa cứ thế cho đến hết buổi chiều…
Cũng
còn may ra sân bay kịp!
Tạm
biệt nhé! Một lần lãng đãng… Sài Gòn.