Đến hẹn lại lên, năm nay tôi lại tham
gia chấm tuyển sinh môn văn khối D cho Trường KTL trong vai trò tổ trưởng tổ chấm kiểm tra.
Một kì thi có được gọi là thành công
hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chấm thi mang ý nghĩa
quyết định. Vì thế mà mọi người đều tham gia với tất cả trách nhiệm và lương
tâm nghề nghiệp.
Thương các thí sinh khối D vì năm nay đề văn hơi bị khó.
Làng Đại học QG TP. HCM tại P. Linh Trung, Thủ Đức nhìn từ lầu 6 ĐH. KTL
Vào
những ngày này, trong lúc các thí sinh đang dài cổ ngóng trông kết quả thi của
mình sẽ lần lượt được xuất hiện đầu tiên trên một số mặt báo thì ở các trường đại
học đã và đang khẩn trương tổ chức chấm thi tuyển sinh của kì thi đại học năm
2014..
Ai
cũng biết tất cả các khâu diễn ra của một kì thi tuyển sinh từ ra
đề thi, tổ chức thi đến chấm thi, công bố kết quả thi là cả một quá trình quan trọng như thế
nào. Ở mỗi khâu trong đó cũng là một quy trình nghiêm ngặt khác được quy định từ Bộ Giáo dục và
Đào tạo và từ Hội đồng tuyển sinh của các trường đại học. Tất cả đều nhằm để có
được một kì thi nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả và khách quan.
Riêng
ở khâu chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hẳn 2 điều 27 và 28 trong Quy chế
tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy. Từ đó hội đồng tuyển sinh của các trường
đại học ban hành quy trình chấm thi. Ở mỗi trường sẽ thành lập một ban chấm
thi. Mỗi môn có một tổ trưởng chấm chính thức và một tổ trưởng chấm kiểm tra. Các
túi bài thi được các thành viên của một ban thư kí dồn túi và đánh phách theo một
trình tự nhất định kèm theo một phiếu chấm được thiết kế để các giám khảo chấm
trọn vẹn một túi bài phù hợp và đảm bảo theo nội dung của đáp án.
Giám
khảo của các các tổ chấm được dành hẳn một thời gian đủ dài để nghe tổ trưởng hướng dẫn
chấm thi; thảo luận về việc chấm thi theo đáp án. Sau đó tổ trưởng môn chấm sẽ
cho cả tổ chấm chung khoảng 5 bài để mọi người vừa làm quen với đáp án, với quy
trình chấm; vừa thống nhất quan điểm chấm đúng theo đáp án của Bộ.
Mỗi
bài thi sẽ được chấm ít nhất với 2 giám khảo 1 và 2. Các giám khảo phải bắt thăm để biết mình chấm túi bài số mấy. Tổ trưởng sẽ rút một tỉ lệ
bài theo ngẫu nhiên để chấm lần 3. Mỗi lần chấm được hội đồng tuyển sinh quy định
bằng một màu mực thống nhất. Việc chấm thi theo đúng màu mực giữa các lần chấm
là một nguyên tắc bắt buộc. Chẳng hạn ở Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại
học Quốc gia TP.HCM, ở tổ chấm thi chính thức quy định: chấm lần 1 màu tím, chấm
lần 2 màu đỏ, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu xanh lá. Sau khi chấm chính thức, một
tỉ lệ bài theo quy định được rút ngẫu nhiên để chuyển cho tổ chấm kiểm tra. Ở tổ
chấm kiểm tra lại có 3 màu mực khác. Trong đó chấm lần 1 màu nâu, chấm lần 2
màu hồng, chấm lần 3 (của tổ trưởng) màu cam. Chỉ riêng việc tìm cho ra đủ các
sắc màu mực để chấm cũng đã là cả một kì công của các hội đồng chấm rồi. Đó là
chưa nói chuyện sau khi công bố điểm thi chính thức, sẽ có một lượng thí sinh làm
đơn yêu cầu chấm phúc khảo. Khi đó mỗi bài thi phúc khảo sẽ có thêm 3 màu mực nữa
của hai giám khảo chấm và của chủ tịch hội đồng. Chỉ chừng đó cũng đã đủ để làm
nhức đầu các thành viên ban thư kí chấm thi.
Lại được gặp cái cổng trường rất giản dị nhưng rất đáng kính trọng của Trường Đại học KTL, giản dị như cổng của một công trường đang xây dựng nhưng lại đang là niềm mơ ước cháy bỏng được đặt chân vào của hàng vạn thí sinh trên cả nước.
Trong
quá trình chấm, để đảm bảo khách quan, những người chấm thứ nhất và những người
chấm thứ hai ngồi ở những phòng khác nhau và không biết ai là người chấm chung
bài với mình. Người chấm thứ nhất chỉ được phép chấm trên phiếu chấm, tuyệt đối
không được đặt bút vào bài thi. Người chấm thứ hai sẽ chấm trực tiếp trên bài. Việc
đối chiếu điểm giữa hai lần chấm do ban thư kí thực hiện. Sau đó hai giám khảo
chấm lần thứ nhất và lần thứ hai sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất điểm cho mỗi
bài và chính thức ghi điểm vừa bằng số vừa bằng chữ rồi cùng kí tên vào bài.
Sau
khi chấm kiểm tra xong, nếu có sự chênh lệch điểm với lần chấm chính thức thì tổ
trưởng chấm chính thức và tổ trưởng chấm kiểm tra sẽ ngồi lại với nhau đối thoại
để thống nhất điểm chấm cuối cùng. Trường hợp hai tổ trưởng không thống nhất được
với nhau, điểm chấm của bài thi được xác định dựa trên trung bình cộng đã làm
tròn đến 0,25 của các lần chấm.
Khu vực chấm thi được đặt trong hai lớp bảo vệ nghiêm ngặt. Vòng ngoài đặt ở tiền sảnh ra vào dưới chân cầu thang máy. Vòng trong ở ngay hành lang tầng lầu dành làm khu vực chấm. Chỉ có các lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh và những người trong Ban chấm thi mới được đặt chân vào.
Có
thể khẳng định, việc chấm thi tuyển sinh vào đại học được thực hiện hết sức
công phu và nghiêm ngặt. Tất cả nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học và hiệu
quả. Từ đó bảo đảm được quyền lợi chính đáng của thí sinh và tuyển chọn được những
thí sinh xứng đáng vào các trường đại học.
Một cặp giám khảo tổ chấm kiểm tra
Khu chế xuất Linh Trung nhìn từ lầu 6 Đại học Kinh tế - Luật