Chử
Anh Đào
Ở một trong những
câu thơ mở đầu “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết: “Những điều trông thấy mà đau
đớn lòng”. Trong thơ chữ Hán, tác giả cũng đã thốt lên: “Không thể không rơi
lệ vì những điều trông thấy”.
Một trong “Những
điều trông thấy” ấy của Ông là thái độ của nhà thơ với quần chúng lao động và
với giai cấp phong kiến thống trị.
Đối với những nạn
nhân đau khổ nhất trong xã hội, với những kiếp người hèn yếu nhất, bị đày đọa
nhất, những kiếp sống lao khổ nhất trong quần chúng, lòng xót thương của Nguyễn
Du thật vô hạn, không chút ẩn ý nào. Trong xã hội cũ, bị khinh rẻ nhất là những
người đàn bà bán thân nuôi miệng, những ca nhi, kí nữ “vô loài”. Khác hẳn với
cách nghĩ của nhiều nhà Nho đương thời và cả một số học giả sau này nữa, giải
thích những người buôn nguyệt bán hoa là do bản tính của họ, Nguyễn Du hiểu
cảnh ngộ lỡ làng đã xô đẩy những người con gái xấu số sa chân vào nghề ô nhục
mà đành bỏ phí hạnh phúc của tuổi thanh xuân. Nhà thơ thông cảm sâu sắc với nỗi
bàng hoàng ngơ ngác của người gái giang hồ khi trở về già sống trong cảnh tồi
tàn không nơi nương tựa, với những cái chết “vùi nông một nấm” không hương
khói của họ và cái tiếng vô nhân của xã hội dành cho họ:
Nghiệp
chướng phấn son lúc sống đã không rửa sạch
Sau khi
chết chỉ để lại tiếng gió trăng
Tình
thương mến của Nguyễn Du rộng mở đối với tất cả mọi hạng người bị chà đạp. Nhà
thơ dành lòng ưu ái đặc biệt đối với quần chúng lao động. Vấn đề cơm ăn, vấn đề
đói rét, vấn đề lao động vất vả luôn là những vấn đề trung tâm của quần chúng
lao động. Trong “ Truyện Kiều” hầu như không có thì ở “Thơ chữ Hán” thành chủ
đề lớn. Trong thơ chữ Hán, chỉ hai lần Nguyễn Du dùng từ “tương” (相 –cùng, với ) thì là để gắn kết nhà thơ với những người
lao động vất vả. Đó là người đốn củi trong đêm giữa đồng quê:
-
Đêm trọ giữa đồng quê gặp bác tiều
Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau
(Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành)
Là
người phu xe giữa trưa nắng lửa trên đường đi Hồ Nam:
-
Anh đẩy xe kia ở đâu ta nhỉ
Nhìn nhau thấy vất vả như nhau
(Hà Nam
đạo trung khốc thử)
Trong “Thái Bình mại ca giả”, Nguyễn Du kể lại chuyện một
ông già mù đi hát rong để xin ăn. Hôm ấy nhà thơ đi thuyền. Có thuyền bên cạnh
gọi ông già xuống hát. Từ bên này nhìn sang, nhà thơ chăm chú theo dõi từ chiếc
áo mặc bằng thứ vải thô, từ cử chỉ cảm kích của ông lão khi được người nhận cho
nghe hát đến cái vẻ mệt mỏi đuối sức của một người già phải vừa đàn vừa hát
suốt một trống canh chưa nghỉ. Đàn hát mệt tới mức “miệng sùi bọt mép, tay mỏi
rã rời”. Mệt nhọc như vậy, rốt cuộc chỉ được dăm sáu đồng tiền. Số tiền thù lao
tuy thật bạc bẽo nhưng ông lão vẫn không ngớt lời cảm tạ.
Dọc đường đi sứ,
Nguyễn Du gặp một người mẹ dắt con đi ăn xin. Đứa bé được người mẹ ẵm trong
lòng; đứa lớn xách giỏ tre. Nhà thơ nhìn vào bên trong chiếc giỏ: “Trong giỏ
đựng những gì?/ Rau cỏ lẫn tấm cám”. Người đàn bà đi xin ăn từ sáng đến trưa mà
vẫn không được gì. Nước mắt đầm đìa vạt áo. Nhưng đau xót hơn là cảnh mấy đứa
trẻ còn thơ dại không hiểu được nỗi lo lắng đang vò xé lòng mẹ, cứ thản nhiên
vui cười như không. Nhà thơ cảm thông sâu sắc tâm tình của người mẹ khi này:
Cảnh chết
ngòi rãnh trông thấy trước rồi
Máu thịt
nuôi sài lang
-
Mẹ chết không
đáng tiếc
Vỗ về con mà càng đứt ruột
Lòng đau xót vô cùng
(Trông lên) Trời, mặt trời vàng
úa
(Sở kiến hành)
Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du thật xót xa khi ghi lại
những cảnh sống cơ cực “dân ăn nửa tấm cám”; cảnh chết vạ vật đầu đường xó
chợ, chết nơi ngòi rãnh, chết mà chỉ còn “một hạt táo lăn ra cạnh người”.
Những cảnh này hẳn sẽ là những ấn tượng sâu sắc của nhà thơ để rồi Ông viết
thành “Văn tế thập loại chúng sinh”- bức tranh khái quát về những cô hồn nhan
nhản trên cõi dương của cuộc đời thực bấy giờ.
Tất cả những buồn
thương căm giận, những cảm nghĩ cổ kim dồn lại thành bài thơ kiệt tác “Phản
chiêu hồn”. Bài thơ bộc lộ tập trung và cao nhất con người Nguyễn Du. Bài thơ
là lời từ chối cương quyết cái cõi người
sống này. Theo thông lệ, ngày 5 tháng 5 tết Đoan Ngọ, người dân đem đồ cúng ra
sông Mịch La nơi Khuất Nguyên trẫm mình để gọi hồn Ông về. Trái với lệ thường,
Nguyễn Du bảo hồn đừng trở về cõi đời này nữa. Cõi đời không còn chỗ nào là chỗ
có thể dung thân cho những người lương thiện, trong sạch. Sống lương thiện
trong sạch đã là chuyện từ thời Tam Hoàng lâu lắm rồi. Còn bây giờ thì “đông
tây nam bắc không có nơi nào nương tựa cả/ Lên trời xuống đất đều không được.”
Lời từ chồi cương quyết đó là nhận thức khái quát về lịch sử xã hội: Lịch sử có
áp bức là lịch sử ăn thịt người. Nguyễn Du nhận rõ cuộc đời sở dĩ ghê tởm vì
thời nào cũng thế, có một bọn người giả nhân giả nghĩa mà độc ác vô cùng được
phép ngự trị cuộc sống. Chính bọn này là nguyên nhân của tình cảnh “ dân hàng
mấy trăm châu đều xơ xác gầy còm, không một ai béo tốt” Nguyễn Du đã phản ánh
cái nhìn bi đát và phẫn uất với toàn bộ cuộc đời: “Đời sau ai ai cũng là
Thượng Quan/ Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La/ Cá rồng không ăn, hùm sói
cũng ăn/ Hồn ơi, hồn ơi/ Hồn làm thế nào?”
Như thế, “những
điều trông thấy” là những rung động của Nguyễn Du trước hiện thực. Nó sâu sắc
và phản ánh rõ con người Nguyễn Du với những phẩm chất tâm hồn nghệ sĩ rõ ràng
hơn nhiều, đầy đủ và phong phú hơn nhiều so với những lần nhà thơ trực tiếp hay
gián tiếp thổ lộ tâm sự riêng, thổ lộ “tấc lòng” của mình. Chính ở đây Ông mới
trở thành “nhà thơ” theo nghĩa chân chính của từ này.
C.A.Đ
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới