20 tháng 6, 2014

Âm thanh



                                                          Nhàn đàm của Chử Anh Đào         

          Âm thanh góp phần làm nên cuộc sống. Có những âm thanh như tiếng mẹ ru con, tiếng tình nhân rót mật vào tai nhau những lời minh sơn thệ hải…người ta nghe cả đời không chán. Lại có những âm thanh như bom rơi đạn nổ, giông bão thét gào thì chẳng ma nào thích. Thích hay không thích là quyền của mỗi người. Mặc! Âm thanh tồn tại cả trước khi có loài người và còn tồn tại mãi mãi. Vấn đề ở đây là tính mức độ. Tính mức độ là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp. Mà ranh giới giữa cái đẹp và cái buồn cười, cái xấu nhiều khi chỉ là một sợi tóc, rất mong manh, dễ chuyển hóa. Hãy thử đặt mình là đối tượng được thưởng thức các loại âm thanh sau đây, bạn hẳn sẽ đồng ý ngay với tôi rằng chúng không dễ chịu chút nào.

          
 Bắt đầu từ một ông bạn, quê ven biển miền Trung, phát âm thiếu dấu, “cà có cuống, cà có đuôi”. Đang nhẹ nhàng du dương trong quán cà phê Nhạc Trịnh, như bị điện giật, ông nhổm người lên, luống cuống thọc tay vào túi quần. Thì ra là có người gọi tới. Cái điện thoại Tàu, ở âm lượng nhỏ nhất vẫn hào sảng như loa phường vang lên cả mấy mươi mét nhạc hiệu “Tiểu đoàn 307”. Rất ý tứ, ông khum tay như bịt bớt âm thanh rồi đi ra ngoài sân. Xa rồi mà vẫn cứ như “trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh” cả làng cả tổng đều nghe thấy. Những thông tin riêng tư như em gái bị chồng đánh, cháu sẩy thai ở bệnh viện, ông sui tai nạn giao thông… lập tứcchui tọt hết vào những lỗ tai không chờ đợi.
          Lại một ông bạn vong niên nữa. Ông này xa quê đã hơn nửa thế kỉ nhưng vẫn khăng khăng thâm tình với cố hương bằng cách giữ nguyên giọng nói đậm đặc thổ âm và phương ngữ nơi chôn nhau cắt rốn, y ông Hạ Tri Chương đời nhà Đường trong “Hồi hương ngẫu thư”. Miệng lại méo, lại có tật vô duyên chưa nói đã cười, thành ra phải rất thân , vừa nghe vừa đoán mới dich ra tiếng Việt được khoảng 80% nội dung thông báo. Ăn nhậu chỗ nào thì ông này lập tức trở thành trung tâm ngay vì cái giọng oang oang đầy rẫy vần trắc, lại có nhu cầu làm thầy giáo, đứng hẳn lên mà khoa chân múa tay như lãnh tụ trước đám đông bần hàn, dốt nát, lên giọng chỉ bảo, dạy dỗ người ta. Hậu quả, ông là nạn nhân của chính mình: ba lần thay răng giả vì tai nạn giao thông và “lời nói- đọi máu”
          Ối giời! Còn một vị khác. Đầu tóc quần áo lúc nào cũng bóng mượt chỉn chu, mày râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh. Kính trắng gọng vàng, comple cà vạt ngay cả lúc trời 38 độ. Thường trực tới mức người ta thắc mắc sau lưng: Không biết lúc ngủ với vợ lão có cà vạt comple không nhỉ? Ông này có đặc tính là gặp ai cũng bắt tay nồng nàn và âm lượng lời nói cỡ 80 đề xi ben. Hôm ở đám tang, ông vác bộ dạng thường lệ nhưng đeo cái cà vạt màu đỏ của đám cưới mà oang oang chào hỏi, tay bắt mặt mừng những người quen như bạn bè họp mặt sau hai ba mươi năm xa cách. Nhoài sang phía chủ nhà bàn bên, ông hỏi: “Cụ năm nay bao nhiêu tuổi ấy nhỉ?”. “Dạ kém bốn tuổi đầy một trăm.” “Đại thọ! Phúc đức! Mình năm nay cũng kém hai mươi bốn tuổi đầy một trăm. Thế cụ đi lúc mấy giờ?” “Dạ, hai giờ sáng hôm qua.” “Tốt quá!” Chả biết cái gì là “tốt quá” ở đây.

         
 Cơ quan tôi sáu chục người. Tháng họp toàn thể một lần. Thủ trưởng thường trực bộ mặt nghiêm trọng làm ai cũng phải giật mình tự hỏi không biết mình đã mắc lỗi gì. Dù người hơi bị ngắn nhưng ông đường bệ bởi vòng bụng trên 120 và dáng đi như bơi bướm của mình. Không biết có phải là cách để tăng quyền uy hay tính chất trọng đại của công việc mà ông nói rất nhỏ, cứ thì thầm như bọn làm bạc giả, như kẻ trộm chia của. Ngay cả những người ngồi gần ông nhất cũng đã dỏng hết cả tai lên mà vẫn bập bõm không trọn vẹn những lời vàng ý ngọc. Đã thế, thỉnh thoảng lại hét lên : Tôi nói các đồng chí nghe rõ không? Dạ. Riêng câu này thì chúng em rõ ạ.
          Thật không muốn làm người đọc chán nản, bực bội nhưng những chuyện trên không phải là cá biệt. Tôi viết bài này trong ồn ã của âm thanh kinh kệ mở hết vô lim từ 9 giờ sáng tới bây giờ là 15 giờ chiều trong ngôi nhà mặt tiền phố LTT, đối diện với một trường học lớn. Thiển nghĩ Đức Ngài có phục sinh hiện hữu thì ắt Người sẽ không gào lên như thế. Phiền lắm! Ở đây hình thức âm thanh chính là nội dung. Sở hữu âm thanh như thế nào, người ta sẽ biết tới tư cách và trình độ văn hóa của chủ nhân những âm thanh ấy.
                                                                        PK 20.6.14
                                                                             C.A.Đ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới