12 tháng 6, 2014

Môn sử, vì sao...?



                                                                            Chử Anh Đào

          Chất lượng dạy-học, thi cử ở các cấp trong những năm gần đây và số lượng thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử ở kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng đào tạo của ngành giáo dục nước ta hiện nay.
          Là một người trong ngành, lại phụ trách bộ môn mà từ xa xưa có cùng nguồn cội (Văn-Sử-Triết bất phân), người viết bài này không thể không có ý kiến. Tất nhiên không có tham vọng và cũng không thể trông đợi chỉ một bài viết nhỏ, phiến diện mà thay đổi được đại cục.
          Xin được bắt đầu với những kỉ niệm thời thơ ấu, dù đấy là truyền thuyết, dã sử hay chính sử, nhưng các bậc cha mẹ, ông bà, các thầy cô giáo đã gieo những hạt mầm đầu tiên vào tâm hồn thơ trẻ, non nớt về niềm tự hào về nòi giống Tiên- Rồng, về sức mạnh quật khởi chống giặc ngoại xâm và ý chí ngăn sông dời núi của tổ tiên ta…Những sự tích trăm trứng, Thánh Gióng, Sơn tinh- Thủy tinh đã góp những viên đá tảng đầu tiên cho nhân cách làm người sau này. Chúng là những dấu son trọn vẹn trong tâm hồn mãi cho đến khi con người ấy trở về với đất. Lớn lên chút nữa, ở bậc trung học cơ sở là những cọc gỗ nhọn trên sông Bạch Đằng Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên; là “Gươm mài đá, đá núi phải mòn/ Voi uống nước, nước sông phải cạn/ Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” của “Bình Ngô đại cáo”, là Quang Trung Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, chiến bào sạm khói súng, chiến thắng mấy mươi vạn quân Thanh vào ngày mùng năm tết “Mùng năm ết trận thắng to/ Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân”… Đó còn là những con người bằng xương bằng thịt được bao phủ bằng lấp lánh hào quang huyền thoại. Bà Trưng cưỡi voi ra trận nhưng khi Mã Viện bắt quân lính cởi truồng để đánh nhau thì Hai Bà với nữ tính của giới mình đã xấu hổ mà vỡ thế trận.Nhưng hình ảnh “Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành” của Hai Bà còn phấp phới bay mãi trên đầu các đấng bậc nam nhi đại trượng phu. Bà Triệu khi cưỡi voi đánh giặc phải dắt vú vào cạp váy cho khỏi vướng. Người đan sọt làng Phù Ủng Phạm Ngũ Lão mải suy ngẫm về vận nước mà quân lính đâm giáo vào đùi, máu đầm đìa chảy mà không hay. Yết Kiêu – môn khách của Trần Hưng Đạo là vị thần Rái cá hóa thân giúp nhà Trần. Trần Bình Trọng thà “làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”… Rồi đến chuyện kể Điện Biên Phủ với con đường ngầm trên đồi A1, lá cờ chuẩn đỏ thắm, những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… Tất cả, tất cả đều hiện lên rất sống động. Vì sao vậy? Là vì sự háo hức được hiểu biết về ông cha mình của người nghe, người học. Và quan trọng hơn, cách dẫn dắt câu chuyện, giọng kể của thầy, của các bậc trưởng lão cứ y như là người trong cuộc đã tham gia các cuộc chiến đấu lừng danh ấy. Người kể bằng cả cảm xúc chân thành và nồng cháy đã hóa thân vào nhân vật, sự kiện mà truyền đạt lại. Vì vậy sức hấp dẫn và sự thuyết phục được nhân lên tới cả hàng trăm lần so với (ví dụ) một giọng điệu dửng dưng ngoài cuộc, bất đắc dĩ phải nói; nói mà không tin điều mình đang nói.
          Như thế, điều có thể khẳng định vị trí đầu tiên ở đây là người thầy. Nếu là một thầy giáo giỏi giang về chuyên môn và tràn đầy lòng nhiệt huyết thì không phải chỉ là Văn, là Sử mà dạy bất cứ môn nào học sinh cũng đều kính trọng, hứng thú học tập. “Chỉ mong đến giờ của thầy” là tâm trạng chung của nhiều thế hệ học sinh dành cho thầy giáo yêu kính của mình. Thầy giỏi ắt có nhiều trò giỏi và ngược lại. Đó là chân lí phổ quát, không có ngoại lệ.

          Thứ đến, đành rằng tất cả các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội đều không nằm ngoài chính trị và phục vụ chính trị. Nhưng mỗi môn khoa học lại có đặc trưng riêng của nó. Khoa học, khách quan, trung thực là một trong những đặc trưng của môn Lịch sử. Sử sách phong kiến đã đáp ứng yêu cầu này. Nhà vua cũng không có quyền can thiệp. Khí tiết viết sử của các nhà sử học thời Xuân Thu còn vằng vặc mãi đến ngày nay. Vua thông dâm với vợ quan đại thần Thôi Trữ, bị người chồng giết chết. Các sử quan dù người trước bị mất đầu nhưng người sau vẫn chép như thế (chứ không phải “đau tim”,  “đột quị” theo yêu cầu của triều đình). Ở một nước khác, có nghĩa trang chung cho những người đã ngã xuống khi tham gia nội chiến nồi da nấu thịt. Tất cả không một ai bị lãng quên vì họ cùng góp phần cho lịch sử đất nước sang trang mới. Họ còn làm một bộ phim hoành tráng về trận đại bại của họ trong thế chiến thứ 2 nhằm phản ánh trung thực lịch sử và rút ra bài học để những sai lầm không lặp lại. Lịch sử Việt Nam hiện đại thì lại khác. Có lẽ vì muốn động viên khích lệ nhằm đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng mà sách giáo khoa và các phương tiện thông tin đại chúng đều một bài một giọng: thế giới chia làm hai phe, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn; quân ta thông minh, kiên cường, nhân đạo; quân giặc ngu dốt, hèn nhát, dã man…Thật là “Mất vệ sinh, bội thực tự hào” (Nguyễn Duy- Nhìn từ xa, Tổ quốc). Chưa kể, chưa học đã biết trước là ta nhất định thắng, địch nhất định thua thì còn học làm gì nữa. Nhàm chán, vô vị là kẻ thù của nhận thức, khám phá. Chưa kể đến một lúc nào đấy người ta nhận được thông tin tất cả không hoàn toàn như vậy. Người ta mới ngã ngửa người ra , có cảm giác như bị lừa, hoang mang không biết tin vào đâu nữa. Đến bây giờ, trong một thế giới phẳng, những phát ngôn kiểu “dân chủ gấp vạn lần”, “là hai anh em canh hòa bình cho thế giới” đã mang lại sự mỉa mai không mong muốn. Sử thi Ấn Độ Mahabharrata đã rất chí lí khi thông qua một câu chuyện cụ thể để rút ra kết luận là: Đức hạnh được giáo dục trong sự một chiều, bưng bít thì rất bấp bênh! Có cảm giác ở ta, môn sử đã không được tách riêng, độc lập mà bị gộp, bị chi phối trực tiếp với các môn khoa học xã hội khác thuộc kiến trúc thượng tầng. Đây là lí do thứ hai khiến ít có thầy giỏi và học sinh, sinh viên chán học môn sử. Đã chán học sử nhà, cộng với sự xâm lăng, tiếm ngôi của các phương tiện thông tin giải trí khác, người ta đâm ra thuộc sử Tàu, y phục, trang điểm theo Hàn quốc. Sự khủng hoảng của môn sử góp phần làm lung lay tận gốc rễ văn hóa truyền thống Viêt mà hành động một thanh niên hôn chỗ ngồi của “ngôi sao” Hàn quốc là một vết nhục tầm quốc thể khó rửa sạch. Định hướng tương lai cho cá nhân, cho cả dân tộc là một trong những nhiệm vụ của môn sử. Buồn thay, trên thực tế, nó đã không làm được.
          Chắc chắn còn những lí do, những phương cách khác như tâm lí thương mại, thực dụng của xã hội; chương trình, sách giáo khoa; phương pháp ra đề kiểm ta, đánh giá, phương pháp giảng dạy bộ môn…Nhưng những điều đó ngoài tầm hiểu biết của người viết bài này./.
                                                                    PK. 12.6.14
                                                                   C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới