20 tháng 4, 2014

Viết nhân ngày đọc sách


Hôm nay chủ nhật, nằm võng đung đưa và đọc một lèo cuốn Chắp nối Trường Sơn của Nguyễn Xuân Sùng.

Cầm cuốn sách do Sùng kí tặng gửi từ Ba Đồn vô, lúc đầu thì cũng như với những cuốn sách được tặng khác, tôi cũng chỉ định đọc xem ông bạn học cùng lớp 16D này viết cái chi và viết ra răng thôi. Nhưng rồi tôi đã bị hút vào ngay từ những trang đầu tiên và cứ thế, đọc mải mê cho đến hết. Hóa ra tay Xuân Sùng này lâu nay mình nghĩ hắn chỉ hay có mỗi vụ thỉnh thoảng làm mấy bài thơ tình có đủ anh anh em em để đọc cho tụi con gái lanh chanh trong lớp 16D hâm mộ và tranh nhau chép vô sổ tay. Ai dè với văn xuôi Sùng mới là thế mạnh. Và làm sao mà Sùng lại viết hay thế.  Rất tự hào vì có ông bạn học viết văn hay. 
Vừa đọc vừa dự định sẽ viết một bài về cuốn sách này của bạn. Có thể trong tuần này sẽ xong. (Bạn đọc muốn mua cuốn sách trên của Nguyễn Xuân Sùng liên hệ theo địa chỉ: 99 Chu Văn An, Ba Đồn, Quảng Bình; ĐT: 0916763575; giá sách 85.000đ. Tác giả sẽ gửi sách qua bưu điện) 

Tối nay xem Tv thấy chính phủ vừa ra quyết định để nước ta có thêm một ngày hội mới trong năm, Ngày hội sách Việt Nam. Thảo nào mà hôm nay tôi chúi mũi vào sách cả một ngày.

Nhưng nhớ lại thì riêng về vụ ra cái ngày hội sách Vn này, chính phủ đã đi sau Tp. HCM một bước khá dài. Bởi cách đây 4 năm, vào tháng 4 năm 2010, do có gửi tham luận nên tôi đã được BTC mời tham dự một hội thảo về ngày Tết sách Vn ngay tại công viên Lê Văn Tám nhân Hội chợ sách Thành phố HCM lần thứ nhất.

Bản Tham luận này đã được đăng ở mấy nơi, nhân ngày này đăng lại để chào mừng Vn ta chính thức từ nay có ngày hội sách và cũng là để chào mừng cuốn sách hay của Nguyễn Xuân Sùng vừa được NXB Văn học ấn hành.

Đăng tạm cái bìa sách của Sùng. Bài viết sẽ đăng sau


Đọc sách là biểu tượng của văn hóa và văn minh


Thứ Bảy, 10/04/2010, 14:16
 

Từ xa xưa, khi kĩ nghệ làm giấy chưa ra đời, loài người đã biết dùng tre làm thẻ để viết sách, mặc dù sách viết trên thẻ tre vô cùng phiền toái và phức tạp. Điều đó nói lên vai trò không thể thiếu của sách và đọc sách trong lịch sử tiến hoá của xã hội loài người. Trong một xã hội phát triển, không thể thiếu sự đồng hành của sách và đọc sách. Nói cách khác, đọc sách là biểu tượng của văn hoá và văn minh.

Trên thực tế cuộc sống, có một bộ phận người không cần đọc sách, ngoài những cuốn sách giáo khoa mà họ buộc phải đọc khi đi học. Và họ vẫn sống bình thường, vẫn đi lại bình thường, có khi vẫn giàu có, sang trọng. Nhưng chắc chắn họ không phải là những người thực sự có văn hoá, ít nhất là với văn hoá đọc. Trong trường hợp này, văn hoá đọc với những người này là một thứ vô nghĩa.

Nói như vậy cũng là để nói rằng, muốn xây dựng một xã hội văn minh, trước hết con người sống trong xã hội đó phải có văn hoá, có tri thức. Một xã hội không thể trở nên văn minh khi trong xã hội đó, văn hoá và tri thức của nhân loại có hằng hà sa số trong những cuốn sách bị coi rẻ. Con người muốn có văn hoá để trở thành người văn minh trong một xã hội văn minh không thể không đọc sách. Vì thế mà nói sách là công cụ, là phương tiện và cũng là biểu tượng của  một xã hội văn minh.

Trong sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin điện tử ngày nay, các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, báo điện tử, mạng internet với lượng thông tin vô cùng phong phú và đa dạng đã và đang ngày càng trở thành  nỗi đam mê của số đông người dân Việt Nam, tưởng có lúc và sẽ đến lúc sách và thú đọc sách sẽ bị ném ra rìa cuộc sống.  Nhưng thực tế, sách đã trở thành một thị trường  văn hoá đầy tiềm năng và ngày càng có chỗ đứng vững vàng trong một xã hội đang phát triển. Theo đó số người đọc sách  ở nước ta vẫn chiếm số đông. Có được thực tế đáng mừng đó là do lượng người có học ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Muốn tăng được học vấn thì phải không ngừng bổ sung tri thức với một trong những con đường có hiệu quả nhanh nhất và kinh tế nhất là đọc sách.

Từ rất lâu, những ai đã đến với thú đọc sách đều nhận ra rằng, sách là người bạn tri âm, là người thầy dễ chịu nhất. Từ những trang sách, người  đọc sẽ đến với một thế giới muôn màu muôn vẻ, có đủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sách bổ trợ cho chúng ta những kiến thức cần thiết trong cuộc sống, dạy cho chúng ta những bài học ứng xử mang đậm tính nhân văn và văn hoá để chúng ta trở nên hoàn thiện hơn,  văn minh hơn.

Từ những cuốn sách ngỡ như vô tri vô giác, người đọc sách dù ở trình độ học vấn nào, cũng có thể tìm thấy cho mình một chân trời mới của kiến thức và nhất là những bài học bổ ích cho cuộc sống; thậm chí đã có không ít những cuốn sách có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời người đọc theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chẳng hạn đó là những cuốn sách trong Tủ sách hạt giống tâm hồn. Những cuốn sách như thế đã làm thay đổi cả những quan niệm, quan điểm sống tưởng như đã trở thành cố hữu trong tâm trí người đọc. Trong lúc đó, để thay đổi được cả một quan điểm sống là điều không dễ chút nào. Vậy mà sách đã làm được. Đó chính là sức mạnh tiềm tàng của sách và hiệu quả vô cùng to lớn từ việc đọc sách. 

Vì thế mà nói, đọc sách là biểu tượng của con người có văn hoá và văn minh. Một xã hội chưa trọng thị sách là một xã hội chưa văn minh; một con người chưa có thú đọc sách thì con người đó đã khuyết đi một mảng lớn về văn hoá. Việt Nam ta đang hướng đến việc xây dựng một xã hội văn minh, có một Tết đọc sách hàng năm để tôn vinh sách và việc đọc sách là đúng lắm rồi.


Hà Tùng Sơn - Nhà báo, Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định

Bạn đọc có thể download bài tham luận tại đây









2 nhận xét:

  1. Tôi đọc bài của ông lại thấy "hay hơn" đọc tác phẩm của S đấy, thực tình cũng có đôi đoạn nó "khia" hoặc nhớ sai tôi và Long đã chỉnh nhưng nó bảo để thế cho "oách".. Nhìn chung cũng khá chính xác nhưng có nhiều đoạn nhạy cảm bị cắt mất đấy
    Nó cũng dày công lắm đó ấp ủ từ ngày "mất dạy" đến giờ mới đẻ được đấy. Thôi thì cảm ơn ông đã đọc và ôn lại những gi ta đã qua, còn bọn con cháu ta nó k ngó đến đâu ông ơi...??!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tối qua ăn cơm xong, nghía mắt hết bản tin TS của VTV là tôi mở máy, gõ một mạch trong 2 tiếng là xong đấy ông Tạm Đình Chiến à. Viết về thế hệ chúng mình, về bạn bè mình nên cũng chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều lắm. Con chữ cứ tuôn trào.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới