2 tháng 4, 2014

Văn hóa JRai, Bah Nah trong hành trình phát triển



                                                                         Th.s Chử Anh Đào


          (Tham luận tại hội thảo khoa học, đề tài KX.03.06

           Của Viện Thông tin KHXH. Tháng 4 năm 2014)
         

          Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng với các tộc người Dẻ- Triêng, B Râu, Rơ Măm, Xơ Đăng, JRai, Bah Nah, Ê Đê, Mơ Nông, Co, Mạ…lâu nay đã được coi là một vùng (khu vực) văn hóa.
  Cư dân bản địa, có mặt sớm nhất ở đây là hai tộc người JRai và Bah Nah. Họ chiếm gần 40% dân số trong 34 dân tộc khác đang sinh sống tại Gia Lai.
          Văn hóa truyền thống tộc người trong hành trình phát triển chung về kinh tế, chính trị, xã hội- nhân văn…có nội dung rất rộng lớn. Bằng chứng là chỉ một vấn đề nhỏ trong đó thôi cũng đã có thể trở thành những đề tài nghiên cứu độc lập. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi hoàn toàn không có tham vọng dựng lên khái quát và đầy đủ diện mạo văn hóa truyền thống JRai, Bah Nar và vai trò của nó trong quá trình phát triển đi lên ở địa phương nói riêng và trong cả nước nói chung, mà bằng kinh nghiệm sống, qua điền dã, quan sát và nghiền ngẫm, cùng với tâm huyết của mình, chúng tôi phát biểu, hoàn toàn trung thực, không tưởng tượng, hư cấu và chịu trách nhiệm trước các ý kiến của mình. JRai và Bah Nar là hai dân tộc khác nhau, hệ ngôn ngữ khác nhau, tất nhiên có những dị biệt nhưng lại có những tương đồng lớn. Chúng tôi cố gắng chỉ ra những điểm chung về văn hóa truyền thống ấy. Có thể bị coi là võ đoán, không có sức thuyết phục khoa học vì sự “chung chung” hoặc ít có các số liệu minh chứng cho các nhận xét của mình. Chúng tôi mong được lượng thứ.

                          
          Vào thời kì cận, hiện đại, người JRai và Bah Nar đã bước vào xã hội manh nha giai cấp. Có thể còn sớm hơn nữa là khi hôn nhân một vợ một chồng đã bền vững. “Chồng chị thì để cho chị, chồng em thì để cho em” (Hơ mon Bài ca nàng Hơ Bia Đrang) Người chị dâu yêu nhầm em chồng vì bùa ngải đã nhảy xuống thác tự tử (Sự tích đèo Tô Na). Xã hội đã phân chia giàu nghèo; xuất hiện nhân vật trẻ mồ côi, những người có thấp hèn phải đi ở cho chủ làng; có người đứng đầu một đơn vị hành chính (Plei- làng) là các Pơ tao; có chiến tranh giữa các làng; bắt nô lệ (giá nô lệ là phụ nữ cao hơn nam giới vì họ là những người rất hay quên- theo quan niệm của tác giả dân gian), đem trâu bò sang Lào đổi chiêng ché và vũ khí, phản ánh manh nha của nền sản xuất có trao đổi và mua bán… Tất cả những cái đó làm nên văn hóa JRai, Bah Nar để sau 1975 họ bước vào một con đường mới cao “gấp vạn lần” đời sống khi xưa.
          “Khi xưa” còn là như thế nào?
          Về văn hóa vật chất, người JRai, Bah Nar đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy. Ở nhà sàn. Đồ ăn thức uống hoàn toàn tự cấp tự túc: thú rừng, rau cỏ, chim chóc, cá mú, ớt và lá mì, cà đắng. Thức uống được ưa thích là rượu ghè, làm bằng gạo, bắp, mì hoặc kê; men lá bằng các nguyên liệu trong rừng do phụ nữ ủ… Kinh tế và số phận người đều gắn bó máu thịt, sống còn với rừng, nghiêng về chiếm đoạt, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Trong khẩu ngữ, người ta gọi đấy là nền văn minh “phát, đốt, chọc, chỉa” (những công đoạn đầu tiên của việc làm rẫy của đồng bào)
          Về văn hóa tinh thần, người JRai, Bah Nar có những phẩm chất và giá trị tuyệt vời đến mức, nếu có CNCS và nhân loại xây dựng thành công nó thì mới mong thế giới đại đồng gặp lại.
          Đồng bào quan niệm “vạn vật hữu linh” .Quan niệm này có hai mặt:thể hiện sự nhỏ bé, yếu ớt của con người trước tự nhiên và sự trân trọng tất cả những gì tồn tại ngoài con người, rất gần gũi với một chủ nghĩa nhân đạo cao quí. Họ có rất nhiều “Giang” (thần): Giàng (Trời), thần rừng, thần cây, thần sông, thần suối, thần giọt ( bến) nước, thần rượu, thần chiêng, thần nhà Rông… Và cũng chính vì vậy, người JRai, Bah Nar có rất nhiều lễ hội về vòng đời người và sản xuất nông nghiệp trong một năm: Lễ đặt tên, lễ thổi tai, lễ cầu sức khỏe, lễ cưới, lễ bỏ mả; lễ chọn đất lập làng, lễ cúng giọt nước, lễ mừng cơm mới…Trong các lễ hội này, các Giang là bề trên nhưng ở một mức độ nào đấy là sòng phẳng, ngang hàng, có qua có lại. Con người dâng lễ vật, vật hiến sinh và cầu mong các thần phù hộ, giúp đỡ để nguyện vọng của họ thành hiện thực. Thậm chí còn kèm theo lời “dọa”: nếu các thần không giúp, chỉ lấy không thôi thì năm sau chúng tôi sẽ không cúng nữa!
          Trong hoàn cảnh lệ thuộc quá nhiều vào tự nhiên như vậy thì tính cố kết, đoàn kết gắn bó giữa những người trong một cộng đồng là một tất yếu.Mới quen, tìm hiểu về nhau, sau khi hỏi tên nhau sẽ là câu hỏi: “Anh (chị) ở làng nào?” Nếu vì lí do gì đó mà một cá nhân phải rời xa khỏi cộng đồng (lạc rừng, đi xa, bị phạt vạ…) thì khả năng tồn tại của anh ta thật mong manh, hay ít ra anh ta cũng nghĩ như vậy. Anh hùng Đinh Núp đốt lửa giữa lòng Hà Nội, Hòa Bình vì nhớ làng, nhớ rừng. Nghệ sĩ Y Dơn ói ra cái thứ rượu (của người Kinh) không có mùi men là của rừng trên đất Bắc, sau này rời xa thị thành Plei Ku trở về bên túp lều “ như lều vịt” mãi tận Ia H Leo- địa phận cuối tỉnh Gia Lai, đầu tỉnh Đăk Lắc để vui sinh sống. Xưa nay, bị đuổi ra khỏi cộng đồng là hình phạt lớn nhất, nhục nhã nhất nếu cá nhân nào vi phạm luật tục (trộm cắp, loạn luân chẳng hạn). Điều này cũng lí giải vì sao hầu hết các anh hùng, trí thức, nghệ sĩ JRai, Bah Nar sau khi nghỉ hưu đều quay về làng nơi mình đã sinh ra để sống quãng thời gian ít ỏi còn lại với cộng đồng: Đinh Núp, Xu Man, Y Dơn, Hơ Ben, Y B Rơm, Lưu ô y Nôm…là những người như vậy.
          Hàng nghìn vạn năm nay, lẽ công bằng, lòng bác ái , yêu thương trân trọng con người được cộng đồng nơi đây tôn thờ và thực hiện triệt để trong đời sống. Sản phẩm lao động, cúng tế được chia thành các phần đều nhau. Thật sai lầm nếu vào một nhà, một làng nào đấy mà anh chỉ cho bánh kẹo trẻ con, thuốc lá cho ông già. Tất cả đều cần phải được bằng nhau. Dấu vết ấy còn “sót” lại cho mãi những năm gần đây. Ở những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, mọi trợ giúp của nhà nước đều công bằng với tất cả mỗi nhà. Nhưng cũng có một số chương trình tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác thì cần “ bình bàu” một số gia đình thôi. Dân làng đồng ý. Họ cùng đi cõng tấm lợp, cõng gạo… về, gom chung lại rồi…chia đều. Sau 1975, một người đàn ông Bah Nar ở vùng An Khê đã tự tử vì xâu thịt của mình không bằng những người khác. Không phải ông ta tham lam, ganh tị mà ông tự tử để tạ lỗi với thần linh, để bảo vệ lẽ công bằng ngàn đời của dân tộc mình.
          Người JRai, Bah Nar có đời sống vợ chồng chung thủy. Họ ít khi bỏ nhau, ít khi li dị. Khi hai tai không cùng nghe một tiếng chiêng, hai mắt không nhìn cùng một dòng suối, người chồng lấy rựa chém vào cột nhà cạnh bếp lửa như một dấu hiệu cáo chung. Trong nhà con cháu luôn vâng lời cha mẹ, ông bà. Đồng bào giáo dục con cháu bằng hành động nêu gương (nói ít làm nhiều) là chính. Giá trị của mỗi cá nhân được đo bằng hành động và hiệu quả của nó. Đây cũng là bài học cho lớp cán bộ nhà nước hiện nay trong tuyên truyền vận động quần chúng; cũng là một gợi ý cho các nhà văn khi xây dựng nhân vật người dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
          Những con người của núi rừng ấy là những người yêu lao động và tôn trọng sản phẩm lao động. Nếu như bị đuổi khỏi làng là nhục nhã nhất thì lời mắng mỏ “đồ làm biếng” là lời nặng nề và xấu hổ nhất. Khi được một vật gì từ người khác, dù nhỏ tuổi hơn mình, bao giờ người già cũng hơi cúi người xuống và nhận bằng cả hai tay. Đây là một cử chỉ cảm động, văn minh, không có ngoại lệ, một bài học về phẩm giá con người.
          Tộc người JRai, Bah Nar còn là chủ nhân ông của kho tàng Fonclore cực kì đồ sộ và độc đáo. Các tác phẩm đủ thể loại đã được sưu tầm, công bố và đang tồn tại như một dòng chảy ngầm mát lành trong đời sống hôm nay chứng tỏ điều đó. Các anh hùng ca, trường ca, Hơ mon, Hơ ri, truyện cổ, tục ngữ, câu đố, dân ca, dân vũ, cồng chiêng, tượng mồ…đã làm nên chân dung tâm hồn của hai dân tộc này. Họ là những người sáng tạo, tác phẩm của họ đã được công bố, phổ biến rộng rãi. Nhưng họ xa lạ với các từ “nghệ thuật”, “nghệ sĩ” mà chúng ta khoác cho họ. Họ sống bằng cuộc sống nghệ thuật tự thân. Sáng tạo cái Đẹp (như hoa văn trên tẩu thuốc, cung nỏ, gùi, khố áo, trang trí nhà mồ…) cần như không khí hít thở hàng ngày. Họ làm việc bằng sự thôi thúc nội tại và có lấp lánh đâu đấy sự trợ giúp của thần linh. Họ không “làm”, không “diễn”, không “chơi” và không bao giờ ý thức những sản phẩm có giá trị thẩm mĩ ấy là hàng hóa, có thể buôn bán làm giàu.Họ tìm thấy niềm vui vô bờ bến trong quá trình sáng tạo. Vì thế, khi công việc kết thúc cũng là khép lại một thăng hoa, không kèm theo sự hân hoan “ra mắt” của cuộc khai sinh nào.
          Tất cả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó cần thiết và có ích biết nhường nào để thúc đẩy cuộc sống đi về phía trước. Cũng như vỗ tay cần nhiều ngón tay, dựng nhà rông phải có những cây gỗ cứng.
          Tuy nhiên, văn hóa JRai, Bah Nar bên cạnh những “thuần phong” còn tồn tại những “hủ tục” gây phiền toái, tai họa, cản trở sự phát triển. Đó là quan niệm, thử và xét xử “ma lai”. Người bị nghi là ma lai gây đau ốm và chết chóc cho người ở gia đình khác phải xử tội chết theo luật tục. (năm 2013 số người bị giết trong một vụ lớn hơn 1ở vùng An Khê) Cũng theo
 luật tục, người ta đổ chì nung chảy vào tay, thi lặn nước…để kết luận là có hay không có tội (!) Người mẹ chẳng may chết sau khi sinh đẻ, người ta sẽ chôn sống theo đứa con để nó tiếp tục được bú sữa mẹ ở thế giới bên kia. Rải rác ở một số địa phương còn duy trì tục chôn chung mất vệ sinh. Trong lễ Pthi có nơi (Ia Mơ Nông- Chư Pả) người ta đã rất lãng phí khi giết hơn ba chục con trâu bò. Cũng như chọi trâu, chọi chó, chém lợn của người Việt, tục đâm trâu ở đây còn nhiều ý kiến chưa ngã ngũ…
          Giờ đây, văn hóa truyền thống Jrai, Ba Nar, bên cạnh việc được giữ gìn phát huy bản sắc, còn đang đứng trước nhiều nguy cơ biến dạng, mai một, biến mất- như những Khan, Hơ mon một đi không trở lại.
          Nguyên Ngọc khái quát : Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Với đồng bào cuộc sống của họ đồng nghĩa với sự tồn tại của rừng. Còn rừng là còn tất cả; mất rừng là mất tất cả. Mấy chục năm trở lại đây, người ta khai thác rừng vô tội vạ, có thể nói là tàn sát và hủy diệt, như một chủ trương trước đây: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.” Thử ghé qua một số nhà giàu có ở Plei Ku và các thị trấn, ta sẽ bắt gặp những bộ bàn ghế bằng gốc, rễ cây phun sơn Pơ mu kềnh càng chiếm một không gian rộng lớn dù giá trị thẩm mĩ của chúng cần phải xem xét lại. Vài ba năm gần đây, ở chợ hoa xuân Plei Ku nhan nhản những độc bình, tượng Phúc, Lộc, Thọ và những hình thù kì quái bằng…rễ cây..Phá cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Thiên tai: hạn hán, lũ lụt là những quả báo nhãn tiền mà con người phải hứng chịu.
          Các chính sách, chương trình của nhà nước hỗ trợ vùng đồng bào đặc biệt khó khăn như 135, 134, 167… đã mang lại những hiệu quả thiết thực, thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng dân tộc. Nhưng còn nhiều điều cần khắc phục. 400 met vuông cho mỗi hộ là diện tích quá ít ỏi so với quĩ đất ở Tây Nguyên. Các khu tái định cư, các ngôi nhà làm theo chương trình 167 với giá rẻ, không đảm bảo chất lượng, chỉ sau 1 mùa đã xuống cấp trầm trọng. Chúng như dị vật, người dân không thích sống trong những căn nhà này. Dùng làm kho cũng không được vì mùa mưa là lênh láng nước tràn qua nền nhà. Các công trình nước sạch: giếng khoan, đào, bể nước chỉ có nước vào mùa mưa; trục trặc, hư hỏng trong thời gian ngắn.Những can, vỏ chai nhựa hầu như đã thay những quả bầu đựng nước truyền thống. Các nguồn hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi còn manh mún, năng suất thấp, chưa thành sản xuất hàng hóa và không có đầu ra. Chỉ riêng bò giống lai đã đủ chuyện khóc cười. Bò lai ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng. Phải trồng, mua cỏ cho bò- điều đồng bào dân tộc chưa bao giờ hình dung nổi. Sống cùng bầy đàn, những con cái khỏe mạnh đã bị bò ta chiếm hết. Chỉ còn những con già ốm, không chịu nổi sức nặng của bò Tây, gãy xương hông mà chết.
          Hầu hết các xã vùng 3 , do tiền của các chương trình cao su tiểu điền và của nhà nước đã xây dựng cái gọi là “ nhà rông văn hóa” hàng trăm triệu đồng. (Chúng ta hay nhân danh những cái mình không có hoặc cấm những cái không quản lí nổi) “Nhà rông văn hóa” ở trong khuân viên UBND xã (xã Trang- Đak Đoa) hay ở rìa làng, bằng tôn và bê tông cốt thép, cửa quanh năm im ỉm khóa, không ai thèm tới. Từ không gian tới chất liệu đều xa lạ với tâm linh của đồng bào về một mái nhà cộng đồng do công sức mỗi người đóng góp mà thành. Vậy “văn hóa” chỗ nào? Cơ sở vật chất trường học theo chương trình 135 chỉ dừng lại ở các trung tâm xã. Các làng còn lại, nhất là các lớp Mầm non vẫn tạm bợ hoặc học nhờ ở nhà rông, nhà dân. Ngành giáo dục mắc bệnh thành tích mạn tính nên báo cáo các tỉ lệ hàng năm vẫn ở trên trời. Thực tế chất lượng giáo dục vùng đồng bào còn rất thấp. Tỉ lệ bỏ học hàng năm đều ở mức báo động. Học sinh dân tộc bỏ học bởi nhiều lí do: quan niệm của cộng đồng, phụ huynh: học không ra tiền, không nuôi sống được ai; do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do phong tục tập quán, mùa vụ, lễ hội; do học yếu không theo kịp chương trình, chỉ thích học mãi lớp 3(!); do địa hình chia cắt, mùa mưa bão không thể tới trường (xã Ia Rú- KÔng Chơ Ro) Mấy năm trước, xã Yun cách thị trấn Chư Sê 15 km, dù được địa phương tạo thêm điều kiện nhưng vẫn không có học sinh ra học ở trường nội trú huyện.
          Các hoạt động văn hóa ở cơ sở ít có sự đầu tư của nhà nước. Những hoạt động mang tính tự thân, tự giác bị yêu cầu trình diễn ở hội trường, quảng trường gượng ép, mất hết hồn vía.Đến đây, chợt nhớ câu thơ của Võ Sa Hà: “Mang về một cành đào núi/ Trồng ngay cạnh cái tủ tường/ Hồn đào thoát xác bay mất/ Khinh khao đào cười trong gương”. Lớp trẻ ngày một xa rời văn nghệ dân tộc mà hướng thị hiếu thẩm mĩ vào các bản nhạc, điệu nhảy ngoại lai dù rất ít hiểu thấu đáo về chúng. Thanh niên xã Kroong- Kơ Bang sau mùa đi vác gỗ huỳnh đàn thuê, lấy tiền mua xe máy, âm li, mở nhạc uống rượu ồn ào từ mỗi sáng sớm. Nhiều trí thức trẻ dân tộc, chủ yếu là đối tượng giáo viên, mờ mịt về văn hóa ông cha mình.
          Nhiều tệ nạn xã hội mấy ngàn năm trước không bao giờ có nay xuất hiện. Ăn xin, Lừa đảo, cướp của, giết người, hiếp dâm, truyền đạo trái phép, vượt biên, bạo loạn…có địa chỉ là người JRai, Bah Nar thực hiện. Đây là hồi chuông báo động về sự xuống cấp, tha hóa về văn hóa của dân tộc vốn tốt đẹp xưa nay.
          Nguyên nhân của những sứt mẻ, tổn thương văn hóa
          Nguyên nhân khách quan
          Vùng văn hóa, nền văn hóa là một hiện tượng xã hội, không bao giờ tồn tại độc lập mà do các yếu tố địa lí, thương mại, chiến tranh, giao lưu, thông tin… mà chúng ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong dòng chảy lịch sử. Trong sự ảnh hưởng qua lại ấy, hiển nhiên có cả hai mặt tiến bộ và lạc hậu.
          Nguyên nhân chủ quan
          - Khai thác rừng có tính chất hủy diệt.
          - Một số chế độ, chính sách của nhà nước chưa thật kịp thời, phù hợp, triển khai chậm hoặc đã lạc hậu so với thực tế: Chuyển rừng nghèo sang trồng cao su tiểu điền (chưa kể các chủ đầu tư lợi dụng để phá thêm rừng); cung cấp giống, phân bón chậm so với thời vụ; không mua hết hàng trợ giá cho nông dân, đồng bào phải bán cho tư thương với giá không thỏa đáng; tới nay, nhiều người đã dửng dưng với các mặt hàng muối, dầu thắp, vải vóc mà nhà nước phát không hàng năm từ những năm đầu giải phóng.
          - Công tác giáo dục nhân dân về văn hóa, văn hóa truyền thống dân tộc còn hạn chế. (Công tác này không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa- thể thao) Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn nhiều bất cập (tiền bạc, thời gian, năng lực quản lí, trình độ, nhiệt tình tâm huyết của cán bộ thực hiện…)
          - Các thế lực phản động lừa đảo, lôi kéo, xúi giục đồng bào theo đạo Tin lành Đê ga, vượt biên hoặc nổi loạn, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội.
          Một số kiến nghị
          - Các chủ trương chính sách của nhà nước cần xuát phát từ thực tiễn địa phương, cần nương theo qui luật của cuộc sống, tránh áp đặt để có sự đồng thuận và hiệu quả cao nhất. Cụ thể:
          + Đóng cửa rừng, trồng rừng mới, dù phải mất hàng mấy thập kỉ để tái sinh rừng nguyên sinh. Cà phê, cao su không phải là rừng nguyên nghĩa. Dù những cây công nghiệp này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng phải qui hoạch với một tỉ lệ hợp lí, vì cao hơn nữa là sự sống, là văn hóa của đồng bào dân tộc.
          + Ngừng ngay các dự án thủy điện vừa và nhỏ vì sự tù mù của thiết kế, vì phá rừng, vì thảm họa lũ lụt như ở một số địa phương trong thời gian vừa qua.
          + Tăng cường vốn ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo lớn người dân tộc. Duy trì sĩ số học sinh. Mở thêm trường nội trú tỉnh ở hai khu vực An Khê và A Yun Pa, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường nội trú huyện.
          + Thành lập các làng nghề truyền thống, mở các hợp tác xã thủ công, các lớp truyền dạy nghề, văn nghệ dân gian dân tộc với kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Mọi thứ có thể bị bê tông hóa song tâm hồn con người, bản sác dân tộc dứt khoát cần mãi tươi non như từ thủa khởi nguồn.
          + Tận dụng mọi điều kiện cho phép để truyền bá văn hóa JRai, Bah Nar ra Việt Nam và thế giới. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các tộc người khác mà không đánh mất bản sắc riêng của mình./.
                                                                   PK. 3.2014
                                                                       C.A.Đ      
         

          TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.    Chử Anh Đào- Lễ Pthi của người JRai- T/c văn hóa dân gian-H.1993

        - Nhà rông văn hóa và nhà rông…-T/c Nguồn sáng dân

           Gian- H.2011.

2.    Tô Ngọc Thanh, Đăng Nghiêm Vạn…- Folclore Bah Nar- Sở VH-TT Gia lai- Kt.1988.

3.    Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên)- Các dân tộc ít người ở Gia Lai- Kon Tum- KHXH.H.1985

4.    Nhiều tác giả- Địa chí Gia Lai.GL 2002

5.    Các công trình, tác phẩm của Nguyên Ngọc, Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Quang Tuệ, Thu Loan…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới