24 tháng 4, 2014

Nhà thơ Tùng Bách "Gặp Chí - Nở bây giờ"



Thơ và lời bình

                             NHÀ THƠ TÙNG BÁCH

                             “GẶP CHÍ- NỞ BÂY GIỜ”



                                                          Chử Anh Đào



                   Quả là bác nói không sai

                   Em vẫn thường xuyên gặp Chí

                   Hai thằng lai rai vài xị

                   Bán trời chẳng cần hóa đơn



                   Chí giờ có vẻ trẻ ra

                   Mặt mũi ngời ngời bác ạ

                   Hắn bảo còn hắn trên đời

                   Chị em dại gì hóa đá



                   Làng quê giờ là nguồn cội

                   Thích cứ việc kéo nhau về

                   Gà qué bướm hoa đều sạch

                   Nói túm lại là khỏi chê



                   Thị Nở nghe đâu lên huyện

                   Làm phòng văn hóa thông tin

                   Răng khểnh, tóc hoe, má lúm

                   Dọc ngang ai cũng ưa nhìn



                   Cháo hành giờ là đặc sản

                   Một tô nghi ngút mười nghìn

                   Giải cảm, giải sầu, giải mã

                   Ấn tượng cứ là khó quên



                   Bất cứ lúc nào bác nhở

                   Cảm thấy bứt rứt trong người

                   A lô thằng em một phát

                   Úi dào! Đời được mấy mươi

                                                T.B


          Khi tác phẩm nghệ thuật đã được công bố thì từ đây hình tượng nghệ thuật sẽ tạm chia tay với người cha tinh thần của mình để bước vào cuộc sống mới với công chúng. Và do vốn kinh nghiệm, vốn sống, vốn văn hóa, thị hiếu thẩm mĩ…cá nhân mà có bao nhiêu người đọc, người xem thì có bấy nhiêu hình tượng nghệ thuật. Thậm chí, ngay trong một người, ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời, cảm thụ về một hình tượng cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, hình tượng Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ở những năm tháng ấu thơ của độc giả sẽ rất khác với khi anh ta đã ngoài bốn, năm mươi tuổi.

          Theo xuất xứ thì Tùng Bách nghe lỏm được câu chuyện của hai hành khách ở ga Nam Định mà viết thành bài thơ này. Tất nhiên đấy là một cách nói của kiểu sáng tạo “mượn lời”. Tác giả gặp nhân vật ở chính nơi chôn nhau cắt rốn là điều kiện tốt để hiểu đúng, hiểu sâu về hoàn cảnh, tính cách của nó. Chí Phèo- “con quỉ dữ của làng Vũ Đại” mà một thời ai ai cũng phải tránh xa, khi rượu vào, hắn chưỉ cả làng thì ai cũng tự an ủi kiểu AQ răng “chắc hắn trừ mình ra” giờ đây trở thành bạn của nhiều người: thường xuyên gặp nhau, cùng là “cánh ta” và cùng “lai rai vài xị”. Một kiểu uống bình dân trong những lúc nông nhàn, hoàn toàn không phải kiểu dốc ngược cái chai mà đổ ồng ộc rượu vào mồm như trước kia dù Chí vẫn còn phảng phất con người cũ: coi trời bằng vung và một tấc đến giời “Bán trời chẳng cần hóa đơn”. Ngược với qui luật tự nhiên, “Chí giờ có vẻ trẻ ra”, “mặt mũi” thì “ngời ngời” như  không phải mới ở tù ra mà vừa xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về. Ma lanh và liều như Chí, thế nào chẳng có dăm ba ngàn “uôn” lận lưng làm vốn. Ngày xưa khi còn là một anh tá điền, bà Ba dâm đãng sai vào bóp chân, hắn chỉ thấy nhục. Nhưng sau cuộc “tình một đêm” với Thị Nở, hắn phát hiện ra và vô cùng tự hào với khả năng duy trì nòi giống của mình. Hắn tủm tỉm khi hắn đè Thị ra, Thị kêu to, hắn còn kêu to hơn và Thị vừa kêu vừa ấn lưng hắn xuống. Hắn tự tin: ngày nào hắn còn sống thì ối chị em được nhờ, được sung sướng. Chẳng có đứa nào ngu hóa đá mà mong chờ một con đực còn biền biệt mãi tạn phương trời xa xôi nào, cực mịt mờ cái gọi là ngày đoàn tụ. “Hắn bảo còn hắn trên đời/ chị em dại gì hóa đá”

           Sau này chính quyền mới cấp giấy hôn thú cho hai đứa. Bá Kiến vào tù.Thì cái sự đời, nước xuống kiến ăn cá mà lại! Chí Phèo dọn về nhà Bá Kiến, chiếm hẳn cái giường gỗ sưa tiền tỉ mà mây mưa với tình yêu của mình và nghe đâu được dân bàu làm chủ tịch xã. (Ông chủ tịch này rất hay ngáp và ngủ gật- nghe đồn thế.) Vợ hắn cũng đổi đời “từ trong tới ngoài” như tiên đoán của nhà thơ lá cờ đầu thi ca cách mạng. Thị Nở giờ “răng khểnh, tóc hoe, má lúm” rực lửa, ai nhìn cũng phát thèm, nghe nói sắp đi thi hoa hậu quí bà thành đạt khu vực đồng bằng sông Hồng, không đoạt vương miện quyết không chịu về. Thị làm việc ở ngành văn hóa thông tin vinh quang, ra rả ngày bốn lần sáng trưa chiều tối phổ biến chủ trương chính sách giải tỏa đền bù với bà con quê nhà. Mỏi mồm một tí nhưng công việc ổn định lâu dài, đầy rẫy tương lai. Và “cháo hành”- cái thể hiện tình yêu bằng vật chất mà chỉ có vật chất mới có thể đánh bại ấy của Thị “giờ là đặc sản”. Bây giờ cả làng cả tổng, cả khách thập phương tham quan du lịch đều được xì xụp thưởng thức. Biết đâu mai kia lại chả được thế giới công nhận là “Văn hóa vật thể- ẩm thực”. Chả bõ ngày xưa dấm dúi, lén lút như mèo dấu cứt, mãi mới lừa được bà cô mà mang ra cho Chí. Chỉ có điều đã thành tật, Thị nói xong hay kèm theo câu “Ghét thế” như cái đêm ở vườn chuối bờ sông năm nào.

          Ghi lại cuộc trò chuyện của hai người khách ắt là bình dân, Tùng Bách có lối kể và sử dụng thành công các khẩu ngữ: “lai rai”, “xị”, “nói túm lại”, “cứ là”, “một phát”, “úi dào”, “nghe đâu”…

          Trở lên, trong con mắt của nhà thơ, Chí Phèo và Thị Nở đã đổi đời, đã hoàn lương, thành người có ích cho xã hội. Bóng hoa chế độ ưu việt đã tỏa mát, là mái che an ủi vỗ về năm tháng cho “Đôi lứa xứng đôi”. Chỉ có điều tôi hơi hoang mang: Chí đang biến thành mình hay mình đang thành Chí đây mà vài chục năm nay người ta nói về hắn nhiều thế?

                                                          PK 14.4.14

                                                             C.A.Đ 
           



                              

                                               


2 nhận xét:

  1. Thị Nở lên huyện ngời ngời
    Sao xưa gọi là Thị Nở
    Phải chăng Thị đã thẩm mỹ
    Hay hai lão ấy nhìn say?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Chí nay vô thường vụ
      Sao xưa lại gọi là Phèo
      Phải chăng thành phần bần cố
      Đã đưa anh bay, bay xa.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới