30 tháng 4, 2014

Đi chơi 30-4



Ngày nghỉ lễ không đi đâu xa, không lẽ ở nhà nằm võng nhìn mây bay hoài, bèn rủ rê bà xã đi lòng vòng nhằm ôn lại kỉ niệm 39 năm trước cũng vào ngày này tôi đặt chân đến Sài Gòn để được Sài Gòn giải phóng. Chỉ có điều khác là 39 năm trước, tôi phải mất 3 năm kể từ khi rời đất Bắc mới tới được Dinh Độc Lập. Còn nay thì từ nhà chỉ đi chừng 30 phút là tới.
Trước tiên vòng qua Dinh Độc Lập, nơi này không có gì mới, không vào nữa.
Sau đó quẹo sang Thảo cầm viên vì biết chắc ở nơi này vừa có cái mới. Đó là có một con hổ cái Đông Dương vừa sinh được một lũ hổ con mà những 5 con. Hôm bữa xem trên HTV9 thấy thích quá nên phải lên tận nơi xem cho đã.
Tuy nhiên lên tận nơi thì thấy chỉ có 3 con hổ con nhỏ như 3 con mèo to, chạy nhảy tung tăng như trẻ con, rất dễ thương. Hỏi còn 2 con nữa đâu thì nhân viên sở thú giải thích là loài hổ dù sinh nhiều lắm thì nó cũng chỉ giữ lại 3 con khỏe khoắn nhất để chăm bẵm, duy trì nòi giống; còn từ con thứ 4 trở đi, hổ mẹ sẽ chọn những con yếu ớt nhất mà giết đi. Vì thế mà 2 con yếu nhất đã được con người tách riêng ngay từ khi mới đẻ để nuôi theo chế độ cho uống sữa bò. Phải chăng đó là một cách chọn lọc dù dã man tàn nhẫn nhưng là cách tốt nhất để duy trì phong độ của chúa sơn lâm.
Một trong những cái thú của đi chơi Thảo cầm viên là như được lạc vào giữa những khu rừng cổ thụ xanh mát với những thân cây có đường kính to cả mét; lại được nghe mùi ẩm ướt của rừng già.
Người đi chơi sở thú hôm nay đông dã man. May mà tôi đi sớm, về sớm nên thoát ra khỏi được sự đông đúc nhốn nháo đó.
Trên đường về vòng sang Xô Viết Nghệ Tĩnh tấp vô nhà hàng Cù Đất làm chầu bò tơ Củ Chi hấp cuốn với lá rau rừng chấm mắm nêm. Ngon nhức nhối. Vậy là kết thúc cũng có hậu rồi.  


                                        Những con voi to cao dềnh dàng


                                Voi sở thú SG có khi còn nhiều hơn voi Bản Đôn


                                        Hà mã


                                    Sếu đầu đỏ


                                          Mục đích của chuyến đi hôm nay là đây


                                Mấy chú hổ con chạy nhảy tung tăng trông thật dễ thương


              Chuối sen. Một loại chuối nở hoa hồng đẹp như hoa sen và không có trái


                                                  Một rừng người một rừng cây


                Những cây cổ thụ to cao vĩ đại như giữa đại ngàn. Rất thích thú.



Đường NTMK trước sở thú đông nghịt. Sao đài báo nói là đã có hàng triệu người rời Thành phố trong 5 ngày nghỉ lễ rồi mà vẫn đông khủng khiếp thế nhỉ.

Trong Sở thú còn có cái vòi phun đẹp: 





24 tháng 4, 2014

Nhà thơ Tùng Bách "Gặp Chí - Nở bây giờ"



Thơ và lời bình

                             NHÀ THƠ TÙNG BÁCH

                             “GẶP CHÍ- NỞ BÂY GIỜ”



                                                          Chử Anh Đào



                   Quả là bác nói không sai

                   Em vẫn thường xuyên gặp Chí

                   Hai thằng lai rai vài xị

                   Bán trời chẳng cần hóa đơn



                   Chí giờ có vẻ trẻ ra

                   Mặt mũi ngời ngời bác ạ

                   Hắn bảo còn hắn trên đời

                   Chị em dại gì hóa đá



                   Làng quê giờ là nguồn cội

                   Thích cứ việc kéo nhau về

                   Gà qué bướm hoa đều sạch

                   Nói túm lại là khỏi chê



                   Thị Nở nghe đâu lên huyện

                   Làm phòng văn hóa thông tin

                   Răng khểnh, tóc hoe, má lúm

                   Dọc ngang ai cũng ưa nhìn



                   Cháo hành giờ là đặc sản

                   Một tô nghi ngút mười nghìn

                   Giải cảm, giải sầu, giải mã

                   Ấn tượng cứ là khó quên



                   Bất cứ lúc nào bác nhở

                   Cảm thấy bứt rứt trong người

                   A lô thằng em một phát

                   Úi dào! Đời được mấy mươi

                                                T.B


          Khi tác phẩm nghệ thuật đã được công bố thì từ đây hình tượng nghệ thuật sẽ tạm chia tay với người cha tinh thần của mình để bước vào cuộc sống mới với công chúng. Và do vốn kinh nghiệm, vốn sống, vốn văn hóa, thị hiếu thẩm mĩ…cá nhân mà có bao nhiêu người đọc, người xem thì có bấy nhiêu hình tượng nghệ thuật. Thậm chí, ngay trong một người, ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời, cảm thụ về một hình tượng cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, hình tượng Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ở những năm tháng ấu thơ của độc giả sẽ rất khác với khi anh ta đã ngoài bốn, năm mươi tuổi.

          Theo xuất xứ thì Tùng Bách nghe lỏm được câu chuyện của hai hành khách ở ga Nam Định mà viết thành bài thơ này. Tất nhiên đấy là một cách nói của kiểu sáng tạo “mượn lời”. Tác giả gặp nhân vật ở chính nơi chôn nhau cắt rốn là điều kiện tốt để hiểu đúng, hiểu sâu về hoàn cảnh, tính cách của nó. Chí Phèo- “con quỉ dữ của làng Vũ Đại” mà một thời ai ai cũng phải tránh xa, khi rượu vào, hắn chưỉ cả làng thì ai cũng tự an ủi kiểu AQ răng “chắc hắn trừ mình ra” giờ đây trở thành bạn của nhiều người: thường xuyên gặp nhau, cùng là “cánh ta” và cùng “lai rai vài xị”. Một kiểu uống bình dân trong những lúc nông nhàn, hoàn toàn không phải kiểu dốc ngược cái chai mà đổ ồng ộc rượu vào mồm như trước kia dù Chí vẫn còn phảng phất con người cũ: coi trời bằng vung và một tấc đến giời “Bán trời chẳng cần hóa đơn”. Ngược với qui luật tự nhiên, “Chí giờ có vẻ trẻ ra”, “mặt mũi” thì “ngời ngời” như  không phải mới ở tù ra mà vừa xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về. Ma lanh và liều như Chí, thế nào chẳng có dăm ba ngàn “uôn” lận lưng làm vốn. Ngày xưa khi còn là một anh tá điền, bà Ba dâm đãng sai vào bóp chân, hắn chỉ thấy nhục. Nhưng sau cuộc “tình một đêm” với Thị Nở, hắn phát hiện ra và vô cùng tự hào với khả năng duy trì nòi giống của mình. Hắn tủm tỉm khi hắn đè Thị ra, Thị kêu to, hắn còn kêu to hơn và Thị vừa kêu vừa ấn lưng hắn xuống. Hắn tự tin: ngày nào hắn còn sống thì ối chị em được nhờ, được sung sướng. Chẳng có đứa nào ngu hóa đá mà mong chờ một con đực còn biền biệt mãi tạn phương trời xa xôi nào, cực mịt mờ cái gọi là ngày đoàn tụ. “Hắn bảo còn hắn trên đời/ chị em dại gì hóa đá”

           Sau này chính quyền mới cấp giấy hôn thú cho hai đứa. Bá Kiến vào tù.Thì cái sự đời, nước xuống kiến ăn cá mà lại! Chí Phèo dọn về nhà Bá Kiến, chiếm hẳn cái giường gỗ sưa tiền tỉ mà mây mưa với tình yêu của mình và nghe đâu được dân bàu làm chủ tịch xã. (Ông chủ tịch này rất hay ngáp và ngủ gật- nghe đồn thế.) Vợ hắn cũng đổi đời “từ trong tới ngoài” như tiên đoán của nhà thơ lá cờ đầu thi ca cách mạng. Thị Nở giờ “răng khểnh, tóc hoe, má lúm” rực lửa, ai nhìn cũng phát thèm, nghe nói sắp đi thi hoa hậu quí bà thành đạt khu vực đồng bằng sông Hồng, không đoạt vương miện quyết không chịu về. Thị làm việc ở ngành văn hóa thông tin vinh quang, ra rả ngày bốn lần sáng trưa chiều tối phổ biến chủ trương chính sách giải tỏa đền bù với bà con quê nhà. Mỏi mồm một tí nhưng công việc ổn định lâu dài, đầy rẫy tương lai. Và “cháo hành”- cái thể hiện tình yêu bằng vật chất mà chỉ có vật chất mới có thể đánh bại ấy của Thị “giờ là đặc sản”. Bây giờ cả làng cả tổng, cả khách thập phương tham quan du lịch đều được xì xụp thưởng thức. Biết đâu mai kia lại chả được thế giới công nhận là “Văn hóa vật thể- ẩm thực”. Chả bõ ngày xưa dấm dúi, lén lút như mèo dấu cứt, mãi mới lừa được bà cô mà mang ra cho Chí. Chỉ có điều đã thành tật, Thị nói xong hay kèm theo câu “Ghét thế” như cái đêm ở vườn chuối bờ sông năm nào.

          Ghi lại cuộc trò chuyện của hai người khách ắt là bình dân, Tùng Bách có lối kể và sử dụng thành công các khẩu ngữ: “lai rai”, “xị”, “nói túm lại”, “cứ là”, “một phát”, “úi dào”, “nghe đâu”…

          Trở lên, trong con mắt của nhà thơ, Chí Phèo và Thị Nở đã đổi đời, đã hoàn lương, thành người có ích cho xã hội. Bóng hoa chế độ ưu việt đã tỏa mát, là mái che an ủi vỗ về năm tháng cho “Đôi lứa xứng đôi”. Chỉ có điều tôi hơi hoang mang: Chí đang biến thành mình hay mình đang thành Chí đây mà vài chục năm nay người ta nói về hắn nhiều thế?

                                                          PK 14.4.14

                                                             C.A.Đ 
           



                              

                                               


21 tháng 4, 2014

Chắp nối Trường Sơn



Với hơn 300 trang sách, Chắp nối Trường Sơn là một tập truyện kí gồm 19 câu chuyện được tác giả Nguyễn Xuân Sùng kể về cuộc sống của chính mình cùng bạn bè, đồng đội - những người lính sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh nhập ngũ năm 1970 -  trong suốt  5 năm trời kể từ khi hoàn thành đợt huấn luyện trên đất Bắc hành quân vào Nam đánh giặc cho đến ngày đất nước thống nhất.
Với trình tự thời gian từ xa đến gần ấy, những mảnh chắp nối trong cuộc đời Nguyễn Xuân Sùng cùng đồng đội của anh những năm tháng sống và chiến đấu ở Trường Sơn hiện lên như một bộ phim nhiều tập và liền mạch, đã đem đến cho người đọc một sự hình dung đầy đủ mà sinh động về cuộc đời của một thế hệ những con người trẻ, có học thức lại đầy lòng yêu nước và cả lòng tự trọng, đã vượt qua bao gian khó, hiểm nguy, không tiếc cả sự hi sinh xương máu của mình để hoàn thành nhiệm vụ, vinh quang trở về khi tiếng súng đã ngừng nổ trên khắp mặt trận. 

 
Những câu chuyện trong Chắp nối Trường Sơn được Nguyễn Xuân Sùng kể lại một cách dung dị, rất đời thường, không hề có sự lên gân lên cốt mang hơi hướng của một kẻ công thần. Cứ như là anh đang ngồi bên bếp lửa hồng của nhà sàn buôn làng Tây Nguyên và kể cho bạn bè nghe về những trang đời của mình. Có lẽ vì thế mà cuốn sách dễ đi vào lòng người đọc, tạo nên một sự cuốn hút mang hơi hướng của sự tò mò khi ta lần lượt đọc hết trang này sang trang khác, từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng để xem cuộc đời, số phận của người viết ra những trang sách này đã, đang và sẽ như thế nào. Đó là một bút pháp hợp lí, một cách tiếp cận hiện thực tưởng như đơn giản nhưng đã mang lại hiệu qủa cao trong Chắp nối Trường Sơn của Nguyễn Xuân Sùng. Nói chân lí thường rất giản dị là vậy.
Cái hay của Chắp nối Trường Sơn là cả cuốn sách nhằm nói về lòng yêu nước của một thế hệ thanh niên trí thức trong những năm bảy mươi của thế kỉ XX, vì trách nhiệm với dân tộc mà sẵn sàng gác bút nghiên lên đường ra trận. Nhưng từ đầu đến cuối cuốn sách, Nguyễn Xuân Sùng đã không viết một chữ yêu nước nào dù mỗi trang sách của anh đều lấp lánh lòng yêu nước. Đó là một sự tuyệt vời trong khúc tráng ca Chắp nối Trường Sơn của người lính đã viết ra cuốn sách này. Ngay cả khi anh viết về những đồng đội đã đổ máu và vĩnh viễn nằm xuống trên chiến trường Tây Nguyên khốc liệt như những người anh hùng thì sự hi sinh cao cả đó cũng chỉ là một sự việc rất đời thường của những người lính nơi trận mạc, cũng chỉ là chuyện thường ngày ở…Tây Nguyên. Sự hi sinh của những người lính trong Chắp nối Trường Sơn cứ hiển nhiên như chân lí có nơi câu thơ Đường xưa đầy cảm khái của Vương Hàn trong bài thơ Lương Châu từ: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Xưa nay chính chiến mấy ai trở về).
Cũng vì thế mà đọc Chắp nối Trường Sơn bạn sẽ bắt gặp một cuộc sống rất lính, với những hỉ nộ ái ố của cuộc đời người lính nơi mặt trận Tây Nguyên. Những nỗi buồn khi nhớ nhà, nhớ quê hương; những niềm vui khi được một bữa ăn no; và cả những mối tình hiếm hoi của người lính nơi trận mạc. Những cái tên cuả những con người có thật trong cuốn sách này như Phạm Đình Chiến, Lê Trọng Minh, Lê Như Long, Trần Đình Đàn… nay vẫn đang sống và luôn nhớ về nhau bởi họ đã sống với nhau suốt cả một thời không thể nào quên. Chỉ đọc qua sách này một lần, đủ cho ta nhớ về những cái tên của những người lính trẻ hào hoa: Sùng hay làm thơ, Long hay hát, Thuyết biết sáng tác nhạc lại biết cả coi bói cũng rất thần sầu… Đúng là cả một lớp người tài hoa ra trận.
Bạn đọc sẽ khó mà quên được câu chuyện đắng lòng khi Phạm Đình Chiến bị thương lên điều trị ở quân y viện mặt trận  bất ngờ gặp 3 thanh niên lớp đàn em cùng quê với Chiến cũng nhập viện do bị thương. Họ ngắm nhìn Chiến và hỏi: Anh Chiến ơi, sao anh vào chiến trường lâu thế rồi mà chưa chết. Tụi em đi sáu đứa cùng làng, mới vào Tây Nguyên chưa được sáu tháng thì đã ba thằng chết, còn lại ba thằng đều bị thương đây. Nghe mấy chiến sĩ trẻ hỏi vậy, Chiến cảm thấy mình như người có lỗi. Sau ngày hết chiến tranh, Nguyễn Xuân Sùng về thăm quê Chiến ở Đức Thọ, Hà Tĩnh thì được biết trong số ba người lính trẻ ấy, chỉ còn lại một người sống sót trở về với hình hài thương tật đầy mình. Vậy là một nhóm bạn sáu người làng cùng nhập ngũ, đã có năm người thành liệt sĩ, một người là thương binh.  Một cái giá phải trả quá đắt của dân ta cho hai tiếng độc lập và tự do của đất nước. Một quả đắng khó nuốt đã gây xúc động mạnh cho độc giả khi lật những trang sách của Nguyễn Xuân Sùng.



 Tác giả Nguyễn Xuân Sùng (giữa) trong lần họp lớp 16D tại VU tháng 8 năm 2013


Ở câu chuyện Thủ trưởng Hoàng, bên cạnh chân dung của những người lính mang quân hàm binh nhì, binh nhất, tác giả đã bất ngờ cho bạn đọc biết về chân dung của một vị tướng tài ba lỗi lạc của quân đội ta, khi đó đang là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, cũng là thủ trưởng của Nguyễn Xuân Sùng và đồng đội (Nguyễn Xuân Sùng khi đó là đài trưởng thông tin 15W nằm trong Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên): Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Vị tướng lỗi lạc ấy qua ngòi bút của anh đã khiến ta rơi nước mắt khi thấy ông thương đến quặn lòng những người lính trẻ vì chiến tranh mà phải chịu đói rách giữa rừng già Trường Sơn. Tiêu chuẩn của Tư lệnh mặt trận là đến bữa được ăn cơm không độn nhưng ông chưa bao giờ bưng bát cơm không để ăn khi bên cạnh ông, những người lính như Sùng, như Chiến, như Thuyết… đang phải lượm cả vỏ sắn để ăn cho đỡ đói.
 Tất cả đã làm nên diện mạo về một lớp người lính vừa có học thức, vừa lạc quan yêu đời và yêu nước đã sống trong một thời đại một đi không có ngày trở lại.
Chính nhờ có những con người anh hùng mà thầm lặng như thế nên đất nước ta mới có được ngày hôm nay, độc lập và tự do trọn vẹn.
Chắp nối Trường Sơn cũng đã cho bạn đọc ngày nay, trong đó có cả những lớp đàn em trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X… hiểu hơn về cuộc đời và số phận của một thế hệ cha anh từng sống một cuộc sống gian lao mà anh dũng; ngỡ như bình thường mà rất bi tráng. Đúng như Nguyễn Xuân Sùng đã viết trong mẩu chuyện cuối: Mỗi người một số phận.

 Nhân vật Phạm Đình Chiến (bên phải), người đang chụp ảnh là Nguyễn Xuân Sùng

Như đã nói ở trên, Chắp nối Trường Sơn được viết theo một kết cấu đơn giản, theo một trình tự thời gian từ xa đến gần. Tuyệt nhiên trong sách này không có một kĩ xảo viết lách nghệ thuật nào được Nguyễn Xuân Sùng vận dụng. Nhưng chính nhờ sự chân thực cộng với một tâm hồn trong trẻo của tác giả khi cầm bút nên cuốn sách của anh đã chiếm được sự đồng cảm vô biên của bạn đọc.
Khi gấp lại trang cuối cùng của Chắp nối Trường Sơn, bạn đọc sẽ thấy một cách đầy đủ hình ảnh những người lính từng vào chiến trường miền Nam đánh Mĩ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước ta, với những năm tháng sống giữa rừng già Trường Sơn là một quãng đời không thể nào quên. Đó là quãng đời gian lao, vất vả nhất nhưng cũng đáng để tự hào nhất. Vì thế, dù đã thoát ra khỏi cuộc chiến gần bốn thập kỉ rồi nhưng những năm tháng Trường Sơn vẫn không nguôi ám ảnh tâm trí những người lính như là một hội chứng của chiến tranh. Bởi vậy, viết xong Chắp nối Trường Sơn, Nguyễn Xuân Sùng như đã trả xong một món nợ đời mà anh phải gánh nặng trĩu trong lòng suốt mấy chục năm qua sau chiến tranh. Một món nợ mà anh đã trả xong với bạn bè, với đồng đội, với chính bản thân mình. 



Sẽ là một thiếu sót nếu bài viết này không nhắc đến Lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Thế Tường in ở đầu sách. Một lời giới thiệu không thổi phồng tác giả với những giá trị ảo bịa đặt để vuốt ve nhau, mà đó là những phân tích, đánh giá xác đáng về Chắp nối Trường Sơn. Nó như một sự dẫn dắt cần thiết đưa độc giả đi vào những trang sách của Nguyễn Xuân Sùng. Đọc sách cũng đã nhiều, ít khi người viết bài này bắt gặp một Lời giới thiệu công phu, chí tình chí nghĩa như vậy. Cũng phải thôi bởi họ, cả Nguyễn Xuân Sùng và Nguyễn Thế Tường, đều là những người lính sinh viên cùng ra trận trở về. Nguyễn Xuân Sùng học khóa 10 khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh rồi nhập ngũ năm 1970 làm lính thông tin 15W, hết chiến tranh trở lại trường học tiếp ở khóa 16, ra trường làm nhà giáo. Nguyễn Thế Tường là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng nhập ngũ năm 1970 làm lính lái xe tăng, hết chiến tranh cũng trở lại trường học tiếp để ra trường làm nhà văn, nhà báo. Hiện cả hai anh đều đã nghỉ hưu và cùng sống ở vùng quê đầy gió lào cát trắng, cùng sinh hoạt trong một Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Trong một hoàn cảnh như thế, họ không đồng cảm, đồng điệu tâm hồn với nhau mới là chuyện lạ.      
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, khi mà Lễ kỉ niệm 39 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất Tổ quốc, 30 tháng Tư đang cận kề, được đọc Chắp nối Trường Sơn của Nguyễn Xuân Sùng là một niềm vui lớn và thật có ý nghĩa.      

Bài đã đăng ở đây: 
http://www.baoquangbinh.vn/van-hoa-van-nghe/201406/chap-noi-truong-son-va-mon-no-tam-hon-nguoi-linh-2116427/
Và ở đây:
http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/7207/chap-noi-truong-son