31 tháng 8, 2013

Họp lớp sau 34 năm

Phạm Đình Chiến

Mấy ông trong ban liên lạc của lớp 16D –k2 khóa 16 của ĐHSP Vinh  (1975-1979) lý giải chuyện tổ chức họp lớp lần thứ nhất này nghe ra không giống ai. Từ nguyện vọng của một anh thương binh già Cao Anh Phú (61% thương tật) mong muốn gặp bạn bè sau bao năm xa cách mà không biết làm sao. Thấy anh tha thiết đến tội nghiệp: “nếu các ông tổ chức được tôi  sẽ bán đi một con bò để đi gặp cho được anh em”.
Thế là mấy anh em Dậu, Nga-Ngọc, Sơn đã liên lạc với nhau, tự phong cho nhau làm BTC và không thể “hoãn cái sung sướng” lại khi được một số anh em đồng tình.
 Cũng nhờ thời đại @ nên việc tìm gặp lại nhau không mấy khó khăn. Và cuộc hội ngộ sau 34 năm xa cách được tổ chức tại khách sạn Quyết Thành, thành phố Vinh.
Tối ngày 23/8 một số anh em xa đã có mặt và lên kế hoạch sơ bộ để tổ chức. Ba nhà tài trợ chính là vợ chồng Nga - Ngọc giảng viên tại trường, Uông Ngọc Dậu trưởng ban hệ thời sự VOV đài TNVN , Nguyễn Thị Kim Dung phụ trách chi nhánh bảo hiểm AIA của Mỹ tại Nghệ An. Anh chị em còn lại không phải đóng góp về tài chính đồng nào. Sáng 24/8 tề tựu về cũng chỉ được 17 vị, xa nhất là Hà Tùng Sơn ở TP HCM, Thanh Hóa vào có Dậu, Phú, Hân, Khôi,  Quảng Bình có Nhia, Sùng, Nghệ - Tĩnh  có Quyền, Ái, Chiến, Lý, Nga, Ngọc ,Dung, Đào,Em, Hào


               Phạm Đình Chiến (cầm mic) karaoke với Phan Hữu Ái

Sau khi vào trường viếng thăm các thầy cô giáo cũ  đã quá cố chúng tôi cùng nhau lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Phượng Hoàng (núi Quyết). Một ngôi đền  được khởi công xây dựng từ 2005 và khánh thành năm 2008. Phải nói là ngôi đền tọa lạc trên một vị trí dắc địa. Lên đó có thể phóng tầm mắt xuống dòng sông Lam ở phía Nam và những cánh đồng phì nhiêu của quê hương Hà Tĩnh. Phía Bắc là TP Vinh. Đến đó chúng tôi được người phụ trách cho biết thêm nhiều điều thú vị, những điều mà nay mới được biết.



                      Sông Lam nhìn từ đỉnh núi Quyết

Bắt đầu là một chiến cầu vồng bắc qua đường tránh tp Vinh, thì ra đó không phải là cái cầu mà là là một sự phục chế cái xương đầu của con rùa thiêng bị con đường chặt đứt. Chuyện kể rằng hòn Phượng Hoàng là một trong 100 con phượng hoàng cất cánh bay vào Nam, nhưng đến đây 1 con ở lại, 99 con kia bay qua sông Lam phải đứng chờ, chờ mãi con bên này vẫn không đi nên 99 con kia cũng biến thành 99 đỉnh núi Hồng Lĩnh phía bên kia sông Lam. Hòn Phượng Hoàng có hình thù một con rùa thiêng quay đầu về phương Nam, cái đầu đó là đoạn nhô ra mà con đường tránh thành phố Vinh đã chặt đứt. Nghe nói khi con đường mở đến đó mọi người đã can ngăn nhưng vị chủ tịch tỉnh lúc bấy giờ vẫn kiên quyết chặt đứt khúc đầu đó. Hậu quả là sau 3 tháng nhậm chức, vị chủ tịch này đã bị một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng gần đó khiến gãy cần cổ phải sang tận Singapore chắp nối. Sau đó người nhà đi coi thầy và được thầy phán ông chặt đầu rùa nên thần rùa đã chặt đầu ông,  gia đình phải tự bỏ tiền ra mà nối lại cái xương đầu cho con rùa ấy. Cuối cùng gia đình phải móc hầu bao làm thật. Vị chủ tịch sau này đã yêu cầu công ty đô thị TP Vinh đổ đất hai mố xương cho trồng một loạt cây leo mong sao sớm phủ kín bộ xương cổ  rùa kia. Ai đi qua dưới núi Phượng Hoàng chắc sẽ thấy một cây cầu vòng không nối đường nào bắc qua đường tránh như một vật trang trí.

 Trước cổng điện thờ Vua Quang Trung trên núi Quyết. Trái sang, hàng đầu: Lộc, Lý, Nga, Khôi, Chiến. Hàng sau trái sang: Hào, Hân, Phú, Sơn, Em, Nhia, Quyền                                 
Một điều chúng tôi được biết thêm là người ta đang nhận định là mồ Quang Trung hiện nằm dưới chân núi Quyết, nơi ngày xưa Nguyễn Huệ đã cho xây thành sau khi đánh thắng quân Tàu trở về và thống nhất được giang sơn.(Điều này chỉ mới dự đoán của các nhà khảo cổ, nhưng xem ra có căn cứ thuyết phục)


       Trên sân VU. Trái sang: Hân, Hào, Em, Phú, Sơn, Sùng, Ái, Dậu


                Trái sang: Hân, Hào, Em, Phú, Sơn, Chiến, Ái, Dậu, Nhia 


    
                  Chị Khôi và em Dậu

Say sưa với những màn giới thiệu của người phụ trách đền chúng tôi không còn thời gian đi đâu nữa mà về nhà hàng Việt Đức để ăn trưa chuẩn bị cho chuyến đi chiều.
Nhà hàng VĐ quả là một nhà hàng đặc bịêt với nhiều món ăn hấp dẫn. Chỉ có điều mấy ông lo chúc tụng nhau bằng những ly rượu nặng đô nên ăn không được nhiều và không thấy ngon nữa. Một số anh đã có triệu chứng ngà ngà say. Tuy nhiên mọị chuyện vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
15g30 chúng tôi đi Cửa lò. Cửa lò là một bãi tắm khá đẹp, tuy gần nhưng lần đầu tiên tôi xuống đó. Mấy ông xuống tắm còn mấy bà vẫn ngồi nhâm nhi trên bờ chờ mấy ông. Tôi lâu ngày không tắm biển nên không dám tắm lâu, sợ bệnh, mấy ông cũng chỉ tắm khoảng 30 phút rồi lên về.
6g30 chúng tôi về khách sạn chuẩn bị ăn tối và sinh hoạt. Sau bữa cơm tối thịnh soạn ở khách sạn Quyết Thành chúng tôi họp mặt để tâm sự. Hà Tùng Sơn nguyên lớp trưởng đã có một bài khai mạc khá ấn tượng. Điều anh mong muốn nhất là được gặp nhiều người để ôn lại chuyện xưa,(có lẽ tuổi già thường thế),nhưng nguyện vọng đó chỉ thỏa mãn được một phần vì chỉ có 1/3 lớp có mặt. Số còn lại hoặc là đang chức quyền, hoặc xa xôi, bệnh tật, tài chính,mặc cảm....nói chung vô vàn lý do để họ chưa có dịp hội ngộ. Tuy nhiên bước đầu như vậy cũng đã thành công.
Trần Anh Hào đang giảng dạy ở trường Vinh có một bài "điểm danh" khá thú vị, nhắc lại cá tính hoàn cảnh của mỗi người nhưng chỉ mới điểm đến vần "k" còn lại đang khất lớp dịp sau.
Cao Anh Phú bây giờ mới tiết lộ những bí mật cuộc đời với anh em. Thì ra khi đi học anh đã là bố của 4 con, khi vào trường thi vào khoa toán nên ban giám hiệu nhà trường đã vận động anh về khoa văn chứ bên đó làm sao vẽ hình khi chỉ có 1 tay. Có lẽ cảm động nhất là câu chuyện ai cũng nhớ về anh. Một lần thầy giáo mời anh lên bảng, phần ống áo của cánh tay cụt anh đút vào trong túi quần, thầy giáo tưởng anh vô lễ lên hỏi bài mà tay vẫn cho túi quần. Ông ấy quát tháo nặng lời bảo anh bỏ tay ra. Anh vẫn bình tĩnh trả lời "thưa thầy em chỉ còn một tay". cả lớp im lặng và ông thầy mặt biến sắc xin lỗi cho anh về chỗ.

                                          Cao Phú và Chiến 


                                Phú, Chiến và nhiếp ảnh gia Sùng

Cuộc đời Cao Anh Phú đầy sóng gió, ra trường đi dạy được 6 năm thì có biến cố gia đình anh đành xin nghỉ dạy hưởng theo 116, chỉ nhận có 3 triệu đồng về nhà và sống với mấy đồng phụ cấp thương tật ít ỏi cho đến nay. Cách đây mấy năm vợ anh lại bị tai nạn điện giật qua đời, các con đã trưởng thành có gia đình riêng anh thương binh già cứ vò võ một mình. Cả lớp ai cũng thương, khi anh nêu nguyện vọng được gặp lại anh em trong lớp Uông Ngọc Dậu đã rất nhiệt tình cho xe về tận nhà huyện Nhu Thủy cách Dậu 200km để đón anh về gặp anh em. Nghe đâu có cô học trò cũ sinh năm 1963 thua anh gần 20 tuổi, định làm mai cho thầy một cô vợ nhưng không nên đã chịu "đền đạn" cho anh, nhưng chưa cưới được. Thế cũng mừng.

                               Dậu - Chiến


                    Cao Phú và Lê Em - cụ 1945 gặp cụ 1946

 Mọi người tâm sự, mỗi người một hoàn cảnh, có người con cái thành đạt kinh tế khá, có người gia cảnh còn khó khăn, ai cũng có một quá khứ vui buồn lẫn lộn. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là Nguyễn Thị Kim Dung (xưa gọi Dung tồ) nhưng nay thành một đại gia của lớp với một khả năng kinh doanh bảo hiểm tuyệt vời. Nay cô đang phụ trách một cơ sở kinh doanh bảo hiểm của AIA tại Nghệ An, cô đã có một quá trình thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Chỉ nêu một bước ngoặt thế này cũng đủ thấy sự tài hoa của nàng. Vốn trước đây Dung làm cho công ty bảo hiểm Nhân Thọ, nhưng sau đó được công ty bảo hiểm AIA của Mĩ  ra giá mua đứt cả êkip làm việc của Dung với giá 5tỷ. Thế là cô trở thành một cơ sở của công ty này hơn 10 năm nay. Dung hứa năm sau các bạn về họp Dung sẽ tài trợ tất cả mọi chi phí. Anh em vỗ tay chúc mừng Dung và quyết tâm về họp lớp lần 2 đấy. Chúng tôi được nhân của Dung món quà là một chiếc túi du lịch của AIA màu đỏ khá đẹp và được quảng cáo là của Mỹ sản xuất.
Buổi toạ đàm kết thúc lúc 22g30 nhưng về phòng ngủ anh chị em còn đùm túm nói chuyện đến hơn 0giờ mới ngủ. Sáng ra  ăn sáng uống cà phê với nhau một lúc rồi giải tán. Kết thúc một cuộc hội ngộ lý thú sau 34 năm xa cách tìm lại nhau.

                                  Chủ nhật, 25/8/2013


30 tháng 8, 2013

Các bạn ơi tôi lại qua đây

                     Nguyễn Trung Ngọc

                     Tặng các bạn 16D của tôi

Các bạn ơi! Tôi lại qua đây
Căn phòng ấy vẫn thường bỏ ngỏ
Trên sân thượng - nơi ta ngồi hóng gió
Và họp bữa cuối cùng - chỉ còn sợi dây phơi.

Tôi muốn vẽ thêm cho mỗi con người,
Đang qua trước mắt tôi, một khuôn hình thân thiết.
Nhớ, Chao ôi! Nỗi niềm da diết
Vò xé lòng ta mỗi bận đến trường.

Mỗi sáng ngày khi hoa cỏ còn sương
Đường đến lớp qua nơi này nhớ quá,
Khách sạn Quyết Thành mấy ngày rộn rã
Vẫn còn đây dấu bè bạn của ta!

Vinh mùa này đã tím màu hoa
Lửa phượng đã tàn trả màu xanh cho lá¸
Thành phố, tình yêu càng cháy nồng trong dạ
Bởi nơi này từng in dấu bạn bè xưa.

Tuổi xế chiều lưu luyến phút tiễn đưa
Bạn vụt đến lại xa tôi biền biệt
Cái ôm chặt nén bao nhiêu thân thiết
16 D, ôi! lại xa rồi...

Lệ thành dòng đang chảy ở trong tôi
Từ viễn xứ bạn về sao vội vã
Bạn vừa đến lại đi, ôi nhớ quá...
Dù hiểu rằng ta phải biết xa nhau!

Em ơi, anh chư­a đi cùng em được đâu
Đền miếu Quang Trung thâm nghiêm nghẹt thở,
Tiếng lá khô sẽ gọi về nỗi nhớ…
Ta trở lại trường thôi em!

Sông Lam trôi trôi lâng lâng trong đêm
Vành trăng chao nghiêng đồi thông Dũng Quyết
Sương thu giăng giăng một màu ly biệt
Hiểu thêm nhiều nghĩa cả bạn bè ơi!

Bọn chúng ta phiêu dạt quá nửa đời
Màu sương gió làm mái đầu nhuốm bạc
Nhưng còn mãi bài ca ta vẫn hát:
Lời tri âm chung thủy bạn bè tôi!

Đường Bắc – Nam ra vào xe vẫn ngược xuôi
Mà căn gác ta ngồi vẫn thường bỏ ngỏ
Còn có bạn nào đang trong đó (?)
Các bạn ơi! Tôi lại qua đây!

                                                   Vinh, 30 – 8 – 2013 


Lời tác giả: Gửi bạn bài thơ mình vừa hoàn thành sau mấy ngày họp lớp. Thực ra thì cái mạch của bài này được Phong Nam tạo ra trong một bài thơ gửi lớp vào năm 1977, mình "phổ" lại trong một hoàn cảnh mới. Điều chắc chắn là chính cảm xúc rất thực đã thôi thúc mình hoàn thành sau 2 đêm.

 Thân. NTN

 Tác giả Nguyễn Trung Ngọc đang ghi hình bạn bè lên thăm Đền thờ Vua Quang Trung trên rú Quyết  trong lần họp lớp 16D K2, Vinh, 8/2013. Người mặc áo trắng là bạn Nguyễn Hữu Nhia.


29 tháng 8, 2013

Họp lớp đại học 4 - chân dung

Sáng nay chú em Uông Ngọc Dậu mới meo hình từ Hà Nội vô. Máy của sếp VOV là chuyên dụng nên chất lượng cao, không như cái hộp diêm bé tí xiu của  Trưởng BTC Ngọc chụp như đồ chơi. 

Chân dung 16D - K2, đăng cho hết kẻo uổng:

 Toàn lớp thiếu Dậu (do bận chụp hình). Trái sang, hàng đầu: Nga, Quyền, thầy Nguyễn Thanh Hải, cô Đỗ Thị Kim Liên, Phú, Đào, Ái, Lê Em; hàng sau trái sang: Lý, Khôi, Hào, Sùng, Sơn, thầy Vũ Hữu Thụy, Nhia, Hân, Ngọc, Dung, Chiến.  Anh Cao Phú nói gì mà GS Liên cười tươi thế nhỉ.


Toàn lớp thiếu Ngọc (do bận chụp hình). Trái sang hàng đầu:  Nga, Quyền cu khơ, Thầy Hải, cô Liên, Phú, Đào, Ái, Em; hàng sau trái sang:  Lý, Khôi, Hào, Sùng, Sơn, thầy Thụy,  Nhia, Hân, Dậu, Chiến, Dung   


Kim Dung tặng quà các thầy cô. Thầy Thụy chỉ vô cô Liên nói: Trao cho cô trước nhé.


        Vỗ tay chào mừng thầy cô. Trái sang: trò Dung, Thầy Hải, Cô Liên, thầy Thụy, trò Sơn. Thầy cô thì vẫn trẻ mà nhìn trò Sơn sao già quá. Thực ra thì tui đã già từ thời còn trẻ.  


                                 Nga và Khôi là đôi bạn thân


Dung - Sơn hẹn nhau năm sau làm nữa nhé, sang năm em bao hết. Công nhận Dậu chộp pô này độc cực. 


Nga chỉ đạo gì đó và Ngọc chăm chú lắng nghe, vợ chồng nhà này thường vẫn thế. 


Xem lại chìa khóa xe còn không. Nga bảo anh Ngọc em dạo ni lẩm cẩm lắm rồi, cẩn thận vẫn hơn 


                                   Phan Nga phút xa xăm



  Giám đốc AIA Nghệ An (Kim Dung) đang tiếp thị những khách hàng tiềm năng. Trái sang: Quyền, Dung, Nhia, Nga 


                                       Hớn hở Nguyễn Hòa Sùng 



Hòa Sùng đang tác nghiệp với tinh thần ai có súng dùng súng ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng...điện thoại


                              Họp lớp xong Dậu lên tàu ra Trường Sa ngay...                      


                       ...và đứng gác ở đảo Phan Vinh. Khổ thân chú em.



28 tháng 8, 2013

Họp lớp đại học – khúc vĩ thanh

Sáng chủ nhật 25-8, sau chầu café tại Quyết Thành, mọi người lưu luyến chia tay nhau. Đoàn Hà Nội, Thanh Hóa đi ra phía Bắc; đoàn Hà Tĩnh, Quảng Bình nhằm phương Nam mà hành; đoàn Nghệ An ai về nhà nấy, có bạn như Phan Hữu Ái còn về gấp cho kịp vụ gặt với 3 sào ruộng ở Hưng Nguyên đang mùa lúa chín. Tôi thì mãi 9h sáng mai mới có chuyến trở lại SG, qũi thời gian ở Vinh còn cả một ngày trời.
Ngọc hỏi: giờ ông muốn gì nào, đi đâu tôi cũng chiều. Tôi nhìn xa xăm về hướng Bắc: Tôi muốn quay lại thăm 2 nơi lớp 12A khóa 12 của tôi và Ngọc từng sơ tán và học ở đó đến trước khi 2 thằng cùng nhập ngũ là Lăng Thành (Yên Thành) và Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). Ngọc nói ngay: chuyện nhỏ, lên xe (dĩ nhiên là có cả Phan Nga). Trước khi đi  tôi gọi cho Lê Văn Ngọ, bạn học cùng lớp với tôi và Ngọc hồi khóa 12 giờ đang là GĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Vừa nghe máy với ý định như thế như thế, Ngọ bảo hai ông chạy ra ngay, tôi sẽ đứng chờ ở Quán Bàu. Đến ngã 3 Quán Bàu thì Ngọ đã áo quần tề chỉnh đứng chờ.
Lăng Thành là một làng cổ của huyện Yên Thành. Ngày 10 tháng 9 năm 1972 tôi và Ngọc khi đó vừa học xong năm nhất lên năm 2 của khóa 12 thì từ đó chia tay bạn bè trường khoa đi lính cho đến ngày đất nước hết chiến tranh mới trở lại trường học khóa 16. Từ bấy đến nay đã hơn 40 năm tôi vẫn chưa quên ngôi làng cổ điển hình của làng quê Trung Bộ với cái cổng làng xây bằng gạch bề thế dưới bóng cây đa làng sum sê mát rượi. Từ đó có con đường đi qua ngôi đình làng với những cái cột to ôm không xuể rồi xuyên qua cánh đồng thẳng  ra bờ đê Yên Thành, nơi Ngọ và bạn bè khóa 12 tiễn chúng tôi ra trận trong một đêm tối trời như 30 tết. Một cuộc chia tay không dám mơ ngày gặp lại vì chiến tranh khốc liệt quá.
Khoảng giữa trưa thì chiếc Nissan Sunny của Ngọc đưa chúng tôi đến thị trấn Chợ Dinh, huyện lị Yên Thành.  Có đi xa thế này mới thấy tay lái của Ngọc cũng ngang cấp độ lụa, rất yên tâm.
Do Ngọ có báo trước nên khi xuống xe đã thấy một đoàn khá đông cán bộ Yên Thành với chủ tịch, phó chủ tịch, chánh, phó văn phòng UBND huyện;  trưởng, phó phòng GD và ĐT Yên Thành đợi sẵn đoàn chúng tôi trong một nhà hàng sang trọng. Vậy mới thấy cái uy của quan đốc học Ngọ ở xứ Nghệ này là rất lớn. Bữa trưa thân tình với món nhộng ong đất xào lá lốt uống với vodka Nga lần đầu tiên tôi được ăn. Thơm và bùi không thể tả, ăn no cũng không chán.
Ăn uống xong thì một anh phó phòng GD trẻ măng cùng lên xe dẫn đường  cho chúng tôi về Lăng Thành.  Cứ nghĩ là dễ đi hóa ra chẳng dễ chút nào nếu không có người bản địa hướng dẫn.
Đường về Lăng Thành ngoằn ngoèo giữa những cánh đồng đang vào mùa gặt, vàng rực lúa và thơm nức mùi rơm rạ.
Trên xe anh phó phòng cho chúng tôi biết là cái cổng làng mà mấy thầy nhắc ấy đã tự sụp đổ lâu lắm rồi, cây đa to mà thầy vẫn nhớ ấy cũng chết đã lâu rồi. Chỉ còn lại ngôi đình làng sát ngoài cánh đồng được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia  nên hiện đang được nhà nước cấp tiền cho trùng tu lại.

                                 Thị trấn Chợ Dinh...


                             ...huyện lị Yên Thành ngày nay

(Lại có bạn từ phương xa là 1 nhân vật trong bài vô Sg họp gọi rồi, về viết tiếp)……………….


     

27 tháng 8, 2013

Họp lớp đại học 3

Lâu lắm tôi mới có cơ hội quay lại Vinh, nơi mỗi dấu chân đi đều có thể dẫm lên những vết tích kỉ niệm thời trai trẻ. Không gì thì cả trước lẫn sau tôi cũng đã học ở VU này đến 7 năm chứ đâu có ít. Vì thế mà tôi hồi hộp và xúc động vô cùng khi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay Vinh.
Nguyễn Trung Ngọc ra đón với chiếc Nissan Sunny  mới cáu cạnh và bài hát Nhật Lệ trăng huyền thoại đang được cất lên từ dàn âm thanh trên xe. Đúng là tri âm và tri kỉ. Ngọc biết tôi mê bài hát này nên đã lấy nó làm món quà đầu tiên tặng tôi. Không cảm động sao được.


Chiếc Nissan Sunny này Ngọc bảo là mua để kịp phục vụ họp lớp và đón tôi đấy.

Trên đường về Tp, Ngọc tranh thủ trao đổi qua về chương trình cuộc họp mặt với tinh thần ngắn gọn, nhẹ  nhàng, vui là chính. Chỉ nghe qua tôi đã thấy ổn rồi. Mang tiếng là tham gia ban tổ chức phụ trách cánh phía nam nhưng đúng ra tôi chỉ đơn thuần là người thụ hưởng, thấy mình được bạn bè ở Vinh coi như thượng khách. Họp lớp sướng thế sao lại không đi nhỉ. Tôi biết ơn các bạn nhiều lắm.


  Trưởng BTC kiêm quay phim chụp hình Nguyễn Trung Ngọc. Tên đứng nhìn là Nhia Quảng Bình


5 giờ chiều, đoàn từ Hà Nội và Thanh Hóa do Uông Ngọc Dậu dẫn đầu với các bạn Cao Phú, Hân, Khôi đổ bộ vào khách sạn Quyết Thành, nơi đặt đại bản doanh của sự kiện. Uông Ngọc Dậu, chú em út của lớp hiện là GĐ hệ thời sự tổng hợp của Đài tiếng nói Việt Nam, sau khi hoàn thành chuyến công tác từ biên giới Việt- Lào đã chạy thêm 200km về tận Cẩm Thủy rước anh Cao Phú. Thật là chí tình chí nghĩa.


Trái sang: Uông Ngọc Dậu với Nguyễn Hòa Sùng và Cao Anh Phú. Dậu là thành viên BTC phụ trách cánh miền Bắc. Bữa tiệc chiêu đãi chính thức tối thứ 7 là của Dậu mời mọi người. 



 KS Quyết Thành, nơi đặt đại bản doanh Họp lớp 16D. Vợ chồng Ngọc Nga hào phóng bao hết chi phí tiền ở 2 ngày liền của chục phòng khách sạn và 2 bữa ăn sáng cho bạn bè cả lớp. 

Vừa thấy tôi trong thang máy ra, anh Cao Phú đã ôm chầm lấy với cánh tay còn lại đập đập vào lưng nghe thật đã. Tiếng là học cùng lớp nhưng anh sinh năm 1945, hơn tôi gần chục tuổi. Anh đi bộ đội đúng 10 năm tròn, về học là thương binh hạng 4  với 1 cánh tay phải nằm lại trên chiến trường miền Nam. Khi biết tin chúng tôi sẽ tổ chức họp lớp, từ Cẩm Thủy, Thanh Hóa  anh nhắn: Nếu chúng mày tổ chức được cuộc họp lớp thì dù có phải bán một con bò để đi tao cũng sẵn sàng tham gia. Chính câu nói ấy của anh đã giục giã, động viên chúng tôi quyết tâm làm cuộc họp lớp này, bởi đã có những lúc rất nản chí.


Anh Cao Phú phát biểu

Với anh Cao Phú

Tiếp theo là đoàn  các bạn từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với những Kim Dung, Chiến, Sùng , Nhia, Ái, Lý, Đào, Hào, Quyền,  Lê Em... Đúng là cảnh của tay bắt mặt mừng. Ai cũng tranh nhau nói, cười, chào hỏi. Nhìn khung cảnh cảm động này càng thấy quyết định mời gọi các bạn về họp mặt là vô cùng đúng lúc. Dù chẳng phải là dịp kỉ niệm 30 hay 35 năm chẵn mà là 34 năm, nhìn hổng giống ai. Sướng lên thì mần thôi.



                                         Trái sang: Nga, Đào, Lý, Khôi

  
Dưới bóng mát sân Trường Đại học Vinh (VU), chuẩn bị vào thăm nhà truyền thống và thắp hương viếng các thầy cô giáo đã qua đời

Chiều thứ 6 hội quân. Tối cafe sân thượng lầu 7 Quyết Thành. Sáng thứ 7 cả lớp vào thăm trường cũ, thăm nhà truyền thống VU và lên phòng Uống nước nhớ nguồn thắp hương  dâng hoa tưởng niệm các thầy cô giáo của trường đã qua đời. Sau đó lên rú Quyết thắp hương đền thờ Vua Quang Trung và phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh dòng sông Lam uốn khúc.  Trưa dự tiệc ở nhà hàng Việt Đức do Kim Dung chiêu đãi. Một bữa tiệc ngon lành và mát rượi.


Uông Ngọc Dậu (áo xanh) và bên cạnh là Kim Dung (áo đen) trong tối cafe sân thượng

Chiều cả lớp lại rồng rắn kéo nhau ra tắm biển Cửa Lò. Nói ra mọi người đừng cười chứ đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Cửa Lò dù nó cách Vinh chỉ hơn chục cây số. Không biết suốt những năm học ở Vinh cả đại học và cao học thì tôi đi chơi ở những nơi đâu mà không xuống Cửa Lò nhỉ.


                               Trước cổng đền thờ Vua Quang Trung trên rú Quyết



                                   Trời nước sông Lam nhìn từ đỉnh rú Quyết

Buổi tiệc tối và cũng là họp mặt chính thức bắt đầu từ 18h kéo dài đến 22h trong phòng VIP của Quyết Thành. Những phát biểu thắm tình thầy trò và bè bạn của thầy chủ nhiệm năm nhất Nguyễn Thanh Hải, của thầy dạy Pháp văn Vũ Hữu Thụy, và nhất là phát biểu của cô Đỗ Thị Kim Liên - người bạn thân của tôi và của cả lớp 16D. Trong câu chuyện thân tình, vị GS ngôn ngữ bình dị đã nhắc lại kỉ niệm hồi chị cùng cái Luyến quê Quảng Bình mượn của tôi cuốn Daghestan của tôi của Rasul Gamzatov rồi lập mưu giả vờ nói mất để xem tôi nói gì. Kết quả là tôi đã quạt cho cái Luyến một mẻ với câu nói mà chị Liên vẫn nhớ, còn tôi thì chẳng nhớ gì: Mi có biết là mỗi câu chữ trong cuốn sách đó đều có thể ghi vô sổ tay như những danh ngôn. Thế mà sao mi nỡ đánh mất nó chứ. Nghe tôi nói vậy cả chị Liên và con bé Luyến phá lên cười rồi thò từ túi áo khoác ra cuốn sách quí thời đó.
 Bây giờ thì con bé Luyến ấy đã thành bà ngoại, nghỉ hưu ở SG và vì bận chăm cháu nên không về họp lớp được.  GS Liên cũng nghỉ hưu rồi, chỉ còn đi giảng bài cho mấy lớp cao học và hướng dẫn NCS tiến sĩ.
Các bạn đều lên phát biểu. Ấn tượng nhất là ông anh Cao Phú nói: Về dự họp lớp lần này tôi thấy mình như trẻ ra được 5 tuổi. 

Sáng hôm qua, thứ 2 ngày  26/8 tôi đi chuyến 9 giờ trở lại Sài Gòn. Vợ chồng Ngọc Nga và cả bạn học khóa 12 là Nguyễn Đình Anh, cùng tiễn ra sân bay sau khi đã ghé quán cháo lươn đặc sản xứ Vinh làm một chầu lươn cháo ngất ngư..
  

                                         Ngọc - Nga 
                               


 Nhóm bạn học cùng lớp khóa 12. Trái sang: Nguyễn Đình Anh, Hà Tùng Sơn, Nguyễn Trung Ngọc


                         
                      Với Nguyễn Đình Anh, bạn học cùng lớp 12A khóa 12


Quà lưu niệm của ĐH Vinh do Ngọc tặng. Về đến nhà, việc đầu tiên là lấy ra chưng ở phòng khách.



Ra về mang cả cu đơ (Phan Nga cho) cùng về. Cái túi du lịch chính hãng hàng Mĩ mới tinh này là của em Kim Dung GĐ AIA Nghệ An tặng, mỗi bạn về họp lớp đều được Dung tặng một cái túi to đẹp như thế kèm lời dặn: Về họp lớp lần sau nhớ mang theo cái túi này nhé. Kim Dung còn đăng kí: "Họp lớp lần tới em bao 100%". Tôi nói với Ngọc: giàu có thì có thể nhiều người hơn Dung, nhưng hào phóng với bạn bè như Dung thì không có nhiều người lắm. Người ta vẫn nói giàu mà sang là vậy. 


(còn tiếp...)




24 tháng 8, 2013

Họp lớp đại học 2


PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỌP MẶT KỈ NIỆM 34 NĂM NGÀY

RA TRƯỜNG CỦA LỚP 16D KHOA VĂN ĐHSP VINH

TP. VINH, 24–8- 2013



Kính thưa quí thầy cô
Thưa các bạn thân mến!

Vào khoảng thời gian này của 34 năm về trước, năm 1979, những sinh viên của tập thể lớp D khóa 16 khoa Văn Trường ĐHSP Vinh tốt nghiệp ra trường. Trước đó 4 năm, vào năm 1975, chúng ta tựu trường. Năm 1975 cũng là năm có sự kiện đại thắng 30-4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, vì thế khóa 16 chúng ta đã được Nhà trường đặt tên là khóa Việt Nam chiến thắng (không biết có bao nhiêu bạn còn nhớ điều này nhỉ).

34 năm qua, từ những chàng trai cô gái trẻ như măng và hồn nhiên như cây cỏ, nay gặp lại nhau dù răng chưa long nhưng nhiều mái đầu đã bạc. 34 năm trước, dù có giỏi trí tưởng tượng đến đâu, các bạn cũng khó có thể hình dung ra cái tay từng làm bí thư chi đoàn và lớp trưởng mà lúc ấy dù đã đi lính 4 năm về vẫn chỉ mới 25 tuổi là tôi đây lại có lúc lên trước lớp phát biểu với mái đầu bạc trắng và cặp kính lão 3.0 nhìn chán ngăn ngắt như bây giờ.

34 năm, khoảng thời gian dài đủ cho một thiếu nữ trẻ nhất lớp sinh năm 1959 nên khi tốt nghiệp đại học mới tròn 19 tuổi, thiếu nữ ấy trẻ đến mức có chàng trai cùng lớp cũng rất trẻ là Uông Ngọc Dậu đã phải làm thơ tặng với câu Em sinh 59 hỡi em… nay thì thiếu nữ ấy dù dung nhan vẫn trẻ trung nhưng cũng phải đau lòng mà nói đã ở trong đội hình U54 và đã thành bà ngoại lâu lắm rồi. Tôi muốn nói đến bạn Kim Dung đấy.

Nói vậy để thấy rằng, từ bấy đến nay, sau 34 năm miệt mài kiếm sống, chăm lo cho công danh phú quí, rong ruổi theo đuổi sự nghiệp trên khắp mọi nẻo đường đất nước, đã đến lúc chúng ta cần phải gặp lại nhau, ngồi lại với nhau như ngày nào cùng chung lớp 16D để ít nhất cũng thấy được rằng chúng ta đã thay đổi như thế nào sau 34 năm tốt nghiệp ra trường; để cùng nhau ôn lại những kỉ niệm xưa, để nói nốt với nhau những điều có thể ngày xưa rất muốn mà chưa kịp nói.

Đó là lí do của buổi họp mặt hôm nay.


Ban tổ chức. Trái sang: Uông Ngọc Dậu, Nguyễn Trung Ngọc, HTS

Thưa các bạn!

Tại cuộc họp mặt này, lớp ta vui mừng chào đón sự có mặt của thầy Nguyễn Thanh Hải, GV Trung văn, là thầy chủ nhiệm lớp năm thứ nhất, người thầy đầu tiên ở trường đại học của chúng ta; thầy giáo dạy Pháp văn đồng thời là cựu bí thư liên chi đoàn khoa Vũ Hữu Thụy; đặc biệt là cô Đỗ Thị Kim Liên, giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học, dạy lớp ta năm thứ 3, cũng là người bạn thân thiết của lớp ta.  

Nhớ lại 34 năm về trước, chúng ta đã có một quãng đời sinh viên thật sôi nổi và đẹp đẽ. Một khung trời đại học với những giảng đường giản dị, khiêm nhường, gian khổ sau chiến tranh mà vẫn ăm ắp những tiếng cười trẻ trung và đầy ắp trí tuệ chứa đựng trong những bài giảng của thầy cô và những trang giáo trình thư viện. Vì thế mà dù đi khắp bốn phương trời, sống ở đâu, làm gì… chúng ta vẫn nhớ về mái trường Đại học Vinh như nhớ về một cái nôi đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ để chúng ta lớn khôn, trưởng thành được như ngày nay. Ân tình ấy chúng ta không bao giờ quên. Và vì thế chúng ta luôn nhớ về và mong ngày trở lại.

34 năm trước, chúng ta cùng ngồi trong một lớp học như nhau, sống với nhau thân ái trong một mái nhà chung là lớp 16D;  đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, vui buồn bên nhau. Tôi vẫn chưa quên những cái tên của bạn bè trong lớp như Dung, Em, Ái, Đào, Thái, Lý, Chiến, Đông, Lộc, Quế, Tiến, Quang, Quyền, Sùng, Nhia, Ninh, Bắc, Quốc, Hòa, Đông, Thỏa. Ngọc, Nga, Nam, Minh, Thu, Huệ, Luyến, Vũ, Xuân, Thắng, Luyện, Hải, Quang Phú, Tịnh, Đặng Bình, Đoàn Bình, Lý (con), Cao Phú, Khôi, Lan, Ca, Hân, Dậu Những cái tên mà mỗi lần nhớ đến là nhớ về những kỉ niệm như một miền kí ức bí ẩn chôn sâu tận đáy lòng. Tuy nhiên, trong lớp ta có bạn Thái xinh đẹp, bạn Trần Đình Vợi, bạn Đặng Khắc Bình không may đã sớm qua đời. Chúng ta hãy nghiêng mình tưởng niệm và cầu mong cho Thái, Vợi và Bình ở dưới suối vàng được an giấc ngàn thu.

Hinh-lop-16D
       Lớp 16D-K2 ngày ấy (trong chuyến thực tế tại Huế 1977; Ảnh từ nguyenduyxuan.net)...


                         ...và bây giờ


Thưa quí thầy cô và các bạn.

Những thành viên của lớp 16D ngày ấy nay đang sống ở khắp nơi trên mọi miền đất nước, làm những công việc rất khác nhau, cách xa nhau hàng ngàn cây số. Có người đã thành vụ trưởng, giám đốc sở, hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng, phó phòng ban, khoa..., có bạn đã thành phó giáo sư, tiến sĩ…, đa số vẫn miệt mài với nghề dạy học ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học… nhiều bạn đã kịp nghỉ hưu vui vầy bên con cháu. Đó là một sự trưởng thành tất yếu, một sự phấn đấu không mệt mỏi của chúng ta kể từ ngày tốt nghiệp ra trường như là một món quà tặng của cuộc sống. Thay mặt ban tổ chức, xin nhiệt liệt chúc mừng cho những gì mà chúng ta đã và đang có hôm nay.


Sau 34 năm tôi lại được đứng phát biểu trước lớp 16D-K2


Thưa thầy cô và các bạn!

Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu cho sách Luận ngữ, ông tổ của tư tưởng phong kiến là Khổng tử đã viết một bài học về tình bạn để dạy cho 3.000 môn đồ của mình: Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. (Nghĩa là: Có bạn từ phương xa tới, chẳng vui lắm sao). Khổng tử đã đưa tình bằng hữu lên trước cả lòng trung quân ái quốc, đã rất đề cao tình bạn bè trong cuộc sống. Hôm nay trở về đây, tay bắt mặt mừng, ngồi bên nhau trong khán phòng ấm tình bè bạn giữa thành  phố Vinh đầy ắp kỉ niệm này, là chúng ta đang làm theo tư tưởng tiến bộ cách tân ở trên của Khổng tử. Bạn bè đến với ta, ta đến với bạn bè,  chẳng vui lắm sao.

Một lần nữa xin được nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của quí thầy cô và các bạn.
             

Thưa các bạn!

Bài phát biểu của tôi sẽ không bao giờ trọn vẹn và sẽ rất là khiếm khuyết nếu tôi không nói đến công lao của hai bạn, cũng là một trong những cặp đôi hoàn hảo của lớp ta yêu nhau mà nên vợ nên chồng. Đó là Nguyễn Trung Ngọc và Phan Thị Nga, đều cùng là giảng viên của VU, chính hai bạn là người đã khởi xướng và từ mấy tháng nay đã rất nhiệt tình, tự mình đứng ra làm hết mọi việc, gánh hết mọi trách nhiệm của một ban tổ chức tự phong không do ai giao phó để chúng ta có được buổi họp mặt hôm nay.  Xin được nói lời cảm ơn đến bạn Kim Dung, bạn Uông Ngọc Dậu, bạn Phan Thị Nga, bạn Nguyễn Trung Ngọc đã tài trợ toàn bộ về mặt tài chính và quà tặng cho cuộc gặp thành công. Thay mặt bạn bè, chân thành cảm ơn các bạn .

Nhân đây cũng xin được nói lời cảm ơn đến BGĐ và đội ngũ nhân viên Khách sạn Quyết Thành đã nhiệt tình tạo điều kiện cho cuộc gặp của lớp ta thành công.   

Thưa thầy cô và các bạn!

38 năm trước duyên trời đã khiến chúng ta gặp nhau, học chung một lớp đại học trong suốt bốn năm ròng. Nay sau 34 năm tốt nghiệp ra trường, sau bao nhiêu lăn lộn với cuộc đời, chúng ta lại được ngồi bên nhau như ngày xưa thân ái. Đó cũng là duyên trời. Và tôi mong cái duyên đó sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Chúc quí thầy cô và các bạn có nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc.

Xin chân thành cảm ơn.