20 tháng 8, 2013

Hữu bằng tự viễn phương lai...

Đọc Luận ngữ của Khổng tử, tôi đã phải suy ngẫm và lấy làm ngạc nhiên về rất nhiều điều mà nhà tư tưởng của Trung Hoa cổ đại sống cách đây hơn 2.500 năm đã viết trong cuốn sách được xem là kinh điển dùng để dạy cho hơn 3.000 học trò của mình. Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên là khi thấy mở đầu cuốn sách ông đã viết một bài học về tình bạn:  Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ. Câu này có nghĩa rằng: Có bạn từ phương xa đến chẳng vui lắm sao. Tôi ngạc nhiên là vì sao một ông tổ của tư tưởng phong kiến như Khổng tử lại không mở đầu cho cuốn giáo khoa thư của mình bằng một bài học về lòng trung quân ái quốc (trung thành với nhà vua và yêu nước), mà lại đi nói về tình bạn.
Càng sống lâu, càng chiêm nghiệm về cuộc đời, mới thấy sự đề cao tình bạn bè của Khổng tử là vô cùng có lí. Trên cõi đời này, có lẽ không có ai là không có ít nhất một người bạn. Từ bậc chính nhân quân tử cho đến một kẻ khốn cùng của xã hội đều có bạn. Không có bạn, dù chỉ là một người, bạn sẽ có một khoảng trống không gì bù đắp nổi trong cuộc sống. Dù bạn đã có một sự nhiệp như ý với một gia đình chứa đầy hạnh phúc, tưởng như không cần gì thêm nữa thì bạn vẫn cần có thêm bạn bè.
Chẳng hạn, sống trong cuộc đời này ai cũng có những điều bí mật của riêng mình. Bí mật đến mức chỉ có trời biết đất biết và bạn biết (dĩ nhiên). Điều bí mật ấy bạn không thể nói cho ai biết, dù đó là cha mẹ hay vợ chồng con cái mình. Ấy vậy mà bạn lại sẵn sàng chia sẻ điều bí mật ấy với người bạn thân thiết nhất của mình.
Có một ông bạn vong niên lớn hơn tôi mấy tuổi chơi với nhau đã hàng chục năm nay. Ổng đang có một gia đình vợ con yên ấm thành đạt. Bỗng một hôm ông thì thào vào tai tôi một điều bí mật. Đó là ông có một đứa con riêng với một cô bồ cũ. Cô ấy lấy chồng nhưng lại không thể có con mà lí do là từ phía người chồng. Một lần đi công tác, ông và cô bồ cũ vô tình gặp lại nhau. Cô bồ cũ kể về hoàn cảnh trớ trêu của mình và nói rõ là rất khát khao có một đứa con để vui cửa vui nhà. Và lần ấy, ông đã giúp cô bồ cũ toại nguyện. Nay thì đứa con ấy đã trưởng thành, cô bồ cũ đã thành bà ngoại và sống rất hanh phúc. Điều may mắn là người chồng của cô bồ cũ cũng không băn khoăn gì vì cứ nghĩ đó là con mình. Điều bí mật động trời ấy của ông bạn tôi chỉ có trời biết, đất biết, bạn tôi biết, bồ cũ của bạn tôi biết và…tôi biết.  Tất cả chỉ có 3 người. Rồi sẽ đến lúc ông bạn tôi và tôi mang theo nó xuống mồ mà không thể chia sẻ thêm với bất kì ai khác nữa.
 Vậy mới thấy sự cần thiết và cao cả của tình bạn. Đó cũng là điều để cắt nghĩa vì sao Khổng tử đã mở đầu Luận ngữ bằng một bài học về tình bạn.
Càng sống, càng lớn tuổi càng cần có bạn bè. Bởi khi trẻ ta còn phải hướng tinh thần và tâm trí vào nhiều điều như học hành, sự nghiệp, công danh phú qúi, vợ con gia đình… Nhưng khi những điều đó đã có (dù không biết bao nhiêu cho đủ), có khi bạn lại thấy cô đơn. Và khi đó hẳn bạn sẽ nhớ về bạn bè, cần đến bạn bè.
Không có bạn, nỗi cô đơn của bạn sẽ nhân lên nhiều lần. Mà trong đời ai chẳng có sự cô đơn. Dù bạn thành đạt và hạnh phúc đến đâu thì nỗi cô đơn vẫn đi theo cuộc sống của bạn như cái bóng đi theo hình người, lúc khuất lúc hiện. Chẳng thế mà một ông bạn khác của tôi tên là Uông Ngọc Dậu đã viết một câu thơ rất hay: Đêm nằm bên vợ thấy cô đơn. Nghe qua thấy vô lí nhưng ngẫm lại thấy có lí.
Thường khi về già, con người ta có nhu cầu tìm về với bạn bè cũ. Chẳng thế mà khi còn trẻ nghe mọi người kêu đi họp lớp bạn thường dửng dưng, lại còn lên giọng: Không có việc gì làm nữa à mà bày ra họp lớp, mất thời gian, tốn tiền vô ích. 
Nhưng khi đã qua tuổi ngũ tuần, bạn lại mong đến ngày được mọi người kêu đi họp lớp.  Khi đó bạn sẵn sàng dẹp cả công việc gia đình và nhiệm sở sang một bên, sẵn sàng bỏ ra cả nửa tháng lương để đi họp lớp cách nơi bạn sống hàng ngàn cây số.
Khi đó, bài học của Khổng tử Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ càng đúng hơn bao giờ hết. Bạn bè đến với ta, ta đến với bạn bè, chẳng vui lắm sao.          



            

14 nhận xét:

  1. Có được người bạn theo đúng nghĩa của nó khó lắm Đồng hương ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì kiếm người bạn tương đối thôi TT. Có vãn hơn không mà.

      Xóa

  2. Giáo sư biết rất rõ Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Luận Ngữ là một quyển trong bộ Tứ Thư (4 quyển) gồm: Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh tử và Trung Dung. Đọc Luận ngữ, ta hiểu rõ tư tưởng của Khổng Tử, nhất là về giáo dục. Ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người, nên học trò rất thích thú .
    Trong 4 nội dung chủ yếu của sách Luận ngữ có nội dung "Tứ hải huynh đệ" (Bốn biển là anh em), thì việc ông mở đầu cuốn sách bằng một bài học về tình bạn: "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ" không có gì là đáng ngạc nhiên cả.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại gải đúng chỗ ngứa của Ruchung rồi. Nhất trí với lập luận trên.

      Xóa
    2. Thêm một chỗ ngứa nữa buộc phải GÃI (chứ không phải GẢI}

      Xóa
    3. Thầy dạy văn cũng có lúc sai lỗi chính tả nhỉ. Bài viết bị trừ 0,3 điểm. Rõ ràng là không phải "lỗi cậu đánh máy". TK.

      Xóa
  3. Tôi lại còn nghiệm thấy một điều là tình bạn rất bền vững. Ví như mấy ông bạn khóa 16 ĐHSP Vinh chúng tôi ngót nghét 40 năm rồi mà cứ nhớ nhau như người yêu vậy, đang mong từng giờ để gặp nhau. Tụi thanh niên bây giờ, với thời lường 40 năm nhiều đứa lấy vợ lấy chồng 3-4 lượt nữa rồi. Kì diệu thay tình bạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nặc danh ví tình bạn với tình yêu e có phần khập khiễng. Tình yêu như lửa cháy, sẽ đến hồi tắt. Vợ chồng bắt đầu là tình, kết thúc là nghĩa - các cụ ta xưa chẳng đã nói là nghĩa phu thê đó sao. Nhưng tình bạn là mãi mãi.

      Xóa
    2. tôi đã đọc hết mấy bài ông đăng, thật nhớ, cảm động và có chút luyến tiếc những ngày qua...Tôi đi chuyến này còn có chút mặc cảm trong đó nên niềm vui không trọn vẹn, nhưng dù sao các bạn đã cho tôi thêm nhiều điều quý giá...xin cảm ơn mọi người. Nếu tự tin hơn một chút tôi vẫn có thể theo ông đi chơi cùng với NGọc -Nga đấy.

      Xóa
    3. tamdinhchien@: Ông cứ cả nghĩ thế. Bọn mình là những thằng từng đi lính, tha phương cầu thực, lăn lộn qua nhiều ngóc ngách cuộc đời, cuối đời còn chút bạn bè.
      Có cái gì tròn vẹn đâu ông.
      Ông về họp lớp, gặp nhau thấy ông khỏe mạnh là tôi mừng lắm rồi. Có vô SG thăm con cháu thì ới tôi.

      Xóa
  4. HTS nói hộ ý mọi người rồi đó. Nói thật nhé, sự dè dặt của anh trong chuyến họp lớp vừa rồi khiến chúng tôi bớt vui đấy. Dạo trước vợ chồng tôi định tìm về Đức Lạc thăm anh cũng là vì nghĩa bạn bè (chúng tôi biết hết cả rồi mà)vậy mà anh lại...Chừng này tuổi lẽ nào chúng ta không hiểu chỗ bồi lở của những khúc sông cuộc đời sao!

    Trả lờiXóa
  5. Ra Vinh cứ qua lại chỗ tôi

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ, quả thực khi người ta mất đi cái gì đều tiếc nuối nhưng muốn tìm lại cảm xúc xưa thật không dễ chút nào, Nhiều khi tôi nghĩ đời được bao nhiêu nữa đâu muốn chặc lưỡi cho qua nhưng khi đối diện sự thật vẫn không vượt qua nỗi sự mặc cảm. Tôi vẫn cho mình giỏi chịu đựng, nhẫn nhục, nhưng bây giờ như "vại dưa muối hỏng" rồi ông à. Thời gian may ra xóa nhòa được những gì nặng trĩu trong lòng để khi mình nhắm mắt cho thanh thản, và biết rằng mình đã xong một kiếp người mà dẫu được làm lại mình vẫn cứ phải yêu thương và hờn giận như thế...Có lỗi chăng là mình có cái lỗi như con mình nó nói "cha không biết dạy vợ lo mà chịu hậu quả" vậy thôi. Thấy các bạn nhiệt tình vui vẻ với mình, mình thật cảm động nhưng vẫn k vượt qua chính mình vì có chút tự ty trong đó. Ông hiểu thế là tôi mừng rồi...Có dịp tôi qua nói chuyện nhiều.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới