26 tháng 2, 2013

Hoa trạng nguyên cuối mùa

Chử Anh Đào
                                     
          Hình như tuổi già đã về? Còn hình như gì nữa! Sự từng trải làm nên cái nhạy cảm, đọc được dự báo thời tiết. Ví như, dẫu còn lác đác những hạt mưa sót nhưng khi một vài nụ dã quì đã ấp úng trong vòm lá bên những vạt đồi ngoại ô, khi dăm ba cành lá xạc xào khẽ run lên trước một làn gió đông thám báo, khi mấy con giun đất mò lên trong đêm định mệnh, oằn mình không kịp chui vào hang để rồi bị ánh nắng buổi sáng se lạnh nhưng dữ dội thiêu đốt, khi những mảng rêu vốn xanh mướt nơi góc sân, bờ tường đã kịp đổi sang màu vàng úa và cong lên từng mảng…ấy là lúc mùa khô bắt đầu. Còn những dấu hiệu phổ thông không chừa một ai nữa. đó là sự biếng ăn biếng ngủ, toàn thân nhức mỏi, tay chân cứ thừa ra như của đi mượn, thấy cái Đẹp không còn háo hức, không còn liên tưởng bậy bạ nữa. Già thật rồi!
          Nhưng có một thứ quyết không già trong ông. Đó là tình yêu nghề nghiệp. Ông làm nghề giáo, ở một trường thuộc hệ đại học, đào tạo những người sau này cũng sẽ làm thầy giáo. Đành rằng lời chém gió của ông Bộ trưởng “ đến năm 2010 các thầy cô giáo sẽ sống được bằng lương” đến giờ vẫn bay bổng một thứ “ hiện thực xã hội chủ nghĩa” vớ vẩn tận đẩu tận đâu, ông vẫn yêu nghề. Đành rằng nghề giáo trong một hoàn cảnh xã hội có nhiều nhiễu nhương, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn thì nó không còn thanh sạch như hàng nghìn năm về trước, như lời của đại thi hào dân tộc “ viên ngọc trong đá không còn giữ được bộ mặt thật nữa rồi”.Ở trường ông, hiện tượng hù dọa, trấn lột tiền sinh viên trong các kì thi học phần, tốt nghiệp; rồi gạ gẫm quà cáp nhân các ngày lễ tết, tự ý bỏ giờ, ra chậm vào sớm… không phải là không có. Nhưng đó chỉ là những “ con sâu” dứt khoát không thể là toàn bộ gương mặt nhà trường nơi có đảng bộ nhiều năm liền “ trong sạch vững mạnh”. Và ông vẫn yêu nghề.
          Hơn nữa, ông lại dạy văn. Môn văn, với ông như là một tôn giáo mà ông là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo. Trước hết, nó cải hóa ông.Từ một thanh niên mới lớn ngông nghênh  chỉ thích làm nghề lái xe hoặc họa sĩ, nhà văn để được bay nhảy, đi đó đi đây, khi vào khoa sư phạm thì đầu ra ắt hẳn là thầy giáo dạy văn. Theo thời gian, ông ngày càng yêu thích bộ môn mình dạy, kể cả những năm tháng khốn khó nhất mà vẫn bỏ một phần tư tháng lương ra mua sách.( Thời ấy, thuốc lá và sách là những thứ ông mua chịu được ở ngã ba Quang Trung- Phan Bội Châu) Ông khao khát truyền lại những cái hay cái đẹp của các tác phẩm văn chương tới học trò bằng cả nhiệt huyết có pha chút Đôn-ki-hô-tê của mình vì cứ khăng khăng nghĩ rằng môn văn là một trong những cơ hội tốt nhất để người ta thành một người tử tế. Những nỗ lực của ông được đền đáp phần nào, thể hiện ở chất lượng những lứa học trò sau khi ra trường mà ông đào tạo; ở sự ghi nhớ và biết ơn của họ với thầy giáo của mình…Có lần, người con dâu cũng là giảng viên một trường cao đẳng khác hỏi: “ Ba có mệt không ba?” Mặt ông ngời lên ánh rạng rỡ và kiêu hãnh: “ Không con ạ. Vì sinh viên còn thích học và ba còn thích dạy.” Quả vậy, thời gian và tuổi già không thể ngăn trở được lòng yêu nghề của ông!
          Nhưng lí do lại đến từ một phía khác, không ngờ. Vài ba năm trở lại đây tình hình không còn như vậy nữa. Theo chỗ ông biết, ở các nước tiên tiến như Nga, Mĩ, Nhật…khoa học càng phát triển, mức sống càng cao thì tỉ lệ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các cấp học phổ thông càng nhiều. Việt Nam thì ngược lại. Người ta đổ xô đi các ngành thương nghiệp, kinh tế, ngân hàng, ngoại ngữ, tin học…- những cái ngành có thể hái ra tiền mặc dù sau khi ra trường , xin việc vào chúng không dưới đôi trăm triệu…Cùng với sự phát triển của công nghệ nghe nhìn, tâm lí thực dụng của xã hội, quĩ thời gian sống của mỗi cá nhân ngày càng trở nên gấp gáp; rồi không phải không có những thầy cô giáo coi dạy học là một nghề( tất nhiên  rồi) và dạy văn cũng như dạy toán, lí, hóa. sinh; rồi những tai họa từ cái gọi là “ cải cách giáo dục”, môn văn với các bài văn mẫu, tác phẩm văn chương như một chỉnh thể tinh thần tinh vi phức tạp bậc nhất bị coi là tôm cua ếch nhái đem cắt rời từng bộ phận để mổ xẻ, phân tích đánh giá…môn văn bị thất sủng. Người trắng trợn thì bĩu môi cho sự khinh miệt tràn ra ngoài, kẻ tế nhị hơn thì lặng lẽ quay mặt. Chất lượng dạy- học văn như buổi chợ chiều mà trường ông không là ngoại lệ. Chất lượng đầu vào ngày một thấp. Sinh viên ra trường trừ ngành tiểu học, mầm non ra, còn lại, cơ hội việc làm rất ít. Ông đã gặp những sinh viên văn mà mình yêu quí vì kết quả học tập của họ, sau khi ra trường phải đi bưng bê trong các tiệm ăn, phải đi làm nhân viên tiếp thị bia rượu, thuốc lá cho các đại lí trong thành phố- công việc dành cho những người chưa cần học hết bậc tiểu học. Những khi đó thầy- trò đều ngượng ngùng, ái ngại vì sự quan tâm giúp đỡ nhau đã ở ngoài tầm tay với. Riêng ông còn là cảm giác như người có lỗi.
          Sáng nay cũng vậy. Ông lên lớp ba tiết sau. Kẻng báo, ông bước vào lớp. Lổn nhổn kẻ đứng người ngồi, phải nhắc mới đứng dậy chào thầy. Thỉnh thoảng ông dặn họ: đứng dậy chào là nội qui, là để thể hiện sự tôn trọng và quan trọng là để ổn định tổ chức giờ học, nhưng họ rất hay quên. Lớp vắng tới một phần ba, chưa kể mấy sinh viên mượn cớ lên thư viện đang chạy lạch bạch như vịt ngoài sân kia. Không có khăn trải bàn . Không có khăn lau bảng . Ghế giảng viên cáu bẩn, bụi băm. Dưới kia là những ánh mắt vô hồn hoặc lơ đãng thi nhân nhìn ra ngoài khung cửa sổ lớp học có mây trắng nhởn nhơ bay, hôm nay trời đẹp lắm như trong thơ của nhà thơ lá cờ đầu thơ ca cách mạng Việt Nam, là những khuôn mặt vô cảm. Uể oải kẻ ngáp, người nằm vật lên bàn, kẻ nói chuyện riêng, người alô điện thoại em đang học, hẹn chút nữa gặp ở nhà trọ…Ông là người nhạy cảm. Chỉ một ánh nhìn thôi mà đã có thể buồn cả tuần, cả tháng. Huống chi bây giờ…Lại chợt nhớ lời cổ nhân: Tiên trách kỉ… Không! Ông đã là giáo viên giỏi cấp tỉnh ngay từ năm sau mới ra trường. Lại có cơ hội đi học nâng cao kiến thức. Lại vẫn nguyên vẹn một tấm lòng. Ba mươi bảy năm nay chưa hề lên lớp muộn giờ. Nghiêm cẩn tới từng chi tiết về y phục, cử chỉ và lời nói. Không phải tại mình…Vậy là bao nhiêu cảm hứng, thiện ý bay đi mất. Cái gọi là lương tâm nghề nghiệp, “ một bộ phận không nhỏ” cũng theo đó mà “ cho em theo với.”
          Về nhà, người con dâu thấy thần sắc của ông, hỏi: “ Ba mệt lắm phải không? Con pha nước cam cho ba nhé.” Nó nói xong rồi quay xuống nhà dưới. Tội nghiệp con bé! Nó tưởng li nước cam của tình phụ tử sẽ tưới mát tâm hồn, làm tan chảy nỗi buồn về những hoa trạng nguyên cuối mùa trong ông./.
                                                                   PK.26.2.13
                                                                       C.A.Đ


Hoa trạng nguyên (đỏ)và hoa vàng danh được trồng làm bờ rào nhà ba mạ HTS tại làng Thọ Lộc, Quảng Bình

Xuống núi


  Chử Anh Đào

          Lâm Quí(1947- 2007) quê Lập Thạch- Vĩnh Phúc là nhà thơ duy nhất của dân tộc Cao Lan 18 vạn người. Có nhà thơ đã nhận xét: “ Tinh hoa văn hóa dân tộc Cao Lan đã dồn đến nhà thơ Lâm Quí.”
          Một lần đi trại sáng tác Nha Trang, khi mọi người xuống tắm biển thì Lâm Quí đứng trên bờ và ứng khẩu bài thơ XUỐNG NÚI:
                   Ở trên núi nhìn toàn thấy cây
                   Xuống đồng bằng nhìn toàn thấy người
                   Người và cây đều là hai thứ
                   Nuôi nấng tôi khôn lớn thành người

                   Ở trên núi nhìn toàn thấy suối
                   Xuống đồng bằng toàn là dòng sông
                   Sông và suối hòa hồn tôi trong nước
                   Đưa tôi về biển cả mênh mông

                   Ở trên núi nhìn toàn thấy váy
                   Xuống biển bờ nhìn toàn thấy đùi
                   Đùi và váy đều là hai thứ
                   Làm cho tôi mê mẩn suốt đời
          Đây là bài thơ cuối cùng của Lâm Quí in trên báo( Vì sau đó Ông bị bạo bệnh)
          Bài thơ gồm ba khổ, mười hai dòng, phản ánh cái nhìn và cảm xúc của tác giả với tư cách người miền núi lần đầu tiên xuống đồng bằng, xuống bể ( Trong thực tế Lâm Quí là người kinh lịch, từng trải.Ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn- Đại học Tổng hợp năm 1972. Năm 1973 làm phóng viên chiến trường khu 5, mãi tận 1978 mới trở ra Bắc) Chẳng cứ gì người miền núi, một ông nông dân quê Nghệ lần đầu tiên ra Hà Nội đã có ấn tượng sâu sắc nhất: “ Rặt là ngài”( toàn là người) Điều quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật là giữ được cái nhìn luôn tươi mới về thế giới như phát hiện lần đầu( Trong “ Ta đi tới” Tố Hữu cũng đã thể hiện cái nhìn lần đầu tiên với Tổ quốc mình để rồi thốt lên: Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!)Bài thơ có rất nhiều điệp ngữ, điệp từ mang lại hiệu quả khắc sâu ấn tượng cho người đọc: 4 lần “ nhìn toàn thấy”, 3 lần “Ở trên núi”, 2 lần “ xuống đồng bằng”, 2 lần “ đều là hai thứ”…Ở khổ thơ thứ nhất tác giả nhìn thấy toàn là cây ở quê hương mình và toàn là người ở đồng bằng. Tác giả gọi “ cây” và “người” bình đẳng và “ đều là hai thứ”. Đầu tiên tôi hơi bất ngờ vì chữ “ thứ” ở đây. Xong nhìn lại thì thấy người Việt cũng dùng chữ “ thứ” đứng trước danh từ “ người” ( cùng với “quân”, “giống”, “hạng”…Có điều về sau này chúng mang sắc thái tu từ tiêu cực.)Lâm Quí từ quê núi ra đi, tới miền khác của đất nước để thêm yêu nơi chôn rau cắt rốn và yêu thêm, biết ơn thêm Đất Nước rộng dài đã nuôi nấng tác giả “ khôn lớn thành người”. Câu thơ cuối của khổ thứ nhất nếu cầm trên tay được thì rất nặng ân tình!
          Khổ thơ thứ hai là hình ảnh suối, sông và biển cả.Theo một qui luật tự nhiên: trăm suối đổ về sông, trăm sông dồn về biển cả.Thông điệp mới là từ thượng nguồn tới sông đã hòa tâm hồn nhà thơ. Thế giới tâm hồn của nhà thơ đã tài tình hòa vào vật chất hữu hình của quê hương xứ sở.
          Khổ thơ cuối là một bất ngờ thú vị. Trước kia nếu các nhà thơ người dân tộc ít người Cầm Vĩnh Ui đã xin phép cấp trên “ về ôm vợ một đêm”, nhà thơ Bạc Văn Ùi rình trộm thiếu nữ Thái tắm, Dương Thuấn ao ước được “ nằm bên chị Thìn một đêm” thì giờ đây cái món mà Lâm Quí khoái là “váy” và “đùi”. Váy ở núi và đùi ở biển, tuy cách xa nhau mà không thể tách rời, đều là những cái Đẹp. Thử hỏi những người đàn ông nhìn váy và đùi ai không thích. Nhưng đã có mấy ai “ mê mẩn suốt đời” và nói toạc móng heo thành thơ như Lâm Quí?
                                                                             C A Đ
                   

21 tháng 2, 2013

Ân oán còn lâu


Hôm mùng Bốn Tết đi Đại Nam về tôi có viết bài Đại Nam với những nghi hoặc về một công trình hổ lốn của một tay trọc phú. Hôm nay đọc trên Quechoa blog thấy có bài này, như là một sự cắt nghĩa cho mớ hổ lốn của Đại Nam nên mạn phép cóp về đây để mọi người tiện đọc. Một câu chuyện hấp dẫn còn hơn cả tiểu thuyết trinh thám.

dunglovoiNQL: Chuyện này nếu không do bác Minh Diện viết, không đăng ở blog bác Bùi Văn Bồng ( tại đây) thì mình chẳng dám cóp. Mình chẳng biết lò vôi lò gạch là ông nào nhưng đọc thấy ghê răng bỏ mẹ, hi hi
Thời gian vừa qua, Huỷnh Uy Dũng, trước là Huỳnh Phi Dũng, biệt danh “Dũng lò vôi”, từng là đại biểu Quốc hội khóa X (1996-2001), lại khuấy động dư luận trong và ngoài nước về chuyện đời tư của mình.Thói thường, “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, đằng này vợ chồng Huỳnh Uy Dũng lại phô ra. Vì háo danh, hay bị luật nhân quả nó hành như vậy?
 Đầu tiên là chuyện lu loa mất hột soàn kim cương, trị giá chục tỷ đồng. Nhưng khi bắt được thủ phạm, thì tài sản không đáng giá! Kế đó Dũng làm làm đơn gửi Bộ công an, rồi lên đài báo,  tố cáo những kẻ đã tung tin đồn ác ý, làm cuộc sống gia đình ông điên đảo.
             Ngày 17-1-2013, Huỳnh Uy Dũng rao trên báo Lao Động, treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất kỳ ai có chứng cứ vợ ông vay nợ 2.000 tỷ đồng từ các ngân hàng và đối tượng bên ngoài.
            Huỳnh Uy Dũng nói: “Họ đã vu khống, bôi nhọ tôi một cách hệ thống, bằng tờ rơi rải khắp Bình Dương, bằng tin trên mạng Internet, bằng truyền khẩu dân gian, làm hạnh phúc gia đình tôi bị điên đảo, tai tiếng suốt ba năm qua. Vợ chồng tôi phải rất thương yêu nhau và rất vững vàng mới trụ vững được”.
           Cứ tưởng đây lại là một thế lực thủ địch, vì Huỳnh Uy Dũng từng làm đại biểu quốc hội với cái tên Huỳnh Phi Dũng, nên Bộ công an phải vào cuộc.  Nào ngờ,  chả có thế lực thù dịch nào, mà kẻ “vu khống bôi nhọ” ấy đã bị Nguyễn Phương Hằng, tức Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh “Hằng Canada”, vợ Huỳnh Phi Dũng, vạch mặt chỉ tên, đó chính là chồng cũ của  Nguyễn Phương Hằng.
             Gần hai chục năm trước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói với tôi: “ Đảng, chính quyền và nhân dân  Bình Dương cảm ơn nhân dân Bình Định đã cống hiến cho Bình Dương một người con ưu tú….!”.
             Người con “ưu tú” ấy, được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là “Kỳ nhân Huỳnh Phi Dũng”, mà tôi đã viết một bài báo dài đăng trên một số trang mạng.
              Cứ tưởng tài thế, lắm mưu nhiều kế thế, lắm ô dù thế, nhiều kẻ bợ đỡ thế và nhiểu tiền bạc, danh giá thế, thì hạnh phúc hơn thiên đàng, không ngờ cuộc sống lại quắt quay, điên đảo, đến nỗi  phài công khai trên đài báo, làm trò cười cho thiên hạ, và sẵn sàng đánh đổi lấy sự bình an bằng 100 tỷ đồng?
               Thỉ ra luật nhân quả bây giờ hiển hiện nhãn tiền, không phải “cha ăn mặn con khát nước!”.
               Công an, báo chí, và tiền! Huỳnh Uy Dũng đã sử dụng một lúc ba thứ vũ khí mạnh nhất  để trừ khử kẻ thù, bảo vệ hạnh phúc gia đình!
               Cái hạnh phúc gia đính Huỳnh Uy Dũng đã được xây dựng như thế nào? Bài viết này tôi không đề cập đến việc làm ăn của Huỳnh Uy Dũng, chỉ nói về mối quan hệ vợ chồng của nhân vật này. Tôi hoàn toàn không muốn soi mói đời tư của ai, nhưng Huỳnh Uy Dũng đã tự khới lên, hơn nữa, ông  đã từng là một chính khách, do đó tôi nghĩ mình có quyền nói lên một sự thật.
               Buổi sáng hôm ấy, tôi và nhà báo Hồng Quang, đài truyền hình Việt Nam, đang ngồi tán dóc ở văn phòng công ty Đại Nam, thì chiếc xe Luxsus năm chỗ màu đen trờ tới. Bước ra khỏi  xe là một người đàn ông và hai phụ nữ. Họ vào phòng, vui vẻ chào chúng tôi, người  phụ nữ trẻ  nhất  giới thiệu :
             – Thưa mấy anh, em là Hằng, mọi người quen gọi Hằng Canada vì em là Việt kiều Canada. Còn đây là chị gái em, và anh trai em!
             Hằng khoảng bốn chục tuổi, mặt bầu, trang điểm kỹ, miệng nhỏ, mắt to, nhìn  dạn dĩ  sắc sảo. Cô khoe bộ ngực nở căng  khêu gợi. Người phụ nữ  được giới thiệu là chị gái cao, gầy, ăn mặc giản dị, tương phản với cái dáng thấp đậm trang điểm lộng lẫy của Hằng. Người  đàn ông, được giới thiệu là anh trai,  khoảng ngoài bốn mươi, cao to,  ngăm đen, khuôn măt lạnh  tỏ ra thiếu tự nhiên.
             Nhà báo Hồng Quang nắm bàn tay nhỏ nhắn của Hằng:
            – Có lẽ hoa hậu còn phải gọi em bằng chị đó nghe!
             Hằng Canada cười tươi rói:
            – Em đẹp lắm phải không anh?
            Trong khi ông anh, bà chị ngồi khép nép ở góc bàn, thì Hằng Canada tự tay rót nước mời mọi người, nói chuyện rất tự nhiên như đã từng quen biết. Cô ngả vai, nghiêng đầu bên Huỳnh Phi Dũng rất thân mật.
              Huỳnh Phi Dũng cho chúng tôi biết, Hằng sang Canada từ năm 16 tuổi, lấy chồng người Trung Quốc, đã có đứa con trai. Chồng Hằng chết trong một tai nạn, để lại tài sản trị giá 18 triệu đô la Mỹ. Mẹ chồng Hằng là một người Hoa, muốn Hằng lấy người em chồng, nhưng Hằng không chấp nhận. Một đêm Hằng đang ngủ, người em chồng với sự đồng lõa của bố mẹ, xông vào phòng cưỡng bức chị dâu. Hằng chống cự, và kêu cảnh sát tới can thiệp. 
               Sau sự việc đó, Hằng  thanh lý hết tài sản, gom 18 triệu đô la, đưa con về  Việt Nam thành lập công ty,  kinh doanh bất động sản, trồng cao su, và mở siêu thị thời trang. Hiện nay Hằng có mấy trăm hec-ta cao su ở Bình Phước muốn bán cho Huỳnh Phi Dũng, đồng thời muốn thuê  đất trong khuôn viên Đại Nam xây sốp thời trang cao cấp.
                Câu chuyện hấp dẫn như tiểu thuyết làm mọi người trong phòng gật gù tán thưởng. Tôi cảm thấy nghi nghi khi nhìn cảnh đầu mày cuối mắt giữa Huỳnh Phi Dũng với  Hằng Canada. Lúc đi tham quan , tôi  nói nhỏ với Hồng Quang:
               – Dũng tiêu rồi!
               Hồng Quang cười tinh quái:
               – Nó cứ áp vú vào vai thằng Dũng!
               Tôi hỏi Sáu Bằng, thượng tá, trước làm việc ở cơ quan an ninh công an Bình Dương, là ân nhân của Huỳnh Phi Dũng, khi nghỉ hưu , được Dũng thuê làm bảo vệ nội bộ:
               – Anh có thấy không bình thường trong việc mua bàn cao su này không?
              Sáu Bằng chép miệng :
               – Không! Có cao su thật. Tôi đến tận nơi rồi!
              – Chuyện khác cơ! Mối quan hệ tình cảm ấy?
               Ông Sáu  Bằng suy nghĩ một lát rồi nói:
              – Tôi  nghi con nhỏ này muốn chài chú Dũng!
                Tôi nói:
              – Anh cứu thằng Dũng, tan cửa nát nhà đấy!
                Sáu Bằng gặp Hằng Canada nói thẳng: “ Cô không nên phá sự nghiệp của chú Dũng”.
                Không hiều Hằng mách Huỳnh phi Dũng thế nào, Dũng mắng Sáu Bằng te tua, đe đuổi việc. Gặp tôi, mặt Dũng đỏ gay: “Sáu Bằng  nói năng tầm bậy, xúc phạm con nhỏ,  làm nó khóc hết nước mắt! Tôi sẽ cho cha ấy nghỉ việc!”.
Một bữa cơm thân mật được tổ chức ở nhả hàng Vườn Xoài, có vợ chồng Huỳnh Phi Dũng, anh chị em Hằng. Ông Hoàng Sơn, Chủ tịch tỉnh Bình Dương,  đang ngồi ở bàn tiệc bên cạnh cũng sang chung vui.
          Hằng huyên thuyên  kể  chuyện tiếu lâm về bọn cướp biển. Không ngờ một phụ nữ trẻ, đẹp lại kể một câu chuyện dung tục đến thế giữa những người mới quen, đặc biệt có mặt ông Chủ tịch tỉnh? Tôi lái câu chuyện sang mối quan hệ  gia đình, bạn bè. Hình như hiểu ý tôi, Huỳnh Phi Dũng đứng dậy nói: “Có mặt anh Minh Diện và anh Hoàng Sơn  đây, em thề, cuộc đời thằng Huỳnh Phi Dũng, mà giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ thì sẽ bị trời tru đất diệt!”.
              Tiệc gần tàn, Hằng tặng Trần Thị Tuyết, vợ Dũng, chiếc nhẫn hạt soàn. Hằng nói:
             – Chiếc nhẫn này em mua bên Canada 40.000 đô la Mỹ, em tặng chị làm kỷ niệm!
             Trần Thị Tuyết từ chối,  Huỳnh Phi Dũng nói:
             – Thì em cứ nhận! Rồi tặng lại cô ấy thứ khác!
             Trần Thị Tuyết nhận chiếc nhẫn, nhìn qua rồi bỏ vào xách tay, nét mặt không vui cũng không buồn, chỉ thoáng băn khoăn. Là  người sành sỏi trong kinh doanh, Trần Thị Tuyết hiểu  đây là một món nợ, sẽ phải trả giá đắt hơn, nhưng lúc đó vẫn chưa biết phải đổi bằng hạnh phúc gia đình!
                Chưa ở đâu, và bao giờ, có một lễ mừng thọ hoành tráng như lễ mừng thọ  mẹ của Huỳnh Phi Dũng.
               Trên quảng trường Đại Nam Văn Hiến, dưới ánh sáng của dàn đèn cao áp, một ngàn bàn tiệc mặn, tiệc chay với 10.000 thực khách. Tôi nhìn thấy Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.
              Bà Chín, mẹ Huỳnh Phi Dũng mặc gấm đỏ, ngổi kiệu hồng, bồng bềnh trong cờ lọng, hoa đăng rực rỡ như giữa chốn thiên đình.  Từng đôi vợ chồng dâu, rể lần lượt lên chúc thọ mẹ, tặng những món quà giá trị bằng cả  cơ nghiệp người thường.
              Huỳnh Phi Dũng sánh vai vợ là Trần Thị Tuyết, quỳ lạy mẹ, dâng tặng vật cùng hiện kim 1 tỷ đồng.
              Một tỷ đồng, với đa phần người dân Việt Nam là rất lớn,  bằng mức thu nhập 500 tháng của một cô thợ may làm việc 10 giờ một ngày để được trả lương 2.000.000 đồng một tháng. Đối với Huỳnh Phi Dũng , đó không bằng một hạt cát, so với  núi tiền được đắp  bằng hàng  trăm héc ta đất khu  Sóng Thần I, Sóng Thần  II, biến thành khu công nghiêp cho Minh Phụng, Epco và các doanh nghiệp thuê, hàng trăm héc ta đất  khu trung tâm đô thị mới chia lô bán nền, hơn 460 héc ta khu Đại Nam. Đất không phải là sản phẩm của Huỳnh Phi Dũng làm ra. Đó là mồ hôi, nước mắt và xương máu cùa người dân Bình Dương khai khẩn, gìn giữ, là phương tiện để bà con kiếm miếng cơm manh áo tự ngàn đời.
              Huỳnh Phi Dũng, từ một kẻ không một tấc đất cắm dùi, trở thành chủ của bạt ngàn đồng xôi ruộng mật, xây núi non, thành quách đền đài trên xương cốt cùa dân lành, mà ba hoa miệng lưỡi, tung tẩy khoe khoang đến hợm hĩnh lố lăng.
             Đêm ấy, Huỳnh Phi Dũng đọc những bài thơ mình sáng tác, rồi các nghệ sỹ ca ngâm. Lời thơ sáo rỗng vút lên như ganh đua với hòn non bộ uy nghi, cầu kỳ cao chót vót: “Trên đời này nếu có lời nào đẹp nhất, là lời mẹ của con! Có tình yêu nào sâu đậm nhất là tình yêu con dành cho mẹ!”.
              Một cơn gió bỗng nổi lên, làm đổ chiếc lọng vàng và mấy chiếc dù, trong đó có chiếc dù của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tôi tự hỏi, do lòng hiếu thảo của Huỳnh Phi Dũng đã thấu tới trời,  hay cái tình yêu Dũng vừa thể hiện chỉ là thứ đồ giả, như hòn non bộ chót vót kia, nên trời nổi phong ba?  
             Không lâu sau bữa tiệc sinh nhật ấy, tôi nhận đước câu trả lời.
             Điều mà tôi dự đoán đã xảy ra!
             Đầu tiên cháu Huỳnh Phi Long, con trai đầu lòng của Dũng lên gặp tôi, khóc và nói: “ Ba  đặt chúng con lên ngai vàng,  rồi  đạp  xuống  bùn đen!”.
             Hai anh em Long du học ở Mỹ, Huỳnh Phi Dũng gọi về, giao những chức vụ quan trọng trong công ty Đại Nam. Buổi lễ lên ngôi “Tổng giám đốc” của Huỳnh Phi Long, tôi cũng được mời dự, trang trọng lắm.  Không ngở  lại là một thứ bánh vẽ.
            Mấy ngày sau bà Chín, mẹ Dũng và Trần Thị Tuyết, vợ Dũng  lên nhà tôi, kể  những chuyên không thể tin đã xảy ra .
            Huỳnh Phi Dũng tuyên bố ly hôn với Trần Thị Tuyết, để kết hôn với Nguyễn Phương Hằng.  Bà Chín và các anh  chị em,  cũng như họ hàng, bạn bè  kiên quyết phản đổi, Dũng tuyên bố từ  bỏ tất. Không khí thù địch bao trùm lên một gia đình được coi danh giá  nền nếp nhất Bình Dương.
            Vợ Dũng kể: “Ông ấy vác búa về ngôi nhà 81 Yersin,  đuổi đánh mẹ con tôi, rồi đập phá của kính, tủ, bàn bể nát, gãy vụn, rèn cừa tang hoang. Trong khi mẹ con tôi khóc thì ông Dũng gọi điện thoại khoe con Hằng là đã dạy cho “bọn chó” bài học đích đáng!”.
          Tôi đã được nghe Dũng nói nhiều lời về đạo đức, về cách đối nhân xử thế, và Dũng thường ăn chay. Ngày bố Dũng bị bệnh nặng, Dũng lập đàn tế trời, xin mình giảm thọ mười năm, để bố sống thêm ít tuồi. Dũng cũng từng nói với chúng tôi: “Tuyết là người vợ tuyệt vời, đã cùng tôi tạo nên sự nghiệp!”.  Bây giờ phũ phàng như vậy sao?
             Chị Tuyết kể cho tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt, về chiếc nhẫn hạt soàn Hằng Canada tặng chi hôm dư tiệc.
             Chị nói: “Tôi đã đưa cho nó 40.000 đô la, coi như nó mua giúp chiếc nhẫn hột soàn. Mấy ngày sau, tôi mang chiếc nhẫn lên một tiệm mua bán hạt soàn kim cương nổi tiếng mà tôi quen ở Sài Gòn để kiểm tra. Người chủ tiệm vừa cầm chiếc nhẫn, đã nói ngay: “Chiếc nhẫn này mới mua ở tiệm tôi!”. Tôi  cãi: “ Bà nhầm rồi, chiếc nhẫn này mua ở Canada!”. Bà chủ nói: “Ca-na-ma thì có ấy!”.  Bà ta lấy chứng từ gốc ra đối chiếu. Đó chính là chiếc nhẫn Nguyễn Thị Thanh Tuyền mua tại đây, giá 10.500 đô la. Bà chủ tiệm giải thích: “ Nếu không bị tỉ vết, chiếc nhẫn này trị giá 40.000 đô la!”.
              Trần Thị Tuyết đã xăm soi chiếc nhẫn khi được tặng, và hình như đã nghi đồ giả, nhưng chị lại không hề nghi Hằng rắp tâm cướp chồng mình. Một thời gian dài, Trần Thị Tuyết để mặc Huỳnh Phi Dũng làm ăn với Hằng Canada, bỏ qua rất nhiều lời cảnh báo của bạn bè , người thân. Bây giờ thì đã quá muộn !
            Tôi nhìn gương mặt xám xanh, đôi mắt thất thần của người phụ nữ bất hạnh, vừa thương hại vừa trách chị. Phải chăng  vừng hào quang tỏa ra từ 18 triệu đô la hư hư, thực thực đã làm lóa mắt người phụ nữ  nhiều  tham vọng làm giàu này?
             Hơn hai chục năm trước, Trần Thị Tuyết kết hôn với Huỳnh Phi Dũng. Tuyết là con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp, người rất có uy tín ở tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Tuyết hơn Dũng 6 tuổi, nhan sắc trung bình, được học hành tử tế. Lúc đó Dũng chỉ là một anh lính xuất ngũ, trình độ văn hóa chưa hết phổ thông trung học, bơ vơ xứ người, vai  ba lô, chân  dép râu.
            Toản bộ chi phí đám cưới  vợ chồng Dũng,  gia đình ông Ba Thu lo. Sau đám cưới, ông Ba Thu xin cho con rề vào làm nhân viên Phòng  tổ chức Sở công an, sau đó Huỳnh Phi Dũng phải chuyển sang phòng hậu cần, vì vướng vào một vụ tuyển nhân sự.
            Chị Tuyết nói: “Tài sản duy nhất cùa hai vợ chồng lúc đó là chiếc xe Honda đam trị giá  ba cây vàng, tiền mừng đám cưới ba má tôi cho!”.
             Quá trình Huỳnh Phi Dũng làm giàu tôi đã viết trong bài báo trước, chỉ xin nhắc lại là, trong suốt những năm tháng ấy, đôi vợ chồng này tỏ ra tâm đầu ý hợp, sống hạnh phúc, mẫu mực trong các mối quan hệ với mọi người trong gia đình, họ hàng và xã hội. Huỳnh Phi Dũng có hai con trai và con gái út. Chiếc điện thoại di động nào Huỳnh Phi Dũng cũng cài hệ thống báo cuộc gọi đến bằng hình ảnh cô con gái út, gương mặt dễ thương,  giọng nói nhõng nhẽo: “ Ba ơi có điện thoại!”.
                Huỳnh Phi Dũng đã hóa thân thành một vai diễn trong vở kịch đời, từ khi yêu Trần Thị Tuyết và suốt ngần ấy năm,  hay cái ung nhọt mới bùng phát ? Điều đó chỉ Huỳnh Phi Dũng biết.
         
Vợ chồng Dũng - Hằng
Vợ chồng Dũng – Hằng
  Bà Chín và chị Tuyết nói với tôi là Huỳnh Phi Dũng bị bùa ngải, và nhờ tôi giúp. Tôi  đưa bà Chín và chị Tuyết xuống Đồng Tháp,  gặp Hòa thượng Quốc Ánh, rồi về  quận Phú Nhuận, gặp vị trụ trì chùa Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Như Niệm nổi tiếng. Cả hai vị cao tăng  đều chỉ có một lời khuyên: “Cái  phúc cái họa đều do con người tạo ra, nhân nào quả ấy, không tránh được, hãy tự vấn, chăm làm việc thiện và chăm đọc  Chúc Đại bi may hóa giải được phần nào!”.
                Căn bệnh ung thư cùa chị Trần Thị Tuyết mỗi ngày một nặng thêm vì sự quậy phá của Huỳnh Phi Dũng. Ông Ba Thu nói với tôi: “Cháu coi, chú gả con gái cho nó, lo cho nó như vậy, bây giờ chú chín chục tuổi, nó cứ réo tên chửi!”.
               Để chấm dứt bi kịch đó, Chị Tuyết  đã chấp nhân ly hôn sau mấy lần không đồng ý.
             Trần Thị Tuyết kể cho tôi nghe diễn biến phiên tòa đầy kịch tính .  
            


  Hôm ấy Trần Thị Tuyết và ba đứa con  yêu cầu tài sản chia làm ba phần, Huỳnh Phi Dũng một phần, Trần Thị Tuyết một phần, ba người con một phần, trước khi chia nhờ một cơ quan kiểm toán độc lập, xác định rõ tài sản, công nợ. Huỳnh Phi Dũng đề nghị tòa không can thiệp việc phân chia tài sản, mà để hai bên tự giải quyết.
             Trần Thị Tuyết nói: “ Ông Dũng quỳ xuống chắp tay lạy tôi và ba đứa con, xin cho ông ấy chia tài sản, để ông ấy trả nợ. Ba đứa con tôi nói với tôi, thôi má, làm theo ba đi!”.
               Huỳnh Phi Dũng chia cho vợ khu nhà xưởng khu lò vôi cũ, cho mỗi đứa con 5 hec ta cao su, còn lại phần mình. Thật mỉa mai khi ông ta thường nói: “Tham của cải, của cải  bỏ ta mà đi, ví nghĩa nhân trường tồn mãi mãi!”.
               Huỳnh Phi Dũng đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng.
               Nguyễn Thị Thanh Tuyền đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng.
               Họ tưởng thay tên đổi  họ là có thể đoạn tuyệt được quá  khứ chăng?
               Đám cưới của Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng tổ chức linh đình, sau khi Nguyễn Phương Hằng ra tòa ly dị chồng. Người chồng ấy, không ai khác,  chính là người cùng ngồi trên chiếc xe Luxsus năm chỗ màu đen, tôi và nhà báo Hồng Quang đã gặp ở văn phòng công ty Đại Nam, mà Hằng Canada giới thiệu là “anh trai”. Đó là Trần Văn Thìn, quê Bến Tre, chồng chính thứ 2 của Nguyễn Phương Hằng, đã có với nhau một con gái, khi ly hôn mới 4 tuổi.
            Tại sao Trần Văn Thìn lại đóng giả anh trai  cùng  vợ xuất hiện ở công ty Đại Nam? Tại sao một người chồng lại có thể ngồi nhìn vợ mình ngả ngớn với một người đàn ông khác? Phải chăng đó là một mưu toan đã được sắp đặt, thực  thi  kế mỹ nhân?  Câu hỏi đó xin dành cho  Trần Văn Thìn người đang là thủ phạm trong vụ án “vu khống bôi nhọ” đại gia Huỳnh Uy Dũng.
            Điều mà mọi người đã biết, là Nguyễn Phương Hằng cướp chồng của Trần Thị Tuyết, Huỳnh Uy Dũng cướp vợ của Trần Văn Thìn, tạo nên ân oán. Mối ân oán này còn lâu mới giải được!
           Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng có một đứa con trai hai tuổi, mọi người gọi đứa bé là “Thiếu gia”, Huỳnh Uy Dũng không đồng ý, bắt gọi là  “Cậu”. Huỳnh Uy Dũng muốn con mình lớn lên đi tu!
           Huỳnh Uy Dũng đã xây chùa, giờ lại muốn con mình đi tu! Để tạo phúc cứu rỗi cho bá tánh hay giải bớt oán cừu?
           Kinh Phật dạy: “Không đâu không hiện thân. Mười phương trong các cõi!”.
            Đừng đánh lừa người đời và thần linh, con người mình hiện ra giữa trời đất không gì che giấu được.

Tác giả bài viết:    Minh Diện