26 tháng 4, 2021

Chuyện về 1 tập tư liệu của đài truyền hình “ngụy”

Năm 1988 tôi được chuyển về làm việc tại Đài Truyền hình Quy Nhơn khi đó là đài khu vực trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Nhận công việc ở Phòng Biên tập Chương trình, đang chân ướt chân ráo chưa quen việc thì đùng cái ông trưởng phòng một người rất tốt bụng và thông thạo nghề làm TH bỗng xin nghỉ hưu sớm vì lí do sức khỏe. Lãnh đạo đài giao luôn cái ghế ông đang ngồi cho tôi. Nói thật khi đó tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều. Và ở đây, tôi có hơn 20 năm làm việc với rất nhiều kỉ niệm.

Đài Truyền hình Quy Nhơn (tên gọi đầy đủ là Đài vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn) vốn là một trong 4 đài địa phương được ra đời từ năm 1972 thời Việt Nam Cộng hòa là Cần Thơ, Huế và Nha Trang, Đài Truyền hình Sài Gòn lúc bấy giờ là đài trung ương quản lí cả 4 đài địa phương.

Theo những anh em kĩ thuật cũ kể lại thì trong thời gian đầu thử nghiệm, cứ đến giờ phát sóng thì một chiếc máy bay trực thăng của quân đội có gắn ăng ten phát bay lên cách mặt đất từ 3 đến 5km rồi phát hình từ không trung xuống. Về sau đài phát sóng được xây dựng trên đỉnh núi Vũng Chua có độ cao 800m so với mặt biển thuộc Tp. Quy Nhơn, thường gọi là Đài Vũng Chua và vẫn được duy trì sử dụng hiệu quả cho đến ngày nay.

Trong căn phòng làm việc của tôi lúc đó ở trụ sở Đài số nhà 181 Lê Hồng Phong (bây giờ là Sở Tài chính Bình Định), có một cái tủ tài liệu bằng gỗ mộc rất thô sơ và cũ kĩ, bên trong chất đầy một cách lộn xộn những cặp tài liệu cũng rất cũ kĩ. Một hôm rảnh việc, tự mình sắp xếp lại tủ và tôi đã thấy tận cùng dưới đáy tủ có một cặp tài liệu bằng bìa cứng bên trong có 3 tập tài liệu gồm: Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang, do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành. Phía dưới ghi: Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973. Một tập khác mang bí số HT.440-3 có tên “Huấn thị về bảo toàn quân dụng và tiếp liệu cơ phận thay thế công binh” dày 80 trang. Tập còn lại mỏng hơn, phía ngoài trang bìa ghi “Tin tức và phóng sự hàng tuần của Tiểu khu Phú Yên do Khối Chiến tranh Chính trị TK. Phú Yên thực hiện”.

Do máu nghề nghiệp làm báo, tôi lập túc chú ý đến tập tin tức và phóng sự này. Trên trang bìa ở góc trái có bút phê “Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”. (Theo anh Nguyễn Định Hiếu, một cán bộ kĩ thuật làm việc tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn từ năm 1972 và sau ngày tiếp quản được chính quyền của chế độ mới bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kĩ thuật của Đài Truyền hình Quy Nhơn giải phóng, thì ông Thọ ghi ở đây là một người quay phim phụ trách phim trường của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, hiện đang sống ở Sài Gòn). Tôi lấy tập tài liệu thuộc về quá khứ lịch sử của một chế độ đã sụp đổ để hẳn sang một bên và tần ngần lật giở các trang bên trong thì đó là một bản tin lời và một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”. Ngoài ra còn có tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước. Mỗi tấm hình đều có kèm theo lời bình chú về những quân nhân được tuyên dương công trạng và gắn huy chương đủ loại trước các cấp từ lữ đoàn đến quân đoàn.

Những tư liệu quá cũ được tôi tìm thấy sau 13 năm cuộc chiến tranh kết thúc kể từ 30 tháng Tư năm 1975 và sau hơn 15 năm kể từ ngày chúng được thực hiện, tháng 10 năm 1972. Nó như một minh chứng cho một thời kì lịch sử của Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, nay là Đài Phát thanh –Truyền hình Bình Định; và cho sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của một chế độ được dựng lên dưới bàn tay của cường quốc Hoa Kì. Từ đó đến nay 40 năm đã đi qua với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, dù đã xê dịch từ Quy Nhơn vào định cư tại Sài Gòn, tôi vẫn mang theo cặp tài liệu của phía bên kia như một vật chứng, một kỉ niệm của hơn hai mươi năm làm báo hình tại Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, sau này là Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Định.

Những bức hình tư liệu của một thời dĩ vãng mà mỗi khi ngắm nhìn tôi lại cứ nghĩ không biết bây giờ số phận của những con người có mặt trong đó đang như thế nào, đang phiêu dạt nơi nao.

Ảnh từ tư liệu:

“Ông Thọ sắp xếp và cho thực hiện vào một tối thứ ba hay thứ tư tuần này 2-5/10/72”. Phía dưới có dấu văn thư hình chữ nhật ghi “Đài Vô tuyến Truyền hình Quy Nhơn, Đến số: 2214, ngày 3 tháng 10 năm 72”.

một phóng sự ảnh gồm có 5 bức hình kèm theo một trang đánh máy các lời bình về sự kiện xảy ra vào lúc 12 giờ ngày 18 tháng 9 năm 1972 ở Phú Yên “Lễ kỉ niệm đệ nhất chu niên ngày thành lập tiểu đoàn 2/210 địa phương”.

Lời bình cho tấm hình này:

Nguyên trang đánh máy lời bình cho phóng sự ảnh

Tấm hình một người dân đang được chụp hình làm căn cước

Cẩm nang đấu tranh chánh trị với cộng sản trong giai đoạn tái phát chiến tranh. Tài liệu này dày 20 trang; do Phủ tổng dân ủy thuộc Phủ tổng thống Việt Nam cộng hòa phát hành; Loại cẩm nang phổ biến hạn chế; khối kế hoạch chương trình thực hiện tháng 12-1973.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới