Nhớ hồi mới tốt nghiệp 1979 tôi được bổ về dạy ở trường Quy Nhơn, cô em gái ở Đức về cho ông anh mấy cái áo sơ mi. Lần đầu tiên trong đời tôi có những cái sơ mi ra dáng như thế. Vải đẹp, may chuẩn. Chỉ có điều khi mặc vào thì nó rộng thùng thình nếu không bỏ vô quần thì vạt áo sẽ chùng quá gối vì đó là loại dành cho thanh niên châu Âu cao cỡ 1.8m trở lên trong lúc tôi thuộc loại những anh chàng chân ngắn.
Mặc dù vậy vẫn rất thích mặc vì khi mặc thấy nó rất
thoải mái, cử động dễ dàng. Nhất là khi lên lớp dù có vươn tay hết cỡ để viết
phấn trắng lên bảng đen vẫn không thấy vướng víu gì. Nhớ lời đức Khổng Tử: Mặc
mà cứ như là không mặc, ấy mới gọi là mặc vậy. Hơn nữa đó là những cái áo không
đụng hàng. Cả khoa văn hồi đó không có ai mặc những cái sơ mi như tôi. Áo của
họ thời đó thường may chẽn theo hông, eo iếc đâu ra đó. Áo của tôi mặc đóng
thùng gió vẫn lùa vô tư. Khi đó tôi 25 tuổi. Chưa biết yêu iếc là gì. Không vô
tư mới lạ. Mà nói chẻ hoa ra hồi đó mới ra trường tôi nghèo bất tận. Có muốn
mua áo khác mặc cho giống mọi người cũng không sẵn tiền.
Chỉ có một điều làm tôi thấy bất an là mỗi khi bước vô
lớp kính cẩn nghiêng mình cúi chào sinh viên thì lại thấy hình như có điều chi
đó không bình thường. Mấy cô Sv mắt thì nhìn chằm chằm vô cái áo của tôi, miệng
lại thì thà thì thầm với nhau điều gì có lẽ bí ẩn. Nghĩ bụng sẽ có lúc mạnh dạn
hỏi họ xem hình thể trang phục của mình có chuyện gì bất ổn không. Chứ nghề dạy
học luôn phải đứng trước hàng trăm con người trẻ trung mà cứ thế này thì…chết.
Khi đã quen quen, có lần giờ ra chơi tôi không xuống
phòng giảng viên nghỉ ngơi như thường lệ mà đứng lại ban kông tán chuyện cùng
một nhóm sinh viên. Như thể vô tình mình hỏi nguyên nhân do đâu thỉnh thoảng
tôi thấy các anh chị hay nhìn tôi và thì thầm to nhỏ rồi lại bụm miệng cười với
nhau. Có gì các anh chị nói với tôi một tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.
Chân tình là vậy nhưng bọn con trai thì bỗng đưa mắt
nhìn trời cao xa xăm như không nghe tôi hỏi gì, bọn con gái thì chúi vô nhau
cười rúc rích đánh trống lảng. Quyết không mở lòng với ông thầy trẻ.
Suốt năm học, đó vẫn là điều bí ẩn khiến tôi băn
khoăn.
Mãi cả chục năm sau, khi tôi đã có vợ thì điều bí ẩn
mới được lộ diện. Lần ấy vợ tôi từ Qui Nhơn đi coi thi tốt nghiệp trung học phổ
thông ở huyện An Nhơn hay Phù Cát chi đó về kể lại, có gặp mấy cô giáo cấp 3
trường huyện vốn là học trò cũ của tôi cùng đi coi thi bắt chuyện làm quen. Khi
biết cô này là vợ của thầy HTS liền kể chuyên hồi Sv bọn em học với thầy Sơn
thế này thế nọ. Trong đó chúng nó kể vụ thầy Sơn có những cái áo sơ mi không
giống ai, mỗi lần thầy lên lớp chúng em lại hướng về cái áo sơ mi của thầy và
đố nhau: đố mày cái túi áo của thầy là túi trên hay túi dưới. Rồi chúng cãi
nhau: Túi trên thì không phải vì nó ở vị trí gần thắt lưng như một túi áo
pijama; túi dưới cũng vô lí vì đã là áo sơ mi thì làm gì có túi dưới. Cũng nhờ
vụ đố nhau ấy mà chúng em thấy giờ giảng của thầy HTS vui hẳn lên.
Thế có chết tui không. Bởi có một thời tôi cứ nghĩ là
mình giảng bài hấp dẫn nên thấy sinh viên chăm chú nghe và bàn luận rất... sôi
nổi.
Chưa hết.
Mới chập chững lên lớp được một năm thì năm 1981 tôi
quay lại trường cũ học CH. Vẫn vô tư diện những cái sơ mi Đức không đụng hàng
ấy. Các lớp cao học hồi đó là loại hình đào tạo mới, rất ít người học, hiếm hơn
lá mùa thu nên biết nhau hết.
Một hôm có việc đi qua phòng kí túc xá mấy cô cao học
khoa sinh, có chị Thiên Hương tuổi cỡ U35 ra vẫy và gọi í ới: HT Sơn vô đây cho
tụi này nhờ chút. Lạ. Hay là có cô nàng nào để ý đến tôi rồi đây (lúc đó vẫn là
trai chưa vợ nhé) mà cái lớp CH sinh này toàn những cô xinh xinh tôi rất thích.
Chị Thiên Hương là Gv của trường Đà Lạt ra học, dân Huế, vợ một đại tá quân
đội, ăn mặc đỏm dáng và đi đứng điệu đà như một bà quí tộc. Tôi thì thấy bình
thường nhưng thằng bạn cùng lớp với tôi là Chử Anh Đào thì góc cạnh lắm. Hắn
không gọi chị này bằng cái tên mĩ miều là Thiên Hương mà gọi là chị Lợi, tên
một nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh phổ biến
hồi đó. Đến giờ nhớ lại, tôi vẫn phục thằng Đào ở cái tài đặt biệt danh cho mấy
nàng cao học hồi đó. Thậm chí có nàng đã bị hắn đặt cho là con tôm luộc không
biết với ý là khen hay chê vì tôi vốn rất ưa món tôm luộc. Giá có con tôm luộc
mà chén thì thích.
Quay lại với vụ chị Thiên Hương gọi tôi vào. Khấp khởi
mừng nhưng chân vẫn đầy thận trọng vì không tự tin lắm trong một phòng nữ đang
túm tụm 4-5 mẹ. Tôi ngán phụ nữ hồi giờ.
Lạ là không thấy các mẹ cao học sinh này hỏi gì, chỉ
chăm chú nhìn vô cái áo tôi đang mặc rồi nói: Được rồi đó, cảm ơn anh Sơn he.
Thế này có mà bằng đánh đố nhau. Tôi chưng hửng đã
quay gót ra về nhưng tức quá liền quay lại hỏi cho ra nhẽ. Vụ vừa rồi nghĩa là
gì vậy. Mấy bà mà không nói là tui không có về đâu á.
Chị Thiên Hương lúc đó mới nói là tụi này muốn ngắm
lại cái kiểu cổ áo của bạn Sơn chút thôi.
Ra thế. Chả có vụ cô nàng nào để ý tôi ở đây cả.
Chả là mấy mẹ đó đang có cuộc tranh luận là nếu may sơ
mi thì kiểu cổ nào là được nhất. Tên thì kiểu nhọn hoăn hoắt như tai mèo, tên
thì kiểu lá sen tròn tròn lùm lùm. Có tên thích kiểu trung tính, bình thường
không tù không nhọn. Đang tranh luận thì thấy tôi đi qua với cái sơ mi không
giống ai nên mấy mẹ ấy gọi vô để làm mẫu dẫn chứng. Hóa ra cái sơ mi Đức tôi
mặc hôm đó có cái cổ kiểu rất mốt vừa ra lò và đang thịnh hành ở Vn.
Cái áo ấy tôi mặc lên lớp cả chục năm sau bị rách cổ
mới bỏ.
Lớp CH văn khóa 6 ĐHSP Vinh ngày tốt nghiệp, 12/
1983. Gồm12 trò và 12 thầy. Tôi hàng đầu ngoài cùng bên phải. Chử Anh Đào hàng
sau thứ 5 phải sang, tiếp theo là Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Văn
Hạnh, Nguyễn Thành Thi (1 số bạn như Đinh Trí Dũng, Lê Thi Ngọ... vắng mặt là
do đang lo bữa liên hoan ở VP khoa). Tất cả các thầy dạy chúng tôi có mặt trong
hình này như thầy Lê Bá Hán, thầy Đậu Văn Ngọ, thầy Ngô Xuân Anh, thầy Hoàng
Tiến Tựu, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn, thầy Nguyễn Trung Hiếu... đều đã qua đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới