(Bài tham gia Cuộc thi viết dành cho người chịu tác động của rượu bia, thuốc lá. Chỉ cần đạt giải KK đã được BTC đài thọ ra HN nhận giải)
Tôi bắt đầu tập tọng hút thuốc lá từ năm 1972, năm mà
tôi phải rời ghế sinh viên ở trường ĐHSP để nhập ngũ khi vừa tròn tuổi 18. Vào
lính khi đó đang là giữa chiến tranh trận mạc nên thuốc lá sẽ là thứ giải khuây
rất tuyệt vời.
Đầu tiên khi còn huấn luyện ở Quảng Bình tôi và đồng
đội (100%) hút các loại thuốc điếu thuộc loại sang của thời đó như Điện Biên,
Tam Đảo, Trường Sơn. Khi mà túi hết nhẵn tiền thì chuyển sang hút thuốc lào.
Chúng tôi vừa hút vừa triết lí: hút thuốc lào nâng cao sĩ diện. Hình như hồi
đó, có hút thuốc mới gọi là người lớn, mới là sang. Ngày đó gặp nhau sau cái
bắt tay là lấy bao thuốc từ túi áo ngực ra mời nhau như một cử chỉ lịch thiệp
và văn minh. Lại còn bật lửa châm thuốc cho nhau nữa mới thân thiện.
Rồi mưa dầm nhưng thấm rất nhanh, tôi mau chóng trở
thành một người nghiện thuốc lá. Sau khi huấn luyện xong thì tôi được điều đi B
(vào chiến trường miền Nam). Ở giữa rừng già Trường Sơn thuốc lá điếu không mà
thuốc lào cũng không. Tôi đã được đồng đội trong tiểu đội như Lê Quang Phương,
Nguyễn Quang Ngọc, Trần Quang Phát, Cao Ngọc Năm… dạy cho cách lấy lá đu đủ, lá
chu ke khô bỏ vô nỏ điếu thay thế cho thuốc lào. Hút vẫn kêu long sòng sọc như
còi trực ban đại đội, khói vẫn tỏa ra mù mịt. Nhưng cái họng thì rát vô cùng.
Có lẽ đời hút thuốc của tôi sướng nhất là kể từ khi
vào giải phóng Sài Gòn 30 tháng Tư năm 1975 và ở lại làm quân quản cho đến cuối
năm đó trước khi được rời đời lính trở lại trường đại học. Những tháng ngày đó
tôi chuyên trị loại thuốc lá thơm ngất trời của quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi
là Ru bi quân tiếp vụ. Bao thuốc có vỏ màu xanh, có hình anh lính nhảy sào rất
cao. Mỗi ngày công tác ở Ủy ban quân quản phường Hiền Vương quận 3 lúc đó ít
nhất tôi cũng đốt hết một bao quân tiếp vụ như thế.
Sau này khi đã tốt nghiệp đại học trở thành giảng viên
đại học trẻ, mỗi bận lên lớp tôi cũng bắt chước các bậc đàn anh lâu lâu lại
châm điếu thuốc vừa dạy vừa rít vài hơi điệu đà phà cả khói trắng ra bảng đen
gọi là để nâng cao chất lượng giảng dạy, làm le với sinh viên.
Đến quãng thời gian chuyển sang làm việc ở đài truyền
hình với cương vị là trưởng phòng biên tập, tôi được cánh đồng nghiệp tha hồ
làm hư hỏng khi mỗi lần đi đâu công tác về các bạn thương cũng dúi vô ngăn kéo
cho vài gói khi thì 3 số 5, khi thì Zet hoặc con ngựa trắng…
Tôi hút vô thiên lủng bất chấp những lời báo đài
(trong đó có cả đài tôi) ra rả về tác hại của thuốc lá. Kể cả khi tham gia làm
những phóng sự về tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người thì tôi vẫn vừa
duyệt phim vừa hút.
Thiệt là ngông nghênh và ngu xuẩn hệt một kẻ vô học. Lời
vợ khuyên tôi cũng bỏ ngoài tai.
Nghiện thuốc lá tôi mới nghiệm ra sự kì lạ của nó. Khi
vui hút thấy vui thêm, khi buồn hút thấy buồn thêm. Khi không vui không buồn
cũng hút. Có khi lấy điếu thuốc ra bật lửa châm hút như một sự vô thức, không
nghĩ là mình đang hút thuốc.
Thế rồi vào năm 2000 trong một dịp đi công tác dài
ngày ở Cần Thơ, nằm ngủ trong một khách sạn rất lớn có tên là Cửu Long, nửa đêm
về sáng của khí hậu trong lành miền Tây tôi nổi những cơn ho sù sụ, ngực đau
rát như có ai cào chịu không nổi. Tôi lúc đó mới thấm hết cái hại của thuốc lá.
Không nói cho bạn bè biết vì sợ chúng nó phá, tôi âm thầm bỏ hút thuốc lá. Bỏ
được 3 ngày thì thấy đêm nằm không còn ho hen nữa. Rồi tôi bỏ hẳn cho đến ngày
nay, 20 năm nói không với khói thuốc đã trôi qua. Tính từ năm 1972 đến năm
2000, tôi đã mất gần 30 năm để thấy được tác hại của thuốc lá và từ bỏ nó.
Không ngu lâu mới lạ.
Bây giờ thì ngược lại, tôi thấy những người hút thuốc
thật đáng có vấn đề. Nhưng tôn trọng quyền tự do của họ, tôi không dám phê phán
ai và tỏ bất cứ một thái độ gì. Tôi mong đến một ngày nào đó khi gặp sự xuống
cấp về sức khỏe may ra sẽ đánh thức hành động của họ.
Ảnh (chụp tháng 2/2020): Nhờ bỏ được thuốc lá mà đến nay tôi vẫn có thể ngồi làm việc ngày đủ 8 tiếng ở VP như 1 SV mới ra trường. Khộ.
Nhờ bỏ được thuốc lá mà đến nay đã 66 tuổi, đã thuộc
lớp U70, tôi không mắc bệnh về đường hô hấp, tim phổi hoạt động bình thường,
sức khỏe vẫn tốt và đầu óc vẫn minh mẫn. Tôi vẫn được cơ quan kí hợp đồng làm
việc tiếp để tăng thêm thu nhập và có thêm niềm vui cuộc sống.
Càng sống tôi càng thấm thía câu: Từ nhận thức đến
hành động là cả một quá trình. Và tôi muốn bổ sung thêm: Quá trình đó có thể
dài, rất dài. Người ta còn phải trả giá đắt thậm chí cả sức khỏe và tính mạng
của mình để biến được nhận thức thành hành động.
Tôi đã bỏ thuốc lá như thế đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới