15 tháng 5, 2020

Khai quật một sự thật


Lần đầu tiên trong đời làm nghề giáo tôi được tham gia chấm thi tuyển sinh vào đh là mùa hè năm 1984. Vài năm trước đó thì còn bận đi học thêm nên chỉ long nhong nhận lương với họp hành linh tinh. Riêng tôi đi học CH có 2 năm mà khi tốt nghiệp còn được trường ĐHSP Vinh bỗng dưng tăng thêm cho 1 bậc lương, từ 74 đồng lên 84 đồng. Ngày tốt nghiệp tháng 12 năm 1983 trước khi quay lại Quy Nhơn tôi được phòng TCCB gọi lên nhận QĐ tăng lương mà khiến cho ngay cả tôi cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao lại thế. Ngày đó CBGD mới ở lại trường đh chỉ hưởng mức lương khởi điểm 57đồng, phải 4 năm sau mới lên được khung 64 đồng. Tôi mới ra trường được 3 năm đã có mức lương 84 đồng. Vung vinh chán.
Những năm đó trường QN của tôi cũng như các trường ĐHSP khác như Hà Nội, Việt Bắc, Vinh, Huế, TP HCM rất có giá vì cả nước chỉ có 7 trường ĐHSP đào tạo giáo viên cấp 3, SV tốt nghiệp đến đâu được auto phân công nhiệm sở đến đấy. Vì thế chấm thi tuyển sinh nghĩa là làm cho thí sinh rớt là chính (khác với chấm thi tốt nghiệp là làm cho thí sinh đỗ là chính). Có năm thí sinh thi vào khoa văn của tôi với tỉ lệ chọi 1/40. Các trường đh ngày nay nghe nhắc cái tỉ lệ kinh hoàng đó mà phát thèm.
Khu vực chấm thi dưới chân cầu thang luôn có 2 công an canh gác, muốn lên được phòng chấm phải đi qua 2 anh lính CA đó. Vẻ nghiêm trọng càng tăng thêm.
Buổi chấm đầu tiên tôi nhận 1 túi chứa 30 bài thi. Mỗi buổi chấm được 2 túi như thế là đã ngon lắm. Đang cặm cụi chấm thì ông tổ trưởng tổ chấm ngoắc tôi ra hành lang thì thầm như buôn bạc giả: Ông X bên giáo vụ gửi cái phách này, nó có trong túi bài ông đang chấm. Chỗ quen biết lưu ý giúp chút nhé. Tôi sững ra 1 lúc mới bình tĩnh hỏi lại cho rõ với chất giọng như khàn hẳn đi: Giúp đến mức nào. Cho nó đủ điểm 5 là ok. Nói xong cả tôi và ông tổ trưởng quay ngay vào phòng im lặng chấm như không có gì xảy ra.
Ông X này thì tôi cũng có quen vì trường QN ngày đó mới thành lập rất ít cán bộ, nhân viên nên gần như quen biết nhau hết. Ngày đó ông đã kha khá tuổi, chừng 50, trong lúc tôi vừa tròn tuổi 30. Sau này ông đổ bệnh và mất khi tôi chuyển ra làm việc ở đài TH. Tôi nghĩ thí sinh có số phách này có lẽ là con cháu của ông X. Giúp chút cũng không sao. Thi cử căng thế.
Chấm chừng nửa túi thì bài thi có số phách ông X gửi hiện ra trước mắt. Tôi chấm bài này rất kĩ. Bài thi đó xứng đáng được 5 điểm mà không cần phải gửi gắm gì. Tuy vậy nghĩ đến chuyện gửi gắm, tôi đã cho lên 6 điểm. Trong thi tuyển sinh, chỉ cần chênh nhau 0,25 điểm là đã đủ để một thí sinh có thể bước lên thiên đàng hoặc rớt xuống địa ngục. Huống chi đây có thêm hẳn 1 điểm. Nếu cán bộ chấm thi thứ 2 mà chấm chính xác và cũng cho bài đó 5 điểm thì vẫn không sao vì quy định trong chấm môn văn chênh nhau 2 điểm là chuyện bình thường. Ngày đó các bài thi có điểm từ 4, 5, 6 được xem là phổ điểm an toàn có khả năng chắc đỗ.
Điều kì lạ là trong số 100 thí sinh đỗ vào khoa văn năm đó chỉ có duy nhất 1 người được điểm 6 môn văn dù có người đạt đến 8, 9 điểm và đó là bài thi do chính tay tôi cho điểm 6. Điều này tôi đọc được khi kết quả thi TS được công bố công khai trên các báo. Sự tò mò khiến tôi dễ dàng tìm hiểu và xác định được em tân SV có điểm 6 môn văn đó là ai. Sau này khi nhìn chữ em đó làm bài thi các môn học năm nhất thì tôi càng khẳng định trường hợp gửi gắm đích thị là em SV này. Thì ra em sv đó không liên quan gì đến ông X giáo vụ, cũng không liên quan gì đến ông tổ trưởng. Cả 2 ông này đều dân từ Bắc vào nhận công tác QN như tôi trong lúc em này dân QN gốc.
4 năm sau, chờ cho đến buổi liên hoan ra trường mà tôi được mời dự vì là GV có tham gia dạy lớp này, tôi mới kéo em Sv đó ra hành lang và hỏi: Bây giờ thì em đã chắc chắn đỗ tốt nghiệp rồi, thầy chúc mừng em nhưng thầy muốn hỏi em một chuyện. Dạ em nghe thầy. Ngày em thi TS vào trường gia đình em có phải chạy chọt gì không. Trong ánh sáng mờ mờ của hành lang, em SV tái cả mặt, tôi trấn an, thầy chỉ hỏi cho biết thôi em yên tâm. Thầy sẽ không làm gì có hại cho em đâu. Dạ... ngày đó mẹ em phải chi ra 3 chỉ vàng để chạy thi đỗ đó thầy. Người ta nói mỗi môn 1 chỉ. 3 chỉ vàng ngày đó là cả một khoản tiền lớn. Em có biết ai đã nhận số vàng đó để chạy cho em đỗ không. Dạ lúc đầu thì mẹ em không nói cho em biết nhưng sau học hết năm nhất mẹ em mới cho em biết. Ai vậy. Dạ đó là ông Y cậu họ bên phía bà con mẹ em mà thầy có biết. Có phải ông Y làm ở phòng GD TP không. Dạ đúng thầy. Được rồi, thế là rõ. Em vào vui với các bạn đi. Ra trường dạy ở đâu cho thầy biết nhé. Dạ.
Ai chứ ông Y này thì tôi quá biết. Một tay khá có máu mặt và có thời chơi khá thân với tôi vì thời đó tôi hay đi dạy cho mấy lớp BTVH và hàng năm có tham gia chấm thi tốt nghiệp cho hệ BTVH cấp 3 của TP. Một lần tôi hẹn ông đi cafe để hỏi lại vụ 3 chỉ vàng của em Sv ngày đó. Nghe tôi hỏi ông giật cả mình: Nó nói cho anh biết rồi à. Ừ. Bây giờ nó ra trường đi dạy cấp 3 rồi tôi mới hỏi anh đây, chỉ hỏi cho biết thôi chứ cũng chả để làm gì. Rồi tôi kể cho ông về bài thi tôi đã nhấc từ 5 lên 6 điểm từ 4 năm trước.
Ông nghe rồi kể hết sự thật cho tôi nghe: Sự thật là ông Y không biết gì về ông X giáo vụ nhưng có người nói cho biết đó là chỗ có thể chạy được. Mẹ em SV đã nhờ ông Y chạy giùm vì ông làm trong ngành GD chắc biết các thầy dạy đại học. Ông X ra giá 3 chỉ cho 3 môn. May là em SV được tổng 17 điểm thi, đậu thoải mái vào trường năm học đó. Nghe chuyện ông Y hỏi tôi: Vậy chứ ngày đó họ có chia cho anh được bao nhiêu trong số 3 chỉ đó không. Chia cái dek. Tôi làm không công cho chúng nó ăn.
Vậy là mọi chuyện bắt đầu từ ông Y này, còn người kiếm đủ là ông X giáo vụ và còn những ai nữa thì tôi không biết nhưng tôi biết chắc là cứ mỗi kì thi tuyển sinh như vậy có không ít người kiếm khẳm. Và tôi vô tình đã trở thành kẻ tiếp tay cho một vụ tiêu cực chạy điểm thi vào đh. Nếu ngày đó không may bị phanh phui như vụ chấm thi đang xử án ở Hòa Bình mấy hôm nay thì tôi cũng phải ra tòa vô tù là cái chắc. Rõ ràng tôi đã tham gia vào một đường dây chạy điểm có tổ chức từ trên xuống dưới từ ngoài vào trong, bắt đầu từ khâu căt phách, đánh số phách, dồn túi đến cho điểm trong đó tôi giữ vai trò quyết định vì chính tôi đã hạ bút cho 1 con điểm gian dối vào bài thi. Sau này tôi mới biết sự gian dối đc bắt đầu từ khâu coi thi. Thí sinh đc gửi gắm của đường dây chạy điểm trở thành gà và nó đc hiên ngang mang tài liệu vào phòng thi, đc công khai mở tài liệu ra chép công khai trước cả phòng thi mà không bị sao cả. Nếu bị phát hiện ra tòa có thể tôi là người chịu tội nặng nhất vì đã cố tình phạm tội có tổ chức. Đó là một đường dây làm ăn phi pháp có tổ chức có hệ thống chặt chẽ y như hệ thống chính trị của đảng ta.
Mà ngày đó thực tình tôi có được ăn cái gì đâu, đến 1 gói chè B’lao ướp sói có mùi hăng hắc cũng không có.
Vì thế mà tôi thương các cô giáo chỉ thuần túy là phải nâng điểm khi chấm thi đang phải ra tòa ở Hòa Bình.
Với các đồng nghiệp thân yêu tại ĐHSP Quy Nhơn ngày kỉ niệm 40 năm thành lập trường. Trái qua: Nguyễn Ngọc Quang (đã mất), Trịnh Sâm, Nguyễn Quốc Khánh, HTS, Võ Xuân Hào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới