31 tháng 12, 2020

Tiếng chim về cũ, một tiếng thơ rất riêng của Mai Thìn (Bài đăng trên TC VHSG)

 Cập nhật ngày: 29/12/2020 lúc 09:31

VHSG- Chỉ cần đọc tên của tập thơ cũng là tên của bài thơ đầu tiên trong tập Tiếng chim về cũ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) của Mai Thìn đã thấy hiện lên rất rõ chủ đề tư tưởng của tập thơ mới ra lò này.   

Khác với nhiều người, Mai Thìn có may mắn là được sinh ra, lớn lên và được làm việc suốt cả cuộc đời ngay trên mảnh đất quê hương Bình Định của anh. Thông thường người đi xa quê mới nhớ quê nhưng với Mai Thìn, anh nhớ quê ngay cả khi đang ở trên mảnh đất quê hương. Điều đó được thể hiện xuyên suốt trong thơ Mai Thìn suốt kể từ khi anh biết cầm bút làm thơ cho đến nay. Đó là một điều rất đáng quý của nhà thơ Mai Thìn.


Nhà thơ Mai Thìn

 Tiếng chim về cũ là một tập hợp những sáng tác thơ của Mai Thìn chủ yếu  trong hai năm trở lại đây, là tập thơ thứ bảy của anh được xuất bản ngoài hai cuốn biên khảo Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành và Làng ven thành. Nói thế để thấy sức viết của Mai Thìn là mạnh mẽ và liền mạch. Người ta đi đó đi đây mới có cảm xúc để làm thơ, Mai Thìn nhiều khi ngồi yên một chỗ cảm xúc vẫn tìm đến anh để thành thơ.

Gần hết một đời/ mong được đóa hoa thơm dâng tặng quê hương/đầu đã bạc //mỏi chân về lại ngày xưa/ bất chợt/  dưới bóng quê nhà/ tiếng chim ca/ về cũ

(Tiếng chim về cũ)

Những câu thơ trên như một sự khái quát về cuộc đời và chí hướng của Mai Thìn. Vì thế mỗi bài thơ của anh như một đóa hoa thơm dâng tặng quê hương.


Tập thơ “Tiếng chim về cũ” của Mai Thìn

 

Xuất bản Tiếng chim về cũ Mai Thìn bộc bạch: “Làng Vĩnh Phú, An Nhơn và Bình Định của tôi vô cùng đẹp, những vẻ đẹp mà không một nơi nào trên thế giới này có được. Nó không chỉ hiện hữu, trường tồn cùng thời gian mà còn lấp lánh trong mỗi hồn người, trong từng ký ức.

Tôi đã viết về quê hương mình trong nhiều bài thơ, trong nhiều cuốn sách trước đó. Và bây giờ, và cả mai sau tôi lại vẫn tiếp tục ngợi ca Người, quê hương tôi”.

An Nhơn, quê hương của Mai Thìn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đẹp như cổ tích với những ngôi tháp Chàm rêu phong hút hồn du khách và từ cả ngàn năm nay vẫn vươn thẳng lên trời xanh với chất lừ vẻ đẹp:

những viên gạch nâu
những viên gạch hồng
những viên màu đất

 

…suốt mấy trăm năm
những viên gạch tháp Chàm
dán lên thời gian
mã vạch của vẻ đẹp vĩnh cửu.

(Những viên gạch tháp Chàm)

Những năm sống ở Bình Định, người viết bài này đã nhiều lần đặt chân đến những ngôi tháp Chàm nổi tiếng như tháp Dương Long, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên… và lần nào cũng mê mẩn với vẻ đẹp cổ kính trường tồn với thời gian của những công trình văn hóa lịch sử này. Đứng dưới bóng chiều đổ của những ngôi cổ tháp, không ai là không có cảm xúc, huống hồ đó là Mai Thìn, nhà thơ của quê hương những ngôi tháp cổ. Vì thế mà xuyên suốt trong những câu thơ của Mai Thìn là hình tượng uy nghi của những ngôi tháp cổ:

Ba ngọn bút vẽ lên trời xanh/ vẽ lên thời gian/ vẻ đẹp của tháp//… chúng tôi đến thăm/ vô tình/ làm dài thêm/ bóng tháp

(Dương Long)

Và cứ thế, những ngọn tháp quê hương như một mặc định cứ ám ảnh Mai Thìn qua những câu thơ khiến anh:

Mê mải với bóng hình ngọn tháp quê hương

vượt năm bảy chặng đường xa ra đây gặp nàng

cột lửa Linga

cháy

hư không

hình bóng tháp

(Gặp vũ nữ Siva ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Nói đến quê hương cũng là nói đến hình bóng của người mẹ. Thật cảm động khi Mai Thìn viết về mẹ với những câu thơ lắng đọng:

Tôi lớn lên đi khắp cùng thế giới

mênh mông hơn, hùng vĩ hơn nhiều

nhưng không có

hương tóc lùa đồng lúa

bóng mẹ tôi ngồi tựa cửa xoáy trầu trưa

(Làng Vĩnh Phú)

Người yêu quê hương mình hiển nhiên cũng là người rất yêu đất nước mình. Là nhà thơ, được đi đến nhiều vùng quê Tổ quốc, đi đến đâu Mai Thìn cũng có những cảm xúc rất mới lạ dù đó là những vùng đất rất xưa cũ.  Anh có thể nhìn thấy một ánh mắt cười con gái từ những năm tháng xa xăm khi đến với Hội An:

Hội An trăng/ lững thững những con đường/ vương/ từ trang sách/ lật giữa cuộc đời/ rơi/ ánh mắt cười/ năm cũ

(Hội An)

Đến với thánh địa Mỹ Sơn, anh ghi lại sự sống động mà huyền hoặc của đá:

vũ nữ Apsara vòng eo rêu xanh/ phập phồng/ bước ra từ đá/ bài tình ca u u/ lưng chừng nụ cười phớt qua/ mê mẩn vẻ đẹp của đá//tiếng kèn saranai/ vầng trăng lẻ loi đêm nay/ níu vào trong đá//âm âm gió vọng về/ hồn đá/thoảng/
đâu đây… 
(Hồn đá)

Có dịp đặt chân đến châu thổ sông Hồng ở miền Bắc với những vạt ngô xanh tươi bờ bãi, Mai Thìn nhìn thấy ngay sức sống ngàn năm vẫn sinh sôi nảy nở ở một vùng đất phì nhiêu:

Thêm một đứa con

thêm làng thêm phố

thêm tiếng chuông chùa

bình minh sóng vỗ

lao xao trời chiều

vàng dáng Rồng bay

…những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng

(Những chiếc lá ngô trên bãi sông Hồng)

Đọc thơ Mai Thìn, đến tập Tiếng chim về cũ này mới thấy dù làm nhiều thơ nhưng anh không hề dễ dãi với câu chữ. Mỗi câu thơ, mỗi từ ngữ viết ra là cả một sự đắn đo lựa chọn. Vì thế mà thơ Mai Thìn giàu mạch nguồn cảm xúc nhưng cũng rất khúc chiết. Nhiều câu chữ của Mai Thìn đạt đến độ ý tại ngôn ngoại. Tôi thích những câu lục bát được anh chắt chiu trong bài Nhớ quê:

Rã rời trong nỗi nhớ quê

mẹ mang cau héo hong nhờ mái hiên

dõi nhìn bóng nắng xiên xiên

trầu têm nửa cánh ưu phiền nhạt vôi

(Nhớ quê)

Nhớ quê đến rã rời, vôi nhạt cũng ưu phiền, chỉ có thể là Mai Thìn.

Cũng với một cách dùng từ khá đắt và mang tính sáng tạo như thế, mai Thìn còn biết cách lau dọn cả kí ức:

Lâu lâu con lại về ngôi nhà xưa

lau dọn từng kí ức

sáng lên dưới lớp bụi mờ

 

…lâu lâu con lại về

lau chùi từng kí ức

như lau gương mặt mẹ

mừng vui dưới bụi mờ

(Lau dọn kí ức)

Người ta lau dọn bụi bặm trong một ngôi nhà cũ, Mai Thìn biết cách lau dọn cả kí ức. Đó là một sự sáng tạo của thi ca và cái chất rất riêng của người nghệ sĩ.

Thơ Mai Thìn hay không chỉ ở câu chữ mà còn hay cả ở những ý tưởng bất ngờ. Ai đã từng đến Quy Nhơn hẳn sẽ rất ấn tượng với hình ảnh chiếc xe tăng một thời nằm nửa nổi nửa chìm trên bãi biển. Đó là vết tích còn lại của một cuộc chiến tranh khốc liệt kể về một trang lịch sử đau thương của đất nước ta. Những chiếc xe tăng bị quân đối phương truy đuổi đến bước đường cùng, không tìm ra lối thoát đành lao mình xuống biển và chết ở đó. Nhưng từ cái chết của chiếc xe tăng trong chiến tranh, cuộc sống mới lại sinh sôi trong cái nhìn đầy phát hiện của Mai Thìn:

Sáng nay

đôi vợ chồng còng làm tổ dưới răng cưa

kể cho tôi nghe

chuyện năm xưa

 

bầy còng con

đồng dao

trên tháp pháo

(Về một chiếc xe tăng trên bãi biển)

Thơ hiện đại Việt Nam đang lạm phát. Tưởng như ngày nay ai cũng có thể làm thơ được và đều có thể trở thành nhà thơ. Cứ lật mạng xã hội trên internet ra, ta sẽ thấy thơ đang tràn ngập. Điều đó nhiều lúc khiến bạn đọc hoang mang về một sự giả chân của thơ ca hiện đại. Tuy nhiên, giữa cái cõi thơ mênh mang và hỗn loạn ấy, Tiếng chim về cũ của Mai Thìn là một tiếng nói chân tình của nghệ thuật thi ca, rất đáng để thưởng thức.

HÀ TÙNG SƠN

Link XB: https://vanhocsaigon.com/tieng-chim-ve-cu-mot-tieng-tho-rat-rieng-cua-mai-thin/

 

27 tháng 12, 2020

Tôi đã bỏ thuốc lá như thế

 (Bài tham gia Cuộc thi viết dành cho người chịu tác động của rượu bia, thuốc lá. Chỉ cần đạt giải KK đã được BTC đài thọ ra HN nhận giải)

#tiengnoinguoibenh

#ncdvn

Tôi bắt đầu tập tọng hút thuốc lá từ năm 1972, năm mà tôi phải rời ghế sinh viên ở trường ĐHSP để nhập ngũ khi vừa tròn tuổi 18. Vào lính khi đó đang là giữa chiến tranh trận mạc nên thuốc lá sẽ là thứ giải khuây rất tuyệt vời.

Đầu tiên khi còn huấn luyện ở Quảng Bình tôi và đồng đội (100%) hút các loại thuốc điếu thuộc loại sang của thời đó như Điện Biên, Tam Đảo, Trường Sơn. Khi mà túi hết nhẵn tiền thì chuyển sang hút thuốc lào. Chúng tôi vừa hút vừa triết lí: hút thuốc lào nâng cao sĩ diện. Hình như hồi đó, có hút thuốc mới gọi là người lớn, mới là sang. Ngày đó gặp nhau sau cái bắt tay là lấy bao thuốc từ túi áo ngực ra mời nhau như một cử chỉ lịch thiệp và văn minh. Lại còn bật lửa châm thuốc cho nhau nữa mới thân thiện.

Rồi mưa dầm nhưng thấm rất nhanh, tôi mau chóng trở thành một người nghiện thuốc lá. Sau khi huấn luyện xong thì tôi được điều đi B (vào chiến trường miền Nam). Ở giữa rừng già Trường Sơn thuốc lá điếu không mà thuốc lào cũng không. Tôi đã được đồng đội trong tiểu đội như Lê Quang Phương, Nguyễn Quang Ngọc, Trần Quang Phát, Cao Ngọc Năm… dạy cho cách lấy lá đu đủ, lá chu ke khô bỏ vô nỏ điếu thay thế cho thuốc lào. Hút vẫn kêu long sòng sọc như còi trực ban đại đội, khói vẫn tỏa ra mù mịt. Nhưng cái họng thì rát vô cùng.

Có lẽ đời hút thuốc của tôi sướng nhất là kể từ khi vào giải phóng Sài Gòn 30 tháng Tư năm 1975 và ở lại làm quân quản cho đến cuối năm đó trước khi được rời đời lính trở lại trường đại học. Những tháng ngày đó tôi chuyên trị loại thuốc lá thơm ngất trời của quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi là Ru bi quân tiếp vụ. Bao thuốc có vỏ màu xanh, có hình anh lính nhảy sào rất cao. Mỗi ngày công tác ở Ủy ban quân quản phường Hiền Vương quận 3 lúc đó ít nhất tôi cũng đốt hết một bao quân tiếp vụ như thế.

Sau này khi đã tốt nghiệp đại học trở thành giảng viên đại học trẻ, mỗi bận lên lớp tôi cũng bắt chước các bậc đàn anh lâu lâu lại châm điếu thuốc vừa dạy vừa rít vài hơi điệu đà phà cả khói trắng ra bảng đen gọi là để nâng cao chất lượng giảng dạy, làm le với sinh viên.

Đến quãng thời gian chuyển sang làm việc ở đài truyền hình với cương vị là trưởng phòng biên tập, tôi được cánh đồng nghiệp tha hồ làm hư hỏng khi mỗi lần đi đâu công tác về các bạn thương cũng dúi vô ngăn kéo cho vài gói khi thì 3 số 5, khi thì Zet hoặc con ngựa trắng…

Tôi hút vô thiên lủng bất chấp những lời báo đài (trong đó có cả đài tôi) ra rả về tác hại của thuốc lá. Kể cả khi tham gia làm những phóng sự về tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người thì tôi vẫn vừa duyệt phim vừa hút.

Thiệt là ngông nghênh và ngu xuẩn hệt một kẻ vô học. Lời vợ khuyên tôi cũng bỏ ngoài tai.

Nghiện thuốc lá tôi mới nghiệm ra sự kì lạ của nó. Khi vui hút thấy vui thêm, khi buồn hút thấy buồn thêm. Khi không vui không buồn cũng hút. Có khi lấy điếu thuốc ra bật lửa châm hút như một sự vô thức, không nghĩ là mình đang hút thuốc.

Thế rồi vào năm 2000 trong một dịp đi công tác dài ngày ở Cần Thơ, nằm ngủ trong một khách sạn rất lớn có tên là Cửu Long, nửa đêm về sáng của khí hậu trong lành miền Tây tôi nổi những cơn ho sù sụ, ngực đau rát như có ai cào chịu không nổi. Tôi lúc đó mới thấm hết cái hại của thuốc lá. Không nói cho bạn bè biết vì sợ chúng nó phá, tôi âm thầm bỏ hút thuốc lá. Bỏ được 3 ngày thì thấy đêm nằm không còn ho hen nữa. Rồi tôi bỏ hẳn cho đến ngày nay, 20 năm nói không với khói thuốc đã trôi qua. Tính từ năm 1972 đến năm 2000, tôi đã mất gần 30 năm để thấy được tác hại của thuốc lá và từ bỏ nó. Không ngu lâu mới lạ.

Bây giờ thì ngược lại, tôi thấy những người hút thuốc thật đáng có vấn đề. Nhưng tôn trọng quyền tự do của họ, tôi không dám phê phán ai và tỏ bất cứ một thái độ gì. Tôi mong đến một ngày nào đó khi gặp sự xuống cấp về sức khỏe may ra sẽ đánh thức hành động của họ.

Ảnh (chụp tháng 2/2020): Nhờ bỏ được thuốc lá mà đến nay tôi vẫn có thể ngồi làm việc ngày đủ 8 tiếng ở VP như 1 SV mới ra trường. Khộ.

Nhờ bỏ được thuốc lá mà đến nay đã 66 tuổi, đã thuộc lớp U70, tôi không mắc bệnh về đường hô hấp, tim phổi hoạt động bình thường, sức khỏe vẫn tốt và đầu óc vẫn minh mẫn. Tôi vẫn được cơ quan kí hợp đồng làm việc tiếp để tăng thêm thu nhập và có thêm niềm vui cuộc sống.

Càng sống tôi càng thấm thía câu: Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Và tôi muốn bổ sung thêm: Quá trình đó có thể dài, rất dài. Người ta còn phải trả giá đắt thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của mình để biến được nhận thức thành hành động.

Tôi đã bỏ thuốc lá như thế đấy.


 

14 tháng 12, 2020

Một yêu cầu hợp lòng dân

(Bài CHÀO BUỔI SÁNG  trên báo Thanh niên ngày 14/12/2020) 

Trước những bất cập và lộn xộn gây khó khăn cho hành khách do sự phân chia lại các loại làn xe trong sân bay Tân Sơn Nhất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mới đây Sở Giao thông vận tải TP HCM đã có văn bản yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất điều chỉnh phương án phân làn xe trước ga quốc nội. Trong đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP đề nghị khẩn trương có kế hoạch bố trí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xe cộ ra vào đón, trả khách bên trong ga quốc nội.

Trước mắt, cần khẩn trương bố trí một ô đỗ xe bus tại làn B - ga quốc nội nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.

Đây là một sự chỉ đạo kịp thời và cũng là một yêu cầu hợp lòng dân của Sở GTVT thành phố đối với những người quản lí và điều hành sân bay Tân Sơn Nhất..



Người dân TP HCM vẫn chưa quên trước đây, tại sân bay Tân sơn Nhất đã từng có 5 tuyến xe bus phục vụ nhu cầu di chuyển đa dạng của hành khách với lộ trình từ sân bay Tân Sơn Nhất đi các nơi trọng điểm trong thành phố và ngược lại. Mỗi chuyến xe bus to dài rộng như thế ngay một lúc chứa đựng được từ 40 đến 50 hành khách, thật vô cùng tiện lợi và hiệu quả.


Một thời chưa xa, tại sân bay Tân Sơn Nhất hành khách đến và đi rất dễ dàng tìm thấy bảng chỉ dẫn về vị trí đón xe buýt ở cột số 4 đối diện ga đến quốc nội và cột số 12 đối diện ga đến quốc tế với 5 tuyến xe bus. Trong đó bao gồm các
tuyến  số 15210911915949 với thời gian và lộ trình rất hợp lí:

Xe bus 152: Khu dân cư Trung Sơn – Chợ Bến Thành – Sân bay Tân Sơn Nhất

Xe bus 109: Công viên 23/9 – Sân bay Tân Sơn Nhất

Xe bus 119: Bến xe Miền Tây – Sân bay Tân Sơn Nhất

Xe bus 159: Bến xe Miền Đông – Sân bay Tân Sơn Nhất – Bến xe An Sương

Xe Bus 49: Sân bay Tân Sơn Nhất – Quận 1.


Một thời xe bus 119: Bến xe Miền Tây – Sân bay Tân Sơn Nhất



Đang hay và đang yên đang lành như thế, vào một ngày xấu trời, bỗng dưng hàng vạn hành khách đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất thấy biến mất một lúc cả 5 tuyến xe bus thân thương trên mà không có một lời thông báo đến từ nhà chức trách.

Người dân hụt hững, thiệt thòi đủ thứ mà không biết kêu ai.

Bây giờ thì, chỉ mong những người quản lí Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sớm thực hiện yêu cầu của Sở GTVT thành phố mà trả lại 5 chuyến xe bus đã từng có cho người dân. Được như thế hành khách của sân bay lớn nhất nước này chắc chắn sẽ thấy hài lòng lắm. Người dân mong Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chưa vội làm cái mới gây nên xáo trộn và bất hợp lí như sự phân làn hiện tại, chỉ cần các vị lập lại cái cũ đã từng có là tốt lắm rồi.

Link XB: https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/mot-yeu-cau-hop-long-dan-1316683.html

  

11 tháng 12, 2020

Mạ tôi - Nguyễn Thị Thắm

 Mạ tôi là Nguyễn Thị Thắm, sinh ngày 16 tháng 5 năm 1932, cán bộ hưu trí, Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng

Đã từ trần ngày 30 tháng 11 năm 2020 (ngày 16 tháng 10 năm canh tý), hưởng thọ 89 tuổi.

Tang lễ đã được cử hành tại tư gia thôn Nam Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

An táng tại nghĩa trang gia đình ngày 1 tháng 12 năm 2020.












Lan, Hương, Hương, Hằng











Tôi đi khai báo y tế

Tôi từ TP HCM về Quảng Bình ngày 29/11 thì ngày 30 xảy ca covid 1347 của bệnh nhân là 1 nam tiếp viên hàng không hãng VNA. Khỏi nói thì cũng thấy rõ sự phẫn nộ ngút ngàn của cư dân cả nước trong và ngoài mạng XH dành cho anh chàng TV thiếu ý thức này. Vì anh ta mà SG lại thêm một lần toang vì covid. Tôi thì xúc động khi nhận đc sự chia sẻ của bạn bè khắp nơi. Dù chỉ là 1 dòng nt kiểu như: Sài Gòn cố lên.

Tình hình sục sôi như đang diễn ra một cuộc cải cách ruộng đất mới. Ai cũng muốn mần quan tòa đem tay tiếp viên HK ra mà xét xử, băm vằm cho bõ tức. Đang yên đang lành. Bỗng dưng... 1347.

Rồi bao nhiêu cái xấu xa kênh kiệu, chảnh chọe (có nhiều người nói là chảnh chó) của mấy bạn TVHK xinh trai đẹp gái bị bung ra hết. Đến nỗi VNA phải lên tiếng xin lỗi.

Lần đầu tiên, VNA rơi vào 1 cuộc khủng hoảng truyền thông trầm trọng.

Nghĩ cũng tội anh chàng 1347. Ai chửi mắng gì mặc kệ, tôi thì thấy thương anh ta. Ai mà chẳng có một lần ngu dại trong đời. Sỉ nhục họ chi cho tội.

Với tôi, mỗi lần lên máy bay sau bao nhiêu mệt mỏi, chỉ cần nhìn thấy nụ cười tươi như hoa đào và dáng hình xinh đẹp của mấy cô TVHK là bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến. Sao có người lại đi trách mắng họ. Trong số TVHK của các hãng tôi đã đi, đẹp nhất và sang nhất là của mấy cô Bamboo, vui tươi và nhí nhảnh nhất là của Vietjet, rườm rà lòe xòe nhất là của VNA. Nhưng dù thế nào thì đã là TVHK thì ai cũng từ đẹp trở lên. Tôi chắc chắn rằng nhờ họ mà khách đi máy bay ngày càng đông lên trông thấy (chứ không phải là vì giá vé rẻ và đi máy bay thì nhanh hơn tàu hỏa ô tô).

Ảnh không liên quan gì đến bài. 1 lần tôi đi tàu hỏa từ Đồng Hới - Thanh Hóa, 12/2019. Cả toa tàu rộng 60 chỗ chỉ có chục hành khách.


Như tôi rất thích đi 1 chuyến tàu hỏa xuyên Việt để ngắm cảnh cho đã con mắt mà cả chục năm nay vẫn chưa thực hiện được chỉ vì đi tàu hỏa không có tiếp viên xinh đẹp như TVHK.

Trở lại với việc tôi về quê ngày 29 thì ngày 30 Sài Gòn xảy ra đợt covid thứ 4 của đất nước. Ngày 30/11 mẹ tôi qua đời, ngày 1/12 lo lễ tang cho mẹ. Tối hôm đó chú em rể là BS nói nhỏ tình hình covid cho tôi nghe rồi chuyển qua zalo cho tôi một văn bản của chủ tịch UBND tỉnh QB về việc tăng cường phòng chống dịch covid Vũ Hán. Trong đó điều đầu tiên ghi rõ: Rà soát tất cả các trường hợp trở về từ TP HCM từ ngày 18/11/2020. Yêu cầu tất cả phải đến cơ sở y tế gần nhất khai báo y tế. Với những trường hợp trở về từ các quận Tân Bình, Bình Tân, quận 6 phải tự cách li 14 ngày tại nhà. Tôi ở Tân Phú nên khỏi cách li nhưng phải đi khai báo.

Sáng ngày 3/12 tôi đến trạm y tế xã khai báo.

Đó là 1 tòa nhà 2 tầng cũ kĩ, nhiều cánh cửa các phòng làm việc đã xộc xệch. Tôi đi khắp tầng trệt, xộc vô cả phòng cấp cứu tịnh không thấy 1 bóng người. Vô 3, 4 phòng như thế tôi đều hô to lên: Có ai không. Không có.

Tình hình cứ như là tôi lạc vô 1 căn nhà hoang. Quê tôi nghèo suốt 4 ngàn năm nay. Bởi trên đất nước này, đi đến đâu cũng thấy người ta tự ca ngợi và tự nhận vùng đất của họ là địa linh nhân kiệt, trừ quê tôi ra. Hồi tôi sống ở Bình Định 31 năm, mở mắt ra là nghe câu Đất võ trời văn. Chỉ nghe cũng đủ no đủ sướng. Quê tôi địa không linh, nhân không kiệt. Con người an phận thủ thường, không chí tiến thủ, không tìm mọi cách để ngoi lên. Không nghèo mới lạ.

Lên tầng 2, ở ngay phòng cuối hành lang tôi thấy có 4 cô gái mặc áo blu trắng đang chụm đầu làm việc. Thấy tôi xuất hiện với khẩu trang kín mít, 1 cô vội vàng lấy khẩu trang đeo vô và làm việc với tôi.

Chào cô. Chú cần gì. Tôi từ TP HCM về và cần khai báo y tế. Dạ. Rồi cô nhân viên y tế lục tìm ra tờ mẫu khai báo y tế. Chú về ngày nào. 29/11 cô. Chú ở quận nào về. Tân Phú ạ. Tân Phú có gần Tân Bình với Bình Tân không ạ. Nó nằm giữa 2 quận đó cô. Từ 2 quận đó qua lại với nhau phải đi qua đất Tân phú. Dạ. Vậy về đây chú ở xóm nào. Nam Lộc ạ. Mã số chuyến bay của chú. VN 1400 ạ.

Cô gái ghi chép 1 lúc rồi nói: Chú là người đầu tiên đến khai báo y tế ở đây đấy. Thế à. Vậy là tôi trở thành lịch sử rồi. Dạ. Chắc thế. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi khai báo y tế đấy. Rứa a.

Nói rồi cô gái đưa tờ khai cho tôi kí.

Còn gì nữa không cô. Dạ hết rồi ạ.

Chào cô nhé.

Tôi ra về và thấy vui vì mình đã rất nghiêm túc và may mắn trở thành cột mốc đầu tiên trong lịch sử khai báo covid của cơ sở y tế này.