29 tháng 7, 2017

Lê Quang Phương và rượu sim

Sáng đang túc tắc trên đường CMT8 để lên trường thì Lê Quang Phương gọi: Mi đến ngay số nhà… Hoàng Hoa Thám phường 2 Tân Bình lấy rượu sim về uống nhé. Tao gửi theo xe đò vô cho mi với thằng Ngọc 30 kí sim đấy.
Tôi có nghe nhầm không đấy. 30 kí.
Phương ở Thọ Xuân, Thanh Hóa nơi có rất nhiều sim ngon và nổi tiếng về rượu sim. Sim Phú Quốc ồn ào thế thôi chứ phải gọi sim Thọ Xuân bằng cụ. Uống một mình chắc cũng thấy cực thân nên năm nào nó cũng gửi vô cho tôi với thằng Quang Ngọc vài thẩu. Năm ngoái thằng Ngọc cũng đã phi lên bến xe Ngã Tư Ga mang về 3 thẩu.
Năm nay là 6 thẩu với 30 kí.
Chiều 5 giờ tan trường. Tôi ghé địa chỉ nhà xe đò ở Hoàng Hoa Thám thì thấy chất ở góc nhà 6 thẩu rượu sim mới ủ đường thẩu nào thẩu nấy to như cột nhà cái.
Nó dặn tôi đậy thật kín hơi cất vô chỗ tối và mát khoảng 30 ngày, sau đó cho vô tủ lạnh lên men là chúng mày uống nhức răng luôn. Bỏ chỗ kín và mát thì được nhưng cho vô tủ lạnh thì tôi bó tay. Tủ lạnh nào mà chứa nổi trời. Mà dù có chứa nổi chắc gì mụ vợ đã cho bỏ vô.
Thằng Quang Ngọc đang đi du hí bên trời Tây 30 ngày nữa mới về. Một mình tôi lãnh đủ vụ chở về nhà và cất ủ.
Bạn bè thế đấy.

6 thẩu lớn đầy ăm ắp. Mỗi thẩu 5 kí sim. Một lớp sim một lớp đường. Trên cùng một lớp đường dày. 30 kí sim Thọ Xuân cộng 10 kí đường Sài Gòn

Đậy thật kín và cho vô gầm bàn vừa mát vừa tối. 30 ngày sau lên men thành rượu là xài tốt.

Thằng Nguyễn Quang Ngọc đang du hí ở châu Âu gởi cái hình này về nhá thèm tôi. Chả biết có khi nào mình được đi xa như nó không. Suốt ngày chỉ loanh quanh ở tượng đài ngã 6 Phù Đổng. Nó bảo đây là sông Main ở Pháp quốc.

Sếp tôi

Ông là GS. Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Điều hành của trường tôi - ĐH Hoa Sen, đồng thời đang là GS giảng dạy tại trường ĐH Utah (Hoa Kỳ) với kinh nghiệm có hơn 200 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, 3 bằng sáng chế, biên tập viên của nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng.
Sáng nay thứ 7, trường tổ chức Workshop "Công bố khoa học trên Tạp chí quốc tế".
Diễn giả là sếp Thành, người từng nổi tiếng với biệt danh GS quần đùi trong một lần lên lớp cho sinh viên chuyên đề sáng tạo trong học tập và NCKH. Lần đó ông trên áo vest dưới quần đùi. Sau vụ chuyện không đâu mà ầm ĩ đó, ông có vẻ thích thú với biệt danh trên.  
Tưởng chỉ có một lần thị phạm với sinh viên nhưng sáng nay, trong chương trình Workshop "Công bố khoa học trên Tạp chí quốc tế", ông lại chơi nguyên bộ quần short ca rô với áo font xanh.
Cử tọa lần này là trên 200 giảng viên, TS, ThS, NCS, học viên cao học và sinh viên không chỉ của trường tôi mà cả nhiều trường đại học khác trong thành phố như KHTN, XHNV, HUTECH, BK…
Mở đầu ông nói: Với một buổi sáng thứ 7 đẹp trời như hôm nay, được diện quần short áo font lang thang ngoài phố là thích nhất. Tuy nhiên trong giảng đường này, các bạn hãy nghe xem tôi nói cái gì chứ đừng để ý là tôi đang mặc gì.
Tôi vì lần đầu tiên tận mắt chứng kiến thấy hơi bị bị shock nhưng mọi người đều thấy bình thường. Tuy nhiên nghe ông giảng bài một hồi thì tôi và mọi người cũng quên đi cái xì tai quần short ca rô với áo font xanh để chăm chú vô nội dung bài giảng.
Ở TP này, chỉ có trường tôi và trường ĐH RMIT bên quận 7 là sinh viên được mặc tự do, từ trai đến gái thích gì mặc nấy miễn sao họ thấy đẹp và đều được mọi người chấp nhận, không đồng phục, không qui định về trang phục bắt buộc, SV được làm những gì nhà trường không cấm, quần short áo font đi học, lên giảng đường là quá đỗi bình thường. Họ được sống đúng với câu của tuổi teen: Mình thích thì mình làm thôi. Tôi thích như thế. Vì tôi ghét đồng phục, ghét muôn người như một… Nhà trường không phải là một cái nhà tù, càng không thể là một trại lính. Tôi đã chứng kiến có một cái trường cao đẳng - nhà tù như thế. 

Còn nhớ cách đây vài năm, khi mỗi ngày thứ 7 và chủ nhật về thỉnh giảng ở ĐH Bình Dương, tôi thấy SV ở đấy cũng rất được tự do. Nhớ hôm đầu tiên lên lớp tôi đã rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy các SV nữ bận quần short jean với áo font đi học, có người còn thoải mái gác cả chân lên ghế trước. Tôi đã rất tôn trọng sự tự do đó.  
Cũng xin nói thêm là đã đến nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng chưa ở đâu tôi thấy sinh viên được thực sự tôn trọng như ở trường tôi. Ở ĐH Hoa Sen khoảng cách giữa NV, GV với SV hầu như không có mà chỉ có sự thân thiện, hòa đồng mà rất tôn trọng nhau giữa thầy và trò; ở đây cũng không có thang máy, nhà vệ sinh, phòng thư giãn, giải trí... dành riêng cho NV, GV như ở các trường khác. Ở HSU tuyệt nhiên không có tệ nạn phân biệt đối xử.
Và tôi gọi đó là sự văn minh.


Đầu tiên ông nổi danh với quả này cách đây 2 tháng

Sự kiện sáng nay, Workshop "Công bố khoa học trên Tạp chí quốc tế"

Hơn 200 cử tọa là NCS, TS, học viên cao học, GV và sinh viên

Rất style 

và hồn nhiên

                                        thoải mái

28 tháng 7, 2017

Tấm gương sống của tôi

70 năm ngày TBLS 27/7, tôi lật đọc báo mạng, gặp hình ảnh người anh, người đồng đội trên một trang báo địa phương. Anh Trần Quốc Tế. Hồi trước 30/4/1975, tôi là lính trinh sát C20 Sư đoàn 341, Quân đoàn IV, khi đó anh Tế là tiểu đội trưởng. Trong chiến dịch HCM sư đoàn tôi đánh trận Xuân Lộc rồi vào giải phóng Sài Gòn, anh lên trung đội trưởng. Sau ngày giải phóng 30 tháng Tư, tôi được về quận 3 làm công tác quân quản thì anh vẫn ở lại C20 làm công tác bảo vệ thành phố.
Tháng 12 năm 75, tôi ra Bắc trở lại trường đại học, C20 của tôi chuyển thành D20 và anh Tế lên làm tiểu đoàn phó rồi cả sư đoàn 341 lại sang Campuchia giải phóng Phnom Penh. Trong trận đánh lịch sử để giải phóng thủ đô nước bạn ấy, anh Tế bị thương nặng bởi đạn pháo của quân Pol Pot, phải ngồi trên xe lăn suốt từ năm 1979 đến nay. Sau một năm điều trị ở Quân y viện 175 trên Gò Vấp, 37 năm qua, anh chuyển về sống trong Trung tâm điều trị thương binh nặng ở Nghi Lộc, Nghệ An. Thương binh đã vào điều trị ở Trung tâm này, qua đời lúc nào sẽ được nhà nước công nhận Liệt sĩ khi ấy.
Năm kia tôi cùng người đồng đội Nguyễn Trung Ngọc đến Trung tâm này thăm anh, thấy anh ngồi trên xe lăn ra tận đầu hồi nhà đón chúng tôi với nụ cười ấm áp nở trên môi và một giọng nói cũng vô cùng đầm ấm, lạc quan, yêu đời.
TÀN nhưng không PHẾ chính là anh Trần Quốc Tế.
Sau lần gặp anh, tôi thấy cuộc sống thật tươi đẹp.
Anh Tế, người đáng bi quan, chán sống nhất thì anh vẫn yêu đời, yêu cuộc sống. Tôi cũng đi qua cuộc chiến nhưng lại may mắn được lành lặn, khỏe mạnh, học hành đầy đủ thế này hà cớ gì phải bi quan, chán đời.
Anh là tấm gương sống của tôi.
Trích bài đăng trên báo mạng, đoạn nói về anh Trần Quốc Tế:
Những ánh mắt mang nhiều sắc thái...
(Báo Hà Tĩnh) - Thật khó để diễn tả tâm trạng và cảm xúc khi đến với Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần kinh và Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng (xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An). Nhưng, với tôi, ánh mắt mang nhiều sắc thái của những con người nơi đây đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi thương xót và cả niềm vui dư âm mãi trong lòng.
Những ánh mắt, niềm tin
“Chiến tranh cũng đã hơn 40 năm, mình sống thế này cũng quen rồi. Mọi việc cũng đã đâu vào đấy” - phong cách điềm đạm, lời nói nhẹ nhàng và lạc quan của bác Trần Quốc Tế - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Trinh sát thời chống Mỹ (quê ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh) mang đến cho chúng tôi những niềm vui thật lạ. Với ánh mắt hiền từ và nụ cười rất tươi, ngồi trên xe lăn, bác Tế kể về những trận chiến với một niềm tin thật đẹp vào ngày mai.
“Tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Đến khi tham gia chiến tranh khu vực Tây Nam thì bị thương trên đất Campuchia vào tháng 3/1979, đứt 3 đốt sống. Từ thắt lưng trở xuống bị mất cảm giác, giờ con lấy dao chặt cũng không biết đau. Nói xin lỗi con chứ, khi đi vệ sinh, mình phải nằm trên giường rất thận trọng, tỷ mẫn, khó khăn” - vẫn điềm đạm, bác Tế bộc bạch.
“Bác Tế là người tiêu biểu, nhiều khóa tham gia cấp ủy Đảng cơ quan” - anh Phạm Ngọc Lân - Phó Trưởng phòng Hành chính của trung tâm, tự hào giới thiệu.
Mới rồi tôi tìm được FB của anh (Quôc Tê)

Ảnh trên báo Hà Tĩnh: Anh Trần Quốc Tế tại Trung tâm điều trị thương binh nặng Nghệ An.

25 tháng 7, 2017

Chuyện 45 năm trước

Chủ nhật mới rồi đi Bà Rịa ăn cưới con trai anh Mậu Đàn, bạn học cùng lớp 12AK2. Thằng cu này là con đầu của anh Đàn, đã 45 tuổi, làm trưởng ban gì đó của Liên đoàn LĐ tỉnh BR. Hồi học lớp 12A với tôi, cả lớp chỉ duy anh Mậu Đàn là người đã có vợ con, con của anh Đàn chính là thằng cu này, đã ra đời từ hồi xa xưa đó. Vậy mà đến nay đã sau 45 năm, nó mới lấy vợ. Anh Đàn nói với tôi trong nụ cười tươi hơn cả địa chủ được mùa: Tao cứ tưởng nó không lấy vợ nữa, ai dè..., may thế. Hôm cả 2 cha con đến trường tôi ở Nguyễn Văn Tráng Q1 gửi thiệp mời, anh từ trên xe hơi bước xuống bắt tay tôi nhìn bộ dạng tự hào hãnh diện còn hơn cả ngày 30 tháng Tư năm 75 bộ đội ta ngồi trên xe tăng chạy thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập.
Nhưng tôi viết chạp này không phải để nói chuyện đó.
Sáng hôm đi đám cưới, tôi cùng Lê Văn Ngọ ra sân bay bắt xe đò Phương Nam về Bà Rịa. Đến nơi mới 10h, thấy ngay Nguyễn Ngọc Lân đang đứng cười tươi ở bên đường. Lân cùng đi lính đợt tháng 9 năm 72 với tôi. Huấn luyện xong tôi làm lính bộ binh đi thẳng vô B2, còn hắn làm lính hải quân ở ngoài Bắc. Sau giải phóng tôi trở lại trường còn hắn do tiến bộ nhanh nên ở lại lâu dài trong quân đội rồi về hưu với quân hàm thượng tá hải quân. Rồi định cư luôn ở Tp. nghỉ mát Vũng Tàu.
Tôi đã gặp lại Lân 1 lần vào năm ngoái khi đưa Lê Sơn từ Thanh Hóa vô xuống Long Hải chơi thăm anh Đàn. 44 năm tôi mới gặp lại Lân, người bạn học cùng quê, cùng lớp đại học. Nếu không nói trước tôi sẽ không nhận ra nó, vì thấy Lân khác quắc so với 44 năm trước.
Riêng Ngọ và Lân thì sau đúng 45 năm mới giáp lại mặt nhau, 2 thằng chuyện trò ríu rít. Đám cưới còn 2 tiếng nữa mới mở màn, 3 thằng tôi kéo nhau vô quán café gần đó tán chuyện. Nhắc lại kỉ niệm xưa, nói về chuyện đời đã qua. Lân nhớ và nhắc lại chuyện hồi đó cả lớp chỉ mỗi tôi là chưa vô đoàn làm xấu mặt cả đám dân Quảng Bình. Tôi mới kể lại câu chuyện hồi mới vô năm nhất ở Quỳnh Thạch, tôi ở trọ cùng nhà với Nguyễn Khắc Chi dân Lệ Thủy. Hằng đêm hai thằng nằm ngủ chung trên một cái chõng tre bé tí bằng cái giường trên tàu hỏa bây giờ. Một hôm trời mùa đông lạnh giá, Chi đi họp chi đoàn lớp, tôi không phải đoàn viên nên ở nhà trùm mền ngủ. Khuya Chi về đập cái bốp vô đống chăn: dậy tau nói chuyện họp cho mi nghe. Chuyện chi. Thì có chuyện chi mô ngoài vụ mi chưa phải là đoàn viên. Họp chi đoàn chúng nó nghi mi không đủ tư cách làm sinh viên sư phạm, nghi mi đi học chui. Vì hồi đó Bộ Đại học có qui định phải là đoàn viên mới đủ tư cách đi học ĐHSP. Các đại học khác không cần đoàn viên vẫn học được, riêng ĐHSP ra làm thầy thiên hạ nên yêu cầu vào trường phải là đoàn viên. Trong lúc mi không phải đoàn viên cũng chui vô đây học. Không đủ tư cách là đúng rồi. Rồi răng nữa. Tôi lo lắng kiểu này chắc chúng nó đuổi tôi về quê, không cho học nữa. Chi nói, cả chi đoàn biểu quyết trăm phần trăm ra nghị quyết hết năm nhất phải kết nạp cho được thằng Hà Tùng Sơn vô đoàn.
Ôi trời, tôi thở phào nhẹ nhõm.  
Thế rồi hết năm thứ nhất, chuẩn bị vô học năm thứ 2, chẳng hiểu vì sao tụi nó vẫn không thèm thực hiện cái nghị quyết thiêng liêng đó, tôi vẫn chưa được làm cánh tay phải đắc lực của đảng. Nhục thế.
Tháng 9 năm đó, năm 1972, sau một mùa hè lao động cật lực, phải làm những việc mà tôi chưa bao giờ làm như gặt lúa ở nông trường Trịnh Môn Quỳnh Lưu, đắp đê 42 ở Hưng Nguyên, đúng ngày 10 tháng 9 năm 1972, tôi cùng Lân và gần 20 thằng con trai lành lặn, khỏe mạnh, đẹp trai, hào hoa nhất của lớp lên đường nhập ngũ. Để lại sau lưng cái cổng gạch cổ xưa của làng Lăng Thành với cây đa già rũ bóng, từ biệt gần 60 bạn học còn lại của lớp 12AK2, chúng tôi ra đi mà không hẹn ngày trở lại.
Lạ là cho đến lúc đó, cái lúc đi ra chiến trường với cái chết chờ sẵn ở phía trước, chúng nó – cái chi đoàn lớp 12AK2 ấy vẫn không chịu thực hiện cái nghị quyết mà chúng nó đã đề ra từ hơn 1 năm trước là kết nạp tôi vô đoàn. Để đến khi lên đoàn huấn luyện 22A ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, tôi mặc định trở thành đoàn viên dù không có lí lịch đoàn viên, không có giấy chuyển sinh hoạt đoàn. Cả đời tôi chưa bao giờ được dự một cái lễ gọi là kết nạp đòan. Vậy rõ ràng là hồi đó tôi vô đoàn chui. Nếu bây giờ mà có thằng độc mồm độc miệng nào viết đơn tố tôi lên Ủy ban kiểm tra trung ương chắc tôi cũng bị xử lí kỉ luật đau đớn như lão Vũ Huy Hoàng là cách hết mấy cái chức nguyên trưởng phòng hồi tôi còn làm việc cho nhà nước cách đây đã nhiều năm rồi. 
Nghe tôi kể lại chuyện này, 2 thằng Ngọ và Lân cười ngất. Thằng Lân cười to đến nỗi cô chủ quán cfe phải quay lại nhìn 3 thằng tôi như nhìn 3 lão khùng ở đâu mới xuất hiện trên đất Bà Rịa.
Sau ngày chiến tranh kết thúc, tháng 12 năm 1975, tôi rời lính trở lại trường học tiếp đại học ở lớp 16D K2. Anh Đậu Văn Phúc bạn học cùng lớp 12A ngày trước làm bí thư chi đoàn, tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ đoàn trường, một hôm gặp tôi ở sân trường hỏi: Hà Tùng Sơn đi bộ đội về vẫn chưa vô đoàn à. Răng anh lại hỏi rứa, tôi tự ái hỏi lại. Thì tau thấy chú mi không lên văn phòng đoàn trường làm thủ tục nhập sinh hoạt đoàn. Ôi, em đảng viên rồi anh ơi. Anh Phúc khi đó dù là cán bộ đoàn trường vẫn chỉ là đoàn viên, chưa vô đảng, nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên như kiểu: sao cái thằng ni lại vô đảng được nhỉ, hay là hắn lại vô chui.
Đúng là
Những chuyện buồn buồn lại thấy vui vui
Những chuyện vui vui lại nghe nhơ nhớ
Thơ của ai nhỉ, Chế Lan Viên à.  

4 tên học cùng lớp đại học 12A K2 từ 45 năm trước tại Long Hải. Trái sang: Nguyễn Mậu Đàn, Hà Tùng Sơn, Nguyễn NGọc Lân, Lê Đăng Sơn




 


10 tháng 7, 2017

Cây tri thức, sức mạnh lan tỏa sự tử tế

Cách đây vừa tròn 2 năm, Nguyễn Trần Hoàng Việt (sinh năm 1993), khi đó là sinh viên năm 4, Trường Đại học Hoa Sen đã có sáng kiến cho ra đời dự án “Cây tri thức” bằng cách tự mình bỏ tiền túi mua dụng cụ, nguyên liệu để tự làm một cây sách gọi là “Cây tri thức”. Thời gian đầu, Việt đặt lên cây khoảng 40 cuốn sách, sau đó kêu gọi sự hỗ trợ của thầy cô và các bạn sinh viên, số sách trên cây có lúc tăng lên trên 200 cuốn. “Cây tri thức” được đặt ngay sảnh chính của trường với lời nhắn “Chọn sách mà bạn thích, đọc trực tiếp hoặc mang về, tặng lại cho cây một cuốn sách của bạn”.


Cây tri thức đặt tại thư viện Lê Quý Đôn, cơ sở Nguyễn Văn Tráng

Cứ ngỡ dự án “Cây tri thức” của Việt rồi sẽ chết yểu theo thời gian vì sự thờ ơ của số đông người trong xã hội với văn hóa đọc. Nhưng đến nay, sau 24 tháng đã đi qua, “Cây tri thức” vẫn sống khỏe ngay trước cửa Thư viện trường dù người sáng lập và nuôi dưỡng nó đã trở thành cựu sinh viên. Vào những ngày này, có dịp lên Thư viện mang tên Lê Quý Đôn đặt tại lầu 8 cơ sở Nguyễn Văn Tráng, bạn sẽ thấy cây sách, “Cây tri thức” vẫn chứa đầy sách và thỉnh thoảng lại có độc giả đến chọn sách đọc.
Theo chị Bùi Thị Thúy Quyên, người phụ trách phòng đọc Thư viện Lê Quý Đôn, bên cạnh những người “lấy một quyển - bỏ cặp mang về” đã xuất hiện nhiều hơn những người “lấy một quyển - để lại một quyển”. Mừng hơn nữa là có bạn sinh viên dù không “lấy một quyển” nào nhưng vẫn mang đến đặt vào cây tri thức một hai quyển sách với tất cả sự nâng niu một nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Đáng quí hơn, có những giảng viên của trường khi thấy cây sách vơi hẳn đã bỏ tiền túi của mình mua hàng chục cuốn sách mang đến lặng lẽ đặt lên “Cây tri thức”.
Vào tháng 4/2014, nhà sách Tiki trong một chuyến đồng hành mang tên “Tiki cùng Đại học Hoa Sen lan tỏa văn hóa đọc” đã chọn lọc và tặng Trường Đại học Hoa Sen 150 cuốn sách, đặt trên “cây tri thức” tại sảnh G (Số 8, Nguyễn Văn Tráng, Quận 1, TP.HCM) để sinh viên chia sẻ và lan tỏa văn hóa đọc.Tất cả đã như một sự tiếp sức cho một dự án đầy tính nhân văn được sống mãi.  
Gần đây, để giúp bạn đọc hiểu thêm cách sử dụng “Cây tri thức”, mọi người đã có sáng kiến đặt cạnh cây một Thông điệp ngắn gọn, rõ ràng nhưng chi tiết về Mục đích, ý nghĩa, cách sử dụng với nội dung:  Cây trí thức lan tỏa văn hóa đọc; Bạn có thể lấy sách về đọc và trả lại sau khi đọc xong; Bạn hãy NHẬN 1 cuốn sách về đọc và CHO lại 1 cuốn sách khác.
Hi vọng, “cây tri thức” tại Trường ĐHHS sẽ sống lâu, sống khỏe và tiếp tục “nở hoa” như một minh chứng hùng hồn cho sự văn minh và lòng tử tế của con người cũng như là một phép thử có ý nghĩa về mặt đạo đức cộng đồng thể hiện qua văn hóa đọc và sự lan tỏa của nó.


Nguồn: http://news.hoasen.edu.vn/vi/4146/thong-tin-su-kien/cay-tri-thuc-suc-manh-lan-toa-su-tu-te


8 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, Q1

7 tháng 7, 2017

Kết nối với doanh nghiệp để khơi nguồn đam mê khởi nghiệp cho sinh viên


Kết nối doanh nghiệp vì sinh viên
Hàng chục năm qua, Trường ĐHHS đã có sự quan hệ gắn bó với hàng trăm doanh nghiệp có uy tín tại Tp. Hồ Chí Minh và trong cả nước. Hầu hết các môn học chuyên ngành, ngoài việc có sự tham gia giảng dạy của giảng viên cơ hữu, Nhà trường còn mời nhiều giảng viên  thỉnh giảng đang đảm trách các vị trí quản lý và có học vị cao của các doanh nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm chương trình được xây dựng có đầu ra đáp ứng nhu cầu hiện có hoặc trong tương lai của doanh nghiệp, giúp sinh viên có được những bài học kinh nghiệm, nắm rõ những diễn biến thực tế tại doanh nghiệp.
Trước đây, khi nói đến sự kết nối giữa trường đại học với doanh nghiệp, người ta thường nghĩ đến sự thuận lợi cho nhà trường và sinh viên trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập và xin việc làm sau khi tốt nghiệp mà bỏ qua một hiệu quả tác động rất lớn, đó là sự khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên từ đội ngũ các nhà doanh nghiệp, bởi trong số họ có không ít những nhà khởi nghiệp thành công. Chính các nhà doanh nghiệp, chứ không phải ai khác, là những tấm gương sáng thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ khi đang ngồi trên ghế giảng đường.
Khi tạo được sự kết nối gắn bó với các nhà doanh nghiệp, mời được họ đứng lớp cho sinh viên, chắc chắn trong những buổi lên lớp, những giờ semina cho sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công sẽ chia sẻ về các ý tưởng, cách thức khởi nghiệp. Từ những kinh nghiệm khởi nghiệp của các nhà doanh nghiệp, từ những kiến thức được đào tạo trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, sinh viên sẽ có được cái nhìn tổng thể cho quá trình sáng tạo và khởi nghiệp.
Trên thực tế, cái khó nhất của khởi nghiệp có lẽ là bắt đầu từ sự hình thành ý tưởng. Bởi một ý tưởng đúng sẽ góp phần mang đến thành công cho một khởi nghiệp đúng.
Vì thế mà sự chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học có sản phẩm khoa học có giá trị cũng như giữa các nhà doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công với các sinh viên sẽ là cơ hội tốt cho sự nảy nở những ý tưởng khởi nghiệp. Từ đó, các doanh nhân, các nhà tài trợ sẵn sàng hợp tác hơn nữa với trường đại học để có thể đưa các sản phẩm khoa học công nghệ, các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên vào thực tiễn. 
Với nhận thức đó, Trường ĐHHS đã và đang giữ vai trò là chiếc cầu nốicho mối quan hệ Nhà trường - Doanh nghiệp - Chuyên gia khởi nghiệp - Nhà đầu tư để tăng cường nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp; chí ít cũng làm tăng cường nhận thức và mối quan tâm đối với phong trào khởi nghiệp. 
Có thể nói, nếu năm 2016 với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lấy năm 2016 làm năm khởi nghiệp, là năm thể hiện quyết tâm cao nhất ở cấp Chính phủ về định hướng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; thì năm 2017 này sẽ là năm các trường đại học, trong đó có ĐHHS, thể hiện vai trò chủ động của mình để thực hiện sứ mệnh sáng tạo và khởi nghiệp. Trong bối cảnh đó, Hội thảo Quốc tế Sáng tạo và Khởi nghiệp do Trường Đại học Hoa Sen và Mạng Lưới Học Thuật Quốc Tế Việt Nam (iVANet) cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp TP HCM phối hợp tổ chứctrong hai ngày 7 và 8/7/2017 tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng là một hành đông hưởng ứng rất thiết thực và có nhiều ý nghĩa.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Trong quá trình hội nhập sâu theo các hiệp định được kí kết giữa Việt Nam với các quốc gia khối ASEAN cũng như trên trường quốc tế, một thị trường nguồn nhân lực không biên giới đang ngày càng rộng mở. Khi đó nguồn nhân lực Việt Nam nếu không được nâng cao ngang chuẩn quốc tế sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Khi đó, bản thân các trường đại học và những quyết sách về đào tạo sẽ không thực thi được sứ mệnh phục vụ xã hội của mình. Đó chính là một áp lực thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Trường ĐHHS không là một ngoại lệ. Đó cũng chính là mục tiêu đào tạo đạt chuẩn quốc tế mà Nhà trường đã và đang đặt ra để phấn đấu.
Sau hơn 25 xây dựng và phát triển, Trường ĐHHS không chỉ đào tạo về chuyên môn, mà còn rất chú trọng đến năng lực lãnh đạo, quản lý, cung cấp những sinh viên tốt nghiệp ra trường có chất lượng cao ngang với trình độ của các nước trong khu vực. Với phương châm đào tạo thực tiễn và toàn diện, sứ mệnh của Trường là đào tạo sinh viên học để trở thành công dân toàn cầu, có khả năng làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng thời có tinh thần sang tạo và khởi nghiệp. Sinh viên không chỉ tập trung vào lý thuyết mà có thể ứng dụng lý thuyết trong thực tế, biết thêm nhiều kỹ năng sống thông qua những đề án môn học, hoạt động ngoài lớp học, chương trình service-learning.
Hiện ĐHHS có 24 ngành nghề đào tạo đa lĩnh vực: Môi trường, Thiết kế sáng tạo - Mỹ thuật ứng dụng, Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật, Ngôn ngữ - văn hóa - Xã hội, Kinh tế thương mại, trong đó nhiều chương trình đào tạo như Marketing, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Nhân lực, Tài chính ngân hàng đã đạt chuẩn quốc tế ACBSP của Hoa Kỳ. Đi theo mô hình của Đại học Utah (Hoa Kì), nơi có Viện Khởi nghiệp Lassonde đang hoạt động rất thành công, Trường Đại học Hoa Sen quyết định mang mô hình này về ứng dụng vào hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà trường. Tại Hội thảo này, Trường Đại học Hoa Sen sẽ cho ra mắt Viện Sáng tạo và Khởi nghiệp. Từ hoạt động của Viện Sáng tạo và Khởi nghiệp ĐHHS sẽ kết nối nhà đầu tư với các đề án khởi nghiệp từ sinh viên và giảng viên.   Đồng thời Viện sẽ xây dựng qui trình cố vấn và đào tạo (Hoa Sen Entrepreneurship Launch Pad - HELP) để giúp các đội khởi nghiệp nâng cao khả năng thành công trong qui trình phát triển sản phẩm và thành lập công ty. Hi vọng trong tương lai gần, sinh viên ĐHHS sẽ được thụ hưởng những thành quả của một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực này.

Ở tuổi này mà khởi nghiệp có vẻ hơi bị trễ

Thôi thì tự sướng chút

GS. Phó Hiệu trưởng điều hành HSU Trương Nguyện Thành trả lời phỏng vấn VTV