28 tháng 5, 2017

Thế là hắn đã bị biếm chức

Tối qua ăn xong đang nằm nhìn ngọn đèn cho tiêu cơm thì có điện thoại của ông bạn chí cốt từng là một quan chức cấp cục của bộ văn thể du gọi: Thằng Chương đã bị cách chức rồi ông. Quyết định do bộ trưởng Thiện kí chiều hôm qua, thứ 6. Thứ 2 sẽ công bố cho bàn dân thiên hạ biết.
Có thế chứ. Mấy bữa nay thiên hạ cả báo chính thống và mạng xã hội FB chửi nó cứ như chửi chó (xin lỗi chó nhé, so sánh thằng này với chó là một sự xúc phạm đến loài vật dễ thương và trung thành này). Cấp phép gì không cấp lại đi cấp phép cho cả Quốc ca. Lên TV báo chí xin lỗi không xin cho đàng hoàng lại đi đổ lỗi cho dân ngu vì không hiểu hết nội dung văn bản của nó nên gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc.
Nghe nói thằng ni giàu lắm, có cả một công ti vận tải tàu thuyền ở Quảng Ninh và mới bảo vệ xong tiến sĩ.
Xưa nay tôi cứ nghĩ ai giàu có thì đều là người thông minh vì có thông minh họ mới làm ra được nhiều tiền. Tuy nhiên thằng ni giàu có mà sao ngu thế.
Nói như GS Ngô: Làm xấu mặt ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà không ai bằng thằng cục trưởng Chương này.
Cũng từ ông bạn cho biết thêm, hắn bị biếm chức xuống làm vụ phó của một vụ ở trong bộ văn thể du, nghe nói là vụ khoa học công nghệ và môi trường.
Giàu tiền bạc bỏ tiền ra mua đủ mọi thứ từ cục trưởng đến ts. Nhưng ngu vãi thì cũng thân bại danh liệt thôi.

Thể chế này càng ngày càng tòi ra cả lũ quan ngu và tham. 

May mà chửi hắn khi hắn đã bị biếm chức rồi chứ không thì theo con mụ đại biểu QH Xuân nào đó, tôi đã can tội khi quân và bất trung vì nói xấu lãnh đạo, có thể bị kết tội hình sự.

20 tháng 5, 2017

Có người viết bài đăng trên báo Công Lý của Tòa án Nhân dân Tối cao

Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến


30/4/2015 09:28 UTC+7
(Công lý) - Giữa lúc bom rơi đạn nổ đầy trời, rời trường đại học đi chiến đấu mà cha mẹ không hề hay biết, không có người thân đưa tiễn thì sự có mặt các thầy, cô giáo là hiện thân của người cha, người mẹ, người thân… đưa tiễn các con trước khi ra trận.
Một lần tình cờ tôi gặp thầy Hà Tùng Sơn, cựu sinh viên trường Đại Học Vinh, khi biết tôi quê Quỳnh Thạch, (Quỳnh Lưu, Nghệ An), thầy..."A" lên như người xa xứ lâu ngày gặp đồng hương nơi đất khách: “Quỳnh Thạch là nơi ngày xưa khoa văn của mình sơ tán đấy”. Rồi như một lẽ tự nhiên, tôi bị cuốn vào câu chuyện thú vị ngập tràn ký ức của thầy. 

Xem tiếp ở đây: 

http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/ky-uc-cam-dong-cua-cuu-sinh-vien-xep-but-nghien-len-duong-khang-chien-94964.html


15 tháng 5, 2017

Phủ Thủ tướng cũng tào lao

Sau mấy năm đi lính thời chống Mĩ tôi được chính phủ tặng thưởng cho 2 tấm huy chương. Một Huy chương Kháng chiến chống Mĩ và một Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Nói vẻ vang nhưng tôi thấy cũng chẳng vẻ vang gì cho lắm bởi đó là thứ huy chương theo niên hạn, miễn hoàn thành nhiệm vụ sau 3 năm đi lính thời chiến tranh mà không bị kỉ luật gì thì ai cũng được tặng. Mỗi Huy chương có một tấm bằng do Thủ tướng Chính phủ kí và một giấy chứng nhận kèm theo. Hai cái bằng thì từ khi chuyển vô SG nhà cửa cũng rộng rãi nên tôi treo ở chỗ vẫn ngồi làm việc cho có vẻ ấm cúng như là một kỉ niệm thời trai trẻ; 2 cái Giấy chứng nhận thì cất trong một cái cặp cũ kĩ đựng những giấy tờ cần thiết như bằng cấp các loại… chứ hầu như chưa bao giờ tôi đọc xem trong đó viết những gì bởi ngoài cái danh dự tinh thần rất mờ nhạt ra thì nó cũng chưa mang lại lợi lộc vật chất gì cho tôi.
Nói cho đúng ra thì cái bằng HC Kháng chiến tôi có dùng đến một lần khi foto nó để lên Bảo hiểm Xã hội quận nhằm hưởng chế độ bảo hiểm y tế 100% mà không phải cùng chi trả 5% khi khám và điều trị bệnh ở bệnh viện.
Mãi gần đây nhân dịp ngày 30 tháng Tư tôi và Nguyễn Quang Ngọc ghé Biên Hòa thăm đồng đội là Thưởng CCB C20 E266 cùng sư đoàn 341 thì Thưởng hỏi 2 thằng tôi là các ông đã làm chế độ tham gia hoạt động chiến đấu trong vùng mặt trận B2 (miền Đông Nam Bộ) là vùng mà quân đối phương đã sử dụng chất độc hóa học chưa thì tôi tròn mắt lên ngạc nhiên: Thế à, có cái chế độ đó à. Thưởng nhìn tôi như nhìn một người từ trên giời rơi xuống: Người ta làm và hưởng chế độ cả chục năm nay rồi ông ơi (từ năm 2003). Nếu tính mức trợ cấp thấp nhất 1.150.000đ/tháng đem nhân với 12 tháng rồi nhân tiếp cho 13 năm thì tôi đã mất một khoán kha khá rồi.
Trời, vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng ông nào bị dính chất độc da cam, vợ không sinh được con hoặc đẻ con ra bị quái thai què quặt thì mới được hưởng chế độ đó chứ.  Ai dè chỉ cần bị một trong 7 nhóm bệnh trong đó có căn bệnh tiểu đường là đã được hưởng đều đều hàng tháng một khỏan trợ cấp nho nhỏ rồi. Gì chứ tiểu đường thì tôi bị thường xuyên cả chục năm nay rồi, mà lại bị nặng nữa là khác. 10.0 cơ mà. Mà không chỉ riêng tôi, hai thằng bạn thân C20 F341 của tôi cùng ở SG là Quang Ngọc và Lê Đình Nguyên cũng không biết thông tin gì về mấy vụ quyền lợi này.
Vậy là tuần trước, theo hướng dẫn của Thưởng tôi lên Ủy ban phường hỏi để làm về chế độ hiển nhiên này. Cô nhân viên ở bộ phận người có công sau khi hỏi tôi câu: Sao mấy lâu nay chú không làm, người ta làm hết từ lâu rồi. Thì tôi có biết gì đâu, nhờ cô giúp tôi nhé. Thế rồi cô nhân viên lấy ra một bộ mẫu hồ sơ hướng dẫn tôi về làm thành 4 bộ như nhau, khi nào xong thì mang lên nộp cho cô. Từ Phường sẽ lên quận, từ quận sẽ lên Thành phố. Khâu cuối cùng là ra Hội đồng Giám định y Khoa TP. Sau đó là… tiền. Có thế chứ. Có tiền là sướng rồi.
Thấy cũng không rắc rối lắm nên tôi về bắt tay vô làm hồ sơ ngay. Việc đầu tiên là foto công chứng mấy cái giấy chứng nhận Huy chương tưởng như sẽ không bao giờ cần đến. Gì chứ công chứng thì quá đơn giản. Tôi foto xong mang lên phường công chứng. Cậu nhân viên công chứng phường sau khi liêc mắt qua phán ngay: Hai tờ giấy chứng nhận này không công chứng được chú. Sao vậy cháu. Nó xòe tờ giấy chứng nhận HC kháng chiến ra nói: Đây chỉ là bản y sao, mà đã là bản sao thì theo quy định là không công chứng được, luật qui định chỉ công chứng từ bản gốc. Xòe tiếp tờ Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ Vẻ vang ra nó phán luôn: Còn cái này thì chỉ có con dấu mà không có chữ kí của nơi cấp là Phủ Thủ tướng, cũng không thể công chứng được. Chú thông cảm.
Thông cảm cái con khỉ.
Tôi lấy hai tờ giấy chứng nhận ra xem kĩ thì đúng thế thật. Tờ chứng nhận HC Kháng chiến to bằng khổ A4  giấy đen thui thui như cứt chó in roneo đúng là bản y sao từ một Quyết định của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí cấp HC Kháng chiến cho cùng một danh sách gồm 389 ông là cán bộ thuộc Bộ Giáo dục trong đó có tên tôi. Rồi Trường ĐHSP Quy Nhơn là nơi tôi giảng dạy khi đó sao y ra một bản trao cho tôi, nó đúng là cái Giấy chứng nhận sao y. Còn Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ vẻ vang chỉ nhỉnh bằng 3 ngón tay khép lại ở trên góc đề là Phủ Thủ tướng, bên dưới có dấu của Phủ Thủ tướng còn nguyên màu mực đỏ nhưng không hề có chữ kí của ai cả. Sao cái tay chánh văn phòng Phủ thủ tướng hồi đó nó không kí vô đây cho tôi nhỉ.  
Rõ là oái oăm. Được lúc tôi hăng hái nhiệt tình đi làm chính sách chế độ thì chính chế độ nó lại dội cho mình gáo nước lạnh thế này. Ai dè Phủ thủ tướng mà cũng tào lao thế. Cấp Giấy chứng nhận Huy chương cho người ta mà cũng không thèm kí tá gì ráo trọi. Nản thế.
Vậy là tôi ôm mớ giấy tờ về nghĩ cách khác. Cách đó là tháo hai cái bằng xuống đem foto ra cũng công chứng được. Cái bằng dù sao cũng còn oai hơn cái giấy chứng nhận.
Chẳng biết vụ này rồi có đi đến đâu không. Chỉ biết rằng vào thứ 6 tuần trước, cô nhân viên Bộ phận người có công đã thu nhận xong mớ hồ sơ của tôi với lời dặn: Có gì cháu sẽ gọi lại chú sau.   

Tờ Quyết định bằng giấy nứa đen thui thui in roneo lem nhem, sản phẩm của thời bao cấp XHCN

Quyết định của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí cấp HC Kháng chiến cho cùng một danh sách gồm 389 cán bộ thuộc Bộ Giáo dục trong đó có tên tôi từ năm 1985. Rồi Trường ĐHSP Quy Nhơn là nơi tôi giảng dạy khi đó sao y ra một bản trao cho tôi, nó đúng là cái Giấy chứng nhận sao y. 

Sau mấy năm đi lính với quân hàm Hạ sĩ, có mỗi cái Giấy chứng nhận HC Chiến sĩ vẻ vang chỉ nhỉnh bằng 3 ngón tay khép lại ở trên góc đề là Phủ Thủ tướng, bên dưới có dấu của Phủ Thủ tướng còn nguyên màu mực đỏ vào ngày 6 tháng 4 năm 1987 nhưng không hề có chữ kí của ai cả. Sao chánh văn phòng Phủ thủ tướng hồi đó nó không kí vô đây cho tôi nhỉ. 
Đó là chưa nói việc từ năm 1976 tên nước VN đã được đổi từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa XHCN Việt Nam rồi vậy mà trên cái giấy chứng nhận này 11 năm sau (1987) cơ quan Phủ Thủ tướng vẫn ghi là VNDCCH. Ẩu hết chỗ nói.




  

2 tháng 5, 2017

Nguyễn Xuân Sùng ở Sài Gòn

Chiều qua đang lơ mơ ngủ thì Nguyễn Xuân Sùng, bạn học thời 16D K2 và cũng là đồng đội xưa gọi: Tui mới vô thăm thằng cu út, đang ở gần chùa Vĩnh Nghiêm. OK. Sáng mai tui sẽ lên rước ông đi ăn sáng café.
Sáng nay ngủ dậy, thông báo cho bà xã là hôm nay đi với bạn Sùng từ Quảng Bình vô rồi tôi xách xe đi.
Sùng học khóa 10 khoa văn ĐHSP Vinh, hết năm thứ nhất thì đi lính vô thẳng chiến trường Tây Nguyên (B3). Sau những năm đi lính, qua ngày giải phóng 30 tháng 4, chúng tôi cùng trở lại trường và học chung lớp 16D K2. Nay thì Sùng đã là ông giáo già nghỉ hưu tại quê nhà Ba Đồn. Thằng cu út đang học FPT nên thỉnh thoảng lại được vợ cấp cô ta và chi phí vô SG thăm nó.
Đến cổng chùa Vĩnh Nghiêm nhìn sang thì thấy Sùng đang đứng bên kia đường, trước một cái bờ rào đỏ rực cờ quạt. Tôi vòng xe sang thì Sùng nói: Đây là Đài tưởng niệm anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, ta nên vô viếng chút. Ừ thì vô. Thú thật sống ở SG tôi đi qua đây có lẽ cũng đã ngàn lần nhưng chẳng mấy khi tôi để ý đến Đài tưởng niệm người anh hùng đã đặt mìn dưới cầu Công Lý để giết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MC Namara và đã bị chính quyền Sài Gòn xử tử hình vào ngày 15 tháng 10 năm 1964. Chỉ biết đó là một khu đất nằm dưới chân cầu Công Lý trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa phía bên quận 3 với một cái bờ rào sắt không có ấn tượng gì. Và hầu như cả dân thành phố này cũng chẳng mấy ai để ý khi mà chân cầu thì dốc và người xe qua lại như nước chảy xiết dưới chân cầu. Nguyễn Xuân Sùng từ QB vô chắc có cảm xúc lạ lẫm lắm nên mới đưa ra ý kiến thông minh đột xuất viếng người anh hùng liệt sĩ đã đi vào lịch sử thời chống Mĩ.
Chúng tôi tìm được cái cửa bên hông Đài tưởng niệm đã mở sẵn vào chắp tay vái lạy trước bức phù điêu lớn của người anh hùng một thời đã đi vào thơ ca nhạc họa trong hình ảnh anh đang hiên ngang lẫm liệt trước pháp trường xử bắn của chế độ VNCH ở Khám Lớn Chí Hòa với câu nói nổi tiếng trước khi ngã xuống: Hãy nhớ lấy lời tôi…
Vừa xong thì Nguyễn Quang Ngọc gọi: Ông đang đâu đấy. Tui đang lên đón ông bạn từ QB vô đi cfe sáng, đang ở gần cầu Công Lý. Vậy mày chở ông bạn đó lên tao cfe luôn đi. OK.
Vậy là tôi và Sùng lên nhà Ngọc ở chung cư Hà Đô trên Gò Vấp. Ăn sáng cfe xong thì Ngọc đưa ra sáng kiến: Bây giờ ta kiếm mồi gì đó rồi kéo lên nhà thằng Nguyên nhậu đi. Xong ngay. Nguyên học khóa 11 Hóa trường Vinh, cùng là lính C20 F341 với tôi và Ngọc, trở lại trường hắn học 15 hóa rồi vô SG dạy học. Vợ Nguyên bị ung thư qua đời đã 5 năm nay, năm ngoái hắn  bị đột quị gần như liệt hẳn tay chân trái. Giờ chỉ nhúc nhắc đi lại trong nhà với cái gậy trên tay. Hàng ngày con cái đi làm hết, Nguyên ở nhà một mình. Thấy hắn buồn khổ vậy nên dạo gần đây tôi và Ngọc hay mua gì đó kéo đến nhà Nguyên nấu nướng ăn uống quậy cho hắn vui.
Nhất trí chương trình xong, Ngọc xuống hầm chung cư lấy ô tô, còn tôi và Sùng trên đường đến nhà Nguyên ghé qua Bình Long mua một con thỏ nặng 2,2 kí. Chỉ 15 phút ngồi chờ họ đã cắt tiết làm lông thui chú thỏ vàng ươm sạch sẽ, về chỉ việc chặt ướp gia vị các thứ nữa là xào lên thơm phức; Nguyên còn cẩn thận mua thêm một con gà luộc ở quán gần nhà. Mồi tú hụ thế tha hồ mà nhậu.
Vậy là nhóm 5 tên gồm Sùng, Ngọc, Nguyên và tôi cùng với một ông bạn của Nguyên từ Bến Tre lên làm một bữa tưng bừng.
Xong thì đã 3 giờ chiều. Chúng tôi chia tay nhau sau một ngày gặp gỡ đầy ngẫu hứng. Ngọc sẵn ô tô chở Sùng về chỗ trọ của thằng cu út.
Năm nay kỉ niệm 42 năm ngày 30 tháng 4 nhiều chuyện vui thế.

Nguyễn Xuân Sùng viếng Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi...


...và cafe sáng tại Milano Coffee Chung cư Hà Đô Gò Vấp sáng nay (Ảnh: Quang Ngoc Nguyen)


Lê Đình Nguyên thuở còn hoành tráng (phải) và Nguyễn Quang Ngọc tại Đài Chiến thắng Bàu Bàng Bình Phước (Ảnh: HTS)