Năm 1979 tốt nghiệp VU tôi được phân công về dạy
ở Khoa Văn QNU. Hồi đó chẳng phải xin xỏ gì. Học xong người ta phân đi đâu thì
đi đó cứ như trời định vậy. Không như sinh viên bây giờ tốt nghiệp đồng nghĩa với
thất nghiệp. Chúng tôi hồi đó thuộc lòng câu: Cầm vàng còn sợ vàng rơi; Cầm bằng tốt nghiệp đời đời ấm no.
Về khoa Văn QNU tôi gặp Trưởng khoa Nguyễn Văn
Giai là thầy giáo cũ dạy tôi văn học Nga khi còn học năm 3 ở VU. Ngay buổi họp cán bộ khoa đầu tiên, ông phân công tôi đảm nhiệm môn văn học Trung Quốc cùng tổ nước
ngoài với ông. Tôi vốn dễ tính, thực ra môn mà tôi thích theo đuổi là Lí luận
văn học, nhưng thôi, mất ngựa biết đâu lại là điềm may của ông già cửa ải.
Theo qui định đối với giảng viên đại học, năm đầu
tiên ở lại trường tôi được đi đọc sách, biên soạn bài giảng và dự giờ các giảng
viên khác, nhất là các thầy từ trường bạn đến thỉnh giảng, sau đó mới được tập
tõm lên lớp.
Khoảng cuối năm 80 có Thầy Lương Duy Thứ là một
trong số ít GS dạy VHTQ hàng đầu của Việt Nam từ ĐHSP 1 Hà Nội vào thỉnh giảng.
Tôi ngày ngày chăm chỉ ôm cặp lên giảng đường cùng với SV khóa 1 học bài của sư
phụ.
Một hôm sau buổi giảng Thầy bảo tôi: Đầu tuần sau đến phần thực hành chương Sử kí của Tư Mã Thiên, tôi dành 1 tiết để anh lên phân tích truyện
Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện cho SV nhé. Dù lo lắng nhưng tôi sẵn sàng nhận
lời Thầy, bởi nghĩ có dịp nên thử sức và khẳng định mình xem sao.
Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện là một tác
phẩm thuộc loại hay nhất, có nhiều kịch tính nhất trong Sử kí, thể hiện được
nhiều tài năng và sự thâm thúy trong ngòi bút của nhà viết sử cũng là nhà văn
vĩ đại thời cổ đại Tư Mã Thiên.
Câu
chuyện tóm tắt như sau:
"Liêm Pha là một tướng tài của nước Triệu thời Chiến
quốc. Năm 283 TCN, nước Triệu theo kế
hợp tung của nước Yên cùng đánh Tề Mẫn vương kiêu
ngạo, Liêm Pha được Triệu Huệ Văn vương cử làm tướng đi đánh Tề dưới quyền tổng
chỉ huy của tướng Yên là Nhạc Phi. Liêm Pha phá tan quân Tề, lấy ấp Dương Tấn về nước
Triệu. Nước Tề sau đó bị nước Yên đánh bại.
Liêm Pha được làm thượng khanh, dũng khí của ông nổi tiếng khắp các nước chư hầu.
Khi đó Lạn Tương Như vốn
xuất thân chỉ là người phục vụ dưới quyền hoạn quan Mục Hiền, nhờ việc đi sứ
nước Tần bảo toàn được ngọc bích và uy tín của nước Triệu trước nước Tần hùng
mạnh nên được phong làm thượng đại phu. Nước Tần hứa đổi 15 thành lấy ngọc bích
họ Hoà của nước Triệu nhưng không thực hiện lời hứa, kết quả nước Triệu cũng
không đem ngọc bích cho Tần.
Năm 282 TCN, vua Tần bực nước Triệu không chịu dâng ngọc bèn đánh Triệu,
lấy Thạch Thành. Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Sau đó vua Tần sai
sứ giả nói với Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà.
Vua Triệu sợ nước Tần hung hãn, từng bắt giữ Sở Hoài vương khi đến hội họp nên
định không đi. Liêm Pha và Lạn Tương Như bàn rằng: Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát.
Vua Triệu nghe theo, bèn đến hội họp. Lạn Tương Như đi theo phò tá vua Triệu. Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt nhà vua nói: Nhà vua đi,
tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu ba mươi ngày không
về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng.
Triệu Huệ Văn
vương nghe theo.
Trong thời
gian Triệu vương và Lạn Tương Như đối đầu với vua quan nước Tần ở Dẫn Trì, Liêm
Pha coi giữ nước Triệu, không gặp biến cố nào.
Lạn Tương Như
có công phò tá vua Triệu hội kiến vua Tần ở Dẫn Trì khiến nước Tần không dám
chèn ép nước Triệu nên được vua Triệu phong làm thượng khanh, địa vị trên cả
Liêm Pha.
Liêm Pha bất
mãn nói:
Ta là tướng
nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng
lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta
xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta.
Và ông rêu
rao rằng:
Ta gặp Tương
Như, quyết làm nhục ông ta.
Tương Như
nghe vậy, chủ động tránh không gặp Liêm Pha. Về sau, ông nghe mọi người nói lại
lời Tương Như giải thích rằng:
Oai như vua
Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương
Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao. Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ
mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con
hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì
nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.
Liêm Pha nghe
vậy ân hận, nhận ra lỗi của mình. Ông bèn cởi trần, mang roi nhờ tân khách đưa
đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: Kẻ hèn mọn này không biết tướng
quân rộng lượng đến thế!
Rồi từ đó hai
người vui vẻ làm bạn sống chết có nhau khiến nước Tần không dám
hăm dọa nước Triệu. Sau này khi Liêm Pha và Lạn Tương Như qua đời, nước triệu
suy yếu hẳn rồi mất vào tay Tần".
Tôi dành mấy hôm đọc và nghiền ngẫm kĩ tác phẩm,
rồi soạn bài. Bài soạn của tôi là mấy
trang A4 gạch xóa lem nhem, nếu người ngoài có nhìn vô cũng không biết đâu mà
mò. Buổi tối cuối cùng gần như tôi không ngủ được, nghĩ đến bài giảng ngày mai
dù chỉ 1 tiết ngắn ngủi nhưng lòng tôi bâng khuâng khó tả. Vừa náo nức vừa lo lắng.
Cứ nằm vắt tay lên trán một lúc lại đứng dậy lật lật bài soạn rồi đi lại vung
tay lảm nhảm một mình trong phòng như một thằng bị bệnh mộng du. Lần đầu tiên
tôi thấm thía sự vất vả của cái gọi là lao động giáo án của nghề dạy học.
Khi cảm thấy đã ổn rồi tôi lên giường ngủ. Nhưng
mắt vẫn không chịu ngủ. Có một cái gì chưa ổn trong bài phân tích của mình. Đó
là sự ca ngợi hết lời nhân vật Lạn Tương Như của các bài viết trong giáo trình
VHTQ cũng như trong các tài liệu tham khảo khác. Bài soạn của tôi cũng đi theo
hướng đó, hết lời ca ngợi viên quan văn Lạn Tương Như rộng lượng, biết đặt lợi
ích đất nước lên trên danh tiếng cá nhân; và chê trách nặng lời viên quan võ
Liêm Pha bụng dạ hẹp hòi suýt nữa thì làm mất nước. Đây chính là chỗ mà tôi thấy
không ổn trong nhận thức và phân tích tác phẩm. Nếu phân tích theo hướng này
thì câu chuyện của Tư Mã Thiên không có chỗ cho sự thâm thúy. Lạn Tương Như là
nhân vật tốt từ trong trứng. Ngay từ khi xuất hiện trong tác phẩm, ông ta đã là
một con người tốt và cho đến hết tác phẩm tính cách của con người này vẫn vậy,
không có gì phát triển. Đây không thể là một hình tượng nhân vật điển hình của
tác phẩm được. Nếu hướng sự phân tích ca ngợi vào nhân vật này như các giáo
trình văn học và tài liệu tham khảo đã viết tức là cố tình đẩy vào một cánh cửa
đã mở sẵn. Một việc làm vô ích.
Nghĩ đến đó tôi bật dậy lấy bút viết lại bài phân
tích theo hướng đề cao nhân vật Liêm Pha, một vị đại tướng lỗi lạc biết nhận ra
sai lầm của mình để phục thiện. Con người ta ở đời ai cũng có sai lầm. Vấn đề là
biết nhận ra cái sai của mình để từ đó sửa chữa lỗi lầm và phát triển nhân cách
ngày một hoàn thiện hơn. Liêm Pha mới chính là hình tượng nhân vật đáng ngợi ca
nhất của tác phẩm, là một hình tượng điển hình trong câu chuyện và trong cả bộ
Sử kí vĩ đại, một con người biết vượt lên chính mình.
Sau khi đã viết lại gần như toàn bộ giáo án, tôi
mệt mỏi lăn đùng ra giường ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm với tâm trạng đầy hồi
hộp và náo nức cứ như thể lần đầu tiên hẹn hò với cô bạn gái trong mối tình đầu,
rồi xách cặp rời khu tập thể CBGD để hầu sư phụ GS Lương Duy Thứ lên lớp.
Vẫn những bậc cầu thang quen thuộc lên giảng đường
trên lầu 2 ấy nhưng hôm nay tim tôi đập rộn ràng.
Sau mấy lời giới thiệu của GS hướng dẫn, tôi bước
lên bục giảng cầm phấn trắng nắn nót viết lên tấm bảng xanh dòng chữ: Phân tích
tác phẩm Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện.
Sự hồi hộp ban đầu qua mau.
Tôi như bị cuốn hút vào bài giảng của mình, cuốn
hút như là đang lên đồng. GS Thứ dành cho bài giảng của tôi một tiết nhưng tôi
đã chiếm dụng của thầy cả một tiết rưỡi.
Điều bất ngờ là khi tôi nói lời chấm dứt bài giảng
của mình, cả 2 lớp SV khóa 1 học chung đã vỗ tay cổ vũ. Tôi nghĩ vậy là mình thành công rồi.
Sau đó GS Thứ lên nhận xét. Thầy nói ngắn gọn: Qua
bài giảng vừa rồi của thầy HTS, tôi xin được nói rằng, nếu tôi là Mao Trạch
Đông thì thầy HTS là Lâm Bưu.
Chỉ có thế.
Lời nhận xét của Thầy làm tôi sướng ngất ngây. Bởi đó là một lời khen nhiều ngụ ý. Thời đó nếu
ai quan tâm đến chính trị, sẽ biết rằng chủ tịch Trung quốc khi đó là Mao Trạch
Đông đã chọn Lâm Bưu làm người kế vị của mình vì thế Phó chủ tịch Trung Quốc Lâm Bưu khi
đó là nhân vật số 2 sau Mao Trạch Đông. Khi đó
bất cứ báo đài nào nếu đã nhắc đến Chủ tịch Mao Trạch Đông hiển nhiên phải nhắc
đến Phó chủ tịch Lâm Bưu. Hai con người này gắn liền nhau như hình với bóng
trên đại lễ đài Thiên An Môn, trên các đoàn chủ tịch đại hội của Trung Quốc thời
đó. Với ví von ấy Thầy đã kín đáo khen học trò là tôi rất nhiều. Không sướng râm ran sao được.
Từ đó đến nay, sau mấy chục năm đã đi qua, kể cả
khi đã nhảy sang làm nghề khác cả hai chục năm trời, tôi vẫn gắn bó với môn
VHTQ, vẫn hồi hộp và say mê mỗi khi có dịp bước chân vào lớp để giảng bài, bởi
tôi không bao giờ quên lời khen ấy của Thầy tôi, GS Lương Duy Thứ.
Sang chúc mừng nhân ngày Hiến Cam Nhà giáo đây bạn!
Trả lờiXóaCảm ơn TT. Đúng là Tui thích Cam hơn Chương.
Xóa