25 tháng 11, 2013

Kính thưa các loại chủ nghĩa

 Mục Tiếng nói người viết

                                                            Chử Anh Đào

          Mấy năm gần đây cả người viết và các nhà phê bình, nghiên cứu văn học ở nước ta rộ lên phong trào (nước ta vốn có truyền thống phong trào) lập ngôn về các loại “chủ nghĩa” trong sáng tác. Đó là những “khái niệm”, “định nghĩa”, “đặc điểm”…đầy tính tư biện và kinh viện, kiểu “đóng chân theo giày”, làm cho những điều đơn giản, dễ hiểu nhất thành rối rắm phức tạp nhất. Có những người tỏ ra vinh dự tự hào vì là người khởi xướng, là đại biểu, là tiên phong…Xét thấy không cần dẫn giải nhiều ra đây. Chỉ xin quí vị lưu ý một điều: tất cả những cái gọi là chủ nghĩa ấn tượng, trực giác, siêu thực, đa đa, dã thú, cấu trúc, hiện sinh, hậu hiện đại…đều ra đời ở châu Âu sau đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai với những cơ sở xã hội nhất định, có những đại biểu xuất sắc và những tác phẩm để đời của mình. Những tưởng chúng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử từ gần một thế kỉ trước, không ngờ lại phục sinh tại Việt Nam- mảnh đất được coi là màu mỡ một thời của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (!)
          Đổi mới, cách tân để sáng tạo ra cái Đẹp là mục tiêu hàng đầu, là nhu cầu tự nhiên của tất cả các nghệ sĩ cổ kim đông tây. Điều này được thể hiện thông qua những tuyên ngôn nghệ thuật trực tiếp hoặc gián tiếp qua hình tượng của các tác giả. O.Balzac “viết dưới ánh sáng của chủ nghĩa quân chủ”; Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”; Sóng Hồng “dùng bút làm đòn xoay chế độ”; Phadarello và A.Nexin khuyên mọi người nhìn hiện thực bằng chính cặp mắt của mình qua “Sự lựa chọn” và “Mua kính”; Nam Cao kiên quyết từ bỏ thứ văn chương phù phiếm để quay về với chủ nghĩa hiện thực qua “Giăng sáng”…Nhưng xét cho cùng vẫn là chất lượng tác phẩm qua cảm thụ của công chúng và sự phán xet của thời gian. Người ta nhớ tới một nhà văn nào đấy không phải ông ta đứng ở chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ mà bằng chính đứa con tinh thần mình sinh ra. Vì vậy, tuy chỉ là người viết vụn ở tỉnh lẻ nhưng tôi cứ tự nhủ mình rằng: mọi thứ ồn ào khoe mẽ ta đây rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn, như ý của Xuân Quỳnh, nghệ thuật đích thực và tình yêu ở lại./.
                                                          PK 20.11.13

                                                               C.A.Đ



2 nhận xét:

  1. Đúng đấy GS ạ! Mình thích những gì dễ hiểu đi vào lòng người hơn! Có bài thơ chỉ dăm ba câu nhưng lay động hàng triệu con tim còn có người viết tràng giang đại hải, dùng nhiều từ khó hiểu và...đúng là chẳng hiểu họ định nói gì. Có nhiều người viết là viết và không nghĩ rằng mình viết nhiều như thế để rồi ai đọc?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà khoa học chân chính là biến những cái phức tạp thành đơn giản. Nhà khoa học tù mù thì ngược lại. Bạn nói rất đúng.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới