20 tháng 5, 2012

Chuyện chưa xưa

Chuyện chưa xưa là chuyện cũng mới xảy ra cách 2 năm thôi, chưa phải là chuyện cũ, chuyện ngày xưa.
Ngày đó tôi phụ trách mục giới thiệu sách mới trên Tv và radio. Tuần một số. Mở ra mục này là do tôi thôi. Đọc sách và viết lách đăng báo đó đây mà không dùng trên đài nhà thì phí, lại mất một khoản thâm canh nhuận bút giữa trời. Tôi phịa ra với lí do là nhằm làm tăng thêm tính học thuật, đa dạng, phong phú… cho chương trình. Mấy cha nghe tôi đề xuất mở chuyên mục gật lia lịa như con bổ củi, lại còn khen mình là sáng tạo. Thực ra là chỉ để thỏa mãn cái thú vui cá nhân của tôi và bè bạn yêu sách vở văn chương mà thôi. Thực tế chứng minh là khi tôi rời đài ra đi hôm trước thì hôm sau chuyên mục này cũng vĩnh viễn biến khỏi màn hình. Thời buổi này ai rỗi hơi mà đọc sách với viết lách bình luận vô bổ bởi thực tế cho thấy là những tay càng ít học hành, càng xa lánh sách vở thì càng thăng tiến nhanh trên chốn quan trường.
Ban đầu tôi đặt tên chuyên mục là Trên giá sách của chúng tôi, sau thì Mỗi tuần một cuốn sách.
Vậy rồi sách biếu, sách gửi tặng về tơi tới. Từ thượng vàng đến hạ cám đủ chủng loại. Có cuốn nghiêm túc tôi giới thiệu nghiêm túc. Có cuốn cà chớn tôi giới thiệu kiểu cà chớn. Mà nhiều nhất là các tập thơ đủ kiểu dạng.
Khốn nạn, làm sao dân xứ ta làm kinh tế thì kém mà làm thơ thì giỏi giang thế không biết. Có lẽ dân Việt ta sính thơ và tài thơ nhất thế giới. Nhà thơ làm thơ, nhà văn chuyên viết văn xuôi cũng làm thơ; nhà chính trị làm thơ, nhà kinh tế cũng làm thơ; lãnh tụ làm thơ anh chạy xích lô cũng làm thơ; nhà tư tưởng làm thơ ông tổng giám đốc cũng làm thơ… Thiệt đúng là nhà nhà làm thơ người người làm thơ, tất cả vì một nền văn hóa xhcn tươi đẹp. Ngay cái thân tôi đây thỉnh thoảng nổi cơn hâm hấp cũng cầm bút viết thơ. Thì có khó gì đâu. Chỉ cần viết đủ dăm bảy chữ gõ enter qua hàng thế là thành thơ. Người làm thơ nhiều đến nỗi có lần trong một đám nhậu có 5 người mà đã có đến bốn ông làm thơ đăng báo, ba ông có thơ in thành tập; ông còn lại tuy không làm thơ nhưng cũng thường xuyên hắng giọng đọc thơ sang sảng. Vui làm thơ, buồn làm thơ; không vui không buồn cũng làm thơ. Yêu làm thơ, thất tình làm thơ,không yêu không thất tình cũng làm thơ... Thử đi tìm lí do cắt nghĩa cho sự phát kiểu trăm hoa đua nở của nền thơ Việt thì có người cho rằng vì ở nước ta, có người chỉ chuyên làm một thứ thơ tụng ca lãnh tụ như ông Tố Hữu mà cũng vô đến bộ chính trị, lên tới phó thủ tướng thường trực chính phủ. Ông này làm thơ tụng ca lãnh tụ đến mức quên cả tụng ca đấng sinh thành là cha cha mẹ đã đẻ ra mình. Đến mức con ông mới đẻ ra chưa biết bập bẹ nói tiếng ba tiếng mẹ như con bao dân thường khác thì đã biết Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin. Lí do này e đúng. Đó quả là một tấm gương sáng cho tình trạng sốt làm thơ của cả nước ta. Tôi có kinh nghiệm cứ ra đường thấy ông nào đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch bốc mùi hôi hám, vừa đi vừa lảm nhảm như kẻ tâm thần thì đích thị đó là nhà thơ.
Trở lại với vụ giới thiệu sách.
Có lần tôi nhận được tập thơ của hội cây cao bóng cả An Nhơn, vùng đất được người BĐ xem là địa linh nhân kiệt (mà cơ khổ, trên khắp cái đất nước này chỗ nào mà chẳng tự phong là địa linh nhân kiệt cơ chứ, chỉ mỗi cái giàu có và văn mình như thiên hạ là không nơi nào có) với lời nhắn gửi của ông hội trưởng là chú em ráng giúp anh đưa tập thơ này ra với công chúng. Tôi đọc mà ngán ngẫm cho sự đời, cho cái nền văn học và thơ ca Vn hiện đại. Những câu gọi là thơ cứ văng ra.
Có cụ viết:
Trở thành người cao tuổi
Cơ quan cho nghỉ hưu
Nhưng đời đâu cho nghỉ
Ta làm thơ cho đời
Một cụ khác vốn là thuyền trưởng nghỉ hưu thì viết:
Con là thầy dạy văn
Thấy cha già mà sợ
Thơ như là hơi thở
Chuyển lạch luồng đối lưu
Về thơ tình thì khỏi nói:
Những mối tình chơi vơi
Bơi như con con cá tươi
Trong tim ta ra khơi.
Yêu như là mây trôi
Thế là do bực mình và buồn cười quá mà nộ khí xung thiên, mà cảm hứng chợt ào về như giông bão, tôi ngồi vô máy gõ ngay dòng mở đầu:
Trong không khí của phong trào làm thơ đang ngày càng rộng khắp trên cả nước, ở huyện AN ta, các cụ trong hội người cao tuổi cũng không chịu thua kém, đã vừa sản xuất ra mẻ sản phẩm đầu tiên với tập thơ mang tên: An Nhơn chiều mây bay.
Viết rồi biên tập xong, tôi đặt bút kí cho phát sóng. Tôi cũng hơi ngài ngại sợ có tên nào rỗi hơi kiếm chuyện. Nhưng vì thấy toàn là những lời lẽ khen tụng ngạt ngào nên không thấy tăm hơi gì. Ở xứ ta nó thế. Cứ bốc thơm phét lác tận trời xanh cũng ok, còn nếu chê dù chỉ 1 dòng là thành thù muôn đời muôn kiếp không tan ngay.
Chẳng những thế, một tuần sau các cụ còn cho người đem biếu chùm nem chợ huyện với bình rượu bàu đá ngon nhức nhối.
Nghĩ mà ngán ngẩm cho dân ta, lợi hám mà danh lại càng hám. Cái cần thì không làm, cái cóc cần thì bỏ công sức tiền của vô làm. Nói năng lí luận thì như loài hươu vượn mà làm ăn kinh tế thì như loài mèo mửa, nhìn ra thế giới thấy không giống ai. Thảo nào hơn nửa thế kỉ nay dắt tay nhau đi hết từ thắng lợi này sang thắng lợi khác rồi mà vẫn cứ thuộc nhóm các nước nghèo trên thế giới.

1 nhận xét:

  1. bac loc viet qua hay: noi nhu huou vuon lam nhu meo mua...

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới