25 tháng 2, 2021

Chuyện thằng bạn

Cái bữa trước Tết tôi về quê. Ban đêm trời rét căm căm đang để nguyên cả quần áo ấm chui sâu trong 2 cái mền dày nằm lướt fb thì thằng bạn gọi. Tau đang đi qua quê mi này. Tôi nghe là nhận ra tiếng hắn ngay.

Thằng này cùng học đại học với tôi nhưng tôi học K2 hắn học K4 (ai là dân ĐHSP Vinh mới biết K2, K4 là gì. Nhân tiện đố mọi người K có nghĩa là gì, ai nói đúng tôi mất 1 chầu cafe). Vào lính 2 thằng tôi ở cùng tiểu đội gọi là A10 của C20 F341. Cái tiểu đội có 12 thằng lính SV học đủ 7 khoa của trường suốt ngày cãi nhau như mổ bò, khi vào miền Nam chiến đấu 1 thằng khoa Hóa thành Liệt sĩ, 1 thằng khoa Sử mất tích không thấy trở về, vài thằng thành thương binh. Thằng này thông minh và khôn thì rạch giời rơi xuống. Hắn khôn đến mức có thời gian cơ quan Sư đoàn đã gọi hắn lên làm trợ lí ban quân lực, oai như cóc. Thời bao cấp nghèo khó khi cần tiền thì hắn nghỉ dạy đi buôn. Kiếm khẳm tiền rồi thì hắn quay lại làm việc phấn đấu lên đến chức GĐ trung tâm GDTX của tỉnh. Về hưu hắn có nhà ở Hà Nội thỉnh thoảng ra ở chơi vài tháng.

Tôi nghe hắn gọi thì ngạc nhiên: “quê mi” là chỗ mô. Là tao đang ở ga Đồng Hới. Chớ mi đi mô rứa. Tao đi đám cưới đứa cháu ở Đà Nẵng. Đi tàu. Qua Đồng Hới nhớ mi nên gọi thôi. Có rứa mà cũng ồn lên. Thôi đi tiếp đi tao ngủ đây. Rét bỏ mẹ.

Sáng 7 giờ vẫn đang trong mền thì hắn lại gọi: Tao xuống Đà Nẵng lúc 3h, đang nằm khách sạn. Buồn quá. Mi biết đứa nào quân C20 ta ở ĐN không. Tao gọi gặp nhau càfe chơi. Tôi căng óc nghĩ ĐN có vài đứa nhưng chắc khó gặp vì bọn ở đấy nó thành đạt và có vẻ bận rộn lắm. Thôi, mi cafe 1 mình đi. Thì mi cứ cho số, biết đâu. Có thằng này nhưng hắn giờ là GS chuyên đi dạy TT HCM và ngồi hội đồng bảo vệ luận án TS cho các trường ĐH khắp miền Trung nên không biết hắn có rảnh mà gặp mi không. Rồi tôi nhắn số thằng GS cho hắn.

Khoảng tiếng sau thì hắn gọi lại: Èo mẹ. Tao gọi 3 lần đều đổ chuông mà không thấy hắn bắt máy mày ạ. Mà cũng không thấy hắn gọi lại. Cứ như là gọi xuống âm phủ ấy. Mày thông cảm, biết đâu hắn đang lên lớp hay họp hành gì nên tắt chuông. Tao mỗi lần lên lớp hay họp hành cũng tắt chuông đút máy vô ba lô. Mệt quá. Thôi tao xuống ăn sáng đây. Thế mày ở ĐN đến lúc nào. Trưa nay thì đi ăn cưới. Tối nay lại lên tàu về.

Sáng hôm sau trời mờ sáng đang say giấc nồng thì hắn lại gọi: Tao đang đi qua quê mày nữa này. Lại Đồng Hới à. Không. Thọ Lộc. Một cái ga xép vĩ đại. Đúng quê mày nhá. Đó là cái ga ngay làng tôi. Đúng là 1 cái ga xép, chỉ dành cho tàu tránh nhau. Tôi nghe hắn nói mà lấy làm xúc động. Từ nhà tôi qua cái ga đó chỉ vài trăm mét. Hắn đang ở rất gần tôi nhưng không thể gặp nhau. Hay mi nhảy xuống ở chơi với tao 1 bữa rồi về. Thôi, tao về, sắp Tết nhiều chuyện lắm. Ừ. Vậy mi về khỏe nhá. Tôi nằm áp má xuống giường nghe có tiếng tàu chạy xình xịch qua con đường sắt cuối làng. Chắc là chuyến tàu hắn đang đi.

Đồng đội CCB C20 F341 ở Thanh Hóa (đều là SV ĐHSP Vinh nhập ngũ 11/9/1972) thăm nhà ba mạ tôi ở Thọ Lộc, thắp hương viếng ba tôi, cùng chụp ảnh lưu niệm với mạ tôi.  23 tháng 12/2018.

 

23 tháng 2, 2021

Thời tôi đi học

Mấy bữa nay dư luận rộn lên đủ chiều về cái clip cậu bé học sinh lớp 10 xông lên bảng tát cô giáo. Hãy khoan nói chuyện đúng sai, khoan nói chuyện bênh vực hay phản đối. Chỉ riêng chuyện học trò đang trong lớp học xông lên bảng đĩnh đạc ra tay tát vào má cô giáo, chỉ nhắm mắt lại mà hình dung tôi đã thấy rùng cả mình.

Thời tôi đi học, học đến lớp 10 (ngang lớp 12 bây giờ) của trường cấp 3 Đồng Hới, vẫn luôn xem thầy cô như thần tượng. Học sinh thời đó không mấy đứa có xe đạp. Tôi may mắn được đi học bằng cái xe favorite của ba tôi mà mặt cứ vênh lên như ngày nay được ngồi trong cái Lexus. Ấy vậy mà những lúc đang phóng xe rất oai trong trường, chợt thấy từ xa có thầy cô giáo đang đi tới là phải phóc xuống dắt xe kính cẩn cúi chào thầy cô giáo ngay, dù bất kì đó là thầy cô có dạy lớp mình hay không.

Mỗi giờ lên lớp, thầy nói ra cái gì là chân lí cái đó. Kể cả những điều bây giờ nghĩ lại thấy sai sai. Chẳng hạn thầy dạy chính trị nói: CNXH khác CNTB ở chỗ CNTB chỉ biết sản xuất ra những cái con người tiêu dùng hàng ngày như ô tô, xe máy, bàn là, quạt điện... còn CNXH thì sản xuất những cái máy lớn để cho bọn TB làm ra những cái ... nhỏ nhỏ đó. Thế mà ngày đó vẫn tin được, vẫn thấy âm ỉ... sướng và âm ỉ tự hào vì ta thuộc về phe XHCN, chỉ làm những cái lớn (vì thế mà ta – CNXH không có xe đạp để đi, không có bàn là, quạt máy để dùng, không có ô tô nhà lầu như bọn TB). Thậm chí có hôm thầy còn day: Lí tưởng của chúng nó, bọn Mĩ – Ngụy ở bên kia vi tuyến 17 ấy là ô tô nhà lầu, vợ đẹp con khôn. Còn lí tưởng của chúng ta là độc lập tự do và CNXH. Thế mà vẫn tin sái cổ chỉ vì đó là thầy ta nói.

Nhỏ hơn, thời học cấp 1 (ở Đồng Phú) vẫn nhớ chuyện tôi và mấy đứa trong lớp giờ ra chơi còn đố nhau: Tau đố mi thầy Pháp (dạy lớp 3) của mình có đi đái hay không. Sau 1 hồi thảo luận như mổ bò, cả bọn thống nhất cao là đã làm thầy thì không có chuyện đi đái tầm thường như học trò. Kết luận là thầy Pháp không có đi đái.


Sau 45 năm tốt nghiệp đại học, nhóm bạn học cùng lớp đại học của tôi (12A K2) trong đó có người đã là GS, PGS, có người làm đến GĐ sở GD và ĐT... ngồi lại với nhau vẫn nhắc về thầy cô của mình với lòng biết ơn và đầy kính trọng

Chính vì xem thầy cô là thần tượng mà những ngày học lớp 10, nhìn qua cửa sổ thấy hình ảnh rất ấn tượng là mỗi thầy cô đĩnh đạc ôm cặp bước vô lớp dạy học, tôi nuôi ước mơ sau này cũng được làm nghề dạy học như thầy mình, và nếu được về dạy ngay ngôi trường mình từng học thì quá sướng. Có lẽ vì cầu được ước thấy mà sau này tôi đã học ở ĐHSP và ra làm nghề dạy học. Chỉ có điều là không được về dạy ở trường cấp 3 Đồng Hới, ngôi trường thời tôi đi học với rất nhiều kỉ niệm.

Kính trọng và đề cao thầy cô dạy mình như thế hệ chúng tôi thời đó có lẽ đã thuộc về dĩ vãng, nếu là ngày nay thì đó chỉ còn là thứ xa xỉ, thứ bao giờ cho đến... ngày xưa.

Cuộc sống ngày nay quá hiện đại và văn minh theo kiểu công nghiệp nhưng đạo đức, lễ nghĩa thì đang ở chiều ngược lại. Dù là với lí do gì, bất kể trong trường hợp nào, học trò cũng không được xúc phạm thầy cô giáo, chứ đừng nói là dang tay tát thầy cô.

 

7 tháng 2, 2021

Ăn lấy thảo

Trong nhà, tôi được vợ giao phụ trách việc mua gạo ăn hàng tháng. Chẳng phải là công việc to tát gì mà chỉ vì cái sạp gạo nó nằm ngay đầu chợ Sơn Kỳ trên con đường tôi đi làm về hàng ngày. Khoảng 1 tháng 1 lần thấy tôi đi làm bà xã dặn với theo: Hôm nay ông mua gạo nhé. Thế là chiều về tôi ghé mua 10 kí gạo cộng thêm 2 kí nếp. Cứ thế đã diễn ra nhiều năm nay.

Trước thì tôi mua thứ gạo lài sữa thơm dẻo ngọt, nay thì chuyển sang ăn ST25.

Người ta hay nói câu cửa miệng khổ quen nhưng tôi ngẫm ra phải nói sướng quen mới đúng. Khổ dù cho cả đời nhưng chỉ cần bạn được hưởng cái sự sướng một thời gian ngắn là sẽ quên cái khổ ngay.

Trước ăn gạo lài sữa tưởng là đã ngon lắm vì nó thơm dẻo ngọt thật. Nhưng từ khi chuyển sang ăn ST25 thì nhà tôi quên bẵng mất lài sữa và đâm nghiện ST25 luôn. Ăn ST25 nó không chỉ là thứ gạo sạch nhất VN ngon nhất thế giới mà khi ăn bạn sẽ nhận ra mỗi hạt cơm nó cứ đậm đà thơm dẻo như tan biến ở trong miệng. Ăn cơm ST25 chỉ cần chan với nước mắm Tam Quan bạn cũng đánh bay mỗi bữa ít nhất 2 chén. Bạn nào chưa ăn ST25 có thể xem là 1 sự thiệt thòi. Cái sự ngon của nó chỉ ai ăn mới biết cũng giống như cái đẹp và tiện ích của bộ đồ hàng hiệu ai mặc mới biết.

Chủ sạp gạo lớn này là một anh chàng dân miền Tây khoảng 30 tuổi, rất vui vẻ nhưng ít nói. Mỗi tháng dù tôi chỉ ghé mua 1 lần nhưng chú cháu quen nhau đến mức chỉ cần thấy tôi dừng xe trước sạp là chú tự tay đưa cho tôi bì 10 kí đủ ăn cả tháng, cân thêm 2 kí nếp để thỉnh thoảng nấu xôi sáng.

Túi quà ăn lấy thảo của người chủ sạp gạo gửi tôi sáng nay

Cái hay và cảm động là cứ vào dịp áp Tết mỗi năm (như hôm nay), sau khi lấy cho tôi 1 bao ST25 với 2 kí nếp, chú bán gạo (chẳng biết tên gì dù quen nhau cả mấy năm nay) xách ra treo lên xe cho tôi 1 túi quà trong có 1 kí đường trắng và 2 lít dầu ăn Tường An với câu nói nhỏ nhỏ như người có lỗi: Gửi chú ăn lấy thảo.

Bà xã tôi cũng thế. Cả năm bả đi chợ Sơn Kì chỉ mua trứng ở một hàng. Và cũng vào dịp cuối năm, chị bán trứng lại gói thêm chục trứng gà ta dúi vô tay: Dạ, gửi cô ăn lấy thảo.

Tôi dân văn nhưng thú thực phải vô sống ở Sài Gòn hơn chục năm nay tôi mới chú ý đến cụm từ “ăn lấy thảo” và được hưởng lộc của nó.

Một câu nói vừa khiêm nhường, vừa giản dị. Cứ như một lời mời chân thành đến mức ta không thể chối từ.

“Ăn lấy thảo” có nghĩa là: Của được đem tặng, biếu, mời, cho không có nhiều, không có chi cao sang. Chỉ là chút quà nhỏ không đáng gì so với người được cho tặng. Nhưng mà xuất phát từ tấm lòng của mình muốn chia sẻ, muốn mời mọc, muốn có tình cảm qua lại thân thiện gắn kết, cái mình trao là tấm lòng thơm thảo của mình thôi. Nên câu mời rất chi là khiêm cung: Gửi chú ăn lấy thảo; Mời cô, bác dùng lấy thảo...

Buôn bán như thế khách nào nỡ rời xa.




3 tháng 2, 2021

Coi như là quà Tết

TS Nguyễn Đăng Vũ ở Quảng Ngãi có thể xem là 1 tay vu oan giá họa khi sáng ni hắn gửi cho tôi ảnh chụp bài viết về cuốn Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định của bác Nguyễn An Pha Chủ tịch Hội Văn nghệ BĐ đăng trên tạp chí Nguồn sáng Dân gian của Hội VNDG VN với lời nhắn: 1 bài viết mà đăng trên 10 tờ báo, thâm canh quá; lại còn thêm: Bài này nhuận bút chắc cũng khoảng 10tr.



Quả thực tôi thề rằng bài này không đăng trên 10 mà chỉ trên 5 tờ báo. Mà thực ra tôi chỉ gửi cho có 2 tờ là báo Công an Đà Nẵng và Giáo dục Thời đại. 2 tờ này gửi xong đăng ngay. Còn lại tôi hỏi Vũ về địa chỉ TC VNDG VN rồi tôi chuyển luôn bài cho hắn xem. Dù gì NĐV cũng có chân trong BCH Hội VNDGVN lại phụ trách Nam Trung Bộ nên tiếng nói của hắn cũng rất có sức nặng. Thế là TC Nguồn sáng DG bữa nay đăng.

Đó là 3 nơi.

Bài đăng trên TC Nguồn sáng dân gian

Còn 2 nơi khác đăng nữa là TCVN BĐ và Đài PTTH Bình Định là tôi không có gửi đăng mà chỉ gửi cho nhà thơ Mai Thìn khi MT nhắn: Anh viết xong meo cho em 1 bản. Thế là tôi mail. Mà Mai Thìn thì với tư cách là phó TBT TCVN thế là hắn cho đăng ngay lên tờ TC này; chưa hết, với tư cách là trưởng phòng VN Đài PTTH BĐ, Mai Thìn cho phát luôn bài viết lên chương trình văn nghệ của Đài khiến cô BTV Đào Qúy Thanh hôm bữa phải í ới hỏi xin thầy HTS số TK ngân hàng để chuyển NB.

Tôi cũng xin thề rằng nếu tổng số NB của cả 5 nơi đã đăng bài này mà đc khoảng 10 triệu thì tôi báo trước cho Nguyễn Đăng Vũ là nói vợ hắn đi mua thêm gạo dữ trữ, tôi sẽ bay ra Quảng ngãi chơi với hắn 1 tuần cho chừa.

Vụ trên coi như là duy vật.

Riêng vụ sau đây là tâm linh:

Tuần trước trong chuyến du ngoạn cùng NB Nguyễn Quang Ngọc 3 ngày về 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ, chúng tôi có ghé vào thăm viếng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quê hương của Nữ tướng cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 9 km. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những đia điểm du lịch Bến Tre rất ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu mến cô Ba và quan tâm đến lịch sử, con người Bến Tre.

Tôi gọi bà là Nữ tướng Phó Tư lệnh Miền còn NQN thì gọi bà là sếp lớn với hàm ý hồi còn chiến tranh, 2 thằng tôi là lính quân giải phóng miền Đông Nam Bộ thì cũng coi như là lính của Bà Định.

Viếng Nữ tướng Phó Tư lệnh Miền Nguyễn Thị Định

Trước ban thờ Nữ tướng Phó Tư lệnh tôi chắp tay vái và khấn với Bà là hiện cháu đang làm hồ sơ để hưởng chính sách người có công như thương binh. Hồ sơ đã xong rồi, đi chuyến này về cháu sẽ đem nộp cho quận đội. Bà sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho cháu là 1 trong những chiến sĩ QGP của Bà làm việc chế độ này được trôi chảy.

Khấn xong lòng tràn trề hi vọng.

Quả nhiên sáng hôm qua tôi mang bộ hồ sơ lên Ban chính sách Ban chỉ huy quân sự quận nộp thì anh đại úy trợ lý CS ngồi lật xem rất kĩ đến 30 phút xong ngửng lên phán: Hồ sơ của chú quá ổn. Những tài liệu rất cần thiết như Giấy chứng nhận nhập ngũ, Giấy chứng nhận chiến dịch HCM, QĐ xuất ngũ và nhất là Giấy xác nhận của Chính ủy Sư đoàn chú đều có đủ và rất rõ ràng. Cháu sẽ tiến hành làm cho chú ngay. Chú chịu khó chờ chút, qua Tết cháu sẽ liên hệ lại với chú.

Tôi nghe mà thấy sướng cứ như là đã được tặng món quà Tết nhiều ý nghĩa.

 

1 tháng 2, 2021

Có cực đoan quá không

Tôi có thằng bạn làm cùng ở SG. Ăn cơm xong lúc 1h tôi đang ngủ trưa mà thực ra là đang ngủ chiều vì đã 2h chiều thì hắn gọi. Ngủ chút đã. Trằn trọc mãi giấc mới thành nghĩ cũng tiếc nhưng phải nghe thôi.

Ê, tao nghe. Mi có quyển sách với mấy đồng nhuận bút bài mi viết giới thiệu hôm trước tao kẹp trong sách. Chút có thằng shipper nào bấm chuông thì xuống nhận. OK.

Ai chứ thằng này gọi điện mà không nghe là hắn coi như mình chết rồi. Có lần hắn nói với tôi: cái thằng BC nó chết rồi mày ạ. Tôi ngạc nhiên: Nó chết hồi nào tao không hay. Hắn mới gọi cho tao xong mà. Thì tao gọi cho nó không nghe máy. Nó thấy cuộc gọi nhỡ của tao không gọi lại. Vậy không chết rồi thì là gì. Có lần tao nt nó còn không trả lời. Cũng coi như là chết rồi.

Có lần hắn còn nói: Thời buổi ni ai ra đường mà không biết luật giao thông đường bộ, không biết ý nghĩa các bảng biểu trên đường là coi như mù chữ. Điều này rất đúng. Như tôi ra đường thấy ai chạy xe phạm luật là tôi coi như người vô học.

Hồi còn làm việc chung trường mỗi lần hắn ghé phòng tôi đều thấy tôi lúc nào cũng đang chúi mũi vô PC. Tôi ngồi 1 mình trong phòng mà không làm việc thì ít nhất cũng đang lướt mạng hay chát chít trên facebook. Không thế thì mới là chuyện lạ. Hắn trợn mắt hỏi: Mi tự kỉ à. Tôi cười phá lên. Tao mà tự kỉ thì cả nước này khùng hết rồi. Là tao đang kết nối với nhân loại đấy. Hắn đút tay túi quần lẩm bẩm: Thời buổi này đứa nào không biết sử dụng máy tính nối mạng, điện thoại thông minh và các tiện ích của nó như Facebook, Zalo, email... thì cũng là coi như chết rồi.

Nghe hắn nói có vẻ cực đoan nhưng ngẫm ra cũng đúng.

Tôi còn có ông bạn trên tay cầm iPhone 6 Plus nhưng khi nói hắn chụp cái màn hình đt về 1 cái chi đó gửi cho tao coi thì hắn nói: Mày chờ chút, để tao đi lấy thêm cái đt nữa mới chụp màn hình đc. Tôi nghe căng cả não. Nghĩ mãi thì ra chụp ảnh màn hình với hắn có nghĩa là lấy cái đt này chụp màn hình của 1 cái đt khác. Cơ khộ.

Ảnh tôi đi miền Tây chạy con covid 3 ngày mới về: Tham quan vườn quýt hồng Lai Vung 


và trải nghiệm nghề trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc


 Chèo xuồng tam bản ở Cồn Phụng Tiền Giang