30 tháng 9, 2020

Trồng hoa không chỉ để chơi

 Một sáng chủ nhật vợ chồng học trò Kim Hùng + Trần Hà Yên đến thăm mang theo một chậu cây xanh mướt: Em tặng thầy loài cây đặc sản Phú Yên quê em. Nó tên là Bông giờ. Cây này mỗi năm chỉ trổ bông một lần vào dịp mùa thu tháng 8, tháng 9. Bông nó tuy rất đẹp nhưng ở Phú Yên nó là một món ăn đặc sản. Em về thăm quê mang vô đấy ạ.

Ôi. Qúy hóa thế. Cho thầy xin.

Chậu bông giờ trong thùng xốp 


Tôi đã đến Phú Yên hàng trăm lần, từng ngủ lại ở Tuy Hòa, ăn nhậu ở Sông Cầu, Tuy An... không biết bao nhiêu đận nhưng đây là lần đầu tiên nghe và thấy cây hoa này. Nhớ lại thấy tiếc.

Tìm hiểu thì được biết cây bông giờ (dân Phú Yên gọi tắt là cây giờ) chỉ có ở vùng nông thôn Phú Yên, là loài cây hoang dã cùng họ với gừng, nghệ (thảo nào nhìn qua rất giống cây gừng) mọc tự nhiên ở những khu vườn, đám ruộng bỏ hoang ít người chăm sóc.

Hoa bông giờ ở Phú Yên (chôm trên mạng)


Khi bông giờ nở là khi mâm cơm của người nông dân Phú Yên có thêm món ăn nồng nàn hương vị mà chỉ ai ăn mới biết. Bông giờ có thể ăn sống, nấu canh nấu lẩu với cá đồng (và chỉ nấu với cá đồng) tạo nên bát canh rau dân dã tập tàng thơm ngát.

Trần Hà Yên (Minh Hạnh) nói trong lúc chờ bông nở thì cái lá của nó thầy thái nhỏ cho vào các loại canh ăn cũng thơm ngon lắm.

Thì ra đâu chỉ Nam Bộ mới có bông điên điển nấu cá linh mỗi mùa nước nổi về mà dân quê xứ nẫu cũng có món đặc sản bông giờ nấu cá đồng có khi còn ngon hơn, qúy hơn.


Từ chỗ là loài cây hoang dã, nay cây bông giờ đã được người Phú Yên đem về trồng trong vườn thành những vạt bông giờ xanh tốt, chờ đến mùa trổ bông để thưởng ngoạn. Nghe nói người Bình Định vô Phú Yên ăn bông giờ thấy ngon quá xin đem về Qui Nhơn trồng nhưng bông giờ nở ra ở Qui Nhơn mà có màu phớt vàng không đẹp tươi sắc tím Huế như ở Phú Yên. Cũng phải thôi. Cô gái H’Mông ở Sa Pa mà đưa xuống Hà Nội thì đâu còn đẹp đẽ hấp dẫn gì nữa.

Tôi nâng niu cây bông giờ. Trồng vô một chậu xốp rộng rãi bón phân hữu cơ đầy đủ. Vài tuần trôi qua cây đã bén rễ và đẻ nhánh. Cây qúy thế nên tôi không dám hái lá nấu canh như Hạnh nói mà chỉ chăm bón chờ đến mùa thu năm sau xem bông nở và nấu canh ăn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới