12 tháng 3, 2019

Tạm biệt Hương Sơn

(Tiếp Phần cuối "căn phòng nhỏ nơi Trường Huyện")

Nguyễn Trung Ngọc

Năm tháng đi nhanh. Một năm chờ đợi kết thúc. Tôi được trường gửi ra Hà Nội theo học chuyên ban Triết học ở trường NAQ5. Nghĩa là một mình Nga ở lại trường cấp 3 Hương Sơn vừa đi dạy vừa nuôi con. Chúng tôi biền biệt xa nhau, không còn những chiều thứ bảy người vợ trẻ bế con ra cổng trường chờ bố nữa. Chỉ những dịp nghỉ tết, nghỉ hè hoặc đôi khi nhớ vợ con quá tôi mới về lại Hương Sơn được ít ngày để tận hưởng cái ấm cúng của cuộc sống gia đình trong căn phòng nhỏ vách đất đã trở nên quen thuộc. Những chuyến về quê hồi ấy là cả một hành trình sánh với ngày nay đi tận cùng đất nước. Từ trường – một địa điểm sơ tán thời chiến tranh còn lại ở phía tây Thủ đô (Phụng Châu, Hoài Đức, Hà Nội) – tôi phải đi bộ ba cây số để ra đường 6 nêm vào chiếc xe buýt chạy về trung tâm Hà Nội rồi chờ đợi ê ẩm và tìm hết mọi cách để len được vào tàu tìm lấy một chỗ ngồi, theo con tàu ì ạch có khi phải hai ngày mới về tới Vinh. Lại phải gần cả ngày đạp chiếc xe mượn được người quen ở Vinh mới về tận Sơn Bằng, nơi có trường cấp 3 Hương Sơn thời bấy giờ (vì còn phải chờ qua hai bến phà – Bến Thuỷ và linh Cảm). Hồi ấy hầu hết phải đạp xe trên đường đất, chỉ có đoạn từ Vinh về Bãi Vọt (TX Hồng Lĩnh sau này) là đường nhựa mà thôi. Những ai sống vào thời kì này, từng đi trên những chuyến tàu chợ Hà Nội –Vinh (nhất là dịp lễ, tết) chắc chưa hết kinh hoàng về cảnh đi tàu có một không hai trên thế giới này. Có những chuyến, con tàu trông giống như xác một con thằn lằn bị kiến – là những hành khách đi tàu – bu kín cả nóc, cả bậc lên xuống, cả cửa sổ…bò trên đường sắt. Lịch sử không biết còn có khi nào lặp lại?
Tháng 6 Năm 1981, đúng dịp nghỉ hè, khi tôi đang ở Hà Nội, cũng tại ngôi nhà của ông bà nằm trên dải đất của dãy Trường Sơn Hùng vĩ, đứa con thứ hai của vợ chồng tôi ra đời. Đó là cái năm đất nước lâm vào thời kì khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, thời kì chúng tôi phải gồng mình trong cơn ác mộng khiến tôi đã phải mở đầu một bài thơ viết cho con:
“Bố biết con sinh thời chưa có bình yên,
Dù giấc ngủ trong nôi không còn mê thấy súng”

Con sinh ra khi chị nó còn chưa đầy hai tuổi, bố đi học xa, mẹ chỉ vừa 24. Không có nghị lực của thế hệ tôi thời đó, chắc gì vợ chồng tôi đã vượt qua để có được ngày hôm nay! (Mấy năm sống ở Hà Nội không ít đêm tôi đã thức trắng, trằn trọc, giằng xé với ý định bỏ học về với vợ con đang sống ở trường cấp 3 Hương Sơn heo hút). Nhưng con tôi đã lớn lên, đẹp như một thằng bé trong tranh. Thật lạ kì, mẹ chưa nổi bốn mươi cân mà con trai rất khoẻ mạnh, lớn nhanh như Phù Đổng. Mới một tháng mười ngày tuổi nó đã nặng tới 8,6 cân, da dẻ mịn màng như một đứa con Tây. Nga viết thư kể với tôi rằng, khi đưa thằng bé ra trường, học sinh ào vô khu tập thể để xem và bàn tán: Cô Nga có đứa con trai giống như con Liên Xô! Tôi sướng như được vàng và bao hi vọng cứ theo năm tháng lớn lên…
Còn nhớ, ngày con trai tôi ra đời, khi ấy tôi còn ở Phụng Châu (Hà Nội), đúng lúc học viên kéo nhau xuống nhà bếp ăn cơm chiều thì tôi nhận được bức điện tín từ Hương Sơn gửi ra. Hồi hộp bóc phong bì và liếc vội dòng chữ của bưu điện, tôi nhảy cẫng và hét toáng lên giữa nhà ăn, quên mất ở đó còn nhiều người lạ nữa:
- Tôi có con trai rồi! Tôi có con trai rồi!
Mấy bạn học cùng tổ xúm lại. Nguyễn Hữu Nhia, bạn học cùng lớp hồi đại học, giảng viên của trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình, nay cũng ra học Triết ở đây giật lấy bức điện trong tay tôi để chia vui. Đọc đi đọc lại mấy lần rồi hắn lắc đầu:
- Ông nói thế nào, nội dung bức điện thế này mà bảo con trai sao?
Cả bọn cùng chụm vào nhìn dòng chữ trên bức điện: “Chị và cháu Dung khoẻ. Nguyễn Thị Lan.” rồi bàn tán:
- Nhia nói đúng. Con trai ai đặt tên Dung. Ngọc nhầm to rồi!
Tôi tỉnh bơ vì chỉ mình tôi hiểu. Chả là, tôi đã dặn cô em gái Nguyễn Thị Lam rất kĩ: “Khi chị sinh xong, em ra huyện điện cho anh ngay. Nếu là con trai, đặt tên cháu là Dũng, con gái thì gọi là Hằng. Em chỉ cần điện mấy chữ: “Chị và cháu…khoẻ” là anh hiểu chị sinh con gì, có bình thường không. Điện thế cho đỡ tiền” (Hồi đó gửi điện tín ở bưu điện phải tính từng chữ để tiết kiệm). Khi mới nhận điện, lúc đầu tôi cũng tưởng là mình lại có thêm con gái nhưng chỉ một giây, khi đọc thấy cuối dòng “Nguyễn Thị Lan” là tôi hiểu ngay tất cả: Nhân viên bưu điện này hay mắc lỗi, chỉ tám chữ mà sai đến hai, “Lam” viết thành “Lan” còn “Dũng” thì đã ghi là “Dung”. Em gái tôi đã làm rất đúng như tôi dặn dò. Và tôi đã reo to lên là vì thế. Mọi người thấy tôi giải thích đều tán thành nhưng vẫn có người “nhát”:
- Cũng chưa phải là 100%, biết đâu ở nhà vợ ông sinh con gái và đặt tên Dung chứ không gọi là Hằng nữa.
Bởi vậy, tôi vẫn nơm nớp cho tận khi nhận được thư nhà gửi ra nói rõ cuộc sinh nở “mẹ tròn con vuông” lần thứ hai nơi thâm sơn cùng cốc thiếu cả bà đỡ của Nga.
Đầu 1983 tôi về ĐHSP Vinh thực tập gặp một người bạn cũ là Hà Tùng Sơn, hắn thổi cháy thêm niềm kiêu hãnh trong tôi bằng câu chuyện kể về chuyến đi công tác ghé thăm “thằng bé tuyệt vời của mày”: Nga vừa mang nước cho tao uống thì từ sau vách đất ngăn đôi căn phòng một thằng bé trắng, mập, rất cân đối lẩm chẩm bước ra liền miệng kêu: óong…óong…! Tao là người xưa nay rất ghét đi đâu trẻ con cứ lèo nhèo thì đây là lần đầu tiên tao thấy yêu trẻ. Yêu thật sự, khoái thật sự! Nhìn nó mà cứ liên tưởng đến một thằng bé khổng lồ miệng đòi khát! khát!...của văn học Phục Hưng.
Vậy là, chỉ sau ba năm lấy nhau vợ chồng tôi đã có một con gái đầu lòng và một con trai nối dõi – kết quả của một mối tình đắm say, mãnh liệt, vượt lên nhiều thành kiến trong thời buổi này. Sau này nhiều người bảo vợ chồng tôi đã đạt điểm 10 tuyệt đối. Tôi đã say sưa chiến thắng.“Lúc bấy giờ có thể tiếng bom nổ / đã hóa tiếng chuông ngân kiêu ngạo một phần đời”…
Rồi tôi từ Hà nội trở về Đại học sư phạm Vinh. Tháng 9 năm 1983, kết thúc ba năm tròn theo học chuyên ban Triết ở trường Đảng (mà bấy giờ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình cứ nhắc đi nhắc lại mỗi lần sang nói chuyện với lớp tôi: Các đồng chí là “lớp đặc biệt” của Bộ, học chương trình tương đương NCS, mong các Đồng chí cố gắng) tôi chính thức về Đại học sư phạm Vinh cầm phấn giảng dạy khi vừa 29 tuổi. Cùng lúc Nga cũng được sở Giáo dục Nghệ Tĩnh cử ra Đại học sư phạm Vinh thi vào Cao học. Bốn năm với hai đứa con nhỏ sinh ra trong thiếu thốn nơi thâm sơn cùng cốc, lại chẳng có thời gian ôn tập nhưng Nga đã thi đỗ (dù thời này thi Cao học rụng như sung). Ba năm đằng đẳng xa vợ con trong cùng kiệt, đói nghèo nay được cùng nhau sum họp. Với tôi nó còn sung sướng hơn cả khi kết thúc chặng đời hơn ba năm lăn lộn ở Tây Trường Sơn đánh Mĩ trở về. Có phải đấy là “trời có mắt”, Chúa thương đôi vợ chồng trẻ chúng tôi biết tự mình vượt lên…
Gia đình nhỏ của tôi thực hiện một cuộc di chuyển lớn: Ba mẹ con Nga rời Hương Sơn ra Vinh, kết thúc cuộc sống thanh bình ở nông thôn để đến với thành phố ồn ào đầy khói bụi. Chuyến ra đi diễn ra vào đầu năm học mới. Nga lúc này đã có học sinh cả ba khối 8 – 9 – 10, cuộc tiễn đưa diễn ra bình dị nhưng cũng thật lưu luyến. Bằng mấy chục chiếc xe đạp, các em học sinh yêu quí cô nhất định đòi đi theo và giành mang tất cả đồ đoàn của gia đình nhỏ ra bến ca nô ở Nầm để rồi vợ chồng con cái chúng tôi xuôi về Gia Lách vào một sáng trời lác đác đổ mưa (dịp ấy vừa có một trận lụt lớn, bến ca nô ở Choi phải dời lên Nầm để đón khách). Chiếc ca nô khách rời bến, những bàn tay học trò vẫy vẫy và những giọt nước mắt ứa ra: “Học xong cô về với trường Hương Sơn cô nhé!” Chứng kiến Cô – Trò họ chia tay, tôi cũng thấy bùi ngùi khôn tả. Xuôi dòng Ngàn Phố để đi vào sông La rồi cuối cùng chạy ra sông Lam, chiếc ca nô đưa chúng tôi cập bến Gia Lách, kết thúc một hành trình đường thuỷ thật êm ả và thơ mộng.
(Còn tiếp)

Cu Dũng năm ra Vinh (3 tuổi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới