Lớp đại học của tôi ngày ấy có 45 người từ đủ mọi miền quê đến
học. Đặc biệt trong lớp có 17 người là những cựu chiến binh từ các mặt trận trở
về sau những năm tháng chiến tranh ác liệt. Vì thế tuy học cùng một lớp với
nhau nhưng người này cách người kia có khi cả hàng chục tuổi, cách nhau cả một
con giáp là chuyện thường. Ngày ngày lên lớp học, bên cạnh những màu áo sinh
viên trẻ trung tươi sáng vẫn gần như tràn ngập những chiếc áo quân phục đã bạc
màu khoác trên mình những cựu quân nhân mà màu da còn xanh mướt bởi những cơn
sốt rét mang về từ núi rừng Trường Sơn. Không ít người là thương binh vừa rời
quân y viện trở lại trường đại học.
Trong số đó tôi ấn tượng nhất với anh Cao Anh Phú. Anh quê ở huyện miền núi Cẩm
Thủy, Thanh Hóa, sinh năm 1945 anh hơn tôi cả chục tuổi dù tôi cũng đi lính mấy
năm trở về. Nhưng số năm đi lính của tôi so với anh chưa là cái... đinh rỉ gì.
Tôi rời trường đại học và đi lính chỉ 3 năm 3 tháng rồi trở về lại, anh ở lính
hơn 8 năm trời. Ai đã đi lính mới biết, đó là những tháng ngày kinh khủng của
đời người, nhất là đi lính thời chiến với những chiến trường B, chiến trường C,
chiến trường K... Đó là chưa nói chuyện tôi may mắn trở lại trường với hình hài
lành lặn thì anh Cao Anh Phú bị cụt mất cánh tay phải trong một trận đánh, anh
trở thành thương binh với thương tật xếp loại hạng 4.
Trong lúc đa số mọi người trong lớp đi học với tâm hồn vô tư chỉ biết học và
chơi thì Cao Anh Phú đi học với một gia đình để lại ở quê cả một gánh nặng mà
cho đến giờ tôi vẫn không hình dung nổi: Một người vợ nông dân chân lấm tay bùn
và một nách 4 đứa con thơ dại. Những đồng phụ cấp ít ỏi của người lính xuất
ngũ, của người thương binh hàng tháng do vậy còn được anh dành dụm gửi về cho
vợ con ở quê.
Dù lớn tuổi nhất lớp và công trạng trong chiến tranh giữ nước hiển hiện rõ ràng
như thế nhưng anh Cao Anh Phú chưa bao giờ tỏ ra công thần, khoác lác về những
chuyện kể trong chiến đấu. Ngược lại anh sống hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ. Hầu
như suốt 4 năm học tôi chưa thấy anh to tiếng với ai bao giờ. Thậm chí mấy
thằng nhóc trong lớp nói lái tên anh thành Cu Anh Pháo và gọi vang cái tên đầy
gợi cảm nhục dục ấy giữa lớp học anh vẫn không chấp nhặt, thậm chí còn cười góp
cho vui vào với chúng nó, lũ mất dạy.
Dù đi lính 8 năm về, anh Phú vẫn có nước da trắng hồng, khuôn mặt vuông chữ
điền với hàm râu quai nón rất đẹp trai và nam tính. Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy
tay xoa xoa hàm râu hùm của anh. Nhưng với anh, ái ngại nhất là cánh tay phải
bị cụt trong lúc anh lại thuận tay phải.
Có lần tôi nắm cái tay cụt của anh nắn nắn hỏi nó có phiền lắm không anh. Anh
nói quá phiền là khác. Rồi anh kể không phải là anh thích học văn và thi vào
khoa văn này đâu mà chính là anh thích học toán và đã thi đỗ vào khoa toán của
trường chúng tôi – ĐHSP Vinh. Nhưng khi đến trường làm thủ tục nhập học, thấy
anh chỉ còn lại có mỗi cánh tay trái, các thầy trong ban tuyển sinh đã rất ái
ngại và nói nếu anh học toán, sau này ra làm giáo viên dạy toán sẽ rất khó cho
việc sử dụng các đồ dùng dạy học như com pa, thước kẻ... Lúc đó anh cũng mới nghĩ
ra sự trái khoáy của việc nếu vào học khoa toán và sau này ra dạy toán. Cuối
cùng thì Nhà trường đã khuyên nhủ và giải quyết để anh trở thành SV khoa văn.
Nhờ thế mà tôi được học cùng lớp 16D K2 với anh.
Tôi và mọi người trong lớp cho đến nay sau gần 40 mươi năm ra trường vẫn chưa
quên câu chuyện liên quan đến cái tay cụt của Cao Anh Phú khi học năm thứ 3,
bởi nó quá nhiều ấn tượng với một sự xúc động mãnh liệt.
Buổi học hôm ấy giữa mà đông. Anh Phú mặc một cái áo bông kiểu Tôn Trung Sơn có
2 cái túi chéo 2 bên để đút tay vào cho ấm. Anh Phú chỉ còn một tay bên trái,
tay phải bị cụt nên ống tay áo buông thõng ra anh phải đút vào cái túi chéo bên
phải cho gọn. Hôm đó là mấy tiết môn ngữ pháp học của GS. Phan Thiều, một trong
những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của nước ta.
Thầy Phan Thiều khi đó còn là Phó Chủ nhiệm khoa văn của chúng tôi. Thầy vừa
đạo mạo, mô phạm, lại khá nghiêm khắc. Mỗi giờ lên lớp học môn của thầy là mỗi
giờ chúng tôi được tiếp thu những kiến thức ngôn ngữ học được mệnh danh là
phong ba bão táp của Việt Nam qua cách truyền thụ khúc chiết, mạch lạc và dễ
hiểu của một nhà sư phạm lão luyện. Nhờ học với thầy mà kĩ năng phân tích ngữ
pháp của chúng tôi khá hẳn lên.
Hôm đó thầy ra đề tài thực hành trên bảng về phân tích các thành phần trong một
câu văn phức hợp. Thầy nhìn bao quát cả lớp học rồi dừng lại ở Cao Anh Phú: Mời
anh lên bảng.
Cao Anh Phú đứng dậy bình tĩnh bước lên bảng. Thầy Phan Thiều từ trên bục giảng
nhìn xuống thấy một cánh tay của người sinh viên vẫn ung dung đút trong túi áo
bông. Sao lại có sinh viên vô lễ như thế chứ, lên bảng làm bài tập vẫn tay đút
túi. Là một thầy giáo nghiêm khắc, GS Thiều giận đỏ cả mặt. Thầy gằn giọng
nhưng vẫn đủ cho cả lớp học nghe rõ: Yêu cầu anh rút tay ra khỏi túi. Anh không
biết lễ độ là gì à. Tôi khi đó ngồi ở bàn thứ 3 từ trên xuống nên nhìn rất rõ.
Cao Anh Phú đã đứng trên bảng, thầy Phan Thiều vẫn đứng ở bàn giảng viên. Thầy
như run lên vì giận. Cao Anh Phú quay về phía thầy định nói mấy câu giải thích
vì sao lại thế: Dạ... thưa thầy... Không dạ thưa gì cả, anh rút tay ra ngay
khỏi túi áo cho tôi. Cao Anh Phú không nói gì thêm nữa, anh quay về phía thầy,
lấy tay trái đưa sang rút cái ống tay áo bên phải ra khỏi túi rồi để bên ngoài
cho thõng xuống. Em xin lỗi...
Thầy Phan Thiều ngay lập tức đã hiểu ra hết sự việc tưởng như vô lí nhưng rất
có lí ấy. Nét mặt thầy đang đỏ lên vì giận bỗng trở nên tái lại, một bên má
thầy giật giật. Thầy đang rất xúc động. Trước mắt mình, ngay bên cạnh mình
không chỉ là người học trò mà đang là một người lính, một người thương binh đã
để lại trên chiến trường một phần thân thể của mình và trở lại trường đại học
sau cuộc chiến. Thầy bước ngay đến bên Cao Anh Phú nắm lấy cái tay áo buông
thõng của anh đút lại vào túi áo: Tôi xin lỗi... Mời anh về chỗ.
Cả lớp học gồm hàng trăm sinh viên lặng hẳn đi (khi đó chúng tôi học ghép 2 lớp
16D và 16B với nhau).
Tốt nghiệp, chúng tôi mỗi người tỏa đi một phương trời để hành nghề dạy học. Có
nhiều người đi đến những phương trời rất xa của đất nước. Riêng Cao Anh Phú vì
lớn tuổi lại thương binh nặng nên anh được trở về quê nhà Cẩm Thủy dạy học ở
một trường cấp 3.
Tháng 8 năm 2013, sau 34 năm tốt nghiệp, chúng tôi tổ chức họp lớp để gặp gỡ
lại nhau; để xem mọi người đang như thế nào và đang sống ra sao. Nơi họp lớp là
mái trường ĐHSP Vinh thân yêu. Cao Anh Phú nghe tin mừng lắm, anh nói một câu
mà tôi nghe muốn nổi da gà: Chúng mày mà tổ chức họp lớp thì dù có phải bán đi
một con bò để lấy tiền đi lại tao cũng sẵn sàng.
Cuộc họp lớp lần đầu đó chỉ chưa đầy 20 bạn tham dự. Nhiều người không về được
do đủ mọi thứ hoàn cảnh, đủ mọi thứ lí do. Dù ít vậy nhưng đã rất thành công.
Gặp nhau ở sân trường, mái tóc bạc trắng như cước, Cao Anh Phú đã ôm lấy chúng
tôi, cánh tay bên phải bị cụt và cánh tay trái còn lại cứ đấm đấm vào lưng tôi,
nước mắt lưng tròng. Năm sau lại họp nữa nhé. Khi chia tay để ai về nhà nấy,
anh đã nói với tôi như vậy. OK, hiển nhiên rồi anh. Rồi tôi kí tặng anh văn bản
bài phát biểu tại buổi họp lớp cùng danh sách họ tên với đầy đủ số điện thoại
của mọi người trong lớp. Anh vui lắm.
Trở lại Sài Gòn sau kì họp lớp, tôi rất cảm động khi vẫn nhận được những cuộc
điện thoại khá dài của anh. Sau những màn thăm hỏi anh vẫn không quên nhắc tôi:
Nhớ tổ chức họp lớp nữa nhé. Dư âm cuộc họp lớp vẫn chưa tan chảy trong anh.
Chúng tôi định và đã bàn với nhau sang năm sau, 2019, khi trường Đh Vinh tổ
chức kỉ niệm tròn 60 năm thành lập, sẽ kết hợp họp lớp để gặp lại bạn bè sau
tròn 40 năm tốt nghiệp, gặp lại anh Cao Anh Phú.
Nhưng... đã không kịp nữa rồi. Hôm tháng 8 gặp Uông Ngọc Dậu, bạn cho biết anh
Cao Anh Phú đã qua đời vào hồi đầu năm 2015 vì ốm đau bệnh tật.
Nhớ và thương anh thế.