26 tháng 9, 2018

Nuôi con gì không ăn con nấy


Có mấy bài về ăn hay không nên ăn thịt chó trên các báo cũng như trên mạng xã hội Facebook đã có nhiều bình luận và bàn luận về chuyện này. Theo tôi chuyện ăn hay không ăn một cái gì là quyền của mỗi người. Không có chuyện có văn hóa với lòng yêu nước gì ở đây hết. Tôi có anh bạn làm GV đại học Huế không ăn thịt bò dù anh ta không nuôi bò và cũng không xem bò là gia súc cưng của anh ta. Tuy nhiên số người nuôi một con gì rồi đâm ra thương yêu mà không ăn nó thì không phải là ít.



Hồi còn ở Quy Nhơn, tôi chơi với anh Trương Tham (đã qua đời), giáo viên văn trường cấp 3 Trưng Vương. Anh là một Gv văn giỏi thực sự, rất yêu nghề và thương học trò. Đặc biệt anh lên lớp rất cuốn hút. Hồi năm 1980 mới ra trường về dạy ở ĐHSP Quy Nhơn tôi đã xin anh được dự mấy tiết giảng văn để học hỏi. Anh em quý nhau từ đó. Anh sống độc thân và đặc biệt yêu loài chó nên chẳng những không ăn thịt chó mà trong nhà anh khi nào cũng có cả một đàn chó 5-7con đủ các lứa tuổi. Anh chiều lũ chó như chiều vong. Có lần tôi ra chơi nghe anh tâm sự một cách cực đoan nhưng vẫn rất có lí: Ở với chó có khi còn vui hơn ở với người. Có bữa ngồi bộ xa lông của anh, tôi để cái kính trên bàn, có một chú chó vá mới mở mắt mình trắng đốm đen rất đẹp, mập mạp và lùn chủn. Thấy tôi để ý đến nó anh bế đặt lên bàn. Chú chó lẫm chẫm bước lại phía tôi rồi ngậm cái kính của tôi mà gặm. Tôi thấy dễ thương nên để yên cho nó gặm. Anh Trương Tham thì nạt yêu nó: Cún, hư này, đừng có gặm kính của chú Sơn chứ. Anh nói với chó mà hơn cả nói với người. Đó là con chó bé nhất và dễ thương nhất của anh lúc đó. Rồi thấy tôi thích nó thật sự, khi ra về anh nói: HTS thích con cún không. Thích lắm anh. Vậy đem về mà nuôi. Được thế thì tốt quá. Em xin anh.
Rồi anh kiếm cái hộp giấy bỏ chú cún con vào cho tôi đưa về nhà nuôi. Cả nhà tôi đều thích cún. Do còn bé nó chỉ uống sữa không ăn gì khác. Được 3 ngày, tôi đi làm về thì thấy anh Trương Tham đạp xe ra nhà tôi (cách nhà anh cũng 4 - 5km, anh chỉ đi cái xe đạp cà tàng không đi xe máy). Tôi lấy làm ngạc nhiên vì anh là người ít đến nhà riêng của bạn bè nay không hiểu có chuyện gì mà anh đường đột đến nhà tôi như vậy. Tôi mở cửa mời anh vào. Anh bước qua phòng khách hỏi con cún đâu, dạ nó ở sân sau. Chẳng nói chẳng rằng anh đi thẳng ra cái sân sau thoáng mát của nhà tôi, thấy cún con đang ngủ ngon lành bên dĩa sữa trắng ăn còn chưa hết. Ở góc nhà là cả một thùng sữa tươi dành cho tôi và cún. Chỉ thấy thế xong anh chào tôi ra về mà không nói thêm gì. Cả nhà tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thì ra là dù đã cho hẳn tôi rồi nhưng anh vẫn quan tâm đến chú cún con, không biết tôi chăm sóc nó có tốt không nên lên tận nhà để kiểm tra xem nuôi nấng thế nào. Thấy yên tâm rồi thì về ngay. Thêm một minh chứng nữa về lối sống khác người và lòng yêu thương loài chó vô bờ bến của nhà giáo Trương Tham.

Một ông anh khác mà tôi chơi cũng thân tình là nhà văn Võ Duy Linh. Anh là một con người cũng đầy cá tính và góc cạnh, từng đóng đến chức vụ trưởng làm GĐ Trung tâm học liệu Giáo dục ở TP. HCM. Đời anh lên thác xuống ghềnh, bị chốn quan trường dập cho tơi tả. Về hưu anh bán nhà ở Sài Gòn chuyển vợ con về Bình Dương sinh sống. Anh làm ở Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đh Bình Dương, vợ thì làm ở thư viện trường. Năm trước tôi lên dạy cho trường này mấy chục tiết VHTQ. Có buổi sáng đang lên lớp thì thấy anh đứng ở cửa lớp ngoắc ra: Dạy xong lên nhà mình ăn cơm. Nói xong đi luôn không kịp để cho tôi trả lời là đồng ý hay không. Buổi trưa ở lại trường tôi thường ra quán cơm Sv trước cổng ăn dĩa cơm sườn rồi vô nhà khách chợp mắt chút chiều dạy tiếp. Bữa ấy dạy xong kêu xe ra nhà anh ăn trưa. Anh Võ Duy Linh sống trong một căn hộ ở đầu khu tập thể, nhà nhỏ nhưng đất đai khá rộng. Trước sân anh che rạp xây một cái bể lớn nuôi nhiều cá các loại. Bên hồi nhà là một bãi có rộng như cái sân bóng chuyền lau lách mọc rậm rạp. Anh kể cứ mấy tháng lũ cá lớn lên có con nặng cả kí nhưng anh nuôi chúng, cho ăn chăm sóc hàng ngày nên thương yêu chúng đến mức không nỡ nào ăn chúng. Lâu lâu anh bắt những con lớn nhất đi cho hàng xóm, còn nhà anh ra chợ mua cá khác về ăn. Anh không phải là không ăn cá mà con cá cưng do mình nuôi thì không thể ăn được chúng.
Ở bãi cỏ rộng bên hồi nhà tôi thấy có một bầy heo mọi con nào con nấy đen trùi trũi chắc cũng khoảng 2 kí/con đang bu theo một con heo mẹ cũng loài heo mọi to khoảng 30 kí. Võ Duy Linh kể có lần ra chợ thấy người ta bán con heo mọi dễ thương quá anh mua về thả rong ở bãi cỏ, hàng ngày cho ăn cơm 3 bữa theo kiểu bán hoang dã. Cơm để trong một cái thau nhôm, mỗi lần cho ăn anh lấy que gõ vào cái thau, chú heo con nghe tiếng chạy về ăn, xong lại vô tư rong chơi. Heo mọi con lớn lên thành con heo cái to đẹp, cái bụng nhìn có vẻ nặng nề như có chửa. Nhiều quán xá hỏi mua nhưng anh dứt khoát không bán. Rồi đột nhiên nó biến đâu mất cả tháng. Anh đi tìm khắp lau lách vẫn không thấy cứ nghĩ chắc bị ai bắt trộm. Coi như xong đời con heo mọi đáng yêu. Chưa hết buồn thì một sáng ngủ dậy, anh nhìn ra bãi có thấy heo mọi trở về với một bầy 5 heo mọi con lít nhít khác. Anh mừng rú lên như bắt được vàng liền chạy vô nhà lấy cơm và các loại đồ ăn ra cho mẹ con heo mọi ăn. Tôi nhìn mẹ con heo mọi rất lấy làm thích thú. Thấy vâỵ anh Võ Duy Linh nói tôi cho ông một con đấy, thích con nào bắt con đó đem về Sài Gòn mà nuôi. Nghe anh nói trong đầu tôi đã nghĩ đến món heo mọi thơm ngon mà tôi vẫn ăn ở mấy quán dọc đường Tân Sơn Nhì. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh Duy Linh dặn: Ông nuôi cho vui thôi chứ không được làm thịt đánh chén nó đâu đấy. Ôi trời, vậy xin thôi. Nhà tôi hình ống ở trong hẻm, không lẽ nuôi chú heo mọi trên sân thượng. Nếu cho đem về đưa ra quán làm thịt ăn thì ok chứ để nuôi mà lại không được ăn thịt nó thì bó tay. Tôi đã không nhận dù anh rất nhiệt tình cho.

Đã lâu rồi, hồi còn ở Quy Nhơn tôi nuôi một chuồng bồ câu giống Pháp. Loài này rất mắn đẻ và rất dễ nuôi. Ngày nào cũng có mấy ổ bồ câu nở trong chuồng. Bồ câu non nở ra chỉ mươi ngày là lớn như thổi, cầm lên tay nghe nặng trịch như cả một cục thịt. Nếu không làm thịt nấu cháo ăn thì nó sẽ nở ra chật cả mấy ngăn chuồng. Vì thế ngày nào nhà tôi cũng có món bồ câu nấu cháo, vì là bồ câu non thịt rất mềm nên không cần hầm. Nhưng tôi là người chịu trách nhiệm chăm nuôi lũ bồ câu nên luôn nhìn thấy chúng nó từ trong quả  trứng tí hon mỏng mảnh chui nở ra rồi lớn lên hàng ngày, những con chim bố chim mẹ thì gù nhau nên tôi thấy thương lũ bồ câu và không nỡ ăn thịt nó. Cháo nấu ra thơm ngon chỉ để 2 cô con gái ăn. Trong lúc đó bồ câu hầm bán ở quán thì tôi vẫn ăn bình thường.
Nghe mấy ông bạn nhậu của tôi thường nói Nuôi con gì ăn con nấy. Nhưng từ chuyện nuôi bồ câu của tôi, chuyện anh Võ Duy Linh nuôi cá nuôi heo, chuyện anh Trương Tham nuôi chó tôi có thể kết luận ngược lại: Người ta nuôi con gì có thể không ăn con đó.
  



Lý do tôi từ bỏ thịt chó - món ăn khoái khẩu suốt 60 năm


Bài đã đăng trên vnexpress.net.

Ở đây: https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/ly-do-toi-tu-bo-thit-cho-mon-an-khoai-khau-suot-60-nam-3813698.html

Nếu thuốc lá phải đến năm 18 tuổi tôi mới tập tành hút thì với món thịt chó tôi biết ăn từ khi biết...ăn thịt. Nghĩa là tôi bao nhiêu tuổi thì ẩm thực thịt chó cũng đồng hành với tôi bấy nhiêu năm.
Đó là món ăn khoái khẩu nhất mà tôi hằng biết. Cứ có dịp là tôi rủ rê bạn bè đi ăn. Cứ bạn bè rủ rê đi là tôi vui vẻ nhận lời chỉ sau chưa đầy một nốt nhạc. Trần đời tôi chưa thấy ở đâu có sự giản dị, thân mật và chan hòa như đám khách ăn trong các quán thịt chó.
Những thực khách như một xã hội đường phố thu nhỏ với đủ từ bác xích lô ba gác cho đến giáo sư tiến sĩ, đến nhà thơ nhà văn, nghệ sĩ... Tất tần tật các loại nhà, các loại học hàm học vị, các cấp bậc hàm sĩ quan một khi đã đặt chân vào quán thịt chó luôn thơm lừng một mùi mắm tôm thì đều dân dã và bình đẳng như nhau.
Thịt chó từ lâu đã đi vào thơ ca Việt Nam như một hình tượng văn học, một nguồn hiện thực phong phú của trần gian: "Sống trên đời ăn miếng dồi chó /Xuống dưới âm phủ biết có hay không".
Có lần ra Hà Nội công tác, bạn bè đưa tôi vào một quán thịt chó ở miệt Hà Đông (ở Hà Nội phải quý nhau lắm mới mời nhau đi ăn thịt chó). Trên tường tôi đọc được câu thơ: "Mặc ai tìm lá diêu bông, Tôi đây chỉ lá mơ lông tối ngày".
Cái lúc đang đói, chỉ nhìn đĩa thịt chó với những miếng dồi vàng hươm, miếng thịt luộc dày dặn bên chén mắm tôm vắt chanh sủi bọt là nước miếng đã tứa đẫm chân răng. Chỉ muốn gắp ngay một miếng cho vào mồm nhai cho sướng. Thịt chó là món ăn dân dã rẻ tiền mà chứa rất nhiều dinh dưỡng, ăn vào thấy người khỏe ra ngay cứ như là vừa được tiêm một liều thuốc bổ vào cơ thể.
Sau một chầu thịt chó trong người hưng phấn như vừa được nạp thêm một nguồn năng lượng đáng kể. Có thể nói tôi có hơn 60 năm cuộc đời thì cũng có ngần ấy năm gắn liền với món thịt chó.
Ấy vậy mà cách đây chừng 3 tháng, một sự kiện lớn trong đời xảy ra đã khiến tôi thành tâm từ bỏ hẳn thú ẩm thực thịt chó. Từ bỏ không chút thương tiếc, không một chút ngậm ngùi và là một sự từ bỏ không tuyên bố (vì sợ làm bạn bè trong hội thịt chó băn khoăn).
Đó là vào cái ngày ba tôi qua đời. Trước hết phải kể qua chuyện này một chút. Đã chục năm nay nhà ba mạ tôi ở quê có nuôi một con mực vừa đẹp vừa khôn. Vì được ăn uống đầy đủ kể cả uống sữa nên chú mực to và mập ú ụ như một con gấu, bốn cái chân nó cũng mập như tay gấu. Lông đen mướt láng mượt. Chú mực sướng đến mức thịt gà cũng không thèm ăn, xương gà cũng không buồn gặm.
Đến bữa ăn xong mạ tôi dành riêng cho nó một tô cơm chan nước thịt. Thấy chủ ra hiệu nó mới đủng đỉnh bước lại ăn. Đã đẹp mã mực lại còn qúa khôn. Tôi ở xa năm về chỉ một vài lần nhưng nó không bao giờ quên. Mỗi lần tôi về đã thấy nó cứ như biết trước đứng chờ vẫy đuôi từ ngoài cổng.
Ngay cả xe ôtô của mấy đứa em tôi khi vừa rẽ vào đường làng cách xa cả trăm mét nó đã hực lên một tiếng rồi chạy vào nhà vẫy đuôi báo tin vui, cái đầu cứ hất hất về hướng đường cái quan. Con cái đi hết, ba mạ tôi ở nhà chỉ có mỗi mực làm bạn nên cưng chiều nó như con. Có một bộ bàn trà bằng xi măng để ở góc sân thỉnh thoảng ngồi uống trà với khách nhưng thấy mực thích nhảy lên đó nằm canh nhà, ba tôi cũng dành luôn chỗ ưa thích đó cho nó.
Mực đã gắn bó với ba mạ tôi suốt 13 năm nay
Ngày ba tôi mất, cả nhà tôi dồn hết tâm trí lo đám tang cho cụ. Vào buổi chiều tối, mọi người bỗng nghe như có tiếng người khóc ở sau vườn nhà. Tôi ra xem thì thấy mực đang ngồi nhìn lên ngọn cây cao và tru lên như tiếng người khóc. Tôi lại gần xoa đầu thì thấy nước mắt nó đang chảy thành dòng. Nhìn con chó khóc thương ba tôi, tôi cảm động không cầm được nước mắt.
Rồi suốt mấy ngày đám tang cho đến ngày anh em tôi làm lễ cúng mở cửa mả cho ba tôi, mực vẫn nằm nguyên sau vườn nhà, không ăn không uống. Người nó gầy xọp đi. Kêu cách gì cũng không vào ăn. Đứa cháu phải mang sữa ra cho nó uống. Có lẽ nó là con vật đã đau buồn thương tiếc ba tôi một cách âm thầm lặng lẽ nhất.  
Vào lại Sài Gòn dù bị cuốn vào công việc, hình ảnh chú mực với tiếng tru như người khóc và dòng nước mắt lặng lẽ khóc ba tôi của nó cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi tự hỏi vì sao với một giống vật nuôi khôn ngoan, trung thành và tình cảm với con người mà trước hết là với ba tôi như thế, mình lại nỡ lòng ăn thịt nó, thậm chí còn xem ăn thịt nó như một thú vui của cuộc đời. Thế rồi tôi tự hứa với lòng mình, từ nay bỏ hẳn món thịt chó đã gắn bó với mình suốt 60 năm qua.
Bỏ ăn thịt chó để trước hết bày tỏ lòng biết ơn chú mực của ba mạ tôi đã thương xót ba tôi hơn cả một con người ngày ông đi xa. Chỉ thế thôi. Hàng ngày trên con phố gần nhà tôi có mấy quán thịt chó rất bắt mắt. Nhưng mỗi chiều đi làm về qua dãy phố đó, tôi không còn thấy mùi thơm của riềng sả, của mùi mắm tôm đang dậy bọt, không còn thấy sự hấp dẫn của những đùi thịt chó vàng ươm treo trong tủ kính, cũng không màng gì tới những đĩa lòng dồi từng hấp dẫn tôi trong suốt 60 năm cuộc đời đã qua.
Tất cả chỉ bắt nguồn từ sự mến phục của tôi về lòng trung thành và tình cảm của một con chó đối với chủ là chú mực của ba mạ tôi. Tôi đã từ bỏ món thịt chó như thế đấy. Nếu với thuốc lá tôi đã từ bỏ nó vì lo cho sức khỏe của mình thì với món thịt chó tôi đã từ bỏ chỉ thuần túy vì tình cảm đối với một giống vật nuôi khôn ngoan và trung thành với chủ.

Hai ảnh về chú mức tôi mới chụp cách đây 1 tháng (8/2018)
Nếu với thuốc lá phải sau 15 năm từ bỏ (từ năm 2000) tôi mới đưa ra lời tuyên bố (bởi biết đâu có lúc vì thích thú mà hút trở lại) thì với món thịt chó chỉ chưa đầy 90 ngày tôi đã đủ lòng tin để khẳng định là không bao giờ đụng đũa vào nữa. Và cả hai sự từ bỏ tôi đều âm thầm không hề nói ra cho bạn bè biết.
Với thuốc lá thì sợ họ phá không cho mình bỏ. Với thịt chó thì sợ bạn bè băn khoăn trước một thú vui ẩm thực của bạn mà mình vì lý do riêng không nỡ tham gia. Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao người phương Tây, người Âu, người Mỹ đã từ bao đời nay coi con chó là bạn bè thân thiết nhất và không hề có khái niệm ăn thịt bạn bè.
>> Chia sẻ bài viết của bạn về chuyện ăn thịt chó tại đây.


23 tháng 9, 2018

Người mẹ Trung Quốc “bị sốc” với nữ sinh Mỹ ở nhà mình


                                      Tác giả: Ngọc Trúc (theo FB Anh Phương)


                                    Ảnh chỉ mang tính chất minh họa 

Con gái của một người mẹ Trung Quốc đi học ở trường có chương trình trao đổi học sinh với một trường trung học cơ sở ở Hoa Kỳ, vì vậy có một nữ sinh người Mỹ đã đến sống ở nhà của bà. Trong những ngày tiếp xúc, cô bé này đã gây ấn tượng sâu sắc với bà. Bà cho biết:
Lần bất ngờ đầu tiên
Lần đầu tiên gặp, cô bé cao hơn con gái tôi một cái đầu, da trắng bóc, dáng người cao gầy, cô bé nở nụ cười chân thành vô cùng lôi cuốn. Bữa sáng đầu tiên, tôi chuẩn bị bánh bao và hoành thánh Dương Châu, các cháu đều ăn rất vui vẻ, cô bé người Mỹ cũng dùng đũa, nói là muốn ‘nhập gia tùy tục’.
Khi sắp ăn xong, cô bé nói với tôi: “Đây là bữa sáng ngon nhất mà cháu từng ăn, vô cùng cảm ơn cô!” Cô bé này rất giỏi khen ngợi người khác, tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi nấu cho con gái ăn mười mấy năm cũng chưa từng được nghe con gái khen. Cảm giác khi được cô bé này khen ngợi thật sự rất tuyệt, khoảng cách giữa chúng tôi lập tức gần hơn không ít.
Lần bất ngờ thứ hai
Vào bữa tối, tôi nấu những món như trứng chiên cà chua, sườn xào chua ngọt mà mình giỏi nhất, chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện rất vui. Ăn xong, hai cháu đang nói chuyện, tôi bắt đầu dọn dẹp chén đũa, cô bé người Mỹ lập tức đứng dậy nói với tôi: “Cháu có thể giúp cô không ạ?”
Đây là lần thứ hai tôi bất ngờ, nhìn thấy sự chân thành của cô bé này, tôi vội nói: “Không cần đâu, hai đứa cứ nói chuyện đi”. Con gái tôi thấy mẹ bận rộn mười mấy năm quen rồi, còn cô bé này biết suy nghĩ cho người khác, lập tức phản ứng theo bản năng như một thói quen.
Lần bất ngờ thứ ba
Ngày hôm sau, cả nhà đã khá thân với nhau rồi. Tôi thấy hộ chiếu của cô bé đã rất cũ nên tò mò hỏi: “Cháu từng đi bao nhiêu nước rồi?”. Câu trả lời của cô bé khiến tôi bất ngờ lần thứ ba: “Đây là quyển hộ chiếu thứ 3 của cháu, cháu đã đi khoảng 30 nước rồi.”
Nhìn thấy biểu cảm kinh ngạc của tôi, cô bé giải thích: “Thường thì vào kỳ nghỉ, trường chúng cháu sẽ tổ chức cho học sinh vừa đi du lịch vừa học. Đây là lần đầu cháu đến Trung Quốc, chủ yếu là đi Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh và Tây An”. 4 thành phố này được phụ huynh và giáo viên lựa chọn vì đại diện cho quá khứ và hiện tại của Trung Quốc. Tôi âm thầm bội phục, đồng thời hỏi cô bé: “Các cháu đi khắp thế giới như vậy, còn việc học thì sao?” Phải biết rằng con của chúng tôi dù vào kỳ nghỉ cũng phải chạy khắp các lớp học thêm.
Cô bé nhìn con gái tôi, tỏ ra rất ngưỡng mộ nói: “Bình thường việc học của chúng cháu rất nặng, mỗi ngày về nhà phải làm bài tập suốt 5 tiếng”. “5 tiếng” này khiến con gái tôi bị sốc. Tôi bắt đầu hiểu được gia cảnh của cô bé: Bố làm ở công ty riêng, mẹ ở nhà nội trợ.
Nhưng cháu nhấn mạnh rằng mẹ mình rất vất vả, phải đảm đương mọi việc thường ngày trong nhà cùng với việc chăm sóc bãi cỏ, bảo dưỡng hồ bơi, máy bay trực thăng… ; anh trai cô bé rửa chén và giúp mẹ làm vệ sinh; còn cháu thì chịu trách nhiệm chăm sóc cho hai chú chó và ba chú mèo trong nhà. Cả nhà mỗi người có một nhiệm vụ riêng rất rõ ràng.
Còn gia đình tôi thì: bố, mẹ phải đi làm, mẹ còn phải lo sinh hoạt cho cả nhà, các con thì không quan tâm đến việc gì khác ngoài học tập. Rõ ràng là có sự khác biệt rất lớn về nghĩa vụ và trách nhiệm trong gia đình.
Lần bất ngờ thứ tư
Đây là bữa cơm cuối cùng chúng tôi ăn cùng nhau. Cô bé người Mỹ sắp phải rời khỏi Nam Kinh rồi, để cho cô bé thưởng thức những món ăn ngon nhất của Trung Quốc, chúng tôi đưa cô bé đến nhà hàng sang trọng nhất Nam Kinh có tên là Sư Tử Kiều và gọi món “gà hầm” xếp hàng đầu cả nước.
Sau khi cô bé biết món này làm từ vi cá thì vô cùng kiên quyết từ chối: “Cháu không thể chấp nhận được món ăn này, động vật cần được bảo vệ”. Sau đó không bàn cãi thêm gì nữa, tôi đổ mồ hôi, đột nhiên cảm thấy nể phục.
Lần bất ngờ thứ năm
Sau bữa cơm, các cháu hẹn nhau đi chơi ở khu vui chơi gần đó, ngoài con gái tôi và cô bé người Mỹ, chúng tôi còn mời thêm 2 người bạn thân của con gái tôi. Chơi xong, các cháu không ngừng nói với tôi: “Mẹ ơi, người Mỹ quá giỏi luôn! Vào đến khu trò chơi, hai đứa bạn của con đi chơi ngay, cái gì vui thì chơi cái đó. Còn bạn người Mỹ thì kéo con vừa đi vừa quan sát trò nào có lợi nhất, đi một vòng rồi mới chọn mục tiêu, bạn ấy thắng rất nhiều đồng xu, sau khi chia cho chúng con rồi mới đi tìm trò mà mình thích”.
Lần này tôi không chỉ bất ngờ, mà còn chấn động, một cô bé còn nhỏ như vậy đã biết làm thế nào để có được lợi ích lớn nhất, lúc nào cũng suy nghĩ rất kỹ lưỡng, quả thật là quá “đáng sợ”. Con gái tôi nói một câu khiến tôi cứ suy nghĩ mãi: “Mẹ ơi, cứ thế này thì sau này chúng ta chỉ có thể làm công cho họ thôi ạ….”
Suy ngẫm
Chúng ta đang nuôi dạy con thế nào vậy? Quá mức yêu chiều, quá mức bao bọc, liên tục can dự, dẫn đến việc con của chúng ta vô dụng, vô tình. Giáo dục theo kiểu máy photocopy đã làm mất đi tinh thần, hạn chế sự sáng tạo của các cháu. Tự do là bản tính của trẻ nhỏ, tự nhiên là thiên tính của các cháu, kiềm hãm bản tính và thiên tính nghĩa là kiềm hãm sức sống và động lực trưởng thành của trẻ.
Vậy nền giáo dục như thế nào mới thật sự có thể bồi dưỡng được nhân tài có sức sáng tạo đây?


Các cháu, nhân đầu năm học chú lại có đôi lời dặn các cháu


Những lời dặn chí tình của một ông thầy dạy đại học - TS Lê Thẩm Dương

Học xong lớp 12 đừng tưởng bây ngon, mới hoàn thành cái chương trình xoá mù chữ thôi. Còn lên Đại học, xong ra Đời học, mấy cái trường kia nó dữ dội hơn nhiều. Nên ráng, đời đứa nào cũng có 24 tiếng như nhau, hơn nhau ở chỗ xài sao cho nó khéo…
Đừng quá tin vào đạo đức, đạo đức làm giả được, lương tâm thì không, nên sống sao cho cái lương tâm bây thanh thản là được.
Rồi, đi học đi mấy đứa… (LTD)
————— 

– Đứa nào muốn thành bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, thì lo học toán lý hoá sinh cho giỏi, sau còn dùng. Mấy đứa không thích mấy ngành này thì học cho đủ năm điểm qua lớp là được, học cho cố sau này quăng cũng vậy, đời chú tới giờ, chờ hoài vẫn chưa thấy ngày dùng sin, tang, cos, cotang…
– Học văn thì đọc sách cho vui, nhớ ngày sinh tháng đẻ tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, biện pháp nghệ thuật của tác phẩm để trả bài có điểm. Thời gian còn lại thì đi đọc sách, tiểu thuyết thế hệ mới của nước ngoài với trong nước. Đọc càng nhiều càng tốt, đọc đủ thể loạ càng tốt. Bây đọc bây khôn ra nhiều lắm, tin đi.

– Giáo dục công dân hay Đạo đức thì bỏ mấy cái sáo sáo ngữ như “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy hết năm này tới năm nọ, tụi nó đọc rào rào chứ có đứa nào nhớ làm theo. Dạy tụi nó cách lên mạng, lên facebook đọc tin tức thì kiểm chứng nguồn, biết tìm hiểu, biết suy nghĩ đến cảm nhận của người ta.
– À, còn lịch sử, học số cho nhớ để thi, chứ bớt bớt tin. Bên nào thắng thì bên đó là người tốt, chịu khó đọc từ nhiều nguồn, học từ nhiều nơi, tự dùng cái đầu để kiểm chứng, rồi sẽ thấy khác, khác lắm… rồi sẽ tự hào theo một kiểu khác.
– Sống hay chết gì cũng phải học cho thật giỏi Anh Văn, muốn tốt hơn thì học thêm các ngoại ngữ khác nữa, Việt Nam làm việc nhiều với thằng nào thì đi học ngoại ngữ thằng đó. Tiếng Tàu thích thì cứ học, đừng có bị mấy cái tinh thần hão làm mù mờ, học tiếng của nó để làm việc với nó khỏi bị nó lừa, để nó có chửi thì biết mà chửi lại. Học ngoại ngữ là cách duy nhất để bây hội nhập.
– Thể dục thì dẹp mẹ nó mấy môn nhảy xa, nhảy sà, nhảy cao, chạy đường dài… nhiều đứa thể lực nó yếu rồi sao nó theo kịp. Dạy tụi nhỏ cách bơi lội khi đường ngập, cách né cây ngã khi bão, cách chèo xuồng vượt đường ổ gà… Không thì cho học cách rút dây. Phát cho mỗi đứa một sợi dây kinh nghiệm rồi thi nhau rút. Mấy đứa con ông cháu cha ráng học môn này cho giỏi, sau rồi dùng.
– Nông nghiệp thì dẹp luôn mấy cái cách nuôi trồng vớ vẩn gì đi, trẻ giờ nó ở thành phố học mấy cái đó làm chi. Dạy nó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đừng có thấy ai share cái gì kêu có độc cũng tin. Đặc biệt mấy thằng con trai thì học cách phân biệt rau sạch, lớn rồi biết mà dùng, không thì về chỉ ba mấy đứa cách phân biệt rau sạch để bảo vệ má mấy đứa.
– Tin học thì bỏ mấy cái lập trình nham nhảm, hay hướng dẫn tạo cây thư mục, tạo file văn bản đồ đi. Bỏ mẹ nó luôn cái hệ điều hành Dos đi, thế giới nó đi chợ bằng tên lửa rồi mà còn Dos với Đéo. Ráng mà học cách làm CV, cách viết mail… mấy cái này sau này cần hơn.
– Học ít ít thôi, năm cấp ba yêu thử đi cho biết mùi thất tình với người ta. Chứ để lên đại học mấy đứa nó không có yêu thật lòng đâu.
– Ráng học hết năm 12, tự nhận ra coi bản thân mình giỏi môn nào, thích môn nào thì phát triển môn đó. Chọn trường Đại học thì phải kiên quyết với bản thân, không phải nghe ai nói gì cũng gật đầu chọn theo. Đời bây bây không lo, để người ta sai người ta khiển rồi sau này sao mà khá hả bây?
– Học xong lớp 12 đừng tưởng bây ngon, mới hoàn thành cái chương trình xoá mù chữ thôi. Còn lên Đại học, xong ra Đời học, mấy cái trường kia nó dữ dội hơn nhiều. Nên ráng, đời đứa nào cũng có 24 tiếng như nhau, hơn nhau ở chỗ xài sao cho nó khéo.
– Ráng học, đừng tin mấy con mấy thằng viết kiểu bài như “Bỏ học đại học lương 80 triệu…” tụi nó lừa đó, nó viết thiếu là mười ngàn đứa bỏ học, chín ngàn chín trăm chín mươi chín đứa thất nghiệp, có 1 thằng kia may thôi. Bây chắc không đủ may đâu, đừng thử.
– Để dành tiền từ giờ để đi du lịch, bước ra khỏi cái nước ngày nào thì đời mình khôn hơn ngày đó. Bây là con ếch, cái miệng giếng Việt Nam nhỏ, có ngon thì nhìn đời qua miệng giếng thế giới.
– Đừng quá tin vào đạo đức, đạo đức làm giả được, lương tâm thì không, nên sống sao cho cái lương tâm bây thanh thản là được.
Rồi, đi học đi mấy đứa…


20 tháng 9, 2018

Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập – Những kí ức tươi nguyên của một thời gác bút nghiên lên đường ra trận


                                               Nguyễn Xuân Sùng(*)            

Vì là bạn bè cùng lớp thời đại học nên tôi theo dõi và đọc các bài viết của Hà Tùng Sơn từ lúc còn là những mẩu ký ức đơn lẻ. Tò mò, tôi lại tìm những dòng comment rồi các bài viết của các anh trên trang ĐỒNG ĐỘI CÙNG ĐƠN VỊ TRINH SÁT SƯ 341. Càng đọc, tôi càng bị cuốn vào những câu chuyện hết sức ấn tượng bởi cách kể có chút tếu táo của lính mà tình cảm thì ấm nồng, thủy chung đến lạ. Là người ngoài cuộc, nhưng khi nghe các anh có ý định tổ chức bản thảo để in thành một tập làm kỉ niệm, tôi nghĩ đấy là ý kiến, không, phải nói là sáng kiến quá hay như một điểm nhấn của toàn bộ hành trình trở về tìm lại tuổi thanh xuân, và thầm ước, giá như đại đội mình cũng làm được một tập như thế. Rồi chương trình GẶP GỠ HÀ TRAN 2018 của các anh cũng vậy, tất cả chỉ mới là khởi thủy (cứ gặp nhau cái đã) chưa có bàn bạc kỹ lưỡng, nhưng bằng kinh nghiệm tổ chức của những người từng đi qua chiến tranh, những người đã tròn một vòng hoa giáp, mà với đồng đội bạn bè thì tình sâu nghĩa nặng…rồi những dự định, đề xuất của các anh trong chương trình đầy ắp tính nhân văn, nên chi tôi đã thấy trước sự trọn vẹn, chu đáo và thành công. Ít nhất cũng neo vào đồng đội, và người Hà Tran “một nốt trầm xao xuyến”…
            Như đã nói ở trên, việc in sách ban đầu chưa hề có trong suy nghĩ của những người khởi xướng, mà từ những người bạn, đồng đội mến yêu mà cuốn sách được hình thành. Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở nghệ thuật, câu chữ, không hề sử dụng một thủ pháp nghệ thuật nào, mà từng trang viết của các anh lấp lánh một tình yêu thương đồng đội, đồng bào chân thành tha thiết, chính cái đó đã dẫn người đọc đi từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.
        Gần 300 trang sách với đủ thể loại: kí, hồi ức, phỏng vấn, truyện ngắn, thơ, tản văn… đã mang lại cho tập sách sự phong phú trong thể loại, đa dạng trong cách thể hiện cảm xúc…để người đọc có cái nhìn rõ hơn về chiến tranh, về người lính, đặc biệt là những người lính sinh viên vừa tạm biệt thầy cô, giảng đường và bè bạn để đi thẳng vào cuộc chiến ở vào thời điểm cam go nhất, thời điểm quyết định của chiến tranh.

HTS và Nguyễn Xuân Sùng

          Đọc Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập ta có thể hình dung một cách đầy đủ quá trình hình thành và trưởng thành của những người lính C20 trinh sát sư đoàn 341, quá trình rèn luyện chiến đấu của đơn vị trải dài từ dòng Kiến Giang về miền Đông Nam Bộ, hội quân ở Dinh Độc Lập, thành phố Hồ Chí Minh trong ngày vui toàn thắng 30 tháng Tư lịch sử. Dù ở thể loại nào thì những tư liệu về chiến tranh và xung quanh cuộc chiến sau 45 năm vẫn còn tươi nguyên. Không hẹn mà gặp, những trang viết của các anh đang hòa vào dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại. Người đọc hôm nay không còn mấy mặn mà với loại tác phẩm tưởng tượng màu mè, hư cấu giả tạo mà sức hút của nó lại là những sự kiện còn nóng hổi bụi đất chiến hào, khói súng..., muốn qua trang sách, tiếp xúc với tư liệu để họ hiểu thêm giá trị của độc lập tự do được đổi bằng tuổi trẻ, bằng máu, mồ hôi và nước mắt như thế nào.                                                                                                                                         Đọc các anh, tôi thấy rõ tố chất/ dấu ấn của người lính trinh sát trong từng trang viết, ta hãy nghe Thanh Tùng kể: “Hà Tran là một thôn thuộc làng Uẩn Áo, xã Liên Thuỷ, gần chợ Tréo, ngã ba Mũi Viết, nhưng lại nằm ở phía trên xã Mỹ Thuỷ, giáp giới xã Trường Thuỷ. Đó là làng kinh tế mới của xã Liên Thuỷ” rồi “Xuôi dòng sông Kiến Giang, qua khỏi cầu đường sắt Mỹ Trạch là bến đò Xuân Bồ. Bên kia sông là thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy. Bên này sông là đầu thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy, có ngã ba đường rẽ phải là về Dương Thủy” “cũng đã qua tận đất Lào theo đường 16 - từ ngã ba Thạch Bàn lên Làng Ho, Dốc Khỉ qua ngã ba Dân Chủ. Lên tận khe Bang trinh sát địa hình được dự định xây dựng hậu cứ sư đoàn và hậu cứ Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân khu IV thời kỳ đó”. Nhớ chính xác được các mốc tọa độ, địa chỉ tên đất tên làng thì chỉ có lính trinh sát (nghề của chàng mà), hoặc là những người có trí nhớ sâu sắc. Ta nên hiểu những dòng hồi ức này đã lùi sau 45 năm. Nhớ về tuổi mười tám, hai mươi; nhớ về những ngày đóng quân trên mảnh đất Hà Tran các anh không thể quên những người mẹ người chị người em vô cùng yêu mến. “Người mẹ của chúng tôi” của Lê Quang Phương là một hồi ức giàu cảm xúc. Hình ảnh mẹ Tòng ở Hà Tran nghèo như bao người mẹ khác, gia tài mạ chỉ có chiếc nồi đồng là đáng giá nhất, mạ cẩn thận cất giữ “Cái niêu bằng đồng được Mạ đặt vào dóng treo trên tấm phên trong buồng” thế nhưng tấm lòng mẹ thì rộng mở, cách gọi các anh bộ đội gần gũi ,thân thương trìu mến như những đứa con của gia đình mình: “con ơi Tiến ơi, con ơi Hà Sơn ơi đừng to tiếng, Mạ luộc sắn đây bay...” Lê Quang Phương nhận xét: “Mạ Tòng là một người mẹ có sức mạnh của một trái tim nhân hậu. Mạ thường làm nguội đi những cái đầu nóng thất thường vì cãi vã. Tiếng Mạ làm chúng tôi ấm lại khi đi công tác đêm đông về, làm quên đi cơn đói lúc chờ cơm”. Chỉ một câu nói: mạ ơi, con đói thế là mạ lại nhường cơm chiều của thằng Chuân con mạ cho anh lúc ở rừng về; rồiMạ đưa cho tôi một cái quần đùi rồi bảo cầm lấy mai mà đi bè”. Ghi lại kỷ niệm này, Lê Quang Phương muốn gửi đến các chị, các mẹ Hà Tran ngày ấy ân tình sâu nặng của những đứa con trước lúc ra trận. Vui hơn cả là những mẩu chuyện về người đẹp Hà Tran, xóm nhỏ chỉ hơn hai chục nóc nhà mà đã có chị Tòng lại còn em Vy, em Phố, em Tám, em Dĩnh… các chị các em đã khuấy lên trong lòng các “chú lính” những tình cảm sáng trong, hồn nhiên, rất lính. Bạn đọc hẳn sẽ nhớ mãi cách kể chuyện rất vui: “ Khi đã hoàn hồn trên bờ mình thộn người ra, dưới chiếc áo bà ba ướt sũng lồ lộ “tòa thiên nhiên” tròn lẳn. – Eng ni. Không lo đi vớt củi cho người ta mà ngó chi”...,  “Những người đẹp năm xưa có còn nhớ chăng, lính trinh sát C20 F341 hay gửi gạo cho các nàng thổi cơm (...) rồi nảy nòi những mối tình tiểu thuyết âm thầm bí mật, lâm li thống thiết”.  Chỉ là âm thầm bí mật thôi đấy.
Đậm đặc và xúc động hơn cả là những trang viết về những người bạn đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn và chỉ trước khi ngưng tiếng súng vài ba ngày. “Tiếng hát trên đồi”  của Lê Quang Phương nói về cách sáng tạo có chủ ý của  Mạnh Trọng Lộc khi đọc Màu Tím hoa sim của Hữu Loan, một nỗi đau đến quặn lòng khi Phương nhắc lại trong đoạn cuối bài thơ: 

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?
(Say khướt sa trường xin chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai hồi ?)


Ngày đó mần chi có rượu mà say, chỉ có đói đói khát khát rồi say nắng mà thôi. Mỗi lời là một vận vào Lộc ơi. Mạnh Trọng Lộc giờ ở nơi nao. Gần nửa thế kỷ trôi qua, anh đang ở đâu? Hãy  cùng về thăm lại Hà Tran với anh em đồng đội cùng đơn vị C20 trinh sát Sư đoàn 341 chúng mình. Nếu về được, Lộc làm làn gió rung rinh tàu lá sắn trước sân nhà mạ Tòng, hoặc làm đám mây trên trời Lệ Thủy cùng đi với chúng mình. Về để xem trời đất sông nước Lệ Thủy có còn tím màu hoa sim như ngày xưa không Lộc nhé”.
Hà Tùng Sơn trong bài viết khi tìm về thăm bạn ở nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom, anh không giấu nổi xúc động khi biết rằng, nơi này có đến 696 liệt sỹ thì có tới 2/3 là liệt sỹ của Sư đoàn anh, trong đó Hoàng Huy Tụng  là chiến sỹ C20 Trinh sát. Anh viết “Tôi run run thắp bó hương to, lửa cháy phần phật giữa trưa nắng miền Đông. Sau khi khấn vái trước hương hồn và vong linh Hoàng Huy Tụng, tôi chia đôi bó hương, một nửa cặm lên bát nhang mộ Tụng, nửa còn lại thắp đều cho hàng mấy chục ngôi mộ Lịệt sỹ khác là hàng xóm láng giềng trong cùng tổ dân phố với Tụng. Các bạn ơi, hãy ngàn đời yên nghỉ bên nhau nhé. Tiếp đó, theo ý nguyện của Lê Quang Phương, tôi lấy bài thơ Quê anh ở làng Dừa của Phương viết tặng Tụng ra đọc cho Tụng nghe. Lần đầu tiên trong đời, tôi, một thầy giáo dạy văn hơn 35 năm đã từng hàng ngàn lần đọc thơ trước những lớp học có hàng trăm sinh viên, đã nghẹn ngào không đọc nổi một bài thơ khóc bạn của Phương. Có đoạn tôi phải đọc thầm như đang khấn thầm với Tụng. Nhất là đoạn: 

Ba ngày nữa hết chiến tranh
Miền Nam giải phóng
Nhưng anh không về.


Đọc xong, tôi bật lửa đốt bài thơ trước mộ Tụng với hi vọng ở dưới đó Tụng sẽ đọc lại một cách đầy đủ và hiểu được nỗi lòng của những người đồng đội đang sống với Tụng.” Trong “Họp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 341”, Hà Tùng Sơn lại làm người đọc không cầm được nước mắt khi anh chú thích tấm ảnh mà anh cùng Lê Đăng Sơn thắp hương cho bạn tại nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom. Giữa Hà Sơn và Lê Sơn là ngôi mộ của Đỗ Xuân Ngôn, mà Hà Sơn chú thích như sau: “3 thằng bạn học cùng lớp khoa Văn ĐHSP Vinh khóa 12. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Đỗ Xuân Ngôn, Hà Tùng Sơn. Chúng tôi cùng nhâp ngũ một ngày, cùng ở một đại đội C20 F341, cùng ra trận nhưng đã không được cùng nhau... trở về. Tương tự, Lê Đăng Sơn cũng viết;

                               Kí ức chiến tranh lùi đã rất xa
Bạn vẫn trẻ trong âm dương cách trở
Bạn vẫn trẻ trong vẹn tròn nỗi nhớ
Những người lính bạc đầu thăm lại bạn xưa
Các anh thực sự ngưỡng mộ, hạnh phúc khi đươc làm lính của của những sỹ quan chỉ huy tài hoa đó là Sư trưởng Đại tá  Trần  Văn Trân, Đại tá Chính ủy  Trần Nguyên Độ, gần nữa là Trưởng ban 2 Trần Hữu Nghinh rồi các anh cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội. Có đoạn Thanh Tùng đã viết: “Anh Hội giỏi cả về về kiến thức cơ bản và rất có kinh nghiệm trong khâu ra đề bài kiểm tra, tổ chức thực hành trên mọi địa hình. Anh Quý là người đã trãi nghiệm chiến trường nên trong quá trình huấn luyện thường có những ví dụ cụ thể, đưa ra nhiều tình huống bất ngờ, kể chuyện thực tế ở chiến trường khá hấp dẫn, gắn với từng bài học cụ thể giúp người học dễ hiểu và nhớ kỹ, nhớ lâu, có phản ứng linh hoạt, khi học cho phép những sáng tạo có hiệu quả, không bắt buộc rập khuôn theo các bài mẫu v.v”..   
Đại tá Lê Hồng Mão, nguyên là đại đội phó C20 nhớ lại trận đánh ở Xuân Lộc, nơi được mệnh danh là cánh cửa thép phía bắc Sài Gòn: “Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng đoạn chiến hào, từng góc nhà, góc phố. Xuân Lộc trở thành nơi thử lửa, thử lòng quả cảm và sức chịu đựng ác liệt, lòng quyết tâm sắt đá giành chiến thắng của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341A anh hùng. Khi chia tay với anh Võ Trọng Thiện, tôi có ngờ đâu đây là lần gặp mặt anh cuối cùng, hôm sau anh hy sinh tại trận chiến Xuân Lộc vì bom chùm của địch. Ngày 21/4/1975, phần lớn lực lượng địch bị tiêu diệt buộc phải tháo chạy”.
Đọc Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập thỉnh thoảng tôi cứ cười một mình khi đọc được những đoạn văn đầy chất lính. Lê Quang Phương đã viết trong “Tiếng hát bên dòng sông Kiến giang” ở đó các anh đã ”xuyên tạc” sáng tạo đế thêm vào lời bài hát, họ muốn đem lại cho người lính thêm một chút niềm vui : “Lần đầu Thượng sĩ Lê Minh Chức dỏng tai lên, bất ngờ và cho qua. Anh vẫn hát: "Đoàn vệ quốc chúng ta / Từ nhân dân mà ra / Được dân mến được dân tin muôn phần." PHẦN THÌ PHẦN, lại 11 cái mồm đồng thanh lập lại PHẦN THÌ PHẦN. A trưởng Chức lúc này nét mặt rạng rỡ, trán không còn nếp nhăn, tai còn giật giật, anh cũng hùa theo PHẦN THÌ PHẦN.”  Rồi chuyện anh lính trinh sát Nguyễn Quang Ngọc do quá thích chơi đàn phải đi trộm cây ghi ta của đơn vị bạn. Kể ra kẻ trộm ở đây cũng là người tử tế, biết điều, chỉ là thích quá hóa liều. “ Nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, mình lấy tờ 10 đồng đã được gấp cẩn thận vào tờ giấy đôi xé ra từ sổ ghi chép, để lên chiếc ba lô rồi đè lên hòn đá. Vai vác đàn, vai đeo súng, mình đi như sáo về tới Hà Tran vừa lúc con gà trống nhà Vy cất tiếng gáy” Theo Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn “ Ăn trộm sách không phải là ăn trộm?” Lần này Nguyễn Quang Ngọc ăn trộm đàn  có được tính vậy không? .
Ngày mai, các anh trở lại Hà Tran, về với viên xá lị sau gần 45 năm thương nhớ, để rồi chúng ta mãi mãi bên nhau.

NXS
(*) Sinh viên khóa 10 Khoa Văn ĐHSP Vinh, nhập ngũ 1970, trở lại trường học khóa 16 lớp 16D K2 

15 tháng 9, 2018

Mọi người đừng lo luật ANM nữa nhé, đã có Facebook rồi.


Tác giả: Trịnh Hữu Long

HTS: Mọi người đừng lo luật ANM nữa nhé, Facebook đã điều trần trước QH Mĩ là sẽ không có chuyện đặt máy chủ ở VN và cũng sẽ không có luôn cả chuyện cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị.

Mọi người đừng lo luật ANM nữa nhé, Facebook đã báo cáo truuwosc QH Mĩ là sẽ không có chuyện đặt máy chủ ở VN và cũng xẽ không có luôn cả chuyện cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị.

Trong một phát biểu tại phiên điều trần ngày 5/9 vừa qua ở Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ, bà Sheryl Sandberg, nhân vật quyền lực số hai của Facebook sau Mark Zuckerberg, cho biết: “Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị” (Trịnh Hữu Long)
—————


Bà Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động của Facebook điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 5/9/2018. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images.

Người sử dụng Facebook tại Việt Nam cuối cùng cũng có một câu trả lời về thái độ của Facebook đối với chính phủ Việt Nam.
Trong một phát biểu tại phiên điều trần ngày 5/9 vừa qua ở Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ, bà Sheryl Sandberg, nhân vật quyền lực số hai của Facebook sau Mark Zuckerberg, cho biết: “Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio hỏi: “Và các bạn sẽ không bao giờ làm như vậy?”
Sandberg: “Chúng tôi sẽ không làm như vậy.”
Rubio: “Các bạn sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động chứ?”
Sandberg: “Chúng tôi chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi có thể giữ được những giá trị của mình”, bà Sandberg trả lời.
Rubio: “Điều đó áp dụng cho cả Trung Quốc?”
Sandberg: “Điều đó cũng áp dụng cho cả Trung Quốc nữa.”
Trước đó, TNS Rubio đã trình bày hàng loạt động thái mới đây của các chính phủ mà ông cho là “độc tài” ở Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kiểm soát thông tin người dùng Internet và ngăn chặn thông tin của các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền.
Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng được nhắc đến khá chi tiết khi ông Rubio nói rõ nó sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 tới, theo đó, Facebook sẽ phải lưu dữ liệu người dùng ở Việt Nam và phải cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam.
Khi được hỏi liệu Facebook có ủng hộ các nguyên tắc dân chủ trên toàn cầu không hay chỉ ủng hộ chúng ở Mỹ, bà Sandberg cho biết, “chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc này trên toàn cầu”.
Bạn có thể theo dõi toàn bộ cuộc đối thoại trên ở video dưới đây:
Cần lưu ý rằng, những người ra điều trần ở Quốc hội Mỹ không được phép nói dối. Họ phải tuyên thệ trước khi điều trần rằng chỉ nói sự thật và toàn bộ sự thật. Trong trường hợp nói dối và bị phát hiện, họ sẽ phải đối mặt với tội khai man.
Phiên điều trần này diễn ra trong bối cảnh người dùng Facebook tại Việt Nam đang lo ngại về việc mạng xã hội lớn nhất thế giới này sẽ tuân thủ Luật An ninh mạng và quay lưng với người dùng, đặc biệt là các nhà hoạt động dân chủ, để hợp tác với chính phủ Việt Nam.
Một lá thư của người dùng Việt Nam do Luật Khoa khởi xướng đã được gửi tới trụ sở của Facebook tại California, Mỹ, đề nghị Facebook trả lời rõ ràng về chính sách của họ đối với Việt Nam. Lá thư này đã nhận được xấp xỉ 14.500 chữ ký cho tới thời hạn trả lời là ngày 12/9 vừa qua.
Tuy Facebook không trực tiếp trả lời các câu hỏi nêu trong lá thư này, phát biểu của bà Sheryl Sandberg tại Thượng viện Mỹ phần nào giải đáp được những lo ngại của người dùng Việt Nam.
Theo Báo cáo Minh bạch của Facebook, trong năm 2017, chính phủ Việt Nam đã gửi cho Facebook 12 đề nghị cung cấp thông tin người dùng và có bốn đề nghị đã được Facebook chấp thuận cung cấp một số thông tin.
Sheryl Sandberg không phải là người xa lạ với Việt Nam. Bà là tác giả của cuốn sách “Dấn thân” (Lean In) khá nổi tiếng và từng ghé thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017.
———–