20 tháng 9, 2018

Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập – Những kí ức tươi nguyên của một thời gác bút nghiên lên đường ra trận


                                               Nguyễn Xuân Sùng(*)            

Vì là bạn bè cùng lớp thời đại học nên tôi theo dõi và đọc các bài viết của Hà Tùng Sơn từ lúc còn là những mẩu ký ức đơn lẻ. Tò mò, tôi lại tìm những dòng comment rồi các bài viết của các anh trên trang ĐỒNG ĐỘI CÙNG ĐƠN VỊ TRINH SÁT SƯ 341. Càng đọc, tôi càng bị cuốn vào những câu chuyện hết sức ấn tượng bởi cách kể có chút tếu táo của lính mà tình cảm thì ấm nồng, thủy chung đến lạ. Là người ngoài cuộc, nhưng khi nghe các anh có ý định tổ chức bản thảo để in thành một tập làm kỉ niệm, tôi nghĩ đấy là ý kiến, không, phải nói là sáng kiến quá hay như một điểm nhấn của toàn bộ hành trình trở về tìm lại tuổi thanh xuân, và thầm ước, giá như đại đội mình cũng làm được một tập như thế. Rồi chương trình GẶP GỠ HÀ TRAN 2018 của các anh cũng vậy, tất cả chỉ mới là khởi thủy (cứ gặp nhau cái đã) chưa có bàn bạc kỹ lưỡng, nhưng bằng kinh nghiệm tổ chức của những người từng đi qua chiến tranh, những người đã tròn một vòng hoa giáp, mà với đồng đội bạn bè thì tình sâu nghĩa nặng…rồi những dự định, đề xuất của các anh trong chương trình đầy ắp tính nhân văn, nên chi tôi đã thấy trước sự trọn vẹn, chu đáo và thành công. Ít nhất cũng neo vào đồng đội, và người Hà Tran “một nốt trầm xao xuyến”…
            Như đã nói ở trên, việc in sách ban đầu chưa hề có trong suy nghĩ của những người khởi xướng, mà từ những người bạn, đồng đội mến yêu mà cuốn sách được hình thành. Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở nghệ thuật, câu chữ, không hề sử dụng một thủ pháp nghệ thuật nào, mà từng trang viết của các anh lấp lánh một tình yêu thương đồng đội, đồng bào chân thành tha thiết, chính cái đó đã dẫn người đọc đi từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng.
        Gần 300 trang sách với đủ thể loại: kí, hồi ức, phỏng vấn, truyện ngắn, thơ, tản văn… đã mang lại cho tập sách sự phong phú trong thể loại, đa dạng trong cách thể hiện cảm xúc…để người đọc có cái nhìn rõ hơn về chiến tranh, về người lính, đặc biệt là những người lính sinh viên vừa tạm biệt thầy cô, giảng đường và bè bạn để đi thẳng vào cuộc chiến ở vào thời điểm cam go nhất, thời điểm quyết định của chiến tranh.

HTS và Nguyễn Xuân Sùng

          Đọc Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập ta có thể hình dung một cách đầy đủ quá trình hình thành và trưởng thành của những người lính C20 trinh sát sư đoàn 341, quá trình rèn luyện chiến đấu của đơn vị trải dài từ dòng Kiến Giang về miền Đông Nam Bộ, hội quân ở Dinh Độc Lập, thành phố Hồ Chí Minh trong ngày vui toàn thắng 30 tháng Tư lịch sử. Dù ở thể loại nào thì những tư liệu về chiến tranh và xung quanh cuộc chiến sau 45 năm vẫn còn tươi nguyên. Không hẹn mà gặp, những trang viết của các anh đang hòa vào dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại. Người đọc hôm nay không còn mấy mặn mà với loại tác phẩm tưởng tượng màu mè, hư cấu giả tạo mà sức hút của nó lại là những sự kiện còn nóng hổi bụi đất chiến hào, khói súng..., muốn qua trang sách, tiếp xúc với tư liệu để họ hiểu thêm giá trị của độc lập tự do được đổi bằng tuổi trẻ, bằng máu, mồ hôi và nước mắt như thế nào.                                                                                                                                         Đọc các anh, tôi thấy rõ tố chất/ dấu ấn của người lính trinh sát trong từng trang viết, ta hãy nghe Thanh Tùng kể: “Hà Tran là một thôn thuộc làng Uẩn Áo, xã Liên Thuỷ, gần chợ Tréo, ngã ba Mũi Viết, nhưng lại nằm ở phía trên xã Mỹ Thuỷ, giáp giới xã Trường Thuỷ. Đó là làng kinh tế mới của xã Liên Thuỷ” rồi “Xuôi dòng sông Kiến Giang, qua khỏi cầu đường sắt Mỹ Trạch là bến đò Xuân Bồ. Bên kia sông là thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy. Bên này sông là đầu thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy, có ngã ba đường rẽ phải là về Dương Thủy” “cũng đã qua tận đất Lào theo đường 16 - từ ngã ba Thạch Bàn lên Làng Ho, Dốc Khỉ qua ngã ba Dân Chủ. Lên tận khe Bang trinh sát địa hình được dự định xây dựng hậu cứ sư đoàn và hậu cứ Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân khu IV thời kỳ đó”. Nhớ chính xác được các mốc tọa độ, địa chỉ tên đất tên làng thì chỉ có lính trinh sát (nghề của chàng mà), hoặc là những người có trí nhớ sâu sắc. Ta nên hiểu những dòng hồi ức này đã lùi sau 45 năm. Nhớ về tuổi mười tám, hai mươi; nhớ về những ngày đóng quân trên mảnh đất Hà Tran các anh không thể quên những người mẹ người chị người em vô cùng yêu mến. “Người mẹ của chúng tôi” của Lê Quang Phương là một hồi ức giàu cảm xúc. Hình ảnh mẹ Tòng ở Hà Tran nghèo như bao người mẹ khác, gia tài mạ chỉ có chiếc nồi đồng là đáng giá nhất, mạ cẩn thận cất giữ “Cái niêu bằng đồng được Mạ đặt vào dóng treo trên tấm phên trong buồng” thế nhưng tấm lòng mẹ thì rộng mở, cách gọi các anh bộ đội gần gũi ,thân thương trìu mến như những đứa con của gia đình mình: “con ơi Tiến ơi, con ơi Hà Sơn ơi đừng to tiếng, Mạ luộc sắn đây bay...” Lê Quang Phương nhận xét: “Mạ Tòng là một người mẹ có sức mạnh của một trái tim nhân hậu. Mạ thường làm nguội đi những cái đầu nóng thất thường vì cãi vã. Tiếng Mạ làm chúng tôi ấm lại khi đi công tác đêm đông về, làm quên đi cơn đói lúc chờ cơm”. Chỉ một câu nói: mạ ơi, con đói thế là mạ lại nhường cơm chiều của thằng Chuân con mạ cho anh lúc ở rừng về; rồiMạ đưa cho tôi một cái quần đùi rồi bảo cầm lấy mai mà đi bè”. Ghi lại kỷ niệm này, Lê Quang Phương muốn gửi đến các chị, các mẹ Hà Tran ngày ấy ân tình sâu nặng của những đứa con trước lúc ra trận. Vui hơn cả là những mẩu chuyện về người đẹp Hà Tran, xóm nhỏ chỉ hơn hai chục nóc nhà mà đã có chị Tòng lại còn em Vy, em Phố, em Tám, em Dĩnh… các chị các em đã khuấy lên trong lòng các “chú lính” những tình cảm sáng trong, hồn nhiên, rất lính. Bạn đọc hẳn sẽ nhớ mãi cách kể chuyện rất vui: “ Khi đã hoàn hồn trên bờ mình thộn người ra, dưới chiếc áo bà ba ướt sũng lồ lộ “tòa thiên nhiên” tròn lẳn. – Eng ni. Không lo đi vớt củi cho người ta mà ngó chi”...,  “Những người đẹp năm xưa có còn nhớ chăng, lính trinh sát C20 F341 hay gửi gạo cho các nàng thổi cơm (...) rồi nảy nòi những mối tình tiểu thuyết âm thầm bí mật, lâm li thống thiết”.  Chỉ là âm thầm bí mật thôi đấy.
Đậm đặc và xúc động hơn cả là những trang viết về những người bạn đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn và chỉ trước khi ngưng tiếng súng vài ba ngày. “Tiếng hát trên đồi”  của Lê Quang Phương nói về cách sáng tạo có chủ ý của  Mạnh Trọng Lộc khi đọc Màu Tím hoa sim của Hữu Loan, một nỗi đau đến quặn lòng khi Phương nhắc lại trong đoạn cuối bài thơ: 

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?
(Say khướt sa trường xin chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai hồi ?)


Ngày đó mần chi có rượu mà say, chỉ có đói đói khát khát rồi say nắng mà thôi. Mỗi lời là một vận vào Lộc ơi. Mạnh Trọng Lộc giờ ở nơi nao. Gần nửa thế kỷ trôi qua, anh đang ở đâu? Hãy  cùng về thăm lại Hà Tran với anh em đồng đội cùng đơn vị C20 trinh sát Sư đoàn 341 chúng mình. Nếu về được, Lộc làm làn gió rung rinh tàu lá sắn trước sân nhà mạ Tòng, hoặc làm đám mây trên trời Lệ Thủy cùng đi với chúng mình. Về để xem trời đất sông nước Lệ Thủy có còn tím màu hoa sim như ngày xưa không Lộc nhé”.
Hà Tùng Sơn trong bài viết khi tìm về thăm bạn ở nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom, anh không giấu nổi xúc động khi biết rằng, nơi này có đến 696 liệt sỹ thì có tới 2/3 là liệt sỹ của Sư đoàn anh, trong đó Hoàng Huy Tụng  là chiến sỹ C20 Trinh sát. Anh viết “Tôi run run thắp bó hương to, lửa cháy phần phật giữa trưa nắng miền Đông. Sau khi khấn vái trước hương hồn và vong linh Hoàng Huy Tụng, tôi chia đôi bó hương, một nửa cặm lên bát nhang mộ Tụng, nửa còn lại thắp đều cho hàng mấy chục ngôi mộ Lịệt sỹ khác là hàng xóm láng giềng trong cùng tổ dân phố với Tụng. Các bạn ơi, hãy ngàn đời yên nghỉ bên nhau nhé. Tiếp đó, theo ý nguyện của Lê Quang Phương, tôi lấy bài thơ Quê anh ở làng Dừa của Phương viết tặng Tụng ra đọc cho Tụng nghe. Lần đầu tiên trong đời, tôi, một thầy giáo dạy văn hơn 35 năm đã từng hàng ngàn lần đọc thơ trước những lớp học có hàng trăm sinh viên, đã nghẹn ngào không đọc nổi một bài thơ khóc bạn của Phương. Có đoạn tôi phải đọc thầm như đang khấn thầm với Tụng. Nhất là đoạn: 

Ba ngày nữa hết chiến tranh
Miền Nam giải phóng
Nhưng anh không về.


Đọc xong, tôi bật lửa đốt bài thơ trước mộ Tụng với hi vọng ở dưới đó Tụng sẽ đọc lại một cách đầy đủ và hiểu được nỗi lòng của những người đồng đội đang sống với Tụng.” Trong “Họp mặt cựu chiến binh Sư đoàn 341”, Hà Tùng Sơn lại làm người đọc không cầm được nước mắt khi anh chú thích tấm ảnh mà anh cùng Lê Đăng Sơn thắp hương cho bạn tại nghĩa trang liệt sỹ Trảng Bom. Giữa Hà Sơn và Lê Sơn là ngôi mộ của Đỗ Xuân Ngôn, mà Hà Sơn chú thích như sau: “3 thằng bạn học cùng lớp khoa Văn ĐHSP Vinh khóa 12. Trái sang: Lê Đăng Sơn, Đỗ Xuân Ngôn, Hà Tùng Sơn. Chúng tôi cùng nhâp ngũ một ngày, cùng ở một đại đội C20 F341, cùng ra trận nhưng đã không được cùng nhau... trở về. Tương tự, Lê Đăng Sơn cũng viết;

                               Kí ức chiến tranh lùi đã rất xa
Bạn vẫn trẻ trong âm dương cách trở
Bạn vẫn trẻ trong vẹn tròn nỗi nhớ
Những người lính bạc đầu thăm lại bạn xưa
Các anh thực sự ngưỡng mộ, hạnh phúc khi đươc làm lính của của những sỹ quan chỉ huy tài hoa đó là Sư trưởng Đại tá  Trần  Văn Trân, Đại tá Chính ủy  Trần Nguyên Độ, gần nữa là Trưởng ban 2 Trần Hữu Nghinh rồi các anh cán bộ đại đội, trung đội, tiểu đội. Có đoạn Thanh Tùng đã viết: “Anh Hội giỏi cả về về kiến thức cơ bản và rất có kinh nghiệm trong khâu ra đề bài kiểm tra, tổ chức thực hành trên mọi địa hình. Anh Quý là người đã trãi nghiệm chiến trường nên trong quá trình huấn luyện thường có những ví dụ cụ thể, đưa ra nhiều tình huống bất ngờ, kể chuyện thực tế ở chiến trường khá hấp dẫn, gắn với từng bài học cụ thể giúp người học dễ hiểu và nhớ kỹ, nhớ lâu, có phản ứng linh hoạt, khi học cho phép những sáng tạo có hiệu quả, không bắt buộc rập khuôn theo các bài mẫu v.v”..   
Đại tá Lê Hồng Mão, nguyên là đại đội phó C20 nhớ lại trận đánh ở Xuân Lộc, nơi được mệnh danh là cánh cửa thép phía bắc Sài Gòn: “Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng đoạn chiến hào, từng góc nhà, góc phố. Xuân Lộc trở thành nơi thử lửa, thử lòng quả cảm và sức chịu đựng ác liệt, lòng quyết tâm sắt đá giành chiến thắng của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341A anh hùng. Khi chia tay với anh Võ Trọng Thiện, tôi có ngờ đâu đây là lần gặp mặt anh cuối cùng, hôm sau anh hy sinh tại trận chiến Xuân Lộc vì bom chùm của địch. Ngày 21/4/1975, phần lớn lực lượng địch bị tiêu diệt buộc phải tháo chạy”.
Đọc Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập thỉnh thoảng tôi cứ cười một mình khi đọc được những đoạn văn đầy chất lính. Lê Quang Phương đã viết trong “Tiếng hát bên dòng sông Kiến giang” ở đó các anh đã ”xuyên tạc” sáng tạo đế thêm vào lời bài hát, họ muốn đem lại cho người lính thêm một chút niềm vui : “Lần đầu Thượng sĩ Lê Minh Chức dỏng tai lên, bất ngờ và cho qua. Anh vẫn hát: "Đoàn vệ quốc chúng ta / Từ nhân dân mà ra / Được dân mến được dân tin muôn phần." PHẦN THÌ PHẦN, lại 11 cái mồm đồng thanh lập lại PHẦN THÌ PHẦN. A trưởng Chức lúc này nét mặt rạng rỡ, trán không còn nếp nhăn, tai còn giật giật, anh cũng hùa theo PHẦN THÌ PHẦN.”  Rồi chuyện anh lính trinh sát Nguyễn Quang Ngọc do quá thích chơi đàn phải đi trộm cây ghi ta của đơn vị bạn. Kể ra kẻ trộm ở đây cũng là người tử tế, biết điều, chỉ là thích quá hóa liều. “ Nhanh nhẹn, nhẹ nhàng, mình lấy tờ 10 đồng đã được gấp cẩn thận vào tờ giấy đôi xé ra từ sổ ghi chép, để lên chiếc ba lô rồi đè lên hòn đá. Vai vác đàn, vai đeo súng, mình đi như sáo về tới Hà Tran vừa lúc con gà trống nhà Vy cất tiếng gáy” Theo Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn “ Ăn trộm sách không phải là ăn trộm?” Lần này Nguyễn Quang Ngọc ăn trộm đàn  có được tính vậy không? .
Ngày mai, các anh trở lại Hà Tran, về với viên xá lị sau gần 45 năm thương nhớ, để rồi chúng ta mãi mãi bên nhau.

NXS
(*) Sinh viên khóa 10 Khoa Văn ĐHSP Vinh, nhập ngũ 1970, trở lại trường học khóa 16 lớp 16D K2 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới