14 tháng 12, 2018

Chuyện không đâu mà ầm ĩ


Tôi vốn không ưa gì cái ông Nguyễn Lân Trung này, bắng nhắng như một con lật đật và thích làm nổi trong vai trò là một lãnh đạo của LĐBĐ Việt Nam (nay thì ổng nghỉ hẳn ở VFF rồi vì đại hội mới rồi có ứng cử nhưng không ai bầu). Tuy nhiên từ hình ảnh ông ta quấn lá cờ đỏ sao vàng ngang người khi đến Malaysia xem trận chung kết lượt đi, nhiều người đã lên tiếng tổng xỉ vả ông là một kẻ phản quốc, vô học, không yêu nước, xỉ nhục dân tộc.v.v..
Đó là những sự chụp mũ và nâng tầm quan điểm không khác gì thời hồng vệ binh ở Tàu hay như thời cải cách ruộng đất ở VN.
Hãy nhìn thoáng rộng ra một chút, sẽ thấy vấn đề không là gì cả, thậm chí còn thấy ông này rất yêu quý lá cờ khi dùng nó quấn quanh cơ thể mình ngay tại nước bạn trong một sự kiện thể thao lớn.
Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, quốc kì còn được in may trên cả đồ lót phụ nữ, trên giày vớ, trên đệm xe hơi, trên rất nhiều bộ phận, nhiều thứ tưởng như dung tục mà vô cùng qúy giá của cơ thể con người.
Chẳng biết những kẻ xỉ và ông Trung yêu nước đến đâu nhưng sự chụp mũ và nâng cấp tầm quan điểm cứng nhắc thì rất rõ.
Chuyện không đâu mà ầm ĩ.

Hình ảnh ông Trung quấn lá cờ đỏ sao vàng ở Malaysia bị nhiều người lên án là phản quốc, vô học...

Ở nước ngoài...






13 tháng 12, 2018

Ra trận (kì 2)


Nguyễn Trung Ngọc

Một lần, đi xem văn công Trung đoàn biễu diễn phục vụ một đơn vị đi C, tôi bỗng thấy một nữ quân nhân – diễn viên ngâm bài thơ của mình trên sân khấu, loại thơ “động viên” kiểu anh Lành:
“Đất chuyển mình theo những bánh xe quay
Đêm Miền Trung gió mùa về hun hút
Chúng tôi đến đây một ngày giá rét
Và gặp anh đang ở thao trường…”

Ngay sau đêm biểu diễn, anh Cẩm Hải làm trưởng đoàn văn công lúc ấy dẫn một “Em” bận quân phục xinh xắn đến gặp tôi: “Chào đồng chí! Tôi dẫn diễn viên đến gặp tác giả đây và gửi lời gợi ý của Chủ nhiệm chính trị muốn đồng chí về đoàn công tác”. Giờ nói có thể có nhiều người không tin: mấy ngày sau tôi suy nghĩ và quyết định xin từ chối nhiệm vụ đó bởi lúc bấy giờ tôi rất “kỵ” con gái. Mà ở đoàn văn công thì phần đa là các “nàng”. Nói là Văn công cho oai chứ thực ra chỉ là Trung đoàn giao cho anh Cẩm Hải, một giáo viên của trường Cao đẳng nhạc hoạ nhập ngũ, biết sáng tác và đạo diễn, tập hợp những hạt nhân văn nghệ của các đơn vị về E bộ thành “Đội tuyên truyền văn hoá” để “khuấy động” phong trào “tiếng hát át tiếng bom” lúc đó. Nhưng phải thừa nhận cái khí thế “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” của những năm đó đã khiến người ta làm nên nhiều chuyện. “Đội tuyên truyền văn hoá” vậy mà cũng có nhiều chương trình biểu diễn lay động sâu xa tinh thần người chiến sĩ. Mặc dù thằng Khâm hồi đó vẫn nhạo tôi: “Ngọc sắp chuyển sang tuyên huấn rồi, sang với đội quân được người ta khen “Sờ vú đàn ông còn hơn xem Văn công trung đoàn”. Hắn nói vậy chứ tôi còn nhớ có lần “Văn công trung đoàn” biểu diễn cho E bộ xem. Thiếu ánh sáng, mấy chiếc xe của ban chỉ huy, của các ban đều được đưa đến đậu phía sau nổ máy và chiếu đèn lên sân khấu. Vậy mà người xem đông nghịt. Dân ở xã Quảng Hợp nơi Trung đoàn bộ đóng đi xem về cứ tấm tắc “Sao bộ đội diễn các hoạt cảnh cũng như hát và ngâm thơ hay vậy”. Cũng có thể, thời ấy thiếu thốn quá: thiếu ăn, thiếu cả văn nghệ nên “sờ vú đàn ông” tí cũng sướng. Còn nhớ năm ấy có một đại đội TNXP Hoằng hoá, Thanh Hoá đóng gần trục đường 22A để phục vụ thông tuyến con đường ác liệt này. Biết Truật là đồng hương, nhiều buổi trưa chúng tôi muốn nghỉ một tí mà không nghỉ được, các cô “đồng hương” của Truật cứ vào ríu rít đến hết giờ. Dạo ấy tôi và Truật là hai lính quân nhu ở với nhau trong nhà một Mạ Quảng Bình đã già, rất nghèo và cô đơn vì chồng mất sớm. Đại đội TNXP đóng gần chúng tôi ấy chính là đơn vị của Tám Cô hi sinh một cách đáng thương trong hang núi bên đường 20. Thực ra, đường 22A chỗ chúng tôi cách “đường 20 quyết thắng” cũng chẳng là bao nếu tính khoảng cách của một chiếc F4 lượn lấy toạ độ bổ nhào.
Một hôm, tôi và Truật đi công tác ra Quân khu nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị. Truật có hẹn trước các “đồng hương” sẽ ghé vào mang hộ thư ra bưu điện trung tâm gửi cho nhanh hơn. Khi xe ghé vào trước cổng cái lán lụp xụp của đơn vị TNXP thì diễn ra một cảnh tượng thật lạ lùng: Cả một đám con gái đông từ trong ùa ra vây kín xe. Có mấy cô cầm cả đoạn sào trên tay chọc giơ lên cao những chiếc áo con phụ nữ, miệng hét to: Các anh bộ đội ơi!...Đồng hương Truật ơ…ơi…ơi! Ngày ấy người ta gọi đó là hội chứng êchtơri (hay điên tình), thường thấy ở những tập thể đông phụ nữ mà thiếu nam giới. Chiến tranh là thế! (Cho nên đồng đội cũ của tôi là N.Q.N có mơ màng mãi về “xá lị Hà Tran” thì cũng chẳng có gì khó giải thích. Ha…ha…)
Tôi kể chuyện này cho hai ông bạn vong niên không đi lính cùng nghe. Một ông bảo: “Hồi ấy mà tùm lum như bây giờ thì các ông cũng không nói chuyện đánh đấm gì, lo về mà giữ con là vừa. Ông kia thì bảo: “Hồi ấy hay quá nhỉ! Tiếc quá….”
Nói chuyện “kỵ phụ nữ”, còn có lần Chính uỷ Trung đoàn gọi tôi lên để giao nhiệm vụ mới là điều tôi về làm quân lực của tiểu đoàn 2 do Anh Hùng quân đội Cao Tất Đắc chỉ huy, gồm toàn lính nữ, mới từ Lào về. Nghe qua trao đổi của Chính uỷ, tôi vội “xin cối xin chày”: “Nếu có điều đi, xin Thủ trưởng cho tôi được về đơn vị chiến đấu”. Thế mà một lần nữa, ông chấp thuận.
Mấy vị trí ở E bộ, chẳng có nơi nào tôi “yên tâm công tác”. Có một lần tôi còn nói với Truật: “Mày giúp tao, Tao phải trốn đi đơn vị khác. Có lẽ đợi khi có một đơn vị tăng nào đi qua, tao nhảy lên tháp pháo nhập đoàn quân ra trận. Bảo họ là lính lạc ngũ, xin trở lại tiền tuyến ai mà không cho. Ra tiền phương chứ có phải đào ngũ đâu mà sợ!” Truật cười, chuyện này thì hắn tỉnh hơn tôi: “Mày nói định phấn đấu vào Đảng, đi vậy, hồ sơ nằm lại đây, cái gốc Đoàn viên của mày cũng mất nói gì là Đảng”. Tôi thấy hắn có lí nên không dám nghĩ tới phương án “ra trận” phiêu lưu ấy nữa. Rất nhiều chuyện thời chúng tôi giờ kể lại cho thanh niên cứ như chuyện cổ tích. Chuyện những ngày đầu ra trận của tôi có lẽ cũng thuộc loại đó.
Nhưng rồi cái tôi muốn đã thành hiện thực. Trung đoàn 79 được Quân khu điều động một đại đội độc lập đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” ở nước bạn Lào. Tôi viết đơn xin ban chỉ huy được “xuống đơn vị chiến đấu”. Và tôi được toại nguyện. Vậy là, quãng đời quân ngũ của tôi bước sang một giai đoạn mới: Ra chiến trường!
Giáp tết 1973, Chúng tôi hành quân bằng một đoàn xe Gas 63 theo quốc lộ 8 vượt qua Trường Sơn Tây.
“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”

Lần đầu tiên tôi biết “Đông nắng, Tây mưa” của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khi đoàn quân qua tiền tiêu, vượt đỉnh Trường sơn, một khung cảnh thần tiên hiện ra trước mắt: Mùa khô, bên Trường Sơn Đông mưa sụt sùi, dầm dề đã lâu còn phía Trường Sơn Tây nắng đang chiếu những tia sáng màu vàng xuyên qua kẽ lá của núi rừng nước bạn. Mưa – Nắng gặp nhau tạo thành một bức mành giữa không trung lay động trước gió, lúc lấn sang đất Lào, lúc chạy về đất Việt, đẹp lung linh kì ảo, khiến tôi phải thốt lên: “chao ôi! Đẹp quá…”Giây phút ấy có lẽ ít ai trong đời may mắn gặp như đoàn quân chúng tôi hôm đó. Những chiếc xe hai cầu mấy ngày liền trườn lên mái phía Đông nhầy nhoẹt trong mưa dầm mùa đông giờ được hạ ga xuôi xuống mái Tây chạy bon bon, tung bụi mù mịt. Rừng Lào mênh mông, dân cư thưa thớt, đoàn xe của chúng tôi như bị nuốt chửng vào đại ngàn Trường Sơn, “băng qua muôn núi ngàn sông”, đi mãi...
Chúng tôi đổ quân trên một bãi đất rộng bên này con sông Nậm thơn để “hạ trại”. Đang là vùng giải phóng do bộ đội Pha-thet Lào chiếm giữ nên khá thoải mái, không cần phải cảnh giác, giữ gìn nhiều. Cả đơn vị đóng quân lại đây chừng một tuần để củng cố, tập huấn thêm về chuyên môn vì nhiều việc chúng tôi chưa hề biết gì. Quân khu nhận nhiệm vụ từ Bộ quốc phòng rồi giao lại cho đơn vị tôi đi khảo sát, định hình một tuyến đường mới nối từ Trung lên thượng Lào, như là một “Đường Trường Sơn thứ hai” bên nước bạn, dự phòng chiến tranh còn có thể kéo dài.
Đại đội phải xóc lại biên chế. Tôi được phân vào bộ phận kĩ thuật “con cưng” gồm có 2 kĩ sư cầu đường từ Quân khu được phái đi đặc nhiệm. Họ đều là sĩ quan. Một người là trung uý Tánh, kĩ sư của Phòng công binh Quân khu. Người nữa là trung uý Liêm, mới tốt nghiệp Đại học bách khoa chưa lâu, con rể của thượng tá Lư, tư lệnh Mặt trận Trung Lào thời bấy giờ. Liêm người miền Nam, còn trẻ, trắng trẻo và rất đẹp trai nhưng ít nói. Tôi đã mừng vì có “ông bạn cấp trên” mới tốt nghiệp đại học, “gần gũi” với mình để trao đổi, chuyện trò. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tháng sau, khi chúng tôi đi sâu dần vào vùng địch thì anh Liêm có điện của Mặt trận gọi ra “nhận nhiệm vụ mới”. Thời ấy còn rất vô tư nhưng mấy thằng lém lỉnh trong đại đội cũng biết mỉm cười... Người thứ ba được cử đến sẽ trở nên thân thiết với tôi sau này là Trần Minh. Minh mới là trung sĩ nhưng lại là nhân viên kĩ thuật quan trọng mà Quân khu cử đến. Minh hơn tuổi tôi một chút nhưng vẫn gọi mày tao. Hắn người Nam Đàn, rất có hoa tay và đặc biệt là làm gì cũng hết sức cẩn thận, chu đáo. Minh lại rất nhẹ nhàng, hay chiều bạn nữa. Có lần, sau mấy ngày hành quân ròng rã, chân tôi sưng to không đi được nên rớt lại sau đơn vị. Minh kèm theo tôi, mang luôn cả chiếc ba lô của tôi trước bụng, động viên tôi dấn bước. Khi đó trên người tôi chỉ còn lại chiếc máy đeo bên hông chừng bảy cân, khẩu AK với đủ cơ số đạn đi chiến trường và chiếc bi đông, hai quả lựu đạn, dao găm đeo ở cái thắt lưng to thắt giữa bụng nên tôi vẫn có thể lê bước về được điểm trú quân. Lúc này trông Minh quả như một con lạc đà, lặc lè dấn bước. Hắn chẳng to lớn gì nhưng thật khoẻ vì cũng đã qua lính mấy năm rồi. Còn tôi, vì là một thằng lính sinh viên lại mấy lâu ngồi ghế cơ quan E bộ nên không trụ nổi.
Chính Minh đã chỉ dẫn, bày vẽ cho tôi để tôi có thể phụ trách chiếc máy đo góc ngoặt sau này hỗ trợ hắn cầm máy thuỷ chuẩn đưa lại những con số cần thiết. Suốt mấy tháng ròng, ngày nào tôi và Minh cũng miệt mài cùng cái máy với sự cộng tác của ba tiểu đội làm việc theo một qui trình chặt chẽ: Toán đầu đi trinh sát địch tình và dò xem có mìn cài bẫy không; Toán thứ hai dùng dao chặt phát những cây, lá làm vướng tầm ngắm máy của tôi và Minh; Toán cuối cùng hỗ trợ cho tôi và Minh dùng máy đo độ cao, góc ngoặt đưa về cho kĩ sư Tánh và Liêm thiết kế trên bản đồ.
Đoàn quân chúng tôi tiến dần về hướng Thượng Lào. Nếu công việc tôi vừa kể trên diễn ra ở nơi bình yên thì cũng không có gì đáng nói nhưng đây là chiến trường, là mặt trận. Ai từng trải qua những năm tháng chiến trường mới hiểu được nỗi gian lao và sự khủng khiếp của con người khi cứ đứng chênh vênh trên bờ vực của cái chết mà sự chịu đựng có thể nói là tột cùng. Tôi có một thằng bạn vốn là sinh viên khoa Lí nhưng rồi đi học và trở thành PGS – Tiến sĩ Triết tâm sự rằng: Hồi hoạt động ở vùng miền Tây của Thừa Thiên – Huế, một đồng đội của hắn cũng là sinh viên Đại học sư phạm Vinh, nhập ngũ trước tôi một đợt, tên là N.V.D có một chuyện “tối mật”: Một hôm, lúc hai thằng đi hái rau tàu bay với nhau D đã nói:
– Kinh khủng quá mày ạ. Chết tao không sợ nhưng khổ quá tao không còn chịu nổi nữa. Chuồn thôi! Mày đi cùng tao không?
Thấy chuyện nghiêm trọng, thằng bạn tôi hoang mang:
– Đi đâu bây giờ?”
– Về thành phố”
– Đào ngũ a?
– Tao không thể chịu thêm được nữa. Cứ thế này, không chết vì đạn rồi cũng chết vì sốt rét, đói khát thôi.
Thằng bạn tôi từ chối rồi trở về nơi đóng quân một mình. Mấy hôm sau có một chiếc trực thăng của địch bay rà sát xuống nơi chốt giữ của đơn vị. Tiếng loa “tâm lí chiến” vang lên: “Hỡi các cán binh Bắc Việt! Các bạn đừng uổng phí tuổi xuân. Hãy trở về với quê hương, với gia đình các bạn…”. Điểm chốt của trung đội thằng bạn tôi phải nhanh chóng chuyển sang một ngọn đồi khác và chịu thiếu đi một tay súng từ đó.
Chiến tranh lùi xa dần. Mọi chuyện của chiến tranh cũng quên dần. Chuyện của N.V.D cũng đã là quá vãng. Tôi kể lại chuyện này chỉ là để muốn làm rõ hơn cái gian khổ của bộ đội những năm ấy.
Trở lại chuyện đơn vị tôi. Hoạt động giữa ngút ngàn Trường Sơn chưa được bao lâu, trong đại đội bắt đầu lác đác có những người bị sốt rét. Căn bệnh quái ác, “đặc sản” của rừng núi đã làm cho những chàng trai khoẻ mạnh nhất cũng phải khuỵu xuống. Với chúng tôi lúc đó, không có bệnh xá, không có bác sĩ nên thằng nào bị sốt thì chỉ biết nằm trên võng mắc giữa rừng, chịu sự hành hạ của những cơn sốt. Có lẽ nhiều người đã từng nghe kể về những bộ xương nằm nguyên trên võng của những chiến sĩ vì đi công tác lẻ bị cơn ác tính, chỉ kịp mắc võng nằm lại giữa rừng rồi không thể dậy được nữa.
Đi C, lính ta ngán nhất bị vấp mìn và bị phục kích bởi lũ Phỉ Vàng Pao. Ở Lào bọn Phỉ tự cho nó là lính thiện chiến nhất, một lính Phỉ địch ba lính Pha thet. Tuy nhiên chúng vẫn sợ bộ đội Việt Nam nên thường dùng cách đánh úp, đánh du kích để tiêu hao lực lượng ta và làm ta chùn bước. Một lần, một đơn vị bộ binh đi trước, hỗ trợ chúng tôi làm nhiệm vụ. Đang đêm họ bị Phỉ đánh úp. Sau khi “xử” được người lính gác, chúng lén đến gần rồi bất ngờ xả súng liên hồi vào chỗ đóng quân. Tuy thương vong không nhiều nhưng chúng làm cho bộ đội mình sau đó mất đi rất nhiều những đêm bình yên với giấc ngủ.
Sau chuyện đó, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh lúc đó là thượng uý Thanh nổi giận, sáng hôm sau kéo quân bao vây bản Hội xiềng, cho nã pháo cối bắn tung nhiều cái chòi và phạt ngang nhiều cây cối ven bản để thị uy, cảnh cáo. Theo tin của điệp báo ta, bản này có rất nhiều con em đi làm Phỉ. Dân bản này sợ mất vía. Đến nỗi sau đó, có một hôm tôi đang chăm chú ngắm máy bên bờ suối, một bà mang gùi từ trong bản ra rừng đụng ngay đầu ống kính của tôi, sụp xuống lạy như tế sao, chắc tưởng cái máy của tôi là một thứ vũ khí tối tân nào đó. Tôi phải đỡ bà dậy, trấn an mãi, bà mới dám rón rén đi tiếp.
Nhưng cũng Chính bản này, một tuần sau đó có một người phụ nữ vì chuyện sinh nở mà chết cả con lẫn mẹ. Họ đã không ngần ngại đặt vấn đề với đơn vị tôi để cho y tá Đồng, người Yên Thành, dùng một con dao Mẹo rất sắc mổ đưa đứa con chết lưu trong bụng ra để dân bản chôn cất riêng hai mẹ con ngoài rẫy. Tục của họ là vậy. Bản này đã mang cả một con lợn to biếu lại chúng tôi để đền ơn. Lâu lắm rồi, hôm đó chúng tôi mới được một bữa thịt tươi, ăn ngon chưa từng thấy.
Càng vào sâu vùng địch, chúng tôi càng phải đối diện với nguy hiểm nhiều hơn. Ở chiến trường đôi khi có chuyện bắn nhầm chính quân ta. Tôi đã một lần suýt vậy. Đơn vị hết gạo ăn, tôi và một số đồng chí nữa được cử đến một cái “kho tự giác” giữa rừng sâu để lấy gạo. Hôm ấy, Tôi gùi sau lưng cả một ba lô gạo đầy nên phải còng lưng đi chúi về phía trước. Đến một lối đi hẹp phải chui trong lau lách, tôi cúi thấp đầu để tránh những lá lau cứa vào mặt. Đến một chỗ ngoặt, vừa ngẩng đầu lên thì ngay trước mặt là một tốp lính mặc quần áo rằn ri nguỵ trang, tay cầm ngang một loại súng lạ bước tới chỉ còn cách tôi chừng năm bước. Ngay lập tức, tôi bật khoá an toàn khẩu AK trước bụng, hướng nòng vào đối phương. Chưa kịp siết cò thì một tiếng chào rất bình tĩnh: “Chào đồng chí!”. Hú hồn! Một tí nữa thôi, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tốp lính ấy là của một đơn vị đặc công vừa đi tiểu Phỉ ở Mường Mộc trở về.
Nhiều khi lại có chuyện vui chiến trường kiểu khác. Một lần tôi và Minh được giao nhiêm vụ đi đón hai lính Pha thet đến đơn vị để họ dẫn đường giúp ta vượt qua một chặng rất nguy hiểm bị cài đầy mìn. Được báo là hai chiến sĩ người Lào đã gần đến chỗ đơn vị đóng, chúng tôi chỉ cần đón họ và đưa vào cứ. Ra đến điểm hẹn cách chỗ đóng quân chừng ba cây số nhưng chưa thấy người, tôi và Minh đang quanh quẩn thì phát hiện một cái hang sâu bên lèn đá. Cửa hang chi chít những vết đạn, cây cối xung quanh gãy nát chưa kịp đâm chồi lại. Đến gần nhìn vào thấy trong hang toàn vỏ hộp nhãn hiệu Mĩ vứt lỏng chỏng, trên một phiến đá còn loang lổ những vết máu. Tôi đánh bạo định vào trong thì Minh kéo lại: “Cẩn thận! Khéo bị cài mìn!” Rồi hai thằng nấp vào sau tảng đá trước cửa hang đánh tiếng hét thật to cả bằng tiếng Việt và tiếng Lào: “Có ai không?” (Mi khôn bọ?). Không có động tĩnh gì ngoài một con tắc kè thấy động chạy vào trong hang. Sẵn một đoạn cành cây gãy nằm gần đấy, Minh nhặt lên ném đại vào trong. Một tiếng nổ long trời, Chắc là tiếng của mìn clâymo, khói bụi trong hang mù mịt, đất đá ở trong bay ra rào rào…Chỉ tí nữa thôi tôi đã nằm lại cái hang đó với một mớ xương thịt tan tành. Khi rời hang để trở lại điểm hẹn, cả hai thằng tôi mới phát hiện trên một đám đất cách hang chừng hai mươi mét mấy ngôi mộ mới. Lại gần thấy mấy cái cọc đơn sơ được vạt phẳng một bên làm mộ chí ghi dòng chữ: Nguyễn Văn A, đơn vi….; Trần đình B, đơn vị… Hồi đó hai chúng tôi đã bảo nhau: Những mộ này nếu để lâu, mối ăn mất “mộ chí”, cây mọc trùm lên nữa, tìm được thật không dễ. Không biết đến bây giờ những đồng đội ấy của tôi đã được đưa về đất Mẹ chưa?
Thoáng thấy bóng người đi tới, tôi và Minh ẩn vào sau bụi cây quan sát: Hai người mặc quân phục, Khoác súng AK, da sốt rét rừng tái đen, môi thâm sì nhìn chẳng còn giống gì người Việt. Chắc mẫm đây là hai chiến sĩ Pha Thet mình đang đợi, Minh nhắc tôi chú ý rồi bước ra chào:
– Xam bái!
Không ngờ phía bên kia đáp lại bằng tiếng Nghệ rất rõ:
– Các đồng chí thấy chúng tôi giống người Lào à? mới sang phải không?
Rồi họ hỏi chúng tôi có nghe tiếng mìn nổ vừa nãy không. Tôi nói lại chuyện đã xảy ra. Một người kể cho tôi và Minh nghe hai tuần trước họ vừa bắt gọn một toán Phỉ trong hang sau một trận đấu súng ác liệt và chính họ đã cài lại quả mìn trước khi rút đi. Hai bên chào nhau và họ quay trở lại. Hoá ra đó là hai cựu binh lính tỉnh đội Nghệ An sang Lào đã nhiều năm đi tìm hiểu vụ nổ. Họ đi rồi, hai thằng tôi ôm nhau cười như nắc nẻ: Thấy người Việt lại dùng tiếng Lào mà chào!
Chờ thêm chừng mười lăm phút nữa tôi và Minh mới đón được hai chiến sĩ Pha Thét. Có người dẫn đường, ngay chiều hôm ấy chúng tôi xoá hết dấu vết nơi đóng quân để vượt cung đường đã nói. Đi được chừng một cây số đường suối thì hai chiến sĩ Lào dẫn đại đội tôi leo lên một sườn núi cây cối đã chết khô toàn bộ đứng trơ trụi không lá. Mỗi người được yêu cầu tìm một cành khô mang theo, đề phòng có máy bay địch đi trinh sát thì nguỵ trang. Sau này chúng tôi mới biết cánh rừng này tháng trước sau chừng hai mươi phút chiếc “bà già” của địch lượn vè vè ở đây thì ngày hôm sau cây trút hết lá và chết đứng. Chúng định nhử bộ đội ta đi tránh khoảng trống này để lọt vào một bãi mìn dài cả cây số. Nếu không biết, cứ đi tiếp con đường dọc suối thế nào cũng khó thoát vướng mìn.
Cứ thế đường chúng tôi đi trải dài cả hai miền của đất nước bạn: Trung và Thượng Lào. Đi trong gian khổ, trong đạn mìn, trong những cánh rừng đầy chất độc, lúc nào cái chết cũng rình rập ở bên để kịp hoàn thành nhiệm vụ khi mùa mưa đến.
Hôm nay, Cho tôi được nói một câu thế này trong bài viết riêng của mình: Chắc là tôi có quyền môt chút để tự hào, những năm tháng của tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất chúng tôi đã biết đem nó hiến dâng cho đất nước. Để rồi ngày nay trên mặt trận mới, tôi lại cùng các bạn, các đồng đội cũ của mình tiếp tục đem chút sức còn lại đấu tranh bảo vệ lí tưởng cao đẹp thực sự mà chúng tôi đã theo đuổi từ thời tuổi trẻ là luôn đứng về phía nhân dân và chính nghĩa./.

(Kì tiếp theo: “Mặt trận mới”)


11 tháng 12, 2018

Ra trận (kì 1)


Nguyễn Trung Ngọc

NTN: Gần đến ngày 22/12, gần đến ngày các đồng đội ở C20 về Hà Tran, tôi gửi tặng món quá này như một sự tri ân các bạn đã ưu ái có lời mời mà tôi không về được (Tôi sẽ đăng thành 2 kì). Thực ra đây cũng là một chương trong cuốn Hồi kí tôi đang viết mà phần trước phải tạm dừng để kịp trước ngày các bạn về Hà Tran đã.
--------------------------------------
Thế hệ thanh niên ngày nay đã không còn quen với hai tiếng “ra trận” nữa, họ chỉ cảm nhận qua những thước phim, những trang sách báo... Nhưng với thế hệ chúng tôi, cái chữ đó ở tuổi thanh niên gần như ai cũng biết và nhiều người thì còn nếm trải. Tháng 9 năm 1972, vừa kết thúc năm học, một lứa sinh viên chúng tôi đã lên đường ra trận.
Đợt tuyển quân ở ĐHSP Vinh lần ấy diễn ra rất nhanh gọn và “thành công”: Nếu đầu khoá, những học sinh tốt nghiệp phổ thông đậu vào trường khá hiếm hoi thì cuối năm học ấy, những người đi tuyển quân lại “được mùa” to. Hầu hết sinh viên tham dự đều trúng tuyển. Chỉ lác đác đôi người vì một lí do nào đó "trượt" khỏi danh sách mà thôi. Tiền tuyến đang cần gấp. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị vừa phải chịu mất một lứa lính sinh viên tinh nhuệ. Phần đa lũ sinh viên chúng tôi lúc bấy giờ sức khoẻ có thể có người còn loại B nhưng tinh thần thì đều “A hoa” cả. Các trường Đại học trong cả nước cũng nô nức lên đường, một khí thế ra trận không biết rồi có bao giờ lặp lại nữa không:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”;
“Đốt cháy Trường Sơn đánh Mĩ cũng không sờn”;
“Dáng anh đi và vành mũ tai bèo…”
Sau này, nhắc lại những ngày tháng ấy, nhiều đứa chúng tôi đều nói giống nhau: Hồi đó nếu không trúng tuyển có ở lại chắc chẳng bụng dạ nào mà học nữa, “sách vở tao cũng dẹp hết rồi”. Đi thôi, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”
Tôi nhớ mãi buổi tập hợp đoàn quân sắp thành hình ở khoa gồm toàn bộ CBGD và sinh viên nhập ngũ. Thầy Nguyễn Duy Bình nói chuyện với chúng tôi. Giọng Thầy sang sảng: “Thưa các bạn! Ngày mai các bạn sẽ lên đường. Đồng bào Miền Nam, đồng đội ở chiến trường đang chờ các bạn tiếp sức, cả nước đang bước sang giai đoạn cuối để dành toàn thắng…” Đoạn cuối bài phát biểu bỗng Thầy hạ giọng, nghẹn ngào: “Các…em đi chân cứng đá mềm, nhà trường, khoa, tất cả các thầy cô, cán bộ công nhân viên và các bạn sinh viên ở lại dõi theo từng bước đi của các em, chờ các em ngày chiến thắng trở về!”
Sao thân thương đến thế mà cũng oai hùng đến thế! Nhớ trường lớp, nhớ bè bạn, thầy cô đến nao lòng nhưng không một ai trong đám sinh viên chúng tôi tỏ ra chùn bước. Chúng tôi đã ra trận!
Đoàn huấn luyện tân binh ở Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn đón chúng tôi về một xóm nhỏ bìa rừng. Một sáng mùa thu 1972, chúng tôi từ giã chiếc áo trắng sinh viên để khoác lên mình bộ quân phục, tập hợp trên khoảnh đất mới được san phẳng đầu rừng, “ra mắt” đại đội mới: C12 – D4 – Đoàn 22A – QK4. Bắt đầu từ đó ngày nào cũng hát vang khúc quân hành: “Vừng đông đã hửng sáng…”; “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”…
Mấy tháng luyện quân ở rừng núi Nghĩa Thuận chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng có lẽ gần hai trăm sinh viên nhập ngũ khoá ấy sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời mình từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi bỏ lại sau lưng lớp học đại học của thời kì sơ tán với hầm, hào, lán, luỹ; với những bữa cơm sinh viên ở nhà ăn tập thể không thể giản đơn hơn; với những chiều dưới gốc đa làng nơi sơ tán túm tụm tán chuyện vui, cười rung cả lá; với những bước chân thong thả bên người bạn gái ngày mới làm quen…Để rồi bước vào quãng đời làm lính, gắn bó với chiếc ba lô và cây súng trên vai, lấp lánh ngôi sao trước mũ, đi về phía trước…
Ai biết được ngày về? Ai sẽ ngã xuống? (Đã ra trận không thể nào không có). (Các bạn! Những đồng đội thân yêu của tôi ở đây, – nói riêng với đồng đội C20 dịp về Hà Tran). Ngày ấy chúng tôi đã không hề tính toán. Những chàng trai mười tám, đôi mươi bấy giờ chỉ biết nhìn về phía trước, “Chiến trường còn gọi ta còn hành quân xa…” Tôi cùng các bạn đã sát cánh bên nhau, dâng trọn những năm tháng đẹp nhất của đời mình cho đất nước. Không vui sao được! Không tự hào sao được! Chúng ta đã sống xứng đáng với cha ông, với nhân dân của một dân tộc không chịu làm nô lệ. Ngày tôi đi chiến trường, bố tôi viết thư cho tôi và bảo: “Bố mẹ thương con lắm! Con là đứa con trai yêu quí nhất. Và bố có một niềm tin sắt đá rằng: Con Trai bố không bao giờ hèn nhát”. Đấy! sau lưng chúng tôi khi ấy có một “hậu phương” như vậy! cả nước ta như vậy! Chúng tôi đã được sống những ngày rất đẹp.
Mấy tháng huấn luyện tân binh nhanh chóng trôi qua. Những chàng sinh viên dáng dấp thư sinh đã trở thành những chiến binh cứng cáp. Ở tiểu đội tôi có hai thằng khoẻ mạnh là Lê Quang Phương và Đỗ Xuân Ngôn cứ trông như là mấy thằng lính Đức. “Đổ mồ hôi ở thao trường để không đổ máu ở chiến trường”. Tất cả lũ lính sinh viên chúng tôi học nhanh và nắm chắc các bài tập chiến thuật và điều lệnh quân đội. Mười lời thề danh dự đã thuộc làu. “Khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”. Lên đường! Những ngày qua, gian lao thật, vất vả thật nhưng chỉ là tập trận. Giờ mới là lúc ra trận. Cả đại đội được phân ra nhiều ngã. Lại một cuộc chia li mới, cuộc chia li của những người đồng đội từng huấn luyện với nhau, giờ mỗi người một nơi đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi may mắn lại trở thành không may mắn nhất: Là một trong những người đầu tiên BCH đại đội gọi lên nhận nhiệm vụ mới, tôi được lấy đi học lớp quân lực tại trung đoàn. Tôi nói không may mắn vì tôi không thích làm “lính cậu” mà chỉ muốn được “ra trận” thực thụ, về đơn vị chiến đấu như bọn thằng Sơn, thằng Ngôn, thằng Phương, thằng Ngọc…trở thành lính trinh sát của F341 anh hùng. Chúng nó may mắn được ở với nhau cho đến tận khi kết thúc chiến tranh, lại được cùng nhau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 30/4 còn rủ nhau đến hiệu ảnh giữa Sài Gòn chớp những bức ảnh vai khoác súng, ngực ưỡn ra cho rõ cái phù hiệu “Quân quản thành phố” để rồi sau này khoe với người yêu “chiến tích”, ngày trở về trường.
Học xong lớp quân lực, tôi cùng mấy đứa nữa được điều về Quân khu để đi thành lập một trung đoàn trực thuộc mới – Trung đoàn 79, tiền thân của lữ đoàn công binh Hải Vân sau này. Trung đoàn bộ lúc ấy thiếu người nhiều nên Tôi và Hoàng Mạnh Truật phải “bỏ nghề” Quân lực sang làm Quân nhu. Còn một tên nữa cùng về 79 là Nguyễn Minh Khâm thì được bố trí làm quản lí của E bộ. Đấy là những ngày buồn chán nhất trong đời lính của tôi. Cũng là tại tôi “hơi khác”, “ngu ngơ”, nhiễm cái tinh thần Paven Coocsaghin hơi nặng, chỉ một mực muốn hành quân “ra trận”. Nếu ở vào bây giờ, một thằng lính tân binh như tôi bỗng được nhấc làm quân nhu Trung đoàn có lẽ thế nào cũng có người cho là con cháu của một “ông to” nào đó. Nắm trong tay kho Quân nhu Trung đoàn thời chiến có đủ cả “thượng vàng hạ cám” nhưng lấy một vài gói bột giải khát hay vài miếng lương khô tôi cũng tự yêu cầu làm phiếu xuất hẳn hoi. Truật thì đã đành, nó là con một sĩ quan vừa hi sinh, có thể người ta ưu ái. Còn tôi chỉ là lính trơn chẳng là gì cả mà cứ điều quanh quẩn trong E bộ: Lúc Quân lực, khi Quân nhu, lúc lại suýt về “Đội tuyên truyền văn hoá” của Trung đoàn.
Truật quê ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, học lớp 12 B với cô Cẩm Nam xinh đẹp, bạn của Thanh Tùng, hoa khôi khoá ấy. Tôi còn nhớ chuyện này: Có một lần bố Cẩm Nam là một cán bộ quân đội “có quân hàm”, đi chiếc xe com-măng-ca ghé thăm con gái ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu. Hôm ấy khoa đang có việc gì đó tập trung cả mấy khoá ở cái sân vận động lớn. Cha con Cẩm Nam chỉ gặp nhau ít phút rồi chia tay. Tiễn bố lên xe, Cẩm Nam đón nhận một nụ hôn ấm áp của ông lên trán. Giữa cái sân rộng nên rất nhiều người được chứng kiến. Tiếng một nam sinh hình như từ phía khoá 11 thốt lên: “Ôi! Ông ấy sướng thật…” Cả đám người cười vang.
Tính Truật hiền lành, chu đáo. Trong số bạn bè ở trường cùng nhập ngũ, hắn ở với tôi lâu nhất và có lẽ vì thế mà có nhiều kỉ niệm chung nhất. Tôi không bao giờ quên, một chiều mùa đông u ám, Truật nhận thư nhà báo tin người cha thân yêu của mình đã ngã xuống ở chiến trường Miền Nam. Hắn ôm lấy bức thư vào ngực gục xuống, hai vai rung lên bần bật. Tôi chẳng biết làm gì hơn, ngồi xuống bên bạn, nhìn hắn khóc. Những giọt nước mắt đã lâu lắm không chảy, ướt nhoà khuôn mặt hiền hậu. Dĩ nhiên thời bấy giờ Truật cũng chỉ âm thầm nhận tin sét đánh từ gia đình như vậy và khóc một mình bên một người bạn là tôi. Thời chiến, Bộ Đội không có phép! Ôi…chiến tranh!
(Còn nữa, Các bạn đón đọc kì sau tôi đăng trên trang cá nhân NTN)

Hình ảnh một buổi tiễn đưa Sinh viên Trường ĐHSP Vinh lên đường nhập ngũ, 1972


Top of Form
Bottom of Form


8 tháng 12, 2018

Dòng sông tuổi thơ


Tác giả Nguyễn Trung Ngọc

Nhà thơ Tế Hanh đã viết về “Bầy chim non bơi lội trên sông” thật hồn nhiên, trong trẻo. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì hát rằng “cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới…” Con sông quê trong tôi cũng vậy: đầy ắp kỉ niệm như dòng nước của sông, dạt dào cảm xúc như phù sa đôi bờ mỗi năm đón bốn, năm trận lụt. Tôi là con nhà nghèo, nên kỉ niệm với sông cũng như với cánh đồng quê trước hết là những gì gắn với công việc của một thằng bé phải làm lụng từ khi còn rất nhỏ. Nếu trên cánh đồng hợp tác có bóng dáng “quang dài quét đất” thì với dòng sông, mãi trong kí ức chẳng bao giờ phai hình ảnh những đêm trăng hè thằng bé con là tôi quay trở trên mui thuyền giúp bố đang bì bõm dưới nước móc dây, kéo tay cái kích do ông sáng chế để đưa những cây gỗ to như con trâu, dài cả chục mét, từ bùn sâu lên áp vào mạn thuyền rồi chở sang bến mới (Chuyện đã kể ở trước). Dưới trăng con thuyền được đeo bên sườn hai cây gỗ lớn rẽ nước lướt đi trông hệt như một chiếc thuỷ phi cơ vậy. Nhiều bữa về đêm, bến không có người, cả hai bố con tôi trần truồng để nhảy lên xuống giữa sông với thuyền cho tiện, nhìn vui không chịu được.
Lặn lội với sông nước từ nhỏ nên tôi khá thạo việc chống, chèo thuyền. Một buổi chiều, khi ấy tôi là một anh bộ đội, đi qua bến đò ở Mai Hoá, Quảng Bình. Thấy bà lái đò tuổi cũng đã cao, chèo thuyền cả ngày đã thấm mệt, tôi nhảy lên bước thẳng tới chỗ mái chèo: “Mạ để con chèo cho!” và tôi cầm lấy mái chèo đưa con đò rẽ nước lướt sang bên kia bờ sông Gianh, cập bến một cách nhẹ nhàng trước sự ngạc nhiên của gần khoảng hai mươi người khách sang sông. Chẳng biết có mấy cô gái Quảng Bình cùng qua chuyến đò hôm đó có “xao xuyến” chút nào với anh bộ đội ấy không. Có lẽ người đi trên chuyến đò hôm đó ngạc nhiên vì thấy anh bộ đội cầm lái còn rất trẻ, da dẻ trắng mịn, lại có vẻ…đẹp trai nữa, mà chèo đò chẳng kém gì chủ thuyền. Năm đó tôi là sinh viên mới nhập ngũ được đâu sáu tháng. Xuống thuyền, tôi chào mạ, xốc lại khẩu AK khoác sau lưng rồi bước thẳng theo đường 12 đi lên hướng Minh Hoá. Phía sau nghe loáng thoáng mấy người dân đang nói gì đó về “Anh bộ đội”.
Bây giờ về làng, nhìn “con sông tuổi thơ” tôi chỉ muốn khóc. “Công nghiệp hoá” đã biến dòng nước trong xanh chảy từ sông La vào thành một dải lụa rách có màu hồng - đen trông thật đáng sợ. Nước thải của cả làng đổ xuống đây…chỉ nghĩ rằng nhỡ rơi xuống sông đã thấy ớn vì mất vệ sinh, nói gì đến chuyện “tung tăng bơi lội” nữa. Vậy mà con sông này xưa chính là nguồn nước sạch cung cấp cho cả làng. Đã bao nhiêu lần mẹ bảo tôi tranh thủ lúc sáng sớm, khi nước sông còn sạch nhất, xuống Bến Con (*) gánh nước về đổ đầy chum dùng cho việc nấu nướng cả tuần. Những khi thuỷ triều lên, nước dâng ngập tận bậc đá cao nhất được xây ở Bến Con, ngập cả bờ cỏ lác bên biền. Dòng sông lúc đó có màu xanh lam của sông La, sông Lam, nhìn sạch sẽ và mát mẻ vô cùng. Thực ra nước sông quê tôi chính là nước sông La được dẫn vào qua cống Trung Lương ở xã Đức Hồng. Nó là con sông đào đã có từ rất lâu. Vào thế kỉ XV, nghĩa quân Lam Sơn đã cho đào sông này để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Minh rồi sau đó là phục vụ dân sinh cho cả một vùng dân cư Hạ Đức rộng lớn (Vùng dưới của Đức Thọ).      Đoạn chảy qua làng tôi, sông có ba bến đều gắn bó với tôi như cái ngõ nhà hay bậc thềm trước cửa. Đấy là Bến Cầu, Bến Con và Bến Nậy. Nhưng Bến Nậy mới là bến sông “ruột thịt” với tôi nhất. Bên bờ con sông quê, xưởng mộc Bình Quang chiếm cả một khoảng đất khá rộng. Bến Nậy là cái bến dùng cho những người thợ mộc sau một ngày làm việc  xuống tắm rửa. Đó cũng là nơi được khoét vào trong đất liền một cái vũng to dùng làm nơi tập kết gỗ đưa từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố về chưa kịp chế biến.
Khi vừa đủ sức chạy lon ton từ làng trên xuống xóm dưới, vào mùa nắng nóng ngày nào tôi cũng phải hoàn thành một nhiệm vụ được giao là khi nghe kẻng tan tầm của Bình Quang thì tự mình xuống bến sông gặp bố để tắm táp cho sạch sẽ. Mẹ tôi không bao giờ chịu để cho lũ con hôi hám, bẩn thỉu. Bà là người nổi tiếng trong làng về sự ngăn nắp, gọn gàng. Bố tôi bơi rất giỏi. Ông nói với tôi, hồi còn trai trẻ vẫn thường cùng đám trai làng thi nhau bơi từ Bến cưa ra tận Đò Trai rồi quay về mà không nghỉ. Từ bến sông làng tôi ra đến Đò Trai dài chừng một cây số. Năm ông khoảng bốn lăm tuổi, có lần tôi hỏi: “Giờ cậu còn bơi ra tận Đò Trai được nữa không?” Ông cười: “Cậu bơi dưới nước cứ như đi trên cạn vậy, khi nào muốn dừng thì dừng thôi, chẳng thấy mỏi gì cả”. Ông Chắt Lệ người trong làng còn kể với tôi rằng, Thời dưới chính quyền Bảo hộ Pháp, có lần thi chạy việt dã, ông còn đạt giải nhất toàn tỉnh. Bơi là môn hỗ trợ cho việc học võ của Bố tôi. Ông nói: môn thể dục này giúp luyện sức bền cho một võ sĩ quyền anh rất tốt. (Thời trai trẻ ông chơi Quyền Anh rất khá. Tôi sẽ dành riêng một thiên viết về bố và sẽ quay lại chuyện này sau). Vì thế bốn anh em nhà tôi ai cũng biết bơi từ tuổi thiếu nhi, kể cả cô em gái Nguyễn Thị Lam. Không thế thì vào năm trước đây, khi cả nhà đi du lịch, có thể tôi đã mất đứa cháu nội của mình.
(còn nữa)


7 tháng 12, 2018

Điếu văn Tổng thống Bush Con tiễn biệt Bush Cha


Rất nhiều bài học trong bài điếu văn tiễn biệt Cha – cố Tổng thống George H.W. Bush – đầy tiếng cười và nhiều nước mắt của cựu Tổng thống Bush Con. Những bài học làm người, bài học làm công dân, bài học làm lãnh đạo, bài học làm chồng, bài học làm cha, bài học làm ông và cả bài học làm con (Hương Giang)
————   .
HTS: Xin hãy đọc chậm và kĩ.

“Các vị Khách quý, các vị Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, các viên chức chính phủ, viên chức nước ngoài, và bạn bè thân quý. Jeb, Neil, Marvin, Doro, và tôi cùng gia đình thân quyến chân thành cám ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây cùng chúng tôi.
Tôi có lần nghe người ta nói về con người, “Ý là chết trẻ càng trễ càng tốt.” (Nhiều tiếng cười vang lên).
Ở tuổi 85, một thú vui của cố Tổng thống George H. W. Bush là đề máy chiếc thuyền Fidelity, khởi động những động cơ gấp ba lần 300 mã lực để phóng, bay một cách vui vẻ qua Atlantic với thuyền Mật vụ đang căng thẳng theo sau.  
Ở tuổi 90, cố Tổng thống George H. W. Bush nhảy dù từ phi cơ, đáp xuống Nhà thờ St. Ann bên bờ biển ở Kennebunkport, tiểu bang Maine – nơi mẹ ông kết hôn và nơi ông vẫn thường đi lễ. Mẹ vẫn đùa, bảo bố chọn nơi đó phòng khi dù không bung. (Tiếng cười vang lên.)  
Ở tuổi 90, ông phấn chấn vui mừng khi bạn thân James A. Baker giấm giúi đem vào bệnh viện một chai vodka Grey Goose. Rõ ràng, chai rượu quá tốt với món bò steak mà Morton giao cho Baker. (Tiếng cười rộ lên)
Cho đến những ngày cuối đời, bố vẫn hướng dẫn con cháu. Khi về già, ông dạy chúng tôi sống có tuổi với phẩm cách, hài hước và tử tế như thế nào, và đến khi Chúa gọi thì can đảm gặp Ngài với niềm vui trong lời hứa của những gì phía trước.


Một lý do Bố biết chết trẻ như thế nào là do ông gần chạm tay vào đó, hai lần. Khi còn thiếu niên, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn gần như lấy đi mạng sống của ông. Vài năm sau, khi một mình trên chiếc bè lênh đênh trên Thái Bình Dương, ông cầu nguyện được người ta đến cứu trước khi bị kẻ thù tìm thấy.
Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện này, không những thế, Ngài có những dự tính khác cho  George H.W. Bush. Đối với bố, tôi nghĩ, những vết bầm tím của cái chết đã khiến ông trân quý món quà cuộc sống. Chính vì vậy, ông thề sẽ sống hết mình mỗi ngày.
Bố luôn luôn bận rộn –  một người đàn ông chuyển động không ngừng – nhưng ông chưa bao giờ quá  bận rộn chia sẻ tình yêu cuộc sống với những người chung quanh. Ông dạy chúng tôi yêu thích thiên nhiên, ông thích nhìn chó chọc ghẹo bầy chim. Ông yêu thích thả cá vược khó bắt. Và khi phải gắn liền với xe lăn, ông vui khi được ngồi trước hiên sau nhà tại Walker’s Point, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Đại Tây Dương. Đường chân trời trước mắt ông thật tươi sáng và tràn đầy hy vọng. Bố quả thật là một người rất lạc quan, và niềm lạc quan đó đã dẫn dắt con cái, và giúp mỗi một chúng tôi tin rằng, bất cứ điều gì đều có thể làm được.
Bố vẫn thường mở rộng những chân trời của mình với những quyết định can đảm. Ông ấy là nhà ái quốc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tạm gác đại học sang một bên để trở thành phi công chiến đấu Hải quân khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Giống như nhiều người trong cùng thế hệ, ông chưa bao giờ nói về thời gian quân ngũ cho đến trở thành nhân vật của công chúng, buộc ông phải nhắc đến. Chúng tôi được biết về cuộc tấn công ở Chichi Jima, hoàn thành nhiệm vụ, và bị bắn rơi. Chúng tôi được biết về cái chết của những đồng đội của bố, những người ông suốt đời giữ trong tâm tưởng, và chúng tôi biết về chuyện ông được cứu như thế nào.
Và rồi, một quyết định táo bạo khác, bố đưa gia đình trẻ của mình đang thoải mái ở bờ Đông dọn sang Odessa, Texas. Bố mẹ nhanh chóng thích nghi với môi trường cằn cỗi. Bố là người dễ chịu, ông tử tế, kết láng giềng với những phụ nữ mà bố mẹ và tôi dùng chung phòng tắm trong một căn duplex nhỏ, thậm chí ngay cả khi ông biết công việc của họ – những nữ hoàng bóng đêm. (Tiếng cười rộ lên)
Bố là người biết đồng cảm, có thể cảm thông với bất cứ ai trong mọi tất cả tầng lớp xã hội. Ông ấy không hoài nghi, ông biết tìm điểm tốt trong mỗi con người, và vẫn thường tìm thấy.
Bố dạy chúng tôi rằng, phục vụ công chúng cao quý và cần thiết, và một người có thể phục vụ với liêm chính và gìn giữ những giá trị quan trọng, như niềm tin và gia đình. Ông ấy tin mãnh liệt rằng, điều quan trọng là phải đền đáp cộng đồng và quốc gia nơi mỗi người sinh sống. Bố nhận ra rằng, tâm hồn sẽ luôn phong phú  khi chúng ta cho ra, khi phục vụ những người khác. Chính vì vậy, ông ấy toả sáng nhất trong một ngàn điểm sáng.
Trong thành công, bố không dành hết điểm. Khi thất bại, ông gánh vác trách nhiệm. Ông chấp nhận thất bại là một phần của việc sống một cuộc đời trọn vẹn, nhưng bố dạy chúng tôi không bao giờ để thất bại đánh gục. Ông cho chúng tôi thấy, những trở ngại có thể tăng thêm sức mạnh như thế nào.
Không có nỗi thất vọng nào của ông có thể so sánh với thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời một con người, đó là sự mất mát đứa con. Jeb và tôi còn quá nhỏ để có  thể nhớ nỗi đau đớn mà bố mẹ trải qua khi em gái 3 tuổi của chúng tôi qua đời. Sau này chúng tôi mới biết, bố cầu nguyện cho em mỗi ngày. Ông gắng gượng được là nhờ tình yêu của Đấng Toàn năng, và tình yêu đích thực và bền bỉ của mẹ chúng tôi. Bố luôn tin, một ngày nào đó, ông sẽ lại được ôm con gái Robin yêu quý.
Bố thích cười, đặc biệt là cười nhạo bản thân. Ông có thể trêu ghẹo và châm chích ai đó, nhưng không bao giờ mạ lị. Ông xem những câu nói đùa hay rất quan trọng. Đó là lý do ông chọn Simpson. (Tiếng cười rộ lên). Có một nhóm bạn bè thân thích mà ông vẫn thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đùa trên email. Hệ thống chấm điểm chất lượng của truyện cười mang tính rất George Bush. 7 – 8 điểm rất hiếm và được xem là người thắng lớn, nhưng hầu hết chúng không có màu sắc. (Tiếng cười).
George Bush biết làm bạn trung thành và đích thực như thế nào. Ông vinh danh và nuôi dưỡng nhiều tình bạn bằng sự rộng lượng và tâm hồn cho ra. Có rất nhiều thư viết tay, động viên, khích lệ, cảm thông hay cám ơn bạn bè và người thân.
Bố là người có khả năng phi thường trong việc đóng góp bản thân mà không mong báo đáp. Nhiều người sẽ nói với các bạn rằng, bố tôi là cố vấn, là một người cha tinh thần trong cuộc đời họ. Ông biết lắng nghe và biết an ủi. Ông là bạn của Don Rhodes, Taylor Blanton, Jim Nantz, Arnold Schwarzenegger, và có lẽ, không giống như những người khác, ông làm bạn với người đã đánh bại ông, Bill Clinton. Anh em chúng tôi xem những người đàn ông trong nhóm bạn này là “anh em khác mẹ.” (Tiếng cười.)
Bố dạy chúng tôi, không nên bỏ phí dù một ngày. Ông chơi golf với tốc độ đáng nể. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao bố khăng khăng chơi golf tốc độ, ông đánh golf rất giỏi. Kết luận của tôi là, ông chơi nhanh, vì vậy có thể chuyển sang trận khác, tận hưởng thời gian còn lại trong ngày, tiêu hao năng lượng, sống hết mình. Ông được sinh ra với hai trạng thái: vắt kiệt sức, rồi ngủ. (Tiếng cười).
Bố dạy chúng tôi làm người cha, làm ông, làm ông cố tốt có ý nghĩa gì. Ông rất cứng trong những nguyên tắc riêng và luôn hỗ trợ khi chúng tôi bắt đầu trưởng thành. Ông khích lệ, động viên và an ủi nhưng không bao giờ mách nước. Chúng tôi thử sự kiên nhẫn của ông – tôi biết mình từng thử (Tiếng cười) – nhưng ông bao giờ cũng đáp lại với món quà tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện.
Thứ Sáu tuần trước, khi được báo ông đang lâm chung, tôi gọi điện đến. Người nhận điện thoại bảo, “Tôi nghĩ ông ấy có thể nghe được ông, nhưng hầu như cả ngày không nói tiếng nào. Tôi bảo, “Bố à, con yêu bố lắm, và bố là người cha tuyệt vời nhất trên đời.” Và câu nói cuối cùng của ông trên trái đất này là, “Bố cũng yêu con!”
Đối với chúng tôi, bố gần như hoàn hảo, nhưng không phải hoàn hảo tuyệt đối. Game của bố ồn ào, (tiếng cười) ông không giống như vũ công, ca sĩ Fred Astaire trên sàn nhảy, (tiếng cười) ông không thể tiêu hoá rau, đặc biệt là broccoli, (tiếng cười). Và nhân tiện, ông ấy truyền gen này sang cho chúng tôi (tiếng cười).
Cuối cùng, mỗi ngày trong cuộc hôn nhân 73 năm, Bố dạy chúng tôi làm một người chồng tuyệt vời có ý nghĩa như thế nào. Ông ấy kết hôn với nửa của mình, ông trân trọng mẹ, ông cười và khóc cùng với bà, ông dành trọn vẹn cho bà.
Khi tuổi xế chiều, Bố thích nắm tay mẹ khi xem các loạt phim truyền hình cảnh sát chiếu lại, vặn âm thanh lớn (cười). Sau khi mẹ qua đời, Bố mạnh mẽ nhưng ông chỉ muốn được nắm tay mẹ lại.
Tất nhiên, Bố dạy tôi một bài học đặc biệt khác. Ông cho tôi thấy ý nghĩa của việc làm Tổng thống, phục vụ quốc gia với liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào quốc gia. Khi lịch sử được viết thành sách, họ sẽ bảo rằng, George H.W. Bush là vị Tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ, một nhà ngoại giao chưa từng có, một vị Tổng Tư lệnh có thành tựu to lớn, và một người đàn ông lịch lãm thực thi nhiệm vụ với tư cách phẩm giá và danh dự.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống 41 của Hoa Kỳ nói rằng, ‘Chúng ta không thể hy vọng chỉ để lại cho con chiếc xe to hơn, một trương mục ngân hàng lớn hơn. Chúng ta phải hy vọng cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn khi anh ta tìm đến. Chúng ta muốn những người đàn ông, những phụ nữ làm việc với chúng ta nói gì khi chúng ta không còn ở đó nữa? Rằng chúng ta hướng tới thành công hơn bất cứ hai chung quanh? Hay, chúng ta dừng lại hỏi thăm một đứa trẻ bị bệnh đã khoẻ chưa, và ghé một chút để trao đổi vài câu thăm hỏi bạn bè?’
Bố à, chúng con sẽ ghi nhớ lời bố, nhớ tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa!
Chúng con sẽ nhớ Bố. Tấm lòng lịch sự, chân thành, và tốt bụng của bố sẽ ở lại với chúng con mãi mãi. Chính vì vậy, qua nước mắt, hãy cho chúng con nhìn thấy phước lành khi được làm con của Bố và yêu thương Bố  – một người đàn ông cao quý và tuyệt vời, và người cha tốt nhất trên đời.
Và trong niềm thương tiếc, đau buồn, hãy để chúng con mỉm cười khi biết Bố đang ôm Robin và đang nắm tay mẹ!”  


6 tháng 12, 2018

Tuổi thơ với làng quê cổ kính.

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc


2. Đi về đâu? Đường lớn đã mở


Khi cơn giông bão cải cách hết làm rung chuyển, cái làng quê cổ kính Thái yên ngỡ ngàng nhưng không hề dè dặt, bước những bước đi khác trước. Rồi người ta cũng nguôi dần, quên dần những gì đã xảy ra vì ai cũng cần phải sống. “Sửa sai” xong, cũng như bao vùng khác, làng quê tôi chuyển mình bước vào một thời kì mới: Làn sóng hợp tác hoá dào lên khắp làng trên xóm dưới. Những cụm từ mới “tổ đổi công”, “đội sản xuất” dần xuất hiện. Làng Thái Yên hình thành ba Hợp tác xã: Bình Hà, Bình Định và Bình Tiến. (Những cái tên này đến nay vẫn còn được giữ, tuy nội dung bên trong của nó đã ít nhiều thay đổi. Ví dụ, xưa có ba Ban quản trị và rất nhiều đội sản xuất thì nay không còn nữa…)
Hàng ngày, mọi người ra đồng đi làm theo tiếng kẻng của bà đội trưởng. Người chỉ huy mới không phải là những điền chủ, những “Lão nông tri điền” xưa nữa mà là những đảng viên của chi bộ, những người đã “Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Một chiến dịch làm thuỷ lợi để “thay trời, đổi đất” được phát động để phá bỏ sự cát cứ ruộng đất, tạo nên những cánh đồng chung hợp tác, thẳng cánh cò bay, nhìn tít tắp tận chân trời. Cơ chừng “Thiên đường Chủ nghĩa xã hội” đang đến rất gần! Thanh thiếu niên trong làng nô nức theo tiếng gọi của “Anh chủ nhiệm”, lập thành những đội xung kích, cũng “ra trận” trên những cánh đồng hợp tác. Tôi học lớp năm thì bắt đầu được tham gia đi làm thuỷ lợi. Mỗi ngày đi làm được tính nửa công. Nghĩa là bằng ½ người lớn. Đào đất suốt ngày rất mệt, nhưng được ghi công cho gia đình để rồi đến vụ gặt được “điều hoà” thêm mấy chục cân thóc, đứa trẻ biết thương cha mẹ nào mà chẳng sướng. Hơn nữa đi làm ở đội, có các bác, các dì, các chị, các anh và bạn bè cùng lứa chẳng vui như ngày hội đó sao. Nhiều hôm được tham gia cùng mấy anh chị thanh niên đến tuổi trêu nhau, ném lén đất bùn làm lấm lem cả mặt mày trông thật ngộ và vui không kể hết. Lại có mấy chị tuổi mười tám, đôi mươi bị nghịch ướt sũng toàn thân, hằn rõ cả “sức xuân” dưới làn áo mỏng…Mấy đứa con nít chúng tôi còn thấy nao nao, nói gì các anh cùng lứa.
Lịch sử sau này đã chứng minh, hợp tác hoá là một chủ trương đã làm cho nông nghiệp nước ta không sao “cất cánh” được. Tâm lí ngàn đời “cha chung không ai khóc” lại trở lại thế chỗ cho chút khí thế xốc nổi thời kì đầu hợp tác hoá nông nghiệp. Nhất là khi chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nổ ra, trai tráng trong làng lần lượt lên đường, lực lượng lao động của các đội sản xuất cứ nhỏ dần, nhỏ dần…Ông Kim Ngọc đã đúng, cả nước không thể không giải tán hợp tác xã để “khoán” trong nông nghiệp, mà thực chất là trả lại con trâu, cái cày và mảnh ruộng để người nông dân được thoát khỏi sự trói buộc của chủ nghĩa tập thể không hề phù hợp trong sản xuất và phân phối sản phẩm.
Dẫu sao, khí thế Xô Viết của mấy năm “Hợp tác hoá” đã làm cho hệ thống mương máng thuỷ lợi trở nên thuận lợi tưới tiêu hơn; Đồng ruộng được qui hoạch lại để trở nên bằng phẳng, rộng rãi hơn; Các nghĩa trang rải rác khắp đồng làng được qui tập lại, trở nên sạch – đẹp hơn nhiều. Ở cánh đồng trên, dân làng tôi gọi là đồng cao, sau kì cải tạo trở thành một vùng đất rộng rãi, tuy vẫn nứt nẻ, khô cằn nhưng rất tiện lợi cho bọn trẻ chúng tôi chạy thả diều, đá bóng và đánh trận giả trong dịp hè. Những ngày không đến trường, tôi thường được mẹ giao cho công việc đi nhặt phân trâu để gom dần đóng vào hợp tác lấy điểm. Tuổi nhỏ, quang gánh dài, nhiều hôm “tha” được gánh phân về đến nhà tôi thở cả ra tai. Vì thế đường ngoài đồng được uốn chỉnh cho dễ đi lại là một may mắn bội phần cho những đứa trẻ như tôi. Khi học đến bài thơ của Tố Hữu có câu: “Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay”, tôi tự nghĩ: có lẽ mấy chữ “gánh nặng đường xa” bọn học sinh thành phố không thể thấu hiểu bằng tôi được. Tôi đã cảm được “gánh nặng đường xa”, và cả gập ghềnh nữa, ngay từ khi mới mười một, mười hai tuổi.      
Làng tôi từ thuở nào đã có hai nghề: Nghề nông và nghề mộc. Và có thể, “Nhà Thánh Thợ” của Thái Yên xuất phát từ nghề thợ mộc. Nhà tôi vì thế có hai thành phần trong một gia đình: Bố tôi là công nhân, ăn gạo sổ; còn mẹ và mấy anh em tôi sống nhờ những hạt lúa của đồng quê hợp tác. Đàn ông của làng Thái Yên hầu hết theo nghề làm mộc. Nếu tính nghề phụ của làng thời kì hợp tác thì có thể coi bố tôi cũng là một “Ông tổ” quan trọng. Sau nhiều năm của tuổi thanh niên bôn ba sang Thái Lan, Lào, rồi cả làm cho Pháp trong nước, lại đi kháng chiến ở Việt Bắc vài năm, ông trở về làng xây dựng HTX mộc Bình Quang trong vai trò Chủ nhiệm. Xưởng mộc Bình Quang với “giám đốc” Năm Thu (Tên thường gọi của bố tôi, tên thật của ông là Nguyễn Trọng Thu) phát triển nhanh chóng, ảnh hưởng rộng ra toàn tỉnh Hà Tĩnh.
 Tôi còn nhớ rất rõ, những năm ấy bố tôi thường xuyên vắng nhà. Ông hay đi Hà Nội rồi đi Vinh, đến những nhà máy lớn tìm hiểu, đặt mua máy móc, thiết bị nhằm cải tiến bằng được công cụ sản xuất của xưởng mình. Có thời gian bố tôi đi nhiều đến nỗi mỗi khi thấy ông về là tôi mừng khôn xiết. Không phải mừng vì có quà cáp gì  mà  mừng vì đêm được ngủ với bố, cắt được cơn sợ ma hằng đêm phải ngủ một mình ở nhà ngoài, không được ngủ với mẹ và em ở trong buồng. Ở nhà quê thời ấy bọn trẻ chúng tôi phải chịu nỗi sợ hãi vì cái nạn nhát ma đến gầy cả người. Thời gian ở nhà, nhiều đêm tôi thấy Bố gần như thức trắng ngồi trăn trở với những bản vẽ, những thiết kế mới về máy móc của xưởng. Nhiều khi, có lẽ sướng quá vì một sáng kiến mới đang hình thành trên giấy, ông say sưa trình bày cả với đứa con nhỏ là tôi kế hoạch ngày mai sẽ bắt đầu dựng một cỗ máy mới. Tôi còn nhớ, một hôm Bố đi làm về muộn, cả nhà phải chờ cơm. Vừa bước vào nhà, ông lắc đầu liên hồi, xúc động kể với mẹ con tôi: “Cậu vừa chết hụt, sáng nay cho chạy thử chiếc máy liên hoàn vừa làm xong, mình tính toán sai một chút, thanh gỗ bị lưỡi cưa cuốn theo bay sượt qua mang tai như một cây lao, chỉ tí nữa thì xong rồi… Cũng may là máy chạy thí điểm, tự mình điều khiển máy chứ không dám để công nhân làm”. Hồi này Bố tôi đang sáng chế một chiếc máy liên hoàn vừa dùng để rọc gỗ, lượn cong, vừa đục lỗ, làm mộng; sau lần đầu thất bại, ông chỉnh sửa và trở thành chiếc máy đem lại một năng suất vượt trội trong sản xuất.
Với thành tích đó cùng nhiều sáng kiến khác, năm đó bố tôi đươc đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lần đầu tiên tôi được nghe nói về cảnh đẹp vịnh Hạ Long chính là cái năm Bố đi dự Đại hội rồi được đi tham quan về kể lại, khoảng năm 1964 gì đó. Năm sau, có một hôm, mẹ tôi kéo thằng con cả là tôi vào lòng nói chuyện như nói với người lớn: “Trên người ta nhủ cậu làm hồ sơ để xét phong Anh hùng lao động mà cậu không chịu làm, chỉ nói với mự: Mình làm việc cho tốt là được rồi, anh hùng anh hiếc gì… Cậu mi gàn lắm!” Sau này lớn lên tôi càng hiểu bố hơn: Ông là người không màng gì đến danh lợi. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Có lần ông còn nói với tôi: “Ngọc này! Trong tỉnh định điều cậu vào làm ở ty công nghiệp, làm phó ty. Con muốn cậu đi hay ở nhà?” Ông hỏi vậy để tham khảo thêm từ một đứa con nhỏ còn trong đầu chắc đã có chủ kiến. Chỉ thấy ông vẫn ở quê, vẫn làm chủ nhiệm Bình Quang cho mãi đến năm cả nhà tôi rời Thái Yên lên miền Tây Hà Tĩnh.
Không thích được vinh danh nhưng rất trọng lẽ công bằng. Một lần, tôi thấy bố có vẻ rất giận, nói với tôi: “Có chuyện này Cậu nhất định phải làm”. Rồi tôi thấy ông viết đơn thật: Đơn khiếu nại phòng giao thông huyện ĐT đã lấy cắp bản quyền sáng chế một chiếc máy kích của ông đem tham gia triển lãm công nghiệp tỉnh và đoạt giải nhất. Về sau trong tỉnh vẫn nghe đồn mãi về chuyện này. Bố tôi cũng chẳng làm gì to chuyện khi những người “lỡ sai” đã biết nhận lỗi. Chiếc máy kích này là một công cụ dùng để trợ lực hết sức hiệu quả, bố tôi “Nghĩ ra” để di chuyển cả một bãi gỗ lớn từ Bến cưa đi nơi khác. Chả là lúc bấy giờ, vì việc cần phải làm lại xưởng cưa gỗ, đưa việc xẻ gỗ bằng tay của những người thợ xẻ sang xẻ máy công nghiệp. Có một công việc tưởng chừng như không thể làm được vì quá phiền phức và khó khăn là chuyển một khối lượng gỗ lớn từ bến cũ về nơi mới cách đó chừng năm trăm mét. Trong Ban quản trị nhiều người không đồng tình vì cho rằng đấy là việc không thể. Bố tôi đảm nhận trước Hợp tác với một lí lẽ đơn giản: “Không thể cứ còng lưng kéo cưa mãi được, phải đưa máy móc vào, phải giải phóng sức lao động, thay đổi cách làm ăn”. Chính vì thế mà ông đã đi rất nhiều nơi để học hỏi, để làm theo những điển hình tiên tiến. Ông đã nghĩ ra chiếc kích đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Một mình ông với sự phụ giúp của tôi, sau một thời gian không lâu đã chuyển được toàn bộ bãi gỗ khổng lồ từ Bến cưa sang nơi mới. Chiếc kích ấy khi Phòng giao thông ĐT lấy để triển lãm được thuyết minh là một công cụ trợ lực cải tiến dùng để kéo cả những dầm cầu nặng bắc qua sông một cách nhẹ nhàng, thay cho cả hàng chục người lực lưỡng.
(Còn nữa)




Chuyện cũ nhớ lại

Tác giả: Nguyễn Trung Ngọc

NTN: Có thể đây chỉ là những chuyện rất riêng của tôi, không liên quan gì đến ai…Nhưng là những chuyện thật, chuyện “trần trụi”, không bơm, không tô vẽ gì thêm nên biết đâu bạn bè, người thân lại thích đọc bởi một lí do nào đó. Vì thế tôi đăng lên trang cá nhân của mình như một lời tâm sự, một khúc tâm tình của một Ông Đồ đã về làng.
Xin mượn mấy câu thơ của một Người Thầy đáng kính để dẫn nhập câu chuyện:
“Điều chắc chắn là con không hèn hạ
Lượm rác đời làm giá hư vinh
Mót ti tiện bơm lên thành nghĩa cả
Kìa trời xanh con thả cánh diều lên”

1. Sự biến Cải cách ruộng đất.
         
Những người cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc đánh đổ tầng lớp xã hội giàu có, “có máu mặt” nhất lúc bấy giờ: Địa chủ. Đây là lực lượng đang nắm giữ TLSX và cũng là của cải xã hội chủ yếu. Họ có sức mạnh lớn nhưng đã phải chịu thua trước sự trỗi dậy của người nghèo dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tôi sinh ra trong thời kì này, không biết gì về cải cách. Chỉ khi lớn lên mới được bố tôi, chưa hết bàng hoàng sau sự kiện “long trời lở đất”, kể lại cho tôi bao nhiêu chuyện của những năm kinh hoàng ấy, dù tôi mới chỉ là một đứa bé. Bố tôi là đảng viên nhưng là con “cường hào” (Ông Nội tôi trước có làm Lí gì đấy tuy đã mất từ lâu, khi Bố tôi chưa đầy 5 tuổi), không thuộc “thành phần cơ bản”, nên chẳng có “vai vế” gì trong cải cách. Mẹ tôi kể, một lần cả xóm tập trung đấu tố trên một lô đất trống đầu làng. Mấy “ông đội” và hệ thống “rễ, chuỗi” ít hiểu biết làm mưa làm gió, hô hoán người nghèo hành lên hạ xuống lôi ra bằng được những “tên bóc lột ghê tởm” của làng. Thấy “ghê sợ” quá (Chữ dùng của Bố tôi), Bố tôi đứng dậy. Mẹ tôi ngồi bên cuống quýt giật áo Bố, nhưng không kịp nữa rồi...Không nén nổi bức xúc, Bố tôi nói liền một mạch, cho rằng đội làm thế là không công bằng, bà con đấu tố thế là oan cho nhiều người, chúng ta cần bình tĩnh soi xét kĩ lưỡng, chờ ý kiến của trên, tránh sai lầm có thể mắc phải…
          Ông đội phó chỉ đạo buổi đấu tố hôm đó gần như nhảy ra khỏi bàn, chỉ thẳng vào Bố tôi: “Quốc dân đảng! Quốc dân đảng! Phản động chính hiệu! Giám bênh vực địa chủ, phá hoại công cuộc cải cách của toàn đảng, toàn dân. Trên đã quán triệt, phải đấu tranh triệt hết những phần tử chống đảng, chống nhân dân”. Thế là bố tôi bị kết tội là “phần tử chống đối cải cách” và được đưa đi với hai “rễ chuỗi” cốt cán của đội cải cách áp giải là 2 anh cố nông trong làng mà theo lời kể của mẹ, tôi cứ hình dung rất giống với Chí Phèo, Binh Chức – nhân vật trong tác phẩm Nam Cao. Ông bị đưa lên huyện tạm giam để “xem xét”. Nhưng chỉ một tuần sau thì Bố tôi được thả về. Có lẽ những người đảng trên huyện cũng thừa thấy lòng trung thành đến mức tội nghiệp của những người như ông.
         Sau này, nhiều lần tôi hỏi lại Bố: “Nhưng hồi đó Bố là Đảng viên cơ mà?”. Bố tôi chỉ lắc đầu: “Quả tình Bố cũng không sao hiểu được sao lại có một thời kì loạn li như vậy nữa. Có lúc Bố đã nghi ngờ có một lực lượng nào khác đang phá hoại Đảng”. Tôi cười thử Ông: “Thế Bố không giận Đảng à?” Ông hơi buồn nhưng lời nói vẫn đầy đức tin: “Đảng không sai đâu con! Chỉ là mấy người làm bậy thôi mà!” Lớp Đảng viên như Bố tôi, vào Đảng trong thời kì giành chính quyền, bắt đầu “Chín năm kháng chiến”, lòng tin vào Đảng gần như không thể có gì lay chuyển.
          Làng Thái Yên quê tôi nằm trên dải đồng đất chiêm trũng cuối huyện Đức Thọ tiếp giáp với Can Lộc. Nhìn về phía Đông năm cây số là dãy Hồng Lĩnh xanh cao xen đôi vùng núi trọc với những tảng đá lô nhô như có đàn voi đang nằm nghiêng bên sườn đồi cỏ. Lớn lên thấy núi Hồng thật thơ mộng và hiền hoà nhưng trong kí ức tuổi thơ tôi, ngàn Hống là nơi ma thiêng nước độc rất đáng sợ: Cửa Trẹm với muông thú đầy đàn. Sáng sớm khi mặt trời từ sau biển Đông nhô lên chiếu những tia nắng kì ảo xuyên qua kẻ lá, thường có những đàn khỉ đông cả trăm con đu cành hú hét. Chúng biết trêu cả các bà các chị lên núi sớm hái củi; Bãi Vọt xưa là cả một vùng đất bạc màu cằn cỗi chỉ có cây Vọt mọc nổi trên vùng đất hoang thành bãi. Nước trong động Khe Máng chảy ra có màu trong đen rất sợ; Sườn bên đông là đất Công Khánh trồng được sắn khoai, thời cải cách chính quyền dùng làm nơi cải tạo – lưu đày nhiều địa chủ.
Bố tôi kể lại rằng: Làng tôi có một Địa chủ cỡ lớn cũng bị giam giữ nơi này. Đó là Ông quan Hàn Nguyễn Minh Châu. Dân làng quen gọi là Ông Hàn Châu và nhắc tới Ông như một người đặc biệt, đáng nể sợ. Tôi còn nhớ rất rõ nhiều câu chuyện Bố tôi kể về Ông Hàn này (Vì sao gọi là “Hàn” thì tôi cũng mơ hồ, hình như ông được triều đình phong sắc Hàn lâm…gì gì đấy). Từ thời nảo thời nào, Cụ Hàn đã bỏ tiền riêng của mình làm được nhiều việc lớn cho làng mà mãi tận ngày nay nhà nước ta mới phát động các vùng nông thôn làm được. Mấy chữ ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM Cụ làm chỉ thiếu cái chữ đầu (Điện) vì thời bấy giờ là chưa thể còn thì Cụ đã mua đá từ đâu về lát toàn bộ đường đi lối lại trong làng làm cho “giao thông nông thôn” làng tôi hơn hẳn cả vùng. Trong khi những làng cạnh bên vào mùa mưa phải xắn quần trượt trên những lối đi chung với trâu bò bị xéo nát thì dân Thái Yên ung dung gõ guốc trên nền đường lát đá tảng được nước mưa dội rửa cho sạch bóng. Ai từng biết làng tôi thời kì này hẳn không quên những “con đường Thái Yên” vừa nói. Các tuyến đường đó mãi tận những năm 70 của thế kỉ trước, khi ở nông thôn bắt đầu biết dùng xe đạp nhiều lên thì người ta mới thay dần bằng đường rải sỏi biên hoà cho thuận tiện đi lại.
Không biết Cụ Hàn Châu có được ai lãnh đạo không mà chuyện học hành của con trẻ trong làng cũng được Cụ chăm lo đến lạ: Hết chuyện làm đường Ông lại bỏ tiền xây cất một ngôi trường cả huyện cũng khó đâu sánh được. Trường xây kiểu nhà Tây: Mái lợp ngói Tây; Tường dày cả 2 hai gang tay; Cửa hai lớp trong kính ngoài chớp; Hành lang phía trước rộng cả 4 – 5 mét…Tôi bắt đầu đi học thì đây là ngôi trường đầu tiên. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ thế hệ như tôi sinh ra ở cái làng cổ kính quê tôi phải nói thế này mới công bằng: Ơn Cụ Hàn! Những bước đi ban đầu của chúng con nhờ nhiều vào những đồng tiền hào phóng của Cụ! Thật thế, suốt cả bốn năm cấp một tôi tung tăng đến lớp với khăn quàng đỏ trên vai dưới chế độ mới là tung tăng dưới mái trường do chính Cụ Hàn Châu tự bỏ tiền xây cất để tặng làng mà thật ra cho tận đến nay, sau hơn nửa thế kỉ, học sinh tiểu học nhiều nơi chưa chắc đã có. Bốn năm đầu đời đi học tại đây, đã bao lần tôi được hưởng niềm sung sướng của đứa trẻ con đứng dưới cờ nhận sự tuyên dương của nhà trường vì thành tích học tập mà ấn tượng nhất là năm cuối cấp được công nhận học sinh giỏi toàn tỉnh cùng một bạn trong lớp là Nguyễn Minh Đường, cháu chắt trong dòng họ Cụ Hàn Nguyễn Minh Châu. Đường sau này lớn lên cùng cả nhà ra Hà Nội, nghe đâu về sau trở thành giám đốc, tổng giám đốc trong một ngành gì đó. Chúng tôi chơi thân với nhau ở tuổi tiểu học nhưng lớn lên Đường ra Hà Nội còn tôi cũng rời quê nên không còn biết nhiều về nhau nữa. Chơi với Đường tôi sướng nhất là bố hắn dạy cấp 3, nhà có một tủ sách với đầy những cuốn mà tôi thấy là như mèo thấy mỡ. Đó là Tây Du kí, Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Những người khốn khổ…Đường mở trộm tủ bố cho tôi mượn đọc dần cả kho sách nhà nó. Những sách thành bộ như Tam quốc diễn nghĩa hắn chỉ cho tôi mượn từng tập, mỗi tập một vài hôm, đọc xong mới được mượn tiếp với lời dặn đi dặn lại: Không được để quăn mép một tờ nào, bố tao mà biết ông giết…Nhiều bữa bận đi học, bận việc mẹ giao, tôi phải vừa thổi cơm vừa tranh thủ đọc bên bếp lửa cho kịp hạn trả lại Đường. Khổ nhất là có lần Bố tôi thấy con say sưa với sách mới hỏi : “Sách gì vậy con?” Tôi trả lời nhanh: “Sách Tam quốc bố ạ!” Bố tôi lại gần: “Tam quốc nào, Tam quốc diễn nghĩa ấy à?” Tôi vẫn không rời mắt khỏi sách vừa “dạ” khá dõng dạc vì tưởng được bố khen. Ai dè ông bước lại cầm lấy sách trong tay tôi: “Ai cho con đọc sách này! Sử nước nhà chưa biết, lại lo đi đọc sử Tàu. Thôi đi, con hãy đọc hết sách nước mình đã rồi đến những thứ này!” Và ông cấm tôi thật…Thế là tôi phải đối phó bằng cách trốn lên gác rơm chuồng trâu nhà bà Huân bên cạnh vào những giờ có thể để ngốn cho hết những bộ sách bị cấm kỵ đang dở nghiện này. Phải nói cái lứa học trò bọn tôi thuở đó ham đọc sách vô cùng. Gần nhà tôi hồi đó còn có 2 thằng bạn là Nguyễn Đăng Phát và Trần Mạnh Hoan cũng say sách mê mệt. Chúng nó mà thấy tôi mượn được sách là thế nào cũng đòi đọc chung. Có hôm ba cái đầu cùng chụm lại đến tận khi trời tối mịt để cùng ngấu nghiến cho xong một hồi trong “Thuỷ hử”: “Quận Hoành Hải Sài Tiến tiếp khách / Núi Cảnh dương Võ Tòng đánh hổ”. Nếu nói “văn hoá đọc” rất cần thì có thể hồi đó lũ chúng tôi cũng đã góp nhặt được khá nhiều. Không như các cháu tôi bây giờ, nó không đọc sách nữa. Tuy nhiên, chơi game, chơi điện thoại thì mới 5 tuổi chúng đã là thầy của ông. Thậm chí còn sớm hơn thế nữa: Cháu nội tôi 4 tuổi chưa biết chữ mà không hiểu sao biết tự tải về những bản nhạc nó thích rồi tự đứng uốn mình nhảy theo nhịp điệu trong chiếc điện thoại phát ra. Mà nó làm nhanh chóng, chính xác như bộ đội Cụ Hồ xưa thực hiện điều lệnh vậy!
          Cái xóm đầu làng của tôi là mảnh đất phát về sự học văn hay sao ấy: Cả tôi và hai thằng bạn cùng xóm Phát, Hoan sau này cùng vào lớp Năng khiếu văn của tỉnh Hà Tĩnh rồi hai đứa kia cùng đi học trường Đại học tổng hợp Lô-mô-nô-xôp ở Liên Xô, còn tôi ở lại với “Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết”(*). Phát học xong về làm tại TTXVN ở Hà Nội, Hoan theo ngành luật trong quân đội, mới ngoài 30, đang là thượng tá, trưởng ban điều tra của Bộ tư lệnh QK4 thì đột ngột qua đời. Nhưng, cả với 2 thằng bạn này, tôi cũng chỉ gần gũi, học hành với chúng đến đầu năm cấp 3 (THPT) mà thôi. Năm 1968, chiến tranh quá ác liệt. Bố tôi sợ mất con nên đã chuyển tôi khỏi trường cấp 3 Trần Phú, nơi có "lớp đặc biệt văn" của tỉnh lúc bấy giờ để lên học với một trường cấp 3 Đức Thọ nơi sơ tán.

Trở lại chuyện Cụ Hàn Châu. Sau những gì Cụ để lại cho con em trong làng về việc học hành, túi tiền của Cụ còn được dốc ra xây tiếp một Nhà thương rộng rãi, chỉnh tề nhất để chữa bệnh cho dân làng. Khi tôi lớn lên đã thấy toà Nhà thương này đứng sừng sững trên một khu đất rộng cuối làng từ bao giờ theo kiểu kiến trúc cũng mang hơi hướng Pháp với những hành lang rộng có vòm cuốn ở trên. Góc trước Nhà thương là một cái giếng to, sâu được đào để lấy nước phục vụ cho bệnh nhân và y sĩ. Mãi tận sau này giếng vẫn tồn tại và dân làng vẫn ra đây lấy nước vì mọi người nói rằng nước giếng Nhà thương Cụ Hàn Châu rất ngọt. Sau này, thời chính quyền nhân dân, Nhà thương này biến thành khu trạm xá của xã, chung cho hai làng Thái Yên và Thanh Lạng. Nhưng, cho đến hôm nay, khi nói về nơi này dân làng vẫn quen gọi Nhà thương Cụ Hàn hơn là Trạm xá xã.
          Còn một đóng góp khác của Cụ Hàn Châu cho làng nữa: Từ thời xa xưa ấy Cụ đã cho làm một “đường dẫn thuỷ” để đưa nước về tận khu đồng cao, khắc phục việc thiếu nước cho cả một cánh đồng thường xuyên bị hạn hán không trồng trọt được. Ngày nay công trình thuỷ lợi này vẫn còn vết tích. Những người hiểu biết trong vùng ai cũng gật gù bái phục tầm nhìn của ông địa chủ Thái Yên này. 
          Như vậy, qua bao thăng trầm, dấu tích để lại của Địa chủ Nguyễn Minh Châu với làng Thái Yên vẫn còn ba công trình quý giá : Trường Mầm non Thái Yên được tôn tạo từ ngôi trường cũ; Trạm xá xã Thái Yên xây dựng lại trên cơ sở Nhà thương cũ do Ông Hàn Châu kiến thiết và mương dẫn nước  nhằm đưa nước về đồng cao, dân làng gọi là “Thuỷ quan” (Quan Hàn Châu). Chỉ có Đường làng là đã bê tông hoá cho phù hợp với phương tiện giao thông mới nên không còn dấu vết xưa.
          Có điều này cũng cần được nói thêm: Những công trình để lại cho đời ấy Cụ Hàn không hề yêu cầu phải được mang tên Cụ giống với nhiều người trong thời đại mới chúng ta. Chỉ là các thế hệ người làng biết công đức của Cụ Hàn nên truyền cho nhau biết đấy là đường Cụ làm, đấy là trường Cụ xây, đấy là Nhà thương Cụ đã kiến thiết hay đấy là mương nước Cụ đã cho đào!
          Còn nhiều chuyện về địa chủ Nguyễn Minh Châu người Thái Yên vẫn truyền kể lại sau này. Ví như ông là người chống mê tín dị đoan rất kịch liệt. Một năm nọ, làng tổ chức rước kiệu, đưa các vị thần ra khỏi đền “vi hành” một vòng quanh làng. Lễ xong, thần ứng nghiệm nhập vào một trung niên hay cầu cúng trong làng. Anh này nhảy lên kiệu, ngồi lắc lư, uốn éo và chỉ tay ra lệnh cho đám người được bố trí làm phu kiệu bắt đầu một hành trình hết sức kì lạ. Họ không đi trên đường với những bước đi bình thường, vững chắc như vốn có mà khi thì chạy ào xuống ruộng lóp ngóp khiêng kiệu giữa vũng nước, khi lại leo bừa lên những gò đống cạnh đường đầy những cây cọc, đất đá ngổn ngang khiến cho nhiều bàn chân trầy da toé máu. Tóm lại, dòng người rước kiệu đông như kiến cứ nhốn nháo, nghiêng ngả di chuyển từ xóm dưới đến làng trên trong tiếng kèn trống vang động cả một vùng, theo sự chỉ dẫn của “thần” đang ngồi chễm chệ trên kiệu. Đám đông phấn khích bám theo ngày càng đông. Những bộ mặt vừa hãnh diện vì được bước đi trong đám rước “thần”, vừa tỏ ra rất lạ lùng vì đường đi của thần tiên không giống với người trần: nơi nào thần cũng có thể đi, dù là băng qua mương nước hay giẫm lên đống gạch đá, mảnh chai…máu chảy ròng ròng.  Giữa khi đang là đỉnh điểm của sự “lên đồng”, bỗng Cụ Hàn xuất hiện với cái gậy ba-toong quen thuộc trên tay. Cụ đi nhanh lên phía trước đoàn người, đến chỗ tốp người khiêng kiệu đang bước những bước xiêu vẹo kiểu quỷ thần. Chặn đoàn rước kiệu lại, Cụ cầm gậy chỉ thẳng lên vị thần (ông đồng) đang ngồi trên kiệu hét to: “Xin thần nghe tôi nói đây! Đã là thần linh thì phải chỉnh tề, đứng đắn, đi đứng có lối có đường. Thần gì lại cứ ngả nghiêng, uốn éo như con đĩ! Thần có tử tế thì dân làng rước trở lại đền, còn như thần không nghe lời tôi thì xuống mà tự đi lấy.” Rồi Cụ huơ gậy mấy vòng chỉ vào đám phu kiệu: “Còn chúng mày! Liệu hồn đi đứng cho nghiêm chỉnh, thằng nào còn nhún nhảy, vật vã không đi đúng đường, đúng lối tao đập gãy chân ngay!” Sau những lời đanh thép của Cụ Hàn, thần (ông đồng) bỗng ngồi lại ngay ngắn trên kiệu không dám ra oai chỉ trỏ bừa bãi nữa. Còn đám người khiêng kiệu thì cứ thẳng lưng mà khiêng, thẳng đường mà đi vì ai cũng sợ ăn gậy của Cụ Hàn. Dân làng nhiều người có sợ “thần” thật nhưng còn sợ Quan Hàn hơn. Đối tượng như bố tôi thì được một bữa cười khoái trá. Đám rước kiệu của làng hôm đó, sau “sự kiện” Ông Hàn Châu can thiệp, rẽ một bước ngoặt căn bản. Còn chuyện đúng sai đến nay vẫn còn khối người chưa chịu.
          Nghe câu chuyện này của làng mình tôi cứ nghĩ đến chuyện Tây Môn Báo trong Sử kí Tư Mã Thiên.
          Thời Nguỵ Văn hầu, Tây Môn Báo làm lệnh doãn huyện Nghiệp. Báo họp các bô lão, hỏi xem dân khổ vì nỗi gì. Các bô lão nói: Khổ vì chuyện Hà bá cưới vợ. Quan tam lão huyện Nghiệp và thầy Đô lại hằng năm thu thuế của dân có cả mấy trăm vạn, rồi bỏ ra hai, ba mươi vạn cưới vợ cho Hà Bá, còn bao nhiêu chia nhau bỏ túi với bọn thầy cúng, cô đồng. Bọn cô đồng đi lùng con gái các nhà nghèo hèn, thấy cô nào có nhan sắc thì bảo đáng mặt làm vợ Hà Bá, rồi cưới liền tay. Cô gái được tắm gội sạch sẽ, được may quần áo bằng thứ the lụa mỏng và được để ở riêng ra một nơi ăn chay giữ giới. Rồi họ để “cô dâu” ngồi lên giường mà thả xuống Hoàng Hà. Chiếc giường chìm dần, mang theo cả cô gái xuống với Hà Bá.
          Những nhà có con gái đẹp sợ bọn thầy cúng, cô đồng chọn con mình, phải đem con đi trốn. Trong thành ngày một thưa dân và dân tình ngày thêm nghèo khổ. Cái tục cưới vợ cho Hà Bá đó đã có từ lâu lắm. Dân gian có câu rằng: “Nếu không cưới vợ cho Hà Bá, thì nước sông Hà sẽ dâng lên, làm chết hết dân”. Tây Môn Báo nghe vậy liền bảo: “Khi nào cưới vợ cho Hà Bá, xin tam lão, thầy cúng, cô đồng và các bô lão hễ đưa cô gái ra bờ sông Hà, thì nhớ báo cho tôi biết, tôi cũng đi đưa”.
          Đúng ngày đã định, Tây Môn Báo đến bờ sông Hà, hội họp với mọi người. Các tam lão, lại thuộc, hào trưởng, bô lão đều đến đông đủ, cùng với dân chúng đến xem có tới hai, ba ngàn người. Cô đồng là mụ gái già đã bảy mươi tuổi. Bọn đệ tử gái tuỳ tòng có đến mươi người. Tây Môn Báo truyền: “Gọi vợ Hà Bá lại đây xem xấu đẹp thế nào”. Tức thì cô gái trong màn bước ra, tới trước mặt quan lệnh doãn. Báo nhìn cô gái bảo rằng: “Cô này không đẹp, xin phiền cô đồng cả xuống báo cho Hà Bá biết rằng còn phải tìm một cô đẹp hơn thay thế, ngày mai sẽ nộp”. Lập tức ra lệnh cho đám lại tốt ôm cô đồng cả quăng ra giữa sông. Một lát sau, Báo nói: “Sao cô đồng cả đi lâu vậy, các đệ tử gái xuống tìm đi, mau lên!” Đám lại tốt lại ôm một cô đệ tử liệng ra giữa dòng. Một lát sau Báo lại nói: “Cô đệ tử đi sao cũng lâu vậy? Cho một cô nữa đi tìm, mau lên!”. Một cô đệ tử thứ hai được liệng tiếp xuống sông. Rồi Tây Môn Báo nói: “Cô đồng cả và các đệ tử cô đều là đàn bà con gái không trình bày nổi câu chuyện. Xin phiền tam lão xuống trình bày giúp. Lại liệng một tam lão xuống sông. Tây Môn Báo quay mặt về phía sông, đứng đợi hồi lâu. Các bô lão lại thuộc và mọi người đứng xem đều sợ khiếp vía. Tây Môn Báo quay lại bảo: “Cô đồng cả và viên tam lão đều chẳng thấy về, làm thế nào bây giờ?” Và muốn sai một viên lại thuộc và một vị hào trưởng xuống sông đi tìm. Bọn này dập đầu xin tha. Tây Môn Báo bảo: “Thì đợi thêm chút nữa”. Một lát sau Báo nói: “Thầy thừa đứng lên! Xem cái điệu này, Hà Bá lưu khách lâu quá, thôi cho bọn thầy về!”
          Dân chúng và lại thuộc huyện Nghiệp đều sợ hết vía, từ đó cạch không dám nói chuyện cưới vợ cho Hà Bá nữa.
          Tây Môn Báo huy động dân chúng đào mười hai con kênh, dẫn nước sông Hà vào ruộng, ruộng được tưới nước đầy đủ. Nhờ có công trình thuỷ lợi ấy, nhà nào nhà ấy đều được no đủ. Mười hai con kênh cắt ngang đường ngự đạo. Đến khi nhà Hán lên trị vì, quan trưởng lại cho là mười hai cái cầu trên mười hai con kênh cắt ngang đường ngự đạo gần nhau quá, không tiện. Ông định rút bớt một số cầu. Bô lão và dân chúng huyện Nghiệp không đồng ý, cho rằng đó là sự nghiệp của ngài Tây Môn, mà sự nghiệp đáng làm gương mẫu của một bậc hiền giả thì không nên sửa đổi. Rốt cuộc, quan trưởng phải nghe theo ý dân. Còn tiếng tăm Tây Môn Báo, lệnh doãn huyện Nghiệp, lẫy lừng khắp thiên hạ, ân huệ thấm nhuần đời sau…                                     
(Tôi đưa luôn câu chuyện về Tây Môn Báo trong sử kí Tư Mã Thiên hầu các bạn đọc cho tiện)
Có lẽ ở đâu và thời nào cũng vậy, “Thương dân, dân lập đền thờ / Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Cụ Hàn Châu của làng Thái Yên quê tôi sau hơn mấy chục năm chìm vào quên lãng thì sau chiến tranh chống Mĩ, một cán bộ quân đội từng sống và biết khá nhiều về Cụ là ông Nguyễn Đăng Đề, đã “chạy” tận Trung ương nhưng không phải là chạy chức, chạy quyền mà là xin được minh oan cho địa chủ Hàn Châu và công nhận liệt sĩ cho mười “liệt sĩ thật” nhưng do thất lạc hồ sơ nên có người hơn cả nửa thế kỉ nay không được ai biết đến. Đảng uỷ và chính quyền địa phương trước ý kiến xác đáng của anh Đề đã đồng ý vinh danh Cụ, đưa linh vị Cụ vào thờ ở Nhà Thánh làng, tôn làm bậc Thánh của Thái Yên. Làng tôi có tục, có lẽ cũng khá đặc biệt, là có một đền thờ của làng gọi là Nhà Thánh Thợ. Cứ ai trong làng nổi danh, đóng góp cho làng xứng đáng, đáng bậc thánh hiền sẽ có một vị trí để thờ trong Nhà Thánh này. Cách Nhà Thánh Thợ chừng hai trăm mét còn có một ngôi đền làng khá to và một ngôi chùa tầm trung là chùa Vạn Phúc. Cả ba ngôi đền – chùa này tạo nên một vùng đất thiêng mà bọn trẻ chúng tôi cứ nổi da gà mỗi lần đi qua dưới lùm cây rậm rạp. Thời kì Hợp tác hoá, đền biến thành kho HTX, rồi sau đó bị dỡ bỏ hai dãy nhà tả, hữu từ bao giờ không rõ. Tuổi thơ, dù sợ hãi, nhưng tôi vẫn cùng lũ bạn “phá phách” khu này khá nhiều: Lúc thì trèo lên tận ngọn cây đa cao lớn sau đền bắt tổ chim Cà cưỡng; khi leo lên gác chuông cổng Nhà Thánh để được nhìn ra xa phía cánh đồng tiếp giáp với xã Đức Thuỷ; lại có lúc giữa trưa mang chiếc nỏ với cả bó mũi tên, lục lọi từng lùm cây, tìm bắn mấy con cò hương hay đậu trong bờ rậm rạp.
Vậy là, ở Nhà Thánh của làng, người đã có nhiều công đức với dân – địa chủ Nguyễn Minh Châu, cuối cùng đã được thờ phụng một cách cung kính, đàng hoàng dưới chế độ cộng hoà – dân chủ với sự góp công rất lớn của một trung tá, chính uỷ về hưu. Anh Nguyễn Đăng Đề là cháu gọi bố tôi bằng cậu. Mẹ anh và bố tôi là con cô con cậu. Hai người đồng thời là bạn thân của nhau dù anh còn kém bố tôi hơn chục tuổi. Anh cũng là một đội viên thân tín của bố tôi trong đội du kích của làng mà bố tôi là chỉ huy, thời kì chống Pháp. Năm 1947, anh vào quân đội, trở thành một trong những người lính vệ quốc đầu tiên của làng. Anh Đề không hề có quan hệ họ hàng, bà con gì với Cụ Hàn Châu cả. Chỉ là thấy việc đáng làm thì anh làm. Ngày làm lễ rước linh vị Cụ Hàn Nguyễn Minh Châu ra Nhà Thánh của làng, Ông Nguyễn Minh Cần, có thời từng làm thông phán của Pháp, khóc mà nói với Anh Đề rằng: "Không có anh, Bố tôi mãi mãi phải ngậm oan nơi chín suối". Hiện anh Đề vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, ra Vinh sống với con, ở cách nhà tôi chỉ chừng nửa cây số. Để viết lại những dòng này tôi đã phải gặp anh hỏi thêm nhiều chi tiết. Anh là một nhân chứng rất đáng tin cậy.         
Tôi có Nhấn mạnh việc Cụ Hàn Châu được minh oan và vinh danh bởi trước đó tôi chưa nói rõ chuyện này: Nói là địa chủ lớn nhưng Cụ Hàn chưa thuộc hàng địa chủ lớn nhất của làng tôi. Trong cải cách tuy Cụ không bị xử tử hình nhưng bị đưa lên đày ở trên núi Hồng Lĩnh (Phần trên tôi đã đề cập đến chi tiết này). Nếu Cụ là người làng khác có khi đã bị xử bắn mấy lần. Bởi bấy giờ có qui định mỗi làng phải bình cho ra mấy địa chủ và theo tỉ lệ, cứ mấy địa chủ thì có một người phải bắn. Nên có những làng nghèo, địa chủ của họ có khi chưa bằng trung nông nơi khác. Cái sai lầm này trong cải cách ruộng đất nhiều người đã rõ. Cụ Hàn Châu khi bị đày lên núi tuổi đã cao. Sức già không chống chọi nổi với xứ ngàn Hống ma thiêng nước độc, Cụ chết trong cô đơn và đói rét. Mãi một thời gian sau, con trai Cụ Hàn là ông Nguyễn Minh Cần phát hiện xác Cụ đã thối rữa, mối đùn lên vùi lấp ở cái lỗ xí sau trại, mới gom lại và xin được chôn cất cho bố mình trên núi Hồng Lĩnh. Nhiều kẻ ác miệng được trang bị thêm tư tưởng thời cải cách còn xỉa xói: “Địa chủ bóc lột cho lắm, chết mất thây trên núi!”
Tôi đã nói, làng tôi là một làng quê cổ kính. Ngoài Cụ Hàn Châu điển hình cho lớp địa chủ có học, làng còn có nhiều gia đình giàu có khác mà thời kì cải cách đã sụp đổ hoàn toàn.
Gần nhà tôi, ở ngay đầu làng có một vuông đất hẹp. Được dựng lên trên đó là một hiệu cắt tóc bán di động. Chủ hiệu cắt tóc này là chú H, một người Miền Nam tập kết. Thời bé, hàng ngày tôi vẫn bế em ra quanh quẩn chơi ở đây. Nằm ở vị trí đầu làng nên chỗ này đông người qua lại rất vui. Đó là chưa kể khách đến hiệu cắt tóc của Chú H có thể nói là hơn hẳn những chỗ khác. Không hẳn vì chú cắt tóc đẹp mà là vì mọi người đến đây được nghe chú kể bao nhiêu chuyện hấp dẫn về Miền Nam, về vùng đất xa tít bên kia sông Bến Hải với vĩ tuyến mười bảy in đậm trong sử sách. Chú lại có giọng nói của người Quảng Trị nghe là lạ nữa. Trên vách nứa được thưng quanh cái “hiệu làm đầu đời cũ”này, chủ nhân của nó dùng vôi đề hai câu thơ mà câu trước và câu sau chẳng ăn nhập gì với nhau như người ta vẫn thường thấy ở những nơi “dân trí” thấp nhưng lại thích khoe chữ. Gần sáu mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ cả nét chữ viết ngoằn nghoèo trên vách:
    “Ở đây tai vách mạch rừng
      Quý khách hút thuốc xin đừng bẻ phên”
          Chú H tập kết ra Bắc, lúc đầu ở nhờ trong nhà thằng Phát bạn tôi (Nguyễn Đăng Phát – thằng bạn vẫn hay giành đọc Tam quốc, Thuỷ hử mà tôi đã nhắc đến ở phần trước). Bố Phát đi thoát li, nghe đâu có thời làm chủ tịch huyện Bố Trạch mãi trong Quảng Bình. Chắc là “gia đình cách mạng” nên nhà Phát được chọn làm nơi gửi thân của đồng bào Miền Nam tập kết.
          Nếu không có chuyện hàng tháng mẹ vẫn cho tôi mấy xu ra hiệu chú H cắt tóc, tôi đã không biết được bí mật này: Người chú khoẻ mạnh nhưng trên một bàn tay mất hẳn ngón trỏ. Một lần đi cắt tóc tôi mới chú ý và phát hiện điều này. Hồi đó lũ trẻ chúng tôi đã bắt đầu có những khái niệm như là “thương binh về làng”, “tập kết”…Tôi mới về hỏi bố: “ Cậu ơi! Chú H là thương binh à?” Bố tôi hỏi: “Sao con hỏi vậy?”. Tôi trả lời: “Con thấy chú cụt một ngón tay!” Bố tôi xuống giọng như sợ ai nghe thấy và lại gần tôi hơn: “Năm cải cách, chính tại nơi chú cắt tóc bây giờ ấy, khi đó là một gốc đa to đầu làng, đội cải cách dẫn địa chủ Nguyễn Trọng Tốc ra cánh đồng để hành quyết. Trước việc giết người, nhiều nông dân từng sống với địa chủ cũng thấy chùn tay. Chú H là thành phần “cốt cán”, là đội viên rất tích cực, đã trói ghì ông Trọng Tốc lại. Ông “địa chủ loại một” này chống cự, kêu oan liền bị chú H nhét dẻ vào miệng. Có lẽ là một phản xạ tự nhiên để chống lại kẻ đang cưỡng bức mình, ông cắn đứt luôn ngón tay đang đẩy nùi dẻ rách vào miệng mình. Câu chuyện là thế đấy, con!”                 
Tôi phải nói vòng vo một chút về cái hiệu cắt tóc vì muốn phản ánh rõ hơn công cuộc cải cách với những nhân vật của nó. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót rất nhiều: Sau này nhân vật trong hiệu cắt tóc ấy đã sống với gia đình mẹ nuôi ra sao, “bỏ quên” vợ con trong Nam thế nào…thôi thì chuyện ấy cũng đành “dằn lòng” thông cảm được.
 Địa chủ lớn nhất làng tôi cũng chưa phải là những người đã kể ở trên. Hồi bé tôi thường bế em đến nhà Bà ngoại. Đường đến nhà bà đi qua một chiếc cổng to hơn cả cổng làng. Mở hai cánh cổng bằng gỗ ra thấy cả một cái ngõ rộng, sâu hun hút, hai bên xây tường gạch, phía trên là những thanh sắt dài được uốn cong thành vòm cuốn nối nhau chạy mãi vào tận sân nhà. Đến nay chiếc cổng vẫn còn, đúng từ xa cũng thấy rõ giữa cái vòm cuốn chữ số 1941. Người khác thì không biết, còn tôi chẳng thấy chút “thành kiến địa chủ” nào mà chỉ thấy ngưỡng mộ một gia đình Nhà Nho yêu nước có tiếng khi về làng ngắm lại cái cổng này. Cả nhà có mấy anh em đều theo nhau hoạt động chống Pháp, chống lại cường quyền để giải phóng đất nước. 

 Đi hết cái ngõ dài, vượt qua khoảng sân gạch rộng là toà nhà hai tầng xây vào những năm đầu thập kỉ bốn mươi của thế kỉ trước. Nhà Phương Đông lai Tây. Thời thơ ấu, với tôi đây là toà nhà vào hàng hoành tráng nhất. Chủ nhân của toà nhà này là ông Nguyễn Trọng Cầu,  địa chủ, thầy thuốc Đông y rất uy tín và giàu có nhất làng. Ông Cầu có người em trai (hay anh trai, tôi không thật rõ) là Nguyễn Trọng Thốc (Đi hoạt động lấy tên là Nguyễn Tạo), tác giả cuốn “Chúng tôi vượt Ngục” và cuốn hồi kí nổi tiếng "Sống để hoạt động". Ông Nguyễn Tạo từng bị giam ở Hoả Lò và là một trong số bảy người tham gia "cuộc vượt ngục lừng danh năm 1932", trong đó có ông Nguyễn Lương Bằng. Một thời ông giữ chức bộ trưởng Nông – Lâm thì phải. Ông Nguyễn Trọng Tám, em trai thứ ông Cầu cũng là một cán bộ cách mạng lão thành của Thái Yên. Tôi có thằng bạn học hồi cấp hai con nhà cố nông nên ngày cải cách nhà nó được chia một gian phía sau của toà nhà to lớn ấy. Có lẽ đấy là một gian trong khu nhà bếp của ông Cầu. Đến nhà bạn chơi, tôi được thoả thích đá cầu, chọi gụ trong khu sân gạch rộng rãi ngày ấy nông dân có mơ cũng khó thấy.
Khi địa chủ Nguyễn Trọng Cầu được đưa vào danh sách tử hình thì cả nhà ông đã đi đâu rất xa, không còn bóng dáng ở làng. Nhiều năm sau, khi chuyện cải cách ruộng đất đã đi vào dĩ vãng thì người ta thấy ông Cầu xuất hiện cả trên báo chí. Gia đình ông ra sống ở Hà Nội. Ông trở thành một lương y thuộc hàng đầu trong cả nước. Nghe đồn rằng, chính ông là Bác sĩ Đông y đã chăm sóc sức khoẻ Hồ Chủ Tịch trong những ngày tháng cuối đời của Bác. Chỉ biết, khi ông mất báo chí lúc ấy đã đưa tin trang trọng.
Từ sau thời kì sửa sai, năm nào cũng thấy bà Cầu (vợ ông Nguyễn Trọng Cầu) từ Hà Nội về quê. Giờ thì không phải về thu tô thuế gì nữa. Cũng chẳng thấy ông bà đòi lại nhà cửa gì. Mấy gia đình cố nông được chia “của thực” thấy vẫn ung dung sống trong toà nhà của ông bà đại địa chủ ấy. Bà Cầu về quê chỉ vì một việc mà lũ trẻ chúng tôi rất mong đợi, đó là thu mua xác ve sầu để làm thuốc Bắc. Vì thế bà thường về vào cuối hè, khi mấy đứa “làm kinh tế nhạy bén” chúng tôi đã gom được cả một túi đầy xác ve để bán cho bà lấy mấy hào mua kem của mấy chú bán rao mang tận từ Vinh về. Không biết có phải vì “hết thời” nên bà Cầu đổi tính rồi không, chứ tôi thấy bà hiền khô, không “nanh ác”, “thâm hiểm” như nhiều người lớn nói. Khuôn mặt bà nhìn phúc hậu và bà mua bán với chúng tôi rất sòng phẳng, thỉnh thoảng còn thưởng thêm cho mấy xu. Năm nào bà không về, bọn trẻ chúng tôi phần buồn vì “hàng” của mình bị ế, phần cũng thấy nhớ bà.
Sau ông Cầu, làng tôi còn nhiều những địa chủ khác mà sự “ác bá” của họ, hồi cải cách tôi mới sinh chưa biết gì, còn khi lớn lên chỉ thấy con cháu họ nhìn chung đều giỏi giang và sống tử tế trong làng. Trong số đó có một Người Thầy đáng kính của tôi. Thầy là Nguyễn Trọng Tính, cháu ông địa chủ Năm Thái ở gần nhà Bà Ngoại tôi. Năm đầu lên cấp hai tôi học với Thầy. Lớp học là một cái lán nằm chìm vào lòng đất, xung quanh được bao bọc bởi một luỹ đất hầm chữ A để chống bom đạn trong những năm ác liệt của chiến tranh phá hoại. Chỉ dạy cấp hai nhưng Thầy rất giỏi, nói thạo tiếng Pháp, chữ đẹp, văn hay…Thời kì này người ta vẫn rất kì thị con nhà địa chủ nên tôi có cảm giác đồng nghiệp có vẻ né tránh Thầy. Tôi thì chỉ thấy Thầy hiền hậu, thông minh nên đi học chỉ mong đến giờ văn của Thầy. Nhớ có lần, năm ấy tôi học lớp năm, giờ trả bài tập làm văn, Thầy hỏi trước lớp: “Em nào là Nguyễn Trung Ngọc?” Tôi đứng dậy: “Dạ thưa thầy, em ạ!” Thầy lại hỏi: “Em con ai?” Tôi hơi ấp úng: “Dạ…con…Cậu Thu ạ!” Mặt Thầy có vẻ rạng lên: “A…con anh Thu, Năm Thu đúng không?” Thấy Thầy biết bố mình, tôi thoáng vui nhưng hổ thẹn đỏ mặt. Thầy chỉ gật gật đầu rồi cho tôi ngồi xuống và lấy tập bài làm phát cho cả lớp. Tôi sung sướng thấy bài văn của mình đạt điểm năm tuyệt đối (Hồi đó nhà trường chấm theo thang điểm 5). Về nhà, tôi kể lại chuyện trên lớp. Bố tôi cười: “Thầy Tính hồi trước học cùng trường Tây với Cậu, chỉ như cấp một các con bây giờ thôi nhưng trường của Pháp nó dạy kĩ lắm!”
Cái làng quê cổ kính cứ thế nâng bước tuổi thơ tôi cho đến tuổi mười bốn. Trong mười bốn năm ấy, nếu không có công cuộc “đánh địa chủ” làm chấn động dữ dội tâm tư của một người yêu đảng, yêu nước như bố tôi để rồi  dội vào tâm hồn thơ trẻ của tôi, nhen nhóm một ngọn lửa luôn bùng cháy để thiêu đốt những bất công sau này, thì có lẽ tôi đã là một đứa “bảo hoàng” đáng sợ. Có bố dẫn dắt, có những người thầy đáng kính dạy dỗ, có những trang sách cuốn hút…Tôi đã bước vào một thế giới bao la và ngộ ra biết bao điều mới mẻ.
Có lẽ nên nhắc thêm một chuyện này: Chéo góc nhà tôi, nằm sát bờ rào nhà Phát và ở ngay trước ngõ nhà Hoan (hai thằng bạn thiếu thời tôi đã kể ở phần trên) là nhà ông địa chủ Hương Sáu. Bị qui địa chủ nhưng ông là một nông dân chính hiệu, một người lao động tài giỏi, trong làng ít có ai sánh được. Thuở bé, tôi rất hay dắt em sang nhà ông xem những con cò, con diệc cao lêu khêu mùa bẫy chim chỉ ông bắt về được. Tôm cá dưới sông, ngoài đồng ông đi đánh bắt cũng thường được nhiều gấp hai ba người khác. Hồi hợp tác hoá, đội sản xuất luôn phải nhờ ông bắc mạ. Có tay ông gieo, mạ lên đều tăm tắp, ruộng mạ đến ngày nhổ cấy đẹp như một thảm lụa xanh, lượn thành một làn sóng dù là trước gió đông bắc mùa Đông hay gió nồm mùa hè đều thấy thật mơn mởn. Hình ảnh ấy cũng sống trong tôi cho đến tận bây giờ. Thế mà sau cải cách, không biết ai dạy cho mà khi mới ba bốn tuổi tôi đã biết chỉ tay vào ông Sáu mà kêu lên: “Ê! Địa chủ…Địa chủ…” Ông Sáu chỉ cúi đầu, vác cày và đuổi trâu ra đồng. Sau này lớn lên nghe mẹ kể tôi chỉ muốn khóc. Không biết ông Sáu nghĩ sao còn tôi thì xấu hổ muốn chui xuống đất. Tự tôi thấy mình đáng ăn chục cái tát.

Ông Hương Sáu có hai bà vợ. Bà cả đi ở với con làm bác sĩ và lấy vợ ngoài Vinh, thỉnh thoảng mới về nên tôi chỉ biết loáng thoáng. Bà hai người bên Đức Thuỷ, là một nông dân thực thụ. Hình ảnh bà đọng trong tôi là một người “đàn bà đời sơ” thường bận chiếc váy nâu sồng vận lên cao, đeo giỏ bên hông, tay cầm chiếc móc ra đồng bắt cua và ốc. Bà siêng năng, tần tảo quanh năm và làm nông cũng giỏi khó ai bì. Ông làm cho ba mẹ con bà một túp nhà tranh ở riêng phía vườn sau (Ông Sáu có hai con với bà). Mùa kéo tơ, anh em tôi thường vẫn dắt nhau sang nhà bà ngồi suốt buổi mải mê nhìn bà kéo kén quay tơ, cuộn thành những cuộn tươi vàng, óng ả. Thỉnh thoảng bà cho mỗi đứa một con nhộng tằm đã luộc chín, ăn ngon vô kể. Cuộc sống của “nhánh phụ” gia đình ông Hương Sáu không ồn ào, sôi động mà cứ bình dị, lặng lẽ, lầm lũi đi xuyên qua từng năm tháng, góp thêm sự “cổ kính” của làng tôi… 
(Còn nữa)

Dấu tích cổng nhà ông Nguyễn Trọng Cầu


Dãy nhà dài phía trong là nhà học chính của trường Mầm non Thái Yên ngày nay được tu sửa lại từ trường cấp I xưa do Cụ Hàn Châu xây cho con em trong làng.