6 tháng 12, 2018

Tuổi thơ với làng quê cổ kính.

Tác giả Nguyễn Trung Ngọc


2. Đi về đâu? Đường lớn đã mở


Khi cơn giông bão cải cách hết làm rung chuyển, cái làng quê cổ kính Thái yên ngỡ ngàng nhưng không hề dè dặt, bước những bước đi khác trước. Rồi người ta cũng nguôi dần, quên dần những gì đã xảy ra vì ai cũng cần phải sống. “Sửa sai” xong, cũng như bao vùng khác, làng quê tôi chuyển mình bước vào một thời kì mới: Làn sóng hợp tác hoá dào lên khắp làng trên xóm dưới. Những cụm từ mới “tổ đổi công”, “đội sản xuất” dần xuất hiện. Làng Thái Yên hình thành ba Hợp tác xã: Bình Hà, Bình Định và Bình Tiến. (Những cái tên này đến nay vẫn còn được giữ, tuy nội dung bên trong của nó đã ít nhiều thay đổi. Ví dụ, xưa có ba Ban quản trị và rất nhiều đội sản xuất thì nay không còn nữa…)
Hàng ngày, mọi người ra đồng đi làm theo tiếng kẻng của bà đội trưởng. Người chỉ huy mới không phải là những điền chủ, những “Lão nông tri điền” xưa nữa mà là những đảng viên của chi bộ, những người đã “Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Một chiến dịch làm thuỷ lợi để “thay trời, đổi đất” được phát động để phá bỏ sự cát cứ ruộng đất, tạo nên những cánh đồng chung hợp tác, thẳng cánh cò bay, nhìn tít tắp tận chân trời. Cơ chừng “Thiên đường Chủ nghĩa xã hội” đang đến rất gần! Thanh thiếu niên trong làng nô nức theo tiếng gọi của “Anh chủ nhiệm”, lập thành những đội xung kích, cũng “ra trận” trên những cánh đồng hợp tác. Tôi học lớp năm thì bắt đầu được tham gia đi làm thuỷ lợi. Mỗi ngày đi làm được tính nửa công. Nghĩa là bằng ½ người lớn. Đào đất suốt ngày rất mệt, nhưng được ghi công cho gia đình để rồi đến vụ gặt được “điều hoà” thêm mấy chục cân thóc, đứa trẻ biết thương cha mẹ nào mà chẳng sướng. Hơn nữa đi làm ở đội, có các bác, các dì, các chị, các anh và bạn bè cùng lứa chẳng vui như ngày hội đó sao. Nhiều hôm được tham gia cùng mấy anh chị thanh niên đến tuổi trêu nhau, ném lén đất bùn làm lấm lem cả mặt mày trông thật ngộ và vui không kể hết. Lại có mấy chị tuổi mười tám, đôi mươi bị nghịch ướt sũng toàn thân, hằn rõ cả “sức xuân” dưới làn áo mỏng…Mấy đứa con nít chúng tôi còn thấy nao nao, nói gì các anh cùng lứa.
Lịch sử sau này đã chứng minh, hợp tác hoá là một chủ trương đã làm cho nông nghiệp nước ta không sao “cất cánh” được. Tâm lí ngàn đời “cha chung không ai khóc” lại trở lại thế chỗ cho chút khí thế xốc nổi thời kì đầu hợp tác hoá nông nghiệp. Nhất là khi chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nổ ra, trai tráng trong làng lần lượt lên đường, lực lượng lao động của các đội sản xuất cứ nhỏ dần, nhỏ dần…Ông Kim Ngọc đã đúng, cả nước không thể không giải tán hợp tác xã để “khoán” trong nông nghiệp, mà thực chất là trả lại con trâu, cái cày và mảnh ruộng để người nông dân được thoát khỏi sự trói buộc của chủ nghĩa tập thể không hề phù hợp trong sản xuất và phân phối sản phẩm.
Dẫu sao, khí thế Xô Viết của mấy năm “Hợp tác hoá” đã làm cho hệ thống mương máng thuỷ lợi trở nên thuận lợi tưới tiêu hơn; Đồng ruộng được qui hoạch lại để trở nên bằng phẳng, rộng rãi hơn; Các nghĩa trang rải rác khắp đồng làng được qui tập lại, trở nên sạch – đẹp hơn nhiều. Ở cánh đồng trên, dân làng tôi gọi là đồng cao, sau kì cải tạo trở thành một vùng đất rộng rãi, tuy vẫn nứt nẻ, khô cằn nhưng rất tiện lợi cho bọn trẻ chúng tôi chạy thả diều, đá bóng và đánh trận giả trong dịp hè. Những ngày không đến trường, tôi thường được mẹ giao cho công việc đi nhặt phân trâu để gom dần đóng vào hợp tác lấy điểm. Tuổi nhỏ, quang gánh dài, nhiều hôm “tha” được gánh phân về đến nhà tôi thở cả ra tai. Vì thế đường ngoài đồng được uốn chỉnh cho dễ đi lại là một may mắn bội phần cho những đứa trẻ như tôi. Khi học đến bài thơ của Tố Hữu có câu: “Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay”, tôi tự nghĩ: có lẽ mấy chữ “gánh nặng đường xa” bọn học sinh thành phố không thể thấu hiểu bằng tôi được. Tôi đã cảm được “gánh nặng đường xa”, và cả gập ghềnh nữa, ngay từ khi mới mười một, mười hai tuổi.      
Làng tôi từ thuở nào đã có hai nghề: Nghề nông và nghề mộc. Và có thể, “Nhà Thánh Thợ” của Thái Yên xuất phát từ nghề thợ mộc. Nhà tôi vì thế có hai thành phần trong một gia đình: Bố tôi là công nhân, ăn gạo sổ; còn mẹ và mấy anh em tôi sống nhờ những hạt lúa của đồng quê hợp tác. Đàn ông của làng Thái Yên hầu hết theo nghề làm mộc. Nếu tính nghề phụ của làng thời kì hợp tác thì có thể coi bố tôi cũng là một “Ông tổ” quan trọng. Sau nhiều năm của tuổi thanh niên bôn ba sang Thái Lan, Lào, rồi cả làm cho Pháp trong nước, lại đi kháng chiến ở Việt Bắc vài năm, ông trở về làng xây dựng HTX mộc Bình Quang trong vai trò Chủ nhiệm. Xưởng mộc Bình Quang với “giám đốc” Năm Thu (Tên thường gọi của bố tôi, tên thật của ông là Nguyễn Trọng Thu) phát triển nhanh chóng, ảnh hưởng rộng ra toàn tỉnh Hà Tĩnh.
 Tôi còn nhớ rất rõ, những năm ấy bố tôi thường xuyên vắng nhà. Ông hay đi Hà Nội rồi đi Vinh, đến những nhà máy lớn tìm hiểu, đặt mua máy móc, thiết bị nhằm cải tiến bằng được công cụ sản xuất của xưởng mình. Có thời gian bố tôi đi nhiều đến nỗi mỗi khi thấy ông về là tôi mừng khôn xiết. Không phải mừng vì có quà cáp gì  mà  mừng vì đêm được ngủ với bố, cắt được cơn sợ ma hằng đêm phải ngủ một mình ở nhà ngoài, không được ngủ với mẹ và em ở trong buồng. Ở nhà quê thời ấy bọn trẻ chúng tôi phải chịu nỗi sợ hãi vì cái nạn nhát ma đến gầy cả người. Thời gian ở nhà, nhiều đêm tôi thấy Bố gần như thức trắng ngồi trăn trở với những bản vẽ, những thiết kế mới về máy móc của xưởng. Nhiều khi, có lẽ sướng quá vì một sáng kiến mới đang hình thành trên giấy, ông say sưa trình bày cả với đứa con nhỏ là tôi kế hoạch ngày mai sẽ bắt đầu dựng một cỗ máy mới. Tôi còn nhớ, một hôm Bố đi làm về muộn, cả nhà phải chờ cơm. Vừa bước vào nhà, ông lắc đầu liên hồi, xúc động kể với mẹ con tôi: “Cậu vừa chết hụt, sáng nay cho chạy thử chiếc máy liên hoàn vừa làm xong, mình tính toán sai một chút, thanh gỗ bị lưỡi cưa cuốn theo bay sượt qua mang tai như một cây lao, chỉ tí nữa thì xong rồi… Cũng may là máy chạy thí điểm, tự mình điều khiển máy chứ không dám để công nhân làm”. Hồi này Bố tôi đang sáng chế một chiếc máy liên hoàn vừa dùng để rọc gỗ, lượn cong, vừa đục lỗ, làm mộng; sau lần đầu thất bại, ông chỉnh sửa và trở thành chiếc máy đem lại một năng suất vượt trội trong sản xuất.
Với thành tích đó cùng nhiều sáng kiến khác, năm đó bố tôi đươc đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lần đầu tiên tôi được nghe nói về cảnh đẹp vịnh Hạ Long chính là cái năm Bố đi dự Đại hội rồi được đi tham quan về kể lại, khoảng năm 1964 gì đó. Năm sau, có một hôm, mẹ tôi kéo thằng con cả là tôi vào lòng nói chuyện như nói với người lớn: “Trên người ta nhủ cậu làm hồ sơ để xét phong Anh hùng lao động mà cậu không chịu làm, chỉ nói với mự: Mình làm việc cho tốt là được rồi, anh hùng anh hiếc gì… Cậu mi gàn lắm!” Sau này lớn lên tôi càng hiểu bố hơn: Ông là người không màng gì đến danh lợi. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Có lần ông còn nói với tôi: “Ngọc này! Trong tỉnh định điều cậu vào làm ở ty công nghiệp, làm phó ty. Con muốn cậu đi hay ở nhà?” Ông hỏi vậy để tham khảo thêm từ một đứa con nhỏ còn trong đầu chắc đã có chủ kiến. Chỉ thấy ông vẫn ở quê, vẫn làm chủ nhiệm Bình Quang cho mãi đến năm cả nhà tôi rời Thái Yên lên miền Tây Hà Tĩnh.
Không thích được vinh danh nhưng rất trọng lẽ công bằng. Một lần, tôi thấy bố có vẻ rất giận, nói với tôi: “Có chuyện này Cậu nhất định phải làm”. Rồi tôi thấy ông viết đơn thật: Đơn khiếu nại phòng giao thông huyện ĐT đã lấy cắp bản quyền sáng chế một chiếc máy kích của ông đem tham gia triển lãm công nghiệp tỉnh và đoạt giải nhất. Về sau trong tỉnh vẫn nghe đồn mãi về chuyện này. Bố tôi cũng chẳng làm gì to chuyện khi những người “lỡ sai” đã biết nhận lỗi. Chiếc máy kích này là một công cụ dùng để trợ lực hết sức hiệu quả, bố tôi “Nghĩ ra” để di chuyển cả một bãi gỗ lớn từ Bến cưa đi nơi khác. Chả là lúc bấy giờ, vì việc cần phải làm lại xưởng cưa gỗ, đưa việc xẻ gỗ bằng tay của những người thợ xẻ sang xẻ máy công nghiệp. Có một công việc tưởng chừng như không thể làm được vì quá phiền phức và khó khăn là chuyển một khối lượng gỗ lớn từ bến cũ về nơi mới cách đó chừng năm trăm mét. Trong Ban quản trị nhiều người không đồng tình vì cho rằng đấy là việc không thể. Bố tôi đảm nhận trước Hợp tác với một lí lẽ đơn giản: “Không thể cứ còng lưng kéo cưa mãi được, phải đưa máy móc vào, phải giải phóng sức lao động, thay đổi cách làm ăn”. Chính vì thế mà ông đã đi rất nhiều nơi để học hỏi, để làm theo những điển hình tiên tiến. Ông đã nghĩ ra chiếc kích đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Một mình ông với sự phụ giúp của tôi, sau một thời gian không lâu đã chuyển được toàn bộ bãi gỗ khổng lồ từ Bến cưa sang nơi mới. Chiếc kích ấy khi Phòng giao thông ĐT lấy để triển lãm được thuyết minh là một công cụ trợ lực cải tiến dùng để kéo cả những dầm cầu nặng bắc qua sông một cách nhẹ nhàng, thay cho cả hàng chục người lực lưỡng.
(Còn nữa)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới